Thẻ: Rao giảng Phúc Âm cứu rỗi

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 27.10.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 27.10.2019

in PHỤ NỮ on 21 Tháng Mười, 2019

Chúa nhật 27.10.2019

  1. Đề tài: SỨ ĐIỆP CỨU RỖI (KN Ngày Cải Chánh Hội Thánh).
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 10:1-21.
  3. Câu gốc: “Vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 48-50.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: (xem chỉ dẫn Chúa nhật 07.07.2019).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một chiếc tàu buôn, sau cơn hỏa hoạn trôi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương trong ba tuần lễ. Dù trên tàu còn thức ăn nhưng nước uống thì đã hết trong nhiều ngày qua. Từ thuyền trưởng cho đến các thủy thủ đoàn ai nấy điều kiệt quệ sau nhiều ngày thiếu nước. Đại dương mênh mông, đầy nước nhưng họ không tìm được nước nên họ rất khát. Bỗng nhiên họ phát giác: có một chiếc ghe không biết từ đâu đến gần bên họ. Mọi người dùng hết sức của mình, đứng lên và kêu xin nước uống. Người chèo ghe, sau khi hiểu ý liền chỉ tay xuống nước ra dấu bảo họ uống.

Các thủy thủ trên tàu đều ngạc nhiên, khi nếm thử nước dưới dòng thì biết nước quanh tàu không còn là nước mặn nữa. Lý do đơn giản là tàu họ đã được gió đưa vào cửa một con sông ở Peru xứ Nam Mỹ. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại cũng cạnh bên chúng ta. Nhưng nhiều người không biết nên đã bỏ công, bỏ của, trèo đồi vượt núi đi tìm. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi”
(Rô-ma 10:8a), chúng ta là những người đã nhận được sự cứu rỗi phải có trách nhiệm nói cho mọi người về sự cứu rỗi mà chúng ta đã nhận được.


I. XƯNG CÔNG BÌNH BỞI ĐỨC TIN (Rô-ma 10:4-7).

“Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình. Vả, Môise luận sự công bình đến bởi luật pháp cách nầy: Hễ ai làm theo điều đó thì nhờ đó mà sống. Nhưng sự công bình đến bởi đức tin, thì nói như vầy: Chớ nói trong lòng ngươi rằng: Ai sẽ lên trên trời? Ấy là để đem Đấng Christ xuống; hay là: Ai sẽ xuống vực sâu? Ấy là để đem Đấng Christ từ trong kẻ chết lại lên” (Rô-ma 10:4-7).

Trải qua nhiều thế kỷ, luật pháp nguyên thủy của Đức Chúa Trời mà Môi-se đã truyền cho dân Chúa bị các nhà lãnh đạo tôn giáo diễn dịch và thêm thắt hằng trăm điều. Đến nỗi họ làm lệch mất mục đích tốt lành mà luật Chúa bảo đảm cho mọi công dân Ngài.

Trong thời Chúa Giê-xu, luật ngày nghỉ, hay luật ngày Sa-bát được Chúa ban cho dân Ngài, như một ngày ngơi nghỉ, tịnh dưỡng, thể xác, tinh thần và tâm linh sau sáu ngày liên tục làm việc. Dù với mục đích tốt lành rõ rệt, nhưng luật ngày Sa-bát, bị áp dụng khắt khe đến nỗi những việc lành, cần phải làm trong ngày ấy cũng không một ai được quyền làm trọn. Chúa Giê-xu đã bị chỉ trích vì Ngài chữa lành cho người bệnh trong ngày Sa-bát, tại sao việc chữa bệnh lại bị xem như một công việc? Các nhà lãnh đạo tôn giáo xem việc chữa bệnh là một phần công việc của nghề bác sĩ, và việc hành nghề trong ngày Sa-bát bị ngăn cấm. Người quản lý nhà hội đã không thể nhìn vượt xa hơn luật pháp, để thấy lòng thương xót của Chúa Giê-xu, khi Ngài chữa lành cho người phụ nữ bại liệt này. Chúa Giê-xu làm cho ông ta và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác phải xấu hổ khi vạch rõ sự giả hình của họ. Họ sẵn sàng thả các gia súc của mình ra và chăm sóc chúng, nhưng lại không chịu vui mừng khi một người được giải thoát khỏi xiềng xích của Sa-tan.

Người Pha-ri-si ẩn núp đằng sau các bộ luật của họ để tránh những bổn phận của tình yêu thương. Chúng ta cũng vậy, có thể sử dụng văn tự của luật pháp để biện minh cho việc bỏ qua nghĩa vụ phải chăm sóc cho người khác (thí dụ, bằng cách dâng một phần mười đều đặn và rồi từ chối giúp đỡ một người láng giềng nghèo thiếu). Nhưng nhu cầu của tha nhân quan trọng hơn các luật lệ và quy tắc. Hãy dành thì giờ giúp đỡ người khác, cả khi làm như thế có thể tổn hại đến hình ảnh của bạn trước công chúng.

Người Do-thái trong nhiều năm đi tìm sự công chính, sự tha tội của Đức Chúa Trời bằng luật pháp quy định “Vả, Môise luận sự công bình đến bởi luật pháp cách nầy: Hễ ai làm theo điều đó thì nhờ đó mà sống” (c.5). Nhưng họ không biết sự cứu rỗi, không phải là việc họ phải làm gì, mà là Đức Chúa Trời đã làm gì cho họ.

Chúa Giê-xu đã chịu chết tại thập tự giá để làm sự công bình cho họ rồi. Giờ họ chỉ cần đến với Ngài để tội lỗi được tha thứ, và xây dựng mối quan hệ mới với Chúa Giê-xu.


II. SỰ CỨU RỖI CHO MỌI NGƯỜI (Rô-ma 10:8-13).

Có người nói rằng: Nếu sự cứu rỗi là điều có thể mua được bởi tiền bạc, thì người giàu sẽ sống, kẻ nghèo sẽ chết. Nhiều người
Do-thái xem họ là dân tộc duy nhất được Chúa chọn, những dân tộc khác đều là người dã man, thấp hèn không đáng để họ ăn cùng bàn. Nhưng với Phao-lô, ông tin rằng cả nhân loại đều được dựng nên bởi chung một Đức Chúa Trời yêu thương và giàu sự nhân từ.

Phao-lô cho biết: Đức Chúa Trời không có sự phân biệt giữa các dân tộc với nhau “Trong người Giuđa và người Gờréc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài” (c.12). Vì tất cả chúng ta đều do Ngài tạo dựng, Ngài là Đấng khoan hồng rộng lượng không thiên vị một ai. “Ngài muốn cho mọi người đều được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật”
(1Ti-mô-thê 2:4).

Phao-lô nhắc mọi người hãy tìm sự cứu rỗi nơi Đức Chúa Trời, và Chúa không ở đâu xa để họ phải khó nhọc đi tìm. Sự cứu rỗi ấy ở ngay bên họ, chỉ bởi sự xin và nhận Christ là Chủ đời sống họ. Một người kia ở Sài Gòn, trước khi bắt đầu chuyến du lịch xa, ông nhờ người bạn đưa ông ghé qua chợ một tí. Đến chợ, ông chạy nhanh vào hàng cá lia thia và mua một bịch lăng quăng. Sau đó ông đến lỗ cống cạnh lề đường, đổ cả bịch lăng quăng xuống cống. Người bạn đi cùng thấy chuyện lạ và hỏi: “Anh làm gì vậy?” Ông trả lời, “hôm nay là ngày tôi phải phóng sinh”. Chuyện phóng sinh từ lòng nhân từ và quan tâm đến sự sống của những vật thọ tạo thì thật là điều tốt. Nhưng nếu chúng ta lấy điều ấy như một nghi lệ, ghi thêm công đức mình để được sự cứu rỗi thì thật là sai. Vì Lời Chúa dạy rằng: “Vả, ấy là ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”
(Ê-phê-sô 2:8-9).


III. RAO GIẢNG PHÚC ÂM CỨU RỖI (Rô-ma 10:8-9).

Vài năm trước ở tiểu bang Oregon, có nhiều cuộc xung đột xảy ra giữa những công nhân sống nghề khai thác gỗ thông và nhóm người bảo vệ thiên nhiên. Nhóm nầy không muốn thấy các rừng thông bị triệt khai, vì các khu rừng ấy là nơi nương tựa cuối cùng của loại chim mèo đốm (Spotted Owls) là giống chim gần bị diệt chủng. Nhìn vào câu chuyện trên chúng ta thấy, rất dễ cho con người vì miếng ăn, mà quên mất những phẩm giá cao quý, hoặc những gì tốt đẹp mà Chúa đang giao cho chúng ta nhiệm vụ bảo quản chúng.

Cảm tạ Chúa cho việc tăng trưởng mạnh mẽ của các Hội Thánh ở khắp nơi, vì Tin lành được nhiều con cái Chúa hết lòng rao giảng. Họ ý thức nhiều về trách nhiệm của mình trước những người cần được nghe Tin lành cứu rỗi mà Phao-lô đã thách thức “Nhưng họ chưa tin nhận Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào?” (Rô-ma 10:14-15). Phao-lô muốn nói đến trách nhiệm rao giảng sự cứu rỗi của mỗi chúng ta, cho nhiều người chưa nghe, chưa biết Đức Chúa Trời. Trách nhiệm ấy không chỉ ở Mục sư hay chấp sự, mà ở mỗi một cá nhân tín đồ. Vì mỗi chúng ta đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Tôi có nghe một số tín hữu cầu xin Chúa cho Hội Thánh mình được tăng trưởng, nhưng họ không có sự quan tâm đến tội nhân, không nói về Chúa cho một ai ngay cả bạn hữu của họ. Chúng ta không thể viện lý do rằng. Tôi chưa tốt nghiệp ở trường Thần học, hay tôi quá bận rộn, tôi sợ bị người khác chống đối… Thật sự, chúng ta không cần phải tốt nghiệp Thần học để nói với người khác mình được Chúa cứu thế nào. Chúng ta không phải đi nói với người khác về Tin lành mỗi ngày, nhưng xin Chúa giúp chúng ta trung tín để nói về Chúa cho một người trong tuần cũng là quý rồi. Còn việc chống đối nếu có thì vì sự cứu chuộc quý giá của một linh hồn, chúng ta bằng lòng cam chịu sự hiểu lầm. Phao-lô cũng nêu lên nan đề người ngoại không nghe, không tin (c.16). Chúng ta đừng nên nản lòng trước những kết quả không y như mình muốn. Mà cần nhớ rằng hạt giống mình đã gieo ra sẽ đem lại những kết quả: “Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại” (Truyền đạo 11:1).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Muốn rã đông thịt: Muốn rã đông thịt, dùng nước muối nhạt ngâm thịt vào, sau đó ngâm thịt vào tô nước gừng. Thịt sẽ chóng mềm và tươi ngon như cũ.