Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 14.02.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 14.02.2021

By K' Abel in NAM GIỚI on 10 Tháng Hai, 2021

Chúa nhật 14.02.2021

  1. Đề tài: YÊU THƯƠNG VÀ HẠNH PHÚC.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 8:31–39.
  3. Câu gốc: Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình” (1Giăng 4:21).
  4. Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 13-17.
  5. Thể loại: Họp bạn.

CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Mời một hay nhiều ban Nam giới của các Hội Thánh tham dự họp bạn.
  2. Chương trình: Nếu có thể, nhiều tuần lễ trước ngày họp bạn, tổ chức họp các trưởng ban để cùng hoạch định chương trình và phân công tác.
  3. Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc ngày họp bạn và thể loại thực hiện.
  4. Góp phần của các ban vào ngày họp bạn: Bài hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, hướng dẫn chương trình… Mỗi ban nên chịu trách nhiệm một tiết mục, nhưng nên mời một người soạn và đố Kinh Thánh.
  5. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Ca ngợi và cảm tạ (mỗi ban hát một Thánh ca và làm chứng về ơn phước của Chúa ban cho ban của mình), bài ca mới, đố vui (viết nhiều câu hỏi và để vào trong hộp. Đại diện của mỗi ban sẽ lên bốc một câu hỏi. Cả ban sẽ thảo luận để trả lời).
  6. Bảng tên: Nên có bảng tên và gắn trên ngực của những người dự họp bạn để mọi người có dịp làm quen với nhau.
  7. Phát số: Khi các ban đến họp bạn, họ thường đi chung và ngồi chung với nhau. Để tạo sự thông công giữa các ban, bạn nên phát cho mỗi người một phiếu nhỏ có ghi số và họ phải ngồi theo số đó (đã viết sẵn số thứ tự ở lưng ghế).
  8. Trà đàm: Sau giờ thờ phượng nên có giờ thông công (bánh ngọt, nước uống), chơi trò chơi…

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng của con người. Nhưng hạnh phúc thật không đến từ danh dự, sở hữu vật chất dư dật, song ở nơi tấm lòng của các bạn và sự yêu thương là cần thiết để giữ tấm lòng hạnh phúc. Như vậy làm thế nào để chúng ta có thể nhận được sự yêu thương? Chúng ta sẽ học điều đó trong bài này.

  1. CUỘC GẶP GỠ VÀ SỰ YÊU THƯƠNG.

Sự yêu thương không thể nhận được bằng cách tưởng tượng hoặc đoán chừng. Sự yêu thương được phát sinh trong khi cho và nhận. Khi chúng ta sinh ra thì cuộc gặp gỡ đầu tiên là bố mẹ, sự yêu thương vì cớ gặp gỡ bố mẹ mà tiếng Hy-lạp gọi là “Stolge”. Sự yêu thương này rất lớn, không có tình yêu nào có thể thay thế cho bản năng phát ra từ lòng bố mẹ. Nhưng sự yêu thương này hữu hạn bởi vì tình yêu của bố mẹ chỉ dành cho con cái của mình, không thể sẻ chia cho con cái của người khác. Vả sự yêu thương của bố mẹ là rất lớn nhưng bị hạn chế bởi thời gian, không gian và đối tượng yêu, nên chúng ta không thể tự hào về sự yêu thương của bố mẹ.

Sau đó, chúng ta gặp thầy cô giáo và bạn bè. Sự yêu thương giữa quan hệ này là sự yêu thương trong tinh thần gọi là “Phileo”. Sự yêu thương này được phát sinh ra trong điều kiện học và dạy hoặc gặp gỡ với bạn bè, và khi có mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng khi điều kiện này dần dần xấu đi thì sự yêu thương cũng bị nguội lạnh. Tiếp đến chúng ta chia sẻ sự yêu thương trong cuộc gặp gỡ giữa nam và nữ, loại yêu thương này được gọi là “Eros”. Sự yêu thương giữa nam và nữ dựa vào sự mê tham của xác thịt. Trong sự yêu thương của con người thì loại phức tạp nhất là tình yêu giữa nam và nữ. Bởi vì tình yêu này bắt đầu hòa hợp với nhau trong tinh thần và xác thịt, cuối cùng phải đưa sự yêu thương ấy vào trong quy định của xã hội. Song rất tiếc vì chỉ có rất ít gia đình hòa hợp trong ba yếu tố trên.

Con người yêu nhau trong sự gặp gỡ như: “Stolge”, “Phileo” và “Eros”. Sự yêu thương này có giá trị cao, quý báu và là yếu tố cần thiết để duy trì cuộc sống con người. Nhưng nếu sự hòa hợp bị phá vỡ thì sự yêu thương ấy trở nên nỗi dằn vặt khổ sở.

  1. SỰ YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.

Sự yêu thương trong mối quan hệ giữa con người với con người không thể được trọn vẹn, nhưng sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người thật trọn vẹn và vô điều kiện. Biểu hiện tuyệt đối của Đức Chúa Trời chính là Thập tự giá của Đấng Christ. Kinh Thánh phán rằng: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống, chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy” (1Giăng 3:16). Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta về tình yêu thương của Đức Chúa Trời trước hết đã bày tỏ bằng sự hy sinh. Nếu muốn hiểu biết về mức độ yêu thương thì chúng ta có thể kiểm tra mức độ trở ngại. Sự yêu thương có độ trở ngại nhưng lòng yêu thương của Đức Chúa Trời vượt trội hơn mọi trở ngại.

Chúng ta đã nhận sự yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ trên mình khi gặp Chúa Giê-xu đã vượt qua những trở ngại và sự chết. Nếu chúng ta yêu kính Đức Chúa Trời, hiếu kính bố mẹ, chăm sóc con cái và quan tâm kẻ lân cận mình bởi sự yêu thương mà Đức Thánh Linh dẫn dắt thì ấy là sự yêu thương trọn vẹn. Về việc này, Kinh Thánh phán rằng: “Này, sự yêu thương ở tại đây: Ấy chẳng phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau” (1Giăng 4:10-11).

Trước khi chúng ta ở trong Chúa Giê-xu và nhận được sự yêu thương dồi dào từ nơi Đấng Christ bởi Đức Thánh Linh, thì chúng ta không thể nhận được hạnh phúc và lòng tự hào thật.

  1. BỐN YẾU TỐ TRONG SỰ YÊU THƯƠNG.
  2. Lòng quan tâm đến đối tượng yêu.

Nếu có tình cảm với một người nào đó thì chúng ta luôn luôn cố gắng tìm hiểu về tình trạng của đối tượng bây giờ như thế nào: Vui buồn, khỏe mạnh, hay đau ốm… Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương đang quan tâm đến chúng ta suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày.

  1. Chịu trách nhiệm về hạnh phúc của đối tượng được yêu.

Nếu một người yêu mến người khác thì vì cảm nhận trách nhiệm nên hết sức cố gắng tìm kiếm cách làm cho đối tượng mình yêu được hạnh phúc cho đến khi chính bản thân mình chịu hy sinh. Người vợ yêu mến chồng cũng cố gắng làm cho chồng được hạnh phúc và chồng yêu vợ, cảm nhận trách nhiệm về hạnh phúc của vợ nên luôn luôn tìm cách làm cho vợ được hạnh phúc.

  1. Nhìn nhận đối tượng được yêu là quý báu.

Nếu có một người nói “Tôi yêu em” nhưng có hành vi làm nhục thì không thể gọi là yêu thương thật. Đức Chúa Trời có thể giải cứu chúng ta bằng quyền năng của Ngài nhưng khi kêu gọi chúng ta thì theo ý chí tự do của mình. Như thế yêu thương thật luôn nhìn nhận đối tượng yêu là quý báu.

  1. Tấm lòng vui thích “cho”:

Nếu nói “Em yêu anh” nhưng lợi dụng để lấy hết tất cả của đối tượng thì không thể gọi là yêu thương thật. Từ trái ngược yêu thương trong trường hợp này không phải là ghen ghét nhưng là tham lam vì chủ nghĩa ích kỷ.

Cho nên chúng ta muốn khám phá mình là người thực tiễn yêu thương thì hãy tra xét tấm lòng mình có thích “cho” hay không? Đức Chúa Trời khiến Chúa Giê-xu – Con Độc sanh của Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Vậy chúng ta có thể ấn chứng sự yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đối với chúng ta.

Ngày nay, nếu chúng ta chọn điều quan trọng nhất trên thế giới này thì ấy là lòng yêu thương. Nếu con người muốn nhận và cho sự yêu thương thì phải có sự gặp gỡ. Nhưng sự gặp gỡ trong nhân cách vẫn còn thiếu sót dù cố gắng hết mình, cho nên nhiều người luôn luôn lo lắng trong cuộc sống. Song chúng ta có thể kinh nghiệm sự yêu thương của Đức Chúa Trời qua việc gặp gỡ Chúa Giê-xu. Ấy chính là sự yêu thương có thể qua bất cứ ngăn trở nào.

Khi chúng ta hiểu biết, kinh nghiệm về sự yêu thương ấy bằng cách yêu mến Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận thì suối nước hạnh phúc thật sẽ tràn đầy trong cuộc đời chúng ta.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Đức Chúa Trời ban điều gì cho chúng ta? (Rô-ma 8:32). Trở ngại nào cố phân rẽ chúng ta ra khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? (Rô-ma 8:37-39).
  3. Đối với Đức Chúa Trời và người lân cận thì Ngài ban điều răn gì cho chúng ta? (1Giăng 4:20-21).
  4. Hãy cho biết sự yêu thương trong những cuộc gặp gỡ giữa con người với con người (bằng tiếng Hy-lạp)?
  5. Sự yêu thương của Đức Chúa Trời bằng tiếng Hy-lạp gọi là gì và sự yêu thương này như thế nào?
  6. Sự yêu thương giữa con người với con người có giới hạn, xin thảo luận với nhau giới hạn ấy là gì?
  7. Hãy trao đổi với nhau làm thế nào chúng ta có thể sống cuộc đời có hạnh phúc thật?

Post CommentLeave a reply