BÀI 5. NGƯỜI EM GIAN DỐI (GV-HV)
in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 19 Tháng Tư, 2018
BÀI 5. NGƯỜI EM GIAN DỐI (GV)
I. KINH THÁNH: Sáng 25:19-34; 27:1-40.
II. CÂU GỐC: “… Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau” (Ê-phê-sô 4:25).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Sự gian dối làm cho gia đình phân rẽ, anh em ghét nhau.
– Cảm nhận: Tội lỗi phải được xưng ra, ăn năn, cầu xin Chúa tha thứ.
– Hành động: Sống chân thật.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. CHUẨN BỊ.
1. Sưu tầm một số hình ảnh về sự sinh hoạt trong gia đình.
2. Chuẩn bị giấy phát cho các em vẽ hoặc viết ra những câu chuyện nhỏ về gia đình mình, như là:
a. Số người trong gia đình.
b. Nghề nghiệp mỗi người.
c. Người nào vui tính hoặc hay giận nhất?
d. Có nuôi súc vật không? Những con gì?
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
(Thực hiện phần chuẩn bị số 2. Cho cả lớp xem những bức tranh mà các em vẽ, hoặc đọc những điều các em đã viết về gia đình).
Mỗi chúng ta là một thành viên quan trọng trong gia đình, dù gia đình chúng ta lớn hay nhỏ. Vì thế, mỗi việc làm của các em đều ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình. Ví dụ như em bịnh, thì ba, mẹ, anh, chị… đều lo lắng. Em học giỏi, mọi người đều mừng, em có nhiều tật xấu, mọi người đều đau khổ… Các em sẽ được thấy rõ điều nầy qua cuộc sống của một gia đình mà Kinh Thánh đã ghi lại. Các em cùng nghe nhé!
2. Bài học.
(1) Gia đình của Y-sác.
Y-sác và Rê-bê-ca kết hôn với nhau, nhưng hai mươi năm sau, họ mới có hai con trai sinh đôi là Ê-sau và Gia-cốp.
Ê-sau và Gia-cốp lớn lên trở thành những chàng thanh niên khỏe mạnh. Tuy là hai anh em sinh đôi, nhưng giữa họ có rất nhiều điểm khác biệt về tính tình và ngoại hình. Ê-sau ưa hoạt động, suốt ngày săn bắn ở ngoài đồng. Gia-cốp thích sống yên lặng, quanh quẩn trong trại, phụ giúp mẹ việc bếp núc hoặc chăn chiên trên những cánh đồng yên ả. Cánh tay của Ê-sau có nhiều lông, còn Gia-cốp thì không có.
(2) Quyền trưởng nam.
Dù là sinh đôi, nhưng Ê-sau chào đời trước, nên chàng là con trưởng nam của Y-sác. Theo tục lệ, con trưởng nam được hưởng gia tài gấp đôi, đặc biệt là thừa kế phước lành Đức Chúa Trời ban cho cha mình. Ê-sau được hưởng tất cả quyền lợi đó. Một hôm nọ, Ê-sau đi săn ở ngoài đồng về, thấy Gia-cốp đang nấu canh. Mùi canh bốc lên thơm quá, Ê-sau vừa mệt vừa đói, liền xin: “Em cho anh ăn canh đậu đó với, vì anh mệt mỏi quá”. Gia-cốp nghĩ ngay đến quyền trưởng nam nên nói: “Anh hãy bán quyền trưởng nam cho em đi, thì em sẽ cho anh ăn”.
Quyền trưởng nam đại diện cho vinh dự và giàu có, nhưng trong lúc đang đói cồn cào như thế nầy, thì quyền trưởng nam đối với Ê-sau không còn giá trị gì nữa. Ê-sau liền đổi quyền trưởng nam cho Gia-cốp, để lấy một bát canh đậu đỏ.
(3) Hành động gian dối.
Thời gian trôi qua, Y-sác ngày càng già đi, mắt đã mù lòa, đến nỗi không nhìn thấy hai con trai của mình, chỉ còn cách nghe giọng nói, hoặc sờ vào tay của họ để nhận biết.
Một ngày kia, Y-sác cho gọi Ê-sau đến và dặn: “Cha đã già rồi, không biết sống chết ngày nào. Bây giờ, con hãy đi ra ngoài đồng săn thịt rừng và làm món mà cha vẫn thích. Ăn xong, cha sẽ chúc phước cho con trước khi chết”. Các em biết không, sự chúc phước của người cha rất quan trọng. Khi người cha chúc phước cho con trai mình yêu thương, thì không thể thay đổi được. Sự chúc phước nầy khác với việc người con trưởng thừa kế tài sản, mà đó là sự chúc phước thuộc linh, theo lời hứa Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham.
Khi Y-sác căn dặn Ê-sau, thì Rê-bê-ca nghe được và nói lại với Gia-cốp. Rê-bê-ca muốn Y-sác chúc phước cho Gia-cốp, chứ không phải cho Ê-sau. Bà suy nghĩ cách để giúp cho Gia-cốp nhận được sự chúc phước nầy. Bà gọi Gia-cốp lại và bảo: “Con hãy làm theo lời mẹ biểu. Hãy bắt hai con dê con mập, mẹ sẽ làm thịt và nấu món cha con vẫn thích. Con giả làm Ê-sau bưng vào mời cha ăn, để người chúc phước cho con”.
Nghe kế hoạch của mẹ, Gia-cốp cũng lo lắng vì giữa chàng với anh trai có sự khác biệt nhau. Cha tuy mù lòa nhưng có thể nhận ra giọng nói hoặc sờ vào cánh tay để phân biệt. Thấy con trai lo lắng, Rê-bê-ca có một mưu kế khác. Bà lấy quần áo của Ê-sau cho Gia-cốp mặc, lấy da dê con bao quanh tay và cổ của Gia-cốp (Vì cánh tay của Ê-sau có lông), rồi Gia-cốp bưng thức ăn đến trước mặt cha.
Khi Gia-cốp nói mình là Ê-sau, mời cha ăn thịt thú rừng đã săn được, thì Y-sác ngạc nhiên lắm, hỏi: “Sao con đi săn được mau thế?” Gia-cốp nói dối: “Nhờ Đức Chúa Trời giúp đỡ, nên con săn được mau”.
Trong lòng Y-sác sinh nghi, bảo con mình đến gần để rờ thử có phải là Ê-sau không? Khi Y-sác sờ vào da dê con ở tay và cổ thì nói rằng: “Tiếng nói thì của Gia-cốp, còn hai tay thì của Ê-sau. Con có thật là Ê-sau không vậy?” Gia-cốp vội đáp rằng: “Dạ, con thật là Ê-sau mà!”
Muốn cho chắc chắn, Y-sác ôm con hôn để ngửi mùi mồ hôi quen thuộc của Ê-sau. Đúng là mùi của Ê-sau, vì Gia-cốp mặc quần áo của Ê-sau. Y-sác nghĩ chắc chắn là Ê-sau, nên sau khi ăn xong đã chúc phước. Y-sác chúc phước cho Gia-cốp mà tưởng rằng mình chúc phước cho Ê-sau. Gia-cốp đi ra thì một lát sau, Ê-sau bưng thức ăn đến cho cha. Khi biết Gia-cốp đã gian dối, lừa cha để cướp lấy phước lành của mình, thì Ê-sau khóc, cay đắng, và thù ghét Gia-cốp đến nỗi muốn giết chết em mình. Chắc chắn rằng từ đó trở về sau, tình cảm những người trong gia đình không còn như xưa nữa.
3. Ứng dụng.
Các em thân mến! Gia-cốp và mẹ đã gian dối, khiến tình cảm gia đình bị sứt mẻ. Dù hai mẹ con biết rõ Đức Chúa Trời chọn lựa Gia-cốp ngay khi còn trong bụng mẹ, nhưng không tin cậy mà lo sợ, nên đã gian dối. Nếu Rê-bê-ca và Gia-cốp đem những suy nghĩ của mình trình bày với chồng, với cha, thì sự việc có lẽ sẽ khác. Các em có nhận thấy làm như vậy là tốt hơn so với nói dối, và lừa gạt không?
Có khi nào lời nói, việc làm của các em đã ảnh hưỏng đến những người thân trong gia đình không? Lời nói dối khi bị phát hiện sẽ làm cho người khác khó chịu, tức giận, và có cảm giác bị lừa dối. Nếu các em đã làm những việc nầy, thì xin Chúa tha thứ và nhờ cậy Chúa để biết sống chân thật, không những với người thân trong gia đình, mà với bạn bè và mọi người chung quanh. Người biết sống chân thật luôn được mọi người yêu mến và tin tưởng, nhưng trên hết là được Đức Chúa Trời ban phước. Mời các em đọc câu gốc tuần nầy.
BÀI 5. NGƯỜI EM GIAN DỐI (HV)
I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 25:19-34; 27:1-40.
II. CÂU GỐC: “Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lận cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau” (Ê-phê-sô 4:25).
III. BÀI TẬP.
1. Em hãy liệt kê sự khác nhau giữa Ê-sau và Gia-cốp.
Ê-SAU:
1. Ngoại hình:……………………………………………………………….
2. Cá tính:……………………………………………………………………
3. Nghề nghiệp:…………………………………………………………….
4. Tính xấu:………………………………………………………………….
GIA-CỐP:
1. Ngoại hình:…………………………………………………………………..
2. Cá tính:………………………………………………………………………..
3. Nghề nghiệp:…………………………………………………………………
4. Tính xấu:……………………………………………………………………..
2. Lưới tội lỗi.
Dưới đây là một lưới nhện, tượng trưng cho lưới tội lỗi. Em hãy nối liền các tội lỗi mà Gia-cốp và Rê-bê-ca đã phạm, theo thứ tự.
3. Hãy vẽ những người trong gia đình em và viết một đôi nét về tính tình đặc biệt của họ.