Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 30.05.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 30.05.2021

By K' Abel in NAM GIỚI on 24 Tháng Năm, 2021

Chúa nhật 30.05.2021

  1. Đề tài: DUY TRÌ TÂM LINH MẠNH MẼ.
  2. Kinh Thánh: Mác 13:28-36; Xuất 23:21; 1Ti 4:16.
  3. Câu gốc: “Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa” (1Ti-mô-thê 4:8).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 13-16.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “Duy trì tâm linh mạnh mẽ” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh và biết về y học giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Khi luyện tập thân thể một cách phải lẽ thì dứt khoát là có hiệu quả, chúng ta sẽ có thể lực dẻo dai hơn, trí óc minh mẫn lanh lợi và tinh thần vững vàng hăng hái hơn. Có bằng chứng là việc luyện tập thân thể có thể tăng tuổi thọ cho chúng ta từ vài tháng đến vài năm. Nhưng việc luyện tập thân thể chỉ có lợi cho chúng ta trên đời này mà thôi. Mặt khác, duy trì một đời sống thuộc linh mạnh mẽ có ích lợi hoàn toàn, vì có lời hứa cho cả đời này lẫn đời sau như ngụ ý của Phao-lô (1Ti-mô-thê 4:8).

  1. Linh hồn và thân thể.

Chúng ta là những bản thể toàn diện. Đó là lý do khiến Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca để họ có thể được nên Thánh hoàn toàn hầu cho cho “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đến!” (1Tê 5:23).

Ai đã từng làm công tác khải đạo đều nhận biết mối tương quan của ba phương diện này. Khi thể chất của chúng ta không tốt thì tâm lý và tinh thần của chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Khi tâm trí và tình cảm của chúng ta không ổn, thì thể xác và tâm hồn của chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Về phương diện thuộc linh, khi chúng không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì thể xác và tâm lý của chúng ta cũng bị ảnh hưởng.

  1. Duy trì sức khỏe thân thể.

Khi chúng ta thấy buồn chán (một vấn đề tâm lý bình thường) và Đức Chúa Trời “dường như” ở xa quá (vấn đề tâm lý) thì việc cần làm là rà soát tình trạng sức khỏe của bạn. Bạn có tập thể dục đều đặn không? Bạn có nghỉ ngơi đầy đủ không? Trong cơ thể bạn có chất cân bằng không? Tình trạng nội tiết trong thân thể bạn ra sao? Đó là lý do quan trọng để bạn đi khám sức khỏe mỗi năm một lần.

  1. Duy trì tâm hồn lành mạnh và tâm linh mạnh mẽ.

Nhưng sao vẫn có trường hợp đương sự lúc nào cũng mệt mỏi dù là ăn ngon, ngủ kỹ và vận động thường xuyên? Nếu bạn rơi vào tình trạng này thì cần tìm xem vấn đề nào đang đè nặng tâm hồn của bạn. Bạn đang chịu áp lực của chuyện gì? Phải chăng bạn đang ức chế sự tức giận thay vì bộc lộ một cách thỏa đáng?

Cơ Đốc nhân cũng có thể mắc phải tất cả các triệu chứng vừa đề cập vì họ không vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Họ ăn không ngon, ngủ không yên và buồn chán. Họ bị dễ bị kích động và thiếu nhẫn nại. Vấn đề có thể là vì họ đang mặc cảm về tội lỗi khiến cho cả thể xác lẫn tâm hồn của họ không còn yên ổn nữa.

  1. Cái giá phải trả khi cố tình không vâng phục.

Có một người nam Cơ Đốc phạm tội tà dâm với một thiếu phụ ly dị. Chắc chắn ông ta không có lương tâm mẫn cảm. Thâm tâm ông muốn làm một Cơ Đốc nhân mạnh mẽ có kỷ luật nhưng ông biết ông đã không vâng phục Đứa Chúa Trời. Tội trạng của ông càng nghiêm trọng hơn vì ông không bao giờ muốn cưới người phụ nữ này.

Tội lỗi của ông dẫn đến hậu quả tận cùng là ông mất tinh thần trầm trọng đến nỗi không thể làm việc hiệu quả. Bình thường ông rất hăng say, nay ông không còn tha thiết gì nữa. Dù ông đã trải qua vài biến động căng thẳng trong đời, nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuống tinh thần trầm trọng là tội lỗi của ông, tội sống ngoài ý chỉ của Đức Chúa Trời. Khi ông chỉnh đốn lại cuộc sống tâm linh, đám mây đen bao phủ tâm hồn ông cũng tan biến. 

  1. Nguyên nhân của sự nghèo nàn trong đời sống tâm linh.

Cần hết sức khôn ngoan để nhận biết chính xác nguyên nhân gây ra trục trặc nơi một đối tượng. Đúng thế, vì giữa ba lĩnh vực này, lằn ranh giới rất mong manh. Hơn nữa, ba lĩnh vực này trùng lấp lên nhau. Thí dụ, một người có thể gặp trục trặc tâm lý hoặc tâm linh. Nhưng “chùm rễ” có thể ăn sâu vào cả hai và cả ba lĩnh vực. Tuy nhiên, trục trặc thường thường bắt nguồn từ ít nhất là một trong các lĩnh vực trên.

Dù căn nguyên là gì chăng nữa, Đức Chúa Trời muốn chúng ta đặt sự thông công với Ngài lên hàng ưu tiên. Trong một số khía cạnh, đây là ý Chúa Giê-xu muốn nói khi Ngài bảo chúng ta: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Trước tiên và trên hết, Chúa Giê-xu nói những nhu cầu vật chất của chúng ta. Tuy nhiên, chắc chắn có thể ứng dụng những điều đó cho hạnh phúc về mặt tinh thần và sức khỏe thể xác. Khi chúng ta duy trì được sự hòa hợp ổn định thuộc linh là chúng ta đã đạt được một bước khá dài trong việc duy trì một tâm hồn lành mạnh và một thân thể khỏe mạnh.

  1. Phần thưởng.

Phần thưởng lớn nhất dành cho đời sống Cơ Đốc nhân có kỷ luật nhằm đạt đến sự nên thánh sẽ đến trong cõi vĩnh hằng. Phao-lô vận dụng trở lại cùng một ẩn dụ trong lĩnh vực thể thao (chạy đua) khi viết cho các tín hữu tại Phi-líp, là một tập thể Cơ Đốc nhân khác trong thời Tân ước có thể hiểu rõ sự so sánh này. Phao-lô coi như họ hiểu biết ẩn ý của ông khi ông viết: “Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Giê-xu Christ giựt lấy rồi. Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-líp 3:12-14).

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Theo bạn việc duy trì sức khỏe thân thể và sức khỏe tâm linh có mối liên hệ với nhau như thế nào? (1Tim 4:8).
  3. Tại sao chúng ta cần duy trì tâm linh mạnh mẽ?
  4. Làm thế nào để có một đời sống tâm linh mạnh mẽ? (Thi 130:7).
  5. Bạn nhận thấy tâm linh của mình đang ở trong tình trạng nào?
  6. Bạn sẽ làm gì khi biết có ai đó đang có một đời sống tâm linh yếu đuối?

 

 

Post CommentLeave a reply