Chuyên mục: QUÍ III. 2016

BÀI 3.  LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY (GV-HV)

BÀI 3.  LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY (GV-HV)

in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 13 Tháng Bảy, 2018

BÀI 3.  LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY (GV)

 I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 22:1-41; 24:10-14, 25.

II. CÂU GỐC: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Vì tham tiền mà Ba-la-am làm theo ý riêng của mình.

– Cảm nhận: Lòng tham lam dễ khiến chúng ta làm những việc sai trái.

– Hành động: Nhờ Chúa khắc phục tính tham lam, không để cho tính xấu đó phát triển thành vấn đề nghiêm trọng.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ

1. Các em cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến sự “tham lam”. Gợi ý cho các em tự suy nghĩ và viết lên bảng hoặc bìa cứng một vài vấn đề như: Tham lam là gì? Tôi có tham lam không?… Những vấn đề nầy có thể thảo luận với nhau, hoặc viết ra giấy.

2. Hướng dẫn các em tìm đọc 2Phi-e-rơ 2:15-16; Giu-đe 11.

3. Viết lên bảng những lỗi lầm mà Ba-la-am đã phạm.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

Các em thân mến! Những suy nghĩ trong lòng và hành động bên ngoài có liên quan mật thiết với nhau. Khi đang vui, các em cảm thấy mình rất dễ chịu với bạn bè, nhưng khi đang bực bội thì sao? (Cáu gắt, thấy ai cũng ghét…). Đức Chúa Trời cho con người có ý chí, tình cảm, biết nhận thấy điều sai, điều đúng, biết vui, buồn, hờn, giận, và Kinh Thánh dạy chúng ta biết cách tự chủ. Các em còn nhớ Kinh Thánh dạy về sự kềm chế cơn giận dữ như thế nào không? (Cho các em nhắc lại Ê-phê-sô 4:26). Nếu em có bản tính khác biệt, không bao giờ biết tạ ơn Chúa thì em phải làm sao? (1Tê-sa-lô-ni-ca 5: 18).

Hôm nay, các em sẽ được học về một người có cảm nhận trong lòng và hành động bên ngoài rất trái ngược nhau. Hãy xem cảm nhận và hành động của người nầy có giống cảm nhận và hành động của các em không?

2. Bài học.

a. Nảy sinh lòng tham không đáy.

Đức Chúa Trời luôn giúp đỡ dân Y-sơ-ra-ên trên suốt cuộc hành trình đến đất hứa. Họ đánh bại dân Ca-na-an và dân A-mô-rít. Tin tức về chiến thắng và sức mạnh của dân Y-sơ-ra-ên truyền đi rất nhanh, làm cho vua Mô-áp là Ba-lác rất sợ hãi.

Dân Y-sơ-ra-ên đóng trại trong đồng bằng Mô-áp đối diện Giê-ri-cô (Bản đồ số 3: Cuộc hành trình dân Y-sơ-ra-ên). Vua Mô-áp hay tin dân Y-sơ-ra-ên đang hướng về đất của mình, thì vô cùng hoảng sợ. Vua cũng được nghe về Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên và biết rằng họ chiến thắng được là nhờ Đấng đó. Vua và dân Mô-áp rất khiếp đảm. Họ sẽ làm gì để đối phó đây?

Dân Mô-áp liền liên kết với dân Ma-đi-an, hy vọng khi hiệp sức lại sẽ đủ sức đối phó với dân Y-sơ-ra-ên. Họ nói: “Dân nầy sẽ ăn nuốt chúng ta như bò ăn cỏ vậy”.

Tuy rằng đã liên kết với dân Ma-đi-an, nhưng vua Ba-lác vẫn lo sợ. Ba-lác liền nảy ra một ý. Vua sai sứ giả đi tìm tiên tri Ba-la-am để nhờ Ba-la-am nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên làm cho họ phải suy yếu đi. Sứ giả đến gặp Ba-la-am nói rằng: “Có một dân tộc đến từ Ai-cập đông như kiến, phủ đầy mặt đất, đang đóng đối diện chúng tôi. Xin ông đến nguyền rủa họ… Có lẽ nhờ ông chúng tôi có thể đuổi họ đi” (Dân Số Ký 22:5-6). Kèm theo lời yêu cầu của sứ giả là vô số vàng bạc nhằm thuyết phục Ba-la-am chịu đi rủa sả dân Y-sơ-ra-ên.

Vàng bạc của Ba-lác đã làm cho Ba-la-am nảy sinh lòng tham muốn. Ông nói cùng sứ giả: “Xin các ông nghỉ lại đây đêm nay. Tôi sẽ trả lời các ông tùy theo lời của Đức Giê-hô-va phán cùng tôi”. Thật ra, ngay từ đầu Ba-la-am đã biết Đức Chúa Trời sẽ không cho phép ông đi rủa sả dân sự của Ngài. Đáng lẽ ông phải trả lời dứt khoát là “Không”.

Đêm đó, Đức Giê-hô-va hỏi: “Ba-la-am, những người trong nhà ngươi là ai?” Đức Chúa Trời biết rõ tất cả mọi chuyện, nhưng Ngài muốn chính Ba-la-am phải nói ra. Ba-la-am thưa: “Ba-lác, vua Mô-áp muốn tôi đến rủa sả dân Y-sơ-ra-ên, để vua có thể đánh đuổi họ đi”. Đức Chúa Trời phán cùng Ba-la-am: “Ngươi không được đi với họ, không được nguyền rủa dân kia, vì đó là dân được ban phước” (Dân Số Ký 22:12).

b. Thực hiện lòng tham không đáy.

(1) Lần 1.

Đức Chúa Trời đã phán dặn rất rõ ràng. Sáng hôm sau, Ba-la-am nói cùng sứ giả: “Các ông về đi! Đức Chúa Trời cấm tôi đi với các ông”. Dù nói vậy nhưng lòng Ba-la-am vẫn đang bị ám ảnh vàng bạc của Ba-lác.

(2) Lần 2.

Vua Ba-lác thất vọng vì Ba-la-am không nhận lời đề nghị của mình. Không nản lòng, Ba-lác cử một đoàn sứ giả khác đông hơn, đem nhiều vàng bạc châu báu hơn lần trước để mời cho được Ba-la-am. Họ đến gặp ông, năn nỉ: “Vua Ba-lác khẩn khoản mời ông đến. Vua hứa sẽ ban cho ông chức vụ cao nhất và tất cả những gì ông muốn, miễn là ông đi rủa sả dân Y-sơ-ra-ên cho vua”. Các em thấy lời đề nghị nầy như thế nào? Thật là hấp dẫn phải không?

Ba-la-am không thể kềm chế lòng tham, nhưng vẫn nói rằng: “Dầu Ba-lác cho tôi cung điện chứa đầy vàng bạc, tôi cũng không thể làm gì ngoài những điều Đức Chúa Trời đã phán dạy tôi”. Câu trả lời của Ba-la-am mới nghe qua tưởng rất dứt khoát, nhưng thực ra không phải như vậy. Các sứ giả của Ba-lác nhìn thấy được sự phân vân trong lòng của Ba-la-am, nhất là khi ông nói: “Xin các ông nghỉ lại đêm nay nữa, để xem Đức Chúa Trời có phán thêm điều gì khác không”. Rõ ràng trong lòng của Ba-la-am khao khát có được quyền thế cũng như sự giàu có mà vua Ba-lác hứa ban cho. Dù ông biết rất rõ ý muốn của Đức Chúa Trời, và cũng biết rằng Đức Chúa Trời ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng lòng tham không đáy đã khiến cho Ba-la-am hy vọng Đức Chúa Trời sẽ đổi ý mà cho phép ông đi.

Đức Chúa Trời thấy lòng của Ba-la-am nhất quyết muốn đi, nên đêm đó Ngài phán cùng Ba-la-am rằng: “Cứ đi với họ, nhưng chỉ được làm theo lời Ta phán”.

(3) Lần 3.

Ba-la-am hí hửng thắng lừa và sáng sớm hôm sau đã lên đường đi Mô-áp. Ba-la-am chỉ nghĩ đến sự vinh hiển và vàng bạc mà Ba-lác hứa ban cho, còn những lời phán dặn của Đức Chúa Trời thì ông hoàn toàn quên mất. Đức Chúa Trời thấy được những suy nghĩ của Ba-la-am, nên Ngài rất buồn.

Trên đường đi, Đức Chúa Trời đã làm một việc mà chắc chắn Ba-la-am sẽ không bao giờ quên được. Ba-la-am đang cỡi lừa tiến thẳng trên đường cái, tự nhiên con lừa đi tránh vào đồng ruộng. Thông thường, loài súc vật nầy không bao giờ có hành động lạ như vậy. Ba-la-am tức giận, đánh và bắt nó phải trở ra đường cái. Ông không nhận biết rằng đây là cách nhắc nhở của Đức Chúa Trời. Ngài cho thiên sứ đứng ở bên đường, Ba-la-am không trông thấy, nhưng con lừa thấy và vì thế nó mới tránh ra mà đi vào ruộng.

Con lừa tiếp tục đi trên đường cái được một quãng thì đến chỗ đường rất hẹp, hai bên lại có vách che chắn. Thiên sứ của Đức Chúa Trời đứng ở trên đường. Con lừa vì muốn đi qua, nên nép sát vào tường làm kẹt chân của Ba-la-am, và ông nổi giận đánh nó lần nữa. Thiên sứ của Đức Chúa Trời đi tới xa hơn một chút, đứng trong một khúc đường rất hẹp đến nỗi không thể lách qua phải hay qua trái được. Còn lừa tội nghiệp không còn cách nào để đi qua được nữa, chỉ biết nằm mọp xuống. Ba-la-am tức quá vung gậy đánh nó tới tấp. Lúc nầy, để cho Ba-la-am hiểu được mọi việc, Đức Chúa Trời làm một việc lạ lùng là cho con lừa nói tiếng người: “Tôi đã làm gì sai mà ông đánh tôi ba lần?” Có lẽ vì quá giận nên Ba-la-am không còn đủ tỉnh táo để nhận biết tại sao một con lừa lại nói được tiếng người? Ông trả lời: “Vì mày sỉ nhục tao. Nếu có kiếm trong tay, tao đã giết mày rồi!” Lừa lại nói cùng Ba-la-am: “Tôi chẳng phải là con lừa mà ông đã cỡi luôn cho đến ngày nay sao? Có bao giờ tôi làm như vậy chưa?” Ông đáp: “Chưa!”

Ngay lúc đó, Đức Chúa Trời mở mắt Ba-la-am, ông nhìn thấy thiên sứ của Đức Chúa Trời đứng ở bên đường, tay cầm một cây thanh gươm sáng loáng. Ông vội sấp mặt xuống đất. Thiên sứ của Chúa hỏi: “Sao ngươi đánh con lừa ba lần? Ta đến để ngăn cản ngươi, vì ta thấy ngươi đi theo con đường dẫn mình đến nơi hư nát”.

Thiên sứ của Đức Chúa Trời cho phép Ba-la-am tiếp tục lên đường đến Mô-áp, nhưng cảnh cáo ông rằng: “Ngươi chỉ nói điều chi ta phán dặn ngươi”.

c. Hậu quả của lòng tham không đáy.

(1) Không thể thực hiện theo ý riêng.

Vua Ba-lác hay tin Ba-la-am đến liền vui mừng ra tận nơi đón tiếp. Hôm sau, Ba-lác dẫn Ba-la-am lên một đỉnh núi cao, là nơi có thể nhìn xuống thấy toàn bộ trại quân của người Y-sơ-ra-ên đóng ở phía dưới. Ba-la-am yêu cầu Ba-lác xây tại đây bảy bàn thờ, trên mỗi bàn thờ dâng một con bò và một con chiên. Ba-la-am đi tới một chỗ vắng vẻ, hy vọng sẽ được nói chuyện với Chúa. Đức Chúa Trời hiện ra cùng Ba-la-am và lặp lại lời nói của Ngài: “Không được rủa sả dân Y-sơ-ra-ên”.

Ba-la-am quay về chỗ bảy bàn thờ, ông nhìn xuống dân Y-sơ-ra-ên đang đóng trại rồi chúc phước cho họ.

Ba-lác sửng sốt hỏi: “Ông làm gì vậy? Tôi mời ông đến nguyền rủa, ông lại đi chúc phước cho họ”.

Ba-lác dẫn Ba-la-am đến một đỉnh núi khác, nơi đây nhìn xuống chỉ thấy một phần trại quân của người Y-sơ-ra-ên mà thôi. Ba-lác nghĩ rằng có lẽ nơi đây Ba-la-am dễ thốt lời nguyền rủa hơn. Theo yêu cầu của Ba-la-am, Ba-lác dựng bảy bàn thờ như lần trước. Dù biết rất rõ ý muốn của Chúa, nhưng Ba-la-am vẫn tìm một nơi vắng vẻ để dò hỏi ý Chúa. Sau đó, Ba-la-am quay trở lại và nói: “Đức Chúa Trời không phải là người để nói dối, hoặc thay đổi ý kiến. Tôi được lệnh chúc phước, sao dám cãi lời?” Thế rồi lại một lần nữa, Ba-la-am chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên. Thấy thế, Ba-lác rất thất vọng. Vua nói với Ba-la-am rằng: “Nếu ông không nguyền rủa thì cũng đừng chúc phước cho họ chứ?”

Dầu vậy, Ba-lác vẫn muốn thử thêm một lần nữa, hy vọng lần nầy Đức Chúa Trời cho phép rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Ba-lác dẫn Ba-la-am lên một đỉnh núi thứ ba. Tại đây nhìn xuống chỉ thấy toàn sa mạc, có lẽ Ba-lác nghĩ rằng khi không nhìn thấy trại quân của người Y-sơ-ra-ên, Ba-la-am sẽ dễ dàng rủa sả. Ba-la-am yêu cầu xây bảy bàn thờ và dâng của lễ y như những lần trước, và lại thêm một lần nữa ông chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên, theo ý của Đức Chúa Trời.

(2) Không được gì cả.

Đến lúc nầy thì Ba-lác không còn kiên nhẫn được nữa, ông nổi giận đập hai tay vào nhau và nói lớn: “Ta mời ngươi đến đây để rủa sả kẻ thù cho ta, nhưng ngươi lại chúc phước cho chúng nó ba lần. Thôi ngươi hãy về đi. Ta đã hứa ban cho ngươi sự vinh hiển và giàu có, nhưng Đức Chúa Trời đã cản trở ngươi nhận lãnh. Vậy ngươi hãy mau về đi!”

Lời nói của Ba-lác làm Ba-la-am vỡ mộng, thế là không có quyền thế lẫn tiền bạc gì cả. Nhưng Ba-la-am đã bị tiền bạc của Ba-lác quyến rũ quá mạnh, không dứt ra được. Ngoài mặt thì Ba-la-am làm như không còn nghĩ đến những lễ vật của Ba-lác. Nhưng thật ra thì không phải vậy.

(3) Bị giết chết.

Không thể thực hiện theo ý riêng được, Ba-la-am quay sang mưu kế khác. Ông biết Đức Chúa Trời rất ghét tội thờ lạy thần tượng, nên bày mưu cho dân Mô-áp gả con gái họ cho các con trai Y-sơ-ra-ên, dẫn dụ dân Y-sơ-ra-ên thờ cúng thần của dân Mô-áp. Đáng buồn là dân Y-sơ-ra-ên lại trúng kế của Ba-la-am, kết hôn cùng con gái Mô-áp và thờ lạy thần tượng. Thế là cơn giận của Đức Chúa Trời nổi lên cùng dân Y-sơ-ra-ên, khiến nhiều người chết. Ba-la-am cũng bị giết chết (Dân Số Ký 31:8). Lòng tham không đáy của Ba-la-am đã dẫn đến tai họa cho nhiều người. Cuối cùng, bản thân Ba-la-am không hưởng được sự vinh hiển, giàu sang, mà còn bị giết chết cùng với dân ngoại bang nữa.

3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Qua bài học trên, các em suy nghĩ và trả lời các câu hỏi sau.

Tại sao Ba-la-am lại cho rằng con lừa không vâng lời? Ông cảm thấy thế nào khị bị Đức Chúa Trời cản lại giữa đường? Tại sao Ba-la-am lại cầu xin đến ba lần để mong Đức Chúa Trời cho phép mình nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên? Tại sao em biết Ba-la-am khao khát có được vàng bạc và vinh hiển của Ba-lác ban cho? (Cho các em trả lời).

Ba-la-am cảm nhận trong lòng một đường, nhưng thực hiện một nẻo. (Biết rõ Đức Chúa Trời không đồng ý, nhưng vẫn bằng mọi cách thực hiện theo ý muốn của mình). Các em suy nghĩ xem Đức Chúa Trời có đẹp lòng với những hành động của Ba-la-am không? (Cho các em tham khảo 2Phi-e-rơ 2:15; Giu-đe 11 và ghi lên bảng tội lỗi mà Ba-la-am đã phạm).

Các em thân mến! Khi các em mắc phải những ý nghĩ giống như Ba-la-am, thì đã có câu Kinh Thánh giúp đỡ các em: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Khi trong lòng các em muốn có những vật của người khác, ví dụ như cây thước kẻ, cây bút, đồ chơi… thì câu Kinh Thánh nầy sẽ giúp được gì cho các em? (Giúp các em hiểu rằng điều quan trọng không phải là mình có được những gì, mà là vui lòng với những gì mình có).

(Hướng dẫn các em làm bài tập trong sách học viên. Có hai câu chuyện các em phải hoàn thành. Mời hai em đọc lớn cho cả lớp cùng nghe rồi để các em thảo luận với nhau. Sau đó mỗi em tự làm bài của mình).

Tại sao Minh và Mai lại có những ý nghĩ như vậy? Minh nói rằng, “vẽ là trò chơi của trẻ em”, em nhận thấy câu nói nầy như thế nào? Hãy giải thích? Con người có khả năng hiểu biết mọi vật, mọi việc không? Có phải ai cũng hài lòng với hình dáng bên ngoài của mình hết, phải không? Minh có nên ngưng vẽ để dành tất cả thời gian luyện bóng không? Tại sao Mai tâm sự với mẹ mình về mái tóc? Có thay đổi được gì không?

Các em nhận thấy câu gốc của buổi học hôm nay có giúp được cho Minh và Mai không? Nếu có, đó là gì?

Các em ạ! Đức Chúa Trời tạo ra mỗi con người đều khác nhau, từ vóc dáng, tính tình cho đến năng khiếu, hoàn cảnh gia đình… Đối với Ngài, mỗi chúng ta đều có nét riêng biệt của mình, và Ngài luôn ở cùng, không bao giờ lìa xa chúng ta. Vì thế, các em phải cố gắng phát huy mặt tốt của mình. Khi các em nghĩ rằng: Ở phương diện nào đó, mình giỏi hơn, may mắn hơn người khác, chính là lúc các em cảm thấy vui và tự tin ở mình hơn, hoặc thấy mình đầy đủ hơn những bạn đồng lứa khác. Tự nhiên, các em sẽ thoải mái hơn, sẽ thỏa lòng hơn và cả những việc các em làm cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Các em ạ! Khi các em cảm thấy mình không thỏa lòng với những gì mình có, hoặc có tư tưởng tham lam, ích kỷ, hãy cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, xin Ngài nhắc nhở và giúp đỡ các em khắc phục, không để nó lớn lên biến thành hành động xấu.

Suy nghĩ xem có cảm nhận nào trong lòng mà các em cần cầu nguyện với Chúa? Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời luôn ở cùng các em, và không có việc gì khó khăn đối với Ngài.

BÀI 3. LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY (HV)

 I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 22:1-41; 24:10-14, 25.

II. CÂU GỐC: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5).

III. BÀI TẬP.

1. Bằng lòng với những gì em có.

Đức Chúa Trời mong em bằng lòng với những gì Chúa ban cho. Ngài biết tất cả những gì các em cần cho cuộc sống của mình.

Em góp ý cho hai bạn Minh, Mai và có lời gì nhắn nhủ với hai bạn ấy?

Minh:………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

Mai:……………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

2. Trò chuyện với Chúa.

Em có thỏa lòng với bản thân không? (Hình dáng, gia đình, năng khiếu, vật chất…). Em hoàn tất lời cầu nguyện ở dưới. Xin Chúa ban cho em sự thỏa lòng và sống vui vẻ.

3. Giải mật mã.

Ba câu dưới đây đều liên quan đến Ba-la-am. Em hãy tìm ý nghĩa của nó. Chìa khóa sẽ giúp em mở được lời giải. Hãy viết lời giải vào đường gạch ngang.

a. LAM THAM TRI TIÊN MỘT LÀ BA-LA-AM.

* Chìa khóa: Cá lội ngược giòng.

………………………………………………………………………………………………………………………

b. BA-LA-AM LÀ MONG HẾT MUỐN TIỀN CUỘC CHƠI SỐNG VUI GIÀU SỤ SANG, TRỌNG NÊN VÌ ĐÃ ĐẾN ĐI ĐÂU THEO SỰ Ý MÌNH RIÊNG RẼ, KHÔNG BIẾT VÂNG DẠ LỜI DẠY CHÚA.

* Chìa khóa: Ăn miếng nhả miếng.

………………………………………………………………………………………………………………………

c. CÓ, NHỮNG GÌ, BẰNG LÒNG, MÌNH, VỚI.

* Chìa khóa: Đứng đúng vị trí.

…………………………………………………………………………………………………………………..

BÀI 2.  DÂNG LỜI TẠ ƠN (GV-HV)

BÀI 2.  DÂNG LỜI TẠ ƠN (GV-HV)

in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 13 Tháng Bảy, 2018

BÀI 2.  DÂNG LỜI TẠ ƠN (GV)

 I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 20:14-21; 21:1-9.

II. CÂU GỐC: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Khi dân Y-sơ-ra-ên gặp khó khăn, họ đã thốt ra những lời nói oán trách Đức Chúa Trời, quên đi vô số ơn lành mà Chúa đã ban cho họ.

– Cảm nhận: Không thỏa lòng luôn dẫn đến sự vô ơn.

– Hành động: Liệt kê một số việc em cần phải tạ ơn Chúa và tạ ơn Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ

Lập một bảng tạ ơn của lớp, để các em có việc gì cần tạ ơn Chúa thì ghi vào. Mỗi em đều có thể làm một bảng như vậy cho riêng mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề.

Trong tuần lễ vừa qua, khi sắp nổi giận vì một chuyện gì đó, các em có làm như Ê-phê-sô 4:26 đã dạy không? Câu Kinh Thánh đó giúp các em như thế nào? Khi kềm chế được cơn giận của mình, các em có nhận thấy mình càng yêu mến người đó không? Khi làm theo điều Chúa dạy, các em cảm thấy thế nào? (Cho các em trả lời).

Hôm nay, chúng ta có dịp thảo luận về một vấn đề khác cũng làm cho chúng ta cảm thấy không vui, đó là bản tính khác biệt của một người. Các em có hiểu thế nào là bản tánh khác biệt không? Ví dụ trong lớp có một bạn luôn quậy phá, hay cáu gắt, lạnh lùng… không thích chơi với bất cứ ai. Cô giáo và các bạn trong lớp gọi bạn ấy là khác biệt. Khi đã hiểu về người bạn khác biệt đó, các em sẽ biểu hiện người bạn ấy bằng nét mặt như thế nào? (nhíu mày, cau mặt, trợn mắt, nghiêm mặt…).

Còn đối với người không bao giờ nói lời cảm ơn ai thì sao? Người đó có bản tánh khác biệt không? (Cho các em nêu ý kiến).

Ba mẹ, anh chị, bạn bè, thường giúp đỡ các em việc nầy, việc kia, nhưng tất cả những gì các em có được (ba mẹ, anh chị em, bạn bè, cơm ăn áo mặc, sức khoẻ…) đều do Đức Chúa Trời ban cho. Vì thế, trong mọi việc các em đều phải nương dựa vào Ngài, và Ngài mới thực sự là người giúp đỡ các em trong mọi việc. Có bao giờ các em suy nghĩ Chúa sẽ buồn và trách, nếu các em không cảm ơn Ngài không?

Không biết cảm ơn Chúa, thì các em sẽ không thỏa lòng với những điều Chúa ban cho. Từ chỗ không thỏa lòng, các em cảm thấy buồn chán, buồn chán sinh ra thất vọng, thất vọng sinh oán trách Chúa. Các em có biết khi chúng ta thất vọng, thì sẽ có những suy nghĩ như thế nào không? (Nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Chúa, bất mãn…). Tâm trạng đó cũng giống như tâm trạng của dân Y-sơ-ra-ên khi đi trong đồng vắng.

Dân Y-sơ-ra-ên cũng có rất nhiều việc cần tạ ơn Chúa. (Cho các em liệt kê vài việc: Đức Chúa Trời ban thức ăn, nước uống, trụ mây, trụ lửa…). Hãy xem dân Y-sơ-ra-ên có tạ ơn Chúa không nhé!

2. Bài học.

Các em còn nhớ tại Ca-đe, Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên điều gì không? (Nước uống chảy ra từ vầng đá).

Sau khi sự việc đó xảy ra, Môi-se muốn đưa dân sự đi ngang qua xứ Ê-đôm, để đến đất hứa. Đây là con đường ngắn và tiện lợi nhất, nhưng ông phải xin phép vua Ê-đôm, nếu không, chiến tranh sẽ xảy ra.

Môi-se hy vọng vua Ê-đôm sẽ đồng ý nên sai sứ giả đến trình bày: “Xin cho chúng tôi đi nhờ qua xứ của bệ hạ. Chúng tôi sẽ đi tránh đồng ruộng, vườn nho, cũng không múc nước dưới giếng mà uống. Chúng tôi cứ theo đường cái mà đi cho đến khi ra khỏi biên giới của bệ hạ”.

Đây là lời đề nghị rất hợp tình hợp lý, nhưng vua Ê-đôm vẫn từ chối. “Không được đi qua đất nước ta! Nếu không nghe, ta sẽ đem quân ra đánh”. Thế là Môi-se dẫn dân chúng quay trở lại để đi vòng đường khác. Từ Ca-đe, họ đi đến núi Ê-đôm.

Dân Y-sơ-ra-ên đi theo hướng nam để vòng qua xứ Ê-đôm, thì lại gặp phải A-rát là vua Ca-na-an. Vua Ca-na-an nghe tin dân Y-sơ-ra-ên đang tiến đến thì đem quân ra đánh. Dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu Đức Chúa Trời, Ngài lập tức nhận lời giúp họ chiến thắng. Lần nầy, dân Y-sơ-ra-ên có cần phải tạ ơn Chúa không? Tại sao?

a. Dân Y-sơ-ra-ên không dâng lời tạ ơn Chúa.

Từ núi Hô-rơ, dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục cuộc hành trình quay trở lại hướng biển Đỏ, vòng qua xứ Ê-đôm. Cuộc hành trình vô cùng gian nan, vất vả. Trên đồng vắng vừa khô cằn nóng bức, vừa hoang vu không một bóng người, hoàn toàn không có bóng râm của cây xanh, lại thường xuyên gặp những cơn lốc cát bất ngờ tấn công. Trong hoàn cảnh đó, dân Y-sơ-ra-ên đã quên rằng Chúa vẫn ở bên cạnh họ, vừa mới bảo vệ họ khỏi tay A-rát, vua Ca-na-an.

Kinh thánh ghi: “Giữa đường dân sự ngã lòng”. Họ nghĩ họ sẽ chết trong đồng vắng trước khi đến được đất hứa.

Các em cũng biết bước tiếp theo sẽ là thế nào rồi. Họ nói phạm Đức Chúa Trời và Môi-se rằng: “Vì sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai-cập để chết trong sa mạc nầy? Chúng tôi chẳng có nước uống, cũng chẳng có gì ăn ngoài loại bánh đạm bạc mà chúng tôi đã chán ngấy”.

Chỉ vì một chút khó khăn mà họ đã quên mất những gì mà mỗi ngày Chúa ban cho họ. Đức Chúa Trời vẫn nuôi nấng họ bằng ma-na mỗi ngày, nhưng họ chê không muốn ăn nữa. Không những cho ăn mà Ngài cho ban cho họ nước uống, và suốt cuộc hành trình, họ vẫn được bình an trong sự bảo vệ của Chúa. Đáng lẽ họ phải tạ ơn Chúa luôn luôn, nhưng ngược lại họ lằm bằm oán trách.

b. Hậu quả của việc không biết tạ ơn Chúa.

Đức Chúa Trời rất buồn trước thái độ vô ơn đó, nên Ngài quyết định sửa phạt họ.

Một ngày nọ, dân Y-sơ-ra-ên phát hiện trong trại có rất nhiều rắn độc, trên đầu có màu đỏ mà người ta gọi là rắn lửa. Nếu người nào bị rắn cắn sẽ phát sốt, khô họng rồi chết. Kinh Thánh ghi lại dân Y-sơ-ra-ên bị rắn lửa cắn chết nhiều vô số. Khi sự việc xảy ra như vậy, dân Y-sơ-ra-ên mới nhận thấy lỗi lầm của mình. Họ liền đến nói cùng Môi-se: “Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói phạm đến Đức Chúa Trời và ông. Xin ông cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời để Ngài  khiến rắn lìa xa chúng tôi”. Môi-se cầu khẩn cho dân sự. Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của Môi-se. Chúa dặn: “Con hãy làm một con rắn lửa bằng đồng và treo trên cây sào. Người nào bị rắn cắn chỉ cần nhìn nó là được sống”. Môi-se liền làm y như lời Đức Chúa Trời phán dặn.

Tin nầy truyền đi rất nhanh, những người bị rắn cắn, dù già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, chỉ cần nhìn lên con rắn đồng đó thì đều được cứu sống. Nên nhớ rằng bản thân con rắn đồng không có quyền năng chữa lành. Dân Y-sơ-ra-ên được chữa lành vì tin cậy và vâng lời lời phán của Đức Chúa Trời. Giả sử có ai đó không tin vào lời Chúa, nghĩa là không nhìn lên con rắn đồng trên cây sào thì sẽ không được cứu. Con rắn đồng treo trên cây sào tượng trưng cho Chúa Giêxu chịu chết trên thập tự giá, ai tin nhận Ngài thì sẽ được cứu rỗi.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Dân Y-sơ-ra-ên khi gặp phải khó khăn liền oán trách Đức Chúa Trời, nhưng sau đó họ đã nhận lỗi thì Ngài tha thứ cho họ. Đây là chân lý kỳ diệu. Dù chúng ta lầm lỗi bao nhiêu, chỉ cần ăn năn và cầu xin sự tha thứ, thì Ngài cũng sẽ tha thứ cho chúng ta. Các em có thường tạ ơn Chúa vì Ngài tha thứ tội lỗi của các em không?

Dân Y-sơ-ra-ên có rất nhiều việc cần phải tạ ơn Chúa. Chúng ta cũng vậy, Ngài ban cho chúng ta rất nhiều ơn phước trong cuộc sống hằng ngày (Cho các em nêu ra). Điều cần tạ ơn Chúa nhất là Chúa Giêxu chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Vậy mà có nhiều lúc chúng ta thường hay buồn rầu, thậm chí lằm bằm oán trách Chúa khi gặp khó khăn hoặc thua kém bạn bè, hoặc không thỏa lòng với điều đã có. Khi lằm bằm oán trách, chúng ta chỉ thấy toàn khó khăn, bất hạnh trước mắt chứ không thấy ơn phước của Chúa. Lời Chúa dạy chúng ta “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giêxu Christ đối với anh em là như vậy” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Ngoài việc nói lên lời tạ ơn, còn có cách nào để biểu hiện lòng biết ơn của các em đối với Ngài không? (Hát thánh ca, thuật lại ơn phước của Chúa cho người khác biết, làm việc tốt giúp mọi người…).

Kinh Thánh không chỉ bảo chúng ta phải tạ ơn, mà còn nói rõ cho chúng ta biết tại sao phải tạ ơn Chúa. (Mời một em đọc Thi Thiên 103). Qua đoạn Kinh Thánh nầy, các em liệt kê ra những lý do phải tạ ơn Chúa (tha tội, chữa lành bệnh tật, nhân từ, thương xót…). Sau đó, cho các em cầu nguyện tạ ơn Chúa vì mọi điều tốt đẹp Chúa đã làm cho đời sống các em.

B. SINH HOẠT.

            Trong lúc gặp khó khăn, chúng ta thường hay lằm bằm, oán trách lắm phải không? Chúng ta cùng nhau chơi trò “Tìm đoạn kết” nhé!

            * Trò chơi: Tìm đoạn kết.

– Chuẩn bị: Một câu chuyện về đề tài “Tạ ơn Chúa trong hoàn cảnh khó khăn”.

– Cách chơi: Giáo viên kể câu chuyện thật sinh động và tỉ mỉ từng chi tiết, đến đoạn kết giáo viên ngừng lại và cho các nhóm tự tìm đoạn kết. Nhóm nào tìm đoạn kết hay và có ý gần giống đoạn kết câu chuyện, nhóm đó sẽ thắng.

BÀI 2. DÂNG LỜI TẠ ƠN (HV)

 I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 20:14-21; 21:1-9.

II. CÂU GỐC: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

III. BÀI TẬP.

1. Em ghi chữ (Đ) vào trước câu đúng và chữ (S) vào trước câu sai.

___ a. Vua Ê-đôm đồng ý cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua xứ.

___ b. Vì phải đi đường vòng rất xa, gặp nhiều khó khăn, nên dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm oán trách Chúa.

___ c. Đức Chúa Trời sửa phạt dân sự, nên sai rắn lửa đến cắn  họ.

___ d. Trước nạn rắn lửa, dân Y-sơ-ra-ên ra sức tiêu diệt rắn để tự bảo vệ mình.

___ e. Ai bị rắn cắn, phải nhìn lên con rắn bằng đồng treo trên  cây sào thì sẽ được sống.    

2. Em cầu nguyện tạ ơn Chúa.

Em dùng lời văn của mình viết ra những gì Chúa đã ban cho em và dâng lên lời cảm tạ Ngài.

a. Những điều Chúa ban cho con.

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

b. Con tạ ơn Chúa.

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

3. Em bày tỏ lòng biết ơn Chúa.

Em có thể làm một vài việc để chứng tỏ lòng biết ơn của em đối với Đức Chúa Trời. Hãy viết vào ô trống những việc làm đó hoặc những việc em mong muốn làm.

 

BÀI 1. NO MẤT NGON, GIẬN MẤT KHÔN! (GV-HV)

BÀI 1. NO MẤT NGON, GIẬN MẤT KHÔN! (GV-HV)

in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 12 Tháng Bảy, 2018

BÀI 1. NO MẤT NGON, GIẬN MẤT KHÔN! (GV)

I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 20:1-13.

II. CÂU GỐC: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Môi-se tức giận nên không vâng theo lời phán dạy của Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời có thể giúp các em chế ngự được cơn giận của mình.

– Hành động: Tìm hiểu xem phải làm gì khi nổi giận để có thái độ, lời nói và hành động xứng hợp là con cái Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Tìm trong tạp chí và sách vở những hình mặt nạ người. Thử nhận xét vẻ mặt của những mặt nạ đó (buồn, vui, giận dữ…) Nếu không có thì tự làm bằng giấy bìa cứng (cắt thành hình tròn rồi vẽ nét mặt lên).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề

Các em thân mến! Ai cũng có những cảm xúc trong lòng hết, phải không? Có lúc chúng ta vui, có lúc buồn, có lúc giận dữ… Người khác có thể nhìn thấy cảm xúc của chúng ta qua hành động, thậm chí chỉ cần qua nét mặt cũng có thể biết được.

Khi cảm xúc chúng ta trào dâng, như vui quá, giận quá… những lúc đó sẽ ảnh hưởng đến hành động rất nhiều. (Cho các em lần luợt xem những mặt nạ có cảm xúc khác nhau, và tự các em nhận xét về vẻ mặt đó).

Kinh Thánh nói: “Lòng khoái lạc làm cho mặt mày vui vẻ; nhưng tại lòng buồn bã trí liền bị nao sờn” (Châm Ngôn 15:13).

Trong bài học mới nầy, các em biết Kinh Thánh giúp các em kềm chế những cảm xúc đó như thế nào? Dân Y-sơ-ra-ên khi gặp khó khăn đã hành động như thế nào? Đức Chúa Trời đã cho họ bài học gì từ kinh nghiệm đó?

  1. Bài học.

(1) Nguyên nhân dẫn đến sự tức giận.

  1. Không có nước uống.

Khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng, họ không thể tìm được nước uống. Bây giờ, các em cùng quan sát đồng vắng, nơi họ đến nhé! (Hướng dẫn các em tìm vị trí của đồng vắng Sin và Ca-đe trên bản đồ). Họ đã đến gần đất hứa mà Chúa ban cho.

Dân Y-sơ-ra-ên dừng lại ở Ca-đe. Bây giờ, họ đang đối diện với một số khó khăn nghiêm trọng, đó là việc không tìm ra nước. Nếu tình trạng nầy kéo dài, thì mọi người và súc vật sẽ chết khát.

Khi dân Y-sơ-ra-ên nhìn thấy những nguồn nước đã khô cạn, họ bắt đầu thốt ra những lời cằn nhằn, tức giận với Môi-se: “Tại sao ông đem chúng tôi vào sa mạc để chết khát? Tại sao ông bắt chúng tôi rời bỏ Ai-cập để vào nơi khô cằn sỏi đá nầy?” Tại sao và tại sao???

Khi Môi-se và A-rôn nghe những lời trách móc của họ, thì rất giận. Thật ra việc không có nước đâu phải do lỗi của hai ông. Hai ông chỉ làm theo lời của Đức Chúa Trời dẫn dắt họ đến vùng đất hứa mà thôi.

Môi-se và A-rôn rời dân sự và đến chầu trước cửa đền tạm. (Các em đã biết rõ đền tạm trong bài học trước rồi!). Hai ông thưa với Đức Chúa Trời về việc không có nước.

Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: “Hãy cầm lấy cây gậy của A-rôn rồi truyền dân chúng tập trung lại. Trước mặt họ, con sẽ bảo vầng đá kia phun nước ra. Con sẽ cho họ và gia súc uống nước từ vầng đá!”.

Chỉ thị của Đức Chúa Trời thật rõ ràng, không có gì khó hiểu hết, phải không các em? Đức Chúa Trời sắp sửa làm một phép lạ kỳ diệu: Môi-se chỉ cần bảo vầng đá thì nuớc sẽ chảy ra từ vầng đá giữa sa mạc khô hạn.

  1. Không kềm chế cảm xúc.

Lúc mới bắt đầu, Môi-se làm đúng lời dặn của Đức Chúa Trời. Ông bảo dân chúng nhóm lại trước một vầng đá, rồi cầm cây gậy của A-rôn trong tay. Môi-se nhìn xuống hội chúng, thấy vẻ mặt giận dữ và lời nói lằm bằm thốt ra từ  miệng họ, ông nổi giận (Đưa hình mặt nạ giận dữ ra). Kinh Thánh thuật lại câu nói của ông: “Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?” Sự tức giận khiến ông không kiểm soát được hành động của mình. Môi-se giơ cậy gậy lên cao, đập vào vầng đá hai lần: Bốp… bốp… Ngay lập tức nước từ vầng đá phun ra lai láng, dân chúng sung sướng vội uống lấy uống để, cả súc vật của họ cũng uống nữa.

Giờ thì vấn đề nước uống đã được giải quyết, nhưng vấn đề rắc rối lại rơi vào Môi-se và A-rôn. Em nào phát hiện được sự rắc rối đó? (Cho các em trả lời). Hai ông làm sai lời của Đức Chúa Trời. Ngài dặn rằng chỉ cần bảo với vầng đá thì nước sẽ phun ra, nhưng Môi-se đã dùng gậy đập vào hòn đá không chỉ một lần mà tới hai lần. Hành động đó xảy ra không phải Môi-se cố ý mà vì ông nhất thời giận dữ, không làm chủ được hành động của mình.

Đức Chúa Trời muốn Môi-se phải bình tĩnh giải quyết sự việc, có như vậy mới giúp dân chúng hiểu được Môi-se vì tin cậy Đức Chúa Trời nên Ngài thực hiện phép lạ ban cho nguồn nước. Nhưng Môi-se đã để cơn giận bùng lên khiến ông làm sai lời Chúa. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn: “Bởi vì hai ngươi không có tin đến Ta, đặng tôn Ta nên thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà Ta đã cho nó đâu” (Dân Số Ký 20:12). Đức Chúa Trời là thánh khiết, không làm vinh hiển danh Ngài là một tội lỗi nghiêm trọng.

Môi-se dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên đã gần bốn mươi năm, bây giờ ông không được bước chân vào đất hứa. Nóng giận là một trong những thất bại của Môi-se. Nói như thế có nghĩa là những người tin Chúa sẽ không biết giận dữ sao? Có người nào mà trong suốt cuộc đời không nổi giận dù chỉ một lần? Các em nên biết nóng giận là bản tính sẵn có của con người, chỉ khác nhau ở chỗ người biết kềm chế, người không biết.

Hãy xem tình cảnh của Môi-se lúc đó, có biện pháp nào giúp ông kềm chế sự nóng giận không? (Cho các em trả lời. Biện pháp tốt nhất là xin Chúa giúp đỡ: “Chúa ơi! Ngài đã làm mọi điều cho dân nầy, nhưng họ lằm bằm làm cho con tức giận quá! Xin giúp con kềm chế sự nóng giận để con làm vinh hiển Danh Ngài”).

Dù Môi-se và A-rôn phạm tội, nhưng Chúa vẫn thực hiện phép lạ như lời hứa. Ngài vẫn ban cho họ nước uống, làm cho họ một lần nữa biết rằng Đức Chúa Trời luôn lo lắng và yêu thương con cái của Ngài.

  1. Ứng dụng.

Trong trường học cũng như trong gia đình, luôn có những việc làm các em nổi giận, phải không? (Cho các em đưa ra dẫn chứng thực tế từ cuộc sống hằng ngày để tham khảo. Ví dụ: Người bạn của em lại nói xấu em với những bạn khác, bạn bè chế giễu khuyết điểm của em, hay em trai của em làm hư bài thủ công mà ngày mai em phải đem nộp, hoặc cô giáo của em đã xử sự không công bằng, chưa hiểu rõ việc gì đã mắng em).

Các em có nghĩ rằng nóng giận cũng là một tội lỗi không? (Các em có thể tham khảo Ê-phê-sô 4:26). Khi nóng giận, các em thường làm gì? Khi làm việc đó, các em cảm thấy mình phạm tội không? Tại sao? (Cho các em trả lời. Giúp các em hiểu rằng, phải nhìn nhận sự giận dữ của mình. Sau đó cầu nguyện xin Chúa giúp mình kềm chế cơn giận và làm một việc gì đó như đọc Kinh Thánh, thu dọn nhà cửa, nghe nhạc… để quên những bực tức trong lòng).

Kinh Thánh dạy chúng ta cách xử sự khi nóng giận. Hãy xem câu gốc của bài nầy.

“Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Nếu các em giận qua ngày mai, các em thấy như thế nào? (Để các em phát biểu ý kiến. Phải giải thích cho các em hiểu rõ là “giận qua ngày mai” sẽ dẫn đến việc càng suy nghĩ cơn giận càng tăng thêm).

Không thể để cơn giận kéo dài mà phải giải quyết dứt khoát càng nhanh càng tốt. Các em có thể tâm sự cùng cha mẹ, cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời về cảm nhận của mình, cầu xin Đức Chúa Trời giúp các em luôn nhớ và làm theo lời Ngài: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26).

Bài 1. NO MẤT NGON, GIẬN MẤT KHÔN (HV)

 I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 20:1-13.

II. CÂU GỐC: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26).

III. BÀI TẬP.

1. Có lúc em cũng tức giận.

Trong bài học Kinh Thánh hôm nay, Môi-se đã hết sức tức giận. Có khi nào em cảm thấy mình tức giận như Môi-se không? Ai cũng có lúc nổi giận, vì đó là một trong những bản tính của con người, nhưng có người biết kềm chế và có người không biết kềm chế. Em điền vào phần 1 và phần 2 của bản thăm dò dưới đây.

1. Thể hiện tâm trạng của em.

Tùy theo hoàn cảnh chung quanh mà em có những tâm trạng khác nhau: Vui, buồn, hờn, giận, mơ màng… Đôi khi người khác nhìn vào vẻ mặt cũng có thể đoán được em đang ở trong tâm trạng nào. Em đã từng ở trong tâm trạng phẫn nộ, khiếp sợ, vui vẻ, cô đơn, buồn bã???

Hãy chọn hai hay ba tâm trạng kể trên, rồi vẽ nét mặt diễn tả tâm trạng đó vào các hình người trên. Nếu vẽ thêm tay, chân, thân người thì càng tốt.

3. Thể hiện tâm trạng của em.

Tùy theo hoàn cảnh chung quanh mà em có những tâm trạng khác nhau: Vui, buồn, hờn, giận, mơ màng… Đôi khi người khác nhìn vào vẻ mặt cũng có thể đoán được em đang ở trong tâm trạng nào.

Em đã từng ở trong tâm trạng phẫn nộ, khiếp sợ, vui vẻ, cô đơn, buồn bã???

 

 

 

 

Hãy chọn hai hay ba tâm trạng kể trên, rồi vẽ nét mặt diễn tả tâm trạng đó vào các hình người trên. Nếu vẽ thêm tay, chân, thân người thì càng tốt.

 

 

 

 

 

 4. Suy gẫm câu gốc tuần nầy.

Căm giận là ẩn chứa sự phẫn nộ trong lòng, nhưng chưa bộc phát ra. Nếu em đang căm giận, có nên giữ mãi trong lòng không? Câu Kinh thánh nầy dạy em phải làm gì? Vì sao phải làm như vậy?

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..