Ngày: Tháng Mười 28, 2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA. BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT. 3.11.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA. BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT. 3.11.2019

in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười, 2019

Chúa nhật 03.11.2019.

  1. Đề tài: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĂN NĂN.
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 15:7,10.
  3. Câu gốc: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2Phi-e-rơ 3:9).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 03.11.2019

in PHỤ NỮ on 28 Tháng Mười, 2019

Chúa nhật 03.11.2019

  1. Đề tài: SỬ DỤNG ÂN TỨ ĐỂ PHỤC VỤ.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 12:1-21.
  3. Câu gốc: “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta” (Rô-ma 12:6a).
  4. Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 1-3.
  5.  Thể loại: Học Kinh Thánh

* Câu hỏi học Kinh Thánh.

(1.1) Phaolô khuyên điều gì cho những người đã được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời? (Rô-ma 12:1,2).

(1.2) Dâng thân thể có ý nghĩa gì?

(1.3) Bạn học được gì qua việc dâng thân thể làm của lễ sống và thánh?

(2.1) Xin cho biết tại sao Phaolô phải nói đến một thân có nhiều chi thể? (Rô-ma 12:3-8).

(2.2) Việc nầy chứng tỏ điều gì qua điều Phaolô muốn nói đến?

(2.3) Bạn học được gì nơi Phaolô dạy bảo?

(3.1) Phaolô đưa ra phẩm chất nào để nói lên sự vâng lời và làm theo Lời Đức Chúa Trời dạy? (Rô-ma 12:9-18).

(3.2) Phẩm chất nầy nói lên điều gì giữa chúng ta với Đức Chúa Trời?

(3.3) Bạn đã thật sự yêu anh em mình chưa? Khi bạn đã làm điều đó rồi thì chính bạn cảm nhận được điều gì trong đời sống bạn? (điều đó nói lên rằng Chúa thật sự đang ở trong lòng bạn đó).


* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sống ở thành phố chúng ta có dịp chứng kiến những công trình xây cất nhà ở. Thoạt đầu người ta dùng xe ủi để san bằng mảnh đất. Kế đến, người thợ hồ bắt tay vào việc. Ông thợ điện đem ánh sáng cho căn nhà, ông thợ sơn với những đường lả lướt mang một nét mặt mới đến với ngôi nhà. Qua lại trong bảy, tám tuần thì ngôi nhà xinh xắn có thể sẵn sàng cho người chủ mới dọn vào.

Điều nầy làm tôi liên tưởng đến những mái lá ở miền quê được dựng lên không đòi hỏi những người thợ có kinh nghiệm chuyên môn và những chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, nhà cửa họ dựng nên không bền vững và quy mô như công trình xây cất của những người thợ được huấn luyện và trang bị kỹ càng.

Đời sống Cơ Đốc nhân cũng như người thợ xây nhà, họ cần được Đức Chúa Trời huấn luyện và trang bị những ân tứ của Ngài.

I. THÂN THỂ CƠ ĐỐC NHÂN LÀ CỦA LỄ SỐNG (Rô-ma 12:1-2).

Trong một buổi nhóm cầu nguyện, một tín hữu bày tỏ lòng yêu mến Chúa qua câu hỏi cho nhóm. Tôi phải làm gì để minh chứng lòng yêu Chúa của tôi? Đây cũng là câu hỏi mà những tín hữu thành Rô-ma hai ngàn năm trước đã thắc mắc. Phao-lô khuyên họ nên dâng trọn thân thể họ như một của lễ sống và thánh cho Chúa. Điều đó có nghĩa họ nên dâng cho Chúa cả tâm linh, ước muốn, lẫn thân xác mà Chúa đã ban cho họ quyền quản trị trên nó.

Lý do là thân thể ấy đã được chuộc bằng một giá rất cao khi Con Đức Chúa Trời chịu hình thay cho họ trên cây thập tự. “Nhưng Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bệnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người” (Ê-sai 53:5-6).

Một bộ lạc người da đỏ ở châu Mỹ có phong tục rất đặc biệt. Bất cứ ai cứu mạng một người nữ da đỏ nào thì người nữ ấy sẽ trả ơn bằng cách suốt đời làm nô lệ săn sóc vị ân nhân đã cứu mạng mình. Lời Chúa kêu gọi Cơ Đốc nhân dâng mình cho Chúa không có nghĩa là trả ơn cứu tử, mà là lời kêu gọi vào một nếp sống tự do mới dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Nói cách khác chúng ta được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời. Chữ “Thánh” trong câu 1 có nghĩa là biệt riêng ra cho Chúa. Chúng ta được biệt riêng ra thành những của lễ đẹp lòng Chúa, mang thức hương thật, đến trước ngôi Ngài.

Trong câu 2, Phao-lô giải thích cách sống mà tín đồ nên có. Ông cho biết lối sống của thế gian lắm khi tương phản với lối sống của Cứu Chúa Giê-xu, vì thế Phao-lô kêu gọi chúng ta đừng nên đua đòi theo lối sống của thế gian. Chúng ta nên nương tựa vào sự đổi mới của tâm linh từ khi được cứu rỗi, để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Mỗi Cơ Đốc nhân nên tự hỏi: Từ khi tin nhận Chúa đời sống của cá nhân mình có gì thay đổi không? Những điều gian dâm, ô uế, say sưa, luông tuồng, gian dối… có còn là hành động của chúng ta nữa không? Trong khi sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta là sự ban cho của Chúa, người nhận sự cứu rỗi phải ăn năn, từ bỏ nếp sống tội lỗi để sẵn sàng nhận lãnh ân tứ cứu rỗi của Ngài.


II. CÓ NHIỀU ÂN TỨ BAN CHO KHÁC NHAU (Rô-ma 12:3-8).

Trở lại vấn đề xây cất nhà cửa. Người thầu khoán chỉ mướn những người thợ có khả năng chuyên môn cho từng công việc chuyên môn. Thí dụ: Ông không thể mướn một người thợ điện để làm việc của thợ hồ, và ông cũng không bắt thợ hồ phải dùng dụng cụ của thợ điện để xây cất một công trình kiến trúc. Đời sống của con cái Chúa cũng vậy. Chúa ban cho mỗi chúng ta những ân tứ khác nhau để phục vụ Ngài. Người thì có ân tứ giảng dạy. Người thì có ân tứ giao thiệp. Người thì được ban cho sự thương xót. Người thì được ân tứ đức tin mạnh mẽ. Phao-lô gọi chung Cơ Đốc nhân là thân thể của Đấng Christ; và mỗi Cơ Đốc nhân là một chi thể khác nhau trong một thân là Hội Thánh Chúa. Thân thể được mạnh mẽ là khi tất cả các chi thể đều hợp tác và hành động theo khả năng, nhiệm vụ riêng. Lỗ tai không chịu nghe mà muốn thấy, thì thân thể sẽ bị điếc. Trong Hội Thánh, nếu các tín hữu không dùng những ân tứ Chúa ban cho từng cá nhân, nhưng tranh giành nhiệm vụ của người khác, thì Hội Thánh không phát triển được.

Cùng lúc, Phao-lô khuyên, tín đồ không nên có “tư tưởng cao quá lẽ”. Đừng nghĩ rằng ân tứ và nhiệm vụ của mình là quan trọng hơn người khác. Đôi mắt rất quan trọng cho cơ thể. Nhưng mũi, tai, lưỡi, chân cũng đều quan trọng. Trong Hội Thánh của Chúa, Mục sư và ban chấp sự không phải là những người ỷ vào quyền chức của mình để đòi hỏi tín đồ phải vâng phục. Động từ “cai trị” (c.8) có nghĩa là dìu dắt, hướng dẫn và phục vụ. Ga-la-ti 5:13 kêu gọi chúng ta “hãy lấy lòng yêu thương mà làm đầy tớ lẫn nhau”. Vài chữ quan trọng trong phần Kinh Thánh, mà chúng ta nên chú ý đến là: “buộc mình, chăm và siêng năng”. Hầu việc Chúa không phải là việc làm khi thuận tiện. Hầu việc Chúa không phải là việc làm chỉ khi nào vui thỏa. Hầu việc Chúa không phải là việc làm tạm thời. Nhưng hầu việc Chúa là sự kêu gọi trọn đời sống của Cơ Đốc nhân. Dầu bất cứ hoàn cảnh nào, vui, buồn, bận rộn hay rảnh rang, nếu được Chúa gọi làm một việc gì cho Ngài, chúng ta nên chuyên tâm để hoàn tất công việc vì biết rằng tất cả mọi việc trên thế gian nầy đều từ nơi Chúa mà đến.


III. KẾT QUẢ CỦA CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH (Rô-ma 12:9-18).

Sau khi giãi bày về các ân tứ, Phao-lô đi đến đề tài tình yêu thương. Bao nhiêu ân tứ thuộc linh của Chúa ban cho đều dùng với một mục đích trọng yếu là yêu mến Chúa. Chúng ta nên đề phòng đừng để sự cạnh tranh, tư lợi, khoe khoang làm động cơ thúc đẩy chúng ta trong công việc của Hội Thánh. Có khi nào chúng ta dâng hiến nhiều, không phải là yêu mến Chúa mà muốn cả Hội Thánh thấy chúng ta rộng lượng không? Có khi nào chúng ta hăng hái làm việc trong Hội Thánh, không phải vì yêu mến Chúa nhưng vì muốn ai ai cũng khâm phục chúng ta không? “Đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì” (Ma-thi-ơ 6:3).

Ai thành thật yêu mến Chúa thì người đó phải thành thật yêu mến anh em mình Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta” (Giăng 14:21). Tình yêu thật sự bao gồm những đức tính như siêng năng, sốt sắng, nhịn nhục, khiêm nhường, rộng lượng. Kết quả của các ân tứ thuộc linh là tình yêu thương. Càng hầu việc Chúa nhiều chừng nào, chúng ta càng có lòng yêu mến Ngài và anh em của chúng ta nhiều chừng nấy.

Có một đôi vợ chồng tín đồ về hưu, tình nguyện dành thì giờ đi làm giáo sĩ ở Arizona. Sau một năm các bạn của họ đều thấy sự thay đổi trong đời sống của hai tín đồ nầy. Họ không còn thói chỉ trích, phàn nàn người khác như xưa nữa. Trái lại, họ vui vẻ, hòa thuận và cảm thông với mọi người. Lắm lúc trong Hội Thánh, những người chỉ trích nhiều chừng nào lại là những người ít nhúng tay vào công việc của Hội Thánh chừng nấy. Nếu ai ai trong Hội Thánh đều dùng ân tứ của Chúa ban để hợp tác làm việc thì không có thì giờ ngồi không để phàn nàn, đoán xét hoặc phê bình anh em mình.

Tất cả Cơ Đốc nhân đều được Chúa ban cho một số ân tứ. Ân tứ của bạn là gì? Bạn có sử dụng ân tứ đó để phục vụ Chúa chưa?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Muốn nhổ lông vịt nhanh: Khi làm vịt, lúc cắt tiết, không nên để vịt xuống đất vì các lông măng của vịt sẽ mọc ra tua tủa. Sau đó nhúng vịt vào nước đun sôi có pha chút vôi ăn. Làm cách này vịt sẽ dễ nhổ lông.