Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN.04.04.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN.04.04.2021

By K' Abel in THANH NIÊN on 29 Tháng Ba, 2021

Chúa nhật 04.04.2021 (Kỷ niệm Chúa Phục sinh).

  1. Đề tài: CHUYẾN ĐI LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI.
  2. Kinh Thánh: Giăng 20:1-9.
  3. Câu gốc: “Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài từ kẻ chết sống lại” (Công-vụ 13:30).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Thuyết Trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu: Sự kiện lúc Chúa sống lại, những người chứng kiến, những bằng chứng về sự sống lại của Chúa.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình dựa trên tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi. Cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

CHUYẾN ĐI LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI.

(Giăng 20:1-9).

Chúng ta hãy thực hiện một chuyến đi vào buổi Sáng-thế Ký Phục sinh. Một chuyến đi sôi nổi, nhanh nhẹn. Tôi biết mặt trời vừa ló dạng, song chúng ta sẽ không đi một mình đâu. Dọc đường chúng ta sẽ gặp ba người bạn của Chúa Giê-xu, là Ma-ri Ma-đơ-len, Phi-e-rơ và Giăng, là môn đồ Chúa Giê-xu yêu.

Chuyến đi của chúng ta sẽ không dài lắm hoặc sẽ không gây mệt mỏi nhiều đâu, vì khoảng cách không đầy hai cây số. Người Do Thái gọi đây là hành trình của ngày Sa-bát. Cuộc đi bộ Sáng-thế Ký sớm của chúng ta không giống bất kỳ một cuộc đi bộ nào khác trong lịch sử thi đua của nhân loại. Đấy là “chuyến đi làm thay đổi cả thế giới”. Điều chi đã làm cho chuyến đi nầy ra khác biệt hoàn toàn? Ở cuối con đường, chúng ta sẽ đến ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu. Điều nầy có nghĩa gì?

  1. ĐI TỪ THẤT VỌNG ĐẾN HY VỌNG.

Thứ nhất, chuyến đi của chúng ta đến ngôi mộ trống là một chuyến đi từ chỗ thất vọng đến hy vọng. Thứ sáu lúc 3 giờ chiều, Đấng Mê-si của chúng ta, đã kêu lên một tiếng lớn: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!”(Lu-ca 23:46), và Ngài đã trút hơi thở cuối cùng của mình. Một ngọn giáo dài của người La-mã đã đâm vào sườn Ngài, và Con Đức Chúa Trời bị thầy đội La-mã tuyên bố là đã chết.

Khoảng thời gian kế tiếp trong ngày Thứ Sáu và qua ngày Sa-bát là khoảng thời gian của thất vọng sâu sắc và tăm tối. Đức Thánh Linh đã kéo một bức màn kín nhiệm quanh các môn đồ để nỗi buồn của họ chỉ còn lại trong riêng tư mà thôi. Sự chết đau đớn và không ngờ của Chúa Giê-xu cùng cách cư xử nhát gan của họ đã tước đi khỏi họ niềm hy vọng và dẫn họ vào một ma trận tối tăm đầy xấu hổ, làm tan vỡ mọi giấc chiêm bao và toan tính.

Sau Sự Sống Lại, các môn đồ đã bày tỏ giấc mơ khôn nguôi của họ: “Chúng tôi trông mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 24:21). Họ mong rằng Chúa Giê-xu của họ sẽ cung cấp bánh ăn miễn phí, loại bỏ sự đói khát và nghèo khổ. Và Chúa Giê-xu của họ sẽ chữa lành kẻ đau và bảo đảm sức khoẻ tốt cho hết thảy mọi người. Họ đã nhìn thấy tất cả điều đó xảy ra bằng chính con mắt trần tục của họ. Chúa Giê-xu của họ sẽ đánh đuổi quân La-mã rồi phục hồi quyền tự do và vinh quang của dân tộc. Mãi cho đến lúc đóng đinh Chúa Giê-xu trên thập tự giá, nhà cầm quyền La-mã đã không ngăn trở Chúa Giê-xu và nhiều lúc dường như đã có thái độ cộng tác thân hữu với Ngài, hầu tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài.

Thứ Sáu, 3 giờ chiều, Chúa Giê-xu của họ đã kêu lên lớn tiếng… và đã thở hơi cuối cùng của Ngài. Niềm hy vọng của họ đã chết với lời nói sau cùng của Ngài. Bây giờ thì Chúa Giê-xu của họ, Đấng đã hứa đặt họ lên ngai quyền phép đặng xét đoán dân Y-sơ-ra-ên, là một cái xác không có sự sống, oằn oại, đầu máu me, được dời thật khó nhọc xuống khỏi thập tự giá của người La-mã. Nhưng một chuyến đi lúc Sáng-thế Ký sớm đến ngôi mộ trống đã đổi thất vọng của môn đồ thành hy vọng. Lu-ca 24:52 cho biết họ “trở về thành Giê-ru-sa-lem, mừng rỡ lắm”.

Bằng cách nào bạn và tôi được nhấc lên từ thất vọng đến hy vọng trong đời sống riêng tư của chúng ta đây? Hãy thực hiện cùng một chuyến đi ấy, hãy có cùng một khám phá đó. Hãy bước vào cùng một ngôi mộ trống. Nầy các tấm vải liệm đang nằm đấy, song không có thi hài của Chúa Giê-xu ở trong.

  1. ĐI TỪ VÔ TÍN ĐẾN NIỀM TIN.

Thứ hai, trên chuyến đi nầy, là chuyến đi đã làm thay đổi thế giới, chúng ta bước đi với mấy người bạn của Chúa Giê-xu từ vô tín đến niềm tin. Trước ngôi mộ trống, các môn đồ giống như những đứa trẻ thuộc linh, “những đứa trẻ đang kêu khóc”. Há họ chẳng từng bị Chúa Giê-xu quở trách vì cớ ít đức tin sao? “Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” (Ma-thi-ơ 14:31).

Mười hai môn đồ của Chúa Giê-xu đã có một hợp đồng dài hạn với ông Hồ Nghi, một nhân vật trong quyển Thiên Lộ Lịch Trình. Đức tin trong Chúa, là Đấng mà tay họ có thể chạm đến, đức tin nơi Chúa mà mắt họ có thể nhìn thấy, đức tin nơi Chúa là Đấng mà tai họ có thể nghe được dường như thật là khó tin.

Nhưng ở cuối con đường đi đến ngôi mộ trống: “Bấy giờ, môn đồ [Giăng] …thấy và tin” (Giăng 20:8).

Điều chi đã gạt bỏ mọi hồ nghi của các môn đồ? Cái gì đã nhen lên ngọn lửa đức tin mới vậy? Có cái gì đó bên trong ngôi mộ. “Người [Giăng] cúi xuống, thấy vải bỏ dưới đất; nhưng không vào. Si-môn Phi-e-rơ theo đến, vào trong mộ, thấy vải bỏ dưới đất, và cái khăn liệm trùm đầu Đức Chúa Giê-xu chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác” (Giăng 20.5-7).

Tại sao mấy lớp vải nằm bất động, và khăn trùm đầu thì cuốn lại nằm riêng ra đó lại cung ứng một minh chứng không thể chối cãi được là Chúa Giê-xu hãy còn sống? Lý do nằm ở trong tập tục chôn cất của người Do Thái.

“Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Giê-xu trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội. Vậy, hai người lấy xác Đức Chúa Giê-xu, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa” (Giăng 19:39-40).

Một trăm cân một dược hòa với lư hội, cùng những lớp vải đã làm cứng cáp và hình thành một cái kén chắc chắn bao quanh xác. Nếu có người nào đánh gục mấy tên lính gác có vũ trang, phá cửa vào trong mộ và dời hòn đá ra rồi đánh cắp thi thể, thì sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra cho mấy lớp vải liệm nầy.

Những tên trộm cắp sẽ lấy đi cái xác với vải liệm quấn quanh, và vì thế sẽ không có gì bỏ lại để cho Phi-e-rơ và Giăng nhìn thấy cả. Hoặc mấy tên trộm cắp nầy, có mang theo một thanh gươm bén, chúng sẽ cắt qua lớp vải có một dược hòa với lư hội rồi mới lấy cái xác đi. Trong trường hợp đó, Phi-e-rơ và Giăng sẽ không nhìn thấy xác của Chúa, song sẽ có một mớ lộn xộn gồm vải liệm cùng những thứ để liệm xác nằm vung vải khắp nơi trên sàn.

Khi Phi-e-rơ và Giăng, hai nhân chứng, khám phá ra mấy tấm vải liệm còn ở đó và cái khăn trùm đầu thì cuốn lại, ngay lập tức họ nhìn biết xác của Chúa Giê-xu không còn nằm trong lớp vải liệm nữa. Nếu cái khăn trùm đầu còn ở đúng chỗ của nó, thì Phi-e-rơ và Giăng chưa tin. Nhưng với lớp vải liệm đang nằm bất động và cái khăn liệm quanh đầu của Chúa Giê-xu “chẳng ở cùng một chỗ với vải”, các môn đồ đang có lòng hồ nghi đã “thấy và tin” ngay.

Trong 2000 năm, Cơ Đốc giáo đã kể ngôi mộ trống là bằng chứng của Sự Sống Lại. Chúng ta có thể tuyên bố thêm rằng không những là ngôi mộ trống, mà lớp vải liệm kia cũng trống trơn luôn.

Chuyến đi làm thay đổi cả thế giới – chuyến đi đến mộ của Chúa Giê-xu – là một chuyến đi từ vô tín và niềm tin chao đảo đến một đức tin năng nổ, nóng cháy, kích thích lòng tin cậy của các môn đồ, và lòng tin cậy ấy đã kéo dài gần 2000 năm qua.

III. ĐI TỪ ĐỊA NGỤC ĐẾN THIÊN ĐÀNG.

Thứ ba, chuyến đi làm thay đổi thế giới là một chuyến đi từ địa ngục đến thiên đàng. Lời nói sau cùng của Chúa Giê-xu là: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46). Chữ “giao” có nghĩa là “chuyển cho”. Chúa chúng ta đã dạy trong lời nói sau cùng của Ngài rằng sự chết thực ra là một sự chuyển giao. Cái chết về phần xác không phải là kết cuộc của sự sống con người.

Hết thảy những ai đã qua đời, hết thảy những ai sẽ chết, đều được chuyển giao ngay lập tức căn cứ theo việc đình chỉ sự sống ở trên đất. Nhưng được chuyển giao cho chỗ nào? Có hai chỗ mà thôi: Địa ngục hay thiên đàng.                                  

Chúa Giê-xu rất giàu ơn cho phép mỗi người có quyền lựa chọn – hoặc sự sống đời đời trên thiên đàng với Ngài hay sự đau khổ đời đời trong địa ngục với ma quỉ cùng những quỉ sứ nó. Hai số phận sau khi qua đời được đặt ra trong câu nói về sự cứu rỗi của cá nhân tôi: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36).

Chuyến đi làm thay đổi thế giới là chuyến đi đến ngôi mộ trống của Đức Chúa Giê-xu Christ vào lúc sáng sớm ngày Chúa nhật Phục sinh. Có nhiều người đã chọn đi con đường nầy, khởi sự với Ma-ri Ma-đơ-len, Giăng và Phi-e-rơ. Chuyến đi ấy tuy ngắn song là chuyến đi quyết định từ thất vọng đến hy vọng, từ vô tín đến niềm tin và từ địa ngục lên thiên đàng. Có một chỗ đang dành cho bạn, và hết thảy những ai bằng lòng tin, trên chuyến đi nầy.

Post CommentLeave a reply