Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 14.03.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 14.03.2021

By K' Abel in PHỤ NỮ on 8 Tháng Ba, 2021

Chúa nhật 14.03.2021

1. Đề tài: TRUNG TÍN PHỤC VỤ.

2. Kinh Thánh: Phi-líp 3.

3. Câu gốc: “Cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết” (Phi-líp 3:10-11).

4. Đố Kinh Thánh: Các quan xét 13-15. 

5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN:

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Trung tín phục vụ”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Câu chuyện của Heather Mercer và Dayna Curry, hai nữ Cơ Đốc nhân người Mỹ đã tham gia một Ủy ban Y tế cứu trợ từ thiện cho trẻ con và những người nghèo đói ở Afganistan. (Afganistan là một quốc gia Hồi giáo nghiêm cấm mọi hình thức giảng đạo và bắt bớ những người giảng đạo rất dữ dội). Hai người phụ nữ trẻ này không những chỉ giúp đỡ về mặt y tế nhưng còn rao giảng lời Chúa nhằm mục đích cứu rỗi linh hồn những người dân Afganistan khốn khổ. Họ bị bắt trong khi đang chiếu bộ phim cuộc đời Chúa Giê-xu cho một nhóm người và có thể bị kết án tử hình. Sau biến cố 11/9, Afganistan bị tấn công. Họ bị di chuyển từ nơi này đến nơi kia trong hoàn cảnh hết sức bi đát, tính mạng có thể bị kết thúc bất cứ lúc nào mà không ai biết. Nhưng Chúa đã giải cứu họ cách kỳ diệu. Trở về Mỹ, được mời vào Tòa Bạch Ốc, trả lời những câu hỏi của báo chí và các hãng thông tấn, cô Heather trả lời: “Xin đừng lưu ý đến chúng tôi, hãy lưu ý đến những đứa trẻ nghèo đói, mồ côi và những con người khốn khổ ở Afganistan, chúng tôi sẽ trở lại đó để tiếp tục công việc cứu trợ y tế và giảng đạo Đức Chúa Trời”. Vì sao mà thiếu nữ trẻ tuổi này hết lòng và trung tín phục vụ Chúa mặc dù gặp sự bắt bớ khó khăn và bị đe dọa tính mạng trầm trọng đến như vậy?

  1. ĐẶT ĐÚNG ƯU TIÊN (Phi-líp 3:7-11).

            Để hiểu phân đoạn từ (c.7-11) dễ dàng hơn, chúng ta phải liên hệ trở lại từ (c.4-6). Tại đây Phao-lô cho biết qua về thân thế sự nghiệp của ông: Ông là một người Do Thái thuần chủng, chịu nghi lễ cắt bì theo đúng luật pháp, dòng dõi Bên-gia-min một dòng dõi quý tộc, nói tiếng Hê-bơ-rơ không bị lai căng như những người Hê-bơ-rơ khác bị lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Ông là một người thuộc dòng Pha-ri-si nổi tiếng về vấn đề tuân thủ nghiêm nhặt luật pháp toàn hảo không chút lỗi lầm. Ông cũng là một người yêu mến Chúa cuồng nhiệt, sẵn sàng sống và chết cho đạo của ông (đạo Do Thái), ông là người đã bắt bớ Hội Thánh Chúa vì nghĩ rằng đó là một giáo phái mới chống lại đạo Do Thái nguyên thủy, là người đã trực tiếp tham dự vào cái chết của chấp sự Ê-tiên. Không có một người nào trong thời kỳ ấy có một tiểu sử hãnh diện và một thành tích lẫy lừng tương đương hoặc trổi hơn. Và chắc chắn Phao-lô cũng đã từng rất hãnh diện về tiểu sử và thành tích của mình (c.4) “ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa”.

            Tuy nhiên tất cả những tiểu sử và thành tích đó đột ngột sụp đổ hết, Phao-lô nói: “thật, tôi xem những điều đó như rơm rác”. Tại sao lại coi như rơm rác? Ông trả lời: “hầu cho được Đấng Christ”. Từ bỏ tất cả mọi hãnh diện, uy tín của mình trong đời này để được Đấng Christ là một điều lạ lùng, có thể làm cho người khác thắc mắc, ông giải thích lý do: “vì sự nhận biết Đấng Christ là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi”.

            Điều chính yếu mà Phao-lô muốn nói ở đây là gì? Bởi vì Chúa Giê-xu là điều quý báu nhất trong đời sống chúng ta và Ngài cũng chính là Chúa của chúng ta, người dẫn đường cho chúng ta đi, chăm sóc bảo vệ chúng ta, yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la không gì sánh kịp, chúng ta phải đặt Ngài trên ngôi cao nhất của đời sống mình, luôn luôn dành tất cả ưu tiên cao nhất cho Ngài.

  1. LUÔN LUÔN TIẾN TỚI (Phi-líp 3:12-16).

            Phao-lô đưa ra một ví dụ thực tế để chứng minh lời nói của ông. Ông không nói rằng “Chúa Giê-xu Christ là quý hơn hết” một cách nói suông. Chúng ta có thể nói một người nào đó đối với chúng ta là quý hơn hết, nhưng chúng ta có thể không bày tỏ ra được sự quý báu đó. Nhưng Phao-lô thì khác. Chúa Giê-xu của ông là một cái gì thực tế. Ngài chính là mục đích chính của đời sống ông. Ông nói “tôi sống và có một mục đích”. Mục đích đó là Chúa Giê-xu, Ngài là Đấng mà tôi đeo đuổi.

            Chúa Giê-xu có phải là mục đích sống của chúng ta không? Ngài có phải là nhân vật trọng yếu mà chúng ta đeo đuổi từ ngày này qua tháng khác trong cuộc đời mình không?

            Phao-lô muốn nói một điều khác nữa. Ông cảnh cáo rằng theo đuổi mục đích đó có thể là khó khăn, đừng tưởng dễ. Đừng coi thường. Nó không phải là một mục tiêu ngắn, nó là một mục tiêu dài “ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy”. Nó không phải là dễ đi, nó rất khó đi “hãy vào cửa hẹp”  (Mat 7:13). Nó đòi hỏi sự dấn thân, sự hy sinh “nếu ai muốn theo ta thì hãy liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” (Mat 16:24). Nó cũng có nghĩa là phải hết sức kiên nhẫn và tập trung “quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước”. Tuy nhiên nó là một mục đích vô cùng cao cả và lý tưởng “để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ”.

            Khi đã chọn Chúa Giê-xu làm mục đích chính của đời mình để hướng tới, Phao-lô nói rằng ông sẽ chạy làm sao để đạt được mục đích đó, nhất định phải đạt được, bất chấp khó khăn như thế nào. Ông biết sẽ có khó khăn, sẽ có thử thách, sẽ có cám dỗ xui khiến chúng ta lạc đường hay bỏ cuộc, nhưng ông kiên quyết “tôi nhắm mục đích mà chạy”. Ông muốn nói với chúng ta một điều quan trọng hãy tiến tới, đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy luôn luôn tiến tới. Khi ngã xuống hãy đứng dậy, chạy tiếp cuộc chạy đua vinh hiển.

III. LOẠI BỎ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG ĐÁNG (17-19).

            Trong c.17, Phao-lô khuyên các tín hữu ở Hội Thánh Phi-líp hãy nhìn xem ông và những người cộng sự mẫu mực của ông như những tấm gương để bắt chước. (c.18) Ông cảnh cáo rằng đang có một số người “có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch của Thập tự giá”. (c.19) Ông cho thấy hậu quả cuộc đời của những người đó.

            Những kẻ có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch của Thập tự giá đó là ai? Có lẽ là những người được nhắc tới trong Phi-líp 1:17. Một số người có tinh thần bè phái và ganh tỵ rao truyền những điều chống nghịch lại Phao-lô, những người này Phao-lô gọi là eritheia, từ này nguyên thủy có nghĩa là làm vì tiền công. Nó cũng có nghĩa là làm với một tinh thần háo danh, ganh đua để thắng hơn người khác, tìm lợi cho bản thân mình, làm để được lợi một cái gì đó. Có lẽ họ cảm thấy tài năng và uy tín của họ thua kém Phao-lô và điều đó làm cho họ bực tức, ganh ghét, khi ông bị tù, thì đó là cơ hội để họ có thể rao giảng chống lại ông, tạo uy tín cho mình. Đây là những người mang dấu hiệu thập tự giá trên trán mình nhưng sống ngược lại với dấu hiệu đó. Nếu thập tự giá có biểu hiện là yêu thương thì hành động của người đó chẳng có chút gì là yêu thương cả, nếu biểu hiện của thập tự giá là khiêm nhường hạ mình thì người ấy chẳng có chút gì khiêm nhường hạ mình cả. Trái lại, nó là sự ganh ghét và kiêu ngạo. Phao-lô nói rằng ông đau đớn và khóc thương cho những người như vậy. Hậu quả của việc làm đó sẽ là sự hư mất.

            Những kẻ có cách ăn ở giống như kẻ thù nghịch của thập tự giá ngày nay có thể là ai? Có thể lắm chính là chúng ta. Chúng ta vẫn thường cảm thấy bực tức, khó chịu vì một người nào đó nổi bật hơn mình, làm được những việc mà mình không làm được, được cảm tình của nhiều người khác mà chúng ta không có. Chúng ta đôi khi xem một ai đó là kẻ thù của mình nếu họ chống đối lại ý kiến của chúng ta và phê bình các phương pháp làm việc của chúng ta. Hãy coi chừng, Phao-lô đang khóc cho chúng ta. Hãy loại bỏ khỏi chúng ta những điều tương tự như vậy.

  1. MONG ĐỢI THIÊN ĐÀNG (Phi-líp 3:20-21).

            Phao-lô nhắc chúng ta một điều quan trọng: Chúng ta là công dân thiên quốc. Cho dù chúng ta đến nước Mỹ dưới bất cứ diện gì, cho dù chúng ta có thẻ xanh thường trú hay không, cho dù chúng ta có quốc tịch Mỹ hay không, không thành vấn đề trước mặt Chúa. Chúng ta tất cả đều mang quốc tịch thiên đàng, cao quý bội phần hơn.

            Đậu quốc tịch Mỹ không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với những người lớn tuổi không biết tiếng Anh. Người thi quốc tịch sẽ phải trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh và viết một câu bằng tiếng Anh, nếu họ muốn trở thành công dân Mỹ, ít nhất họ cũng phải nói được tiếng Mỹ và hiểu những điều căn bản về nước Mỹ.

            Nhiều người trong chúng ta coi trọng cái quốc tịch Mỹ, vì nó mang lại cho chúng ta nhiều đặc quyền đặc lợi. Chúng ta tìm đủ mọi cách để cho được quốc tịch Mỹ, nhiều người chạy chọt sao cho có giấy bác sĩ chứng nhận bệnh tâm thần để dễ đậu quốc tịch Mỹ hơn. Chúng ta quên mất là mình có quốc tịch thiên đàng cao quý hơn nhiều. Chúng ta đã sống xứng đáng là người mang quốc tịch đó chưa? Giống như người thi đậu quốc tịch Mỹ mà không biết nói tiếng Mỹ hoặc không biết chút gì căn bản về nước Mỹ, chúng ta là công dân thiên quốc mà chúng ta chẳng có gì tỏ ra là mình là công dân thiên quốc cả. Chúng ta chẳng có gì giống người trên trời cả.

            Phao-lô nói rằng điều chúng ta trông đợi bây giờ không phải là những gì thuộc về trần gian này trong hiện tại mà chúng ta phải trông đợi những gì thuộc về thiên quốc trong tương lai. Khi chúng ta trông đợi điều ấy, chúng ta hãy sống giống như điều mà chúng ta mong đợi. Một Cơ Đốc nhân từ Việt Nam đến Mỹ du học. Mục đích của anh ta là học lời Chúa để trở thành người hầu việc Chúa trong tương lai, nhưng anh bị buộc phải ghi lý do trong đơn xin phép du học là đi học về kinh tế. Đến Mỹ anh phải học hai ngành: Thần học là lý do chính thì lại trở thành phụ, còn việc học kinh tế chỉ là lý do phụ thì lại phải học chính. Kinh tế của Mỹ thì hấp dẫn và thực tế hơn Thần học rất nhiều, kinh tế kiếm ra tiền còn Thần học thì không. Một thời gian sau người sinh viên ấy cảm thấy mình bị sức mạnh của tiền bạc và vật chất thu hút đến nỗi anh dành thì giờ cho việc ấy nhiều hơn là việc mà anh cưu mang trước khi đến đây.

            Chúng ta đang ở trong tình trạng nào? Chúng ta có nhớ mình là công dân thiên quốc, có nhớ rằng Chúa Giê-xu là ưu tiên quan trọng hơn hết trong đời sống mình, và chúng ta làm thế nào để trung tín hầu việc Ngài, xứng đáng mang quốc tịch thiên đàng?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Làm sạch bề mặt kim loại có sơn của tủ lạnh, tủ đựng thức ăn, lò nấu, lò nướng, lò vi ba. Bạn nhúng bông hoặc giẻ mềm vào cồn 900. Chùi qua vài lần, mọi thứ sẽ sạch bóng.

Làm sạch bệ bếp. Để làm sạch dầu mỡ trên bệ bếp, bạn hãy dùng xác trà đổ lên rồi dùng miếng mút lau qua một lược là sạch trơn.

 

 

Post CommentLeave a reply