Latest News From Our Blog

BÀI 6.  CUỘC DIỄN HÀNH KỲ LẠ NHẤT THẾ GIỚI (GV-HV)

BÀI 6.  CUỘC DIỄN HÀNH KỲ LẠ NHẤT THẾ GIỚI (GV-HV)

By andynguyen in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 17 Tháng Bảy, 2018

BÀI 6.  CUỘC DIỄN HÀNH KỲ LẠ NHẤT THẾ GIỚI (GV)

 I. KINH THÁNH: Giô-suê 6:1-25.

II. CÂU GỐC: “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày” (Hê-bơ-rơ 11:30).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Cuộc diễn hành kỳ lạ nhất thế giới đã đưa dân Y-sơ-ra-ên vào chiếm thành Giê-ri-cô một cách dễ dàng.

– Cảm nhận: Đức tin và sự vâng lời là bí quyết để chiến thắng.

– Hành động: Em luôn sống bằng đức tin.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ

1. Thực hiện vài âm thanh, tiếng động để phụ họa, dùng máy ghi âm để ghi lại. Nếu không ghi âm được, có thể chia các em thành từng tốp nhỏ, mỗi tốp phụ trách một âm thanh hay tiếng động. Khi đến âm thanh của tốp nào, thì tốp đó sẽ phụ họa.

2. Tiếng chân của những chiến sĩ hành quân: Các em giậm chân tại chỗ, hoặc dùng hai tay vỗ lên mặt bàn.

3. Tiếng tù và: Chu miệng và u…u…u…u…u…u…4. Tiếng reo hò: “Đức Giê-hô-va đã giao thành Giê-ri-cô cho chúng ta rồi!”

6. Tường thành đổ sập xuống: Đổ vài cuốn sách to xuống bàn, hoặc đập tay xuống bàn.7. Bản đồ.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

1. Vào đề.

Các em ơi! Các em có muốn mình trở thành người dũng cảm không? Theo các em, người như thế nào gọi là người dũng cảm? (Cho các em trả lời).

Ví dụ: Ở trường học của các em, có một bạn rất to con nói rằng sẽ vật ngã tất cả những bạn khác. Vậy, bạn ấy có phải là người dũng cảm không?

Có những người chuyên hiếp đáp những người yếu đuối và nhỏ bé hơn họ, làm như vậy, họ tưởng rằng mình là người dũng cảm, nhưng ngược lại, họ là những người hèn nhát nhất. Những người yếu đuối thì đương nhiên không dám chống cự, và trong lòng luôn sợ hãi.

Vậy mà dân tộc Y-sơ-ra-ên nhỏ bé, sống trong các lều trại ở sa mạc, lại dám tấn công dân thành Giê-ri-cô, một dân to lớn và có tường thành vững chắc. Chúng ta cùng tìm hiểu xem bằng cách nào họ có được sự dũng cảm đó?

2. Bài học.

a. Đấng lãnh đạo cuộc diễn hành kỳ lạ.

Thành Giê-ri-cô là chìa khóa của xứ Ca-na-an, vì nếu thành Giê-ri-cô bị chiếm, thì cả xứ Ca-na-an có nguy cơ bị chiếm. Vào thời đại của Giô-suê, thành đã có sự phòng vệ rất nghiêm ngặt, bốn bên đều có tường cao, dày bao bọc, trên đó là những vọng gác luôn có những chiến sĩ trang bị đầy đủ vũ khí canh gác suốt hai mươi bốn giờ trong ngày. Khi có quân địch xuất hiện, lập tức những chiến sĩ canh gác sẽ nổi còi báo động. Trong thành có dự bị lương thực, phòng khi bị tấn công, không thể ra ngoài mua được. Khi hay tin dân Y-sơ-ra-ên đến gần, Giê-ri-cô đã đóng chặt cửa thành phòng thủ, và cấm ngặt không một ai được phép ra vào.

Trong khi đó dân Y-sơ-ra-ên là những người sống rày đây mai đó, không có vũ khí, không có tường cao bao bọc. Giô-suê không biết làm cách nào để chiếm thành. Bỗng nhiên, ông nhìn thấy một người tay cầm gươm, xuất hiện trước mặt. Giô-suê lập tức hỏi: “Ông là bạn hay thù?” Người đó trả lời: “Ta là tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va”. Giô-suê biết ngay Đức Chúa Trời sẽ là vị tướng lãnh đạo cuộc chiến nầy, nên ông sấp mặt xuống đất thờ lạy và thưa: “Chúa muốn dạy con điều gì?” Trước khi Đức Chúa Trời phán dạy, Ngài bảo Giô-suê hãy cởi giày ra, vì nơi ông đang đứng là đất thánh. Giô-suê lập tức làm theo.

Đức Chúa Trời, tướng chỉ huy của quân Y-sơ-ra-ên, đã dự tính mọi việc. Giô-suê không cần phải suy nghĩ cách tấn công hay lo lắng sự thắng bại, những việc ông cần làm là tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời căn dặn rõ ràng những việc cần làm. Đó là một chiến lược kỳ lạ mà con người không thể thực hiện được, nhưng Giô-suê hiểu rõ một điều, ông và dân sự phải thực hiện cho đúng mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

b. Thực hiện cuộc diễn hành kỳ lạ.

Sau khi nhận mệnh lệnh của Chúa, Giô-suê tập hợp các thầy tế lễ và toàn dân Y-sơ-ra-ên lại và phân công cho họ. Điều đặc biệt trong cuộc chiến nầy là toàn dân đều là chiến sĩ, các em thiếu nhi cũng là chiến sĩ. Các chiến sĩ nầy không cần phải chiến đấu bằng gươm giáo, gậy gộc. Họ chỉ cần xếp hàng theo thứ tự và đi diễn hành vòng quanh thành Giê-ri-cô sáu ngày, mỗi ngày một vòng. Đến ngày thứ bảy, phải đi bảy vòng, thì sẽ chiếm được thành. Thật đơn giản phải không các em, nhưng đòi hỏi đức tin và sự vâng lời tuyệt đối của dân sự.

Các thầy tế lễ và dân sự chuẩn bị sẵn sàng. Họ rời khỏi trại theo thứ tự như sau: Dẫn đầu cuộc diễn hành là những người cầm binh khí, kế đến là bảy thầy tế lễ thổi kèn, tiếp theo là bốn thầy tế lễ khiêng Hòm Giao ước, dân sự đi cuối cùng. Thành Giê-ri-cô cách Ghinh-ganh không xa nên một lát sau, đoàn diễn hành đã tới. Họ nhìn thấy thành trì vĩ đại, kiên cố, và những vọng gác của binh lính bảo vệ thành.

Đoàn diễn hành cứ đi vòng quanh thành Giê-ri-cô một vòng như lời Đức Chúa Trời đã dặn. Khi đi khoảng nửa thành, có hai chiến sĩ nhìn thấy một khung cửa sổ quen thuộc, ở đó cột sợi dây màu đỏ. Các em có biết cửa sổ nhà ai không? Đúng rồi, đó chính là cửa sổ nhà Ra-háp. Đi vòng quanh đủ một vòng, những binh lính trở về doanh trại.

Đây là cuộc diễn hành kỳ lạ nhất thế giới. Toàn quân đi trong im lặng, không ai được nói chuyện, chỉ nghe tiếng chân đi rầm rập và tiếng kèn. Dân thành Giê-ri-cô vô cùng bối rối, sợ hãi. Họ không biết kế hoạch của dân Y-sơ-ra-ên như thế nào, nên không biết xoay sở hay đối phó làm sao. Dầu vậy, quân lính trên các vọng gác và quân bảo vệ trong thành luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Họ càng thêm hoang mang khi thấy dân Y-sơ-ra-ên đi một vòng rồi rút lui. Thông thường, quân địch luôn bao vây và không cho ai rời khỏi thành, cắt đứt nguồn nước vì giếng và sông đều ở bên ngoài thành. Ai rời thành cũng chết mà ở lại trong thành cũng chết vì khát. Nhưng trận chiến nầy lại hoàn toàn khác…

Sáu ngày liền, mỗi sáng sớm dân Y-sơ-ra-ên đều đi diễn hành giống như vậy. Đi một vòng rồi trở về. Dân Giê-ri-cô hết lo sợ, hoang mang, rồi lại chuyển sang ngạc nhiên. Họ thắc mắc không biết dân Y-sơ-ra-ên làm gì kỳ cục vậy? Có nhiều người còn cười chế nhạo nữa.

Đến ngày thứ bảy, kế hoạch diễn hành có khác đi. Họ phải dậy thật sớm và đi quanh thành, nhưng đi bảy vòng. Lần thứ bảy, những thầy tế lễ thổi một hồi kèn thật dài, thật lớn, Giô-suê nói cùng dân sự: “Hãy la lớn lên, vì Đức Giê-hô-va đã phó thành cho chúng ta”.

Dân sự vâng lời la lớn lên. Bỗng nhiên, họ thấy vách thành vĩ đại ngã sập xuống, và dân Y-sơ-ra-ên tràn vào thành khắp mọi hướng. Chỉ có nhà của Ra-háp ở trên vách thành là không bị sập, và đúng như lời hứa, hai thám tử đã đến giải cứu cả gia đình nàng ra khỏi thành. Dân thành Giê-ri-cô bị tiêu diệt và thành bị phóng hỏa. Dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn chiếm được thành không bởi sức mạnh, cũng không bởi sự khôn ngoan, nhưng bởi đức tin và sự vâng lời, Đức Chúa Trời đã ban cho họ sự chiến thắng.

3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Giê-ri-cô là một thành lớn, quân đội của họ trang bị vũ khí tốt hơn nhiều so với dân Y-sơ-ra-ên. Vậy, bí quyết nào khiến cho dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng? (Cho các em trả lời).

Đức Chúa Trời đã từng hứa với Giô-suê, nếu như họ cứ vâng theo lời Chúa, thì chiến thắng sẽ thuộc về họ. Rút kinh nghiệm từ bao việc xảy ra trước kia, Giô-suê đã học tập tin cậy Chúa.

Theo các em, khi đứng trước khó khăn của gia đình, của bản thân không thể giải quyết được, các em có bối rối, sợ hãi không? (Chờ câu trả lời). Đức Chúa Trời cũng ban cho các em một lời hứa. Nếu các em tin vào lời hứa của Ngài, thì Ngài sẽ giúp đỡ các em giống như đã giúp đỡ dân Y-sơ-ra-ên vậy: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).

Nếu các em tin vào lời hứa của Chúa, Chúa sẽ ban cho các em sức mạnh và lòng dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn. Chúa vẫn luôn ở cùng các em trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Lúc các em chơi đùa, đi học, lao động, ốm, buồn, xa nhà, mất mát… Chúa vẫn ở cùng các em. Các em không nên hoang mang, sợ hãi, không nên nghi ngờ Ngài. Rồi các em sẽ thấy Đức Chúa Trời làm nhiều điều kỳ diệu khi các em tin cậy và vâng lời Ngài, giống như Ngài đã từng làm cho dân Y-sơ-ra-ên.

BÀI 6.  CUỘC DIỄN HÀNH KỲ LẠ NHẤT THẾ GIỚI (HV)

I. KINH THÁNH: Giô-suê 6:1-25.

II. CÂU GỐC: “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày” (Hê-bơ-rơ 11:30).

III. BÀI TẬP.

1. Tường thành sụp đổ.

Điền vào chỗ trống dưới đây sẽ giúp em nhớ lâu hơn về câu chuyện kỳ diệu nầy. Hãy tham khảo các từ sau.

Thầy tế lễ, Ghinh-ganh, Giê-ri-cô, Đức Chúa Trời, vòng quanh, bảy ngày, Ra-háp, tường thành, tà thần, tiến chiếm, đức tin. 

  1. Dân Y-sơ-ra-ên ……………………… thành Giê-ri-cô.
  2. Họ đóng trại ở ………………………
  3. Dân ………………… rất sợ hãi dân Y-sơ-ra-ên.
  4. Dân Giê-ri-cô thờ lạy …………………………
  5. ………………………… là vị tướng lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên.
  6. ………………………… của Giê-ri-cô rất cao và vững chắc.
  7. Bốn ……………………… khiêng Hòm Giao ước.
  8. Dân Y-sơ-ra-ên đi diễn hành …………………………… thành Giê-ri-cô trong

…………………………………………………………………………………….

  1. Bởi ……………… của dân Y-sơ-ra-ên,

Đức Chúa Trời khiến

thành Giê-ri-cô sụp đổ.

10……………………… và người thân được cứu

2. Em tin cậy Chúa.

Giô-suê đã dũng cảm tin cậy Đức Chúa Trời. Em có tình nguyện tin cậy Chúa như Giô-suê đã từng tin không? Cho dù đến nơi đâu, Đức Chúa Trời vẫn ở cùng em.

Em suy nghĩ rồi điền vào bảng bên dưới.

Em đã, đang, hoặc sẽ tin Đức Chúa Trời

làm cho em những gì?………………………

………………………………………………………….

…………………………………………………………….

…………………………………………………………..

…………………………………………………………………….

……………………………………………………………………….

* Viết ra những việc Chúa đã giúp em trong những

ngày qua…………………………………………………………

…………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………

……………………………………………………………..

 

Post CommentLeave a reply