Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 12.09.2021.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 12.09.2021.

By K' Abel in THANH NIÊN on 6 Tháng Chín, 2021

Chúa nhật 12.09.2021.

  1. Đề tài: LÀM LẠI LỜI HỨA NGUYỆN VỚI CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 9:30-35, Phục 27:15-26; 28:1-14.
  3. Câu gốc: “Ngươi phải kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và hằng gìn giữ điều Ngài truyền ngươi phải giữ, tức là luật lệ, mạng lệnh, và điều răn của Ngài” (Phục truyền 11:1).
  4. Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 31-35.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 08.08.2021).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có thể nói lịch sử hình thành quốc gia Y-sơ-ra-ên được lập trên hai giao ước quan trọng. Một là giao ước Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham về sự ban đất Ca-na-an cho dòng dõi ông, tức dân Y-sơ-ra-ên. Đây là giao ước vô điều kiện. Và hai là giao ước Đức Chúa Trời lập với dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se tại núi Si-nai, có liên quan đến sự trường tồn phước hạnh của quốc gia dân Y-sơ-ra-ên tại đất hứa. Đây là một giao ước có điều kiện, nếu họ vâng giữ điều răn Ngài.

Sau 40 năm trong cuộc hành trình, khi dân Y-sơ-ra-ên đến biên giới đất hứa, trước khi qua đời, Môi-se nhắc lại giao ước trên, và đặc biệt với điều kiện của giao ước. Cũng như dặn bảo dân sự điều phải làm để thi hành giao ước nầy cách nghiêm chỉnh khi họ bước vào đất hứa. Trong bài học nầy, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu theo lời Môi-se, thế nào Giô-suê đưa dân
Y-sơ-ra-ên vào sự hứa nguyện vâng giữ luật pháp Chúa?

  1. SỰ DỰNG BÀN THỜ DÂNG CỦA LỄ CHO CHÚA (8:30-31).
  2. Sự dựng bàn thờ.

Theo 8:30-10:1, chúng ta nhận thấy, sau chiến thắng thành A-hi, trong cuộc chinh phục xứ của Giô-suê có một khoảng thời gian “dừng lại”. Một thời gian “nghỉ” quan trọng để tạo cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội ra mắt Đức Chúa Trời, thờ phượng Chúa, và lập lại lời hứa nguyện của mình đối với giao ước Ngài. Một buổi lễ rất long trọng được tổ chức tại Si-chem, nơi núi Ê-banh và Ga-ri-xim, với sự có mặt của toàn thể hội chúng Y-sơ-ra-ên, từ các thầy tế lễ, người Lê-vi, các trưởng lão, các quan trưởng đến người dân, cả đến đàn bà và trẻ con, cùng với khách ngoại bang theo họ trong cuộc hành trình. Theo địa lý, Si-chem cách thành A-hi khoảng 30 dặm về phía Bắc. Ê-banh, ngày nay có tên Jebal Eslamiyeh, núi có độ cao khoảng 950 mét, núi nầy đối diện nhau, cách nhau một thung lũng. Si-chem là thành phố cổ của dân Hê-vít, đã có từ trong thời Áp-ra-ham.

Một câu hỏi là dân Y-sơ-ra-ên và Giô-suê đến Si-chem, thì thành nầy còn trong tay dân nghịch hay đã thuộc về Y-sơ-ra-ên? Theo sự ghi chép trong sách Giô-suê, trong cuộc chinh phục xứ, chúng ta không thấy nói đến cuộc chiến với dân
Si-chem. Tuy nhiên trong bản liệt kê các vua bại trận trong chương 12, có đề cập một số các vua ở trong vùng Si-chem bị giết (c.17-18,24). Như vậy họ có chiến trận với Y-sơ-ra-ên, nhưng chúng ta không rõ thời điểm nào, hoặc trước hay sau cuộc thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên tại Si-chem.

Trong câu c.30 ghi rằng, trên núi Ê-banh, Giô-suê lập một bàn thờ bằng đá nguyên khối để dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va, y như mọi điều đã chép trong luật pháp Môi-se (Phục truyền 27:1-6). Sự kiện nầy chúng ta ghi nhận hai điểm sau đây:

Tại sao lập bàn thờ trên núi Ê-banh ở Si-chem? Vì đây là nơi được Đức Chúa Trời chỉ định. Một nơi ghi những dấu tích lịch sử đầy ý nghĩa đối với dân Y-sơ-ra-ên về mối thông công với Đức Chúa Trời trong quá khứ. Si-chem là nơi dừng bước đầu tiên của Áp-ra-ham trong cuộc hành trình Đức Chúa Trời gọi ông đến xứ Ca-na-an. Cũng nơi này Áp-ra-ham lập bàn thờ đầu tiên cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va, và nhận được lời hứa của Ngài về sự ban đất cho dòng dõi ông, tức Y-sơ-ra-ên (Sáng 12:5-7). Cũng tại Si-chem, Gia-cốp từ Pha-đan A-ram trở về xứ Ca-na-an, đã lập một bàn thờ đặt tên là Ê-nê-nô-hê Y-sơ-ra-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời là Chúa của Y-sơ-ra-ên (Sáng 33:17-20).

Tại sao bàn thờ là đá nguyên khối? Trong câu 31 nói thêm chi tiết “đá nguyên khối, sắt chưa đụng đến”, nghĩa là đá trơn hoàn toàn, không có bàn tay đục đẽo chạm trổ của loài người. Trong Xuất 20:25, Đức Chúa Trời phán dặn với Môi-se rằng, “Nếu ngươi lập cho Ta một bàn thờ bằng đá, chớ dùng đá chạm, vì nếu ngươi dùng đồ để chạm, thì sẽ làm đá đó ra ô uế”.  Như vậy đá nguyên khối, chúng ta có thể suy nghĩ đến sự vẹn toàn của Đức Chúa Trời. Về mặt thuộc linh, bàn thờ bằng đá nguyên khối chỉ về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hoàn toàn bằng sinh tế, tức sự đổ huyết của Đấng Christ, chớ có thêm vào công việc của bàn tay loài người xác thịt (Ê-phê-sô 2:8-9).

  1. Sự dâng của lễ (c.31).

Trên bàn thờ Giô-suê đã lập, dân Y-sơ-ra-ên dâng lên Đức Chúa Trời hai của lễ y như lời Môi-se phán dạy (Phục truyền 27:6).

(1) Của lễ thiêu chỉ về đời sống dâng hiến và đầu phục Đức Chúa Trời cách hoàn toàn. (2) Của lễ thù ân chỉ về mối thông công hòa bình giữa dân sự với Đức Chúa Trời, cũng bày tỏ tấm lòng của họ biết ơn Ngài. Cả hai của lễ đều có nghĩa bóng chỉ về Đấng Christ. Ngài vâng phục Đức Chúa Cha cách trọn vẹn với sự hi sinh thân mình làm của lễ chuộc tội cho loài người, và đem người tội trở lại giảng hòa cùng Đức Chúa Trời, được thông công với Ngài.

(2) Tóm lại, sự dâng hai của lễ trên có mục đích đem dân sự vào trong mối thông công thờ phượng Đức Chúa Trời, với tấm lòng biết ơn Ngài, và đáp ứng lại với đời sống dâng hiến cho Chúa, vâng phục làm theo luật pháp Ngài.

  1. SỰ GHI KHẮC BẢN LUẬT PHÁP TRÊN BIA ĐÁ (8:32).
  2. Người ghi khắc.

Sau khi dâng của lễ là phần ghi khắc bản luật pháp, Giô-suê theo lời dặn bảo của Môi-se bản luật pháp được ghi trên bia đá có thoa vôi (Phục truyền 27:2-4). Lý do thoa vôi có thể để cho sự khắc chữ được dễ dàng. Trong xã hội đông phương thời đó, một tập tục ăn mừng của các vua thắng trận là ghi những bia đá có thoa vôi. Đối với dân Y-sơ-ra-ên bia đá thoa vôi của họ không ghi những công trạng của nhà lãnh đạo quân sự mình, nhưng ghi bản luật pháp của Đức Chúa Trời, mà sự vâng giữ bản luật pháp nầy mới là bí quyết của đời sống thành công thật sự mà thôi (Giô-suê 1:8).

  1. Bản luật pháp tại núi Ê-banh, Si-chem.

“Giô-suê khắc trên đá một bảng luật pháp mà Môi-se đã chép trước mặt dân Y-sơ-ra-ên”. Bản luật pháp nầy có thể là mười điều răn và các luật lệ mà Đức Chúa Trời truyền cho
Môi-se tại núi Si-nai, hay một phần của sách Phục Truyền (Xuất 20:1-17; 24:1-8; Phục truyền 31:24-25).

Núi Ê-banh, thuộc Si-chem, một nơi được xem là trung tâm của xứ, và sau nầy trở thành đế đô của vương quốc Y-sơ-ra-ên (1Các vua 12:25). Địa điểm trung tâm đã được Đức Chúa Trời chọn để đặt luật pháp Ngài ở giữa với Y-sơ-ra-ên với những mục đích sau đây:

– Để nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng họ là một dân tộc ở trong giao ước với Đức Chúa Trời (Xuất 19:3-6; 24:3-8; Phục truyền 29:1-9).

– Để Y-sơ-ra-ên nhìn biết luật pháp Đức Chúa Trời phải là nền tảng trong quốc gia mới mẻ của họ. Thật là vinh hạnh cho Y-sơ-ra-ên, một quốc gia có kết luận của Đức Chúa Trời! (Phục truyền 4:6).

– Để dân chúng Y-sơ-ra-ên nhìn biết luật pháp Chúa là trọng tâm, là tiêu chuẩn đạo đức duy nhất cho đời sống phước hạnh sung mãn nơi đất hứa (Phục truyền 11:7-9).

Trong thời Cựu ước, luật pháp Chúa được ghi trên bia đá để dạy dỗ cho dân sự Ngài. Trong thời Tân ước, luật pháp Chúa được ghi tạc vào lòng kẻ tin bởi Đức Thánh Linh (2Cô-rinh-tô 3:3; Ê-xê-chi-ên 36:26-27). Với Đức Thánh Linh, người tin Chúa Giê-xu được Ngài biến đổi, tấm lòng cứng cỏi bằng đá được cất khỏi, và được cho tấm lòng bằng thịt mềm mại. Với tấm lòng mới nầy chúng ta mới có thể vừa muốn vừa làm theo luật pháp Chúa.

  1. SỰ TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚC LÀNH VÀ CHÚC DỮ (8:33-35).
  2. Một điều kiện cần thiết.

Theo điều Môi-se phán dặn trong Phục truyền 27:12,13,
Giô-suê chia cả Y-sơ-ra-ên làm hai nhóm đối nhau: (1) Nhóm đứng bên nầy núi Ga-ri-xim là núi chúc lành, gồm có các chi phái: Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Y-sa-ca, Giô-sép và Bên-gia-min. (2) Nhóm đứng bên kia núi Ê-banh, là núi chúc dữ, gồm có các chi phái: Ru-bên, Gát, Giô-suê đọc tất cả lời chúc lành và chúc dữ như đã ghi chép trong sách Phục truyền 27 và 28: Chúc lành với điều kiện vâng giữ luật pháp Đức Giê-hô-va. Và chúc dữ với lời cảnh cáo về sự trái bỏ luật pháp Chúa.

Quan sát quang cảnh buổi lễ lịch sử tuyên đọc lời chúc lành và chúc dữ, chúng ta nhận thấy đây là buổi lễ rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng vì trong buổi lễ có đủ mặt cả Y-sơ-ra-ên, đặc biệt có hòm giao ước của Đức Giê-hô-va, tỏ rằng Đức Chúa Trời đang ở giữa họ, chứng giám cho lời kết ước với Ngài. Nghiêm trọng vì một điều kiện có liên quan đến sự trường tồn và hạnh phước của quốc gia dân tộc Y-sơ-ra-ên tại đất hứa chẳng những cho thế hệ hiện tại mà cho các thế hệ về sau, chẳng những cho những người Y-sơ-ra-ên, mà cũng cho khách ngoại kiều ở giữa họ (vì vậy trong buổi lễ có sự tham dự của con trẻ lẫn khách ngoại bang): Vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời là điều kiện tất yếu, một bí quyết để dân sự Chúa được trường tồn và hưởng được những ngày trời trên đất (Phục truyền 11:18-21).

  1. Lựa chọn nào?

Sự đọc lời chúc lành và chúc dữ là đặt trước mặt dân Y-sơ-ra-ên trước hai con đường sống và chết. Và thách thức một sự lựa chọn khôn ngoan, một tấm lòng hứa nguyện vâng giữ luật pháp Chúa (Phục truyền 11:26-28). Về mặt thuộc linh đối với Cơ Đốc nhân chúng ta, hai ngọn núi Ê-banh và Ga-ri-xim có nghĩa gì? Ê-banh với sự khắc ghi luật pháp và sự lập bàn thờ, dưới luật pháp chúng ta thảy đều bị rủa sả, nhưng nhờ sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá, chúng ta được cứu chuộc khỏi sự rủa sả của luật pháp để được vào phước hạnh của Chúa, được từ Ê-banh đến Ga-ri-xim (Ga-li-ti 3:10-14; Mat 5:1-12).

Tóm lại, mặc dầu buổi lễ thờ phượng, tái lập giao ước với Đức Chúa Trời tại núi Ê-banh và Ga-xi-rim là thời gian ngắn ngủi so với thời gian chinh phục xứ Ca-na-an. Nhưng là thời gian cần có, một sự đặt nền tảng cần thiết có liên quan đến hạnh phúc tương lai của tân quốc gia Y-sơ-ra-ên tại đất hứa. Nếu thiếu củng cố nền tảng nầy trước hết thì cuộc chinh phục xứ cho dù có thành công, thì cũng luống nhưng mà thôi!

Hãy kiểm điểm lại chính mình. Chúng ta đang bận rộn đeo đuổi theo điều gì? Hãy coi chừng! Có thể chúng ta bỏ mất điều quan trọng trước hết của đời sống. Đó là mối thông công với Chúa, học Lời Chúa và hứa nguyện yêu Chúa, vâng giữ lời Ngài.

BÀI HỌC ÁP DỤNG

  1. Một mất mát nguy hiểm trong đời sống của người con dân Chúa là mất mối dây thông công thờ phượng Chúa!
  2. Luật pháp Đức Giê-hô-va phải là trọng điểm của đời sống của con dân Chúa.
  3. Sự khắc ghi Lời Chúa trên bản đá chưa đủ, chúng ta cần có sự ghi khắc Lời Chúa trong lòng bởi Đức Thánh Linh.
  4. Một điều kiện cho dân sự Chúa có thể sống “những ngày trời” trên đất và vâng giữ luật pháp và điều răn Chúa.

 

 

Post CommentLeave a reply