Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 26.07.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 26.07.2020

By K' Abel in THANH NIÊN on 25 Tháng Bảy, 2020

Chúa nhật 26.07.2020.

  1. Đề tài: HIỆP NHẤT TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG.
  2. Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 14:26-40.
  3. Câu gốc: “Mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự.”
    (1 Cô-rinh-tô 14:40).
  4. Đố Kinh Thánh: Không Đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: HIỆP NHẤT TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

– Thời gian: 1h30’.

  1. CHUẨN BỊ.

Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào điều đó để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

      Ô chữ.                                                                                 Các dấu.

      Â = AA                               Ư = UW = W                         – Sắc = S

      Ă = AW                              Đ = DD                                     – Huyền = F    

      Ô = OO                             ƯƠ = UOW                            – Hỏi = R

      Ơ = OW                                                                               – Ngã = X

      Ê = EE                                                                                   – Nặng = J

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước 1 Cô-rinh-tô 14:26-40.

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  3. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

  1. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) …………………… 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư………………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm……………………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất……………………………………………… 10 điểm.

– Nội dung thảo luận thực hiện tốt……………………………. 10 điểm.

  1. Diễn tiến trò chơi.
  2. Mở đầu.

Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: HIỆP NHẤT TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG.

Thưa các bạn! Chúng ta để ý thấy trong sự thờ phượng Chúa, hai yếu tố thường đi song song với nhau là nội dung và nghi thức. Nếu Hội Thánh quá chú trọng về nghi thức buổi thờ phượng sẽ mất đi tính linh động, còn nếu Hội Thánh bỏ qua nghi thức, không chuẩn bị, thì buổi thờ phượng sẽ mất trật tự và thiếu ý nghĩa. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để có được sự thờ phượng tốt nhất? Mời các bạn cùng tham gia chương tình sinh hoạt này để tìm ra câu giải đáp!

  1. Xuất phát.

Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”. Chướng ngại vật là trò chơi: HIỂU Ý NHAU.

– Cách chơi: Cho các nhóm xếp hàng dọc. NHD ghi ra giấy những chủ đề (yêu thương, vui mừng, buồn giận, đói bụng…) cho mỗi nhóm cử người đại diện lên bốc thăm chọn một chủ đề. Sau đó người đại diện về đứng trước nhóm mình cách xa 3-5m chỉ dùng điệu bộ (không được nói bất cứ lời nào) để truyền thông chủ đề mà mình đã chọn được cho nhóm của mình. Nhóm nào đoán ra trước là thắng cuộc. Người đại diện của nhóm chưa đoán được thì phải cố gắng truyền thông cho nhóm mình hiểu để được nhận mật thư (nếu quá khó nhờ NHD giúp).

                Nhóm thắng cuộc sẽ được nhận mật thư trước.

* Mật thư 1: 8 1 25 24   20 9 13 6  20 8 5 5 18   12 55 10   20 18 15 14 7  19 23 10   20 8 15 23 6   16 8 21 15 23 14 7 10

                Ñ: A-đam là người Chúa tạo dựng đầu tiên.

                (Dùng mật mã thế chữ bằng số: A=1; B=2; C=3; D=4…).

            Trạm 1.

                * Yêu cầu:

Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Theo câu 26, những ân tứ nào được dùng trong sự thờ phượng? Và với mục đích gì?
  2. Từ câu 27-32, Phao-lô đặt thể thức gì trong sự nói tiếng lạ và nói tiên tri?

* Mật thư 2: TIMF DDICHS SUWJ PHUOWNGJ CHUAS THOWF CUAR MUCJ

                Ñ: Rắn ăn đuôi.

            Trạm 2.

                * Yêu cầu

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

(1) Điểm Phao-lô muốn nhấn mạnh trong câu 40 là gì? Tại sao điều nầy là quan trọng?

(2) Qua sự chỉ dẫn của Phao-lô trong 12:26-40, chúng ta học được những nguyên tắc quan trọng nào cần cho buổi nhóm thờ phượng linh động và ý nghĩa?

  1. Kết thúc.

Thưa các bạn!

Chúng ta vừa học biết mục đích của sự thờ phượng là tôn vinh Chúa và gây dựng đức tin cho nhau. Để buổi thờ phượng được sinh động và súc tích, mỗi người chúng ta nên dự phần trong sự tôn vinh Chúa và gây dựng đức tin cho nhau. Buổi nhóm cần có chương trình, thứ tự để giữ sự trang nghiêm trong sự thờ phượng. Và trong khi nhóm lại, mỗi người phải có sự tôn trọng nhau, chờ đợi nhau và mọi điều phải làm cho “phải phép và thứ tự” .

                – Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

                – Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong sự thờ phượng, hai yếu tố thường đi song song với nhau là nội dung và nghi thức. Nếu quá chú trọng về nghi thức thì buổi thờ phượng sẽ mất đi tính linh động. Nếu bỏ qua nghi thức, không chuẩn bị, thì buổi thờ phượng sẽ mất trật tự và thiếu ý nghĩa, như tình trạng Hội Thánh Cô-rinh-tô, với sự đầy dẫy ân tứ nhưng buổi nhóm thì không có trật tự và mất vẻ trang nghiêm.

Trước tình trạng này, Phao-lô có lời chỉ dẫn gì trong khi nhóm lại?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Thể lệ trong sự thờ phượng.

Trong tình trạng của Hội Thánh, với sự ồn ào của tiếng lạ và xen lẫn tiếng nói của phái nữ làm mất trật tự trong buổi nhóm. Phao-lô có lời chỉ dẫn Hội Thánh những qui tắc sau đây:

  1. Số người nói tiên tri và tiếng lạ phải giới hạn trong khoảng 2 hoặc 3 người trong mỗi buổi nhóm (c.27-29).
  2. Người nói tiên tri hay nói tiếng lạ phải luân phiên nhau và chờ nhau (c.27-32).
  3. Người nói tiếng lạ phải có người thông giải tiếng ấy (c.27).
  4. Người nữ không có phép nói trong buổi họp, phải yên lặng (c.33-36).

Phao-lô nói điều này trong bối cảnh luật pháp của Môi-se. Trong nhà hội của người Do-thái ngày xưa, có chỗ dành riêng cho người nữ và trẻ con, phân biệt với chỗ ngồi của nam giới.

Nhưng trong Rô-ma 10:4, Phao-lô cũng tuyên bố Chúa Giê-xu đã chấm dứt mọi sự đòi hỏi của luật pháp, để đem mọi người bất luận tôi mọi hay tự chủ, đàn ông hay đàn bà, thảy đều là một trong Ngài. Chẳng có sự phân biệt chi hết (Ga-la-ti 3:28; 1 Cô-rinh-tô 11:11,12).

Vì thế, lời ngăn cấm của Phao-lô ở đây có thể được hiểu trong ý nghĩa sau:

(1) Chủ đích của Phao-lô trong sự ngăn cấm này là để duy trì trật tự của buổi nhóm. Trong quan điểm của Phao-lô rõ ràng là người vợ phải phục tùng chồng trong gia đình (Cô-lô-se 3:18). Vì vậy, nếu trong nhà người vợ thuận phục chồng, thì trong đám đông cũng nên giữ yên lặng trong tinh thần thuận phục ấy. Một điểm chúng ta lưu ý là điều Phao-lô nói về người nữ ở đây là người nữ trong bối cảnh gia đình, và trong thời mà sự học hỏi chỉ dành cho nam giới. Nhưng nếu trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, với tỷ số người nữ độc thân càng cao, với sự trưởng thành về tri thức thì vấn đề “người nữ có phép nói trong đám hội hay là hoàn toàn yên lặng” là một trường hợp khác.

(2) So sánh 11:4-6; 14:33-36, có người nghĩ rằng Phao-lô chỉ có ý cấm người đàn bà trong những buổi nhóm chung nhưng không ngăn cấm người đàn bà nói trong buổi nhóm họp riêng (buổi nhóm nhỏ).

Tóm lại, những thể lệ của Phao-lô chỉ dẫn trên không ngoài mục đích đem lại trật tự trong Hội Thánh hầu cho buổi nhóm có ý nghĩa và tôn vinh Chúa (c.40). Tuy nhiên, Phao-lô cũng cảnh cáo cho người tín hữu biết sự nghiêm trọng của điều ông chỉ dạy, vì đó là mạng lệnh của Chúa (c.37-39).

  1. Buổi thờ phượng có ý nghĩa.

Trong sự nhóm lại của Hội Thánh Cô-rinh-tô chúng ta nhận thấy có những ưu, khuyết điểm như sau:

– Ưu điểm: Hội Thánh có đầy dẫy ân tứ Thánh Linh (c.26-27) nên trong sự nhóm lại, phần nội dung rất súc tích.

– Khuyết điểm: Sự nhóm lại không có chương trình, không thứ tự khiến buổi nhóm trở nên hỗn độn mất ý nghĩa.

Qua những ưu, khuyết điểm và qua sự chỉ dẫn của Phao-lô trong 14:26-40, chúng ta ghi nhận những điểm cần thiết cho buổi thờ phượng có ý nghĩa:

(1) Mục đích của sự thờ phượng là tôn vinh Chúa và gây dựng đức tin cho nhau.

(2) Sử dụng ân tứ trong sự thờ phượng không ngoài mục đích trên (c.26).

(3) Để buổi thờ phượng được linh động và súc tích, mỗi tín hữu được khuyến khích dự phần, và các ân tứ được dùng trong sự tôn vinh Chúa và gây dựng đức tin cho nhau.

(4) Những điều nói ra trong buổi nhóm là điều phải được mọi người thông hiểu (như kẻ nói tiếng lạ phải có người thông giải).

(5) Buổi nhóm cần có chương trình, thứ tự để giữ sự trang nghiêm trong sự thờ phượng. Vì Đức Thánh Linh không hoạt động trong sự hỗn độn, nhưng trong sự trật tự (c.33).

(6) Buổi nhóm không kéo dài, dù có nhiều người muốn dự phần, nhưng phải có giới hạn trong mỗi buổi nhóm (c.27-29).

(7) Trong sự nhóm lại, mỗi người phải có sự tôn trọng nhau, chờ đợi nhau và mọi điều phải ở trong sự “phải phép và thứ tự” (c.40).

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Theo c.26, những ân tứ nào được dùng trong sự thờ phượng? Và với mục đích gì?
  3. Từ c.27-32, Phao-lô đặt thể thức gì trong sự nói tiếng lạ và nói tiên tri?
  4. Trong sự đặt thể thức ấy, điểm Phao-lô muốn nhấn mạnh là gì? (c.40). Tại sao điều nầy là quan trọng?
  5. Từ c.33-35 đối với Phao-lô, tiếng nói của người đàn bà trong đám hội là không hiệp lẽ. Căn cứ vào đâu Phao-lô nói lời nầy? Với mục đích gì? Điều này còn thích hợp cho người nữ trong Hội Thánh ngày nay không?
  6. Những điều Phao-lô khuyên dạy Hội Thánh Cô-rinh-tô có tính cách thế nào? Và ông có lời cảnh cáo gì?
  7. Sự thờ phượng của Hội Thánh Cô-rinh-tô ngày xưa – sự thờ phượng của Hội Thánh chúng ta ngày nay qua 12:26-40, xin ghi nhận:
  8. Ưu, khuyết điểm trong buổi nhóm về nội dung và nghi thức.
  9. Những thể thức chỉ dẫn của Phao-lô để chấn chỉnh khuyết điểm.
  10. So sánh với Hội Thánh Cô-rinh-tô thì sự thờ phượng trong Hội Thánh chúng ta ngày nay ở trong tình trạng nào?
  11. Qua sự chỉ dẫn của Phao-lô trong 12:26-40, chúng ta học được những nguyên tắc quan trọng nào cần cho buổi nhóm thờ phượng linh động và ý nghĩa?

Post CommentLeave a reply