Ngày: Tháng Bảy 5, 2018

BÀI 7. CÓ THỂ TRỞ VỀ ĐƯỢC KHÔNG? (GV-HV)

BÀI 7. CÓ THỂ TRỞ VỀ ĐƯỢC KHÔNG? (GV-HV)

in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 5 Tháng Bảy, 2018

 

BÀI 7. CÓ THỂ TRỞ VỀ ĐƯỢC KHÔNG? (GV)

I. KINH THÁNH: Sáng 30 đến 33:1-16.

II. CÂU GỐC: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đã đến lúc Gia-cốp trở về nhà, làm hòa với anh mình sau 20 năm xa cách.

– Cảm nhận: Biết tha thứ và làm hòa với người khác, sẽ được Đức Chúa Trời nhậm lời cầu xin.

– Hành động: Có tinh thần làm hòa và sẵn sàng tha thứ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. CHUẨN BỊ.

1. Một vài câu hỏi để ôn lại bài trước. Tại sao Gia-cốp phải chạy trốn khỏi nhà? Tâm trạng của ông lúc ra đi như thế nào? Dọc đường, ông thấy gì?…

2. Giấy màu, kéo, hồ… để làm thủ công.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

(Ôn qua bài học trước).

Gia-cốp rời khỏi nhà ra đi là để trốn Ê-sau. Sau khi Gia-cốp nằm chiêm bao gặp Đức Chúa Trời, thì ông biết rằng con đường phía trước có Đức Chúa Trời gìn giữ, và Ngài hứa ở cùng ông. Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa, nên Gia-cốp bình an đi tới Cha-ran.

  1. Bài học.

Trước khi Gia-cốp ra đi, mẹ chàng có hứa rằng hễ khi nào thấy Ê-sau hết giận, thì cho Gia-cốp biết để trở về nhà. Nhưng ngày qua ngày, Gia-cốp không nhận được tin tức gì từ gia đình cả. Tại Cha-ran, Gia-cốp làm thuê cho cậu mình. Sau đó cưới hai cô con gái của cậu, và sanh con. Đức Chúa Trời ban phước cho Gia-cốp khiến ông trở nên giàu có. Trong những năm ở với cậu, tài sản của Gia-cốp tăng dần. Ông có nhiều chiên bò, lạc đà, lừa và đầy tớ, vì thế có nhiều người ganh tị và ghét Gia-cốp.

(1) Gia-cốp trở về nhà cha.

Gia-cốp xa quê hương đã hai mươi năm rồi. Một hôm, các con trai của cậu bày tỏ thái độ ghen ghét và tức giận. Chính lúc nầy, Đức Chúa Trời phán dặn Gia-cốp trở về nhà cha ở Ca-na-an. Về nhà cha tức là phải gặp Ê-sau. Nhưng Ê-sau chưa hết giận và chưa tha thứ cho ông, thì làm sao đây? Tâm trạng của Gia-cốp khi nghe Chúa phán, vừa vui mừng vừa lo sợ. Vui mừng vì được rời khỏi nơi đây, nơi mà Gia-cốp bị cậu lường gạt để bóc lột sức lao động, lo sợ vì phải đối đầu với Ê-sau. Nhưng Đức Chúa Trời hứa sẽ ở cùng, giúp đỡ, nên Gia-cốp cũng vững lòng.

Gia-cốp quyết định trở về quê hương. Ông đem chuyện nầy ra bàn với hai vợ mình là Lê-a và Ra-chên, thì hai bà nói rằng: “Chàng hãy làm theo mọi lời Đức Chúa Trời đã phán dạy” (Sáng 31:16b).

Thế là Gia-cốp âm thầm gói ghém tất cả tài sản mình, cùng vợ con lên đường đi về xứ Ca-na-an, trong khi La-ban cậu mình không có ở nhà. Lúc ra đi, Ra-chên, người vợ mà Gia-cốp yêu thương đã ăn cắp pho tượng thờ trong nhà của cha mình và giấu dưới bành lạc đà. Gia-cốp không hay biết việc làm của Ra-chên.

Ba ngày sau khi Gia-cốp ra đi, La-ban mới biết, và cũng phát hiện pho tượng đã bị đánh cắp, nên càng tức giận hơn. Lập tức, ông cho người nhà của mình đuổi theo Gia-cốp, nhưng trên đường đi, Đức Chúa Trời phán với La-ban không được làm hại Gia-cốp và người nhà của ông.

Cuối cùng, La-ban cũng đã đuổi kịp Gia-cốp nơi ông đóng trại để cho người và súc vật nghỉ ngơi. La-ban rất giận dữ, khi tìm khắp trại mà không thấy các pho tượng đã bị đánh cắp. Thật ra La-ban không chỉ tức giận vì mất các pho tượng, mà còn tức giận về việc cả gia đình Gia-cốp bỏ đi mà không cho ông biết. Sau khi bàn bạc, Gia-cốp và La-ban cùng thỏa thuận lập giao ước với nhau, là hai bên không thù hận nhau nữa. Sáng sớm hôm sau, La-ban từ giã con cháu mình rồi trở về xứ Cha-ran, còn Gia-cốp tiếp tục lên đường về xứ Ca-na-an.

   (2) Gia-cốp chuẩn bị để gặp Ê-sau.

Nếu các em đi xa nhà một thời gian dài, và khi trở về gần đến nhà, thì tâm trạng của các em lúc đó sẽ ra sao? Càng về gần đến nhà, Gia-cốp càng bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm xưa, nhưng không thể không hồi hộp, lo lắng. Cảnh vật có thay đổi, nhưng sự hận thù của Ê-sau có thay đổi không, khi đã 20 mươi năm rồi? Gia-cốp rất mong được trở về nhà, nhưng cũng rất lo sợ khi phải gặp Ê-sau. Vì thế, ông sai người đi trước để gặp Ê-sau, báo tin ông trở về.

Gia-cốp biết rõ một điều là phải làm hòa với anh mình trước, thì mới trở về nhà bình an. Giờ đây, ông đang nóng lòng chờ đợi tin tức của các sứ giả mà mình đã sai đi.

Vài ngày sau, các sứ giả trở về và nói cùng Gia-cốp rằng: “Chúng tôi đã đến Ê-sau, anh của chủ; nầy, người đương đem bốn trăm người đến để rước chủ”.

Không ai dám nghĩ rằng đây là hành động hòa bình. Thật ra, một người đang căm giận mà mang theo bốn trăm người đến, thì thật khinh khủng. Gia-cốp rất run sợ, ông cho là Ê-sau đem bốn trăm người đến để trả mối thù hai mươi năm về trước. Trong khiếp sợ, Gia-cốp làm ba việc:

Việc thứ nhất: Ông chia người nhà, đầy tớ và súc vật thành hai đội. Nếu Ê-sau hãm đánh một trong hai đội, thì đội còn lại có thể chạy thoát được.

Việc thứ hai: Gia-cốp cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Ông trình bày với Chúa nỗi sợ hãi và lo âu của mình, cầu xin Ngài bảo vệ.

Việc thứ ba: Gia-cốp chuẩn bị một món quà thật lớn để làm hòa với Ê-sau. Trong đó có: Hai trăm hai mươi con dê, hai trăm hai mươi con chiên, ba chục lạc đà cái có con đang bú, bốn chục bò cái và mười bò đực, hai chục lừa cái và mười lừa con (Ghi trên bảng). Gia-cốp phân chia bầy súc vật ra từng nhóm và giao cho các đầy tớ dẫn đi trước, bầy nầy cách bầy kia một khoảng, dặn kỹ khi gặp Ê-sau thì nói: “Đây là quà của Gia-cốp, gởi dâng cho Ê-sau. Người đang theo sau”.

Khi các đầy tớ mang quà đi rồi, Gia-cốp và gia đình vẫn còn ở lại đó. Ban đêm, ông thao thức không ngủ được, nên đánh thức hai vợ, hai con đòi và mười một người con của mình, dẫn qua rạch Gia-bốc, nơi mà Gia-cốp cho là an toàn. Xong xuôi, một mình ông ở lại trại. Kinh Thánh chép rằng, Gia-cốp vật lộn với một người trong lúc đang cầu nguyện, cho đến gần sáng và bị người đó đánh trẹo xương hông. Lúc nầy ông mới biết đó là thiên sứ của Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài ban phước. Sau khi xưng tội, ông được Chúa đổi tên là Y-sơ-ra-ên, có nghĩa “Vật lộn cùng Đức Chúa Trời”. Gia-cốp đã được Đức Chúa Trời tha thứ, bây giờ, ông cần được Ê-sau tha thứ.

 (3) Gia-cốp và Ê-sau gặp nhau.

Buổi sáng hôm sau, Gia-cốp nhìn thấy một đoàn người đông, từ xa đi tới phía mình, thì nhận biết đó là Ê-sau cùng bốn trăm người đi theo. Gia-cốp đi trước và sấp mình xuống đất bảy lần, cho tới khi đến gần anh mình. Điều Gia-cốp không thể ngờ là Ê-sau chạy đến trước và ôm chầm lấy em mình mà hôn, rồi cả hai đều khóc. Thế là mối thù hai mươi năm đã được giải quyết, Ê-sau tha thứ cho người em đã lường gạt mình.

Khi Ê-sau nhìn thấy nhiều người đứng xung quanh, thì hỏi Gia-cốp: “Những người nầy là ai vậy?” Gia-cốp đáp rằng: “Đó là vợ con mà Đức Chúa Trời đã ban cho em”. Đây là lần đầu tiên các con của Gia-cốp gặp bác của mình.

Ê-sau muốn dẫn Gia-cốp và gia đình đi đến chỗ mình cư ngụ, nhưng vì các con của Gia-cốp còn nhỏ và bầy súc vật còn non yếu, không thể đi nhanh được. Do vậy, Ê-sau phải đi về trước. Hai anh em chia tay nhau, không phải ở trong thù hận, mà ở trong sự tha thứ và yêu thương.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Nếu Ê-sau không tha thứ, và Gia-cốp không biết nhận lỗi, thì chắc chắn không có cảnh gặp xúc động mà các em mới vừa học trên đây. Chúa muốn các em có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương và tha thứ, không ích kỷ, không giành phần lợi cho riêng mình…, không chỉ đối với người thân trong gia đình, mà còn đối với bạn bè nữa. Khi các em phạm lỗi với người khác, thì sẵn sàng xin lỗi. Muốn có được đức tính đó, các em phải mời Chúa ngự trị trong lòng luôn luôn. Xin Chúa giúp đỡ các em.

BÀI 7.  CÓ THỂ TRỞ VỀ ĐƯỢC KHÔNG?  (HV)

 I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 30 – 33:1-16.

II. CÂU GỐC: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

III. BÀI TẬP.

1. Em hãy làm các bài tính nầy và sau đó điền vào chỗ trống bằng đáp số đã tính toán được, theo thứ tự. Em sẽ có được một câu chuyện hoàn chỉnh.

a. 100 + 100 + 200 =

b. 800 : 2 =

c. 120 + 150 + 40 + 10 + 30 =

d. 10 – 3 =

e. 5 x 4 =

Gia-cốp dẫn cả gia đình đi từ Cha-ran về xứ Ca-na-an, một đường dài thật dài đến (a)____ dặm. Khi về gần đến nhà, Gia-cốp cho người đi trước để dò xét tình hình của Ê-sau. Ê-sau biết Gia-cốp trở về, nên mang theo (b)____ người đến đón. Gia-cốp gởi tặng cho Ê-sau món quà hòa bình, tổng cộng là (c)______ súc vật.

Ngày hôm sau, hai anh em gặp mặt nhau. Gia-cốp vừa đi vừa sấp mình xuống đất (d)_____ lần cho đến khi tới gần Ê-sau. Hai anh em đã ôm hôn nhau. Cuối cùng đã kết thúc sự hận thù kéo dài (e)___ năm.

1. Ai là người nói dối?

“Thanh và Nhã là đôi bạn học cùng một lớp. Hai bạn ấy chơi thân với nhau lắm, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Hai bạn không nói chuyện với nhau, vì Thanh cho rằng Nhã đã lừa dối mình.

Nguyên do là tuần trước, Nhã phải nộp bài tập làm văn, nhưng không biết viết như thế nào, liền nhờ Thanh. Thanh vốn giỏi văn, nên viết thay cho bạn. Kết quả, bài tập làm văn của Nhã được thầy giáo khen, và được dán lên bảng cho các bạn trong lớp cùng đọc.

            Nhã rất vui mừng chạy về nhà khoe với bố, mẹ. Mẹ Nhã gọi điện thoại báo cho ông bà ngoại biết và ông bà ngoại hứa sẽ thưởng cho Nhã một con thú nhồi bông thật to. Trong khi đó, Nhã không nói một lời nào để cảm ơn Thanh. Thanh rất bực mình, ghét và không nói chuyện với Nhã nữa”.

 

Theo em, Thanh và Nhã ai đúng ai sai? Nếu là Thanh và Nhã, thì em sẽ xử sự như thế nào? Làm cách nào để hai bạn hòa nhau?

 

BÀI 7.  CÔNG BỐ MẠNG LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV-HV)

BÀI 7.  CÔNG BỐ MẠNG LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 5 Tháng Bảy, 2018

 

BÀI 7.  CÔNG BỐ MẠNG LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI  (GV)

 I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 20:1-3, 7-10, 12-17.

II. CÂU GỐC: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh.

– Cảm nhận: Là con dân của Chúa, chúng ta phải vâng theo mệnh lệnh của Ngài.

– Hành động: Em hết lòng vâng giữ mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* “Ai ra lệnh?”

1. Cho các em mở sách học viên bài 7, làm bài tập “Ai ban mạng lệnh?” Hướng dẫn các em trước hết đọc mạng lệnh, sau đó hỏi: Ai ra lệnh? Rồi dùng viết gạch nối lại với nhau cho đúng (Đáp án: Cha (4), mẹ (3), chú tài xế (1), cô giáo (2).

2. Giúp các em suy nghĩ: Ở nhà có qui tắc gì? Ở trường có nội qui gì?

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình trong trang tài liệu 10 và 11. Dùng giấy cứng cắt thành hình hai tấm bảng đá (như hình dưới), ghi Mười Điều Răn lên trên).

  1. Vào đề.

Kinh Thánh là quyển sách Đức Chúa Trời ban cho con người, trong đó ngoài những lời hứa của Đức Chúa Trời còn có mạng lệnh của Ngài. Mạng lệnh là gì? (Cho các em trả lời). Đó là qui tắc phải tuân theo. Mạng lệnh của Đức Chúa Trời là những qui tắc mà Đức Chúa Trời căn dặn con người tuân giữ. Giống như ở nhà chúng ta phải nghe theo mệnh lệnh của ba mẹ, ở trường chúng ta phải vâng theo mệnh lệnh của thầy cô vậy. Ở nhà có nội qui trong nhà; ở trường có nội qui trong trường, chúng ta là con cái, là học sinh thì phải tuân theo. (Có thể cho các em nêu ra một số qui tắc trong gia đình và trong trường học).

Như vậy ai phải vâng giữ mạng lệnh của Đức Chúa Trời? (Cho các em trả lời). Tại sao chúng ta phải tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời? Trước hết cô (thầy) sẽ kể cho các em nghe câu chuyện nầy nhé, sau đó các em sẽ hiểu rõ về vấn đề nầy hơn.

  1. Bài học.

Các em còn nhớ Gia-cốp không? Các em có nhớ Đức Chúa Trời ban cho ông một cái tên mới là gì không? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, Gia-cốp còn có tên là Y-sơ-ra-ên.

Khi Gia-cốp đã già, trong xứ xảy ra một cơn đói kém rất lớn, ông dời cả gia đình đến Ai-cập ở để tránh nạn đói đang hoành hành tại quê hương. Không ngờ gia tộc của Gia-cốp đã ở tại đó bốn trăm ba mươi năm, con cháu ngày càng đông đúc, dân Ai-cập gọi họ là người “Y-sơ-ra-ên”.

Dân Ai-cập lo sợ khi thấy người Y-sơ-ra-ên ngày càng cường thịnh. Họ bắt người Y-sơ-ra-ên phải làm nô lệ khổ nhọc tại Ai-cập (cho các em xem hình), họ còn giết tất cả những bé trai Y-sơ-ra-ên mới sinh. Các em thấy có bi thảm không? (Dừng lại giây lát). Có cách nào để người Y-sơ-ra-ên thoát ra khỏi cảnh đó? Đây không phải là quê hương của họ! Các em thử nghĩ xem, họ có thể làm gì? (Cho các em trả lời). Họ không thể làm gì hơn ngoài việc cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu!

Đức Chúa Trời nghe lời kêu cầu của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài sai Môi-se đến xin Pha-ra-ôn cho phép dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi đất nước Ai-cập. Nhưng vua Ai-cập không cho họ đi. Mãi đến khi Đức Chúa Trời giáng mười tai vạ xuống Ai-cập, Pha-ra-ôn mới để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Thử nghĩ xem, nếu em là người Y-sơ-ra-ên, em có cảm tạ Đức Chúa Trời không? (Cho các em trả lời).

Dân Y-sơ-ra-ên vui mừng đi theo Môi-se trở về Đất Hứa. Đi được khoảng ba tháng, đến chân núi Si-nai, họ dừng lại đóng trại tại đó nghỉ ngơi. Bỗng, họ nghe trên núi có tiếng sấm chớp vang động, họ thấy mây giăng mù mịt và tiếng kèn thổi vang rền. Việc gì xảy ra vậy? (Ngừng một lát, trình bày hình vẽ Đức Chúa Trời ngự trên núi Si-nai). À, thì ra Đức Chúa Trời giáng lâm trên núi để nói chuyện với dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời bảo Môi-se: “Hãy lên núi, Ta sẽ truyền mạng lệnh của ta cho ngươi, rồi ngươi sẽ truyền lại mạng lệnh của ta cho dân Y-sơ-ra-ên”. Môi-se liền lên núi, Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn lên tấm bảng đá giao cho Môi-se. (Trình bày bảng Mười Điều Răn cho các em đọc lớn, rập ràng).

Nếu các em là người Y-sơ-ra-ên, các em có sẵn lòng vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời không? Tại sao? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, bởi vì Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ, Ngài luôn thương yêu họ.

Đức Chúa Trời cũng yêu thương chúng ta, cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi. Mạng lệnh của Ngài rất có ích cho chúng ta, giúp chúng ta sống đẹp lòng Ngài. Các em có biết làm thế nào nhận biết mạng lệnh của Đức Chúa Trời không? Đúng rồi, tất cả mạng lệnh của Đức Chúa Trời đều được ghi trong Kinh Thánh (đưa quyển Kinh Thánh lên). Đọc, học Kinh Thánh sẽ giúp các em biết mạng lệnh của Đức Chúa Trời, xin Chúa giúp em luôn biết vâng theo mạng lệnh của Ngài.

  1. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách trả lời những câu hỏi: Nếu em nhận người khác làm ba mẹ thì ba mẹ em có phản ứng gì? Đức Chúa Trời muốn chúng ta chỉ thờ phượng một mình Ngài, em thấy điều đó có đúng không?

Hướng dẫn các em làm bài tập “Ai đã tuân theo Điều Răn thứ nhất?” Trước hết thảo luận về các hành động trong hình vẽ, sau đó chọn lựa điều nào đúng. Cuối cùng cho các em diễn lại cảnh Môi-se nhận Mười Điều Răn trên núi Si-nai. Một em đóng vai Môi-se, tay cầm bảng Mười Điều Răn, đọc rõ ràng, chậm rãi. Các em khác đóng vai dân Y-sơ-ra-ên chăm chú lắng nghe.

BÀI 7.  CÔNG BỐ MẠNG LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

 I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 20:1-3, 7-10, 12-17.

II. CÂU GỐC: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3).

III. BÀI TẬP.

A. AI RA MỆNH LỆNH.

Cha   Không được chạy đùa trên xe.

Mẹ     Ngày mai kiểm tra, về nhà nhớ ôn bài nhé!

Bác tài xế Đến giờ ăn rồi, mau phụ giúp lấy chén dĩa.

Cô giáo    Chưa làm xong bài, không được coi tivi.

B. AI TUÂN THEO ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT?

Đến Hội Thánh cùng thờ phượng Chúa với các con cái Chúa.

Thờ cúng tổ tiên.

Cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

BÀI 7. CON TRAI CỦA QUAN THỊ VỆ (GV-HV)

BÀI 7. CON TRAI CỦA QUAN THỊ VỆ (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ II. 2016 on 5 Tháng Bảy, 2018

 

BÀI 7. CON TRAI CỦA QUAN THỊ VỆ (GV)

I. KINH THÁNH: Giăng 4:46-53.

II. CÂU GỐC: “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, con của ngươi sống” (Giăng 4:50).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu có quyền năng giúp con trai của quan thị vệ khỏi chết.

– Cảm nhận: Không có điều gì mà Chúa Giê-xu không làm được.

– Hành động: Tin và nhờ cậy Chúa trong mọi sự.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Cho các em đóng vai bác sĩ, bệnh nhân. Qua đó nhắc nhở các em khi bệnh, không chỉ xin bác sĩ chữa bệnh mà còn phải không ngừng cầu nguyện, xin Chúa Giê-xu chữa lành cho mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em ơi, có lần nào các em bị bệnh chưa? (Cho các em trả lời. Có nhiều loại bệnh, ví dụ: Những loại bệnh nhẹ như ho, sốt, sổ mũi, giun sán… những loại bệnh nặng như phổi, ruột thừa, đau gan…

Bệnh nhẹ có thể mau được lành, còn bệnh nặng có nhiều lúc nguy hiểm đến tính mạng. Cô tin rằng các em đều nhớ, khi các em bị bệnh, chắc là không vui đâu, phải không? Mẹ bắt các em phải nằm nghỉ trên giường, không được chạy nhảy, không được ăn kẹo, kem hay nhiều thức ăn ngon khác, mà còn phải uống thuốc đúng giờ nữa. Như vậy có em nào thích bị bệnh không? Chắc là không em nào muốn đâu, phải không? Bây giờ cô (thầy) muốn biết các em khi bị bệnh thì như thế nào? (Cho các em phát biểu, nếu giáo viên thấy các em ngại, thì gợi ý cho các em nói chứ đừng trả lời thay, giúp các em tập suy nghĩ và nói lên những suy nghĩ của mình). Câu chuyện hôm nay nói về một cậu bé bị bệnh rất nặng và điều gì sẽ đến với cậu đây? Các em hãy lắng nghe nhé.

  1. Bài học.

Ngày xưa, ở thành Ca-bê-na-um có một ông quan thị vệ (một quan lớn) có một cậu con trai. Ông rất yêu thương người con nầy. Nhưng ông quan thị vệ đang rất lo lắng và buồn vì con trai ông bị bệnh rất nặng và sắp chết. Ông bà rất nôn nóng, tìm thầy thuốc khắp nơi, nhưng cũng không làm cho con mình được hết bệnh.

Một hôm, trên đường đi, ông nghe có hai người Giu-đa nói chuyện. “Nầy bạn, bạn có nghe tin Chúa Giê-xu từ xứ Giu-đê đến Ga-li-lê không?” Người kia hỏi lại: “Chúa Giê-xu là ai? Ngài đến Ga-li-lê để làm gì?”À, bạn không biết Chúa Giê-xu sao? Ngài là Đấng từ Đức Chúa Trời sai đến. Có người tin Ngài là Con Đức Chúa Trời. Ngài đã làm nhiều phép lạ ở các nơi. Nếu bạn muốn gặp thì hãy đi theo tôi”. Người kia vội hỏi: “Phép lạ ra sao, kể cho tôi nghe với”. “Bạn không biết gì sao? Được rồi, để tôi kể cho bạn nghe. Ngài đã biến nước thành rượu, đã chữa lành người mù từ thuở sanh ra…” Quan thị vệ nghe vậy, dường như thấy được ánh sáng chiếu ra trong đêm tối. Lòng ông vui không tả nổi, còn hơn là được nhiều vàng bạc châu báu. Ông lập tức chạy về nhà và nói với vợ: “Bây giờ tôi phải  đi gấp đến Ga-li-lê để tìm Chúa Giê-xu. Tôi tin rằng Ngài sẽ chữa lành bệnh cho con của chúng ta”. Nói xong, ông nhanh chóng ra đi.

Từ nơi ông ở phải đi rất xa mới có thể tìm gặp được Chúa. Khi gặp được rồi, thì ông cầu xin Chúa: “Thưa Chúa, con tôi bị bệnh sắp chết rồi. Xin Ngài chữa giùm cho con tôi”. Chúa Giê-xu nhìn người rồi nói: “Hãy đi, con của ngươi sống”.

Quan thị vệ Ca-bê-na-um nghe vậy thì vui lắm và tin lời của Chúa Giê-xu, không chút nghi ngờ, dù chẳng thấy Ngài làm gì cả ngoài một câu nói mà thôi. Lòng tin của ông nơi Chúa thật mạnh mẽ, phải không các em? Chúa Giê-xu cũng ngạc nhiên và khen ông khi thấy lòng tin của ông như vậy.

Ông liền quay trở về nhà. Trên đường về, người đầy tớ của ông chạy đến báo: “Ông chủ, con trai của ông lành bệnh rồi!” Ông mừng rỡ nói: “Chính Chúa Giê-xu chữa lành cho con tôi. Ngài làm cho nó được sống. Cảm tạ Ngài!” “Ba ơi cho con biết Chúa Giê-xu là ai?” Con trai của ông hỏi. “Ngài là Đấng mà Đức Chúa Trời sai đến. Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Ngài đã làm nhiều phép lạ. Hôm nay, Ngài đã làm phép lạ cho gia đình chúng ta, làm sao mà chúng ta không tin Ngài”. Ông nói với lòng vui mừng, đầy sự cảm tạ Chúa.

  1. Ứng dụng.

Các em ơi, các em đừng quên Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời. Ngài có thể khiến người chết được sống.

Khi các em bị bệnh, các em nên cầu xin Chúa chữa bệnh cho. Phải nhớ là trong mọi sự, phải nhờ cậy Chúa, bởi vì Chúa là Đấng yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho em.

Bài 7.  CON TRAI CỦA QUAN THỊ VỆ (HV)

 I. KINH THÁNH: Giăng 4:46-53

I. CÂU GỐC: “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, con của ngươi sống” (Giăng 4:50).