Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 21.03.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 21.03.2021

By K' Abel in NAM GIỚI on 15 Tháng Ba, 2021

Chúa nhật 21.03.2021

  1. Đề tài: NHỜ ĐỨC THÁNH LINH TRONG CHÚA
    GIÊ-XU.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 22:6-11; 2Ti-mô-thê 1:13-14.
  3. Câu gốc:Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy” (Ga-la-ti 5:25).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 9-12.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.02.2021.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.
  2. GÌN GIỮ NHỮNG ĐIỀU DẠY DỖ CHÂN CHÍNH VỚI ĐỨC TIN VÀ TÌNH YÊU TRONG CHÚA GIÊ-XU CHRIST.
  3. Những điều dạy dỗ chân chính là những điều gì?

Những điều dạy dỗ có ích hay chân chính được đề cập ở đây chính là những lời dạy của sứ đồ Phao-lô đã rao giảng, mà Ti-mô-thê đã được nghe trong suốt quá trình truyền giáo cùng với nhau. Đó là Lời Phúc Âm Cứu Rỗi.

Phao-lô vốn là một thầy thông giáo và người theo phái Pha-ri-si. Do đó, ông rất am tường luật pháp và lời dạy trong Cựu ước. Vì sự nhiệt tâm tôn giáo Do-thái mà ông đã dùng giáo quyền để bắt bớ người theo Chúa Giê-xu là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá và sống lại vì Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng ông đã trở nên hoang mang vì sự nhiệt tâm đó không thể không đúng theo ý Chúa, mà còn là trực tiếp bắt bớ chính mình Ngài. Vì thế, tại con đường dùng quyền uy tôn giáo thì chính Phao-lô bị bắt phục.

Sau ba ngày ba đêm kiêng ăn vì quá hoang mang, thì chính Chúa đã sai môn đồ Ngài đến để giải thích về Chúa Giê-xu cho ông. Sau khi ăn năn, tiếp nhận Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời cứu rỗi và chịu báp-têm, thì ông được Chúa dạy dỗ. Có thể nói, 14 năm tiếp theo Phao-lô đã hạ mình xuống, hoàn toàn nhờ Thánh Linh dạy dỗ mà hiểu biết về Chúa Giê-xu. Và ông đã thốt lên rằng đối với mình thì mọi điều vinh hoa phú quý, quyền thế trên thế gian này chỉ là sự lỗ lã, càng đầu tư nhiều thì càng lỗ nhiều. Điều tốt nhất và còn lại đời đời chính là sự nhận biết Chúa Giê-xu, Ngài là Đức Chúa Trời, tức Ngài là Đấng sáng tạo nên tôi, gìn giữ, cứu rỗi và chăm sóc tôi. Vì Ngài đã đến thế giới này để bày tỏ tình yêu và chương trình cứu rỗi vĩ đại cho tôi, cho nên tôi yêu Ngài và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để nắm lấy Chúa (Phi-líp 3:7-8).

Phúc âm cứu rỗi mà Phao-lô đã kinh nghiệm cách cá nhân cũng là Phúc âm mà hết thảy môn đồ Chúa thời bấy giờ đã kinh nghiệm. Phúc âm ấy cũng là điều dạy dỗ đúng đắn và tốt lành mà chúng ta là con cái Chúa ngày nay cần phải gìn giữ lấy với đức tin và tình yêu trong Chúa Giê-xu.

Bản chất hay cốt lõi của Phúc âm cứu rỗi ấy chính là Đức Chúa Trời. Cụ thể hơn, Chúa Giê-xu chính là tự thể của Phúc âm. Ai gặp Ngài chính là chạm đến bản chất của sự cứu rỗi. Chính vì thế mà khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-xu thì biến đổi hết mọi sự: thay đổi tư tưởng, biến đổi bản chất con người, thay đổi cách ăn nói và hành động.

  1. Tại sao phải gìn giữ những điều dạy dỗ chân chính với đức tin và tình yêu trong Chúa Giê-xu?

Chất Uranium là hạt nhân phóng xạ được con người ngày nay đã bỏ công sức, trí lực, tiền bạc, và cả sinh mạng để được nó. Bởi tác dụng của nó tạo ra năng lượng rất lớn từ khối lượng rất nhỏ. Thế nhưng, nước nào làm giàu uranium thì phần đông là gặp bất an và nhiều nguy cơ bị tiêu hủy. Khu vực nào có nhà máy hạt nhân thì nơi đó dân cư xa lánh vì tác dụng phụ của nó. Ai mang lấy phóng xạ hạt nhân thì bất an vì không biết lúc nào sẽ chết, nhiều nhà khoa học nghiên cứu và tiếp xúc với hạt nhân đã chết thình lình mà không tìm ra nguyên nhân.

Thế nhưng, hạt nhân Phúc âm cứu rỗi chính là Chúa Giê-xu thì hoàn toàn khác. Để nhận được hạt nhân ấy chúng ta không phải dùng công sức riêng hay bởi làm theo luật pháp mà được; nhưng chỉ bởi đức tin và sự yêu thương mà nhận lãnh. Bởi đức tin mà chúng ta được xưng là công bình trước mặt Chúa dù bản chất chúng ta đầy tội lỗi. Vì Chúa Giê-xu đã đến thế gian để cất hết tội lỗi chúng ta trên thập tự với Ngài. Bởi tin Chúa Giê-xu thì Phúc âm cứu rỗi sẽ đụng chạm tấm lòng chúng ta, biến đổi từ bản chất đến hành vi của chúng ta. Vì thế với đức tin đơn sơ, mộc mạc mà chúng ta được mặc lấy sự dạy dỗ tốt lành và đúng đắn theo Phúc Âm cứu rỗi của Ngài.

Chúa Giê-xu là nguồn tình yêu. Biểu hiện tình yêu của Ngài là hy sinh và giải phóng. Sự hy sinh của Ngài khác với sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ hay vĩ nhân. Sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ là vì nước nhưng khi họ chết đi rồi thì chỉ để lại ảnh hưởng một phần mà không thể tiếp tục hy sinh hay phục hồi bản chất. Sự hy sinh của Chúa Giê-xu là hy sinh vì nhân loại toàn vũ trụ. Sự hy sinh của Ngài chỉ 1 lần duy nhất nhưng có hiệu lực đời đời cho từng cá nhân, vì Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài không chết luôn như hết thảy anh hùng liệt sĩ hay các vĩ nhân, mà đã sống lại vinh hiển từ cõi chết để bày tỏ Ngài có quyền trọn vẹn trong sự sống còn của chúng ta. Hiện nay, Ngài dùng quyền năng trong sự yêu thương để giải phóng chúng ta.

Kinh Thánh khẳng định Đấng Christ đã giải phóng chúng ta để chúng ta được tự do (Ga-la-ti 5:1). Trong tình yêu của Chúa chúng ta được giải phóng và tự do. Chúng ta được giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết đời đời, được tự do khỏi sự xiềng xích của Sa-tan. Trước đây, chúng ta muốn làm điều lành, điều thiện mà không làm được, trái lại chúng ta vô tình hay cố ý làm những điều ác, điều tội lỗi mà chúng ta không muốn; vì lúc đó chúng ta bị quyền lực tội lỗi và xiềng xích Sa-tan trói buộc. Nhưng bây giờ, bởi đức tin nơi quyền năng trong huyết báu của Chúa Giê-xu đổ ra, chúng ta đã được giải phóng khỏi tội lỗi và sự chết.

Như vậy, con cái Chúa ngày nay vâng giữ những điều tốt lành, với đức tin và tình yêu thương của Đấng Christ. Điều này khác với người theo các tôn giáo khác, là bị ràng buộc trong tội lỗi và quyền lực ma quỷ nên cố gắng làm lành, kết tụ công đức để mong chuộc lại lỗi lầm, được giải phóng khỏi gông cùm của ma quỷ. Nhưng cuối cùng, không những bị ma quỷ cướp hết công đức mà còn bị trói vì vẫn là nô lệ của nó. Dù có bỏ cả đời vất vả làm công cho chủ đi nữa thì nô lệ vẫn là nô lệ.

Khi chúng ta nhận biết mình đã được Chúa Giê-xu cứu chuộc ra khỏi chốn nô lệ Sa-tan, với lòng tin vững vàng đó chúng ta được kinh nghiệm sự giải phóng ấy. Bởi sự cảm kích mà chúng ta tự nguyện đem lòng yêu kính Chúa, và quyết định sống trong tình yêu của Ngài. Những việc làm lành trong đức tin và tình yêu thương của Chúa Giê-xu ban cho qua đời sống tin kính, gặt những kết quả tốt lành. Với lòng cảm tạ chân thành, chúng ta dâng kết quả này cho Chúa. Hơn nữa, chúng ta sẵn sàng dâng chính đời sống mình để làm đầy tớ trung thành hầu việc Chúa, trọn đời theo tiếng gọi của Ngài.

  1. GIỮ GÌN NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP ĐƯỢC PHÓ THÁC NHỜ ĐỨC THÁNH LINH.
  2. Những điều tốt đẹp được phó thác là những điều gì?

Khi chúng ta lấy đức tin và tình yêu ở trong Chúa Giê-xu thì chính mình Ngài cũng ở trong chúng ta qua Thánh Linh. Thánh Linh đến ngự ngay trong lòng chúng ta, Ngài dùng quyền năng để sáng tạo mới tâm linh, tấm lòng và thân thể chúng ta thành một tạo vật mới cho Đức Chúa Trời. Thân thể chúng ta trở nên đền thờ của Đức Thánh Linh ngự trị.

Tùy theo sự hiểu biết thâm sâu của Thánh Linh, mà từng người con cái Chúa được Ngài ban cho những ân tứ và tài năng khác nhau để làm trọn những điều tốt lành trên thế gian này mà Chúa đã dự bị cho chúng ta.

Tài năng là một dạng ân tứ thông thường mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để sống và làm việc tốt lành. Tuy nhiên, rất nhiều người đã không tận dụng được tài năng, hay sử dụng tài năng không đúng chỗ mà không đem lại kết quả như đáng phải có.

Đặc biệt hơn, Đức Thánh Linh cũng kêu gọi và ban cho những ân tứ như là món quà đặc biệt trên một số người để biệt riêng làm công việc thuộc linh. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời đã chọn một trong mười hai chi phái để làm công việc thầy tế lễ cho dân tộc. Thế nhưng, theo thời gian thì chi phái Lê-vi đã không làm trọn sứ mạng của Chúa giao phó. Chính vì thế, Chúa đã chọn một số người đặc biệt làm tiên tri để rao truyền sứ điệp mà Ngài muốn chuyển đến dân sự.

Ngày nay, Đức Chúa Trời đã chọn một dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh thay thế cho dân Y-sơ-ra-ên thuộc thể. Hễ ai tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu thì được trở thành công dân của nước Đức Chúa Trời, và mỗi thành viên nhận lãnh ân tứ Chúa ban để phục vụ công việc Ngài. Chẳng hạn như ân tứ nói tiên tri, ân tứ dạy dỗ, ân tứ chăm sóc, ân tứ khuyên bảo, ân tứ phục vụ…

Tuy nhiên, trong vòng con cái Chúa đó, Ngài lại kêu gọi những con người tầm thường nhất để làm chứng nhân cho Ngài. Ngài ban nhiều ân tứ và sứ mạng đặc biệt cho những người này để làm việc biệt riêng cho Nước Đức Chúa Trời. Họ được gọi là đầy tớ của Chúa. Đầy tớ của Chúa không có nghĩa là người bị trói buộc hay mất tự do như nô lệ Sa-tan. Đầy tớ Chúa là những người tự nguyện đáp lại tình yêu và sự thương xót rất lớn của Ngài cho đời sống mình bằng cách tận hiến cuộc đời còn lại của mình làm công việc Chúa chỉ định.

Đầy tớ Chúa được chọn không phải là những người không ra gì, thất học, mê tín như nhiều người từng hiểu lầm. Điều quan trọng nhất là đầy tớ Chúa phải là người được kêu gọi từ Chúa cách rõ ràng. Dù ở địa vị thấp hèn, hay cao trọng, dù uyên thâm hay thất học, dù giàu có hay nghèo hèn, dù nam hay là nữ… không quan trọng; nhưng quan trọng là thật sự tin Chúa Giê-xu hay chưa, có được Thánh Linh tái sinh hay không, có nghe tiếng gọi biệt riêng từ Đức Chúa Trời hay không. Vì khi trải qua 3 điều này thì người đầy tớ Chúa mới đủ sức hầu việc Chúa theo đúng ý Chúa.

  1. Tại sao phải gìn giữ những điều tốt đẹp được phó thác nhờ Đức Thánh Linh?

Như đã trình bày thì tài năng và ân tứ là những món quà Chúa ban cho hết thảy con người nói chung và con cái Chúa nói riêng. Vì vậy, con người chúng ta hay quên và thường bỏ mất tài năng và ân tứ mình trước hoàn cảnh khó khăn hay những biến động của thời cuộc. Cũng có khi chúng ta từ chối địa vị tự do Chúa ban cho mà tự ý phạm tội, tự ý trở lại làm nô lệ của Sa-tan nên bị cướp mất tài năng và ân tứ Chúa ban.

A-đam và Ê-va bị cám dỗ không còn tin Lời Chúa và nghi ngờ tình yêu Chúa, tự rước tội lỗi vào người nên bị Sa-tan trói chặt trong xiềng xích của nó. Cội rễ của tội ác đó là sự kiêu ngạo và lòng tham lam. Ngày nay, nhân loại cũng mắc bẫy lừa giống y như vậy dù cách cám dỗ có khác, nhưng gốc gác của nó vẫn y như vậy: “Sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời”  (1Giăng 2:16).

Vì vậy, để giữ gìn tài năng và ân tứ Chúa ban thì chúng ta phải hết lòng nhờ cậy Đức Thánh Linh tiếp tục ngự trong lòng chúng ta thúc giục mạnh mẽ, tiếp tục hướng dẫn chúng ta theo đường chân lý. Bởi Thánh Linh là Đấng có nhân cách nên nếu Ngài thúc giục và dạy dỗ, hướng dẫn mà chúng ta cố ý không làm hay làm trái lại thì Ngài không thể tiếp tục ngự trong chúng ta được nữa. Vì vậy, chúng ta không được làm buồn lòng Thánh Linh của Chúa. “Nếu chúng ta nh Thánh Linh mà sống thì chúng ta phải bước theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh vậy” (Ga-la-ti 5:25).

Biết sự hướng dẫn của Thánh Linh là thế nào để bước đi theo Ngài, thì trước hết chúng ta cần biết những điều mà Thánh Linh muốn. Đó là những việc làm với lòng yêu thương, làm trong sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ (Ga-la-ti 5:22).

Kinh Thánh dạy rõ ràng là chúng ta hãy bước đi theo Thánh Linh, và chớ làm những điều ưa muốn của xác thịt. Bởi vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, tức là Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với xác thịt. Nhưng, nếu chúng ta hết lòng nhờ Thánh Linh dẫn dắt thì được quyền năng và sức mạnh của Ngài để làm trọn những việc làm của Thánh Linh và đắc thắng những việc làm của xác thịt.

Kết luận.

Lời Chúa dạy cho chúng ta hôm nay thật là lời kêu gọi chân thành và tốt lành. Hãy lấy lòng tin và tình yêu trong Chúa Giê-xu Christ mà gìn giữ những mẫu mực của sự dạy dỗ về Phúc âm cứu rỗi mà chúng ta nhận lãnh và kinh nghiệm. Cũng hãy luôn nhờ cậy Thánh Linh là Đấng ngự trong lòng chúng ta để giữ chặt lấy điều phó thác tốt lành là những tài năng, ân tứ, và tiếng gọi của Ngài.

Chúng ta cảm tạ ơn Chúa đã giải phóng chúng ta khỏi sự tối tăm của tội lỗi và khỏi quyền lực trói buộc của ma quỷ, nhờ Chúa Giê-xu giải phóng mà chúng ta được tự do mọi bề. Hiện nay, chúng ta đang sống trong ân điển, tình yêu của Chúa Giê-xu; được Thánh Linh ban cho những món quà tài năng, và ân tứ để sống hạnh phúc trong đời sống theo Chúa.

Với sức khỏe con người bị giới hạn trong thân thể vật chất, đức tin và tình yêu cũng dễ biến động theo hoàn cảnh bên ngoài; vì thế chúng ta hãy cứ ở trong Chúa Giê-xu luôn luôn, mỗi ngày đức tin càng cao, tình yêu thương càng sâu rộng. Và trên hết mọi sự, hãy thâm giao với Thánh Linh, hết lòng nhờ cậy Chúa tiếp tục ngự trong lòng để biến đổi đời sống tâm linh, hướng dẫn con đường phải đi trên đất này.

Nguyện từng suy nghĩ, mỗi lời nói và hành động chúng ta đều thực hiện với đức tin và tình yêu trong Chúa Giê-xu, và hằng ngày bước đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, mà những đặc tính Ngài ưa muốn được thể hiện rõ ràng ở trong Kinh Thánh.

Dù trong đời sống theo Chúa có lúc thăng trầm, có lúc cũng ngã lòng trong nghịch cảnh. Song, Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta sẽ đỡ chúng ta lên để tiếp tục bước đi trong đức tin, tình yêu Chúa mà theo Ngài. Hãy can đảm vì Chúa chúng ta đã đắc thắng Sa-tan và thế gian, thì chúng ta cũng đắc thắng với Ngài. Ngài thấy và biết những nỗi niềm đau khổ của chúng ta, Ngài sẽ ra tay giải quyết. Phải hạ mình xuống, hết lòng yêu kính Chúa Giê-xu, hết sức nhờ cậy Thánh Linh, giữ và đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Phao-lô có quá khứ như thế nào trước khi được Chúa kêu gọi vào chức vụ rao giảng Tin Lành cho dân ngoại? (Công 22:1-5).
  3. Bởi đâu Phao-lô nhận biết Chúa Giê-xu? (Công 22:6-11). Ông đáp ứng như thế nào với sự kêu gọi đó?
  4. Trước khi bạn nhận biết chân lý, bạn có một đời sống như thế nào? Bạn đã thay đổi ra sao khi được Chúa bày tỏ chính Ngài cho bạn?
  5. Mẫu mực của sự dạy dỗ có ích mà Phao-lô nói đến trong 2Ti-mô-thê 1:13 là gì?
  6. Vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống chúng ta là gì? Bạn có nhận biết được sứ mạng mà Chúa đã giao cho bạn trên đất này không? Bạn đã thực hiện sứ mạng Chúa giao như thế nào?

 

 

 

Post CommentLeave a reply