Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 14.08.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 14.08.2022

By K' Abel in NAM GIỚI on 12 Tháng Tám, 2022

Chúa nhật 14.08.2022

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHIẾN THẮNG.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 13:17-22; 14:1-31.
  3. Câu gốc: “Ngựa sắm sửa về ngày tranh chiến; nhưng sự thắng trận thuộc về Đức Giê-hô-va” (Châm 21:31).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 29-32.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh nhóm.

  1. 1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải thích (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi đề nghị, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo:

  1. Đọc Xuất 13:17-22 và cho biết:
  2. Xin cho biết vì sao Đức Chúa Trời dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi vòng theo đường trong đồng vắng về hướng Biển Đỏ?
  3. Đức Chúa Trời có ý định gì trong việc dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi vào con đường đó?
  4. Bạn nhận biết thế nào về ý định và chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống mình?
  5. Đọc Xuất 14:1-25 và cho biết:
  6. Dân Y-sơ-ra-ên đã làm gì khi đối diện với hoàn cảnh trước mặt là Biển Đỏ và sau lưng là đội quân Ê-díp-tô đuổi theo?
  7. Việc Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ên đối diện với hoàn cảnh khó khăn trên mang ý nghĩa gì?
  8. Xin bạn cho biết kinh nghiệm của mình được Đức Chúa Trời dẫn dắt khi đối diện với nghịch cảnh.

III. Đọc Xuất 14:26-31 và cho biết:

  1. Đức Chúa Trời dùng tay Môi-se giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi quân Ê-díp-tô như thế nào?
  2. Đức Chúa Trời có đủ quyền phép đem dân Do Thái qua Biển Đỏ dễ dàng cũng như Ngài tiêu diệt quân Ê-díp-tô nhưng vì sao Ngài thực hiện phép lạ giải cứu qua Môi-se, tôi tớ Ngài?
  3. Ngày nay, Chúa dùng bạn đem sự cứu rỗi của Ngài đến cho người khác như thế nào?
  4. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  5. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  6. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  7. 20 phút học Kinh Thánh.
  8. 10 phút tường trình.
  9. 5 phút đúc kết.
  10. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  11. Chia nhóm: Chia thành 2 hoặc 3 nhóm.
  12. Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  13. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  14. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  15. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Cơn ác mộng có thể khiến người ta sợ hãi trong một giây phút, nhưng trên đời, có những hoàn cảnh hãi hùng hơn thế nữa. Dân Do Thái dưới sự điều động của Môi-se, cởi bỏ ách nô lệ của vua Ê-díp-tô, đang tiến về miền đất của Đức Chúa Trời đã hứa cho tổ phụ họ. Họ cũng đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng. Họ đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Trước mặt là Biển Đỏ chặn đường tiến, còn sau lưng là đạo quân Ê-díp-tô đang đuổi theo gần kịp để bắt họ về lại dưới ách nô lệ. Đoàn dân đông thấy mình vô phương hy vọng, cho nên họ bắt đầu “hãi hùng, kêu van Đức Giê-hô-va” (Xuất 14:10). Bấy giờ Ngài giơ tay giải nguy cho họ, và đồng thời bày tỏ cho họ thấy rằng Ngài luôn ở cùng và che chở họ. Bài học hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta thấy bàn tay bảo vệ của Chúa trên dân sự Ngài.

  1. ĐƯỜNG ĐI TRONG LÒNG BIỂN (14:21-22).

“Vả, Môi-se giơ tay ra trên biển, Đức Giê-hô-va dẫn trận gió đông thổi mạnh đến lùa biển lại trọn cả đêm; Ngài làm cho biển bày ra khô, nước phân rẽ. Dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, đi như trên đất cạn; còn nước làm thành một tấm vách ngăn bên hữu và bên tả” (Xuất 14:21-22).

Dân Do Thái thoát được ách nô lệ của Pha-ra-ôn, lấy làm hớn hở vui mừng lắm vì chính Đức Chúa Trời đã giải cứu họ. Tuy nhiên, Pha-ra-ôn và dân Ê-díp-tô hối tiếc vì đã để dân Do Thái được tự do. Họ không còn ai phục dịch họ như cũ.

Dầu vậy, dân Do Thái có hết lòng tin cậy vào sự dìu dắt của Chúa mà dấn thân vào cuộc mạo hiểm nầy không? Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 13 chép rằng Đức Chúa Trời không dẫn họ đi trên mạch lộ giao thông của các đoàn lái buôn thường đi. Mà đưa họ sang phía đông nhằm về hướng Biển Đỏ để tránh những cuộc đụng độ không cần thiết. Một lý do lẩn tránh khác là dân Do Thái cho đến lúc bấy giờ chưa hề đánh trận với ai, cho nên sẽ không có kinh nghiệm chiến chinh để có thể mang đến thắng lợi được.

Trên con đường ra khỏi Ê-díp-tô, Chúa hiện diện với dân sự ở trong trụ mây ban ngày và trong trụ lửa ban đêm mà dẫn đường cho họ. Cho đến lúc nầy, dân Do Thái đã thấy được quyền năng của Chúa qua những tai vạ Ngài giáng trên dân Ê-díp-tô. Họ biết được Chúa ở với mình, nhưng họ chưa gần gũi Ngài nhiều nên không thấy được sự thương xót lớn lao của Ngài. Chúa muốn họ đoạn tuyệt với dân Ê-díp-tô. Chúa biết lòng họ vẫn chưa được tách rời hẳn xứ Ê-díp-tô, cho nên Chúa dạy họ khi nào vào đến đất hứa, họ phải dâng con vật đầu lòng của mình để nhớ lại cách Đức Chúa Trời đã giải phóng họ (Xuất 13:11-12).

Biển Đỏ và đạo quân của Pha-ra-ôn tuy là những chướng ngại đối với dân Do Thái, nhưng lại là cơ hội Đức Chúa Trời dùng để giúp họ kinh nghiệm về Ngài nhiều hơn và dám hoàn toàn phó thác đời sống của họ cho Ngài. Con đường của họ còn dài, còn nhiều chông gai hiểm trở. Họ cần học sự tin cậy Chúa nhiều hơn. Chúa truyền cho Môi-se nói với dân chúng rằng: “Cứ đi” (Xuất 14:15) vì Ngài đã thấy sự đe dọa, trở ngại trên họ, và đã nghe lời kêu cầu của họ. Đức Chúa Trời sẽ thân chinh tiêu diệt kẻ dám có ý định bắt dân Ngài trở lại kiếp nô lệ cũ.

Ngày nay, Chúa còn mở đường cho chúng ta vượt qua chướng ngại vật trên đường hầu việc Chúa. Phao-lô cho chúng ta biết: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). Chúa cũng bảo vệ chúng ta phía sau và phía trước như thiên sứ và trụ mây “lộn lại đi sau”, ngăn chặn sự tấn công mặt hậu của quân Ê-díp-tô. Còn phía mặt tiền, Ngài dùng Môi-se làm phép lạ phân nước biển thành hai vách, để lộ con đường khô ráo xuyên qua lòng Biển Đỏ, đưa dân Ngài đến bến an toàn.

Người nào nghe theo tiếng gọi của Chúa mà bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài, sẽ không xây mặt về phía sau nữa, vì phải biết rằng quỷ dữ đang tìm mọi cách lôi kéo chúng ta trở lại con đường của thế gian. Chúa hằng lo giúp chúng ta đắc thắng kẻ thù nghịch sau lưng. Ngài muốn chúng ta cứ tiến tới luôn luôn cho đến khi được vào đất hứa – thiên đàng vinh quang – vĩnh cửu. Bất chấp trở ngại trước mặt, dù nó có to như biển cả Đức Chúa Trời sẽ cho chúng ta kinh nghiệm quyền năng giải cứu của Ngài. Đức Chúa Trời không làm cạn khô Biển Đỏ nhưng chỉ vạch đủ lối đi an toàn cho dân sự Ngài đi qua. Ngài cũng chẳng cần cất hết mọi trở ngại trên bước linh trình của chúng ta, mà chỉ cần dọn đủ để chúng ta có thể tiếp tục tiến bước và kinh nghiệm sự hiện hữu của Ngài bên cạnh.

  1. QUÂN Ê-DÍP-TÔ THẤT BẠI (14:23-25).

“Người Ê-díp-tô bèn đuổi theo; hết thảy ngựa, binh xa cùng lính kỵ của Pha-ra-ôn đều theo xuống giữa biển. Vả, đến canh sáng, Đức Giê-hô-va ở trong lòng trụ mây và lửa, nhìn ra thấy trại quân Ê-díp-tô, bèn làm cho họ phải rối loạn. Ngài tháo bánh xe của họ, khiến dẫn dắt cực nhọc. Người Ê-díp-tô bèn nói nhau rằng: Ta hãy trốn khỏi dân Y-sơ-ra-ên đi, vì Đức Giê-hô-va thế dân đó mà chống cự cùng chúng ta” (Xuất 14:23-25).

“Dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, đi như trên đất cạn” (Xuất 14:22). Trước một tình thế rất nguy kịch, dân Do Thái không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận giải pháp của Chúa bày ra trước mắt họ – Họ đi trên biển như đi trên đất khô. Quân Ai Cập (Ê-díp-tô) đi theo con đường của dân Do Thái, nhưng con đường ấy đã trở thành con đường chết cho quân thù.

Cùng trên con đường đời, người đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì được trụ lửa soi sáng suốt cả đêm, trong khi đó những kẻ nghịch lại với ý muốn của Ngài cứ lần mò trong sự tối tăm, không hay biết rằng mình đang đi trên con đường chết. Vậy, đường đời chúng ta đi có Chúa toàn năng soi sáng, bảo vệ, giúp đỡ, dẫn dắt nên chúng ta biết chắc rằng mình sẽ đến bến bờ an toàn. Người thuộc về thế gian đi chung con đường đời như con dân Chúa đang đi, nhưng họ không thể lường trước được điều dữ đang chờ đợi họ.

Đấng ngự trong “lòng trụ mây và trụ lửa” nhìn thấy tất cả mọi việc người thế gian đang làm. Chúa để mặc cho kẻ thù đi trong bóng tối, để họ không thấy được dân sự của Ngài. Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời “làm cho họ rối loạn và tháo bánh xe của họ (người Ê-díp-tô)”, để họ không thể làm trọn mưu toan của mình. Ngựa và xe là những chiến cụ đã từng làm cho đạo binh của Ai Cập lừng danh, nay bị Đức Chúa Trời phá tan “Vì Đức Giê-hô-va biết đường người công bình, song đường kẻ ác rồi bị diệt vong” (Thi Thiên 1:6). Chúa đợi đến canh sáng, lúc sao mai mọc là khi dân sự của Ngài đã đến bờ bến an toàn rồi, Ngài cho biển dâng lên nhấn chìm đạo binh Ê-díp-tô. Đến lúc quân nghịch thấy sự cuối cùng của họ.

III. QUÂN Ê-DÍP-TÔ BỊ DIỆT (14:26-28).

“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra trên biển, nước sẽ trở lấp người Ê-díp-tô, binh xa và lính kỵ của chúng nó. Môi-se bèn giơ tay mình ra trên biển, lối sáng mai, nước trở lấp phủ đáy biển lại, người Ê-díp-tô chạy trốn bị nước chận; vậy Đức Giê-hô-va xô họ xuống giữa biển. Thế thì, nước trở lại bao phủ binh xa và lính kỵ của cả đạo binh Pha-ra-ôn đã theo dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, chẳng còn sót lại một ai” (Xuất 14:26-28).

Sự thất bại của dân Ê-díp-tô vào lúc canh sáng nầy nhắc cho chúng ta rằng sự ác sẽ không thể tồn tại được khi “sao mai sáng chói” là Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra (Khải Huyền 22:16), là khi mặt trời công bình sẽ mọc lên. Xuất 14:28 thuật lại rằng: “Thế thì, nước trở lại bao phủ binh xa, lính kỵ của cả đạo binh Pha-ra-ôn đã theo dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, chẳng còn sót lại một ai”. Sự kiện nầy nhắc chúng ta ý nghĩa thiêng liêng của lời Chúa Giê-xu phán cho môn đồ Ngài rằng: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24).

  1. DÂN DO THÁI TIN TƯỞNG CHÚA (14:29-31).

“Song dân Y-sơ-ra-ên đi giữa biển như trên đất cạn; nước làm thành vách ngăn bên hữu và bên tả. Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi tay người Ê-díp-tô; dân ấy thấy người Ê-díp-tô chết trên bãi biển. Dân Y-sơ-ra-ên thấy việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va đã làm cho người Ê-díp-tô, nên kính sợ Ngài, tin Ngài và Môi-se, là tôi tớ Ngài” (Xuất 14:29-31).

Qua kinh nghiệm Biển Đỏ, dân Do Thái có “lòng kính sợ của họ đối với Ngài, tin Ngài và Môi-se là tôi tớ Ngài” (c.31). Nên nhớ rằng dân Do Thái lúc bấy giờ mới bắt đầu đi theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Chúa muốn dùng hết thảy mọi con dân của Ngài vào việc làm vinh Danh Ngài. Ngài có đủ quyền phép để đem dân Do Thái qua Biển Đỏ dễ dàng cũng như Ngài tiêu diệt quân Ê-díp-tô mà không cần ai giúp Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không làm như vậy. Ngài muốn thực hiện phép lạ giải cứu của Ngài qua Môi-se. Ngày nay, Chúa vẫn dùng mọi kẻ tin cậy Ngài để đem sự cứu rỗi đến với thế nhân như vậy.

 

 

 

Post CommentLeave a reply