Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 07.02.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 07.02.2021

By K' Abel in Chưa được phân loại, NAM GIỚI on 1 Tháng Hai, 2021

Chúa nhật 07.02.2021

  1. Đề tài: NGƯỜI THỨC CANH TRUNG TÍN.
  2. Kinh Thánh: Mat 24:36-51, Ê-sai 62:1-12; Êph 6:10-20.
  3. Câu gốc: Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18).
  4. Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 9-12.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn ít nhất là 4 câu hỏi cho các nhóm trong giờ học Kinh Thánh:

– 2 câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– 2 câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng hoặc dùng để tham khảo.

(1.1) Câu hỏi suy luận: Đời sống con người trong thời Nô-ê như thế nào?

(1.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn liên hệ với xã hội ngày nay, con người họ đang chú trọng (quan tâm) đến điều gì?

(2.1) Câu hỏi suy luận: Trong câu 40, 41 nói đến điều gì? Tại sao nói điều đó?

(2.2) Câu hỏi áp dụng: Ngày hôm nay, bạn có nhận biết rằng việc thức canh là điều cần thiết không?

(3.1) Câu hỏi suy luận: Người đầy tớ khôn ngoan và trung tín là người như thế nào?

(3.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn có đang là một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan của Đức Chúa Trời không?

(4.1) Câu hỏi suy luận: Người không tỉnh thức thì sẽ phải nhận kết quả như thế nào?

(4.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn có phải là một người thức canh và sẵn sàng chờ đợi ngày Chủ mình trở lại không? Làm thế nào bạn biết điều đó?

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 3-6 người.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

    Chúng ta đang sống trong những giờ phút cuối cùng của những ngày sau rốt, là thời kỳ tội ác sẽ thêm nhiều và lòng yêu mến Chúa của phần nhiều người sẽ nguội dần. “Người ta cứ ăn, uống, cưới gả như thời Nô-ê mà không biết rằng Con người sẽ đến thình lình như kẻ trộm. Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại” (Ma-thi-ơ 24:40-41).

Bạn và tôi, ai sẽ được cất lên, ai sẽ bị để lại? Không ai biết trước được vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa sẽ đến để chuẩn bị. Giả sử bạn đang phạm tội, thình lình Chúa Giê-xu tái lâm, liệu bạn có chắc rằng bạn sẽ được cất lên để gặp Chúa ngay lúc ấy không? Khi bạn phạm tội, bạn cần nhất điều gì? Phải chăng đó là những lời khích lệ, an ủi từ bạn bè, người thân để xoa dịu nỗi đau đớn vì tội lỗi? Phải chăng là một nơi nào đó bạn cảm thấy lòng bình yên để ăn năn tội lỗi và tìm lại sự thanh thản cho riêng mình? Phải chăng đó là những công việc giúp bạn quên đi nỗi sầu muộn về những lỗi lầm? Vâng, có thể lắm chứ! Tôi không phủ nhận vai trò của tất cả những điều trên nhưng thiết nghĩ, điều mà bạn cần nhất lúc ấy chính là những người hiểu bạn và luôn sẵn lòng cầu thay cho bạn ngày và đêm trước ngôi Chúa để Ngài sẽ giúp bạn vượt qua những yếu đuối bất toàn của chính mình. Và đó chính là những người thức canh, những chiến sĩ cầu nguyện.

“Ta sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chân nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì, và ta trả lời thế nào về sự đối nại của ta” (Ha-ba-cúc 2:1).

Chúa đã đặt chúng ta nơi vọng canh. Chúng ta là những người canh gác cho dân sự của Chúa. Có thể chúng ta chưa ý thức được vị trí và vai trò của một người cầu thay cho con dân Chúa như thế nào nhưng hãy luôn ghi nhớ điều này: Chúa đã gọi chúng ta là người canh gác.

Khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta đã gia nhập vào đại gia đình Cơ Đốc. Trong gia đình lớn đó mỗi thành viên là một chiến sĩ. “…nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc” (Ê-sai 56:7). Đó không những là sự kêu gọi mà còn là trách nhiệm. Cho nên chúng ta không có lý do gì biện hộ cho sự yếu đuối của mình khi không cầu nguyện, cầu thay cho người khác.

Đừng nghĩ việc cầu nguyện cho người khác là điều gì đó quá sức khó khăn, khô khan và gượng ép. Nên nhớ “vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). Chúng ta sẽ cảm thấy được thôi thúc cầu nguyện và say mê trong thời giờ trò chuyện với Chúa đến nỗi chúng ta có thể quên ăn, quên ngủ để thưa chuyện cùng Ngài. Đó là kinh nghiệm của những người từng dầm thấm với Chúa trong sự cầu nguyện. Hãy bắt đầu cầu nguyện, rồi chúng ta cũng sẽ thấy ngọt ngào như họ.

Khi đã bước vào sự cầu thay, chúng ta sẽ thấy mình đang ở một trong ba vị trí của người canh gác sau:

  1. VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI THỨC CANH.
  2. Người canh trên núi.

Sách Xuất Ê-díp-tô ký có thuật lại một câu chuyện rất thú vị về việc dân Y-sơ-ra-ên đánh thắng dân A-ma-léc cách ngoạn mục (Xuất 17:8-16). Trong câu chuyện, Môi-se cầm cây gậy của Đức Chúa Trời trên tay, ông đứng trên đầu nổng và cầu thay cho Giô-suê trong lúc Giô-suê đánh trận. Điều gì xảy ra khi Môi-se cầu nguyện? Câu 11 chép rằng: “Hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn”. Điều này chứng tỏ sự chiến thắng của Giô-suê, hay nói cách khác của những chiến sĩ trực tiếp xông pha trận mạc không thể nào vắng sự khích lệ, giúp đỡ của Môi-se, những người bền bỉ cầu nguyện nơi hậu phương.

Đằng sau tòa giảng là những đầu gối! Đằng sau một sứ điệp được xức dầu đem đến sự biến đổi cho hàng ngàn người thậm chí hàng triệu người là hàng trăm người cầu thay cho vị diễn giả rao truyền sứ điệp đó. Và đằng sau một chương trình thành công rực rỡ trước công chúng là rất nhiều những cống hiến âm thầm của những người đầy tớ không tên. Chính họ thật đã góp phần làm nên những con người vĩ đại, những anh hùng đức tin mà chúng ta hằng ngưỡng mộ. Không có họ, buổi nhóm sẽ trở nên nhạt nhẽo, thiếu sức sống và không đem lại chút tươi mới nào cho người tham dự. Họ là một phần không thể thiếu trong sự thành công chung.

  1. Người canh nơi tường thành.

“Người canh cửa mở cho, chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài” (Giăng 10:3).

Người canh nơi tường thành hay nơi vọng canh là những người sẵn sàng mở cửa khi vua đến và đóng chặt cửa khi có kẻ thù muốn tấn công thành. Những người này phải biết đối tượng nào muốn vào thành và vào thành để làm gì. Họ phải luôn sáng suốt để phân biệt đâu là cáo đội lốt chiên len lỏi vào Hội Thánh, đâu là thiên sứ của Chúa để kẻ thù không thể gieo cỏ lùng vào lúa mì được.

Ma quỷ ngày nay rất tinh vi, một mặt chúng tấn công trực diện con dân Chúa qua sự bắt bớ, mặt khác chúng âm thầm phá đổ chức vụ, hủy hoại Hội Thánh và nếu có thể thì cắn nuốt luôn linh hồn người ta với những chiến thuật ẩn mình khôn khéo qua những mầm mống chia rẽ, cay đắng, bất mãn, lời nói gây vấp phạm… giữa vòng con cái Chúa. Do đó, để Hội Thánh được vững mạnh, con dân Chúa sống trong yên vui, không thể thiếu những con người đặc biệt này. Họ là những người hết lòng cầu nguyện xin Đức Thánh Linh thăm viếng và khi Ngài đến, họ luôn sẵn sàng mở cửa nghênh tiếp Ngài nhưng họ phải hết sức tỉnh táo không để bàn tay của ma quỷ xen vào nơi Đức Thánh Linh đang vận hành.

  1. Người canh tuần vòng quanh thành.

“Những kẻ canh tuần vòng quanh thành có gặp tôi. Tôi hỏi rằng: Các ngươi có thấy người mà lòng ta yêu mến chăng?” (Nhã ca 3:3).

Người canh tuần vòng quanh thành là những người đi tuần đêm. Họ đảo khắp thành và bảo vệ an ninh cho cả thành. Họ nhắc nhở dân trong thành về giờ giấc. Dân chúng sẽ biết hiện là canh mấy trong đêm với những âm hiệu mà người canh tuần này gây ra như tiếng gõ thanh la hay tiếng kèn…

Nếu như người canh nơi tường thành phải lo đối phó với giặc ngoài thì người canh tuần sẽ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự trong thành. Họ là những người hết lòng cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Bất cứ có vấn đề rắc rối nào xảy ra trong con cái Chúa, họ có trách nhiệm cầu nguyện và hướng dẫn dân sự tìm được giải pháp cho nan đề. Họ cũng là người nhắc nhở con dân Chúa về thời điểm hành động. Khi thì cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, khi thì đi làm chứng, chăm sóc, thăm viếng… Như người canh tuần báo giờ trong đêm, họ cũng phải báo cho dân sự thời điểm Chúa hành động để dân sự sửa soạn ra mắt Ngài và biết công việc mình cần làm.

Chúa chúng ta không để cho dân sự Ngài sống trong thất bại vì bị kẻ thù tấn công bất ngờ hay vì thiếu hiểu biết. Vì cớ đó nên Ngài phán: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Đừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi ca trong cả đất!” (Ê-sai 62:6-7).

  1. PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI THỨC CANH.

Hết thảy chúng ta được kêu gọi để trở thành người thức canh nhưng muốn trở nên một người canh gác tốt, chúng ta cần rèn luyện ba phẩm chất sau:

  1. Tính kiên trì.

Trong câu Kinh Thánh trên, chúng ta thấy Chúa truyền lệnh cho chúng ta chớ có nghỉ ngơi chút nào. Chúng ta phải cầu nguyện, chẳng hề im lặng. Đừng để Ngài an nghỉ, hay nói cách khác đừng để Ngài chậm trễ thi hành lời hứa cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem, tức là Ngài tái lâm và dùng nơi đó làm sự ngợi ca trong cả đất. Khi ấy Hội Thánh sẽ là nàng dâu không tì, không vết, không chi trách được để xứng đáng với chàng rể là Chúa Giê-xu Christ yêu dấu của chúng ta.

Kiên trì là một trái tốt mà không phải bất cứ Cơ Đốc nhân nào cũng có. Người ta có thể khởi đầu một phong trào cầu nguyện rất rầm rộ và đông người đến tham dự nhưng sau một thời gian phong trào dần dần tàn rụi; sự cầu nguyện nóng cháy ban đầu giờ chỉ còn là dĩ vãng. Vì chúng ta không đủ kiên nhẫn để chạy xong cuộc đua.

Đội quân cầu nguyện phải là những người trung tín, có tinh thần kỷ luật cao, chịu áp lực giỏi, không dễ nản lòng. Phải kêu cầu ngày đêm cho đến khi Chúa đem câu trả lời đến. Không thấy câu trả lời, quyết không để Chúa nghỉ ngơi. Có như thế lửa cầu nguyện mới cháy mãi và duy trì đến những thế hệ sau, và ma quỷ không cách chi hại đến con dân Chúa được.

  1. Sự tỉnh thức.

“Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41).

Cầu nguyện mà ngủ gật, không tỉnh thức, không tập trung khác nào ăn bánh lao khổ, đánh gió bá vơ và không được ích lợi chi hết. Không ai muốn đựng tiền công mình trong túi lủng. Không ai muốn dành nhiều thời gian, công sức cầu nguyện mà không được kết quả gì. Cầu nguyện không được chấm công theo giờ, nhưng Đức Chúa Trời sẽ thưởng cho những ai có tấm lòng tỉnh thức tìm kiếm Ngài. Ví thử Chúa muốn thăm viếng bạn nhưng khi ấy bạn mệt mỏi ngủ mê, há chẳng luống công ư? Do đó nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy cầu xin Cha ban cho bạn thêm sức để bạn tiếp tục thức canh cầu nguyện với Ngài.

“Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Ê-sai 40:31).

  1. Tính khiêm nhường.

Phần nhiều chúng ta thích được nhiều người biết đến, được khẳng định mình, nếu có khiêm nhường đến mấy thì cũng muốn mọi người công nhận những đóng góp của mình, hay ít ra cũng được vài người thân khen công việc mình đang làm. Mấy ai chịu dành thời gian để ngồi một mình trong phòng vắng, một mình thưa chuyện với Chúa, một mình chiến đấu trong sự cầu nguyện. Có đổ bao nhiêu nước mắt cũng không ai biết, bao nhiêu tâm huyết cũng không ai hay. Người ta chỉ quan tâm đến tác giả và nội dung của cuốn sách, chứ dễ gì để ý đến người sắp chữ, dàn trang, in ấn để đem quyển sách ấy đến với độc giả. Ánh hào quang của những vị mục sư, diễn giả, những người có chức vụ thành công quá lớn như ánh mặt trời che lấp cả những ánh sáng yếu ớt của các vì sao là những người cầu nguyện và phục vụ dù họ vẫn tồn tại. Một khi bạn đã bước vào sự kêu gọi làm người canh gác, bạn phải sẵn sàng để trở thành một ngôi sao giữa ban ngày.

Ai đó đã nói rằng: “Sự phấn hưng bắt đầu từ những đầu gối”. Quả thật như vậy! Khi nghiên cứu những phong trào phấn hưng xuyên suốt trong lịch sử Hội Thánh, chúng ta thấy không có cơn phục hưng nào mà không có những con người cầu thay để dọn lòng cho dân sự trước đó. Đức Thánh Linh chỉ hành động khi Ngài tìm thấy những con người đã sẵn sàng lướt trên làn sóng phục hưng mà Ngài sắp đem đến cho Hội Thánh. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Đức Chúa Trời từ trên cao nhìn xuống: “Ta đã tìm MỘT người trong vòng chúng nó, đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt Ta, hầu cho ta không hủy diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai. (Ê-xê-chi-ên 22:30). Hậu quả là: “Vậy nên Ta đổ cơn thạnh nộ trên chúng nó, và lấy lửa giận của Ta đốt chúng nó; Ta đã làm cho đường lối của chúng nó lại đổ về trên đầu chúng nó, Chúa Giê-hô-va phán vậy” (câu 31).

Chúng ta không muốn bất kỳ anh em nào bị bỏ lại, càng không muốn thấy đồng bào dân tộc ta bị hư mất trong hồ lửa địa ngục đời đời. Không còn cách nào khác, hãy bắt đầu bằng những đầu gối, bằng những lời cầu nguyện tha thiết cho họ. Hãy nhớ rằng chỉ cần một người thôi, một người hết lòng tìm kiếm Chúa, một người hy sinh đứng vào chỗ sứt mẻ của tha nhân để kêu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời, chính người sẽ thay đổi cả một thế hệ, một đất nước, thậm chí cả thế giới.

Ngày hôm nay, nếu bạn cảm thấy mình được thôi thúc để trở nên người canh gác cho con dân Chúa, hãy bắt đầu với giờ tĩnh nguyện mỗi ngày. Hãy cầu xin Chúa nhóm lại những người có đồng khải tượng, đồng tâm tình với bạn để hiệp nhau cầu nguyện. Không phải là số đông, không cần cầu nguyện dài dòng, chỉ cần trung tín, hết lòng, bạn sẽ thấy cánh tay Chúa hành động.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Định luật thuộc linh nào chi phối đời sống thức canh và cầu nguyện của bạn?
  3. Xin nêu ra 3 lý do để thấy được tầm quan trọng của thức canh cầu nguyện trung tín.
  4. Hãy nêu ra những gương mẫu trong Kinh Thánh về sự trung tín cầu nguyện và thức canh?
  5. Xin đọc Nê-hê-mi 1:6, và tìm hiểu tại sao ông cầu nguyện cho Y-sơ-ra-ên? Ông đã cầu nguyện vào lúc nào? Tại sao khi cầu nguyện ông nhắc lại Lời Chúa hứa với dân Y-sơ-ra-ên?
  6. Xem trong Ê-sai 62:6-7, bạn hiểu như thế nào là người nhắc nhở Chúa? Đức Chúa Trời thành tín sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa? Tại sao Chúa lại nói rằng chúng ta đừng ngơi nghỉ việc nhắc nhở Ngài?
  7. Xin đọc Đa-ni-ên 6:10; bạn có suy nghĩ gì về hình ảnh Đa-ni-ên cầu nguyện 3 lần mỗi ngày? Trong đời sống bạn lúc nào bạn cảm thấy thích cầu nguyện, và lúc nào bạn cảm thấy không thích cầu nguyện? Tại sao? Bạn có thường cầu nguyện không? Mỗi ngày mấy lần?

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply