Ngày: Tháng Bảy 18, 2018

BÀI 9. TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (GV-GV)

BÀI 9. TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (GV-GV)

in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 18 Tháng Bảy, 2018

BÀI 9. TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (GV)

 I. KINH THÁNH: Giô-suê 22; 24:1-28.

II. CÂU GỐC: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (1Giăng 4:7).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Giô-suê và mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên sống yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

– Cảm nhận: Tình yêu thương xuất phát từ Đức Chúa Trời.

– Hành động: Phải bày tỏ tình yêu thương đối với những người chung quanh.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ

1. Cho các em cùng nhau nói ra mối quan hệ của các em với bạn bè, anh chị em…

2. Chuẩn bị giấy bút cho các em vẽ chân dung người mà các em yêu thương nhất, rồi ghi tên của người đó vào bên dưới bức vẽ.

3. Dùng bút lông ghi chữ lớn tên mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên trên miếng bìa cứng (có thể dùng phấn ghi lên bảng).

4. Nghiên cứu bản đồ số 4 “Xứ Ca-na-an phân chia cho 12 chi phái”, ở phía sau Kinh Thánh.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

1. Vào đề.

Các em có nhiều anh chị em không? Trong gia đình mà anh chị em yêu thương nhau thì thật hạnh phúc. Tục ngữ Việt nam có câu: “Anh em như thể tay chân”. Điều đó nói lên mối quan hệ khắng khít của tình anh em. Dầu sau nầy các em lớn lên, tự lập, thì tình anh em vẫn khắng khít và cần thiết như vậy.

Biết yêu thương anh chị em và bạn bè là điều đẹp lòng Chúa. Chúa Giêxu đã nói: “Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13:34). Có lẽ chúng ta sẽ để một phút, mỗi người tự so sánh tình yêu thương của Chúa đối với mình, và tình yêu thương của mình đối với người khác. (Cho các em suy nghĩ). Bài học Kinh Thánh hôm nay, các em được học về tình yêu thương và sự quan tâm giữa mọi người với nhau.

2. Bài học.

Sau khi chinh phục xứ Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên được sống trong hòa bình. Đức Chúa Trời liền phán dặn Giô-suê phân chia đất đai cho các chi phái để làm sản nghiệp.

Mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên đều có tên và người lãnh đạo riêng của họ. Hai chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se sống ở phía Đông bờ sông Giô-đanh, còn lại chín chi phái rưỡi sống ở phía Tây bờ sông Giô-đanh. (Cho các em xem bản đồ số 4. Nếu không có, thì có thể trình bày cách đơn giản trên bảng cho các em dễ hiểu. Vẽ dòng sông ở giữa, chín chi phái rưỡi ở bên trái, hai chi phái rưỡi ở bên phải). Giô-suê làm theo lời Chúa dặn rất cẩn thận để mỗi chi phái đều có đất đai.

a. Tình yêu thương giữa các chi phái với nhau.

(1) Hai chi phái rưỡi ở bờ Đông.

Trước khi Môi-se qua đời, đất đai ở phía đông bờ sông Giô-đanh đã được chia cho chi phái Ru-bên, chi phái Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se. Trong những năm qua, các chiến sĩ của hai chi phái rưỡi nầy đã hết lòng giúp đỡ Giô-suê trong sự nghiệp chinh phục Đất Hứa.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Giô-suê gọi hai chi phái rưỡi đến nói rằng: “Những năm tháng qua, anh em đã vâng giữ mọi điều mà Môi-se và tôi dặn biểu. Ngày nay, Chúa cho các chi phái kia được nghỉ ngơi như Ngài đã hứa, nên bây giờ anh em được trở về chỗ ở của mình bên kia sông Giô-đanh”.

Những chiến sĩ của hai chi phái rưỡi đó rất khâm phục và kính trọng Giô-suê, vì ông là người lãnh đạo hết lòng yêu thương dân sự. Khi họ chuẩn bị ra đi, Giô-suê còn căn dặn: “Anh em phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời, vâng giữ các điều răn, và hết lòng phục vụ Ngài”. Rồi Giô-suê chúc phước lành cho họ và tiễn họ ra về.

Hai chi phái rưỡi nầy đi đến bờ sông Giô-đanh, họ nhận thấy dòng sông Giô-đanh như một biên giới chia hai bờ Đông Tây, chẳng khác gì đã chia cắt họ với chín chi phái rưỡi còn lại. Những người của hai chi phái rưỡi nầy mong muốn dòng sông Giô-đanh không chia cắt tình cảm giữa họ và chín chi phái rưỡi ở bên nầy sông, nhưng họ mãi mãi là một dân tộc, cùng thờ phượng một Đức Giê-hô-va. Nghĩ thế, nên trước khi qua sông, hai chi phái rưỡi dùng đá xây một bàn thờ ở gần sông Giô-đanh. Bàn thờ nầy rất lớn, để cho ai cũng nhìn thấy và làm chứng giữa họ với chín chi phái rưỡi bên nầy là một gia đình. Tuy dòng sông ngăn cách họ, nhưng tấm lòng họ vẫn yêu thương và nhớ nhau.

(2) Chín chi phái rưỡi ở bờ Tây.

Một bàn thờ mới đã được dựng lên ở bờ Tây sông Giô-đanh. Không bao lâu sau, tin nầy lan truyền khắp nơi. Toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên ở phía tây sông Giô-đanh đều rất tức giận. Họ cho rằng chỉ có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va trong đền thờ của Ngài, còn bây giờ dân Y-sơ-ra-ên ở phía đông sông Giô-đanh lập một bàn thờ khác, phải chăng là để thờ cúng thần tượng, phản nghịch Đức Giê-hô-va?

Dân Y-sơ-ra-ên ở bờ Tây cảm thấy lo lắng cho anh em mình ở bờ Đông từ bỏ Đức Chúa Trời, nên họ phái các trưởng tộc (người đứng đầu chi phái) qua sông, đến gặp người Ru-bên, người Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se mà hỏi rằng: “Chúng tôi muốn biết tại sao anh em dám từ bỏ Chúa, xây một bàn thờ khác để tỏ lòng phản nghịch Ngài? Nếu đất đang ở không tốt, thì anh em dọn qua đất của Chúa, nơi có đền thờ Ngài, ở với chúng tôi. Chúng tôi sẽ chia đất cho anh em, chỉ xin anh em đừng phản nghịch Chúa!”

Người Ru-bên, người Gát và người của nửa chi phái Ma-na-se sau khi nghe những lời kết tội như vậy, liền la lên: “Không phải, Đức Giê-hô-va biết rằng chúng tôi lập bàn thờ không phải để phản nghịch Ngài, cũng không phải để dâng của lễ thiêu hay cúng gì cả!” Họ gấp rút giải thích cùng các trưởng tộc của hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên ở phía bờ Tây sông Giô-đanh: “Chúng tôi lập bàn thờ nầy, vì sợ sau nầy con cháu của anh em nói với con cháu chúng tôi: Các ngươi đâu có liên hệ gì với Đức Giê-hô-va của Y-sơ-ra-ên? Vì Chúa đã đặt sông Giô-đanh làm biên giới ngăn cách chúng ta. Như thế, con cháu anh em sẽ làm cho con cháu chúng tôi thôi kính sợ Đức Giê-hô-va”.

Họ nhấn mạnh rằng, lập bàn thờ là để làm chứng giữa họ và dân ở phía Tây. Sau nầy con cháu họ đều biết tất cả dân Y-sơ-ra-ên đông tây đều thờ phượng chung một Chúa, cùng chung một gia đình.

Những trưởng tộc phía bờ Tây nghe xong rất vui lòng. Nếu lập bàn thờ chỉ vì mong muốn con cháu sau nầy không quên Đức Chúa Trời, thì đúng là một việc làm tốt đẹp. Sau đó, họ từ giã anh em mình để quay về bờ tây, thuật lại cùng dân Y-sơ-ra-ên.

Người Ru-bên, người Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se đặt tên bàn thờ là Ết (nghĩa là bàn thờ chứng) vì nói rằng nó làm chứng giữa chúng ta: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.

b. Tình yêu thương của Giô-suê đối với dân sự.

Thời gian cứ thế trôi qua, Giô-suê đã cao tuổi (khoảng 110 tuổi). Ông biết không bao lâu nữa sẽ từ giã thế giới nầy, và mối quan tâm lớn nhất của ông là dân sự có tiếp tục vâng giữ điều răn và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời hay không? Giô-suê đã nhiều lần nhắc nhở họ và lần cuối cùng, Giô-suê tập trung đầy đủ mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên từ hai bờ Đông Tây sông Giô-đanh tại Si-chem. (Tìm vị trí nầy trên bản đồ). Khi Giô-suê cất tiếng nói, toàn bộ dân sự đều im phăng phắc lắng nghe.

Ông nói rằng: “Đức Chúa Trời ban cho các ngươi có sự bình an nơi đây. Các ngươi không cần xây cũng có nhà để ở, không ra công trồng trọt cũng có vườn nho và ôliu, vì Đức Chúa Trời đã chuẩn bị mọi thứ cho các ngươi. Vậy bây giờ, các ngươi hãy kính sợ Đức Giê-hô-va và phụng sự Ngài cách thành tâm và trung tín. Dẹp bỏ hết các thần tượng mà tổ phụ các ngươi đã thờ”.

Dân sự đang đứng trước sự lựa chọn, còn Giô-suê vẫn tiếp tục nói: “Nếu các ngươi không thích thờ phượng Đức Giê-hô-va, thì ngày hôm nay phải quyết định thờ thần nào mà các ngươi ưa thích. Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va”. Dân sự cùng nhau đáp rằng: “Chúng tôi quyết hầu việc Đức Giê-hô-va, vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi”.

Giây phút đó rất quan trọng đối với Giô-suê và toàn dân Y-sơ-ra-ên, vì họ đã quyết tâm hứa trước mặt Chúa sẽ mãi mãi thờ phượng Ngài. Giô-suê dựng một tảng đá lớn dưới cây dẻ, gần đền thờ Đức Chúa Trời để làm chứng cho sự hứa nguyện nầy. Ông còn viết chuyện nầy vào trong sách luật pháp để cho dân sự nhớ mãi lời hứa của mình.

3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Các em thấy tình yêu thương trong câu chuyện nầy được thể hiện như thế nào? (Cho các em trả lời). Dân Y-sơ-ra-ên ở bờ Đông luôn mong muốn họ và dân ở bờ Tây mãi mãi là anh em, dù dòng sông Giô-đanh chia cắt giữa họ. Còn dân Y-sơ-ra-ên ở bờ Tây lại lo lắng, sợ anh em mình ở bờ Đông từ bỏ Đức Giê-hô-va. Giô-suê thì quan tâm đến đời sống thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên, hết lòng dạy dỗ họ yêu mến Chúa, chúc phước và cầu nguyện cho họ.

Các em thấy tình yêu thương của dân Y-sơ-ra-ên ở hai bờ Đông, Tây không hề giảm sút bởi sự chia cách. Dòng sông Giô-đanh không cản trở họ quan tâm, lo lắng cho nhau. Như vậy, tình yêu thương thật sự không phân biệt giàu nghèo, xấu đẹp, học giỏi học kém, ở gần hay ở xa… Chúa muốn các em xóa bỏ mọi khoảng cách, đến gần với nhau hơn, bày tỏ lòng thân thiện, sự quan tâm, chia sẻ những gì mình có cho những bạn kém may mắn, giúp đỡ những bạn yếu kém trong học tập…

Nhiều lúc, các em cảm thấy khó yêu thương người khác. Những lúc như vậy, các em cần cầu nguyện để Chúa ban cho các em tình yêu thương. Nếu Chúa ngự trong lòng các em, thì các em sẽ dễ dàng yêu thương và quan tâm đến người khác. Nên nhớ, Chúa Giêxu đã yêu thương các em đến nỗi hy sinh chính mạng vàng của Ngài, thì Ngài cũng muốn các em biết yêu thương anh em mình.

Hướng dẫn các em viết một đoạn văn ngắn về tình yêu thương. “Tình yêu thương là …” (xem tập học viên, hướng dẫn nội dung cho các em dễ viết: Tình yêu thương là chia nhau miếng bánh, nhường nhịn các em nhỏ, làm một việc gì đó để ba mẹ vui lòng, quan tâm bạn bè… Nhắc các em về những việc cần làm trong tuần lễ nầy).

Các em có nghĩ rằng quan tâm lẫn nhau là điều đẹp lòng Chúa không? Nếu các em yêu mến nhau thì các em là con cái Đức Chúa Trời (Cho các em đọc câu gốc).

 

BÀI 9.    TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (HV)

 I. KINH THÁNH: Giô-suê 22; 24:29.

II. CÂU GỐC: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (1Giăng 4:7).

III. BÀi TẬP.

1. Bàn thờ ở mé sông.

Chi phái Ru-bên, chi phái Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se lập bàn thờ ở mé sông Giô-đanh. Việc làm nầy có ý nghĩa gì? Em ghi câu trả lời xuống phía dưới.

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

2. Tình yêu thương là gì?

Theo em, tình yêu thương là gì? Em làm gì để biểu hiện tình yêu thương của mình? Hãy viết ra.

3. Suy gẫm câu gốc.

Câu gốc nầy nói: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau”. Đây là một mệnh lệnh bắt buộc mỗi con dân Chúa phải thi hành, đúng không? Vì sao? Vì “sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời”.

Quan tâm đến người khác cũng bày tỏ tình yêu thương. Hãy nghĩ xem, ai là người quan tâm đến em nhiều nhất? Điền vào hai phần dưới đây.

a. Tên của người quan tâm đến em.

……………………………………………………………………………………

b. Việc họ quan tâm đến em.

……………………………………………………………………………………

Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì những gì họ đã làm cho em. Cầu xin Chúa giúp em cũng bày tỏ lòng yêu thương đến với họ.

BÀI 9. GIỮ LỜI HỨA (GV-HV)

BÀI 9. GIỮ LỜI HỨA (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ III. 2016 on 18 Tháng Bảy, 2018

BÀI 9. GIỮ LỜI HỨA (GV)

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 20:12-17; 2Sa-mu-ên 4:4, 5:1-5; 9:1-13.

II. CÂU GỐC: “Khi một người nào có hứa nguyện …thì chớ nên thất tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo” (Dân Số Ký 3:3).

III. BÀI TẬP.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Con rối bằng que kem.

1. Mục đích: Giúp các em nhớ lại câu chuyện Đa-vít và Giô-na-than hứa nguyện với nhau (bài 6), để tạo ấn tượng cho câu chuyện Kinh Thánh nầy.

2. Vật liệu: Tập học viên bài 6 và 9, giấy cứng, viết chì, viết lông màu, kéo, hồ dán, que kem.

3. Thực hiện:

Giúp các em làm con rối bằng que kem theo hướng dẫn trong tập học viên bài 9.

Gợi ý các em vẽ hình Đa-vít và Giô-na-than cao khoảng 20cm. Các em có thể diễn kịch rối theo lời thoại trong bài 6 hoặc tự đặt lời thoại.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Rối hình que (vua Đa-vít, Mê-phi-bô-sết A, B, Xíp-ba, Na-than – xem phụ lục).

1. Vào đề.

Các em thân mến, các em có thích làm cho người khác vui không? Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng muốn đem niềm vui đến cho người khác. Tuần trước các em có tặng quà cho ai không? Người đó có vui và bất ngờ khi nhận được quà không? (Cho các em chia sẻ kinh nghiệm). Khi các em đối xử tốt với người khác, chẳng những người ấy vui mà các em cũng cảm thấy vui nữa. Em nào có thể kể lại câu chuyện về ba người bạn của Đa-vít? (Họ không ngại nguy hiểm, đến cửa thành Bết-lê-hem lấy nước giếng về cho Đa-vít uống). Đa-vít biết họ yêu quí mình bởi vì họ sẵn sàng làm vui lòng ông. Câu chuyện hôm nay nói về việc Đa-vít làm vui lòng người khác khi giữ trọn lời hứa với Giô-na-than. (Mời hai em lên, dùng hình rối đã làm trong phần “Sinh hoạt đầu giờ” để kể lại câu chuyện). Bây giờ các em cùng lắng nghe câu chuyện nầy xem Đa-vít đã giữ trọn lời hứa như thế nào nhé.

2. Bài học.

(Theo diễn tiến câu chuyện mà dùng rối que để diễn). Đa-vít và những người theo ông vẫn tiếp tục ẩn náu để trốn tránh vua Sau-lơ. Một ngày kia, có người chạy đến gặp Đa-vít nói: “Tôi vừa mới từ trại quân Y-sơ-ra-ên đến đây”. Đa-vít vội hỏi: “Tình hình chiến trận thế nào?” Người kia vừa thở gấp vừa trả lời: “Quân Phi-li-tin đã thắng trận, vua Sau-lơ và Giô-na-than đều đã chết nơi chiến trường”.

Chết rồi ư? Đa-vít sững sờ! Ông thật không thể tin điều mình vừa nghe. Người bạn thân thiết đã chết, cả vua Sau-lơ cũng vậy. Từ giờ về sau, Đa-vít sẽ không bao giờ được gặp lại họ nữa. Đa-vít cảm thấy đau xót mà chẳng biết làm gì. Ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời và Ngài bảo ông đến thành Hếp-rôn. Khi đến nơi, những người trong các chi phái đến gặp Đa-vít và tôn ông lên làm vua. Họ nói: “Chúng tôi muốn lập ngài làm vua. Khi Sau-lơ đang làm vua thì chính ngài đã lãnh đạo chúng tôi. Đức Chúa Trời phán ngài là người chăn và là vua của chúng tôi” (2Sa-mu-ên 5:2).

Lên ngôi, Đa-vít phải lo nhiều việc. Trước hết, phải đánh đuổi kẻ thù, sau đó, xây một đền thờ thật đẹp ở Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời.

Một hôm, Đa-vít nghĩ đến Giô-na-than và nhớ đến lời hứa của mình với người bạn thân năm xưa. Đa-vít liền tìm cách để thực hiện lời hứa. Ông cho gọi một đầy tớ của Sau-lơ đến và hỏi: “Trong gia đình vua Sau-lơ có ai còn sống không? Ta muốn vì cớ Giô-na-than  mà trả ơn”. Xíp-ba trả lời: “Có một người con trai của Giô-na-than  còn sống nhưng bị tật hai chân”. Nghe vậy, Đa-vít lập tức cho người đi tìm con trai Giô-na-than là Mê-phi-bô-sết.

Đến gặp Đa-vít, Mê-phi-bô-sết sợ hãi sấp mình xuống đất, cúi đầu lạy. Một vị vua mới lên ngôi thường giết hết những người trong gia tộc của vua cũ để ngai vàng được vững bền. Vì là cháu nội của vua Sau-lơ nên Mê-phi-bô-sết sợ Đa-vít sẽ giết mình. Đa-vít biết vậy nên nói: “Mê-phi-bô-sết, đừng sợ! Ta đã hứa với cha con là sẽ đối xử tốt với con của người. Ta sẽ giao tất cả đất đai của ông nội con lại cho con và từ đây về sau, con sẽ ăn chung bàn với ta trong hoàng cung”. Mê-phi-bô-sết cúi đầu lạy: “Tôi là ai mà được vua đối xử tốt như vậy?”  Thấy Mê-phi-bô-sết vui mừng, Đa-vít rất vui. Đa-vít gọi Xíp-ba đến căn dặn: “Ta đã ban cho cháu nội của chủ ông tất cả tài sản của gia đình Sau-lơ trước kia, vậy ông sẽ cùng các con trai và đầy tớ mình cày cấy đất đó, lấy hoa lợi phụng dưỡng nhà chủ”. Xíp-ba làm theo lời vua Đa-vít dặn bảo.

Từ đó, Mê-phi-bô-sết sống hạnh phúc, tự do, vui vẻ trong hoàng cung. Tất cả là nhờ vua Đa-vít giữ trọn lời hứa với người bạn thân của mình là Giô-na-than.

3. Ứng dụng.

– Hướng dẫn các em suy nghĩ và nói lên điều mình sẽ ghi vào khoảng trống trong hình vẽ (có thể là: “Ta sẽ chăm sóc con”, “Con hãy ở với ta”, hoặc “Đừng sợ…”). Khi các em chia sẻ xong, viết lại lời hứa của Đa-vít với Mê-phi-bô-sết.

– Tại sao cần phải giữ lời hứa? (Để người khác có lòng tin nơi mình và cũng là cách bày tỏ tình yêu thương).

– Hướng dẫn các em suy nghĩ trong tuần nầy sẽ hứa với ai điều gì? Đây phải là những lời hứa có thể thực hiện được.

– Nếu gặp trở ngại khiến các em khó giữ lời hứa, em sẽ làm gì? Nên gặp trực tiếp hoặc viết thư xin lỗi và giải thích nguyên nhân với người mà em đã hứa. Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ, vì một khi đã hứa với ai điều gì, các em phải luôn giữ lời hứa và thực hiện cho đúng.

– Hướng dẫn các em làm sổ hứa nguyện hoặc thiệp kết ước theo tập học viên bài 9.

– Khuyến khích các em thực hiện kế hoạch và dặn các em tuần sau đến lớp chia sẻ với các bạn hai việc sau: (1) Điều gì xảy ra khi em tặng thiệp hoặc sổ ấy cho người khác? (2) Em làm cách nào để thực hiện tốt lời hứa?

– Sau đó, giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện, xin Chúa giúp các em sống yêu thương và biết giữ lời hứa.

V. PHỤ LỤC.

* Rối hình que.

1. Vật liệu: Giấy cứng, que kem, hồ dán, kéo, viết chì, viết chì màu.

Cách làm: Giáo viên dùng viết chì vẽ theo các hình sau đây rồi tô màu, và dùng băng keo dán que vào phía sau hình (Xem tập học viên bài 9).

BÀI 9. GIỮ LỜI HỨA (HV)

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 20:12-17; 2Sa-mu-ên 4:4, 5:1-5; 9:1-13.

II. CÂU GỐC: “Khi một người nào có hứa nguyện …thì chớ nên thất tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo” (Dân Số Ký 3:3).

III. BÀI TẬP.

A. THỬ TÀI EM.

Em hãy dùng con rối trên thanh tre kể lại câu chuyện Đa-vít và Giô-na-than. Em vẽ hai nhân vật Đa-vít và Giô-na-than trên giấy cứng.

Sau khi vẽ xong, cắt hình ra dán lên thanh tre.

 

 

Em có thể kể lại câu chuyện trong bài 6 bằng lối diễn đạt của em, hoặc dùng lời thoại trong bài 6.

* Nội dung vở diễn.

1. Giô-na-than tặng gì cho Đa-vít?

2. Đa-vít hứa gì với Giô-na-than?

* Đa-vít giữ lời hứa như thế nào? Hoàn tất bức tranh sau đây bằng câu nói của Đa-vít.

 

 

 

B. GIỮ LỜI HỨA.

1. Giữ lời hứa với người khác cũng là cách bày tỏ tình yêu thương.

2. Dùng một trong những cách sau để ghi nhớ lời hứa của mình.

a. Làm sổ hứa nguyện, ghi những lời hứa của mình vào đó.

b. Làm thiệp hứa nguyện, ghi lời hứa của mình. HỨA NGUYỆN

– Tặng sổ hay thiệp hứa nguyện nầy cho người mình đã hứa.

BÀI 9. SI-MÊ-ÔN VÀ AN-NE CA NGỢI CHÚA CỨU THẾ (GV-HV)

BÀI 9. SI-MÊ-ÔN VÀ AN-NE CA NGỢI CHÚA CỨU THẾ (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ III. 2016 on 18 Tháng Bảy, 2018

BÀI 9. SI-MÊ-ÔN VÀ AN-NE CA NGỢI CHÚA CỨU THẾ (GV)

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:22 – 40.

II. CÂU GỐC: “Và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Chirst là Chúa” (Phi-líp 2:11a).

III. MỤC ĐÍCH:

– Biết: Si-mê-ôn và An-ne ca ngợi Hài nhi Giê-xu là Chúa Cứu Thế.

– Cảm nhận: Ca ngợi Chúa hết lòng là bày tỏ lòng yêu mến và kính sợ Chúa.

– Hành động: Em ca ngợi Chúa Giê-xu để bày tỏ tình yêu của em đối với Ngài.

II. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Em Ca Ngợi Chúa.

1. Chuẩn bị: Một số Bài hát ca ngợi Chúa Giê-xu.

2. Thực hiện. Si-mê-ôn và An-ne ca ngợi Cứu Thế, các em cũng ca ngợi Chúa với cả tấm lòng mình nha!

Giáo viên chia các em làm hai tổ, cho các em hát những Bài hát đã chuẩn bị, rồi cho các em thi đua hát ca ngợi Chúa (không được hát trùng bài). Tổ nào thuộc nhiều bài hát về Chúa Giê-xu sẽ thắng. Sau đó cho các em trong nhóm thắng thi đua với nhau để chọn em thuộc nhiều bài hát về Chúa Giê-xu nhất.

* Đề nghị: Giáo viên chuẩn bị phần thưởng để khích lệ các em, nhất là em thuộc nhiều bài hát nhất.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

Các em thân mến! Các em còn nhớ bài học tuần vừa rồi vua Hê-rốt đã làm gì? Ai đã đến báo tin cho Giô-sép đem Chúa Giê-xu và mẹ Ngài lánh qua Ai-cập? Sau khi vua Hê-rốt chết, Giô-sép đưa Chúa Giê-xu và mẹ Ngài trở về đâu? (Cho các em suy nghĩ trả lời).

Khác với vua Hê-rốt, hai người trong câu chuyện Kinh Thánh hôm nay rất vui mừng khi gặp hài nhi Giê-xu. Các em cùng theo dõi để biết họ là ai và đã nói gì về Ngài các em nhé!

2. Bài học.

Tiên tri Ê-sai đã báo trước Đấng Mê-si sẽ đến thế gian. Và Đức Chúa Trời hứa với cụ Si-mê-ôn sẽ thấy Đấng ấy trước khi cụ qua đời. Cụ Si-mê-ôn là người rất yêu mến Đức Chúa Trời và được mọi người kính phục.

Một ngày kia, cha mẹ Chúa Giê-xu bồng Ngài đến đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời. Lúc đó, cụ Si-mê-ôn cũng có mặt tại đó. Khi nhìn thấy Con Trẻ, cụ nhận biết Con Trẻ chính là Đấng Cứu Thế. Cụ đến xin bồng Chúa Giê-xu. Các em thử tưởng tượng xem cụ bồng Chúa Giê-xu để làm gì?

Bồng Chúa Giê-xu trên tay, cụ Si-mê-ôn ca ngợi Ngài rằng: “Chúa ôi! Mắt tôi đã thấy sự cứu rỗi của Ngài. Ngài là Đấng Mê-si, là Chúa Cứu Thế của muôn dân”. Các em có đồng ý với cụ Si-mê-ôn, Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế của các em không? Tại sao? (Cho các em tự do trả lời, giáo viên giải thích cho các em).

Một cụ bà tên là An-ne đã 84 tuổi, suốt cuộc đời bà sống và phục vụ Đức Chúa Trời trong đền thờ. Mọi người rất yêu mến và tôn trọng bà. Thấy Si-mê-ôn ẵm Chúa Giê-xu và ca ngợi Ngài. Bà cũng nhận biết Con Trẻ là Đấng Cứu Thế. Bà vui mừng cảm tạ Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa của Ngài. Bà ca ngợi Chúa Giê-xu và giải thích cho những người trông đợi Đấng Mê-si, chính Con Trẻ là Chúa Cứu Thế.

Bây giờ các em biết hai người đó là ai chưa? Họ đã làm gì khi gặp Chúa Giê-xu? (Cho các em tự do trả lời). Đó là cụ Si-mê-ôn và bà An-ne.

3. Ứng dụng:

Các em thân mến! Cụ Si-mê-ôn và bà An-ne đều vui mừng ca ngợi Chúa Giê-xu, tôn Ngài là Cứu Chúa của họ. Còn các em, các em muốn ca ngợi Ngài không? Các em có tôn Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của các em không?

* Chuẩn bị.

– Kéo, keo, viết chì màu, viết chì.

* Thực hiện.

– Cho các em tô màu hình vẽ.

BÀI 9. SI-MÊ-ÔN VÀ AN-NE CA NGỢI CHÚA CỨU THẾ (HV)

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:22 – 40.

II. CÂU GỐC: “Và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Chirst là Chúa” (Phi-líp 2:11a).

III. BÀI HỌC: Si-mê-ôn và An-ne ca ngợi Hài nhi Giê-xu là Chúa Cứu Thế.

1. BÀI TẬP: Cho các em tô màu hình vẽ.

BAI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (GV-HV)

BAI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (GV-HV)

in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 18 Tháng Bảy, 2018

BAI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (GV)

I. KINH THÁNH: Giô-suê 9; 10:1-15.

II. CÂU GỐC: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Lỗi lầm của Giô-suê là không cầu hỏi Chúa trước khi quyết định ký hòa ước với dân Ga-ba-ôn.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời sẵn lòng tha thứ và giúp đỡ Giô-suê khi ông nhờ cậy Chúa.

– Hành động: Trước khi quyết định một việc gì dù nhỏ, em cũng phải cầu nguyện với Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

1. Để các em tự thảo luận về những câu hỏi trong tập học viên và tìm ra cách giải quyết.

2. Phát giấy và bút cho các em, bảo các em viết vào giấy những khó khăn của em (những khó khăn đã qua, đang hoặc sẽ xảy đến) và viết cách giải quyết.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

Có ai thích khó khăn không? Nhưng trong cuộc sống, ai cũng phải gặp những khó khăn. Người lớn có những khó khăn khác các em như phải lo cơm, áo, gạo, tiền, gia đình…, còn ở lứa tuổi các em, thì cũng có những khó khăn của riêng các em, như bài tập khó, bạn bè không tốt, sức khoẻ kém… Khi gặp khó khăn, các em có muốn đến với một người nào đó để tâm sự không? Nếu tìm được một người bạn tốt, sẵn lòng góp ý và giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, thì rất qúy. Nhưng con người không đủ khả năng để giải quyết mọi việc, ngoại trừ Chúa Giêxu. Khi cần quyết định một việc gì, hoặc gặp khó khăn, các em có thể đến với Ngài.

Sau chiến thắng thành A-hi, có một việc xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên. Vì việc nầy mà Giô-suê phạm lỗi với Đức Chúa Trời. Chúng ta cùng xem việc gì xảy ra nhé!

2. Bài học.

a. Giô-suê trúng kế dân Ga-ba-ôn.

(1) . kế của dân Ga-ba-ôn.

Sau hai chiến thắng vang dội tại Giê-ri-cô và A-hi, các dân chung quanh đều khiếp sợ dân Y-sơ-ra-ên. Có phải dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng là nhờ họ có vũ khí tối tân và Giô-suê lãnh đạo giỏi không? (Cho các em trả lời).

Trước tình hình đó, các vua của những nước chung quanh liền liên kết lại với nhau để đối phó với dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng vua của Ga-ba-ôn thì không liên kết với họ. Dân Ga-ba-ôn sinh sống gần dân Y-sơ-ra-ên. Họ đã từng nghe những việc quyền năng của Đức Chúa Trời, nên vua Ga-ba-ôn vô cùng khiếp sợ. Vua biết rằng không thể nào chống cự với một Đấng đã làm cho nước sông Giô-đanh ngừng chảy, và đáy sông phút chốc khô cạn, tường thành Giê-ri-cô sập xuống… Dân Y-sơ-ra-ên nhất định sẽ tràn sang đây, và đất nước của vua cũng sẽ cùng số phận với Giê-ri-cô và A-hi mà thôi. Vì thế, vua Ga-ba-ôn không chuẩn bị chiến đấu mà chuẩn bị một mưu kế.

Dân Ga-ba-ôn quyết định dùng mưu kế để cầu hòa với dân Y-sơ-ra-ên. Họ chuẩn bị rất cẩn thận và hết sức bí mật để dân Y-sơ-ra-ên không phát hiện ra mưu kế của họ.

Một ngày kia, có một đoàn người tiến đến gần trại của dân Y-sơ-ra-ên tại Ghinh-ganh. Cả đoàn người đều mệt mỏi, nhìn qua là biết họ vừa trải qua một chặng đường rất dài. Giày của họ bị mòn đế, quần áo thì đầy bụi bặm, dơ bẩn, và rách rưới, các bình da đựng rượu thì bị thủng phải vá víu lại, còn lương thực là những mẩu bánh vụn, khô đét. Họ nói cùng Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Chúng tôi đến từ một xứ xa xôi để xin kết hòa ước cùng các ông”.

Giô-suê và dân sự hỏi họ: “Các ông là người ở đây chứ gì? Làm sao kết hòa ước được?” Họ không trả lời câu hỏi của Giô-suê mà nói tránh: “Chúng tôi là tôi tớ của ông”. Nhưng Giô-suê vẫn cứ hỏi lại: “Các ông là ai? Từ đâu đến?”

Họ trả lời: “Chúng tôi đến từ một nơi rất xa, vì nghe danh và những việc Đức Giê-hô-va đã làm, nên các trưởng lão và dân sự sai chúng tôi đến gặp các ông để xin được làm tôi tớ. Vậy, xin các ông lập giao ước cùng chúng tôi”.

Dân Ga-ba-ôn rất cẩn thận trong lời nói để không bị phát hiện. Họ dùng mọi cách để Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên tin vào lời họ nói: “Các ông xem, bánh của chúng tôi đem theo lúc mới ra đi còn nóng hổi, mà bây giờ đã khô và bể vụn. Còn những bình đựng rượu nầy lúc mới ra đi còn mới tinh, mà bây giờ đã cũ và rách, quần áo, giày dép chúng tôi cũng đã cũ mòn, vì đi đường xa”.

(2) Sai lầm của Giô-suê.

Mưu kế đã thành công, Giô-suê tin lời dân Ga-ba-ôn và đồng ý kết hòa ước với họ. (Mời một em đọc Giô-suê 9:14). Sai lầm của Giô-suê là do đâu? (Giô-suê không cầu hỏi Đức Chúa Trời trước khi quyết định kết hòa ước với dân Ga-ba-ôn). Khi kết ước, Giô-suê chỉ danh Đức Chúa Trời mà thề sẽ không đánh chiếm xứ họ, nhưng lại không biết rằng, những người lạ đó chính là dân Ga-ba-ôn, ở trong xứ Ca-na-an, nơi mà Đức Chúa Trời dặn dân Y-sơ-ra-ên phải tiêu diệt hết.

Ba ngày sau khi lập giao ước, mưu kế của dân Ga-ba-ôn bị bại lộ. Dân Y-sơ-ra-ên lúc nầy mới biết những kẻ lạ mặt kia không phải đến từ xứ xa xôi, mà ở gần bên họ. Họ còn phát hiện ngoài Ga-ba-ôn, còn có ba thành khác cùng liên kết lại để thực hiện mưu đồ lừa gạt dân Y-sơ-ra-ên.

Dù đã phát hiện sự thật, nhưng Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên vẫn phải tuân giữ hòa ước, vì đã chỉ Đức Chúa Trời mà thề với họ. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên trừng phạt dân Ga-ba-ôn bằng cách bắt họ suốt đời làm tôi tớ, đốn củi, xách nước…

b. Đức Chúa Trời tha thứ lỗi lầm của Giô-suê.

Khi vua Giê-ru-sa-lem nghe tin dân Y-sơ-ra-ên kết hòa ước với dân Ga-ba-ôn, thì vô cùng lo lắng, vì Ga-ba-ôn là một thành lớn, liên kết với dân Y-sơ-ra-ên sẽ là mối đe dọa cho Giê-ru-sa-lem.

Vì thế, vua Giê-ru-sa-lem liên kết với bốn nước khác vây đánh Ga-ba-ôn, dưới sự lãnh đạo vua Giê-ru-sa-lem.

Ga-ba-ôn hay tin năm nước đó vây đánh mình, thì vội cầu cứu Giô-suê. Giờ đây, Giô-suê không chỉ lo lắng cho dân Y-sơ-ra-ên, mà còn phải có trách nhiệm với dân Ga-ba-ôn nữa. Đó là gánh nặng ông phải mang do lỗi lầm của mình. Dầu vậy, khi Giô-suê chạy đến nương dựa nơi Chúa, Đức Chúa Trời đã tha thứ và giúp đỡ ông. Ngài bảo Giô-suê: “Chớ run sợ vì Ta đã phó chúng nó vào tay con”.

Được sự tha thứ và giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Giô-suê dẫn quân rời khỏi Ghinh-ganh và đi suốt đêm. Khi đến nơi, quân Y-sơ-ra-ên bất ngờ tấn công quân địch. Liên minh năm nước bị đại bại bỏ chạy, quân Y-sơ-ra-ên rượt theo tiêu diệt. Đức Chúa Trời khiến một trận mưa đá rất lớn từ trời rơi xuống đè quân địch chết vô số. Để có đủ thời gian tiêu diệt hết quân địch, Giô-suê cầu xin Đức Chúa Trời một việc mà nghe qua tưởng như không thể có được: Mặt trời và mặt trăng ngừng lại.

Mặt trời và mặt trăng phải ngừng lại ư? Đây là điều không thể có được. Vậy mà Đấng Toàn năng nghe lời cầu nguyện của Giô-suê và khiến cho mặt trời, mặt trăng thực sự ngừng lại. Ngày hôm đó kéo ra rất dài cho đến khi quân địch bị giết sạch. Mặt trời, mặt trăng ngừng lại đã chứng tỏ sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với Giô-suê. Theo các em, dân Ga-ba-ôn suy nghĩ như thế nào về Đức Chúa Trời?

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Bài học hôm nay dạy các em điều gì? Điều quan trọng nhất mà các em cần ghi nhớ là mỗi ngày phải để trí mình nương dựa nơi Chúa, không được tự ý làm việc gì dù nhỏ hay lớn mà không cầu hỏi Chúa, kẻo lại phạm sai lầm như Giô-suê. Khi gặp khó khăn, hay đứng trước một việc cần phải quyết định, nếu các em xin ý của Chúa hoặc cầu xin Ngài giúp đỡ, chắc chắn Chúa sẽ vui lòng giúp đỡ các em. Trong trường hợp lỡ phạm sai lầm, các em cứ tin vào sự nhân từ tha thứ của Chúa. Trong tuần lễ nầy, các em học tập cách nương dựa vào Chúa nhé!

BÀI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (HV)

I. KINH THÁNH: Giô-suê 9; 10:1-15.

II. CÂU GỐC: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Êsai 26:3).

III. BÀI TẬP.

1. Nương dựa là gì?

Ai cũng có lúc gặp khó khăn, khi đó tốt nhất là có người để nương dựa. Vậy ý nghĩa của “nương dựa” là gì?

Em xem những câu sau đây, rồi đánh dấu X vào câu nào nói lên ý nghĩa của sự “nương dựa”.

Nương dựa là:

­­__ a. Tin tưởng vào lời nói của người đó.

__ b.           Nghi ngờ lời nói của người đó.

__ c.           Ỷ lại vào người đó.

__ d.           Tin rằng người đó sẽ giúp em thành công.

__ e.           Khiếp sợ người đó.

__ g.           Biết người đó sẽ trung thành với bạn.

__ h.          Lưu ý người đó, vì sợ người đó lừa dối.

__ i.            Biết người đó là bạn của mình.

__ k. Tuy rằng em yếu đuối, nhưng người đó vẫn thương yêu, giúp đỡ em.

2. Khó khăn, khó khăn, khó khăn!

Sau đây là một vài khó khăn thường gặp ở lứa tuổi của em. Nếu như em nương dựa vào Chúa, thì em sẽ có cách giải quyết khác hẳn. Em ghi cách giải quyết vào ô trống bên cạnh. Giáo viên phụ trách lớp sẽ giúp em khi cần thiết.

a. Chỉ còn một tuần lễ là em phải thi học kỳ, nhưng hiện tại em vẫn chưa chuẩn bị bài vở xong.

…………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

b. Trong trường, có người nói là em lấy cắp thước kẻ của bạn, mà thật sự em không làm thế, cây thước mà em có là của mẹ mua cho. Nhưng bạn kia cứ khẳng định như vậy.

…………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

c. Em phải phụ giúp ba mẹ một buổi, còn một buổi đi học. Về nhà, em thích xem tivi nên không còn thời gian lo cho việc học.

…………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

d. Trong khi thầy giáo đang giảng bài, em cảm thấy đói bụng và muốn ăn vụng.

…………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….  

3. Lời cầu nguyện của em.

Viết vài lời cầu nguyện ngắn. Cho dù em gặp khó khăn nhiều hay ít, cũng phải nói ra với Chúa. Cầu xin Chúa cho em luôn nương dựa nơi Ngài. Em có thể nương dựa nơi Ngài bất cứ lúc nào.

Chúa Giê-xu yêu dấu!

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

 

BÀI 8. MÓN QUÀ BẤT NGỜ (GV-HV)

BÀI 8. MÓN QUÀ BẤT NGỜ (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ III. 2016 on 18 Tháng Bảy, 2018

BÀI 8. MÓN QUÀ BẤT NGỜ (GV)

I. KINH THÁNH: 2Sa-mu-ên 23:13-17; 1Sử Ký 11:15-19.

II. CÂU GỐC: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Để có thể tặng Đa-vít một món quà bất ngờ, ba người bạn của ông đã không ngại gian khó, sẵn sàng hy sinh mọi sự.

– Cảm nhận: Cảm thông và quan tâm đến hoàn cảnh người khác sẽ dẫn đến hành động bày tỏ lòng yêu thương đối với họ.

– Hành động:

(1) Nêu tên một người, nhớ đến nhu cầu của người ấy và tìm cách giúp đỡ.

(2) Nói ra ý thích của người ấy.

(3) Bởi tình yêu thương của mình, em làm cho người ấy cảm thấy vui mừng.

(4) Thực hiện những điều ấy trong tuần này.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Em tìm được không?

1. Mục đích: Giúp các em hiểu bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh và chia sẻ cho các bạn.

2. Vật liệu: Tập học viên bài 8, ghim giấy, bảng câu hỏi, thẻ trả lời (kích cỡ tương tự bài trước); chuẩn bị các vật liệu để làm giếng: Giấy dày 30 x 7cm, đất sét, giấy màu, keo dán.

3. Thực hiện:

– Trước giờ học, giáo viên chuẩn bị sẵn bảng câu hỏi “Em tìm được không?” Ghi lên bảng các câu hỏi: Trong thời Kinh Thánh, người ta lấy nước bằng cách nào? Giếng được làm như thế nào? Các em có thể làm hoặc vẽ một cái giếng không?

– Em nào trả lời được thì dùng ghim giấy kẹp thẻ trả lời “Em tìm được” cạnh câu hỏi đó (tương tự bài trước).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

(Chuẩn bị thị trợ: Kinh Thánh, hình vẽ (xem phụ lục), bảng câu hỏi “Em tìm được không?” (đã làm trong phần “Sinh Hoạt Đầu Giờ”).

1. Vào đề

Bài học trước cho các em biết, dù có nhiều cơ hội để giết Sau-lơ, nhưng Đa-vít đã không trả thù. Điều đó cho thấy Đa-vít là người có lòng nhân từ, yêu thương. Trong tuần vừa qua, các em có làm theo gương của Đa-vít không? Các em xử sự với những người không tốt đối với mình như thế nào? Em nào có thể chia sẻ kinh nghiệm nầy cho các bạn cùng nghe? (Cho các em trả lời). Cám ơn Chúa đã giúp các em thực hiện được lời dạy của Ngài.

Bây giờ mời các em lắng nghe câu chuyện sau đây và tìm ra hai điểm: (1). Những người bạn của Đa-vít đã thể hiện lòng yêu mến Đa-vít như thế nào? (2). Vì sao họ biết được nỗi ước ao của Đa-vít?

2. Bài học.

Trong lúc đang ẩn náu tại đồng vắng, Đa-vít nghe tin người Phi-li-tin liên tục đánh chiếm đất nước Y-sơ-ra-ên; thậm chí, họ tấn công cả Bết-lê-hem, nơi Đa-vít sinh ra và lớn lên. Quân Phi-li-tin hiện đang đóng quân ở ven suối tại trũng Bết-lê-hem.

Một hôm, ba người bạn của Đa-vít là những người lính dũng cảm đến thăm và kể cho Đa-vít nghe tin tức ở quê nhà. Đa-vít kinh ngạc và đau buồn khi biết quân giặc đã tràn đến tận Bết-lê-hem, nơi ông từng dẫn bầy chiên tới những đồng cỏ xanh, giếng nước trong mát, ngọt ngào bên cửa thành.

(Hỏi các em các câu hỏi trong bảng “Em làm được không?”, cho các em xem những cái giếng do các em làm và hình thị trợ Đa-vít).

Vì đang sống ở một nơi khan hiếm nước nên Đa-vít thường nhớ đến giếng nước mát mẻ tại Bết-lê-hem. Đa-vít nhủ thầm: “Ước gì ta được uống nước giếng ở cửa thành Bết-lê-hem!” Biết được điều nầy, ba người bạn của Đa-vít bàn với nhau về Bết-lê-hem lấy nước cho Đa-vít. Muốn đến giếng nước tại Bết-lê-hem, họ phải đi qua trại quân Phi-li-tin. Đường đi dù xa xôi, nguy hiểm, nhưng vì muốn thực hiện điều mơ ước của Đa-vít nên họ quyết tâm vượt mọi khó khăn mang nước về cho bạn. Họ giấu không cho Đa-vít biết ý định đó, sợ ông ngăn cản không cho họ mạo hiểm.

Thế là ba người lặng lẽ lên đường. Họ vượt núi, băng đèo, xuyên qua bao chặng đường dài. Ba dũng sĩ đến nơi người Phi-li-tin đóng quân. Sau khi vượt qua vùng quân địch chiếm đóng một cách thật khó khăn, họ tìm đường đi đến cửa thành và cuối cùng, đến giếng nước, múc đầy bình rồi mang trở về.

Đa-vít kinh ngạc khi thấy ba người bạn mình đem nước giếng thành Bết-lê-hem về. Ông thật không tin vào điều mắt thấy và lòng rất cảm động vì tình thương của ba người bạn dành cho mình. Đa-vít hiểu chỉ vì muốn lấy nước giếng Bết-lê-hem cho ông uống mà các bạn đã mạo hiểm đến thế. Bình nước giếng đối với ông có giá trị lớn lao vô cùng, bởi nó được đánh đổi bằng sự nguy hiểm đến tính mạng của ba dũng sĩ. Đa-vít không biết lấy gì để bày tỏ lòng biết ơn các bạn. Ba người bạn của Đa-vít đã đem đến cho ông món quà bất ngờ và thật quí giá.

3. Ứng dụng.

Hỏi các em: Ba người bạn của Đa-vít đã làm gì để bày tỏ sự quan tâm và lòng yêu thương đối với ông? (Cho các em trả lời). Sau đó, hướng dẫn các em học câu gốc, khuyến khích các em giải thích câu gốc, hoặc phát biểu cảm nghĩ của mình đối với câu gốc.

– Sự quan tâm và lòng yêu thương của ba dũng sĩ khiến Đa-vít rất vui và cảm động. Đã có ai làm việc gì khiến các em ngạc nhiên và vui mừng chưa? Lúc đó các em có cảm nghĩ gì?” Giáo viên có thể khuyến khích các em suy nghĩ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của mình. Sau đó, cho các em chia sẻ kinh nghiệm của các em.

– Tại sao ba người bạn của Đa-vít biết được ý muốn của ông? Làm thế nào em biết được ý thích của bạn bè và người thân? Dạy các em biết quan tâm đến những người chung quanh, tìm hiểu xem có ai cần giúp đỡ không?

– Hướng dẫn các em làm phần bài tập trong tập học viên.  Khuyến khích các em suy nghĩ mình nên làm gì để cha mẹ, anh chị hoặc bạn bè vui lòng? Cho các em chọn một người rồi viết ý định của mình ra giấy, tuần sau đến lớp chia sẻ với các bạn xem mình thực hiện như thế nào.

– Hướng dẫn các em cầu nguyện kết thúc buổi học, xin Chúa giúp các em biết cách bày tỏ lòng yêu thương và sự quan tâm của mình đối với người khác.

V. PHỤ LỤC.

* Hình phụ trợ: Đa-vít, ba người bạn của Đa-vít.

1. Vật liệu: 1 tờ bìa trắng, viết chì, viết màu.

2. Cách làm: Trước giờ học, giáo viên dùng bút chì vẽ theo hình dưới đây (Xem hình) rồi tô màu. Gấp theo đường chấm chấm, sẽ có hai hình để minh họa khi kể chuyện.

 

 BÀI 8.     MÓN QUÀ BẤT NGỜ (HV)

I. KINH THÁNH: 2Sa-mu-ên 23:13-17.

II. CÂU GỐC: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

III. BÀI TẬP.

A. EM LÀM.

Hình vẽ dưới đây cho em thấy cách lấy nước giếng trong thời Kinh Thánh. Người ta cột dây thừng vào thùng, thả xuống giếng. Khi nước vào đầy thùng, kéo thùng lên, đổ vào bình nước của mình.

Em hãy chọn một trong ba cách dưới đây để làm một cái giếng:

1. Vẽ hình những viên đá chồng lên nhau trên giấy màu xám tro rồi dán nối hai đầu lại.

2. Dùng đất sét nắn gạch xếp thành cái giếng.

3. Vẽ hình cái giếng lên giấy.

B. EM LÀM VUI LÒNG NGƯỜI KHÁC.

Em sẽ làm vui lòng ai? Dùng bút khoanh tròn những người em chọn và viết tên vào chỗ trống.

CEM CHỌN CÁCH NÀO?

Hãy . chọn một cách nào đó để bày tỏ tình cảm với người em đã chọn. Ví dụ: Tặng hoa, phụ làm việc, nói chuyện, tặng thiệp …

Em có thể làm món quà sau đây tặng cho người em muốn làm vui lòng.

1. Tìm một cái lon rỗng.

2. Dán giấy hoa hoặc hình vẽ chung quanh.

3. Dùng nút áo, sỏi dán vào để trang trí.

4. Cái lon trở thành hộp cắm viết hoặc bình cắm hoa.

BÀI 8.  ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ CHÚA CỨU THẾ (GV-HV)

BÀI 8.  ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ CHÚA CỨU THẾ (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ III. 2016 on 18 Tháng Bảy, 2018

BÀI 8.  ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ CHÚA CỨU THẾ (GV)

 I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 2:13-23.

II. CÂU GỐC: “Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Êdíptô” (Ma-thi-ơ 2:13b).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời giúp Giô-sép, Ma-ri bảo vệ và chăm sóc Chúa Giê-xu.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn bảo vệ và chăm sóc con cái Ngài.

– Hành động: Em nương cậy nơi Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

1. Mục đích: Giúp các em hiểu Đức Chúa Trời cũng bảo vệ em như Ngài đã bảo vệ Chúa Giê-xu.

2. Chuẩn bị:

– Tạp chí, truyện tranh có hình cha (mẹ) chăm sóc con cái.

– Những câu hỏi: Cha (mẹ) chăm sóc các em như thế nào?

Các em cảm thấy thế nào khi được cha mẹ chăm sóc?

3. Thực hiện.

– Cho các em xem hình trong tạp chí, truyện tranh và giải thích ý nghĩa trong hình.

– Cho các em trả lời những câu hỏi và giải thích: Đức Chúa Trời ban cho các em có cha mẹ để chăm sóc và bảo vệ các em.

* Đề nghị: Cho hai em tình nguyện lên diễn kịch: Một em làm cha (mẹ), một em làm con. Giáo viên hướng dẫn các em (nếu cần).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

  Các em ơi, khi Chúa Giê-xu giáng sinh thì những người nào tìm kiếm Chúa để tôn thờ? (Cho các em trả lời). Đúng rồi đó là những người chăn chiên, những bác sĩ. Nhưng các em ơi, không phải ai cũng vui mừng khi Chúa Giê-xu giáng sinh đâu. Có một người nghe tin Chúa Giê-xu giáng sinh thì vô cùng bối rối, lo sợ. Các em lắng nghe câu chuyện để biết người đó là ai và đã làm gì nhé!

2. Bài học.

Người đó là vua Hê-rốt. Sau khi các bác sĩ rời khỏi cung điện, vua lo lắng và nổi giận vì lo sợ vị vua mới ra đời sẽ cướp mất ngôi! Vua Hê-rốt liền truyền lệnh giết tất cả các em bé mới sinh từ hai tuổi trở xuống!

Mệnh lệnh chưa ban ra thì đêm hôm đó, thiên sứ hiện đến với Giô-sép trong giấc chiêm bao và nói: “Hãy đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua Ai-cập, vì vua Hê-rốt đang tìm giết con trẻ”. (Ai-cập là một nước láng giềng của nước Y-sơ-ra-ên). Giô-sép có vâng theo lời thiên sứ rời bỏ quê hương không các em? Tại sao? (Cho các em suy nghĩ trả lời). Giô-sép thức dậy và làm theo lời Đức Chúa Trời, nhanh chóng chuẩn bị hành lý lên đường qua Ai-cập.

Một thời gian sau, thiên sứ lại hiện đến với Giô-sép trong giấc chiêm bao và nói: “Hãy đem Chúa Giê-xu và mẹ Ngài trở về quê hương, vì vua Hê-rốt đã chết. Một lần nữa, Giô-sép vâng lời Đức Chúa Trời, vội vàng xếp hành lý đưa gia đình trở về.

Trên đường trở về quê hương, Giô-sép nghe tin con trai vua Hê-rốt lên ngôi kế vị vua cha. Giô-sép lo sợ không dám đem con trẻ Giê-xu và mẹ Ngài về Bếtlêhem. Đức Chúa Trời hướng dẫn Giô-sép trở về Na-xa-rét để sinh sống.

3. Ứng dụng:

Các em thân mến! Đức Chúa Trời đã bảo vệ và chăm sóc Chúa Giê-xu thoát khỏi hành động tàn ác của vua Hê-rốt. Đức Chúa Trời cũng đang chăm sóc và bảo vệ các em mỗi ngày. Các em có tin cậy Đức Chúa Trời không?

* Chuẩn bị.

– Kéo, keo, viết chì màu, viết chì.

* Thực hiện.

– Cho các em tô màu hình vẽ.

BÀI 8.   ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ CHÚA CỨU THẾ (HV)

 I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 2:13-23.

II. CÂU GỐC: “Hãy chờ dậy, đem Con Trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp-tô” (Ma-thi-ơ 2:13b).

III. BÀI TẬP.

Cho các em tô màu hình vẽ.