Ngày: Tháng Bảy 19, 2018

BÀI 11. GHÊ-ĐÊ-ÔN, CHÀNG DŨNG SĨ (GV-HV)

BÀI 11. GHÊ-ĐÊ-ÔN, CHÀNG DŨNG SĨ (GV-HV)

in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 19 Tháng Bảy, 2018

BÀI 11. GHÊ-ĐÊ-ÔN, CHÀNG DŨNG SĨ (GV)

I. KINH THÁNH: Các Quan xét 6:1-32.

II. CÂU GỐC: “Hỡi người dũng sĩ, Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi” (Các Quan Xét 6:12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ghê-đê-ôn không phải là dũng sĩ, nhưng Đức Chúa Trời chọn lựa và kêu gọi Ghê-đê-ôn đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an.

– Cảm nhận: Khi Đức Chúa Trời ở cùng thì người yếu đuối cũng trở thành dũng sĩ.

– Hành động: Nhờ Chúa gíup đỡ để trở nên một dũng sĩ cho Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ

Các em thân mến! Trước khi trở thành dõng sĩ, Ghê-đê-ôn làm nghề gì? À đúng rồi, Ghê-đê-ôn là một nông dân giỏi. Hôm nay các em sẽ chơi trò “Làm rẫy” giống như Ghê-đê-ôn nhé!

* Trò chơi: Làm rẫy.

            – Cách chơi: NHD nói, làm, các em lặp lại và làm theo. Sau khi làm vài lần, các em chỉ làm theo lời nói của NHD vì NHD sẽ thay đổi động tác.

– NHD: “Vác cuốc” (2 tay đặt lên vai phải).

– NHD: “Làm cỏ” (2 tay làm động tác dẫy cỏ).

– NHD: “Nhặt cỏ” (cúi xuống, tay phải nhặt cỏ bỏ vào lòng tay    trái).

– NHD: “Giải lao” (mọi người ngồi xuống đất).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

Các em thân mến! Các em còn nhớ tuần vừa rồi học bài gì không? (Cho các em ôn lại). Sau khi Đức Chúa Trời giúp dân Y-sơ-ra-ên đánh bại tướng Si-sê-ra, xứ được hòa bình trong 40 năm. Nhưng sau đó, họ dần dần quên Đức Chúa Trời, quay lại thờ thần Ba-anh. Các em biết Ba-anh là thần tượng của dân nào không? (Ca-na-an). Vì thế, dân Y-sơ-ra-ên lại một lần nữa bị Đức Chúa Trời sửa phạt.

Lần nầy, Đức Chúa Trời dùng tay của dân Ma-đi-an. Dân nầy thường hay đánh cướp lương thực và gia súc của dân Y-sơ-ra-ên như ngũ cốc, rau quả, dê, bò, lừa…

Dân Y-sơ-ra-ên vì sợ hãi nên phải sống trốn chui trốn nhủi trong những hang núi. Trải qua bảy năm khốn khổ như vậy họ mới nhận biết tội lỗi của mình, quay trở lại kêu cầu cùng Ngài.

Đức Chúa Trời tha thứ và kêu gọi một người đứng lên giải cứu dân Y-sơ-ra-ên.

2. Bài học

a. Đức Chúa Trời kêu gọi chàng dũng sĩ.

(1) Lời kêu gọi cặp theo lời hứa.

Vào ngày kia, có một chàng thanh niên Y-sơ-ra-ên tên Ghê-đê-ôn đang đập lúa trong hầm ép rượu ở sau vườn nhà mình. Chàng đang cần bột lúa mạch để làm bánh, nhưng phải đập lúa trong hầm ép rượu vì sợ dân Ma-đi-an trông thấy sẽ lấy tất cả.

Đang làm, bỗng nhiên Ghê-đê-ôn dừng tay, vì chàng chợt nhìn thấy một người ngồi dưới gốc cây sồi. Các em tưởng tượng xem, Ghê-đê-ôn cho rằng nơi đây là an toàn nhất, không thể có người lạ mặt tới được. Thế mà có một người ngồi dưới gốc cây sồi nhìn chàng. Người lạ mặt nói: “Hỡi người dũng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi”. Chàng Ghê-đê-ôn đang phải trốn tránh dân Ma-đi-an mà là người dũng sĩ sao?

Ghê-đê-ôn trả lời: “Ôi Chúa! Nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy lại xảy ra? Đức Giê-hô-va đã bỏ chúng tôi, để cho người Ma-đi-an hành hạ chúng tôi”.

Người lạ mặt tiếp tục nói: “Ghê-đê-ôn, hãy dùng sức mạnh ngươi đang có đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Chính ta sai bảo ngươi”.

Lúc nầy thì Ghê-đê-ôn hiểu ra đây không phải là người bình thường, mà là thiên sứ của Đức Giê-hô-va. Tại sao Chúa lại bảo Ghê-đê-ôn đi đánh quân Ma-đi-an, trong khi chính bản thân chàng cũng phải ẩn náu nơi hang núi? Ghê-đê-ôn từ chối: “Lạy Chúa, tôi làm sao giải cứu dân Y-sơ-ra-ên được? Trong chi phái của tôi, gia đình tôi hèn mọn nhất, còn trong gia đình, tôi là người nhỏ nhất”. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn giữ nguyên mệnh lệnh: “Ta ở cùng ngươi, nên ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy”.

(2) Biết chắc lời kêu gọi.

Ghê-đê-ôn dường như không tin ở tai mình, chàng mà được Đức Chúa Trời giao cho công việc quan trọng đến thế ư? Để cho chắc chắn, Ghê-đê-ôn thưa rằng: “Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin ban cho tôi một dấu hiệu để tôi biết chính Chúa phán cùng tôi”.

Ghê-đê-ôn lập tức quay về nhà, làm thịt một con dê con và một ít bánh không men, rồi dọn thịt và bánh không men trên một hòn đá bên gốc cây sồi, đổ nước thịt lên trên y như lời Đức Chúa Trời phán dặn. Thiên sứ Đức Giê-hô-va cầm cây gậy trên tay đụng đến thịt và bánh, thì lửa từ hòn đá bốc lên thiêu cháy thịt và bánh không men, rồi thiên sứ biến mất.

Ngay lúc đó, Ghê-đê-ôn mới biết chắc người nói chuyện với mình là thiên sứ của Đức Giê-hô-va và mình nhận được sự kêu gọi của Chúa. Ghê-đê-ôn liền lập tại gốc cây sồi một bàn thờ cho Đức Chúa Trời để ghi nhớ cuộc gặp gỡ nầy.

b. Hành động của chàng dũng sĩ.

Ngay đêm đó, Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn làm một việc mà cần phải có rất nhiều can đảm mới thực hiện được. Đó là phá đổ bàn thờ thần Ba-anh của nhà cha chàng và hạ tượng thần A-sê-ra xuống, thay vào đó là bàn thờ Đức Chúa Trời. (Ba-anh là tượng nam tà thần và A-sê-ra là tượng nữ tà thần mà người Y-sơ-ra-ên đang thờ).

Ghê-đê-ôn lập tức dẫn theo mười người để thực hiện lời phán của Chúa, nhưng chàng hành động vào ban đêm vì sợ cha chàng và những người trong thành trông thấy. Họ phá đổ bàn thờ thần Ba-anh, hạ tượng thần A-sê-ra xuống rồi chặt thành nhiều khúc, làm củi thiêu của tế lễ dâng cho Đức Chúa Trời.

Sáng hôm sau, dân trong thành thấy bàn thờ Ba-anh đâu mất, thay vào đó là một bàn thờ mới và của lễ thiêu ở trên, thì kinh ngạc hỏi nhau: “Ai đã làm điều nầy vậy?” Họ lập tức điều tra, không bao lâu, mọi người cũng đã phát hiện Ghê-đê-ôn làm điều đó.

Dân trong thành kéo nhau đến nhà Ghê-đê-ôn và nói với cha chàng: “Đem con ông ra đây. Nó phải chết vì tội phá đổ bàn thờ thần Ba-anh và triệt hạ tượng nữ thần A-sê-ra”.

Cha của Ghê-đê-ôn tuy cũng thờ thần Ba-anh, nhưng trước việc làm của con mình, ông ăn năn và nói cùng đám người đang nhốn nháo kia: “Các ông muốn bênh vực Ba-anh phải không? Nếu hắn là thần, thì hắn sẽ tự bênh vực lấy vì có người phá đổ bàn thờ của hắn”.

Mọi người đều im lặng. Nếu Ba-anh thật sự là thần, tại sao lại không bảo vệ được mình? Bản thân mình không bảo vệ được, thì làm sao có thể bảo vệ, giúp đỡ người khác. Mọi người hiểu ra thần Ba-anh và tượng A-sê-ra chỉ là tượng gỗ, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Các em suy nghĩ xem, bản thân Ghê-đê-ôn có phải là một dũng sĩ không? Vì sao các em biết điều đó? (Cho các em trả lời). Không, Ghê-đê-ôn chỉ là một nông dân giỏi, chứ không phải là một dũng sĩ, vì chàng cũng phải trốn tránh dân Ma-đi-an. Nhưng khi có Đức Chúa Trời ở cùng, Ghê-đê-ôn trở thành dũng sĩ. Chàng dám làm một việc mà không phải ai cũng dám làm: Phá đổ bàn thờ Ba-anh, tà thần mà dân Y-sơ-ra-ên đang thờ, rồi lập bàn thờ cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho Ghê-đê-ôn sức mạnh và lòng can đảm để thực hiện việc đó, cùng với hai lời hứa. Các em có thể kể ra được không? “Ta sẽ ở cùng ngươi và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy” (Các Quan Xét 6:16).

Đức Chúa Trời ban cho các em rất nhiều lời hứa trong Kinh Thánh. Các em nên nhớ một điều: Khi Đức Chúa Trời ở cùng, các em sẽ không còn yếu đuối, sợ hãi nữa, mà sẽ là những dũng sĩ. Ngài ban cho các em sức mạnh và lòng can đảm như Ngài đã ban cho Ghê-đê-ôn, để các em chiến thắng mọi sự sợ hãi và hầu việc Chúa.

Đừng nghĩ rằng em yếu đuối, không có khả năng nên không thể làm công việc Chúa được. Đức Chúa Trời kêu gọi, chọn lựa các em bởi ơn thương xót của Ngài, và Ngài sẽ ở cùng để giúp các em hoàn thành công việc được giao. Các em nên cảm tạ ơn thương xót của Chúa, đắc thắng sự sợ hãi và hầu việc Chúa luôn luôn.

BÀI 11. GHÊ-ĐÊ-ÔN, CHÀNG DŨNG SĨ (HV)

I. KINH THÁNH: Các Quan Xét 6:1-32.

II. CÂU GỐC: “Hỡi người dõng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi” (Các Quan Xét 6:12).

III. BÀI TẬP.

1. Chàng dõng sĩ.

Trong câu chuyện Kinh Thánh của tuần nầy, có một người dũng sĩ. Người đó tên gì?

…………………………………………………………………………………………………………………………

2. Công việc Chúa giao cho chàng dũng sĩ.

Đức Chúa Trời kêu gọi và giao cho chàng dũng sĩ một việc rất khó khăn, phải cần nhiều sự can đảm mới thực hiện được. Hãy xem các câu dưới đây và ghi chữ “Đ” vào câu đúng, chữ “S” vào câu sai.

__ a. Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn không ẩn náu nữa, mà phải tiến đánh dân Ma-đi-an.

__ b. Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn phải học tập quân sự một thời gian, sau đó mới làm người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên.

__ c. Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn đánh đổ bàn thờ thần Ba-anh.

__ d. Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn lập một bàn thờ cho Ngài.

__ e. Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn phản bội cha mình.

3. Lời hứa cho chàng dũng sĩ.

Để giúp Ghê-đê-ôn không sợ hãi, Đức Chúa Trời đã ban cho chàng hai lời hứa. Em hãy ghi nội dung hai lời hứa đó.

1……………………………………………………………………………………………………………

2……………………………………………………………………………………………………………

4. Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ em.

Ghê-đê-ôn sợ hãi không dám nhận công việc Chúa giao, nhưng chàng biết nương dựa vào lời hứa của Đức Chúa Trời.

Hiện tại em có gặp sự khó khăn nào không? (Những việc em không thích, không đủ can đảm làm hoặc những việc làm em sợ hãi). Hãy ghi ra dưới đây.

 

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………….

5. Suy gẫm câu gốc tuần nầy.

Câu gốc tuần nầy sẽ chỉ cho em bí quyết để có sức mạnh và lòng can đảm. Đó là có Đức Chúa Trời ở cùng. Nếu có Chúa ở cùng, em sẽ trở nên mạnh mẽ. Hãy cầu nguyện cảm tạ Chúa về điều đó.

Lời cầu nguyện của em.

…………………………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………………………

BÀI 11.  LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN (GV-HV)

BÀI 11.  LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ III. 2016 on 19 Tháng Bảy, 2018

BÀI 11.  LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN (GV)

I. KINH THÁNH: Lu-ca 1:26 – 56.

II. CÂU GỐC: “Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm” (Lu-ca 1:45).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ma-ri tin cậy và hết lòng cảm tạ Chúa khi thiên sứ báo tin bà sẽ làm mẹ của Chúa Giê-xu.

– Cảm nhận: Vì yêu thương các em nên Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài đến thế gian làm Cứu Chúa các em.

– Hành động: Các em có thể cầu nguyện, ca hát hoặc vẽ tranh để bày tỏ niềm tin và lòng biết ơn Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ

* Làm thiệp (dùng để kẹp vào sách).

1. Mục đích: Giúp các em ôn lại lời của Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh Cựu ước, Ngài hứa ban cho chúng ta Cứu Chúa, và lời hứa đó đã được thực hiện trong Tân ước.

2. Vật liệu: Tập học viên bài 11, giấy bìa màu, giấy bìa trắng (kích cỡ tùy ý, có thể làm nhỏ để làm thẻ ngăn sách), bút chì, bút màu, keo dán.

3. Thực hiện: Cho các em mở tập học viên bài 11, đọc phần bài học và làm bài tập.

Sau đó, cho các em làm thiệp. Trước tiên, viết lại câu Kinh thánh (nói về lời hứa của Đức Chúa Trời và sự thành tựu của lời hứa đó) trên giấy bìa trắng, dán lên hai mặt của giấy bìa màu. Có thể vẽ hình ảnh tuỳ thích vào chỗ trống để trang trí.

Sau khi làm xong, hỏi các em: “Phần đầu của Kinh thánh gọi là gì?” (Cựu ước). “Phần sau của Kinh Thánh gọi là gì?” (Tân ước). “Trong Cựu ước Đức Chúa Trời đã hứa những gì?” và “Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa đó như thế nào?” (Xem hai câu Kinh thánh viết trên tấm thiệp) “Sách nào trong Kinh thánh cho chúng ta biết những điều ấy?”

A. BÀI HỌC KINH THÁNH

(Chuẩn bị: Kinh Thánh, con rối giấy thiên sứ và Ma-ri, sân khấu bằng hộp giấy (xem phụ lục).

  1. Vào đề

Tuần trước, các em đã biết Đức Chúa Trời hứa với Đa-vít một điều kỳ diệu. Khi Đa-vít đang làm vua, điều ấy chưa xảy ra, nhưng ông có tin rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa đó không? Đa-vít thể hiện đức tin mình như thế nào? (Cảm tạ Chúa về lời hứa của Ngài). Em nào còn nhớ câu gốc trong Ê-xê-chi-ên 36:36 không? (Cho các em đọc chung). Bây giờ mời các em lắng nghe câu chuyện hôm nay, xem Đức Chúa Trời thực hiện lời Ngài hứa với Đa-vít như thế nào?

  1. Bài học.

Hàng mấy trăm năm trôi qua, người ta trông đợi lời hứa của Đức Chúa Trời trở thành hiện thực. Ngài thường nhắc đến vị vua sẽ đến thế gian, nhưng chẳng hề nói khi nào điều đó được thực hiện. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cho biết vị vua đó sẽ sinh ra tại Bết-lê-hem, nơi sinh trưởng của Đa-vít.

Cho đến một hôm, Đức Chúa Trời đã báo tin đặc biệt nầy cho Ma-ri, cô gái dịu hiền vừa mới hứa hôn với Giô-sép, một thanh niên thuộc dòng dõi vua Đa-vít… và mọi việc xảy ra như sau… (dùng sân khấu hộp giấy và đặt nhân vật bằng con rối khi thích hợp).

Hôm ấy, Ma-ri đang bận rộn với công việc hằng ngày, thình lình một thiên sứ hiện ra trước mặt làm Ma-ri hoảng hốt. Thiên sứ nói: “Xin chào mừng cô, người được ơn của Chúa! Chúa ở với cô”. Ma-ri không hiểu ý của thiên sứ, lại càng không biết vì sao thiên sứ xuất hiện trước mặt mình nên rất sợ hãi. Thiên sứ liền trấn an cô: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì cô được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Cô sắp có thai, sẽ sinh một con trai, và đặt tên là Giê-xu. Con trai đó rất cao trọng, sẽ được xưng là con Đức Chúa Trời”. Ma-ri ngạc nhiên hỏi: “Tôi chưa lập gia đình, làm sao có con được?” Thiên sứ trả lời: “Đức Thánh Linh sẽ giáng trên cô, chẳng việc gì Đức Chúa Trời không làm được”.

Ma-ri liền thưa: “Tôi là tôi tớ Chúa, sẵn sàng vâng theo ý muốn Chúa. Xin Chúa thực hiện mọi điều Ngài nói”.

Thiên sứ đi rồi, để lại trong lòng Ma-ri một cảm giác khó tả, vừa vui mừng vừa lo sợ. Vì Cứu Chúa do Đức Chúa Trời hứa ban sẽ đến thế gian và cô được chọn làm mẹ sinh ra Đấng ấy.

Ma-ri muốn báo tin mừng nầy cho một người bà con tên là Ê-li-sa-bét, hiện đang sống cách đây khá xa. Thế là Ma-ri vội vã thu xếp hành lý lên đường. Sau khi băng đồng vượt núi, trải qua một đoạn đường rất xa, Ma-ri đã đến nơi. Vì đã lâu không có dịp thăm viếng nhau, nên khi gặp mặt họ mừng rỡ vô cùng.

Ê-li-sa-bét nói với Ma-ri: “Cô là người hạnh phúc nhất trong giới phụ nữ! Thai trong lòng cô là phước hạnh lớn lao”. Ma-ri ca ngợi Đức Chúa Trời: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi… Bởi Đấng toàn năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh” (Lu-ca 1:46, 47, 49).

  1. Ứng dụng.

* Hướng dẫn các em mở tập học viên bài 11 và tìm trong bốn hình vẽ: (1) Thiên sứ báo cho Ma-ri biết tin mừng gì? (2) Ma-ri ca ngợi Đức Chúa Trời như thế nào? Nếu còn thời gian, có thể mời hai em đóng vai thiên sứ, Ma-ri và một em đứng bên làm người dẫn chuyện.

* “Đoạn Kinh Thánh hôm nay báo cho các em một tin lành, đó là tin gì? Xin mời một em nói tin lành nầy cho các bạn khác nghe”.

* Mời các em nghe câu Kinh Thánh sau đây (1Giăng 4:10) để biết vì sao Đức Chúa Trời sai con Ngài đến thế gian “…Ngài đã yêu chúng ta, và sai con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta”.

* “Tại sao Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến thế gian? Chúa Giê-xu trở thành Chúa Cứu Thế của các em có ý nghĩa gì?” Chú ý nghe câu trả lời và quan sát phản ứng của các em khác để giáo viên có thể sửa đổi những suy nghĩ sai lệch và giúp các em hiểu rõ tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyên cho các em. Đức Thánh Linh sẽ giúp bạn nhận biết nhu cầu thuộc linh của các em.

Những em được nuôi dưỡng trong một gia đình Tin Lành từ nhỏ đã học tập yêu mến Chúa, trong lòng các em đã chuẩn bị để tiếp nhận Cứu Chúa, thì bạn nên khích lệ để các em nầy quyết định. Còn những em mới nghe đến Tin Lành của Chúa Giê-xu thì chưa nên hối thúc vội.

* “Đức Chúa Trời biết cô, các em và mọi người trên thế gian nầy đều cần một Cứu Chúa, vì tội lỗi của chúng ta đáng chịu hình phạt. Vì yêu thương chúng ta nên Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến thế gian để cứu chúng ta. Nhờ Kinh Thánh và các sinh hoạt hằng tuần trong lớp giúp các em mỗi ngày một hiểu biết sâu sắc về tình yêu thương của Đức Chúa Trời hơn”.

* (Mời các em xem hình vẽ cuối cùng). Ma-ri sau khi nghe Tin Lành đã ca ngợi Đức Chúa Trời bằng cách nào? (Ma-ri thuật lại sự vĩ đại của Đức Chúa Trời).

* Sau khi nghe Tin Lành, các em có thể ca ngợi Chúa bằng cách nào?” Cho các em chọn và điền vào chỗ trống trong tập học viên (làm thơ, viết lời cầu nguyện hoặc vẽ một bức tranh – nếu không đủ thời gian, có thể cho các em mang về nhà làm).

* Giáo viên hướng dẫn cầu nguyện kết thúc.

IV. PHỤ LỤC.

* Con rối và sân khấu bằng giấy.

A. CON RỐI GIẤY BÌA: Thiên sứ và Ma-ri.

1. Vật liệu: Giấy bìa trắng, bút chì màu, que kem, băng keo, kéo.

2. Thực hiện: Vẽ phóng to hình mẫu lên giấy rồi tô màu lên. Sau đó, dán que kem lên mặt sau con rối bằng băng keo.

B. SÂN KHẤU RỐI BẰNG GIẤY.

1. Vật liệu: Một cái hộp giấy, hai sợi dây, bút màu, dao, băng keo, kéo.

2. Thực hiện: Úp hộp giấy ngang, dùng mặt bên làm sân khấu, buộc hai sợi dây ở bốn góc, cắt đường khe vừa đủ cắm que kem qua mặt sân khấu (xem hình).

Lật nắp hộp lên, vẽ bối cảnh thích hợp với câu chuyện để làm phông sân khấu (xem hình). Khi sử dụng, đeo hai sợi dây lên vai, để sân khấu trước bụng. Lúc kể chuyện, tuần tự cắm các nhân vật con rối lên sân khấu.

BÀI 11.  LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN (HV)

I. KINH THÁNH: Lu-ca 1:26 – 56.

II. CÂU GỐC: “Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm” (Lu-ca 1:45).

III. BÀI TẬP

A. TÔ MÀU

 

Ma-ri! Đừng sợ, vì tôi báo cho cô một tin mừng.

 

Ma-ri đến thăm Ê-li-sa-bét.

B. ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG.

1. Mở mục lục của Kinh Thánh và điền chữ “Tân” hoặc “Cựu” vào trong ô trống.

Phần thứ nhất của Kinh Thánh gọi là ………..…. ƯỚC

Phần thứ hai của Kinh Thánh gọi là ………… ƯỚC .

– TÂN ƯỚC cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã giữ đúng lời hứa ban Con Ngài là Chúa GIÊ-XU cho chúng ta.

– CỰU ƯỚC cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời hứa ban Chúa Cứu Thế.

2. Bài nầy cho các em biết một ……………..lành và qua đó các em biết …………………………… yêu thương các em vô cùng.

C. EM LÀM GÌ ĐỂ CA NGỢI CHÚA?

*  CA HÁT                 *  VẼ TRANH                        * CẦU NGUYỆN

Chọn một trong ba điều trên rồi viết bài hát, lời cầu nguyện hoặc vẽ tranh vào khoảng trống dưới đây.

 

BÀI 11. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA CỨU THẾ (GV-HV)

BÀI 11. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA CỨU THẾ (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ III. 2016 on 19 Tháng Bảy, 2018

BÀI 11. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA CỨU THẾ (GV)

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 15:35; Lu-ca 2:39-40.

II. CÂU GỐC: “Con trẻ lớn lên và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (Lu-ca 2:40).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:           

– Biết: Thời thơ ấu Chúa Cứu Thế sống với cha mẹ là Giô-sép và Ma-ri.

            – Cảm nhận: Chúa Cứu Thế luôn được Đức Chúa Trời ban phước nên có sự khôn ngoan và mạnh mẽ.

            – Hành động: Noi gương Cứu Chúa em sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và ba mẹ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Tiểu sử của Chúa Cứu Thế.

1. Mục đích: Tìm hiểu cuộc sống và những điều Chúa học được trong thời thơ ấu.

2. Chuẩn bị: Giấy có màu sắc khác nhau, viết chì, kéo, keo.

3. Thực hiện: Giáo viên chia các em làm hai tổ, cho các em thảo luận và viết ra tiểu sử của Chúa Giê-xu và đóng thành tập.

Tổ nào viết được nhiều thông tin về Chúa Giê-xu và đóng tập đẹp sẽ được thưởng.

A. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Tiểu sử là gì? Tiểu sử là ghi lại cuộc đời của một người nào đó. Khi nói về một người, các em thường muốn biết những gì về họ? (Gợi ý cho các em trả lời, ví dụ như: Hoàn cảnh gia đình, thành tích học tập, thời kỳ thơ ấu, năng khiếu…).

Nếu có người viết một cuốn sách về Chúa Giê-xu, kể tường tận đời sống thơ ấu của Ngài thì tốt quá. Đáng tiếc là chúng ta chỉ biết rất ít về tuổi thơ của Chúa Giê-xu, còn rất nhiều việc không được ghi lại. Kinh Thánh nói, nếu ghi chép tất cả mọi việc về Ngài thì chắc rằng không thể chép hết được! Bây giờ các em cùng học về thời thơ ấu của chúa Cứu Thế để biết rõ về Ngài nhiều hơn nha!

  1. Bài học.

Thành Na-xa-rét miền Ga-li-lê là nơi ở của ông Giô-sép và bà Ma-ri. Các em còn nhớ hai người nầy là ai không? À! Là cha và mẹ của Chúa Giê-xu về phần xác. Tại Na-xa-rét, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ hiện đến cùng Ma-ri, báo cho biết Giô-sép, Mari đem Chúa Giê-xu đi qua Ai-cập lánh nạn khi vua Hê-rốt muốn giết Chúa Giê-xu. Và chính tại đây Chúa Giê-xu đã sống và lớn lên.

Na-xa-rét là một thành phố nhỏ cách thành Giê-ru-sa-lem 120 km. Thành được xây dựng trên một cái trũng nên nước đều chảy dồn về đây làm cho đường lầy lội. Nhưng đây cũng chính là một vùng đất có nhiều nước, rất thuận tiện cho việc trồng trọt. Do đó trong thành Na-xa-rét người ta trồng rất nhiều loại cây. Nào là Ôlive, cam, vả, táo… và nhiều loài hoa. Sống và lớn lên trong một vùng quê có một đặc điểm như vậy nên Chúa Giê-xu học biết được nhiều điều về các loại cây và cách trồng và chăm sóc chúng. Hằng ngày, Chúa Giê-xu cùng mẹ ra vườn nhặt những quả hạt rơi rụng, hay hái quả trên cành.

Chúa Giê-xu không những biết đến các loại cây mà Ngài còn nghe được tiếng chim hót, biết tên các loài chim trong vườn, Ngài cũng biết cách chăm nuôi những con chiên hay thú vật trong nhà.

Chúa Giê-xu còn học ở cha nuôi Ngài là ông Giô-sép một cái nghề rất là thú vị: đó là nghề thợ mộc. Trong xưởng mộc của ông Giô-sép có những cây gỗ rất to, bên cạnh đó là những đồ nghề như cưa, đục, bào, búa… Chúa Giê-xu rất thích thú khi được giúp ông Giô-sép trong công việc này. Ngài luôn sẵn sàng đưa đến cho ông những dụng cụ ông cần. Mỗi lần một loại sản phẩm hoàn thành ông Giô-sép rất hài lòng, và Chúa Giê-xu cũng thật vui vì đã giúp đỡ ông Giô-sép trong công việc.

Ngoài ra Chúa Giê-xu biết nhiều điều về luật pháp của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của con người. Ngài rất chịu khó và chăm chỉ học hỏi, vì thế Ngài thông hiểu Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng. Đặc biệt Ngài luôn vâng lời và sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ mình. Chính nhờ những sự học hỏi này mà Chúa Giê-xu đã trưởng thành và làm tấm gương cho mọi người.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Các em muốn được ba mẹ và mọi người yêu mến không? Nếu muốn các em phải noi gương Chúa Giê-xu vâng lời ba mẹ và siêng năng học hỏi những gì ba mẹ chỉ dạy nha.

* Chuẩn bị.

– Kéo, keo, viết chì màu, viết chì.

* Thực hiện.

– Cho các em tô màu hình vẽ.

BÀI 11. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA CỨU THẾ (HV)

I. KINH THÁNH: Lu-ca 17:6; Giăng 12:13; 6:9; Mác 13:28.

II. CÂU GỐC: “Con trẻ lớn lên và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (Lu-ca 2:40).

III. BÀI HỌC: Thời thơ ấu Chúa Cứu Thế sống với cha mẹ là Giô-sép và Ma-r

IV.  BÀI TẬP: Cho các em tô màu hình vẽ.

 

Bài 10. ĐÁNH BẠI SI-SÊ-RA (GV-HV)

Bài 10. ĐÁNH BẠI SI-SÊ-RA (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ III. 2016, QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 19 Tháng Bảy, 2018

BÀI 10.  ĐÁNH BẠI SI-SÊ-RA (GV)

 I. KINH THÁNH: Các Quan Xét 4.

II. CÂU GỐC: “Trong ngày sợ hãi, tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa. Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì” (Thi Thiên 56:3-4).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ba-rác tin tưởng Đê-bô-ra hơn là nhờ cậy Đức Chúa Trời, nên ông đã sợ hãi khi nhận nhiệm vụ.

– Cảm nhận: Em nhờ cậy Đức Chúa Trời thì không sợ hãi.

– Hành động: Học thuộc lòng những câu Kinh Thánh có thể giúp em chế ngự sự sợ hãi.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

1. Cầu nguyện cho bạn và các em học tập nhờ cậy Chúa để thoát khỏi sự sợ hãi.

2. Chuẩn bị cho phần thủ công, sinh hoạt.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề.

Khi ba mẹ hay thầy cô giáo ở trường giao cho các em một công việc hơi khó một chút, thì các em sẽ phản ứng như thế nào? (Cho các em phát biểu ý kiến). Có lẽ các em cần phải có nhiều sự khích lệ, thậm chí cần có sự giúp đỡ của mọi người thì mới hoàn thành công việc được giao.

Trong bài học Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ được biết về một người, người đó phải nhận một công việc rất quan trọng, nhưng trong lòng lại đầy sợ hãi. Vậy chúng ta cùng xem người đó có thái độ và hành động như thế nào trước nhiệm vụ được giao nhé!

  1. Bài học.

Các em còn nhớ trong bài học trước, dân Y-sơ-ra-ên đã hứa nguyện điều gì không? (Cho các em trả lời). Sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên vẫn giữ lời hứa của mình trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời. Năm tháng trôi qua, họ từ từ quên Đức Chúa Trời, và bị dân Ca-na-an dụ dỗ thờ lạy thần tượng. Đó cũng là hậu quả của việc dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời Chúa dặn là tiêu diệt hết dân Ca-na-an khi chiếm xư. Đức Chúa Trời nhiều lần cảnh cáo và nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên, nhưng họ vẫn không thay đổi, nên Ngài dùng tay của dân Ca-na-an sửa phạt họ.

Nhiều năm về trước, Giô-suê từng đánh bại Hát-so. (Ghi tên thành nầy trên bảng). Bây giờ, vì dân Y-sơ-ra-ên bội nghịch Đức Chúa Trời, nên Ngài đã khiến thành Hát-so trở nên hùng mạnh và đàn áp dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên bị lâm vào cảnh khốn cùng, cực khổ trong suốt 20 năm. Họ không còn chịu đựng nổi nữa nên quay lại kêu cầu Đức Chúa Trời giải cứu.

Dân Y-sơ-ra-ên khiếp sợ Si-sê-ra, vị tướng lãnh đạo quân của vua Gia-bin, thành Hát-so. Ai nghe đến tên nầy đều phải kinh hoàng, bạt vía. Người ta sợ vì hắn tàn ác, nhưng cũng vì những khí giới bằng sắt của hắn. Si-sê-ra có đến 900 chiếc xe chiến đấu, và trên mỗi chiếc đều có những chiến sĩ dũng cảm và tài giỏi điều khiển.

(1) Ba-rác được giao nhiệm vụ đánh bại Si-sê-ra.

Tuy dân Y-sơ-ra-ên quên Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không bao giờ quên họ. Đức Chúa Trời đã dùng một người để nhắc nhở và khuyên dạy họ làm theo lời Đức Chúa Trời, đồng thời đoán xét dân sự. Người đó là nữ tiên tri Đê-bô-ra. Bản thân Đê-bô-ra cũng phải chịu sự ức hiếp của quân Si-sê-ra, nhưng bà hiểu đó là sự cho phép của Đức Chúa Trời nhằm sửa phạt dân Y-sơ-ra-ên.

Một ngày kia, Đức Chúa Trời bày tỏ cho Đê-bô-ra biết kế hoạch đánh bại quân Si-sê-ra. Bà liền chọn một người tên là Ba-rác để lãnh đạo cuộc chiến nầy. Khi Ba-rác đến, Đê-bô-ra nói cho ông biết kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ba-rác được giao nhiệm vụ với lời hứa của Đức Chúa Trời là sẽ chiến thắng Si-sê-ra. Nhưng Ba-rác vẫn sợ hãi.

Quân Si-sê-ra có 900 xe chiến đấu, và vô số binh lính tài giỏi, còn binh lính Y-sơ-ra-ên chỉ là những người dân thường, không hề được huấn luyện để chiến đấu. Càng nghĩ Ba-rác càng lo sợ, ông không đủ can đảm để nhận nhiệm vụ to lớn nầy. Ba-rác nói với Đê-bô-ra: “Nếu bà ra trận với tôi, tôi sẽ đi. Nếu không, tôi không đi đâu!”

Ba-rác không hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời, nên mới sợ hãi, muốn Đê-bô-ra cùng đi với mình. Đê-bô-ra đáp: “Được rồi, tôi sẽ đi với ông, nhưng sự vinh hiển của việc nầy không thuộc về ông, vì Chúa sẽ phó Si-sê-ra vào tay một người nữ”. Có Đê-bô-ra cùng ra trận, Ba-rác mới đủ can đảm nhận công việc Chúa giao.

(2) Đức Chúa Trời giúp Ba-rác đánh bại Si-sê-ra.

Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Ba-rác cùng Đê-bô-ra dẫn theo mười ngàn chiến sĩ đi tới núi Tha-bô. Tin nầy tới tai Si-sê-ra. Si-sê-ra lập tức tập trung toàn bộ quân đội và 900 xe sắt của mình chuẩn bị chiến đấu.

Tuy có sự hiện diện của Đê-bô-ra, nhưng Ba-rác cũng không ngăn được nỗi lo sợ khi phải đối đầu với Si-sê-ra. Đê-bô-ra nói với Ba-rác: “Hãy đứng dậy, vì hôm nay là ngày Đức Giê-hô-va phó Si-sê-ra vào tay ông. Có Chúa đi trước ông đó”.

Được sự khích lệ của Đê-bô-ra, Ba-rác dẫn quân xuống núi nghênh chiến đội quân của Si-sê-ra. Đức Giê-hô-va chiến đấu cho dân sự của Ngài, khiến quân của Si-sê-ra thua chạy tán loạn. Dân Y-sơ-ra-ên thừa thắng xông lên tiêu diệt quân địch, còn Si-sê-ra nhảy xuống xe chạy bộ tẩu thoát. Chín trăm xe bằng sắt là chỗ dựa sức mạnh của Si-sê-ra đều tan tành, còn sức mạnh của quân đội Y-sơ-ra-ên là Đức Giê-hô-va.

Si-sê-ra chạy trốn đến trại của một người tên là Gia-ên. Quân lính của ông đã bị giết sạch, nên bây giờ điều quan trọng nhất của ông là bảo toàn tính mạng của mình. Nhà Gia-ên vốn có quan hệ thân thiết với vua Hát-so, nên khi Si-sê-ra chạy được tới đây thì cảm thấy an toàn. Gia-ên chăm sóc Si-sê-ra rất chu đáo, và vì quá mệt mỏi nên ngủ thiếp đi, không hề cảnh giác. Gia-ên đợi lúc Si-sê-ra ngủ say thì giết ông ta. Vừa lúc đó, Ba-rác và quân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua đó. Gia-ên mời họ vào trại chỉ cho thấy xác Si-sê-ra nằm sóng soài dưới đất.

Đức Chúa Trời đã cho dân Y-sơ-ra-ên toàn thắng Si-sê-ra, y như lời Ngài đã phán với Đê-bô-ra. Nhưng rất tiếc là Ba-rác không có được sự vinh hiển trong chiến thắng nầy, mà vinh hiển đó lại thuộc về Đê-bô-ra, vì ông không hết lòng tin cậy Đức Chúa Trời.

Vui mừng vì chiến thắng, Đê-bô-ra cùng với Ba-rác hát một bài ca ngợi Chúa. Các em có thể đọc bài ca nầy trong Các quan xét đoạn 5, hoặc đọc một phần trong tập học viên. Sau đó, xứ được hòa bình trong 40 năm.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến! Trong bài học nầy, các em học được điều gì qua Ba-rác và Đê-bô-ra? (Cho các em phát biểu).

– Ba-rác: Đáng lẽ Ba-rác là người rất vinh hạnh, vì được chọn làm người lãnh đạo cuộc chiến và biết chắc phần thắng thuộc về mình, nhưng Ba-rác lại sợ hãi. Nếu Ba-rác hết lòng tin cậy Chúa thì ông sẽ không sợ hãi.

– Đê-bô-ra: Khi Ba-rác sợ hãi, trở nên yếu đuối, thì Đê-bô-ra là người khích lệ Ba-rác tin cậy Chúa. Không những khích lệ, Đê-bô-ra còn cùng đi với Ba-rác để giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.

Ai cũng có lúc sợ hãi phải không các em? Vậy, khi sợ hãi, các em thường làm gì? Các em có thể có những ý kiến:

  1. Kể cho cha mẹ hay thầy cô giáo nghe về sự lo sợ của em. Họ sẽ giúp đỡ em.
  2. Chạy trốn.
  3. Đắp mền trùm đầu.
  4. Khóc.
  5. Cầu nguyện v.v…

Câu Kinh Thánh sau đây sẽ giúp các em rất nhiều: “Trong ngày sợ hãi, tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa. Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì” (Thi 56:3-4).

Các em nên nhớ Đức Chúa Trời luôn ở cùng các em. Khi nào trong lòng các em sợ hãi, thì kêu cầu và nhờ cậy Chúa, chắc chắn sẽ không còn sợ hãi nữa.

Còn một vấn đề khác chúng ta cũng cần đề cập tới: “Em làm gì để giúp đỡ bạn đang sợ hãi?” Các em có cách nào giống như cách của Đê-bô-ra không? Em út của các em còn nhỏ, rất sợ bóng tối, các em nên mở đèn để mọi nơi được sáng, hoặc đi cùng với em út ở những chỗ có bóng tối, và không được hù dọa cho em giật mình. Khi một bạn hay sợ, các em phải khích lệ, giúp đỡ, cùng cầu nguyện với bạn ấy. (Cho các em nêu ra nhiều trường hợp khác và cùng cầu nguyện).

BÀI 10. ĐÁNH BẠI SI-SÊ-RA

I. KINH THÁNH: Các Quan Xét 4.

II. CÂU GỐC: “Trong ngày sợ hãi, tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa. Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì” (Thi Thiên 56:3-4).

III. BÀI HỌC.

Sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên từ bỏ Đức Chúa Trời mà thờ lạy thần tượng của dân Ca-na-an. Đức Chúa Trời sửa phạt bằng cách phó họ vào tay Gia-bin, là vua Ca-na-an trị vì tại Hát-so. Quá khốn khổ, dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu Đức Chúa Trời giải cứu.

Lúc đó, nữ tiên tri Đê-bô-ra đang làm quan xét Y-sơ-ra-ên. Bà vâng lời Đức Chúa Trời chọn Ba-rác đi đánh Si-sê-ra, một vị tướng lãnh đạo đội quân của vua Gia-bin. Ba-rác thấy mình không đủ can đảm để gánh vác công việc nầy, nên ông đề nghị Đê-bô-ra cùng đi.

Tuy Ba-rác chỉ có mười ngàn quân, còn Si-sê-ra có cả 900 xe bằng sắt và vô vàn binh lính, nhưng Đức Chúa Trời đã hứa Ba-rác sẽ thắng.

Đức Chúa Trời làm cho hết thảy xe cộ và quân của Si-sê-ra bỏ chạy tán loạn chạy trước mặt Ba-rác. Quân của Si-sê-ra bị giết không sót một người. Si-sê-ra cũng bị giết chết. Dân Y-sơ-ra-ên đã hoàn toàn chiến thắng. Đê-bô-ra cùng với Ba-rác sáng tác một bài hát ca ngợi Chúa.

BÀI 10. LỜI HỨA KỲ DIỆU (GV-HV)

BÀI 10. LỜI HỨA KỲ DIỆU (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ III. 2016 on 19 Tháng Bảy, 2018

BÀI 10. LỜI HỨA KỲ DIỆU

I. KINH THÁNH: 2Sa-mu-ên 6,7; 1Sử Ký 15-17

II. CÂU GỐC: “Ta, Đức Giê-hô-va, đã phán lời đó, và sẽ làm thành” (Ê-xê-chi-ên 36:36).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Khi được Đức Chúa Trời ban cho một lời hứa kỳ diệu, Đa-vít tin tưởng và cảm tạ Ngài.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn thực hiện lời hứa của Ngài.

– Hành động: Cảm ơn Chúa vì lời Ngài hứa cùng chúng ta.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Gợi ý 1: Em tìm được không?

1. Mục đích: Giúp các em hiểu bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh hôm nay.

2. Vật liệu: Tập học viên bài 10, 1 tấm bảng ghi các câu hỏi, mỗi em một tờ giấy cứng (7 x 12cm) (3 x 5cm), kẹp giấy, bút màu.

3. Thực hiện: Giáo viên viết các câu hỏi lên tấm bảng: Hòm giao ước là gì? Hãy vẽ hoặc tìm một tấm hình về hòm giao ước (xem tập học viên bài 10). Tại sao hòm giáo ước lại đặc biệt như vậy? Mỗi em một tờ giấy đáp án ghi “Em tìm được rồi (xem “Gợi ý 1”, phần “Sinh hoạt đầu giờ” bài 3).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

(Chuẩn bị thị trợ: Kinh Thánh, hình phụ trợ (xem phụ lục), rối hình que (xem phụ lục bài 9), hình vẽ “Đa-vít và Giô-na-than ” (xem phụ lục bài 6).

* Phương pháp: Kết hợp sử dụng hình ảnh và con rối diễn kịch để kể chuyện.

1. Vào đề

Cám ơn Chúa vì trong tuần qua, Chúa giúp các em có thể bày tỏ tình yêu thương đối với người khác qua việc thực hiện lời hứa của mình.

Các em còn nhớ Đa-vít và Giô-na-than kết ước điều gì không? Đa-vít thực hiện lời hứa đó như thế nào? (Cho các em trả lời). Đức Chúa Trời cũng hứa với Đa-vít một điều kỳ diệu. Các em theo dõi bài học Kinh Thánh hôm nay xem Đức Chúa Trời hứa gì với Đa-vít nhé.

2. Bài học.

Đa-vít lên ngôi đã nhiều năm, cũng như các vị vua khác, Đa-vít xây dựng cung điện nguy nga cho mình. Một hôm, Đa-vít suy nghĩ và muốn rước hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem (cho các em đưa hình hòm giao ước làm trong phần “Sinh hoạt đầu giờ” ra và giải thích hòm giao ước là gì? Vì sao hòm giao ước lại quan trọng như thế?)

Trước khi Đa-vít làm vua, dân Phi-li-tin cướp lấy hòm giao ước, sau đó họ gởi trả về cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng thay vì đặt trong một nơi tôn nghiêm để thờ phượng, người ta đặt hòm giao ước trong một căn nhà bình thường. Vua Đa-vít muốn đặt hòm giao ước trong một nơi đặc biệt nên phải dời hòm đi; khi chuyển dời hòm giao ước, phải thận trọng và tuân theo lời phán dạy của Đức Chúa Trời (cho các em xem hình). Không ai được đụng vào hòm, kể cả vua Đa-vít. Dân chúng đàn hát, thổi kèn để ca ngợi Đức Chúa Trời. Trong không khí sôi nổi và vui vẻ, hòm giao ước được chuyển đến Giê-ru-sa-lem.

(Đến phần đối thoại giữa Đa-vít và Na-than, giáo viên dùng rối hình que diễn đạt) Khi hòm giao ước được chuyển về Giê-ru-sa-lem, Đa-vít vui mừng. Nhưng còn có điều khiến vua bất an, suy nghĩ nhiều, đó là nơi đặt hòm giao ước. Cuối cùng, vua nói với Na-than là tiên tri của Đức Chúa Trời – người có nhiệm vụ báo cho dân chúng biết ý chỉ của Ngài: “Na-than, ta sống trong cung điện tráng lệ, còn hòm giao ước của Đức Chúa Trời lại ở trong hội mạc. Ta muốn xây một đền thờ cho Đức Chúa Trời làm nơi đặt hòm giao ước để dân chúng đến thờ phượng”. Tiên tri Na-than nghĩ đấy là một ý tốt nên trả lời: “Hãy làm theo điều bệ hạ đã định vì Đức Chúa Trời ở cùng bệ hạ”.

Nhưng trong đêm đó, Đức Chúa Trời bảo Na-than báo cho Đa-vít biết một tin quan trọng: Ngài không muốn vua Đa-vít xây đền thờ vì Ngài đã có chương trình riêng. Qua Na-than, Đức Chúa Trời phán với Đa-vít: “Khi con còn chăn chiên nơi đồng vắng, Ta đã chọn con làm vua cai trị dân sự Ta. Ta vẫn luôn ở cùng, giúp đỡ con. Ta sẽ khiến con trở nên một vị vua vĩ đại và danh tiếng. Nhưng Ta không chọn con xây đền thờ cho Ta, con trai của con sẽ làm việc đó”.

Sau đó, Đức Chúa Trời ban cho Đa-vít một lời hứa kỳ diệu. Sau khi Đa-vít qua đời, dòng dõi của ông sẽ mãi mãi làm vua. Đây là phần thứ nhất của lời hứa, và còn một điều kỳ diệu hơn, ấy là Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một vị vua vĩ đại từ dòng dõi của Đa-vít, và người ấy sẽ làm vua đến đời đời. Lời hứa này mãi đến mấy ngàn năm sau mới trở thành sự thật. Lúc đó, Đa-vít đã chết nhưng ông biết Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa vì Ngài là Đấng thành tín. Đa-vít vui mừng trước lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Lạy Chúa, Ngài thật vĩ đại. Ngoài Ngài không có chân thần nào khác. Ngài đã hứa với con những điều tốt lành. Xin Chúa ban phước cho dòng dõi con. Nguyện ý chỉ Ngài được thực hiện (2Sa-mu-ên 7:22,25,28).

3. Ứng dụng.

– Giúp các em làm con rối ngón tay theo hướng dẫn trong tập học viên. Hỏi các em: Làm thế nào để biết được Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa? (Giải thích cho các em hiểu: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời yêu thương, nhân từ, quyền năng…); cần nhấn mạnh: Đôi khi các em không giữ lời hứa với người khác, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài luôn thực hiện lời Ngài đã hứa.

– Hướng dẫn các em học câu gốc. Nói với các em: Điều gì Đức Chúa Trời hứa, chắc chắn Ngài sẽ thực hiện; khuyến khích các em đọc câu gốc từ bài 1 đến bài 10.

– Cuối cùng, mời một em cầu nguyện cảm tạ Chúa về những lời hứa của Ngài. Giáo viên cầu nguyện kết thúc.

V. PHỤ LỤC.

* Hình phụ trợ: Đa-vít rước hòm giao ước.

1. Vật liệu: Giấy cứng màu trắng, viết chì, viết màu.

BÀI 10.  LỜI HỨA KỲ DIỆU

I. KINH THÁNH: 2Sa-mu-ên 6,7; 1Sử Ký 15 – 17.

II. CÂU GỐC: “Ta, Đức Giê-hô-va đã phán lời đó và sẽ làm thành” (Ê-xê-chi-ên 36:36).

III. BÀI TẬP.

A. THỬ TÀI EM.

1. Vẽ các hình bên lên giấy cứng, cắt ra làm rối ngón tay.

2. Dùng con rối Đa-vít, thuật lại lời hứa của Đức Chúa Trời.

3. Sau đó, kể lại những gì Đa-vít đã hứa với Chúa.

 

 

 

 

 

 

B. LỜI HỨA TRONG KINH THÁNH.

– Dùng một con rối, đọc những lời hứa của Đức Chúa Trời.

“Đừng sợ, Ta sẽ giúp đỡ ngươi” (Ê-sai 41:13).

“Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó” (Sáng 28:15).

“Chớ run sợ… vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).

“Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho” (Giê-rê-mi 33:3).

“Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-líp 4:19).

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5).

 

BÀI 10. CHÚA CỨU THẾ Ở NA-XA-RÉT (GV-HV)

BÀI 10. CHÚA CỨU THẾ Ở NA-XA-RÉT (GV-HV)

in ẤU NHI, QUÍ III. 2016 on 19 Tháng Bảy, 2018

BÀI 10. CHÚA CỨU THẾ Ở NA-XA-RÉT (GV)

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:39-40, 51-52.

II. CÂU GỐC: “Con Trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan” (Lu-ca 2:40a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu lớn lên tại Na-xa-rét, sống khôn ngoan và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời quan tâm và ban cho Chúa Giê-xu sự khôn ngoan.

– Hành động: Em sống khôn ngoan, làm vui lòng Đức Chúa Trời và mọi người.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Xem bản đồ.

  1. Mục đích: Cho các em biết nơi Chúa Giê-xu sinh ra và lớn lên.
  2. Chuẩn bị:

– Photo lớn bản đồ số 6 trong Kinh Thánh, một cây nhỏ dài khoảng 50cm, một ít kẹo.

– Tìm nơi Chúa Giê-xu sinh ra (Bết-lê-hem), và nơi Chúa Giê-xu lớn lên (Na-xa-rét). Ghi hai địa danh trên bằng viết mực đỏ và chữ in lớn cho các em dễ nhìn.     

  1. Thực hiện.

            – Treo bản đồ lên vị trí mà các em dễ nhìn. Dùng cây chỉ lên bản đồ nơi Chúa Giê-xu sinh ra và lớn lên.

            – Hỏi lại từng em và khuyến khích các em lên nói và chỉ lại nơi Chúa Giê-xu sinh ra và lớn lên.

* Lưu ý: Thưởng kẹo cho em nào có thể chỉ và nói lại hai địa danh trên cùng một lần.

* Na-xa-rét: Na-xa-rét là nơi sinh sống của Giô-sép và Ma-ri. Na-xa-rét ở phía Bắc cách thành Giê-ru-sa-lem 120km. Thành ở giữa những núi thấp trong vùng Ga-li-lê, phía Nam dãy Liban. Na-xa-rét trồng nhiều cây ôlive, vả và cam. Dân Na-xa-rét nói giọng rất khó nghe, ít học và thường giao du với người nước ngoài nên bị dân Do Thái khinh bỉ.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Các em thân mến! Chúa Giê-xu đã sinh ra tại đâu? (Bết-lê-hem). Nhưng tại sao Chúa Giê-xu lại sống ở Na-xa-rét? (Cho các em suy nghĩ trả lời). Các em cùng theo dõi nội dung câu chuyện Kinh Thánh hôm nay để biết rõ tại sao Chúa Giê-xu sống ở Na-xa-rét nhé!

  1. Bài học. (Mời một người đóng vai Giô-sép và sử dụng con rối).

– Giô-sép: Chào các cháu! Ông là Giô-sép, người nuôi dưỡng Chúa Giê-xu (chuyển động con rối).

– Giáo viên: Thưa ông Giô-sép, tại sao Chúa Giê-xu lại sống ở Na-xa-rét, mà không phải là Bết-lê-hem nơi Chúa Giê-xu sinh ra?

– Giô-sép: À, lúc Chúa Giê-xu mới sinh, vua Hê-rốt muốn giết Ngài nên ông đem mẹ Chúa Giê-xu và Con Trẻ trốn qua Ai-cập. Khi vua Hê-rốt chết, ông đem Chúa Giê-xu trở về Na-xa-rét để sinh sống.

– Giáo viên: Thưa ông, khi nhỏ Chúa Giê-xu như thế nào?

– Giô-sép: À, Chúa Giê-xu rất ngoan và vâng lời ba mẹ. Đức Chúa Trời ban cho Chúa Giê-xu mau lớn, thân hình khỏe mạnh và tâm trí rất khôn ngoan.

– Giáo viên: Thưa ông, Chúa Giê-xu làm nghề gì, và sống ra sao?

– Giô-sép: Ông là thợ mộc, nên trong thời gian ở với ông, Chúa Giê-xu cũng làm việc giống như ông. Chúa Giê-xu sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và mọi người. Các cháu muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời không? (Cho các em suy nghĩ trả lời).

– Giô-sép: Ông mong các cháu học theo cách sống của Chúa Giê-xu, sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, ba mẹ, thầy cô, bạn bè. Thôi ông có việc gấp phải đi, tạm biệt các cháu! (Chuyển động con rối, từ từ quay lại và hạ xuống).

– Giáo viên và các em (vẫy tay): Chào tạm biệt ông Giô-sép!

  1. Ứng dụng:

Các em thân mến! Chúng ta cảm ơn ông Giô-sép đã nhắc nhở chúng ta phải học theo gương của Chúa Giê-xu để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Các em phải sống và bày tỏ Đức Chúa Trời trong cách sống của các em, các em làm được không?

* Chuẩn bị.

– Kéo, keo, viết chì màu, viết chì.

* Thực hiện.

– Cho các em tô màu hình vẽ.

BÀI 10. CHÚA CỨU THẾ Ở NA-XA-RÉT (HV)

 I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:39-40, 51-52.

II. CÂU GỐC: “Con Trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan” (Lu-ca 2:40a).

III. BÀI TẬP.

Cho các em tô màu hình vẽ.