Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.11.8.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.11.8.2019

By K' Abel in NAM GIỚI on 11 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 11.08.2019.

  1. Đề tài: SỰ BAN ÂN TỨ THÁNH LINH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 12:1-11.
  3. Câu gốc: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung” (1Cô-rinh-tô 12:7).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Phi-e-rơ 1-3.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Sự Ban Ân Tứ Thánh Linh”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

            Được ban cho ân tứ Thánh Linh là một đặc ân thật diệu kỳ của người được cứu chuộc bởi huyết của Chúa Giê-xu Christ.

            Tuy nhiên, với những ân tứ nhận được, người tín hữu Cô-rinh-tô đã rơi vào lỗi lầm. Thay vì sử dụng ân tứ ấy cho mục đích chung, họ lại lạm dụng để làm cớ khoe mình. Do đó đã tạo nên quan điểm sai lầm về giá trị ân tứ Chúa ban cho.

            Trước tình trạng nầy, Phao-lô đã làm sáng tỏ giáo lý về ân tứ Thánh Linh từ đoạn 12-14 mà chúng ta sẽ lần lượt thảo luận qua những bài học kế tiếp.

            Trong bài học nầy, chúng ta sẽ nói đến vai trò của Đức Thánh Linh trong sự ban các ân tứ và mục đích của các sự ban cho khác nhau (12:1-11).

  1. DẪN GIẢI.

            Hội Thánh Cô-rinh-tô là Hội Thánh có đầy dẫy ân tứ Thánh Linh, nhưng cũng là nơi mà ân tứ bị lạm dụng nhiều nhất. Vì vậy, khi mở đầu giáo lý luận về ân tứ, Phao-lô kêu gọi các tín hữu học biết về sự ban cho thiêng liêng.

  1. Đấng ban ân tứ (c.1-3).

            Trong câu 2, Phao-lô cho các tín hữu thấy sự khác nhau giữa quá khứ và hiện tại của họ: Trước kia, họ là kẻ ngoại đạo, bị lừa dối bởi sự mê tín dị đoan của sự thờ lạy thần tượng câm. Nhưng bây giờ tin Chúa, họ nhận được Đức Thánh Linh là Đấng hằng sống, quyền năng ban cho ân tứ để thông biết lẽ thật. Người thờ đa thần tại Cô-rinh-tô chẳng những thờ phượng thần tượng trong các chùa, miễu, mà còn luyện tập nói tiếng lạ. Dĩ nhiên điều nầy đến từ ma quỉ qua thần tượng mà họ tin.

            Vì vậy, với thứ “tiếng lạ” ấy, Phao-lô cho tín hữu dấu hiệu để thử nghiệm điều nào đến từ Đức Thánh Linh: Người có Đức Thánh Linh tôn xưng Chúa Giê-xu là Chúa. Hay lời nói tôn xưng Chúa là lời nói đến từ Thánh Linh (c.3).

            Xưng Danh Chúa ở đây không có nghĩa chỉ lời nói qua môi miệng bên ngoài (Mat 7:21-23), nhưng là kết quả của người nhận Chúa trong lòng (Rô-ma 10:9; Phi-líp 2:11).

  1. Nguyên tắc ban ân tứ và mục đích của ân tứ.

            – Ân tứ ban cho mỗi người cách khác nhau chớ không giống nhau.

            – Sự nhận ân tứ khác nhau của mỗi người là do ý muốn của Đức Thánh Linh.

            – Các ân tứ khác nhau để thích hợp với các chức vụ khác nhau và công việc Đức Chúa Trời gọi cách khác nhau.

            – Những ân tứ khác nhau, nhưng chỉ cùng một Đức Thánh Linh với mục đích đem lại sự hiệp một trong thân thể Đấng Christ.

  1. Các ân tứ Thánh Linh.

            Cả ân tứ và ân điển đều do Đức Chúa Trời ban cho con người một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, ân tứ khác với ân điển. Ân điển là sự ban cho để được cứu rỗi. Còn ân tứ là sự ban cho người đã được cứu rỗi để đưa dẫn nhiều người đến sự cứu rỗi. Ân tứ không phải là điều gì đó thêm vào người sau khi tin Chúa như là kết quả của đời sống thuộc linh trưởng thành; nhưng là đặc ân được thừa hưởng của một người trở nên con cái Đức Chúa Trời.

            Từ câu 8-10, Phao-lô kể đến 8 ân tứ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô:

            (1) Lời nói khôn ngoan.

            (2) Lời nói tri thức.

            Sự khôn ngoan và tri thức trên không phải chỉ về sự khôn ngoan ở đời, nhưng đây là ân tứ của Thánh Linh trong sự dạy dỗ, gây dựng Hội Thánh.

            (3) Đức tin: Không phải chỉ đức tin để được cứu rỗi nhưng là một ân tứ đặc biệt để làm những công việc lớn lao cho Chúa, vượt qua lý trí của loài người (Giăng 14:12).

            (4) Chữa bệnh: Ân tứ nầy có liên quan đến ân tứ đức tin. Vì phép lạ chữa bệnh xảy ra qua lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu của người có đức tin nơi lời hứa của Ngài.

            (5) Làm phép lạ: Ân tứ bày tỏ quyền năng lớn của Ngài.

            (6) Nói tiên tri: Với ân tứ nầy, người được sự soi dẫn của Chúa để hiểu biết lẽ thật, mục đích và ý chỉ của Đức Chúa Trời, cũng bày tỏ những sự sẽ xảy ra (Công vụ 11:28; 21:9-11).

            (7) Phân biệt các thần: Ân tứ phân biệt tiên tri giả và tiên tri thật.

            (8) Nói các thứ tiếng và thông giải các thứ tiếng ấy.

            Đây chỉ về sự nói tiếng lạ, thứ tiếng nói trong tâm thần, cần sự thông giải để hiểu biết ý nghĩa. Tiếng lạ khác với sự nói tiếng ngoại quốc, là ân tứ Đức Thánh Linh ban cho các sứ đồ trong ngày lễ Ngũ tuần (Công 2:4).

            Tóm lại, các ân tứ kể trên dầu khác nhau nhưng có tương quan với nhau và đem lại sự hiệp một gây dựng Hội Thánh Chúa.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.
  2. Trong câu 1, Phao-lô muốn tín hữu Cô-rinh-tô học biết điều gì?
  3. Theo 1:5; Hội Thánh Cô-rinh-tô là một Hội Thánh như thế nào?
  4. Tại sao Phao-lô muốn một Hội Thánh đầy dẫy ân tứ Thánh Linh học biết các ân tứ ấy? Chữ học biết bao hàm ý nghĩa gì?
  5. Trong sự học biết đó, Phao-lô bày tỏ cho tín hữu những lẽ thật quan trọng gì? (c.2-11).
  6. Về Đấng ban ân tứ: Ngài là ai? Dấu hiệu nhận biết Đức Thánh Linh có nghĩa gì?
  7. Về nguyên tắc ban ân tứ?
  8. Về các ân tứ?
  9. Về mục đích của các ân tứ?
  10. Tại sao những sự hiểu biết đó là quan trọng?

 

 

 

Post CommentLeave a reply