Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 06.09.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 06.09.2020

By K' Abel in THANH NIÊN on 1 Tháng Chín, 2020

Chúa nhật 06.09.2020.

  1. Đề tài: TÌNH YÊU THƯƠNG BẤT DIỆT.
  2. Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 13:9-13.
  3. Câu gốc: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương” (1 Cô-rinh-tô 13:13).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1-6.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 12.07.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Nhìn vào cõi thế gian tạm thời, nhìn vào những công trình con người lao khổ xây dựng, vua Sa-lô-môn nói: “Hư không của sự hư không, thảy đều hư không”.

Thế giới nầy sẽ qua đi theo lời Kinh Thánh, nhưng có gì còn lại cho con người để mang vào cõi đời đời? Dĩ nhiên không phải là tiền của, danh vọng, học thức, việc đạo đức… cả đến các ân tứ cũng không còn cần thiết khi chúng ta bước vào sự hiện diện của Chúa, nhưng tình yêu thương thì sẽ còn lại mãi mãi.

Từ 13:9-13, Phao-lô giãi bày thế nào về sự bất diệt của tình yêu thương và thôi thúc người Cơ đốc sống yêu thương là lý tưởng cao đẹp nhất, không phai tàn.

  1. Tình yêu thương chẳng qua đi.

Chữ “hư mất” (“tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” c.8) trong bản dịch KJV có nghĩa là “không thất bại”. Chữ “failed” trong nguyên ngữ Hy-lạp là ekpitocó nghĩa là rơi rụng (Lu-ca 16:17), như sự rơi rụng của đóa hoa hay của chiếc lá ra khỏi cành cây. Tình yêu thương chẳng phai tàn, chẳng qua đi (Gia-cơ 1:11; 1 Phi-e-rơ 1:24).

Theo bản dịch RSV, chữ “hư mất” có nghĩa là “chẳng hề chấm dứt”. Và trong bản dịch Moffatt có nghĩa là “chẳng hề tiêu biến”.

Những ý trên diễn tả tính chất bất diệt của tình yêu thương. Để minh chứng cho lẽ thật này, từ câu 9-11 Phao-lô so sánh ân tứ với tình yêu thương.

Nói tiên tri hay nói các thứ tiếng là những ân tứ giúp chúng ta hiểu biết Chúa. Tuy nhiên, đó là sự hiểu biết tương đối mà Phao-lô ví sánh như “người xem trong gương cách mập mờ”. Ngày xưa, người ta dùng kim loại đồng đánh bóng để soi mặt, chớ không có gương như ngày nay.

Cho nên khi gặp Chúa, thì sự “soi gương” không còn cần thiết, các ân tứ nói tiên tri và các sự thông biết khác không còn hữu hiệu nữa. Vì sự hiểu Chúa sẽ được đầy trọn khi chúng ta mặt đối mặt cùng Ngài. Như người khi đạt đến mức hiểu biết trưởng thành thì bỏ qua những ý nghĩ thuộc về trẻ con.

Qua sự so sánh trên cho chúng ta tìm thấy những điểm giải nghĩa sự bất diệt của tình yêu thương:

– Ân tứ bị chi phối bởi thời gian, nhưng tình yêu thương chẳng bị chi phối bởi thời gian.

– Ân tứ có giá trị tương đối, nhưng tình yêu thương có giá trị tuyệt đối.

– Ân tứ sẽ chấm dứt khi gặp Chúa, nhưng tình yêu thương bất biến và đi vào cõi đời đời với Chúa; vì tình yêu thương là bản chất của Đức Chúa Trời.

  1. Tình yêu thương là lớn hơn hết.

Trong lời kết đoạn 13, Phao-lô nêu lên ba điểm quan trọng:

   (1) Đức tin.

   (2) Sự trông cậy.

   (3) Tình yêu thương.

So sánh với đức tin và sự trông cậy thì Phao-lô kết luận tình yêu thương là lớn hơn hết.

Vì đức tin là yếu tố cần cho sự cứu rỗi chúng ta ngày nay, hy vọng là yếu tố cần cho sự sống lại của chúng ta trong tương lai, nhưng đến ngày chúng ta gặp Chúa, sự cứu rỗi của chúng ta được hoàn thành trọn vẹn, và được sống với Chúa mãi mãi. Như thế, đức tin và hy vọng không còn tác dụng nữa. Nhưng tình yêu thương sẽ bất diệt trong sự bất biến của Đức Chúa Trời như Gia-cơ 1:17 diễn tả: “Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào”.

Tóm lại: Qua đoạn 13, chúng ta học biết tình yêu thương là trổi hơn mọi ân tứ, vì:

– Tình yêu thương là lẽ sống, ân tứ là phương tiện cho lẽ sống.

– Tình yêu thương có giá trị tuyệt đối, ân tứ có giá trị tương đối.

– Tình yêu thương chẳng hề qua đi, nhưng ân tứ sẽ qua đi.

Trên cõi tạm, tất cả mọi sự thảy đều qua đi như sự trôi đi của một dòng nước. Vì vậy, nhà triết học Heraclitus nói với môn đệ của ông rằng: “Không ai có thể đặt bàn tay của mình hai lần cùng trong một dòng sông”.

Tuy nhiên, một điều chúng ta biết chắc còn lại trong cõi đời đời là tình yêu thương mà Đức Thánh Linh đổ vào lòng chúng ta khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình (Rô-ma 5:5). Vậy, chúng ta hãy nhận lấy tình yêu thương của Chúa làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Như từng trải bản thân, bá tước Zinzendorf nói: “Ai không yêu là người không sống. Ai sống với sự sống thiên thượng thì chẳng bao giờ chết”.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Từ c.8-12, tại sao so sánh với tình yêu thương thì các ân tứ chỉ có giá trị tương đối?
  3. Chữ “trọn vẹn” mà Phao-lô nói trong c.10 có phải hàm ý là ơn nói tiếng lạ và ơn nói tiên tri không còn cần thiết cho Hội Thánh ngày nay hoặc cho người đã trưởng thành trong đức tin hay cho đến ngày Chúa trở lại? (c.11-12).
  4. Tại sao tình yêu thương là lớn hơn đức tin và hy vọng? (c.13).
  5. Ôn lại 12:28-13:13, xin nêu lên những lý do giải nghĩa tại sao tình yêu thương là lớn hơn mọi ân tứ và tại sao tình yêu thương là bất diệt?
  6. Tìm hiểu lý do tại sao Phao-lô nhấn mạnh tình yêu thương trong đoạn 13 – giữa đoạn 12 và 14 là hai đoạn nói về các ân tứ?

 

 

Post CommentLeave a reply