Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.05.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.05.2023

By K' Abel in THANH NIÊN on 1 Tháng Năm, 2023

Chúa nhật 07.05.2023.

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ THỜ HÌNH TƯỢNG.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 10:14-22.
  3. Câu gốc: “Hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng” (1Cô-rinh-tô 10:14b).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Các Vua 6-10.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 12.02.2023.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ngày nay, sự thờ hình tượng hiếm thấy trong các xứ văn minh. Nhưng trong các xứ văn minh không phải là không có sự thờ hình tượng. Khi nói đến sự ngã chết của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, Phao-lô cũng có lời khuyên tín hữu tránh sự thờ hình tượng qua sự giải đáp vấn đề ăn của cúng thần tượng.

Lời khuyên của Phao-lô có ý nghĩa gì cho Cơ đốc nhân hôm nay về sự thờ hình tượng?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Chớ thông đồng với quỉ (c.14-20).

Trong 8:1-13 và 10:14-22, Phao-lô nêu lên hai lý do không nên ăn đồ cúng:

(1) Vì anh em: Để anh em có lương tâm yếu đuối khỏi rơi vào sự thờ hình tượng.

(2) Vì chính mình: Để tránh cho chính mình sự cám dỗ thờ thần tượng.

Hai khía cạnh không ăn đồ cúng trên có tương quan với nhau, bày tỏ một nguyên tắc về sự tự chế: Muốn giữ anh em khỏi sự thờ hình tượng, phải giữ chính mình trước hết. Như điều Phao-lô nhắc nhở chính ông: “Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (9:27), và cảnh cáo tín hữu “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (10:12).

“Kẻ thông minh” trong câu 15, chỉ người biết suy xét, phân biệt điều thật, giả. So với tri thức, thông minh có sự nhìn biết xa hơn. Như trong vấn đề thần tượng, kẻ tri thức chỉ biết thần tượng là hư không, nhưng người thông minh nhìn thấy phía sau thần tượng là sự hiện hữu của ma quỉ, của các thần dữ ở các miền trên trời (Ê-phê-sô 6:12).

Sự nhìn biết nầy tạo nên hai thái độ và hành động khác nhau: Kẻ tri thức thì ăn đồ cúng cách đương nhiên; còn kẻ thông minh kiêng đồ cúng vì tránh sự thông đồng với các quỉ. Như vậy, có tri thức về thần tượng chưa đủ, cần có sự thông minh nữa, tức là sự nhận biết thuộc linh (2:14).

Từ c.16-20, Phao-lô nêu lên hai dẫn chứng khuyên người tín hữu tránh đồ cúng thần tượng:

(1) Tiệc thánh (c.16-17). Qua tiệc thánh, Phao-lô bày tỏ mối thông công mầu nhiệm giữa người dự với Đấng Christ: Với việc uống chén, chúng ta giao thông với huyết Ngài; với việc ăn bánh, chúng ta giao thông với thân Ngài cách thiêng liêng.

(2) Sinh tế của Y-sơ-ra-ên (c.18). Cũng trong ý nghĩa trên, Phao-lô nói đến sự thông đồng giữa người ăn thịt con sinh tế dâng trên bàn thờ, nơi ghi dấu sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong sự đoái nhận của lễ.

Dùng hai dẫn chứng trên, Phao-lô cắt nghĩa lý do không nên ăn đồ cúng tế thần tượng. Vì:

– Đồ cúng thần tượng, thật ra là cúng cho các quỉ (c.19-20).

– Người ăn đồ cúng tế cho quỉ, tức là thông đồng với quỉ (c.20).

– Người thông đồng với quỉ, chắc sẽ bị cám dỗ thờ thần tượng.

– Người thờ hình tượng là người ở dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.

  1. Chớ trêu lòng ghen của Chúa (c.21-22).

Trong c.21, Phao-lô cảnh cáo sự đi hàng hai của người tín hữu: Không thể vừa thông công với Chúa, vừa thông đồng với quỉ. Không thể vừa thờ lạy Chúa, vừa thờ lạy ma quỉ. Trong Ma-thi-ơ 6:24, Chúa Giê-xu nói với môn đồ rằng: “Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma-môn nữa”. Người làm tôi hai chủ theo ý nghĩa trên, nói cách thuộc linh, Kinh Thánh thường gọi là kẻ “ngoại tình”. Trong thời Cựu ước, đã có nhiều lần Đức Chúa Trời trách phạt dân Y-sơ-ra-ên vì cớ họ “ngoại tình” lìa bỏ Chúa, chạy theo thần tượng!

Chữ “ghen” trong câu 22 không có nghĩa là sự ghen tuông theo tánh xác thịt, nhưng diễn tả bản tánh của Đức Chúa Trời là Đấng kỵ tà. Trong bản tánh này, Ngài không muốn nhìn thấy điều ác, và không muốn con cái Ngài làm điều ác. Đối với Đức Chúa Trời, sự thờ thần tượng là điều đại ác. Vì vậy, kẻ thờ thần tượng phải nhận biết “cơn ghen” của Đấng kỵ tà thật khủng khiếp là dường nào (Xuất 20:4-6).

TÓM LƯỢC.

Không thể có hai chủ trong đời sống Cơ đốc nhân. Trong lòng ta, nếu chủ không phải là Chúa thì chắc sẽ là một thần tượng nào khác.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Trong 8:11-13 và 10:14; 10-20, xin tìm hai lý do Phao-lô khuyên tín hữu Cô-rinh-tô không nên ăn của cúng thần tượng? Hai lý do này có liên quan như thế nào?
  3. “Kẻ thông minh” Phao-lô nói trong c.15 có nghĩa là gì? So sánh 8:1-7; 10:19-20 về đồ cúng thần tượng, tri thức và thông minh khác nhau như thế nào?
  4. Từ c.16-20, Phao-lô đã nêu lên những dẫn chứng gì để giải thích lý do tại sao người tín hữu không nên ăn đồ cúng?
  5. Lời khuyên của Phao-lô trong câu 21 có liên quan gì đến sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 6:24. Điều này cho thấy Chúa đòi hỏi người theo Chúa phải có đời sống như thế nào?
  6. Những chữ “Chúa ghen” trong c.22 cho chúng ta hiểu gì về bản tánh của Đức Chúa Trời?

6. Tại sao kẻ thờ hình tượng là “trêu lòng ghen của Chúa?” và “sự ghen” của Chúa là thế nào? (Xuất 20:3-6).

 

Post CommentLeave a reply