Latest News From Our Blog

BÀI 5. HÃY TRÔNG ĐỢI CHÚA! (GV-HV)

BÀI 5. HÃY TRÔNG ĐỢI CHÚA! (GV-HV)

By andynguyen in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 16 Tháng Bảy, 2018

BÀI 5. HÃY TRÔNG ĐỢI CHÚA! (GV)

 I. KINH THÁNH: Giô-suê 3-4.

II. CÂU GỐC: “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 27:14).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ở trong hoàn cảnh khó khăn dường như không vượt qua được, Giô-suê và cả dân sự vẫn trông đợi và vâng lời Chúa. Ngài đã thực hiện phép lạ để giúp đỡ họ.

– Cảm nhận: Trông đợi Chúa không bao giờ phải thất vọng.

– Hành động: Em ghi ra những hoàn cảnh phải trông cậy và vâng lời Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

1. Cùng chia sẻ với nhau về những việc Đức Chúa Trời đã giúp đỡ các em, và cả những việc Ngài chưa giúp. Sau đó, cầu nguyện cảm tạ Chúa về những việc Ngài đã giúp đỡ và tiếp tục trông đợi Chúa những việc Ngài chưa giúp đỡ.

2. Dựa theo Xuất Ê-díp-tô Ký 37:1-5, vẽ lên bảng hình của Hòm Giao ước.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

1. Vào đề.

Trong lớp của chúng ta, có bạn rất dạn dĩ, can đảm, nhưng cũng có bạn hay sợ hãi, nhút nhát. Bài học trước, chúng ta học về Ra-háp. Cô là người như thế nào? (Cho các em trả lời).

Hôm nay, chúng ta nói về một khía cạnh khác của sự can đảm, đó là tuyệt đối tin tưởng Đức Chúa Trời luôn ở cùng chúng ta, dù đang có việc gì xảy ra. Ví dụ: Các em dọn đến nơi ở mới, vào một lớp học mới… Các em cảm thấy khó khăn, lo lắng cho những sự đổi mới nầy.

Trong những trường hợp như vậy, các em có nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ không? Có những việc Đức Chúa Trời giúp đỡ tức khắc, nhưng cũng có những việc các em phải trông đợi Chúa. Các em hiểu thế nào là trông đợi không? (Cho các em trả lời). Phải nhẫn nại chờ đợi sự trả lời của Chúa.

Ngày xưa, khi Giô-suê và dân sự đứng trước sự khó khăn, họ đã trông đợi Chúa như thế nào? Bài học nầy sẽ giúp các em rõ nhé!

2. Bài học.

a. Giô-suê và dân sự trông đợi Chúa.

Dân Y-sơ-ra-ên gặp phải một vấn đề khó giải quyết, đó là trước khi tiến vào Đất Hứa, họ phải vượt qua sông Giô-đanh. Thật là khó khăn, vì không có một cây cầu nào bắc qua sông Giô-đanh, cũng không có thuyền, và mọi việc càng tệ hại hơn khi nước sông lại chảy siết. Dân Y-sơ-ra-ên sẽ giải quyết việc nầy như thế nào?

Các em còn nhớ Giô-suê đã sai hai thám tử đến thành Giê-ri-cô để do thám không? Họ phát hiện được gì? (Dân Giê-ri-cô vô cùng hoảng sợ dân Y-sơ-ra-ên).

Dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn đóng trại ở phía đông sông Giô-đanh thuộc xứ Mô-áp (xem bản đồ số 3). Khi hai thám tử trở về báo cáo tình hình, Giô-suê tin chắc chắn Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên thành Giê-ri-cô. Dù tin như vậy, nhưng khó khăn vẫn ở trước mặt. Làm sao đưa được đoàn dân đông đúc nầy vượt qua sông? Giô-suê vẫn đang trông đợi mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh chép: Dân Y-sơ-ra-ên đóng trại bên bờ sông ba ngày thì nhận được chỉ thị của Đức Chúa Trời. Các quan trưởng đi khắp trại quân, truyền lệnh: “Khi các ngươi thấy những thầy tế lễ khiêng Hòm Giao ước của Đức Chúa Trời đi, thì phải bỏ chỗ đóng trại mình mà đi theo sau, Hòm Giao ước đó sẽ dẫn dắt các ngươi” (Cho các em xem hình Hòm Giao ước mà bạn đã vẽ, giải thích đơn giản về Hòm Giao ước).

Các quan trưởng lại dặn tiếp: “Chớ đến gần hòm đó, phải giữ khoảng cách là 800 mét”. Hòm giao ước là thánh khiết, nên cách khiêng hòm rất đặc biệt và không phải ai cũng được đến gần.

Giô-suê và dân sự không biết Đức Chúa Trời sẽ làm gì sau đó, nhưng họ vẫn cẩn thận làm theo lời dặn của Đức Chúa Trời và tiếp tục trông đợi Ngài.

Giô-suê nói với dân sự rằng: “Ngày mai, Đức Giê-hô-va sẽ làm những việc lạ lùng giữa các ngươi”. Hôm ấy là một ngày đặc biệt, nên dân sự phải giữ mình cho thánh sạch.

Cuối cùng, Đức Chúa Trời chỉ cho Giô-suê cách để dẫn dân sự vượt qua dòng sông Giô-đanh đang chảy cuồn cuộn. Đó là khi chân của các thầy tế lễ khiêng Hòm Giao ước đặt xuống nước sông Giô-đanh, thì nước sẽ rẽ ra thành một con đường để dân sự đi qua. Đây là cách hết sức mạo hiểm, đòi hỏi người thực hiện phải tuyệt đối tin tưởng Đức Chúa Trời. Toàn dân dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, quyết tâm trông đợi và vâng lời Chúa.

b. Kết quả của lòng trông đợi Chúa.

Khi các thầy tế lễ khiêng Hòm giao ước tiến lên phía trước, thì dân Y-sơ-ra-ên nhổ trại đi theo sau. Họ rất cẩn thận giữ khoảng cách 800 mét với các thầy tế lễ đang khiêng Hòm Giao ước trên vai, dũng cảm bước về phía sông Giô-đanh.

Các em nghĩ họ có hồi hộp không? Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ xem. Ví dụ như em là một trong số các thầy tế lễ, đang đối diện với dòng sông chảy cuồn cuộn, còn Giô-suê và dân chúng đang cách em 800 mét. Nước sông có ngưng chảy và rẽ ra thật không? Nếu như nước sông vẫn chảy siết và cuốn trôi em, có ai trong số người kia cứu em kịp hay không? (Cho các em nói lên cảm nghĩ của mình).

Nếu các em đã từng được nghe về việc vượt qua biển Đỏ, thì các em có thể so sánh việc qua sông Giô-đanh. Qua biển Đỏ, Môi-se dẫn đầu dân Y-sơ-ra-ên, còn qua sông Giô-đanh, nhà lãnh đạo Giô-suê lại ở phía sau. Đức Chúa Trời nổi gió lớn trên biển Đỏ, làm ai cũng biết rằng Ngài đang hành động, còn sông Giô-đanh không có gió, thậm chí rất tĩnh lặng.

Các thầy tế lễ rất cần sự dũng cảm. Họ tin cậy và vâng lời Đức Chúa Trời nên cứ bước tới trước. Giờ đây, các thầy tế lễ đã tiến đến thật gần bờ sông. Nước vẫn cuồn cuộn chảy siết và chưa thấy việc gì xảy ra. Nhưng khi các thầy tế lễ vừa đặt chân xuống nước, ngay lúc đó, nước sông từ nguồn đổ xuống bỗng ngưng lại, dồn thành một đống giống như bức tường vĩ đại cản nước lại, còn nước dưới sông tiếp tục chảy ra biển cho đến khi lòng sông cạn nước, đáy sông lập tức khô ráo và dân sự đi qua như đi trên đất khô.

Các thầy tế lễ dũng cảm khiêng Hòm Giao ước đi đến giữa lòng sông thì dừng lại, chờ cho dân sự đi qua hết bờ bên kia.

Sau khi người và súc vật đã qua sông bình an, Giô-suê liền sai mười hai người đi đến nơi các thầy tế lễ đang đứng giữa lòng sông, mỗi người vác một hòn đá mang lên bờ, chất thành một đống. Đống đá nầy sẽ là kỷ niệm đời đời, nhắc nhở các thế hệ muôn đời sau nhớ đến việc làm kỳ diệu của Đức Chúa Trời.

Những thầy tế lễ vẫn đứng ở giữa lòng sông cho đến khi làm xong hết những gì Đức Chúa Trời đã dặn. Sau cùng, Đức Chúa Trời bảo Giô-suê truyền cho các thầy tế lễ lên bờ. Khi họ vừa bước lên bờ, lập tức nước sông tràn xuống và chảy cuồn cuộn như cũ.

Đó là một ngày tuyệt vời. Dân sự tận mắt chứng kiến quyền năng của Đức Chúa Trời, nên càng kính sợ Ngài. Đêm đó, dân Y-sơ-ra-ên hạ trại ở Ghinh-ganh, một địa điểm phía đông thành Giê-ri-cô, và đây cũng là nơi Giô-suê sai chất mười hai hòn đá làm kỷ niệm. Họ rất phấn khởi, nhưng cũng rất mệt mỏi nên cần phải nghỉ ngơi. Dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn được bình an khi để lòng trông cậy nơi Chúa.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Khi qua sông Giô-đanh, ai là người can đảm nhất? Theo các em, thì tại sao họ lại can đảm như vậy? (Đợi nghe ý kiến của các em. Cho các em biết họ trông cậy Đức Chúa Trời). Chúa cũng ban cho chúng ta rất nhiều lời hứa. Ngài muốn chúng ta trông cậy Ngài giống như các thầy tế lễ cùng dân Y-sơ-ra-ên cứ bước tới phía trước thì sẽ thấy những việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời làm. Nếu họ không trông cậy Chúa, chắc chắn sẽ không dám bước tới, và dĩ nhiên cũng sẽ không kinh nghiệm quyền năng của Chúa.

Khi Đức Chúa Trời chưa giải quyết những gì chúng ta cầu xin, có phải Ngài không còn yêu thương và giúp đỡ chúng ta nữa không? Không. Đừng nản lòng, cứ tiếp tục trông đợi Chúa. “Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 27:14).

(Cùng các em thảo luận: Trong hoàn cảnh nào cần phải trông đợi Chúa? Cảm nghĩ của các em như thế nào khi phải trông đợi Chúa một thời gian khá dài?). Cho các em mở trong tập học viên, phần “Trông đợi Chúa”, xem kỹ những ý đã liệt kê, rồi giúp các em hiểu ý nghĩa của từ “Trông đợi Chúa”. (Khi các em làm một việc sai trái, hoặc xảy ra một việc không thể cứu vãn được, các em cũng không nên nản lòng. Dầu ở trong hoàn cảnh đầy khó khăn, các em vẫn cứ vâng lời và làm theo lời Chúa, tin chắc Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài và sẽ ban cho các em sự bình an chấp nhận mọi việc xảy ra).

Điều nào khó thực hiện nhất trong những ý kiến trên, các em đánh dấu vào. Sau đó, hoàn thành phần cầu nguyện trong tập. Khi các em gặp phải những khó khăn trong tuần lễ nầy, có thể dùng lời cầu nguyện nầy. Các em bền lòng trông đợi Chúa, chắc chắn sẽ không thất vọng đâu.

BÀI 5. HÃY TRÔNG ĐỢI CHÚA! (HV)

 I. KINH THÁNH: Giô-suê 3,4.

II. CÂU GỐC: “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 27:14).

III. BÀI TẬP.

  1. Phác họa Hòm Giao ước.

Xem những lời mô tả dưới đây, em vẽ một cách đơn giản hình dáng Hòm Giao ước.

Hòm Giao ước là một khối hình chữ nhật, bên ngoài được dát bằng vàng ròng, kẽ đường viền chung quanh. Hai bên hông của Hòm Giao ước có gắn bốn cái khoen bằng vàng, mỗi đầu hai khoen để xỏ hai đòn khiêng vào. Bên trong Hòm có bảng đá ghi 10 điều răn của Đức Chúa Trời, bình mana và cây gậy của A-rôn.

  1. Phóng viên nhí!

Giả sử em là phóng viên có mặt tại sông Giô-đanh hôm ấy. Em sẽ đưa tin gì trên mặt báo?

DÂN Y-SƠ-RA-ÊN DŨNG CẢM VƯỢT SÔNG GIÔĐANH.

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

  1. Trông đợi Chúa.

Trông đợi Chúa bao gồm rất nhiều ý nghĩa. Sau đây là một vài phương pháp trông đợi Chúa. Trong những cách liệt kê dưới đây, em hãy đánh dấu X vào trước câu nào mà em cảm thấy khó thực hiện nhất.

__ Những việc không làm được hoặc đã làm sai, em không nên nản lòng.

__ Khi Đức Chúa Trời chưa trả lời em, em vẫn kiên trì chờ đợi.

__ Tin tưởng Đức Chúa Trời luôn yêu thương em.

__ Tin tưởng Đức Chúa Trời luôn giúp đỡ em.

__ Vui lòng chấp nhận hoàn cảnh trước mắt.

  1. Lời em dâng Chúa.

Em hoàn thành lời cầu nguyện dưới đây.

Chúa Cha yêu dấu, xin giúp con có thể kiên nhẫn trông đợi Ngài giải quyết việc nầy:

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

 

Post CommentLeave a reply