Latest News From Our Blog

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (GV-HV)

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (GV-HV)

By andynguyen in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 9 Tháng Bảy, 2018

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (GV)

 I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 41,42.

II. CÂU GỐC: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Trong mọi sự, Giô-sép vẫn tin cậy Đức Chúa Trời, nên Ngài ban thưởng cho Giô-sép.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời không bao giờ quên con cái Ngài.

– Hành động: Yêu mến và phó thác cuộc sống, tương lai cho Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Viết sẵn Thi Thiên 139:1-12 lên bảng. Viết to, rõ ràng để các em có thể thấy được. Sau đó cho các em biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ quên các em, vẫn ở cùng và giúp đỡ trong hoạn nạn. Vì thế, chúng ta phải ca ngợi Đức Chúa Trời. Ngày xưa, người Do thái xem Thi Thiên là những bài ca ngợi Chúa và họ thường đọc trong khi thờ phượng. Hôm nay, các em sẽ ca ngợi Chúa Thi Thiên 139:1-12. Nói rõ cho các em cách đọc như sau.

– Ngưng ở những nơi có dấu /.

– Đọc to và nhanh ở những chỗ có dấu – gạch dưới.

– Nhỏ và nhẹ nhàng ở những chỗ có dấu ~ gạch dưới.

– Ghi rõ những câu Kinh Thánh nào là tổ một đọc, những câu Kinh Thánh nào là tổ hai đọc, những câu Kinh Thánh nào đọc chung.

– Chia các em thành hai tổ, đọc theo qui ước như trên. Cho các em ngồi thẳng lưng, ngẩng cao đầu khi đọc, và hòa lòng vào phân đoạn Kinh Thánh nầy.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề.

Các em thân mến! Khi các em xin cha mẹ một điều gì đó, mà cha mẹ vì bận rộn công việc chưa làm được, thì các em cảm thấy như thế nào? (Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng cha mẹ không quan tâm, không thương… Lắng nghe ý kiến của các em). Các em đừng buồn, chị nghĩ rằng cha mẹ rất yêu thương và quan tâm đến các em. Nếu có sự chậm trễ xảy ra, chắc chắn phải có lý do hợp lý mà các em không hiểu tới, chứ không phải ba mẹ không yêu thương các em đâu. Trong phương diện tâm linh, Đức Chúa Trời là cha, Ngài cũng không bao giờ quên các em. Đời sống Giô-sép sẽ cho các em thấy điều đó.

  1. Bài học.

(1) Giô-sép ra khỏi tù.

Hai năm sau, Pha-ra-ôn nằm chiêm bao thật là lạ, và khi thức dậy, vua cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Tức thì, tất cả những người thông minh tài giỏi nhất xứ Ai-cập đều được mời đến, để giải thích ý nghĩa của giấc chiêm bao. Nhưng không một ai có thể giải nghĩa được. Không khí trong cung điện trở nên căng thẳng, vì Pha-ra-ôn rất bực dọc. Các quan cận thần không biết phải làm sao, bỗng nhiên vị quan dâng rượu sực nhớ đến giấc mơ của mình hơn hai năm trước, và chàng trai trẻ đã giải nghĩa giấc mơ cho mình, đang ở trong tù. Vị quan dâng rượu vội vàng tâu với vua và lập tức tù nhân Giô-sép được thả ra.

(2) Giô-sép gặp vua.

Ra khỏi nhà giam với tâm trạng vui mừng lẫn hồi hộp, Giô-sép biết chắc Đức Chúa Trời không bao giờ quên chàng. Dù không biết điều lành hay điều dữ sẽ chờ đợi mình khi gặp Pha-ra-ôn, nhưng Giô-sép tin rằng Đức Chúa Trời đang dẫn dắt ở phía trước.

Giô-sép được sửa soạn tươm tất, ăn mặc chỉnh tề và ra mắt Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn nói: “Ta nghe nói ngươi có tài giải nghĩa giấc mơ, nên ta cho gọi ngươi đến đây, vì ta mơ một giấc mơ lạ mà không có ai giải nghĩa được”. Giô-sép đáp: “Tâu bệ hạ, tôi không có tài đó. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ giải nghĩa giấc mơ nầy cho bệ hạ”.

Lúc trước, Giô-sép hay khoe điềm chiêm bao của mình, nhưng bây giờ đứng trước Pha-ra-ôn là người không tin Đức Chúa Trời, Giô-sép đã tôn cao Chúa và giành sự vinh hiển cho Ngài. Những ngày tháng gian khổ đã rèn luyện Giô-sép trưởng thành hơn, trong sự nhận biết Chúa.

Pha-ra-ôn thuật lại cho Giô-sép giấc mơ của mình. “Trẫm thấy từ dưới sông đi lên bảy con bò mập tốt, đứng ăn cỏ trên bờ. Bỗng nhiên, có bảy con bò khác gầy guộc cũng từ dưới sông đi lên, ăn thịt bảy con bò béo tốt. Ăn xong rồi mà vẫn thấy gầy guộc. Sau đó, ta lại thấy bảy gié lúa chắc mọc lên từ một cây lúa, rồi xuất hiện bảy gié lúa lép, bị gió thổi héo. Bảy gié lúa lép nuốt chửng bảy gié lúa chắc”.

Giô-sép lắng nghe điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn, thì tâu rằng: “Hai giấc mơ của bệ hạ đều có ý nghĩa giống nhau. Đức Chúa Trời báo trước cho bệ hạ những việc Ngài sẽ làm. Trong xứ sẽ có bảy năm được mùa dư dật, nhưng bảy năm tiếp theo sẽ có đói kém lớn. Bệ hạ nên chọn một người thông minh sáng suốt, lập làm tể tướng. Người nầy có trách nhiệm thu mua lương thực, tồn trữ vào kho trong bảy năm được mùa, để chuẩn bị cho bảy năm đói kém. Như thế, xứ của bệ hạ sẽ không bị nạn đói kém làm cho điêu tàn”.

Pha-ra-ôn rất vui lòng với lời lẽ khôn ngoan của Giô-sép, và vua nhận thấy trong đất nước mình không có ai tài giỏi hơn chàng trai trẻ nầy. Giô-sép là người thích hợp nhất để chọn làm tể tướng. Pha-ra-ôn nói cùng Giô-sép: “Ngươi có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vậy, ngươi  sẽ lên cai trị đất nước của trẫm. Toàn dân sẽ vâng theo mệnh lệnh của ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi”. Nói xong, vua tháo chiếc nhẫn trên tay mình, đeo vào tay Giô-sép (chiếc nhẫn biểu tượng cho uy quyền của vua), truyền đem áo cẩm bào mặc vào và đeo dây chuyền vàng vào cổ cho Giô-sép.

(3) Giô-sép làm tể tướng Ai-cập.

Thật là một sự đổi thay quá lớn đối với Giô-sép, mà chàng không bao giờ nghĩ tới. Từ một tù nhân trở thành tể tướng xứ Ai-cập, nắm quyền cai trị toàn đất nước. Bây giờ Giô-sép có quyền hành trong tay, đi đến đâu cũng được dân trong xứ quỳ lạy và tôn trọng. Trong bảy năm được mùa, Giô-sép làm việc rất bận rộn. Chàng đi đến vùng nào, thì thu mua lúa mì và chở về khu trung tâm của vùng đó. Lương thực được thu mua nhiều không xiết kể, chứa đầy các kho của Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã ban cho Giô-sép địa vị cao trọng nhất xứ Ai-cập, được giàu có, quyền thế và gia đình hạnh phúc.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Cuộc đời của Giô-sép là bằng chứng về lòng thương xót của Chúa. Ngài không hề quên Giô-sép đang ở trong hoạn nạn và đúng thời điểm, Ngài đưa Giô-sép ra khỏi cơn hoạn nạn đó. Bởi lòng tin cậy Chúa, Đức Chúa Trời ban cho Giô-sép tất cả mọi sự, mà người khác dẫu mơ ước cũng không thể có được. Giấc mơ của Pha-ra-ôn, sự ra khỏi ngục một cách kỳ diệu, giải nghĩa giấc mơ một cách khôn ngoan và việc phong chức Giô-sép làm tể tướng… không phải là do sự may rủi, nhưng hoàn toàn do sự sắp xếp của Đức Chúa Trời, để bày tỏ cho Giô-sép thấy rằng, Ngài không bao giờ quên chàng. Có em nào ngồi đây đang ở trong sự khó khăn, hoạn nạn không? (Cho các em chia sẻ những khó khăn hoạn nạn của mình, nếu có). Các em nên nhớ rằng Chúa không bao giờ quên các em. Ngài biết tình trạng của mỗi em, để yêu thương và an ủi. Đúng thời điểm, Chúa sẽ đưa các em ra khỏi khó khăn, hoạn nạn và làm những điều hết sức kỳ diệu, đến nỗi các em không thể ngờ được. Khi những lời cầu xin của các em chưa được Chúa trả lời, thì đừng nghĩ rằng Chúa đã quên các em rồi. Không, Ngài không quên các em đâu. Chúa đang hành động mà các em không biết đó chứ! Ngài không quên các em, cũng như Ngài không quên Giô-sép vậy. Bây giờ, các em cùng đọc câu gốc của tuần lễ nầy và cầu nguyện cảm tạ Chúa, phó thác cuộc sống mình cho Ngài.

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (HV)

 I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 41 – 42.

II. CÂU GỐC: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15).

III. BÀI TẬP.

1. Ân tứ Đức Chúa Trời ban cho em.

Em đánh dấu “X” vào ân tứ nào mà em bằng lòng dâng cho Chúa sử dụng.

2. Đức Chúa Trời ở cùng em.

Viết hay vẽ lại câu chuyện của em hoặc của bạn em, chứng minh sự ở cùng của Đức Chúa Trời.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………3. Câu gốc tuần nầy một lần nữa nhắc nhở em biết, Đức Chúa Trời không bao giờ quên em. Em viết lời cảm tạ để bày tỏ lòng biết ơn Chúa.

 

Post CommentLeave a reply