Ngày: Tháng Bảy 9, 2018

BÀI 11.  KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV-HV)

BÀI 11.  KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV-HV)

in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 9 Tháng Bảy, 2018

BÀI 11.  KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

 I. KINH THÁNH: Sáng 42 đến 46.

II. CÂU GỐC: “…Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi” (Êsai 48:17).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Kế hoạch tốt đẹp của Chúa qua đời sống của Giô-sép.

– Cảm nhận: Chúa biết rõ tương lai của em, nên Ngài có kế hoạch tốt đẹp trên đời sống của em.

 – Hành động: Tin cậy và vâng phục kế hoạch của Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

  1. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Hướng dẫn các em làm cuốn sổ nhỏ để viết nhật ký. Giả sử các em là Giô-sép, viết ngắn gọn cảm xúc của mình trước những thăng trầm trong cuộc sống.

A. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề.

Các em có thích chơi trò chơi ghép hình không? (Cho các em xem bức tranh ghép hình). Những mảnh hình nhỏ vụn, không ra hình thù, nhưng qua bàn tay của người xếp, nó trở thành một bức tranh đẹp mắt. Muốn có được một bức tranh đẹp, thì người ghép phải kiên nhẫn, ghép từng mảnh nhỏ vào vị trí thích hợp, thì nó mới đẹp được.

Cuộc đời của Giô-sép cũng giống như một bức tranh ghép hình, mỗi một việc xảy đến dường như bất lợi, làm cho Giô-sép không hiểu tại sao lại như vậy. Giô-sép bị các anh bán sang Ai-cập làm nô lệ, bị nhốt trong nhà giam, liên tiếp gặp phải nhiều chuyện bất hạnh, nhưng tất cả đều do kế hoạch tốt đẹp của Chúa. Từ đầu đến cuối Ngài vẫn ở cùng Giô-sép. Khi mọi sự hiệp lại, các em sẽ được nhìn thấy một bức tranh đẹp đẽ. Hôm nay, các em sẽ được nhìn trọn bức tranh đẹp đẽ về cuộc đời của Giô-sép.

  1. Bài học.

(1) Giữ gìn mạng sống mọi người.

Khi bảy năm được mùa dư dật qua đi, thì bảy năm hạn hán kéo đến. Hạn hán kéo dài và xảy ra khắp nơi khiến mọi người điêu đứng. Mọi kho lúa dự trữ đều hết, ngoại trừ ở Ai-cập. Tất cả mọi nơi đều đổ xô về Ai-cập để mua lúa, trong đó có các anh của Giô-sép. Lúc đó Giô-sép đang cai trị xứ Ai-cập, và đảm nhiệm việc bán lương thực cho dân. Theo truyền thống thời đó, người dân đến trước mặt tể tướng phải sấp mình xuống lạy. Các anh đứng trước mặt Giô-sép và cúi xuống lạy, nhưng không nhận ra Giô-sép, vì đã hai mươi mấy năm không gặp nhau. Vả lại, Giô-sép đã thay đổi khá nhiều, sang trọng, quyền hành và ăn mặc theo kiểu của người Ai-cập, làm sao mà các anh có thể nhận ra Giô-sép được. Còn Giô-sép thì sao? Khi các anh vừa ra mắt và cúi xuống lạy, thì chàng nhận ra ngay, nhưng Giô-sép giả vờ không biết, đối xử với họ như mọi người khác. Các em nghĩ xem, Giô-sép có thể trả thù các anh về hành động gian ác của họ không? Giô-sép có thể làm, nhưng chàng không làm. Sau hai mươi năm mới gặp lại nhau, Giô-sép muốn biết tính tình họ có thay đổi không, nên giả vờ tố cáo họ là thám tử. Các anh của Giô-sép sợ hãi muốn chứng minh mình không phải là thám tử, nên kể về gia đình. Khi nghe các anh nhắc đến cha già và em út, Giô-sép rất xúc  động. Chàng nói: “Nếu đúng như điều các ngươi nói, thì trở về dẫn em út tới đây. Nhưng phải ở lại đây một người để làm con tin”.

Các anh của Giô-sép càng lo sợ hơn khi một người bị bắt ở lại. Họ đứng trước mặt Giô-sép bàn tán và cho rằng sự rắc rối nầy là do việc làm gian ác của họ năm xưa đối với Giô-sép. Các anh không hề biết Giô-sép nghe hết, vì khi nói chuyện với các anh, Giô-sép nói qua người thông dịch. Nhìn thấy sự hối hận và bối rối của các anh, Giô-sép quay mặt qua chỗ khác khóc. Thái độ của các anh khác hẳn lúc trước.

Theo lệnh của Giô-sép, người ta xúc lúa đổ đầy các bao và để tiền lại trong các bao đó. Các anh của Giô-sép chất lúa trên lưng lừa và ra về với tâm trạng lo sợ. Lo sợ cho Si-mê-ôn ở lại Ai-cập, và không biết về nhà, cha có đồng ý cho em út đi không. Tối đến, họ sợ hãi khi phát hiện bạc ở trong bao và nghĩ rằng điều nầy có liên quan đến việc họ ngược đãi Giô-sép.

Khi về đến xứ Ca-na-an, họ kể lại cho cha nghe mọi điều đã xảy đến. Cuối cùng cha không đồng ý cho em út đi sang Ai-cập. Nhưng trước mắt họ vẫn còn lương thực, nên cũng không vội.

Thời gian trôi nhanh, lương thực đem từ Ai-cập về nay đã sắp hết rồi, cha bảo các con mình đến xứ Ai-cập mua lương thực lần nữa.

Lúc nầy là lúc phải quyết định cho em út đi, vì nếu không, họ không dám trở lại Ai-cập. Như thế, cả gia đình họ sẽ bị nạn đói đe dọa. Giu-đa thưa cùng cha mình: “Xin cha cứ cho em út đi với con. Con sẽ bảo lãnh em. Nếu không dẫn em về, thì con sẽ chịu tội với cha”. Giu-đa bằng lòng lấy mạng sống của mình để bảo lãnh Bên-gia-min an toàn trở về.

Cuối cùng, Gia-cốp đau lòng cho các anh dẫn em út đi. Gia-cốp dặn các con mình mang theo thổ sản của xứ Ca-na-an để biếu cho tể tướng Ai-cập, và mang theo gấp đôi số bạc để trả lại tiền lần trước và mua lương thực lần nầy. Trước khi lên đường, Gia-cốp cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho các con mình bình an.

Khi đến xứ Ai-cập, họ lập tức đến gặp tể tướng. Vừa nhìn thấy Bên-gia-min, Giô-sép suýt chút nữa đã không kềm chế được tình cảm của mình. Giô-sép bảo người quản gia đưa họ về dinh thự của chàng, và sửa soạn buổi tiệc. Khi được đưa vào một căn nhà sang trọng, các anh ngơ ngác nhìn nhau và hốt hoảng nói: “Chắc vì số tiền bữa trước, mà họ dẫn chúng ta vào đây, để bắt làm nô lệ và cướp lừa của chúng ta”. Nhưng lời nói và thái độ vui vẻ của người quản gia xua tan nghi ngờ của họ. Quản gia thả Si-mê-ôn, người bị bắt ở lại, đem đến gặp các anh em. Ông ta còn sai người đem nước ra cho các anh em rửa chân, và cho những con lừa ăn cỏ.

Khi Giô-sép về, các anh em lấy quà đã đem theo, dâng cho Giô-sép, và quỳ gối sấp mình xuống đất. Thái độ và hành động tử tế của tể tướng làm cho họ ngạc nhiên hết sức. Giô-sép hỏi thăm sức khỏe của các anh và cha già. Đưa mắt nhìn Bên-gia-min, Giô-sép xúc động quá, lật đật bước ra khỏi phòng và khóc. Sau khi rửa mặt và làm bộ điềm tĩnh, Giô-sép ra lệnh cho đầy tớ dọn tiệc. Giô-sép sắp xếp các anh ngồi riêng một bàn, theo thứ tự từ anh cả đến em út, khiến họ kinh ngạc nhìn nhau. Phần thức ăn của Bên-gia-min nhiều gấp năm lần của các anh, nhưng họ không ganh tị mà cùng ăn uống rất vui vẻ.

(2) Gia đình Gia-cốp đoàn tụ.

Giô-sép thử các anh mình một lần nữa, xem họ có biết thương yêu nhau không. Lúc họ sửa soạn ra về, Giô-sép dặn quản gia rằng: “Ngươi lấy cái chén bạc của ta để vào miệng bao của người em út”. Quản gia vâng lệnh làm y như vậy.

Hôm sau, trời vừa hửng sáng, các anh em của Giô-sép lên đường về xứ Ca-na-an. Khi ra khỏi thành không xa, Giô-sép sai người quản gia đuổi theo và nói rằng: “Sao các ngươi lấy oán trả ơn? Lấy cắp cái chén bạc của chủ ta?”

Việc xảy đến với họ thật là bất ngờ. Các anh em đồng ý cho người quản gia lục soát. Cuối cùng quản gia lấy ra cái chén từ bao của Bên-gia-min. Các anh em không tin vào mắt mình nữa, nhưng không thể chối cãi được, vì rõ ràng cái chén lấy ra từ bao của Bên-gia-min.

Không còn cách nào nữa, các anh em đành theo quản gia về gặp Giô-sép.

Đến nơi, vừa thấy mặt Giô-sép họ sấp mình xuống xin tha tội. Giu-đa nài xin Giô-sép cho Bên-gia-min được trở về nhà, còn mình sẽ chịu tội thay cho em. Giu-đa nói: “Xin cho đứa trẻ được trở về nhà. Nếu không cha của chúng tôi sẽ đau khổ và chết mất, vì cha rất yêu thương nó. Anh của nó đã chết rồi. Chúng tôi không muốn thấy cha đau khổ nữa”.

Giu-đa vừa nói đến đó, Giô-sép không chịu được nữa, liền hét lớn đuổi mọi người chung quanh ra ngoài. Khi trong phòng chỉ còn mấy anh em, Giô-sép vừa nói vừa khóc: “Em là Giô-sép đây. Cha còn sống không?” Các anh quá bất ngờ đến nỗi lặng thinh không nói được lời nào.

Các anh nghĩ Giô-sép sẽ trả thù, nhưng Giô-sép nói: “Bây giờ, đừng buồn phiền trách móc nhau về việc ấy nữa. Đức Chúa Trời sai em đến trước để giữ gìn sự sống của gia đình mình”. Nói rồi, Giô-sép hối các anh mau trở về nhà báo tin nầy cho cha và rước cha lên đây, vì nạn đói kém còn kéo dài.

Giô-sép cho xe cộ sang trọng cùng lương thực và nhiều thứ khác trở về nhà đón cha lên. Các em có thể tưởng tượng được sự vui mừng của Gia-cốp khi nghe tin con mình còn sống. Gia-cốp cùng bảy mươi người trong gia đình đi xuống Ai-cập và cảnh cha con gặp nhau thật cảm động.

Giô-sép dẫn cha và các anh em mình đến trước mặt Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn ban cho họ một vùng đất màu mỡ tại Ai-cập và cho họ chăn bầy súc vật của Pha-ra-ôn. Cả gia đình sống đầy đủ, bình an trong những năm đói kém.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Đức Chúa Trời có quyền ngăn cản không để cho Giô-sép bị bán, nhưng Ngài cho phép việc đó xảy ra. Giô-sép hiểu được chương trình của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình nên dễ dàng tha thứ cho các anh. Lúc trước có lẽ Giô-sép không thể hiểu được, nhưng bây giờ Giô-sép thấy rõ kế hoạch tốt đẹp của Ngài trên đời sống của mình và gia đình. Đức Chúa Trời có kế hoạch của Ngài để phòng chống nạn đói kém và giữ gìn mạng sống của gia đình. Giô-sép hoàn toàn vâng theo kế hoạch của Ngài. Cũng vậy, Đức Chúa Trời cũng có một kế hoạch cho đời sống của các em. Chúng ta không biết rõ kế hoạch của Ngài như thế nào, nhưng tin rằng rất tốt đẹp. Dù các em có ở trong hoàn cảnh như thế nào đi nữa: Khó khăn, nghèo thiếu, bệnh tật, thậm chí không được học hành… nên nhớ rằng, Chúa luôn yêu thương và muốn ban cho các em điều tốt nhất. Phần các em, hãy yên lặng và vâng phục kế hoạch của Ngài, chắn chắc đời sống của các em sẽ được Chúa dẫn dắt và ban phước.

BÀI 11.  KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

 I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 42 – 49.

II. CÂU GỐC: “…Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi” (Ê-sai 48:17).

III. BÀI TẬP.

1. Sau đây là 5 bước để vâng theo kế hoạch của Ngài. Em hãy đọc những câu Kinh Thánh sau đây và ghi ý chính của những câu Kinh Thánh đó, lên từng dấu chân theo thứ tự.

a. Giăng 3:16, b. 1Giăng 1:9, c. Ê-sai 55:6, d. Thi Thiên 130:6,  e. Công vụ 5:29

  1. Tôi là ai?

Em đã học qua nhiều nhân vật trong Kinh Thánh. Bây giờ, em hãy viết tên từng nhân vật, trước sự việc có liên quan đến họ.

_____ Tôi dùng thủ đoạn gian dối lừa cha mình, để được chúc phước. Tôi là ai?

_____ Thành phố mà tôi ở đầy dẫy tội lỗi, Đức Chúa Trời hủy diệt thành phố đó. Ngài sai thiên sứ giải cứu cả gia đình tôi. Tôi là ai?

_____  Tôi là con duy nhất của cha mẹ. Cha mẹ sinh tôi khi đã già và tôi là con của lời hứa. Tôi là ai?

_____ Tôi được cha nuông chiều và yêu thương từ nhỏ. Lớn lên, tôi được tôn cao, chỉ dưới quyền vua. Tôi là ai?

_____ Em trai tôi tuy có lỗi với tôi, nhưng tôi đã tha thứ cho em mình và anh em tôi đã làm hòa với nhau. Tôi là ai?

BÀI 11. CHÚA GIÊ-XU SỐNG LẠI (GV-HV) 

BÀI 11. CHÚA GIÊ-XU SỐNG LẠI (GV-HV) 

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 9 Tháng Bảy, 2018

BÀI 11. CHÚA GIÊ-XU SỐNG LẠI (GV) 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 24:1-12.

II. CÂU GỐC: “Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại rồi” (Lu-ca 24:6).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu sống lại theo kế hoạch của Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Sự kiện Chúa Giê-xu sống lại là sự thật.

– Hành động: Em tin chắc Chúa Giê-xu thật đã sống lại.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Tìm xem.

1. Chuẩn bị: Sách học viên, bài tập “Tìm xem”.

2. Thực hiện: Trước hết hướng dẫn các em hoàn tất bài tập “Tìm xem”. Sau đó hỏi các em: Khi đồ vật yêu thích của em bị thất lạc, em cảm thấy thế nào? Mục đích của bài tập nầy nhằm giúp các em nhận biết tâm trạng của những người phụ nữ khi không thấy xác của Chúa Giê-xu.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn trang tài liệu 16-17 trong sách giáo viên, rồi tô màu cho đẹp).

  1. Vào đề.

Giả sử các em đau ốm hoặc bị lạc đường, thì ai sẽ lo lắng, đau buồn? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, chắc chắn đó sẽ là người thân trong gia đình, bạn thân, thầy cô…

Các em còn nhớ tuần trước chúng ta có nói đến sự đau đớn của Chúa Giê-xu trên cây thập tự không? Hãy đoán xem những người nào sẽ đau lòng vì thương Chúa? Có phải là quân lính hành hình Ngài không? (Cho các em trả lời). Có phải là vị quan đã định tội Chúa Giê-xu? (Các em trả lời). Có phải là những người đã hãm hại Chúa? (Các em trả lời). Vậy đó là những ai? (Các em trả lời). Chắc chắn đó là những người yêu mến Chúa Giê-xu, tận mắt thấy cảnh Ngài chịu đau đớn. Họ là các môn đồ đi theo Chúa Giê-xu, mẹ của Chúa Giê-xu và những người phụ nữ chăm sóc Ngài, ngoài ra còn có những người tin kính Chúa Giê-xu cách kín giấu.

Trong số đó có một người rất giàu có tốt bụng, vì lòng yêu mến Chúa đã lấy ngôi mộ chuẩn bị cho mình chôn cất Chúa Giê-xu. Ông đến xin quan tổng đốc cho đem thi thể Chúa Giê-xu về, dùng vải liệm tốt nhất mà bọc, rồi cẩn thận để vào mộ. Thời xưa ngôi mộ là một cái huyệt đục vào đá, bên trong rộng như căn nhà, bên ngoài có một hòn đá lớn chặn cửa huyệt lại, để thú dữ không thể chui vào được.

Đêm thứ sáu, những người phụ nữ từ Ga-li-lê đi theo Chúa, tận mắt thấy Chúa Giê-xu đau đớn chết trên cây thập tự, họ xót xa vô cùng. Và khi thấy có người đứng ra an táng Chúa Giê-xu, họ cũng được an ủi phần nào. Mặc dù không muốn rời khỏi đó, nhưng họ cũng phải về vì ngày hôm sau là ngày Sa-bát, ngày nghỉ của dân Do-thái, không ai được làm bất cứ công việc gì.

Đến ngày thứ ba, tức là Chúa Nhật, trời vừa mờ sáng, những phụ nữ ấy chuẩn bị thuốc thơm đem đến mộ của Chúa. Họ nói với nhau: “Chúng ta hãy đi nhanh lên! Phải nhanh chóng đem thuốc thơm xức xác của Chúa Giê-xu”. Khi đến gần ngôi mộ của Chúa Giê-xu, họ hết sức ngạc nhiên. Các em có biết tại sao không? (Cho các em trả lời). Họ hỏi nhau: “Có phải chúng ta đã thấy tảng đá lớn chặn cửa mộ rồi phải không? Tại sao bây giờ cửa mộ lại mở toang như thế?” Khi phát hiện không có xác của Chúa Giê-xu trong mộ, họ rất bối rối. Làm thế nào đây? Ai đã lấy xác của Chúa Giê-xu? Đang thắc mắc, bỗng xuất hiện hai thiên sứ mặc áo sáng láng khiến họ sợ hãi, cúi mặt xuống đất. Thiên sứ nói với họ: “Tại sao các ngươi tìm người sống trong mồ mả? Chúa không ở đây đâu, Ngài sống lại rồi. Các người có nhớ Ngài từng nói rằng: Ngài phải bị nộp trong tay bọn gian ác, bị đóng đinh trên cây thập tự, đến ngày thứ ba sẽ sống lại sao?” Họ như sực tỉnh: “Đúng rồi, tôi đã nhớ lại rồi”. Họ nhanh chóng chạy về thuật lại cho mọi người, nhưng các môn đồ và những người khác lại không tin (trình bày hình vẽ). Phi-e-rơ liền chạy đến mộ, cúi xuống nhìn vào trong, chỉ thấy vải liệm mà thôi. Ông trở về, ngạc nhiên không biết thi hài Chúa ở đâu.

Các em có cảm thấy lạ không? Tại sao Chúa Giê-xu lại biết trước những sự việc sẽ xảy ra đối với Ngài? (Cho các em trả lời). Bởi vì Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, Ngài biết kế hoạch của Đức Chúa Trời, và biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. Em có tin chắc Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại không?

  1. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Ai đã an táng Chúa Giê-xu? Chúa Giê-xu được chôn ở đâu? Những người đàn bà đến mộ Chúa Giê-xu vào lúc nào? Tại sao họ kinh ngạc? Họ tìm được xác của Chúa Giê-xu không? Tại sao?

Sau đó hướng dẫn các em làm bài tập “Thật và giả”, rồi thảo luận về cách nhìn của hai sự kiện trên (1), (2), (3) là câu chuyện thần thoại, hư cấu, không thể xem là sự thật. Chỉ có sự kiện Chúa Giê-xu là sự thật. Ngài đã từ kẻ chết sống lại.

Các em thân mến, đa số các em thích xem truyện thần thoại hoặc phim khoa học giả tưởng, nhưng các em biết đó không phải là những sự việc có thật trong cuộc sống. Sự sống lại của Chúa Giê-xu không giống như những câu chuyện nầy mà đó là một sự kiện có thật. Bài học sau cô (thầy) sẽ đưa ra cho các em những chứng cứ khác. Bây giờ chúng ta cùng cầu nguyện: “Cha thân yêu của chúng con, Ngài thật kỳ diệu. Bởi quyền năng của Ngài có thể khiến Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại. Chúng con hết lòng cảm tạ Ngài và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

BÀI 11. CHÚA GIÊ-XU SỐNG LẠI (HV)

 I. KINH THÁNH: Lu-ca 24:1-12.

II. CÂU GỐC: “Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại rồi” (Lu-ca 24:6).

III. BÀI TẬP.

A. TÌM XEM.

Lan không tìm thấy con gấu bông yêu thích của mình, em có thể tìm giúp Lan không?

B. THẬT HAY GIẢ.

Em hãy phân biệt những sự việc dưới đây, sự việc nào là thật đánh dấu V, sự việc giả đánh dấu X.

1. Hằng Nga lên mặt trăng.

2. Đô-rê-mon dẫn Nô-bi-ta đi đến tương lai.

3. A-li-ce đến đất nước người tí hon.

4. Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, ba ngày sau sống lại.

BÀI 11.  CỠI LỪA VÀO THÀNH (GV-HV)

BÀI 11.  CỠI LỪA VÀO THÀNH (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ II. 2016 on 9 Tháng Bảy, 2018

 

BÀI 11.  CỠI LỪA VÀO THÀNH (GV)

 I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 21:1-11, 15-16; Mác 11:1-11; Lu-ca 19:29-40; Giăng 12:12-19.

II. CÂU GỐC: “Hãy ca tụng Đức Chúa Trời ngươi” (Thi 147:12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Khi Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành cũng có nhiều trẻ em ca hát chúc tụng Ngài, hoan nghênh Ngài.

– Cảm nhận: Hát thánh ca là ca ngợi Đức Chúa Trời.

– Hành động: Dùng bài hát, thơ ca để ca ngợi Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Cho các em hát những bài hát đã được tập, với tinh thần tôn vinh ca ngợi Chúa.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, mỗi lần đến lớp Trường Chúa nhật, giáo viên thường dạy các em hát, các em có thích không? Các em có biết ca hát là để làm gì không? Là để ca ngợi Đức Chúa Trời, để làm chúng ta vui vẻ. Chúa rất thích nghe các em hát. Các em biết không, trẻ thơ đã có lần làm cho Chúa Giê-xu cảm thấy thật là vui đó các em. Đó là dịp nào, các em hãy theo dõi câu chuyện để biết nhé.

  1. Bài học.

Một hôm, Chúa Giê-xu cùng các môn đồ đi vào thành Giê-ru-sa-lem. Các em tưởng tượng xem, Chúa Giê-xu đi bằng gì vào trong thành? (Cho các em trả lời). Chúa Giê-xu cỡi một con lừa con. Có em nào thấy con lừa chưa? Đây là hình con lừa (cho các em xem hình). Chúa Giê-xu đã cỡi lừa vào trong thành.

Khi dân chúng trong thành biết Chúa Giê-xu sắp vào thành, họ liền chạy ra đón rước Ngài. Nhiều người cởi áo mình trải ra trên đất để Chúa đi qua, cũng có nhiều người bẻ nhánh cây trải ra trên đường để đón Chúa, hoặc cầm trên tay phất lên để hoan nghênh Chúa. Họ cùng la lớn lên rằng: “Hô-sa-na! Hô-sa-na! (Nghĩa là “Đáng chúc tụng cho Đấng nhân danh Chúa mà đến”). Cả thành đều náo nức, rộn ràng chào đón Chúa Giê-xu.

Các em xem hình vẽ: Ngoài Chúa Giê-xu, các môn đồ và nhiều người lớn, còn có ai nữa? (Để các em trả lời). Đúng rồi, còn có một số trẻ em cũng như các em vậy. Các em rất vui mừng vì được tận mắt nhìn thấy Chúa Giê-xu. Miệng của các em ca hát, chúc tụng Chúa Giê-xu, tay các em cũng cầm nhánh cây hoan nghinh Chúa.

Chúa Giê-xu thấy nhiều người chào đón như vậy, Ngài rất vui và thỏa lòng vì ngay cả những trẻ em cũng ca hát, chúc tụng Ngài rất sốt sắng, hết lòng.

Nhưng lúc ấy, trong lòng Chúa cũng biết rằng chỉ vài ngày nữa thôi, người ta sẽ bắt Ngài, đánh Ngài và đem đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng Chúa Giê-xu vì yêu thương các em, yêu thương cô (thầy), yêu thương tất cả mọi người nên Ngài chịu những điều đó để có thể cứu chúng ta khỏi sự hình phạt của tội lỗi và khỏi sự chết.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến, Chúa yêu thương các em như vậy, các em có yêu mến Chúa không? Các em có thích hát ca ngợi Chúa không? Chúa rất thích nghe các em hát ca ngợi Ngài. Vì vậy, các em không chỉ hát khi đến nhà thờ, ở trong lớp Trường Chúa nhật thôi mà còn có thể hát bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào để Chúa vui lòng, các em nhé.

Bài 11. CỠI LỪA VÀO THÀNH (HV)

 I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 21:1-11, 15-16; Mác 11:1-11; Lu-ca 19:29-40; Giăng 12:12-19.

II. CÂU GỐC: “Hãy ca tụng Đức Chúa Trời ngươi” (Thi 147:12)

 

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (GV-HV)

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (GV-HV)

in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 9 Tháng Bảy, 2018

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (GV)

 I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 41,42.

II. CÂU GỐC: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Trong mọi sự, Giô-sép vẫn tin cậy Đức Chúa Trời, nên Ngài ban thưởng cho Giô-sép.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời không bao giờ quên con cái Ngài.

– Hành động: Yêu mến và phó thác cuộc sống, tương lai cho Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Viết sẵn Thi Thiên 139:1-12 lên bảng. Viết to, rõ ràng để các em có thể thấy được. Sau đó cho các em biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ quên các em, vẫn ở cùng và giúp đỡ trong hoạn nạn. Vì thế, chúng ta phải ca ngợi Đức Chúa Trời. Ngày xưa, người Do thái xem Thi Thiên là những bài ca ngợi Chúa và họ thường đọc trong khi thờ phượng. Hôm nay, các em sẽ ca ngợi Chúa Thi Thiên 139:1-12. Nói rõ cho các em cách đọc như sau.

– Ngưng ở những nơi có dấu /.

– Đọc to và nhanh ở những chỗ có dấu – gạch dưới.

– Nhỏ và nhẹ nhàng ở những chỗ có dấu ~ gạch dưới.

– Ghi rõ những câu Kinh Thánh nào là tổ một đọc, những câu Kinh Thánh nào là tổ hai đọc, những câu Kinh Thánh nào đọc chung.

– Chia các em thành hai tổ, đọc theo qui ước như trên. Cho các em ngồi thẳng lưng, ngẩng cao đầu khi đọc, và hòa lòng vào phân đoạn Kinh Thánh nầy.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề.

Các em thân mến! Khi các em xin cha mẹ một điều gì đó, mà cha mẹ vì bận rộn công việc chưa làm được, thì các em cảm thấy như thế nào? (Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng cha mẹ không quan tâm, không thương… Lắng nghe ý kiến của các em). Các em đừng buồn, chị nghĩ rằng cha mẹ rất yêu thương và quan tâm đến các em. Nếu có sự chậm trễ xảy ra, chắc chắn phải có lý do hợp lý mà các em không hiểu tới, chứ không phải ba mẹ không yêu thương các em đâu. Trong phương diện tâm linh, Đức Chúa Trời là cha, Ngài cũng không bao giờ quên các em. Đời sống Giô-sép sẽ cho các em thấy điều đó.

  1. Bài học.

(1) Giô-sép ra khỏi tù.

Hai năm sau, Pha-ra-ôn nằm chiêm bao thật là lạ, và khi thức dậy, vua cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Tức thì, tất cả những người thông minh tài giỏi nhất xứ Ai-cập đều được mời đến, để giải thích ý nghĩa của giấc chiêm bao. Nhưng không một ai có thể giải nghĩa được. Không khí trong cung điện trở nên căng thẳng, vì Pha-ra-ôn rất bực dọc. Các quan cận thần không biết phải làm sao, bỗng nhiên vị quan dâng rượu sực nhớ đến giấc mơ của mình hơn hai năm trước, và chàng trai trẻ đã giải nghĩa giấc mơ cho mình, đang ở trong tù. Vị quan dâng rượu vội vàng tâu với vua và lập tức tù nhân Giô-sép được thả ra.

(2) Giô-sép gặp vua.

Ra khỏi nhà giam với tâm trạng vui mừng lẫn hồi hộp, Giô-sép biết chắc Đức Chúa Trời không bao giờ quên chàng. Dù không biết điều lành hay điều dữ sẽ chờ đợi mình khi gặp Pha-ra-ôn, nhưng Giô-sép tin rằng Đức Chúa Trời đang dẫn dắt ở phía trước.

Giô-sép được sửa soạn tươm tất, ăn mặc chỉnh tề và ra mắt Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn nói: “Ta nghe nói ngươi có tài giải nghĩa giấc mơ, nên ta cho gọi ngươi đến đây, vì ta mơ một giấc mơ lạ mà không có ai giải nghĩa được”. Giô-sép đáp: “Tâu bệ hạ, tôi không có tài đó. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ giải nghĩa giấc mơ nầy cho bệ hạ”.

Lúc trước, Giô-sép hay khoe điềm chiêm bao của mình, nhưng bây giờ đứng trước Pha-ra-ôn là người không tin Đức Chúa Trời, Giô-sép đã tôn cao Chúa và giành sự vinh hiển cho Ngài. Những ngày tháng gian khổ đã rèn luyện Giô-sép trưởng thành hơn, trong sự nhận biết Chúa.

Pha-ra-ôn thuật lại cho Giô-sép giấc mơ của mình. “Trẫm thấy từ dưới sông đi lên bảy con bò mập tốt, đứng ăn cỏ trên bờ. Bỗng nhiên, có bảy con bò khác gầy guộc cũng từ dưới sông đi lên, ăn thịt bảy con bò béo tốt. Ăn xong rồi mà vẫn thấy gầy guộc. Sau đó, ta lại thấy bảy gié lúa chắc mọc lên từ một cây lúa, rồi xuất hiện bảy gié lúa lép, bị gió thổi héo. Bảy gié lúa lép nuốt chửng bảy gié lúa chắc”.

Giô-sép lắng nghe điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn, thì tâu rằng: “Hai giấc mơ của bệ hạ đều có ý nghĩa giống nhau. Đức Chúa Trời báo trước cho bệ hạ những việc Ngài sẽ làm. Trong xứ sẽ có bảy năm được mùa dư dật, nhưng bảy năm tiếp theo sẽ có đói kém lớn. Bệ hạ nên chọn một người thông minh sáng suốt, lập làm tể tướng. Người nầy có trách nhiệm thu mua lương thực, tồn trữ vào kho trong bảy năm được mùa, để chuẩn bị cho bảy năm đói kém. Như thế, xứ của bệ hạ sẽ không bị nạn đói kém làm cho điêu tàn”.

Pha-ra-ôn rất vui lòng với lời lẽ khôn ngoan của Giô-sép, và vua nhận thấy trong đất nước mình không có ai tài giỏi hơn chàng trai trẻ nầy. Giô-sép là người thích hợp nhất để chọn làm tể tướng. Pha-ra-ôn nói cùng Giô-sép: “Ngươi có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vậy, ngươi  sẽ lên cai trị đất nước của trẫm. Toàn dân sẽ vâng theo mệnh lệnh của ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi”. Nói xong, vua tháo chiếc nhẫn trên tay mình, đeo vào tay Giô-sép (chiếc nhẫn biểu tượng cho uy quyền của vua), truyền đem áo cẩm bào mặc vào và đeo dây chuyền vàng vào cổ cho Giô-sép.

(3) Giô-sép làm tể tướng Ai-cập.

Thật là một sự đổi thay quá lớn đối với Giô-sép, mà chàng không bao giờ nghĩ tới. Từ một tù nhân trở thành tể tướng xứ Ai-cập, nắm quyền cai trị toàn đất nước. Bây giờ Giô-sép có quyền hành trong tay, đi đến đâu cũng được dân trong xứ quỳ lạy và tôn trọng. Trong bảy năm được mùa, Giô-sép làm việc rất bận rộn. Chàng đi đến vùng nào, thì thu mua lúa mì và chở về khu trung tâm của vùng đó. Lương thực được thu mua nhiều không xiết kể, chứa đầy các kho của Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã ban cho Giô-sép địa vị cao trọng nhất xứ Ai-cập, được giàu có, quyền thế và gia đình hạnh phúc.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Cuộc đời của Giô-sép là bằng chứng về lòng thương xót của Chúa. Ngài không hề quên Giô-sép đang ở trong hoạn nạn và đúng thời điểm, Ngài đưa Giô-sép ra khỏi cơn hoạn nạn đó. Bởi lòng tin cậy Chúa, Đức Chúa Trời ban cho Giô-sép tất cả mọi sự, mà người khác dẫu mơ ước cũng không thể có được. Giấc mơ của Pha-ra-ôn, sự ra khỏi ngục một cách kỳ diệu, giải nghĩa giấc mơ một cách khôn ngoan và việc phong chức Giô-sép làm tể tướng… không phải là do sự may rủi, nhưng hoàn toàn do sự sắp xếp của Đức Chúa Trời, để bày tỏ cho Giô-sép thấy rằng, Ngài không bao giờ quên chàng. Có em nào ngồi đây đang ở trong sự khó khăn, hoạn nạn không? (Cho các em chia sẻ những khó khăn hoạn nạn của mình, nếu có). Các em nên nhớ rằng Chúa không bao giờ quên các em. Ngài biết tình trạng của mỗi em, để yêu thương và an ủi. Đúng thời điểm, Chúa sẽ đưa các em ra khỏi khó khăn, hoạn nạn và làm những điều hết sức kỳ diệu, đến nỗi các em không thể ngờ được. Khi những lời cầu xin của các em chưa được Chúa trả lời, thì đừng nghĩ rằng Chúa đã quên các em rồi. Không, Ngài không quên các em đâu. Chúa đang hành động mà các em không biết đó chứ! Ngài không quên các em, cũng như Ngài không quên Giô-sép vậy. Bây giờ, các em cùng đọc câu gốc của tuần lễ nầy và cầu nguyện cảm tạ Chúa, phó thác cuộc sống mình cho Ngài.

BÀI 10.  ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUÊN EM (HV)

 I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 41 – 42.

II. CÂU GỐC: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15).

III. BÀI TẬP.

1. Ân tứ Đức Chúa Trời ban cho em.

Em đánh dấu “X” vào ân tứ nào mà em bằng lòng dâng cho Chúa sử dụng.

2. Đức Chúa Trời ở cùng em.

Viết hay vẽ lại câu chuyện của em hoặc của bạn em, chứng minh sự ở cùng của Đức Chúa Trời.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………3. Câu gốc tuần nầy một lần nữa nhắc nhở em biết, Đức Chúa Trời không bao giờ quên em. Em viết lời cảm tạ để bày tỏ lòng biết ơn Chúa.

 

BÀI 10.  CHÚA GIÊ-XU CHỊU CHẾT VÌ CHÚNG TA (GV-HV)

BÀI 10.  CHÚA GIÊ-XU CHỊU CHẾT VÌ CHÚNG TA (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 9 Tháng Bảy, 2018

 

BÀI 10.  CHÚA GIÊ-XU CHỊU CHẾT VÌ CHÚNG TA (GV)

 I. KINH THÁNH: Mác 15:22-47 (tham khảo thêm Giăng 3:16; 1Giăng 4:9; Ê-sai 53:4-10).

II. CÂU GỐC: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Vì yêu thương loài người, Đức Chúa Trời sai Chúa Giê-xu đến thế gian chịu chết vì chúng ta.

– Cảm nhận: Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thật là vĩ đại.

– Hành động: Sống xứng đáng với tình thương của Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Cây thập tự.

1. Chuẩn bị: Nhiều loại thập tự giá khác kiểu, có công dụng khác nhau. Ví dụ: Cây thập tự ở nhà thờ, cây thập tự của Hội Chữ Thập Đỏ, cây thập tự làm đồ trang sức v.v…

2. Thực hiện: Trình bày những vật trang trí, trang sức có hình thập tự giá nhiều kiểu, cho các em nói xem mỗi loại dùng để làm gì?

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Trong phần sinh hoạt đầu giờ, các em đã thấy những cây thập tự được làm rất đẹp, dùng để trang trí hoặc trang sức; có người dùng thập tự giá để đeo, có người đặt trên bàn, có người treo trên tường, nhưng các em có biết, thời cổ xưa, thập tự giá rất xấu xí, làm bằng hai cây gỗ rất lớn, dùng để xử tử những người phạm tội nặng như giết người, cướp của…

Bây giờ các em hãy nghĩ lại câu chuyện Kinh Thánh của tuần trước, Chúa Giê-xu đã chịu đau đớn như thế nào? (Cho các em trả lời). Ai là người cuối cùng xét xử Chúa Giê-xu? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, Chúa Giê-xu bị đưa đến cho quan tổng đốc xét xử. Sau khi điều tra, quan tổng đốc thấy Chúa Giê-xu có phạm tội không? (Cho các em trả lời). Cuối cùng quan tổng đốc làm theo ý muốn của dân chúng, phán quyết Chúa Giê-xu thế nào? (Cho các em trả lời). Đóng đinh trên cây thập tự là một hình phạt rất khủng khiếp. Vừa rồi cô (thầy) có nói cây thập tự dùng để hành hình những ai? (Cho các em trả lời). Chúa Giê-xu vô tội nhưng lại bị đóng đinh trên cây thập tự!

  1. Bài học.

Chúa Giê-xu bị áp giải đến Gô-gô-tha, là nơi hành hình Ngài vào khoảng chín giờ sáng. Quân lính dùng búa đóng đinh tay chân Chúa Giê-xu lên cây thập tự. Các em thử tưởng tượng xem, mỗi nhát búa mà quân lính đóng vào khiến Chúa Giê-xu đau đớn là dường nào! Lúc ấy xung quanh có rất nhiều người đứng xem, mọi người đều cảm nhận được sự đau đớn của Chúa Giê-xu, nhưng không ai có thể giúp Ngài được. Một người nói: “Ông đã cứu người khác, bây giờ hãy cứu chính mình khỏi cây thập tự”. Có người lắc đầu nói: “Hắn đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được”. Lại có người nói: “Ngươi nói mình là vua, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự, thì chúng tôi sẽ tin”. Mỗi người một câu, họ nhạo báng Chúa Giê-xu. Các em đoán xem Chúa Giê-xu có từ trên cây thập tự nhảy xuống không? (Cho các em trả lời). Ngài không xuống khỏi cây thập tự. Bởi vì Chúa Giê-xu biết rằng Ngài phải chịu đau đớn để hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Trời. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là gì? Một lát cô (thầy) sẽ nói cho các em nghe.

Chúa Giê-xu bị treo trên cây thập tự từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều thì có một việc rất lạ xảy ra. Lúc ấy trời bỗng tối đen như là ban đêm vậy, mọi người đều rất sợ hãi. Cuối cùng Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng. Có một người đứng chứng kiến cảnh đó nói rằng: “Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời”.

Đến tối, một người rất giàu có đến gặp quan tổng đốc La-mã, xin phép đem thi hài của Chúa Giê-xu xuống khỏi cây thập tự để chôn cất trong ngôi mộ của mình.

Tại sao Chúa Giê-xu bị người ta vu oan, bị đóng đinh đến chết mà Ngài không phản kháng? Tại sao Chúa Giê-xu phải chịu đau đớn như vậy? Đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-xu làm hoàn thành kế hoạch đó. Kế hoạch nầy nhằm giải cứu nhân loại khỏi chết mất trong tội lỗi. Giải pháp duy nhất là Chúa Giê-xu, Con của Đức Chúa Trời, giáng thế trở thành con người, phải chịu đau đớn, chịu chết thay cho con người để chuộc tội cho nhân loại. Điều đó có nghĩa là Chúa Giê-xu chịu hình phạt thế cho chúng ta, để chúng ta hưởng được sự sống đời đời.

Các em nói xem, Chúa Giê-xu có vĩ đại không? Có phải Đức Chúa Trời rất yêu thương chúng ta không? (Cho các em trả lời).

  1. Ứng dụng.

Hướng dẫn các em làm bài tập phần A “Người ấy nói gì?” Gợi ý cho các em nhớ có một người đã nói một câu về Chúa Giê-xu là ai. Cho các em nói ra và ghi vào bài tập, để nhớ rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời.

Trong bài tập phần B, giúp các em tưởng tượng mình đang có mặt nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, chứng kiến cảnh Chúa Giê-xu chịu đau đớn và chết, em có cảm nhận gì? Sẽ nói gì?

BÀI 10. CHÚA GIÊ-XU CHỊU CHẾT VÌ CHÚNG TA (HV)

 I. KINH THÁNH: Mác 15:22-47 (tham khảo thêm Giăng 3:16; 1Giăng 4:9; Ê-sai 53:4-10.

II. CÂU GỐC: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16).

III. BÀI TẬP.

A. NGƯỜI ẤY NÓI GÌ?

Trong hình vẽ có một người, thấy cảnh tượng Chúa Giê-xu bị bị đóng đinh, chịu chết, người ấy ngạc nhiên nói một câu về Chúa Giê-xu. Người ấy đã nói câu gì? Hãy viết vào chỗ trống.

B. NẾU EM ĐỨNG Ở ĐÓ.

Giả sử em chứng kiến cảnh Chúa Giê-xu bị đóng đinh chết, em cảm thấy thế nào? Em sẽ nói gì? Hãy vẽ hoặc viết vào phía dưới.

BÀI 10. DẠY NGƯỜI CẦU NGUYỆN (GV-HV)

BÀI 10. DẠY NGƯỜI CẦU NGUYỆN (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ II. 2016 on 9 Tháng Bảy, 2018

 

BÀI 10. DẠY NGƯỜI CẦU NGUYỆN (GV)

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 6:5-13; Mác 1:35; Giăng 14:12-14; 16:24-27.

I. CÂU GỐC: “Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được” (Giăng 16:24).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu dạy chúng ta cách cầu nguyện đẹp lòng Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Chúa rất vui khi nghe lời cầu nguyện của chúng ta, nhất là của trẻ thơ.

– Hành động: Mỗi ngày đều thưa chuyện với Cha trên trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Cho các em xếp thành vòng tròn; cùng hát bài “Cầu nguyện buổi tối”, tiếng hát sẽ nhỏ dần, cuối cùng, giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện theo từng câu.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em có biết nói chuyện không nào? Nói chuyện với ba mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè… Dĩ nhiên là biết rồi, phải không? Ngày nào, các em cũng nói chuyện với những người đó, nhất là với ba mẹ của mình.

Cầu nguyện cũng vậy đó các em. Cầu nguyện là nói chuyện với Cha trên trời. Hôm nay, các em sẽ học biết phải cầu nguyện như thế nào nhé.

  1. Bài học.

Khi Chúa Giê-xu còn ở trên đất nầy, các môn đồ thấy Chúa Giê-xu thường hay đi riêng ra một nơi, có lúc thì sáng sớm, có lúc thì buổi tối, có lúc cả đêm khuya nữa và Ngài cho biết là để cầu nguyện. Các môn đồ không biết cầu nguyện là như thế nào và nói những gì.

Một hôm nọ, ông Phi-e-rơ thưa cùng Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, bây giờ trời đã tối lắm rồi mà thầy cũng mệt mỏi, hay là thầy đến nhà con nghỉ lại đêm nay vậy”. Chúa Giê-xu vui vẻ nhận lời mời của ông. Ngài cùng các môn đồ đến nhà Phi-e-rơ để ngủ lại đêm đó.

Sáng sớm hôm sau, khi bên ngoài có tiếng lao xao, mọi người mới thức dậy, nhưng họ không thấy Chúa Giê-xu đâu cả. Họ tiếp tục tìm Chúa và cuối cùng, họ thấy Chúa Giê-xu đang ở một nơi yên tĩnh trên núi. Lúc đó, họ mới biết từ mờ sáng, Ngài đã thức dậy đi tìm nơi cầu nguyện với Cha trên trời.

Đợi khi Ngài cầu nguyện xong, các môn đồ hỏi Chúa: “Thưa thầy, thầy có thể dạy cho chúng con cầu nguyện không?” Chúa Giê-xu vui vẻ đáp: “Được, các con hãy đến đây, Ta sẽ dạy cho các con cầu nguyện”. Các môn đồ liền ngồi xuống chung quanh Chúa Giê-xu. Ngài bảo họ: “Khi các con cầu nguyện, phải nhớ là các con đang nói chuyện với Cha trên trời. Ngài rất thích nghe các con nói chuyện với Ngài. Ngài cũng rất vui lòng giúp đỡ khi các con cầu xin. Vì vậy, các con cứ nói những điều gì trong lòng mong ước”. Ngừng một chút, Chúa Giê-xu tiếp tục: “Khi cầu nguyện, trước hết, các con phải cảm tạ Cha các con ở trên trời. Khi phạm lỗi lầm, hãy cầu xin được tha thứ và xin Ngài giúp các con không sai phạm nữa”.

Kế đó, Chúa Giê-xu dạy họ học thuộc bài cầu nguyện chung mà ngày nay chúng ta và các con cái của Chúa thường hay đọc: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời. Danh Cha được tôn thánh…” (Ma-thi-ơ 6:5-13). Các em có biết bài cầu nguyện nầy không? (Cho các em trả lời).

  1. Ứng dụng.

Các em ơi, cầu nguyện là nói chuyện với Cha ở trên trời. Các môn đồ đã học để biết cầu nguyện như thế nào, còn các em, các em có muốn được cầu nguyện với Ngài không? Mỗi ngày, các em nên cầu nguyện vào lúc vừa thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, các em còn cầu nguyện cảm tạ Chúa trước mỗi bữa ăn nữa. Cô (thầy) mong rằng kể từ hôm nay, em nào cũng nói chuyện với Cha trên trời mỗi ngày nhé.

Bài 10.  DẠY NGƯỜI CẦU NGUYỆN (HV)

 I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 6:5-13; Mác 1:35; Giăng 14:12-14; 16:24-27.

II. CÂU GỐC: “Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được” (Giăng 16:24).