Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 24.01.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 24.01.2021

By K' Abel in PHỤ NỮ on 19 Tháng Một, 2021

Chúa nhật 24.01.2021

1. Đề tài: HIỆP MỘT TÂM TÌNH.

2. Kinh Thánh: Phi-líp 2:1-11.

3. Câu gốc: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5).

4. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 22-24.

5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

* Đề tài 1: Hiệp một là tất cả mọi người cùng hầu việc Chúa chung với nhau nhưng phải theo trình độ giai cấp.

* Đề tài 2: Hiệp một là nhờ cậy Chúa bỏ những thái độ kiêu ngạo và ích kỷ để có tinh thần khiêm nhường, độ lượng, cảm thông cùng anh em trong Hội Thánh góp phần hầu việc Chúa.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có hai người cùng chèo trên một chiếc thuyền trên sông, người chèo đằng đầu, người chèo đằng đuôi. Được một lúc hai bên lời qua tiếng lại sinh ra cãi vã nhau. Anh ở đầu mũi bỏ tay chèo không chèo nữa, thuyền không đi được. Anh ở đằng đuôi liền nói: “Hai người cùng chèo thuyền mới chạy được, anh bỏ như thế làm sao thuyền đi được?”. Anh kia trả lời rằng: “Tôi không biết, thuyền có hai phần, đầu và đuôi, anh phần đầu tôi phần đuôi, anh chèo mặc anh, tôi bỏ mặc tôi”. Nói xong, anh ta ngồi gác tay chèo hóng mát. Được hồi lâu, anh ta nghe có tiếng ọc ạch của nước tràn vào trong thuyền, nhìn lại thì thấy anh kia đang đục thuyền ở phần đuôi cho nước tràn vào, anh hoảng hốt, la lớn: “Ê, đừng chơi dại nghe, tôi không biết bơi đó”. Anh kia đáp: “Anh phần đầu tôi phần đuôi, anh cứ chèo mặc anh, còn tôi đục thuyền mặc tôi”.

  1. TÌM SỰ HIỆP NHẤT (Phi-líp 2:1-2).

            Câu chuyện trên cho thấy tầm quan trọng của sự hiệp nhất trong Hội Thánh, nếu Hội Thánh không có sự đồng tâm nhất trí để làm công việc Chúa, thì Hội Thánh sẽ không bao giờ phát triển được. Lại thêm nếu trong Hội Thánh có sự chống nghịch nhau thì sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến sự phân rẽ. Không có một chứng cớ nào cho thấy Hội Thánh Phi-líp đang bị phân rẽ, tuy nhiên nếu đọc lại trong sách Công-vụ 16:1-40, chúng ta sẽ thấy số tín hữu ở đây bao gồm nhiều nước khác nhau, thành phần xã hội và trình độ khác nhau: Bà Ly-đi, một người Do Thái tin Chúa từ Asia (Châu Á), là một nữ thương nhân giàu có (Công-vụ 16:14). Cô gái nô lệ bị quỷ ám có lẽ người gốc Hy-lạp (16:16-17). Viên giám ngục có lẽ là người La-mã (16:25-36). Sự khác biệt đó chắc chắn sẽ tạo ra nhiều trở ngại trong sự hiệp một. Một Hội Thánh đương thời cũng có nhiều thành phần khác nhau, già trẻ đã là một trở ngại, trình độ học vấn và sự hiểu biết khác nhau cũng sinh ra nhiều trở ngại, giàu nghèo cũng là một khoảng cách lớn có thể gây chia rẽ. Tuy nhiên, Hội Thánh phải tìm cách để giải quyết vấn đề đó, nếu Hội Thánh của Chúa không thể giải quyết vấn đề đó. Hội Thánh không thể làm trọn Đại Mạng Lệnh rao truyền Tin Lành của Ngài cho thế gian, đem người thế gian vào trong sự hiệp một với Chúa Giê-xu, thế gian không thể đến với Hội Thánh khi chính Hội Thánh vẫn còn trong tình trạng phân rẽ. Hội Thánh ngày nay cần bắt chước theo tấm gương của Hội Thánh đầu tiên trong Công-vụ 2:42-47, họ đã hiệp làm một không những trong vấn đề thuộc linh mà ngay cả vấn đề thuộc thể, họ đã bán gia tài, điền sản mình chia xẻ cho nhau và ngày ngày đến đền thờ để thờ phượng. Kết quả của việc làm ấy là “mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh”.

            Phao-lô đã mở đầu bằng một loạt câu hỏi như một số giả định. Trong Chúa có sự an ủi không? Anh em có yêu thương nhau đến độ sẵn sàng giúp đỡ nhau không? Sự thông công nơi Thánh Linh có thật không? Anh em có lòng thương xót đủ không? Và ông kết luận rằng, nếu anh em xác nhận là mình có đủ những điều đó, thì hãy hết lòng hiệp một cùng nhau. Đây là một số nguyên tắc căn bản cần có để khởi đầu cho sự hiệp một.

  1. CÓ HAI ĐIỀU KHÔNG NÊN (Phi-líp 2:3-4).

            Có thể có hai vấn đề sẽ gây ra sự chia rẽ trong Hội Thánh theo như lời Phao-lô nêu ra ở đây.

* Thứ nhất là sự kiêu ngạo: Phao-lô không dùng chữ kiêu ngạo, nhưng ông kêu gọi một sự khiêm nhường, vì rất có thể một sự kiêu ngạo thuộc linh đã xảy ra tại đây.

            Sự kiêu ngạo có thể xảy ra khi người ta nghĩ mình có một cái gì đó hơn người khác: Trình độ học vấn cao hơn, kiến thức nhiều hơn, đẳng cấp xã hội cao hơn, giàu có hơn. Đây là một tâm lý bình thường của con người, có trong vô thức, tiềm ẩn bên trong con người mà có đôi khi người ta không biết. Kiêu ngạo cũng có thể đến dưới nhiều hình thức khác nhau: Bề ngoài làm ra vẻ khiêm nhường, nhưng bên trong đầy sự kiêu ngạo. Hoặc có một cách khác mà người ta gọi là giả bộ khiêm nhường để tự đề cao. Một thi sĩ có bài thơ:

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Hay điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

Vẻ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang…

            Một sự khiêm nhường thật sự chỉ có thể có khi người ta đừng đánh giá mình quá cao và có sự tôn trọng người khác.

            * Thứ hai là không ích kỷ: Trong một bài học đạo đức người ta nói về tính cách tự nhiên của tư lợi. Người ta thường làm việc và làm việc một cách sốt sắng khi người ta biết rằng mình sẽ có lợi. Ý niệm đó phát sinh ra chủ nghĩa tư bản, làm nguyên tắc cho sự phát triển kinh tế. Nhưng tư lợi phát sinh một tệ nạn đó là tính ích kỷ. Người ta tập trung vào quyền lợi riêng mình (tư lợi) mà không hề nghĩ đến người khác, vì lợi riêng mình mà sẵn sàng lấn lướt, chà đạp người khác. Phao-lô kêu gọi các tín hữu (các thánh đồ) hãy tỏ ra mình khác hơn những người ngoại bằng cách nghĩ đến quyền lợi của người khác nữa, không chỉ phục vụ cho quyền lợi cá nhân, nhưng hãy vì quyền lợi chung của tập thể.

            Ngày nay trong Hội Thánh không phải là không có những thành phần như vậy. Vẫn có những người tin Chúa kiêu ngạo (dù là ngấm ngầm) và ích kỷ. Chúng ta có thuộc vào những thành phần ấy không?

III. BẮT CHƯỚC CHÚA GIÊ-XU (Phi-líp 2:5-8).

            Đây là một bài học vĩ đại nhất trong tất cả những bài học nói về các đức tính của Chúa Giê-xu. Môi-se được gọi là một người khiêm hòa nhất thế gian (Dân-số-ký 12:3), nhưng Chúa Giê-xu mới chính là tấm gương về sự khiêm nhường và thuận phục cao cả nhất mà Cơ Đốc nhân nên bắt chước. Phao-lô kêu gọi “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”. Tâm tình đó là gì?

            Trong c.7-8, nếu liệt kê ra một bản phân tích, chúng ta sẽ thấy tất cả sự vĩ đại đó. Chúng ta hãy tưởng tượng ra một Đức Chúa Trời cao cả, quyền uy thống trị vũ trụ, chỉ một lời phán của Ngài có thể biến từ chết ra sống, từ sống ra chết hoặc đang tồn tại bỗng trở thành tro bụi trong nháy mắt. Thế nhưng Ngài đã bỏ hết tất cả những điều đó, để bước vào đời trong một hình hài thể xác con người. Lịch sử nhân loại có những vị vua vì yêu mến dân chúng đã hóa trang thành những người dân thường, nghèo khổ đi vào trong dân chúng để tìm hiểu đời sống của họ, tìm cách giải quyết những khó khăn của họ, nhưng rồi sau đó họ trở về cung điện và lại trở thành những ông vua. Chúa Giê-xu thì khác hẳn. Ngài là một vị Vua trên hết các vua, Chúa trên các chúa, nhưng Ngài đã thực sự đi vào trong cuộc đời làm một con người, sống với loài người và chết với loài người. Chưa hết, đó là một con người thuận phục, vâng lời cho đến chết, nhưng không chỉ là một cái chết bình thường, lại là chết một cách sỉ nhục trên Thập tự giá.

            Ngài có khiêm nhường giả bộ chăng, Ngài có ích kỷ chăng? Không. Đó là toàn bộ sự thật về con người của Ngài. Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy bắt chước Ngài về điều đó.

            Bắt chước là một từ rất hay: Chúng ta không thể sống giống như Đấng Christ, chúng ta chỉ bắt chước Ngài, chúng ta nhìn vào tấm gương vĩ đại của Ngài và tập làm theo, ban đầu có thể không được, nhưng nếu chúng ta cố gắng lần thứ hai, lần thứ ba, dần dần sẽ khá hơn, và rồi chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài.

  1. KẾT QUẢ PHI THƯỜNG (Phi-líp 2:9-11).

            Sự khiêm nhường và thuận phục của Chúa Giê-xu đưa đến một kết quả không ai tưởng tượng được. (c.9) “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh”. Ngày nay, Chúa Giê-xu được xưng tụng là Vua trên tất cả các vua, Chúa trên các chúa của thế gian này. Những vị vua, những Tổng thống của những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… là những người tin Chúa, đều là con cái của Ngài. Sự vinh hiển tột cùng đó không phải là dễ dàng, nó phải trải qua những thử nghiệm đớn đau. Thập tự giá là thử nghiệm cuối cùng của Chúa Giê-xu, ngay trong vườn Ghết-sê-ma-nê dường như có lúc Ngài đã cảm thấy nao núng, trong thân phận con người có thể Ngài đã cảm thấy mọi hy sinh của Ngài là vô lý, Ngài đã tranh chiến với chính mình, trận chiến nội tâm khốc liệt đó dẫn đến việc những giọt mồ hôi lớn đổ xuống như máu. Có thể lúc đó Chúa Giê-xu cảm thấy quá đủ, Ngài không thể chấp nhận điều gì hơn thế nữa, Ngài muốn bỏ cuộc, Ngài muốn trở lại với địa vị vinh hiển cao trọng vốn có của mình, nhưng rồi một lần nữa sự khiêm nhường hạ mình và thuận phục lên đến cao điểm trong câu nói “xin theo ý Cha không phải ý con”. Ngài chấp nhận thuận phục một lần nữa. Thế giới đời đời sẽ không bao giờ có một người giống như Chúa Giê-xu. Những người nổi tiếng về khả năng, sự thông minh, sự giàu có hoặc lòng từ thiện của họ sẽ được thế giới biết đến, nhưng không một ai được xưng tụng và tôn thờ giống như Chúa Giê-xu “mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha(Phi-líp 2:10-11).

            Tâm tình của Chúa Giê-xu cũng đưa đến một kết quả phi thường trong sự hiệp nhất. Những con người từ các quốc gia khác nhau, trình độ khác nhau, giới tính khác nhau, văn hóa khác nhau đã hiệp thành một khối gọi là Cơ Đốc. Ngày nay Cơ Đốc giáo không chỉ còn nằm trong mảnh đất nhỏ bé Do Thái, là nơi có bước chân của Chúa Giê-xu đã đặt đến, nhưng đã lan truyền ra từ đầu địa cực này đến cuối địa cực khác, từ cao nguyên cho đến đồng bằng, từ những thành thị xa hoa lộng lẫy đến những vùng thôn quê xa xôi, nghèo nàn, hẻo lánh. Tất cả đã trở thành một gia đình trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Cách làm giòn các loại dưa món.

Trước hết, phải chọn nguyên liệu tươi, lựa nắng tốt để phơi. Phơi độ hai giờ, đem chần vào nước muối có pha chút phèn chua, vớt ra để ráo, ngâm vào nước mắm đường hoặc giấm đường đã đun sôi, để nguội.

Post CommentLeave a reply