Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.25.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.25.08.2019

By K' Abel in NAM GIỚI on 19 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 25.08.2019.

  1. Đề tài: ÂN TỨ CỦA MỌI ÂN TỨ.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 12:28-13:3.
  3. Câu gốc: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô-rinh-tô 13:3).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Giăng 4-5.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

            Đề tài 1: Hội Thánh Chúa sẽ chết nếu thiếu các ân tứ.

            Đề tài 2: Hội Thánh Chúa sẽ chết nếu thiếu tình yêu thương.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên Chân Lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

            Với các ân tứ khác nhau, điều mà tín hữu Cô-rinh-tô thắc mắc là ân tứ nào lớn nhất và có giá trị nhất?

            Trong 12:28-30, Phao-lô đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của các ân tứ trong bảng xếp hạng mỗi một ân tứ. Nhưng ở phần cuối, Phao-lô đưa độc giả của ông đến sự ngạc nhiên trong phần kêu gọi theo đuổi con đường tốt nhất đó là tình yêu thương. Tại sao tình yêu thương là lớn hơn hết trong mọi ân tứ?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Tìm kiếm ân tứ lớn hơn (12:28-31).

            Từ câu 28-30 Phao-lô liệt kê các ân tứ theo thứ tự sau đây:

            (1) Sứ đồ: Chữ sứ đồ trong tiếng Hy-lạp là apostolos, có nghĩa người được sai đi. Theo Mác 3:13-19; Ga-la-ti 1:15-16, sứ đồ của Đấng Christ, hay là sứ giả của Christ là người được Ngài kêu gọi, ban cho quyền năng và sai đi với sứ điệp rao giảng Tin Lành, phát triển Vương Quốc Đức Chúa Trời.

            (2) Tiên tri: Là người chẳng những thấy trước điều gì sẽ xảy ra (Công 11:27), nhưng cũng được sự mặc khải của Chúa để nói ra lời của Lẽ thật.

            (3) Thầy giáo: Là người giãi bày Lẽ thật.

            Tiếp theo đó Phao-lô kể các ân tứ khác:

            (4) Kẻ làm phép lạ.

            (5) Kẻ chữa bệnh.

            (6) Kẻ cứu giúp.

            (7) Kẻ cai quản. Có thể chỉ về người điều hành công việc trong Hội Thánh (Công 14:23).

            (8) Nói các thứ tiếng.

            Theo tinh thần dạy dỗ của Phao-lô trong 12:12-27 về mối tương quan giữa các chi thể với nhau trong sự hiệp một thân thể Đấng Christ, bảng liệt kê thứ tự các ân tứ trong 12:28-30 có thể nhắm vào những mục đích sau:  

  1. Để người tín hữu học biết mỗi người có mỗi ân tứ khác nhau. Mỗi ân tứ khác nhau đều có công dụng khác nhau, nhưng thảy đều đem lại sự hiệp một thân thể Đấng Christ.
  2. Thứ tự các ân tứ. Một số nhà giải kinh cho rằng, thứ tự nầy Phao-lô căn cứ theo yếu tố thời gian. Nhưng phần lớn các nhà giải kinh đều nghĩ Phao-lô muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của ân tứ ấy căn cứ trên tiêu chuẩn ích lợi của sự gây dựng Hội Thánh Chúa.

            Trong khi các tín hữu so đo với nhau về giá trị ân tứ mình có, sự sắp đặt các ân tứ giúp họ có cái nhìn đúng: Không phải ân tứ nói tiếng lạ là nhất, nhưng là sứ đồ, tiên tri và thầy giáo.

            Trong sự mở mang và gây dựng Hội Thánh thì sự hiệp một là mục đích tối thượng của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:11-12), do đó ba ân tứ đầu tiên đóng vai trò chính yếu:

            – Sứ đồ (ngày nay có thể chỉ về người trong chức vụ mục sư hay nhà truyền giảng Tin Lành) là người truyền bá Phúc âm, thiết lập Hội Thánh. Trong 1Cô-rinh-tô 3:17, sứ đồ Phao-lô ví sánh Hội Thánh Cô-rinh-tô như là nhà của Đức Chúa Trời mà ông là người xây nền, và nền ấy chính là Chúa Giê-xu Christ.

            – Tiên tri và thầy giáo là những người dùng Lời Chúa để “xây cất” nhà Chúa; hay nói cách khác để gây dựng Hội Thánh đến bậc trưởng thành trong sự nhận biết Đấng Christ.

            Rồi kế đến là người làm phép lạ (chỉ về kẻ chữa bệnh), người cứu giúp, người cai quản… là những người trong chức vụ chăm sóc, duy trì Hội Thánh để đạt đến mục đích Chúa gọi như đã diễn tả trên.

  1. Để khuyến khích người tín hữu ao ước ân tứ lớn hơn (c.31a). So sánh 14:1, ân tứ lớn hơn trong c.31a chỉ về ân tứ nói tiên tri. Chữ “lớn” theo bản dịch KJV có nghĩa là “tốt nhất”, ở đây chỉ về tầm mức của sự hữu dụng.

            Chữ “ước ao” không có nghĩa chỉ về sự ham muốn theo tư dục, nhưng ước ao từ động lực vị tha để phục vụ kẻ khác. Mặc dầu sự ban ân tứ cho mỗi người là do ý muốn của Đức Thánh Linh (12:11). Tuy nhiên, với người có tấm lòng yêu mến Chúa, sự mong ước được ân tứ lớn hơn để dự phần gây dựng Hội Thánh Chúa cách hữu hiệu hơn thì không phải là điều trái lẽ.

  1. Để kêu gọi người tín hữu theo đuổi con đường tốt hơn (c.31b). Sự giãi bày ân tứ của Phao-lô không chấm dứt ở lời kêu gọi tìm ân tứ lớn hơn, nhưng đó chỉ là điểm tựa để đưa người tín hữu đến con đường tốt lành hơn mà Phao-lô đặc biệt nói trong đoạn 13.
  2. Tình yêu thương (13:1-3).

    Từ câu 1-3 Phao-lô cho chúng ta thấy lẽ cần thiết của tình yêu thương đối với ân tứ:

            – Nếu người không có tình yêu thương thì dầu có ân tứ nói các thứ tiếng loài người và thiên sứ thì chỉ như đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng – chỉ là một thứ tiếng vang trống rỗng và vô nghĩa.

            – Nếu người không có tình yêu thương thì dầu có ân tứ tiên tri, hay có đức tin làm việc quyền năng lớn “đến nỗi dời núi” được; thì công việc ấy chẳng có tác dụng chi trong sự gây dựng Hội Thánh Chúa.

            – Nếu không có tình yêu thương thì ngươi dầu có xả thân vì người nghèo nhưng nghĩa cử nầy chẳng có giá trị gì.

            Theo sự chú giải của Moffatt, trong những thế kỷ đầu có số tín hữu vì muốn giúp đỡ người nghèo thiếu, họ bằng lòng bán thân mình để làm nô lệ. Chữ “chịu đốt” có thể chỉ về sự đóng dấu (bằng sắt nung đỏ) vào thân thể để chứng tỏ họ thuộc về sở hữu của chủ, là điều người ta làm cho kẻ nô lệ ngày xưa.

            Tình yêu thương được Phao-lô giới thiệu cho độc giả của ông trong từ ngữ “con đường tốt lành hơn”. Chữ “tốt lành” trong bản dịch KJV có giá trị đặc biệt hay là tối diệu, tuyệt vời. Ý nầy được các nhà giải kinh gọi tình yêu thương là điều tối thượng. Chữ “con đường” theo nguyên văn Hy-lạp hodos, không có nghĩa là phương cách, nhưng chỉ về lẽ sống. Theo sự giải thích trên, con đường tốt lành hơn hay là tình yêu thương là điểm cao nhất của lẽ sống người Cơ đốc.

            So sánh ân tứ với tình yêu thương như đã diễn tả bên trên cho chúng ta thấy vài lý do giải nghĩa tại sao tình yêu thương lớn hơn mọi ân tứ:

            (1) Tình yêu thương không phải là phương cách để sử dụng ân tứ, không phải là động lực để sử dụng ân tứ.

            Trong quyển “Gifts and Graces – Tạm dịch Các Ân tứ và Các Ân điển”, Eerdmans có lời bình giải: “Tình yêu thương không phải là một ân tứ… nhưng nằm sâu trong lòng của mọi ân tứ”.

            (2) Tình yêu thương là cứu cánh và ân tứ là phương tiện: Tình yêu thương là lẽ sống phục vụ, nhưng ân tứ là phương tiện để phục vụ.

            (3) Ân tứ không tạo giá trị cho người phục vụ, nhưng tình yêu thương định giá trị cho người sử dụng ân tứ.

            Cõi tạm nầy sẽ qua đi, các việc làm của loài người cũng sẽ qua đi, nhưng chỉ bởi những công việc được đóng dấu bằng tình yêu thương của Chúa sẽ đi vào cõi đời đời.

            Tính chất tối thượng của tình yêu thương được nhà giải kinh F. F. Bruce nhận định như sau: “Cộng đồng Hội Thánh Chúa có thể bị chuyển dịch cách nầy hoặc cách khác nếu thiếu các ân tứ trong 1Cô-rinh-tô 12, nhưng sẽ chết nếu vắng mặt tình yêu thương”.

TÓM LƯỢC.

            – Có ân tứ lớn chưa đủ, nhưng chúng ta cần có tình yêu thương của Chúa trong lòng.

            – Có tình yêu thương của Chúa trong lòng chưa đủ, chúng ta cần bày tỏ tình yêu thương của Ngài trong đời sống.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.
  2. Từ c.28-30, sự xếp hạng các ân tứ của Phao-lô có nghĩa gì? Và với mục đích nào?
  3. Trong c.31, Phao-lô kêu gọi tín hữu ao ước điều gì? Sự ao ước nầy có trái với ý trong 12:11 không? Xin giải thích.
  4. Chữ “lớn” trong sự ban cho lớn hơn hết có nghĩa gì? Được đặt trên tiêu chuẩn giá trị nào? Tiêu chuẩn nầy trái với quan niệm của tín hữu Cô-rinh-tô thế nào về giá trị của ân tứ?
  5. Song song với sự kêu gọi ao ước ân tứ lớn hơn hết, đồng thời Phao-lô cũng chỉ cho người tín hữu “con đường tốt lành hơn”. Điều nầy có nghĩa gì?
  6. “Con đường tốt lành” trong c.31 chỉ về gì? Và có ý nghĩa gì?
  7. So sánh ân tứ với tình yêu thương (13:1-3).
  8. Tại sao tình yêu thương là lớn hơn mọi ân tứ?
  9. Tại sao tình yêu thương là điều cần thiết cho người sử dụng ân tứ?

 

 

 

Post CommentLeave a reply