BÀI 11. TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚA (HV)
in ẤU NHI, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017
BÀI 11. TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚA
CÂU GỐC: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy” (Châm ngôn 1:8).
BÀI 11. TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚA
CÂU GỐC: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy” (Châm ngôn 1:8).
BÀI 11. TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚA
I. KINH THÁNH: 2Sử Ký 34:14-33.
II. CÂU GỐC: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy” (Châm Ngôn 1:8).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Vua Giô-si-a đọc lời Đức Chúa Trời và khuyên dân chúng vâng theo lời Chúa.
– Cảm nhận: Lời Chúa rất quan trọng và cần thiết cho chúng ta.
– Hành động: Nghe và làm theo lời Chúa.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Trò chơi.
Giáo viên lấy nhiều mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ những câu gốc mà các em đã học, sau đó, cho từng em lên chọn một mảnh giấy, giáo viên sẽ đọc lên địa chỉ và các em đọc câu gốc (Lưu ý: Tốt nhất là cho mỗi em có cơ hội đọc qua một lần, không nên lặp lại).
Giáo viên nói lên sự dạy dỗ: “Các em học lời Chúa và làm theo, thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp vì đã vâng theo ý muốn của Cha trên trời. Các em được như vậy có vui không?”.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào bài.
(Giáo viên cầm quyển Kinh Thánh giơ cao lên). Các em có biết quyển nầy là quyển gì không? À, đúng rồi. Đây là quyển Kinh Thánh. Kinh Thánh là gì các em biết không? Chính là lời của Đức Chúa Trời. Những câu gốc mà các em học, những câu chuyện mà các em được nghe kể đều từ Kinh Thánh mà ra. Đó là những điều mà Chúa muốn dạy dỗ và muốn chúng ta làm theo.
2. Câu chuyện Kinh Thánh.
Khi xưa Kinh Thánh của người Do-thái là cuộn da cuốn tròn lại (giáo viên cho các em xem hình Kinh Thánh của người Do-thái), không giống quyển Kinh Thánh ngày nay chúng ta đang dùng. Kinh thánh bây giờ rất tiện cho chúng ta xem ở nhà và mang đi. Vào thời ấy, ai muốn đọc Kinh thánh thì phải đến đền thờ.
Đền thờ là nơi mọi người nhóm lại thờ phượng Chúa. Trong đền thờ có người lo việc đọc và giảng dạy Kinh Thánh. Lúc đất nước có vua tốt cai trị thì dân Y-sơ-ra-ên được đi đến đền thờ nghe lời Chúa, thờ phượng Chúa; nhưng nếu có vua xấu, thì họ không dám đi đến đền thờ. Do đó, đền thờ bị bỏ không, Kinh Thánh cũng không được dùng đến.
Hai vị vua trước Giô-si-a đều là những vị vua xấu cho nên đền thờ đã bị bỏ hoang, không ai trông coi. Đền thờ và mọi vật dùng bên trong bị phủ đầy bụi bặm, dơ bẩn. Vua Giô-si-a thấy vậy trong lòng rất buồn và truyền lịnh cho người sửa sang và dọn dẹp sạch sẽ đền thờ.
Trong lúc sửa sang, thầy tế lễ lo việc đền thờ tìm ra một cuộn sách cũ. Các em đoán xem đó là sách gì? (Giáo viên đưa cho các em xem hình). Đúng rồi, là quyển Kinh Thánh. “Kinh Thánh!” Thầy tế lễ kêu lên một cách vui mừng và cho người đem trình trước mặt vua: “Tâu bệ hạ, chúng tôi đã tìm được cuộn sách này trong đền thờ”. Nhà vua ngạc nhiên, nói ngay: “Tìm thấy trong đền thờ à? Có phải là Kinh Thánh không, mau mở ra đọc cho ta nghe nào!” Nhà vua vừa nghe vừa khóc: “Đúng là Kinh Thánh rồi. Chúng ta thật đáng chết, vì đã bỏ quên, không đọc và không làm theo lời của Ngài”. Nhà vua nhìn biết lỗi của mình và của dân sự. Vua truyền bảo dân chúng ngày mai đều đến đền thờ nghe lời Chúa. Sáng hôm sau, dân chúng đứng đầy trước cửa đền thờ. Vua Giô-si-a đến, truyền bảo dân chúng cung kính, lắng nghe vua đọc lời Đức Chúa Trời. Khi dân Y-sơ-ra-ên nghe lời quở trách của Chúa từ Kinh Thánh, họ khóc và nói rằng: “Chúng ta mắc tội với Chúa, vậy phải cầu nguyện xin Chúa tha tội”. Khi nghe lời khích lệ từ Kinh Thánh, lòng họ vui mừng, bày tỏ sự cảm tạ Chúa qua nét mặt vì họ biết được Chúa yêu thương họ.
Sau khi đọc lời Chúa xong, nhà vua hướng dẫn họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, bắt đầu từ nay, chúng con nhất định đến đền thờ để thờ phượng Ngài, nghe và làm theo lời Ngài”.
3. Ứng dụng.
Các em thân mến, Kinh Thánh là lời của Chúa. Trong Kinh Thánh, các em biết nhiều câu chuyện và sự dạy dỗ. Chúa muốn các em làm theo những điều đã được học để các em nhận được những điều tốt cho mình. Vì vậy, các em nên thường xuyên đến lớp ấu nhi để được nghe về Chúa nhé.
BÀI 10. ĐỨC TIN CỦA ÁP-RAM
I. KINH THÁNH: Sáng 11:31- 12:9.
II. CÂU GỐC: “Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi; nguyện Thần tốt lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng thẳng” (Thi 143:10).
III. BÀI TẬP.
A. Em hãy tưởng tượng mình cũng có mặt trong cuộc hành trình ra khỏi xứ U-rơ của Áp-ram. Em viết thư kể lại tình hình dọc đường của cuộc hành trình cho bạn thân của em.
B. Sự chọn lựa của em.
Cầu xin Chúa ban ơn để em có thể vâng lời Chúa mỗi ngày.
BÀI 10. ĐỨC TIN CỦA ÁP-RAM
I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 11:31 – 12:9.
II. CÂU GỐC: “Xin dạy tôi theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi; nguyện Thần tốt lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng thẳng” (Thi 143:10).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Áp-ram tin cậy Đức Chúa Trời, làm theo lời phán dặn của Ngài.
– Cảm nhận: Bằng lòng tin cậy, đi theo sự hướng dẫn của Chúa, chắc chắn được phước.
– Hành động: Em tin cậy và vâng lời Ngài.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY
A. CHUẨN BỊ.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Hằng ngày, các em đọc sách gì? Nghe nhạc gì? Chương trình truyền hình có quan trọng đối với các em không? Không xem có được không?
Có một số em thích xem truyền hình, có một số em lại thích đọc sách. Đó là những cách giải trí tốt, và có thể giúp các em hiểu biết thêm. Nhưng nếu nội dung của chương trình truyền hình, sách báo không tốt, không phù hợp với lứa tuổi của các em, thì sẽ rất có hại, dẫn các em đi đến những suy nghĩ và hành động sai trái. Thật ra, chỉ có Kinh Thánh và sự hướng dẫn của Chúa mới đưa các em đến suy nghĩ, và hành động đúng. Do vậy, các em có thể hoàn toàn tin cậy Kinh Thánh và Đức Chúa Trời. Các em biết không, có một người luôn tin cậy và sẵn sàng làm theo mạng lệnh của Chúa, không một chút nghi ngờ. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về con người nầy nhé!
2. Bài học.
Sau sự vi phạm tại tháp Ba-bên, con người bị làm cho lộn xộn tiếng nói. Họ phải di tản ra khắp nơi mà ở, có nhiều người dời đến một nơi xa gọi là Canh-đê. Họ định cư tại đó, và xây một thành phố tên là U-rơ. Dân ở đây thờ lạy thần tượng và sống trong tội lỗi. Nhưng có một người tên là Áp-ram kính sợ Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài.
Đức Chúa Trời sắp đặt sẵn một kế hoạch tốt đẹp cho cuộc đời của Áp-ram.
(1) Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ram.
Một ngày nọ, “Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, ta sẽ ban phước cho ngươi, cũng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng 11:1-3).
Nghe lời phán của Chúa, Áp-ram liền chia tay với bà con bạn bè và ra đi. Kinh Thánh chép rằng: “Bởi đức tin, Áp-ram vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu” (Hê-bơ-rơ 11:8). Lúc đó, không có bản đồ, cũng không có bảng chỉ đường dựng ở dọc đường như ngày nay, thậm chí không có đường để mà đi. Nhưng Áp-ram không lo lắng hay nghi ngờ, mà vui lòng tuân lịnh Đức Chúa Trời.
(2) Sự vâng phục của Áp-ram.
Không có ai muốn rời bỏ quê hương của mình ra đi hết, phải không các em? Nếu có, chỉ vì những lý do đặc biệt và họ biết chắc nơi mình sẽ đến tốt đẹp hơn. Nhưng Áp-ram thì không biết nơi mình sẽ đến là nơi nào, có tốt đẹp hơn không? Ông chỉ biết là rời khỏi nhà ra đi, sẽ mất bạn bè và những người thân thích, sẽ rất buồn, rất xa lạ. Nhưng Áp-ram vâng phục sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, tin chắc Chúa sẽ gìn giữ, cho nên ông không lo sợ gì.
Áp-ram ra đi dẫn theo cha là Tha-rê, vợ là Sa-rai và cháu là Lót (ghi tên lên bảng), và rất đông đầy tớ để chăn đàn bò, chiên, lạc đà.
Đoàn người và bầy súc vật vượt qua nhiều khó khăn, đi qua nhiều nơi, cuối cùng họ đến một nơi gọi là Cha-ran.
Kinh Thánh không ghi họ ở Cha-ran được bao lâu, mà chỉ cho biết là ông Tha-rê, cha của Áp-ram qua đời tại Cha-ran. Theo sự chỉ dẫn của Chúa, Áp-ram lại ra khỏi Cha-ran, tiếp tục cuộc hành trình. Lúc đó, ông đã bảy mươi lăm tuổi.
(3) Lời hứa của Đức Chúa Trời.
Hành trình từ U-rơ đến Si-chem rất dài. Đi trên con đường dài như vậy, Áp-ram luôn nhớ lời hứa tốt đẹp của Đức Chúa Trời: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi… Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy” (Sáng 12:7), nên ông vững lòng tin cậy nơi Ngài.
Bây giờ thì Áp-ram đã làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, đi đến nơi Ngài đã chỉ định. Tiếp đó, ông đóng trại mình trên một sườn đồi, và để bày tỏ lòng cảm tạ Chúa, Áp-ram xây một bàn thờ bằng đá để dâng của lễ cho Đức Chúa Trời.
3. Ứng dụng.
Các em thân mến! Áp-ram dẫn một đoàn đông người và súc vật đi trên sa mạc là bởi lòng tin cậy Đức Chúa Trời, không chút nghi ngờ, không do dự, không bàn luận, chỉ vâng phục, là một gương sáng cho chúng ta noi theo. Ở trong hoàn cảnh của Áp-ram, một sa mạc vắng bóng người, rộng mênh mông, thì có thể nương cậy vào ai? Chỉ tin cậy vào Đức Chúa Trời. Lời hứa của Đức Chúa Trời không chỉ dành cho Áp-ram, mà dành cho tất cả những ai tin cậy và vâng lời Ngài.
Đức Chúa Trời rất yêu thương các em, đã ban Chúa Giê-xu đến thế gian, xả thân trên cây thập tự vì các em. Các em có bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của các em và sống cho Ngài không? Chắc chắn Chúa sẽ giúp đỡ các em vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời! Các em cùng đọc lớn Thi Thiên 143:10 là câu gốc của tuần nầy, và cũng là lời cầu nguyện. Cầu xin Chúa chỉ dạy cho chúng ta biết vâng theo ý chỉ của Ngài, vì Ngài là Đấng Toàn Năng, giúp đỡ cho đời sống hàng ngày của chúng ta.
BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH
I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:25-37.
II. CÂU GỐC: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).
III. BÀI TẬP.
A. CHIA SẺ CÁI GÌ?
Người Sa-ma-ri nhân lành chia sẻ những gì cho người bị thương? Hãy tìm trong hình vẽ phía dưới và tô màu.
B. PHẢI LÀM THẾ NÀO?
Nếu gặp những tình huống như trong hình vẽ em sẽ làm thế nào? Em có chia sẻ và giúp đỡ không? Em sẽ làm gì? Hãy ghi vào phía dưới hình vẽ.
Bạn nầy quên đem theo dụng cụ học tập.
Bạn ấy bị sổ mũi.
Một phụ nữ có thai không có chỗ ngồi.
Người ăn mày trên đường.
BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH
I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:25-37.
II. CÂU GỐC: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Chúa Giê-xu dạy các môn đồ phải yêu thương người lân cận như mình.
– Cảm nhận: Chia sẻ và giúp đỡ người có nhu cầu là việc làm đẹp lòng Chúa.
– Hành động: Em sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ người lân cận như lời Chúa dạy.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Chơi trò chơi.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
(Chuẩn bị thị trợ: Photo trang tài liệu 13 đến 16, rồi tô màu cho đẹp).
1. Vào đề.
Khi nãy chúng ta chơi trò chơi, nếu em nào không có người nắm tay thì sẽ bị bắt phải không? Trong cuộc sống việc cứu người là việc quan trọng nhất, dù người đó là kẻ thù, nhưng thấy người gặp nạn chúng ta cũng phải đưa tay cứu giúp. Chúa Giê-xu đã dùng một câu chuyện làm ví dụ để dạy dỗ chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ người khác.
2. Bài học.
Một lần kia có thầy dạy luật đến hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để hưởng được sự sống đời đời?” Thật ra người nầy biết rõ câu trả lời, vì hằng ngày ông ta tra xem Kinh Thánh Cựu Ước rất tường tận. Sở dĩ ông hỏi câu hỏi đó vì muốn thử xem Chúa Giê-xu trả lời thế nào? Chúa Giê-xu biết ý đồ của ông ta nên không trả lời mà hỏi lại: “Ngươi có biết Kinh Thánh không? Vậy Kinh Thánh nói gì?” Ông ta liền trả lời: “Kinh Thánh bảo: “Hãy hết lòng, hết trí khôn, hết sức yêu mến Chúa và yêu mến những người lân cận”. Chúa Giê-xu nói: “Đúng rồi, hãy đi và làm như thế”. Nhưng thầy dạy luật vẫn chưa thoả mãn, ông ta hỏi vặn: “Nhưng ai là người lân cận tôi?” Các em có biết người lân cận là ai không? (Cho các em trả lời).
Chúa Giê-xu bắt đầu kể một câu chuyện để nói rõ ý nghĩa của “người lân cận”.
Có một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Giê-ri-cô. Khi đến một đoạn vắng vẻ, bỗng bọn cướp núp từ sau những tảng đá nhảy bổ vào ông ta. Chúng đánh ông ta trọng thương, cướp đi tất cả quần áo, tiền bạc rồi bỏ đi, để ông ta nằm dở sống dở chết bên vệ đường. Một lát sau, có một thầy tế lễ đi ngang qua (cho các em xem hình), nhìn thấy người bị thương, ông tránh sang bên kia đường rồi đi luôn. Sau đó có một người Lê-vi đi qua (cho các em xem hình), ông nhìn người bị thương rồi cũng nhanh chóng bỏ đi.
Em có bao giờ bị thương hoặc sây sát hay là đứt tay chưa? Lúc đó ai là người xức thuốc, băng bó cho em? Nếu không có người thoa thuốc, băng vết thương cho em thì sẽ như thế nào? (Cho các em trả lời).
Người bị thương vẫn nằm trên đường, chờ đợi người khác đến giúp đỡ. Cuối cùng có một người Sa-ma-ri đến (cho các em xem hình). Nhìn thấy người bị thương máu me đầy người, thật là tội nghiệp, ông vội vàng mở túi lấy rượu ra rửa vết thương cho người bị thương, rồi xức dầu và băng bó vết thương cho ông ta. Ông cẩn thận đỡ người bị thương lên lưng lừa và đưa ông ta đến quán trọ gần đó (Cho các em xem hình). Hôm sau người Sa-ma-ri trao cho chủ quán một số tiền để săn sóc người bị thương và dặn: “Nếu còn thiếu, khi trở về tôi sẽ trả”.
Sau khi kể câu chuyện đó, Chúa Giê-xu hỏi thầy dạy luật: “Ai là người lân cận của người bị thương?” Các em trả lời được không? Đó là người Sa-ma-ri. Các em có biết tại sao người Sa-ma-ri lại là người lân cận của người bị thương không? (Cho các em trả lời). Bởi vì người Sa-ma-ri chăm sóc và giúp đỡ người bị thương.
Như thế yêu người lân cận không phải chỉ là thương yêu bạn bè hoặc những người hàng xóm, mà là tất cả những người có nhu cầu. Chúa Giê-xu muốn chúng ta sẵn lòng giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, thậm chí chia sẻ với họ tất cả những gì chúng ta có. Các em có hiểu điều đó không?
3. Ứng dụng.
Cho các em mở sách học viên bài 10 và hướng dẫn các em thảo luận bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Trong câu chuyện nầy có bao nhiêu người đi ngang qua người bị thương? Hai người đi qua trước đối xử với người bị thương như thế nào? Nếu em là người bị thương, em thích người nào trong ba người đi qua? Tại sao? Chúa Giê-xu nói ai là người lân cận của người bị thương? Tại sao?
Sau đó, cho các em làm bài tập, rồi cầu nguyện kết thúc.
BÀI 10. LỜI CẦU NGUYỆN CẢM TẠ
CÂU GỐC: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).
BÀI 10. LỜI CẦU NGUYỆN CẢM TẠ
I. KINH THÁNH: 1Các Vua 5:1-9:28; 2Sử 2:1-18; 6-7.
II. CÂU GỐC: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Vua Sa-lô-môn cầu nguyện cảm tạ Chúa trong ngày khánh thành đền thờ.
– Cảm nhận: Cảm tạ Chúa là bày tỏ lòng kính yêu và biết ơn Ngài.
– Hành động: Luôn nhớ cảm tạ Chúa trong mọi việc.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Băng reo: TẠ ƠN CHÚA.
– NHD: Lòng em luôn.
– TC: Nhớ ơn Chúa (Hai tay giơ cao rồi vỗ tay 3 cái).
– NHD: Lòng em thích.
– TC: Tạ ơn Chúa (hai tay bắt chéo trước ngực rồi vỗ tay 3 cái).
– NHD: Lòng em muốn.
– TC: Ca ngợi Ngài (nắm tay hai người bên cạnh).
Tất cả vừa hát bài “Em thích cảm ơn Chúa” và làm động tác đá chân phải rồi đến chân trái theo điệu bài hát.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào bài.
(Gọi tên một em trong lớp và hỏi) “Em có biết nhà thờ là nơi để làm gì không? Đúng rồi. Nhà thờ là nơi để thờ phượng Chúa.
Các em có biết ngày xưa người ta thờ phượng Chúa ở đâu không? Họ nhóm lại thờ phượng Chúa ở hội mạc (giáo viên giải thích cho các em biết hội mạc là hành lang phía ngoài của đền tạm, nơi dành cho dân sự đến thờ phượng trong giờ lễ). Hội mạc là một phần trong đền tạm mà dân Y-sơ-ra-ên làm ra để có nơi thờ phượng Chúa. Họ chưa có một đền thờ thật sự. Các em xem thử Sa-lô-môn đã làm gì cho họ nhé.
2. Bài học.
Sa-lô-môn là con trai của ai? Của Đa-vít. (Giáo viên cho các em xem hình Đa-vít chăn chiên từ thuở nhỏ để các em nhớ lại). Lớn lên Đa-vít được Đức Chúa Trời xức dầu để làm vua. Ông là một ông vua rất kính sợ Đức Chúa Trời và cũng yêu mến dân chúng. Vì vậy, Đức Chúa Trời rất yêu thương ông và ban mọi điều tốt cho ông. Ông muốn xây một đền thờ để dân chúng có chỗ nhóm lại, cầu nguyện và dâng của lễ, nhưng Đức Chúa Trời ngăn cản, không cho ông làm việc đó. Ngài phán: “Con trai của ngươi là Sa-lô-môn sẽ xây đền thờ cho Ta”. Sau khi Đa-vít chết, Sa-lô-môn lên làm vua và theo lời phán dặn của Chúa, ông xây một đền thờ cho Ngài.
Ông cho thợ bắt tay vào việc. Họ đã làm một cách hăng hái, hết lòng. Qua nhiều ngày, ngôi đền thờ đã được xây xong, to lớn và đẹp đẽ. Vua Sa-lô-môn và mọi người đều vui mừng. Vua nói: “Ngày mai mọi người phải ăn mặc cho đẹp và sạch sẽ, đến đây để cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời”.
Ngày hôm sau, mọi người đến rất đông để dự lễ. Trong buổi lễ, Sa-lô-môn cầu nguyện: “Lạy Chúa, cảm tạ Ngài đã giúp chúng con xây được một ngôi đền thờ đẹp đẽ. Bây giờ chúng con dâng đền thờ nầy cho Ngài, cầu xin Ngài ngự trong đền thờ nầy và nghe lời cầu nguyện của chúng con”. Dân chúng nói rập ràng: “Amen! Amen!” Các em có biết “Amen” nghĩa là gì không? Amen là đồng một lòng cầu xin như vậy.
Kể từ đó, dân Y-sơ-ra-ên có một nơi trang nghiêm, đẹp đẽ để thờ phượng Chúa. Họ đến đền thờ để hát ca ngợi Chúa, học lời Chúa, cầu nguyện, dâng tiền… Ai nấy đều vui mừng khi được đến đền thờ để thờ phượng Chúa.
3. Ứng dụng.
Các em ơi, Cha trên trời rất thích khi nhìn thấy chúng ta đến nhà thờ để thờ phượng Ngài, cầu nguyện, học lời Ngài, hát ca ngợi và dâng hiến. Các em có thích làm cho Chúa vui không?
BÀI 9. THÁP BA-BÊN
I. KINH THÁNH: Sáng 11:1-9.
II. CÂU GỐC: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm 16:18).
III. BÀI TẬP.
A. Khoanh tròn chữ đúng với câu đúng, và ngược lại.
B. Tôi không cần Đức Chúa Trời ở trong kế hoạch của tôi, khi tôi:
Đây là kế hoạch của………………… không phải là kế hoạch của……………………..
Tôi sống theo kế hoạch của………………… không phải là kế hoạch của……………………
C. Em đã từng gạt bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài kế hoạch của em. (Viết hoặc vẽ hình)
D. Nếu có Đức Chúa Trời trong kế hoạch của em, thì sẽ ra sao? (Viết hoặc vẽ hình).
BÀI 9. THÁP BA-BÊN
I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 11:1-9.
II. CÂU GỐC: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm Ngôn 16:18).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Việc xây dựng tháp Ba-bên là theo ý riêng, chống nghịch chương trình của Đức Chúa Trời.
– Cảm nhận: Đi theo ý riêng, dẫn đến sự hỗn loạn và thất bại.
– Hành động: Em vâng theo ý muốn của Chúa.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. CHUẨN BỊ.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Các em có thích được đi du lịch nước ngoài không? Ồ, ai cũng thích hết. Nhưng nếu các em đi tới một đất nước nào, mà không biết tiếng của nước đó, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Lúc ban đầu, loài người trên đất nầy đều nói cùng một thứ tiếng. Lúc Nô-ê đóng tàu, mọi người đều nghe, hiểu lời dặn của Nô-ê và giúp đỡ ông. Nhưng sao bây giờ lại xuất hiện nhiều thứ tiếng khó hiểu như thế nầy?
2. Bài học.
Sau cơn nước lụt, Nô-ê còn sống ba trăm năm mươi năm nữa. Từ đó trở về sau, gia đình của Nô-ê sinh sôi nẩy nở rất nhiều thành một dân.
Ban đầu, họ di dời từ nơi nầy đến nơi khác để tìm một khu đất thuận lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt, và sinh sống. Cuối cùng họ đi đến một đồng bằng màu mỡ trong xứ Si-nê-a và ở luôn tại đó.
(1) Ý định và kế hoạch của con người.
Xứ Si-nê-a là nơi ở lý tưởng, có hai con sông chảy qua, được bù đắp bởi phù sa trong cơn đại hồng thủy, nên đất đai phì nhiêu, đời sống sung túc.
Con cháu của Nô-ê phát hiện đất có thể dùng làm gạch để xây cất. Họ liền bàn với nhau: “Chúng ta hãy xây tại đây một cái thành thật lớn và trong thành dựng một cái tháp cao đến tận trời, để danh tiếng chúng ta vang khắp nơi cho đến muôn đời sau”. Sau khi đã quyết định, họ bắt tay vào việc. Người lo đào đất, người làm gạch, người đem đi nung, người xây, người trộn hồ… tất cả mọi việc đều tiến hành tốt đẹp, thuận lợi. Kế hoạch của họ là sẽ xây một thành lớn và một cái tháp cao vút tới tận trời. Nhưng một việc quan trọng mà họ quên, đó là đang làm theo ý riêng, chứ không phải ý Chúa. Lòng kiêu ngạo của họ thật đáng sợ, kể từ khi làm viên gạch đầu tiên, họ đã chống nghịch ý chỉ của Đức Chúa Trời. Khi cái tháp càng cao, họ càng đắc chí, nghĩ thầm rằng: “Tên mình sẽ được người đời nhớ đến, danh của mình sẽ được sáng rạng”.
(2) Ý định và kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Ý định của Đức Chúa Trời là con cháu của Nô-ê phải đầy dẫy khắp mặt đất, nhưng con người lại lập kế hoạch riêng cho mình. Đức Chúa Trời đã từng lập kế hoạch cho Nô-ê, và cũng sắm sẵn những điều tốt nhất cho họ, chỉ cần vâng lời thì được phước hạnh, nhưng con người lại không chịu vâng lời.
Đức Chúa Trời thấy hết mọi việc con cháu của Nô-ê làm, nhất là lòng kiêu ngạo của họ. Dầu “trong lòng loài người có nhiều mưu kế; song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được” (Châm Ngôn 19:21). Đức Chúa Trời rất buồn lòng. Ngài phán: “Chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia” (Sáng 11:7).
Lúc bấy giờ, công việc xây tháp đang phát triển tốt đẹp, thì bỗng nhiên có sự lộn xộn. Nhiều người rất tức giận, vì người nầy cố sức nói mà người kia cũng không hiểu nói gì, để có thể làm cho đúng. Người nầy biểu đưa thêm gạch, thì người kia đưa hồ, biểu đưa xẻng thì đưa cuốc… Người chỉ huy hạ lệnh, công nhân không cách nào hiểu được, hàng ngũ công nhân với nhau cũng không hiểu tiếng nói của nhau. Công trình đang thi công thì phải ngưng lại, không thể tiếp tục được nữa và “họ thôi công việc xây cất thành” (Sáng 11:8).
Con người không muốn tiếp tục sống ở xứ Si-nê-a nữa, vì không hiểu ngôn ngữ của nhau. Thế là ước muốn và ý định của họ đã không thành hiện thực. Cái tháp, niềm kiêu hãnh đã bị dang dở, và họ phải sống rải rác khắp mọi nơi, y như chương trình và ý muốn của Chúa. Người ta đặt tên tháp là Ba-bên, “Vì ở nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất” (Sáng 11:9). Từ đó loài người nói nhiều thứ tiếng như các em thấy ngày nay.
3. Ứng dụng.
Kiêu ngạo, tự cao, là tội lỗi lớn nhất trong lòng người. Sách Châm Ngôn 21:4 chép rằng: “Mặt tự cao, lòng kiêu ngạo, và ngọn đèn của kẻ ác, đều là tội lỗi”.
Con cháu Nô-ê tự cao, cố xây một cái tháp để làm rạng danh mình, không tôn cao danh Đức Chúa Trời, nên họ thất bại thảm hại. Trong sinh hoạt thường ngày, các em có đang xây tháp Ba-bên không? Không nhất thiết chúng ta xây tháp bằng viên gạch, nhưng nếu các em sống theo ý riêng, thì điều đó không đẹp lòng Chúa, nghĩa là các em đang xây tháp Ba-bên.
Các em cho biết những hành động sau đây có gì sai, vì sao? (Viết lên bảng).
Các em ạ! Luôn mang tấm lòng cảm tạ, vâng giữ lời Chúa, các em mới tránh được việc xây dựng tháp Ba-bên trong đời sống của mình. “Phần thưởng của sự khiêm nhượng và sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu có, sự tôn trọng, và mạng sống” (Châm 22:4).