Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 15.08.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 15.08.2021

By K' Abel in THANH NIÊN on 11 Tháng Tám, 2021

Chúa nhật 15.08.2021.

  1. Đề tài: HÒN ĐÁ KỶ NIỆM.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 4:1-5:1.
  3. Câu gốc: “Hỡi Đức Giê-hô-va, dành Ngài còn đến đời đời; kỷ niệm Ngài trải qua đời này đến đời kia” (Thi-thiên 135:13).
  4. Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 16-20.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “HÒN ĐÁ KỶ NIỆM” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho Ủy viên Linh vụ.
  2. Ủy viên Linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau phần trả lời mỗi câu hỏi, cần dành ra ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dựng bia, tạc tượng, xây đền đài để ghi nhớ một công trình làm rạng danh của một bậc anh hùng, hoặc một quốc gia dân tộc nào đó là điều thường thấy trong xã hội loài người! Nhưng còn công việc quyền năng lớn lao mà Đức Chúa Trời đã, đang thực hiện trong lịch sử nhân loại, thì ít có ai nói đến.

Trong cuộc qua sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên đã chứng kiến tận mắt phép lạ diệu kỳ mà Đức Chúa Trời đã làm giữa họ. Và khi qua phía bên kia sông, dân sự không phải đi với tay không, nhưng với hòn đá của lòng sông trên vai người đại diện của họ. Sự mang theo những hòn đá ấy với mục đích nào và có ý nghĩa gì?

  1. MẠNG LỆNH VỀ HÒN ĐÁ KỶ NIỆM.
  2. Sự vâng theo mạng lệnh Chúa (4:1-5,8).

Sự đem hòn đá từ giữa sông Giô-đanh để làm theo hòn đá kỷ niệm là một mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho Giô-suê. Theo mạng lệnh ấy, chúng ta chú ý đến bốn điểm sau đây:

(1) Người mang hòn đá là người được tuyển chọn trong các chi phái Y-sơ-ra-ên. Mỗi chi phái một người (c.2-3). Không thể có sự thay thế người chi phái nầy cho người nào trong chi phái khác. Vì mỗi người là đại diện của chi phái mình, và 12 người là đại diện cho 12 chi phái của Y-sơ-ra-ên, nghĩa là toàn thể dân sự.

(2) Mỗi người phải vác một hòn đá trên vai mình (c.5). Khi người ta mang vật nặng, vai thường là nơi chất gánh nặng ấy. Theo nghĩa bóng “gánh nặng” ám chỉ về trách nhiệm. Khi nói đặt “gánh nặng trên vai”, có nghĩa trao cho người nào đó một trách nhiệm gì. Như vậy, mỗi người đại diện của chi phái vác một hòn đá trên mình, chẳng những đó là một ách mạng. Nhưng còn có ý nghĩa nói lên chứng cớ về phép lạ sông
Giô-đanh là trách nhiệm của mỗi người Y-sơ-ra-ên mà 12 người vác mỗi một hòn đá là đại diện. Chúng ta không rõ sức nặng của hòn đá là bao nhiêu, trong mạng lệnh không có đòi nặng về sức nặng phải mang. Tuy nhiên trong sự lựa chọn, có lẽ Giô-suê cũng để ý đến người có sức mạnh để làm công tác nầy! Nơi lòng sông, có nhiều hòn đá, và họ có thể mang hòn đá nặng tùy cỡ vai họ có thể mang, nhưng chắc không phải hòn đá nhỏ! Chúa không bao giờ đặt trên chúng ta một gánh nặng quá sức của mình. Chúng ta hãy hình dung một bức ảnh 12 người đại diện cho cả Y-sơ-ra-ên, mỗi người mang trên vai mình một hòn đá từ giữa sông, nơi các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đang đứng, và từ đó lên bờ sông rồi vác đá ấy cùng với đoàn dân trên quãng đường chừng 8 dặm đến Ghinh-ganh, là nơi dân sự đóng trại. Một bức ảnh thật sống động về chứng cớ của phép lạ sông Giô-đanh mà 12 người đại diện đang mang ở giữa họ. Quãng đường dài họ vác hòn đá trên vai của mình chắc hẳn đã là một ấn tượng sâu xa trong tâm trí họ về công việc quyền năng diệu kỳ của Đức Chúa Trời mà họ không thể quên được!

(3) Khi cả Y-sơ-ra-ên đã qua sông là thời gian cho công tác vác đá. (4) Các hòn đá được vác từ giữa sông, nơi các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đứng cho đến khi đoàn dân qua khỏi. Thời gian và nơi chốn đã xác chứng cho phép lạ đã xảy ra và xảy ra cách hoàn toàn.

Tóm lại, đối với mạng lệnh về hòn đá kỷ niệm, 12 người của các chi phái Y-sơ-ra-ên không nghĩ làm cách nào khác. Nhưng họ vâng theo và làm đúng như Lời Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Giô-suê. Người thực sự vâng lời Chúa là làm đúng điều Chúa phán dặn mà không có câu hỏi nào cả! (c.8).

  1. Mục đích và ý nghĩa của hòn đá kỷ niệm (4:6-7,21-24).

Những hòn đá được vác từ lòng sông Giô-đanh với lý do để làm một dấu kỷ niệm cho dân Y-sơ-ra-ên trải qua các đời (c.6-7). Dấu nầy có thể nói lên nhiều mục đích khác nhau.

  1. a) Để làm chứng giữa dân sự về phép lạ sông Giô-đanh rẽ nước mà Đức Chúa Trời đã làm ở giữa Y-sơ-ra-ên.
  2. b) Để làm chứng về sự thành tín của Đức Chúa Trời đã đem dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an theo như Lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:7).
  3. c) Để dạy dỗ nhắc nhở những thế hệ tương lai về những quyền năng lớn lao mà Đức Chúa Trời đã làm ra giữa Y-sơ-ra-ên trong quá khứ. Hầu nhờ đó người trẻ tuổi không bị mất niềm tin, trái lại càng thêm vững vàng trong sự tin kính Đức Chúa Trời.
  4. d) Để các dân tộc thế gian nhìn biết Đức Chúa Trời của
    Y-sơ-ra-ên là “Chúa của cả thế gian”, Đấng quyền năng siêu việt, Đấng mà các nước, các dân tộc phải run rẩy, đầu phục Ngài.

(1) Công việc quyền năng của Đức Chúa Trời phải được ghi nhớ mãi mãi và truyền tụng dạy dỗ từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

(2) Người chứng kiến, hay nghe biết về việc quyền năng của Đức Chúa Trời có trách nhiệm nói cho người khác.

(3) Kỷ niệm về phép lạ của Đức Chúa Trời là một kỷ niệm sống động. Không phải đó chỉ là một kỷ niệm được gìn giữ, duy trì như một truyền thống tôn giáo trong gia đình của người dân sự Chúa, nhưng các công việc quyền năng của Đức Chúa Trời phải được đối đáp, học hỏi giữa cha mẹ, và con cái qua cuộc sống hằng ngày trong gia đình của họ.

  1. SỰ DỰNG HÒN ĐÁ KỶ NIỆM NƠI LÒNG SÔNG
    (4:9-14).
  2. Ý nghĩa của hòn đá kỷ niệm.

Chẳng những vác 12 hòn đá từ lòng sông để làm kỷ niệm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Nhưng Giô-suê còn dựng 12 hòn đá ở giữa sông Giô-đanh nơi các thầy khiêng hòm giao ước đã đứng (c.9). Việc Giô-suê xem có vẻ khó hiểu: Đây là việc do mạng lệnh của Chúa hay do ý riêng của Giô-suê? Những hòn đá kỷ niệm dưới dòng nước có mấy ai thấy được và sẽ được lưu lại bao lâu, mặc dầu vẫn còn trong thời ấy. Chúng ta không thấy có mạng lệnh của Chúa cách trực tiếp cho Giô-suê về việc nầy, nhưng điều chúng ta biết Giô-suê không làm việc gì ngoài sự cho phép của Chúa. Như vậy, việc
Giô-suê làm có ý nghĩa gì?

– Sự dựng 12 hòn đá kỷ niệm từ lòng sông tại nơi dân sự đóng trại, để nói lên việc (phép lạ) đã xảy ra. Một phép lạ nhắc nhở
Y-sơ-ra-ên về sự an toàn vượt qua sông và bước vào đất hứa! Sự dựng 12 hòn đá kỷ niệm dưới lòng sông để chỉ tỏ nơi phép lạ đã xảy ra. Nơi nhắc nhở dân sự rằng đời sống cũ của họ đã bị chôn sâu dưới lòng sông, một dứt khoát hoàn toàn với quá khứ “đồng vắng”. Mặc dầu mắt họ không thấy những hòn đá chứng kiến ấy, nhưng bởi đức tin chấp nhận sự kiện đã xảy ra để rồi bắt đầu cuộc sống mới tại đất hứa. Như vậy những hòn đá kỷ niệm dưới lòng sông Giô-đanh sẽ là một sự kiện bởi đức tin đối với dân Y-sơ-ra-ên trải qua các thế hệ sau đó. Về mặt thuộc linh, đối với người Cơ Đốc, mặc dầu ngày nay mắt chúng ta không thấy cây thập tự xưa trên đồi Gô-gô-tha, nơi Chúa Giê-xu đã xả thân. Nhưng bởi đức tin chấp nhận sự kiện lịch sử đã xảy ra ấy, để trở thành sống động trong đời sống hiện tại của chúng ta. Nghĩa là bởi đức tin chúng ta đồng nhất với Đấng Christ trong sự chết của Ngài về đời sống cũ tội lỗi của mình. Và cũng bởi đức tin chúng ta đồng nhất với Đấng Christ trong sự sống lại của Ngài, để bắt đầu một đời sống mới trong ân điển Ngài (Rô-ma 6:1-14).

  1. Một ngày lịch sử đáng ghi nhớ (4:11-14,19; 5:1).

Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh trên đất khô là một phép lạ đã viết lên một ngày lịch sử đáng ghi nhớ, với những điểm rất đặc biệt: vì ngày dân Y-sơ-ra-ên qua sông
Giô-đanh, mồng mười tháng giêng, cũng là ngày 40 năm về trước họ chuẩn bị Lễ Vượt Qua đầu tiên để ra khỏi xứ Ai-cập. Bây giờ cũng ngày nầy họ bước vào đất hứa! Điều nầy bày tỏ Đức Chúa Trời thành tín dường nào! Đặc biệt với dân Y-sơ-ra-ên, vì là ngày thánh đánh dấu một bắt đầu mới tại đất hứa
Ca-na-an, nơi mà họ mong đợi sau 40 năm quanh quẩn trong đồng vắng! Một ngày lạc quan và tràn đầy hy vọng chiến thắng, họ đi hướng về phía trước theo sự hướng dẫn của hòm giao ước, với khí giới trong tay sẵn sàng chiến đấu, trong khi các dân nghịch của xứ run sợ không chút chống cự, vì nghe thấy phép lạ diệu kỳ Đức Chúa Trời đã thể hiện giữa Y-sơ-ra-ên. Hơn nữa đặc biệt với Giô-suê, vì đó là ngày Đức Chúa Trời khiến Giô-suê được tôn trọng trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, một ngày thật là vinh hạnh cho người đầy tớ Chúa!

Trong câu 14, chúng ta thấy Giô-suê là một nhân vật nổi bật trong ngày lịch sử ấy. Như vậy đây có phải là “Ngày của
Giô-suê” không? Thật ra, Giô-suê không thể tự mình làm nổi bật, dân sự không tôn trọng Giô-suê, nếu Đức Chúa Trời khiến Giô-suê được tôn trọng. Giô-suê không làm nên ngày lịch sử lớn lao ấy, nhưng chính Đức Chúa Trời là tác nhân và sự vinh hiển thuộc về Ngài. Cho nên, nói cách đúng ngày lịch sử nầy là “ngày của Chúa cho Giô-suê” chớ không phải là ngày của
Giô-suê. Ngày vinh hiển danh Đức Chúa Trời, và Ngài làm cho Giô-suê được vinh dự trước mặt dân Y-sơ-ra-ên. Họ kính sợ Giô-suê trọn đời người như kính sợ Môi-se, vì cớ họ nhìn biết cũng như Môi-se, Giô-suê được Chúa chọn làm người trung bảo cho họ với Ngài. Họ kính sợ Giô-suê, tức là họ kính sợ Đức Chúa Trời vậy.

III. SỰ DỰNG HÒN ĐÁ KỶ NIỆM TẠI GHINH-GANH
(4:15-24).

  1. Một địa điểm quan trọng.

Ghinh-ganh là nơi đóng trại của dân Y-sơ-ra-ên sau khi qua sông. Ghinh-ganh cách khoảng hai dặm về phía Đông thành Giê-ri-cô, nơi đầu tiên dân sự dành quyền sở hữu cho mình tại đất hứa. Cũng nơi lịch sử nầy, Giô-suê dựng 12 hòn đá từ lòng sông Giô-đanh để làm dấu kỷ niệm đời đời trong Y-sơ-ra-ên. Và trong một ngày lịch sử 10 tháng giêng (c.15-20), theo các nhà giải kinh cho rằng thời gian dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an khoảng năm 1400 T.C. Trong thời Giô-suê, Ghinh-ganh đã trở thành trung tâm cho cuộc chinh phục xứ. Và những năm sau đó nơi nầy đã nên trung tâm quan trọng về chính trị và tôn giáo của Y-sơ-ra-ên. Trong thời Sa-mu-ên, Ghinh-ganh nơi lưu hành cho chức vụ của nhà tiên tri lớn nầy, cũng là nơi Sau-lơ được phong vương, trở thành vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên (1Sa-mu-ên 7:16). Cho nên sự dựng 12 hòn đá tại Ghinh-ganh đã nói lên tầm quan trọng của những hòn đá kỷ niệm nầy.

  1. Kỷ niệm và trách nhiệm (c.21-24).

Lời nói của Giô-suê khi dựng lên hòn đá kỷ niệm, chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:

  1. a) Ý nghĩa và trách nhiệm: Hòn đá kỷ niệm phải được giải nghĩa. Và sự giải nghĩa không phải bằng chữ viết trên hòn đá ấy, nhưng bằng lời giải nghĩa từ môi miệng của những người chứng kiến phép lạ xảy ra. Điều nầy cho thấy chữ viết trên hòn đá không thể thay thế cho trách nhiệm của người. Và người đó là bậc phụ huynh, người cha, tức người làm đầu trong gia đình (c.21).
  2. b) Một cách dạy dỗ hữu hiệu: Trong các câu 6-7,21-23 cho chúng ta tìm thấy những yếu tố giúp cho sự dạy dỗ con trẻ học biết Lời Chúa cách sống thực và có ý nghĩa: (1) Hòn đá từ sông Giô-đanh là một dấu ở giữa Y-sơ-ra-ên, để cha mẹ có thể cắt nghĩa cho con cái mình về việc quyền năng của Chúa. Trong Kinh Thánh cũng có ghi chép những “dấu” Chúa dùng để dạy dỗ Y-sơ-ra-ên. Như Chúa dùng cái mống để dạy cho Nô-ê về sự thành tín của Ngài (Sáng thế ký 9:12-17). (2) Đối đáp, câu hỏi và trả lời (c.21-22), sự dạy dỗ phải có mối liên hệ trao đổi hai chiều, giữa “thầy và trò”. (3) Thuật lại, sự dạy dỗ không phải là những lời lý thuyết, nhưng là một sự thuật lại điều mình đã chứng kiến, đã từng trải.
  3. c) Sự dựng hòn đá kỷ niệm việc quyền năng của Chúa không có gì là sai. Nhưng vấn đề là cứu cánh của hòn đá kỷ niệm ấy có phải là sự củng cố niềm tin của chúng ta và các thế hệ sau chúng ta, đem chúng ta gần với Chúa hơn không? Hãy coi chừng “những hòn đá kỷ niệm” chỉ vì lòng kiêu ngạo của một cá nhân, một nhóm người, hoặc một giáo hội! Thật đáng buồn hòn đá kỷ niệm tại Ghinh-ganh, theo thời gian dân Y-sơ-ra-ên đã đánh mất ý nghĩa thuộc linh. Thay vì đó là nơi trung tâm dạy dỗ chân lý về Đức Chúa Trời hằng sống và quyền năng cho các thế hệ tương lai của Y-sơ-ra-ên, lại biến thành chỗ thờ thần tượng xây bỏ Đức Chúa Trời!

Tóm lại, những hòn đá từ lòng sông Giô-đanh là một kỷ niệm về công việc quyền năng Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Đối với Cơ Đốc nhân ngày nay, “hòn đá kỷ niệm” của chúng ta là gì? Mỗi đời sống chúng ta là một “hòn đá sống” được đặt không phải ở một chỗ nhất định, nhưng trong môi trường sống của chúng ta để làm chứng nhân cho mọi người về quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời thực hiện trong đời sống chúng ta. Thật không có quyền năng nào lớn lao cho bằng quyền năng cứu rỗi của Chúa biến đổi từ một tội nhân trở thành thánh nhân. Đây là một phép lạ diệu kỳ đối với Cơ Đốc nhân, mà đời sống chúng ta là một chứng cớ sống động. Vậy, chúng ta hãy thuật lại cho người trong gia đình, bà con, bạn bè của mình về quyền năng cứu rỗi của Chúa trên đời sống chúng ta với cả tấm lòng biết ơn và tôn cao danh Ngài (Thi thiên 145:6).

* CÂU HỎI ÁP DỤNG

  1. Danh Đức Chúa Trời phải được ghi nhớ mãi mãi, và công việc quyền năng phải được nhắc nhở trong dân sự Chúa từ đời nầy sang đời khác. Điều này được áp dụng như thế nào trong nếp sống Cơ Đốc của bạn?
  2. Bạn sẽ làm gì và sống như thế nào để trở thành người chứng thực quyền năng Chúa cho người thế hệ sau mình?
  3. Là người trẻ tuổi bạn có kinh nghiệm gì về sự tìm hiểu khám phá việc quyền năng của Đức Chúa Trời trong quá khứ?
  4. Cứu cánh của công việc quyền năng Đức Chúa Trời phải là niềm tin kính trong lòng dân sự Chúa, và thái độ kính sợ Chúa trong vòng các dân ngoại. Bạn bày tỏ thái độ kính sợ Chúa trong vòng dân ngoại như thế nào?
  5. Hòn đá kỷ niệm sống động về công việc quyền năng của Đức Chúa Trời giúp chúng ta học và áp dụng như thế nào cho thế hệ trẻ ngày nay?

Chúa nhật 22.08.2021.

Post CommentLeave a reply