Ngày: Tháng Hai 12, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 18.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 18.02.2024

in PHỤ NỮ on 12 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 18/02/2024.

  1. Đề tài: GIÔ-SÉP – NGƯỜI EM CỨU SỐNG GIA ĐÌNH.
  2. Kinh Thánh: Sáng 37:1-4; 41:37-48; 45:1-15; Công 7:9-14.
  3. Câu gốc: “Bởi điều nầy, chúng ta biết được tình yêu thương: Ấy là Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. Vậy chúng ta phải hi sinh mạng sống vì anh em mình” (1Giăng 3:16 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 1-3.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Giô-sép và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Giô-sép từ ngoài bước vào phòng nhóm.

– PV: Dạ, xin kính chào cụ Giô-sép!

– Giô-sép: Chào các cháu!

– PV: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho các chị em trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy, cụ có thể giúp chúng cháu tìm hiểu về cuộc đời và những giấc mơ của cụ được không thưa cụ?

– Giô-sép: Được, các cháu cứ hỏi!

– PV: Trước tiên, xin cụ cho chúng cháu biết về quê hương và gia cảnh của cụ?

– Giô-sép: Ta là con trai thứ mười một trong gia đình, và là đứa con được chịu chuộng của người vợ mà cha ta hết mực yêu thương. Ta sinh ra và lớn lên ở Cha-ran, sau đó cha ta đưa cả gia đình về Ca-na-an, vùng đất Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham, ông nội ta. Nhưng rồi ta bị đưa qua Ai-cập và cuối cùng ta lại đưa cả gia đình sang sinh sống tại đó.

– PV: Gia đình cụ thật là đông người thế mà hay di cư từ nơi nầy sang nơi khác. Cháu không hiểu vì sao cụ và gia đình rời Ca-na-an thân yêu đến Ai-cập là vùng đất hoàn toàn xa lạ?

– Giô-sép: Vì là đứa con được cha yêu thương hơn các anh. Cha ta cho ta một chiếc áo choàng nhiều màu xinh đẹp. Hơn nữa, ta biết vâng lời cha và không hiệp với các anh trong những chuyện xấu họ làm. Vì thế, các anh sinh lòng ghen ghét ta.

– PV: Vậy sao cụ không biện minh với các anh?

– Giô-sép: Một đêm kia, ta thấy một giấc mơ. Ta thuật lại cách tự nhiên về các bó lúa, mặt trời, mặt trăng, cùng mười một ngôi sao đều quì lạy trước mặt ta. Từ đó, các anh gắn cho ta cái tên “Thằng nằm mộng!”

– PV: Hình như cái tên nầy gắn liền với cuộc đời cụ?

– Giô-sép: Vâng, từ giấc mơ trên, các anh càng sinh thêm lòng ghen ghét ta. Một hôm, ta đi thăm các anh đang chăn bầy ở Đô-ta-in. Các anh bàn mưu giết ta bằng cách liệng ta xuống giếng. Sau đó lại đem ta lên rồi bán cho các tay buôn Ích-ma-ên với giá hai mươi miếng bạc.

– PV: Việc làm của các anh cụ thật là gian ác. Từ đó về sau, cụ sống lưu lạc nơi đất khách quê người như thế nào?

– Giô-sép: Họ dẫn ta đến Ai-cập và bán làm đầy tớ cho nhà Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn, vua Ai-cập. Đức Chúa Trời ở cùng ta, khiến mọi việc ta làm đều thạnh lợi. Ta được chủ tin cậy và lập làm người quản gia coi sóc mọi tài vật trong nhà. Vợ chủ thấy ta là một thanh niên có năng lực nên liếc mắt đưa tình cùng ta, nhưng ta quyết định không nghe theo lời cám dỗ của bà, nên bị bà vu oan và bỏ tù.

– PV: Đáng khâm phục lòng kính sợ Chúa của cụ đã đắc thắng được cám dỗ nầy. Những ngày trong tù cụ sống thế nào?

– Giô-sép: Đức Chúa Trời ở cùng khiến ta được lòng người cai ngục. Ngài cũng ban cho ta sự khôn ngoan để giải nghĩa điềm chiêm bao cho quan tửu chánh và quan thượng thiện đang bị giam giữ. Mọi điều xảy ra cho hai quan đúng như lời ta đã bàn.

– PV: Ồ, việc gì mà kỳ diệu vậy? Cụ có thể kể tiếp cho chúng cháu biết không ạ?

– Giô-sép: Một đêm kia Pha-ra-ôn chiêm bao thấy bảy con bò ốm nuốt bảy con bò mập và bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc. Giấc mơ nầy khiến vua bối rối và các thuật sĩ trong nước không ai có thể giải được. Bấy giờ, quan tửu chánh là người trước kia được ta bàn mộng, báo trước về sự phục chức của ông, bèn nhớ lại và giới thiệu ta cho vua.

– PV: À, thế là nhân cơ hội ấy cụ được ra khỏi tù. Cuộc sống mới của cụ diễn tiến như thế nào?

– Giô-sép: Được diện kiến vua, ta được Chúa bày tỏ để báo cho vua biết điều sẽ xảy ra. Điềm chiêm bao có nghĩa xứ Ai-cập sẽ có bảy năm được mùa và tiếp theo là bảy năm đói kém. Qua lời giải, Pha-ra-ôn nhìn biết ta là người khôn ngoan, có sự thông sáng của Đức Chúa Trời, nên lập ta làm chức tể tướng xứ Ai-cập, lo việc thâu trữ lương thực, đề phòng cho bảy năm đói kém sắp đến.

– PV: Thật là tuyệt! Từ một địa vị thấp hèn, Chúa cất nhắc cụ lên một địa vị thật cao trọng. Cảm giác của cụ lúc ấy thế nào với chức vị cao trọng đó?

– Giô-sép: Lúc nầy ta thật sung sướng vì biết rằng Chúa cất nhắc ta lên để làm việc lớn cho Ngài. Pha-ra-ôn cũng nhìn biết điều nầy nên đặt tên cho ta là Xa-phơ-nát Pha-nê-ách, có nghĩa là “Người cứu thế” hay “Người cầm giữ sự sống”.

– PV: Vậy cụ có làm đúng như vai trò và ý nghĩa của tên đó không, thưa cụ?

– Giô-sép: Có đấy các cháu! Không chỉ cứu sống được người dân Ai-cập mà ta còn cứu sống đại gia đình ta nữa.

– PV: Cụ không giận và buồn vì cách cư xử tệ bạc của các anh cụ sao? Cụ giúp gia đình bằng cách nào?

– Giô-sép: Khi cơn đói kém xảy đến, hay tin ở Ai-cập có vựa lúa lớn, nên các anh tìm đến Ai-cập để mua lúa. Các anh đến quì trước ta xin mua lúa, giống như điều ta thấy trong giấc mơ hơn mười năm trước kia! Ta nhận ra các anh ngay, nhưng các anh chẳng nhận ra ta. Ta thương các anh lắm, nhưng chưa muốn tỏ mình cùng các anh.

– PV: Thưa cụ, vì sao vậy? Cụ dự tính làm một điều gì bất ngờ cho các anh phải không cụ?

– Giô-sép: Sau nhiều năm xa cách, ta muốn biết tâm tánh các anh hiện giờ thế nào nên đã nhiều lần nói thử. Ta vui mừng biết rằng thời gian qua các anh đã thay đổi. Họ yêu thương che chở cho nhau thay vì ghen ghét nhau. Ta đã tỏ mình cùng các anh và tha thứ lỗi lầm của họ. Ta đề nghị các anh trở về rước cha và dời cả gia đình xuống Ai-cập. Như vậy, ta đã bảo bọc và cứu sống cả gia đình qua cơn đói kém lớn.

– PV: Cám ơn cụ đã cho chúng cháu biết câu chuyện cụ và gia đình rời Ca-na-an, vùng đất thân yêu để đến Ai-cập.

– NHD: Thưa các chị em! Chúng ta vừa nghe cụ Giô-sép trình bày về cuộc đời và những giấc mơ của cụ. Nguyện Chúa giúp chúng ta kính sợ Chúa, đắc thắng sự cám dỗ, có lòng độ lượng tha thứ như cụ.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Giô-sép có hai điềm chiêm bao báo trước cho chàng một tương lai sáng chói. Chính vì các điềm chiêm bao ấy, cuộc đời Giô-sép đã phải trải qua nhiều nỗi khổ đau, cuối cùng, những điều Giô-sép thấy trong giấc mơ đã trở thành sự thật.

Đời sống Giô-sép gồm bốn giai đoạn:

  1. Giô-sép trong gia đình (Sáng 37).

Thời thơ ấu của Giô-sép cho đến khi lên mười bảy tuổi, Giô-sép chăn chiên với các anh tại Si-chem, có tính tốt, biết vâng lời cha, không làm chuyện xấu. Các anh bắt đầu ghen ghét, khi thấy cha cho Giô-sép chiếc áo choàng nhiều màu xinh đẹp. Lòng ghen tị của các anh càng thêm khi nghe Giô-sép thuật lại điềm chiêm bao một cách tự nhiên về các bó lúa, mặt trời, mặt trăng cùng mười một ngôi sao đều quì lạy trước mặt Giô-sép. Gia-cốp sai Giô-sép đi thăm các anh đang chăn bầy ở Đô-ta-in, các anh bàn mưu giết Giô-sép bằng cách liệng xuống giếng sâu. Sau đó lại đem Giô-sép lên khỏi giếng và bán cho các tay buôn Ích-ma-ên với giá hai mươi miếng bạc.

  1. Giô-sép trong nhà Phô-ti-pha (Sáng 37,39).

Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép khiến mọi việc chàng làm cho nhà Phô-ti-pha đều thạnh lợi. Sau đó vợ Phô-ti-pha đưa mắt cùng Giô-sép, nhưng Giô-sép quyết định không nghe theo lời cám dỗ của vợ chủ, bị bà vu oan, bỏ tù.

  1. Giô-sép trong tù (Sáng 39-40).

Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép, Giô-sép được lòng người cai ngục. Ngài cũng ban cho Giô-sép sự khôn ngoan để giải nghĩa điềm chiêm bao cho quan tửu chánh và quan thượng thiện đang bị giam giữ. Pha-ra-ôn chiêm bao thấy bảy con bò ốm nuốt bảy con bò mập, và bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc. Điềm chiêm bao báo trước xứ Ai-cập sẽ có bảy năm được mùa và tiếp theo là bảy năm đói kém.

  1. Giô-sép trong đền vua Pha-ra-ôn (Sáng 41-50).

Pha-ra-ôn biết Giô-sép là người khôn ngoan, có thần minh của Đức Chúa Trời ở cùng, lập Giô-sép làm tể tướng Ai-cập, lo việc thâu trữ lương thực đề phòng cho bảy năm đói kém sắp đến.

Sau mười ba năm bị bán xuống Ai-cập, Giô-sép từ một tên nô lệ, một tù nhân, đã được Đức Chúa Trời đưa lên chức cao nhất của Ai-cập vào năm ba mươi tuổi. Bảy năm được mùa trôi qua, bây giờ cơn đói kém xảy đến. Nghe ở Ai-cập có vựa lúa lớn, Gia-cốp bèn sai các con trai đi mua lúa. Các anh đến quì trước Giô-sép xin mua lúa, giống như điều Giô-sép thấy trong giấc mơ hơn mười năm trước. Sau nhiều lần thử thách, Giô-sép tha thứ lỗi lầm của họ. Giô-sép bảo bọc, cứu sống cả gia đình qua cơn đói kém lớn. Giô-sép sống đến 110 tuổi, qua đời tại Ai-cập vào khoảng năm 1800 T.C.

  1. SUY GẪM.
  2. Khi bị bán làm nô lệ trong nhà quan Phô-ti-pha: Giô-sép sống với sứ mạng của người đầy tớ trung thành hầu việc và được Đức Chúa Trời ban phước, khiến chủ nhìn biết Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (Sáng 39).
  3. Khi bị vu oan vào tù: Giô-sép sống với sứ mạng của người bạn, chăm sóc, giúp đỡ người đồng cảnh ngộ, Giô-sép giúp giải điềm chiêm bao cho hai quan của triều vua Pha-ra-ôn (Sáng 40).
  4. Khi được cất nhắc lên địa vị làm tể tướng xứ Ai-cập:

   (1) Giô-sép cho người chủ Phô-ti-pha biết Đức Chúa Trời là Đấng ban phước. (2) Cho hai quan trong ngục biết Đức Chúa Trời là Đấng Thần Minh, biết trước mọi điều kín nhiệm của con người. (3) Cho Pha-ra-ôn thờ đa thần biết chỉ có Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Đấng Chân Thần duy nhất. Điểm sáng trong đời sống Giô-sép là tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.

– Sứ mạng cứu sống gia đình của Giô-sép nhắc chúng ta trách nhiệm chăm sóc người trong gia đình chẳng những về phần thuộc thể nhưng cả phần thuộc linh.

– Sứ mạng cứu sống dân tộc khác trong cơn đói, nhắc chúng ta trách nhiệm chăm sóc nhu cầu cho kẻ khác không phải chỉ trong công tác xã hội, nhưng điều quan trọng hơn hết là trong công việc truyền bá Phúc Âm giới thiệu Chúa Giê-xu là Bánh Sự Sống cho người đang trong cơn đói kém thuộc linh (Giăng 6:35).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ VITAMIN
(tiếp theo).

  1. Vitamin K.

– Sử dụng khi: Nhiều người lớn tuổi lo lắng về chứng loãng xương do thiếu vitamin K, trẻ sơ sinh mới dễ bị thiếu hụt loại vitamin nầy.

 Nguồn gốc: Có trong dầu cá, các loại cá biển như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ… bơ và trứng.

 Phản ứng: Dùng vitamin K quá liều trong một thời gian dài sẽ rất nguy hiểm vì chúng có thể tích tụ, phá vỡ hồng cầu và làm tổn thương gan.

  1. Calcium.

– Sử dụng khi: Uống nhiều côca, hay dùng nhiều vitamin B… sẽ làm giảm khả năng hấp thụ lượng Calcium, nên bổ sung thêm Calcium cho cơ thể.

– Nguồn gốc: Có trong các sản phẩm từ sữa, vừng (mè), hạnh nhân và rau xanh.

 Phản ứng: Có thể là một nguyên nhân dẫn đến sỏi thận.  

  1. Sắt.

– Sử dụng khi: Các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, cà phê… làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Do đó, bạn cần bổ sung lượng sắt bị thiếu hụt nầy.

 Nguồn gốc: Có trong các loại thịt có màu đỏ, hải sản, thịt gà, quả mơ, ca cao…

– Phản ứng: Dùng nhiều có thể dẫn đến bệnh viêm khớp, hại gan, gây ra bệnh tim và ung thư đại tràng.

  1. Kẽm.

– Sử dụng khi: Thiếu máu, hệ tuần hoàn máu hoạt động kém, dễ bị dị ứng…

 Nguồn gốc: Có trong hải sản, thịt có màu đỏ, trứng gà, hạt đậu, và rau xanh.

– Phản ứng: Nếu dùng quá 2.000mg kẽm/ngày trong một thời gian dài, sẽ bị các triệu chứng như: Nôn mửa liên tục, sốt cao.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.02.2024

in NAM GIỚI on 12 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 18.02.2024

  1. Đề tài: CHÚA PHÁN QUA HOÀN CẢNH.
  2. Kinh Thánh: Xuất 5:22-23, Gióp1-2; Lu-ca 7:11-17; Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28a).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 25-27.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm.

  1. 1Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

* CÂU HỎI GỢI Ý:

Đọc Lu-ca 7:11-17, trả lời các cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi quan sát: Trước khi Chúa Giê-xu đến, người đàn bà góa ở thành Nain đang ở trong hoàn cảnh như thế nào?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Khi Chúa Giê-xu đếnNgài đã bày tỏ chính mình Ngài như thế nào trước hoàn cảnh của người đàn bà góa đó?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu lâm vào hoàn cảnh đau thương, khắc nghiệt?

(2.1) Mô tả những hành động của Chúa Giê-xu khi Ngài gọi người trai trẻ ở Na-in sống lại.

(2.2) Những hành động của Chúa đã chứng tỏ điều gì?

(2.3) Bạn nhận được sự dạy dỗ nào khi đọc phân đoạn Kinh Thánh này?

(3.1) Những người ở thành Na-in đang làm gì khi Chúa đến?

(3.2) Tại sao Danh Đức Chúa Trời được vinh hiển tại nơi đây?

(3.3) Bạn đã làm gì để Danh Chúa được vinh hiển tại nơi bạn ở?

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành 2 hoặc 3 nhóm.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đức Chúa Trời kiểm soát các hoàn cảnh, Ngài đóng cửa này và mở cửa kia. Không việc gì xảy đến cho chúng ta cách ngẫu nhiên. Mỗi chi tiết nhỏ đều được Chúa hoạch định. Chúng ta chấp nhận các hoàn cảnh xảy đến như là những bản chỉ đường, Chúa dùng để chỉ dẫn hướng đi cho chúng ta. Trong khi lái xe, đèn đỏ cũng có giá trị chỉ đường y như đèn xanh. Hoàn cảnh trở ngại có thể là dấu hiệu dừng lại để chúng ta tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi sự dẫn dắt của Chúa.

  1. Có Cách Nhìn Của Chúa Qua Hoàn Cảnh.

Đôi khi hoàn cảnh có vẻ như “tồi tệ”. Có lẽ bạn thấy mình ở giữa một hoàn cảnh “tồi tệ” và muốn hỏi Chúa “Vì sao điều này lại xảy đến cho con?” Rồi bạn bắt đầu cầu nguyện tráchmóc Chúa, bạn nghi ngờ tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài. Biết bao điều sai quấy có thể xảy ra nếu bạn cố nhìn xem Đức Chúa Trời từ giữa những hoàn cảnh ấy. Không phải chỉ có một mình bạn như vậy đâu.

Gióp đã gặp một từng trải tồi tệ giống như vậy. Ông không biết điều gì đang diễn ra, khi tất cả những gì mình có đều bị tiêu hủy, con cái bị giết, còn mình thì ngứa khắp người (Gióp 1:1, 2:13). Gióp đã vật lộn với sự hiểu biết về hoàn cảnh của mình. Ông không biết điều gì đang xảy ra từ nhãn quan của Đức Chúa Trời (1:6-12; 2:1-7). Ông cũng không biết đoạn cuối (42:12-17) là nơi Chúa sẽ khôi phục tài sản, gia đình và sức khỏe cho ông.

Các bạn của Gióp nghĩ họ đã có được cái nhìn của Chúa, và bảo ông phải xưng tội mình. Gióp không tìm thấy điều nào không công bình trong đời sống mình để xưng ra cả. Nếu bạn không biết nhãn quan của Đức Chúa Trời, bạn nghĩ mình sẽ đứng về phía của ai? Phía của Chúa hay Gióp? Chắc bạn sẽ đứng cùng phía với Gióp, và nói rằng: “Tôi muốn hỏi Chúa xem điều gì đang diễn ra. Vì sao Ngài lại cho phép điều này xảy ra?” Bạn sẽ nghĩ Chúa đang tàn nhẫn với Gióp.

Muốn hiểu được những hoàn cảnh tồi tệ hoặc gian truân của bạn, điều hết sức quan trọng là phải có cách nhìn của Đức Chúa Trời. Khi bạn đối diện những hoàn cảnh khó khăn hay khó hiểu, chúng có thể áp đảo vùi dập bạn. Nếu đặt mình vào giữa những hoàn cảnh ấy rồi cố nhìn xem Chúa, bạn sẽ luôn luôn hiểu biết lệch lạc về Ngài. Chẳng hạn, bạn có thể bảo: “Chúa không yêu thương tôi” hoặc “Chúa bất công”. Cả hai câu tuyên bố đó về Chúa đều sai lầm. Biết bao điều sai quấy có thể xảy ra nếu bạn cố nhìn xem Chúa từ giữa những hoàn cảnh ấy.

Như vậy, bạn phải làm gì? Trước hết, hãy đến cầu xin Chúa bày tỏ cho bạn thấy quan điểm của Ngài về hoàn cảnh của bạn. Hãy nhìn lại những hoàn cảnh của bạn từ tấm lòng của Chúa. Khi bạn gặp những hoàn cảnh khó khăn hay khó hiểu, Thánh Linh của Chúa một lần nữa dùng Lời Chúa giúp bạn hiểu hoàn cảnh của mình từ nhãn quan của Ngài. Ngài sẽ bày tỏ cho bạn biết sự thật về hoàn cảnh ấy.

Bạn cần nhớ Đức Chúa Trời là Đấng tể trị tối thượng. Bạn có thể gặp hoàn cảnh tương tự như từng trải của Gióp mà tại đó, Chúa không cho biết Ngài đang làm gì. Trong những hoàn cảnh đó, hãy công nhận tình yêu và quyền tể trị tối thượng của Chúa, rồi nương cậy ân điển nâng đỡ của Ngài đưa bạn vượt qua.

  1. Lắng Nghe Lời Chúa Qua Hoàn Cảnh.

Bạn không thể biết sự thật về hoàn cảnh của mình, cho đến khi bạn nghe được Lời từ Đức Chúa Trời.

Trong Xuất 5:1, 6:30, Môi-se đã làm đúng như được truyền dặn và yêu cầu Pha-ra-ôn cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Pha-ra-ôn từ chối và càng gây khó khăn thêm cho Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên đã quay sang nhắm vào Môi-se, chỉ trích ông gây ra bao rắc rối cho họ. Môi-se đã đáp ứng như thế nào trong hoàn cảnh này?

Ông đổ thừa cho Chúa và trách Ngài không làm điều đã hứa. Môi-se nói: “Lạy Chúa! Sao Chúa đã làm hại cho dân sự này? Chúa sai tôi đến mà chi? Từ khi tôi đi yết kiến Pharaôn đặng nhân Danh Chúa mà nói, thì người lại ngược đãi dân này, và Chúa chẳng giải cứu dân của Chúa” (Xuất 5:22-23). Môi-se ngã lòng đến nỗi sẵn sàng bỏ cuộc (Xuất 6:12). Đó cũng là cách đáp ứng thông thường của chúng ta khi đứng trước những hoàn cảnh như thế.

Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn với chúng ta. Chúa dành thì giờ giải thích cho Môi-se biết cách nhìn của Ngài. Chúa giải thích Ngài muốn Pha-ra-ôn chống nghịch để dân sự nhìn thấy được cánh tay giải cứu đầy quyền năng của Chúa. Ngài muốn dân sự tiến đến chỗ biết Ngài (bằng kinh nghiệm) là Đấng “TỰ HỮU HẰNG HỮU” vĩ đại. Hãy học tập theo gương của Môi-se. Khi đối diện những hoàn cảnh khó hiểu, đừng bắt đầu đổ thừa cho Chúa. Đừng bỏ không đi theo Ngài nữa. Hãy đến với Chúa. Hãy cầu xin Ngài bày tỏ sự thật về những hoàn cảnh của bạn. Hãy cầu xin Ngài cho bạn thấy nhãn quan của Ngài. Sau đó hãy chờ đợi Chúa.

Bạn cần phải để cho đời sống mình hướng về Chúa cách triệt để. Điều khó khăn nhất phải làm đó là bạn từ chối bản ngã, nhận lấy ý muốn của Chúa, rồi bước đi theo Ngài. Phần khó khăn nhất trong mối quan hệ của bạn với Chúa là chịu tập trung vào Ngài. Nếu phải ghi chép lại trọn ngày trong đời mình, có thể bạn thấy những lời cầu nguyện, thái độ, tư tưởng của bạn cùng mọi điều trong ngày ấy đều tập trung triệt để vào bản ngã. Có thể bạn vẫn chưa nhìn thấy sự việc theo cách nhìn của Chúa. Có thể bạn đang cố giải thích cho Chúa biết quan điểm của mình ra sao. Khi Ngài trở thành Chúa đời sống bạn, duy một mình Ngài mới có quyền để làm:

– Tiêu Điểm trong đời sống bạn.

– Đấng Khởi Xướng trong đời sống bạn.

– Đấng Chỉ Dẫn đời sống bạn.

Đây chính là ý nghĩa của việc để Ngài làm Chúa trong đời sống bạn.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Bạn hiểu thế nào về nhãn quan của Đức Chúa Trời? Tại sao cần phải có nhãn quan của Chúa?
  2. Trong Xuất 5:1- 6:30, nếu ở địa vị của Môi-se, bạn sẽ làm gì?
  3. Bí quyết nào đã giúp bạn vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, và thử thách trong cuộc sống?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.02.2024

in THANH NIÊN on 12 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 18.02.2024.

  1. Đề tài: VÂNG PHỤC MỆNH LỆNH.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 22:1-19.
  3. Câu gốc: “Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó, vì bây giờ Ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi” (Sáng thế Ký 22:12).
  4. Đố Kinh Thánh: E-xơ-ra 6-10.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn Học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.

* Câu hỏi học Kinh Thánh.

(1.1) Đức Chúa Trời thử đức tin của Áp-ra-ham bằng cách nào và Áp-ra-ham đáp ứng ra sao? (Sáng thế Ký 22:1-10).

(1.2) Vì sao Đức Chúa Trời đòi Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ thiêu? Việc làm nầy khó khăn thế nào cho Áp-ra-ham?

(1.3) Học hỏi đời sống Áp-ra-ham, bạn sẽ làm gì khi đối diện với những vấn đề khó khăn?

(2.1) Khi nhìn thấy tấm lòng tận hiến của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã cung ứng điều gì?

(2.2) Việc Đức Chúa Trời sửa soạn một con chiên làm của lễ thay cho Y-sác là bóng của hình nào trong Tân ước?

(2.3) Cho biết niềm vui của Áp-ra-ham qua sự cung ứng của Đức Chúa Trời? Còn niềm vui của bạn thế nào khi được Chúa cung ứng mọi nhu cầu?

(3.1) Sau cuộc thử nghiệm trên, Áp-ra-ham nhận được phước hạnh gì từ Chúa?

(3.2) Vì sao con cái Chúa thường gặp thử thách? Chúa cho phép điều đó xảy ra nhằm mục đích gì?

(3.3) Xin cho biết trải nghiệm của bạn trong thử thách? 

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Việc dâng Y-sác làm con sinh tế không phải là thử thách đầu tiên của Áp-ra-ham. Việc ông bằng lòng lìa bỏ quê hương và gia đình (Sáng thế Ký 12:1), chia lìa những người mình thương yêu để đi theo tiếng gọi của Chúa là thử thách lớn thứ nhất (Sáng thế Ký 13:5-18). Thử thách thứ hai là ông từ bỏ chương trình của mình về người kế tự là Ích-ma-ên (Sáng thế Ký 17:18) và đây là thử thách thứ ba cho thấy đức tin và sự vâng phục của Áp-ra-ham thật là mạnh mẽ.

  1. CUỘC THỬ NGHIỆM ĐẦY ĐAU THƯƠNG (Sáng thế Ký 22:1-2).

Câu gốc hôm nay cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời ghi nhận mức độ hi sinh của Áp-ra-ham thật là cao cả. Lý do chính đáng của sự ghi nhận đó là Áp-ra-ham đã “không tiếc con một”. Tiếc là bản chất cố hữu của con người. Nhiều khi chúng ta tiếc một vật gì đó trước khi bỏ nó đi. Ở đây vì sự kính sợ Chúa, Áp-ra-ham đã hi sinh Y-sác, đứa con cầu tự. Y-sác đối với Áp-ra-ham là tất cả niềm vui, hy vọng sống. Giết chết Y-sác là một hành động hy sinh tuyệt đối, ít người làm được. Hành động cao cả của Áp-ra-ham được ví sánh với việc Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài (Rô-ma 8:32) Y-sác đã chấp nhận hy sinh đã được ví sánh với tâm tình Chúa Cứu Thế (Phi-líp 2:5-8). Ông Áp-ra-ham và núi Mô-ri-a đã trở thành những đề tài giảng luận đầy lý thú của các tôi tớ Chúa. Gương hy sinh và lòng vâng phục của Áp-ra-ham phải được nhắc nhở luôn trong Hội Thánh Đức Chúa Trời trong mọi thời đại.

  1. MỘT DỰ TÍNH RÕ RÀNG (Sáng thế Ký 22:4-10).

Việc Áp-ra-ham dâng Y-sác có phải là một quyết định khôn ngoan không? Không có việc con sinh tế thế mạng Y-sác thì mọi chuyện sẽ ra sao? Chắc chắn rằng Áp-ra-ham đã nghĩ là Y-sác phải hy sinh. Vấn đề đặt ra không phải là Y-sác sống hoặc chết mà ở chỗ nếu Y-sác chết, Đức Chúa Trời làm sao thực hiện lời hứa của mình với Áp-ra-ham? Thứ hai, Áp-ra-ham sẽ trả lời với Sa-ra thế nào về cái chết của Y-sác? Đây là điểm chính. Áp-ra-ham tin lời hứa của Đức Chúa Trời, điều đó không ai chối cãi được. Áp-ra-ham cũng tin là thế nào Y-sác rồi cũng phải hy sinh. Như vậy rồi sao? Tạ ơn Chúa, trước giả thơ Hê-bơ-rơ đã giải tỏa mọi nan đề. Áp-ra-ham phải hy sinh (vì ông đã quyết định làm điều đó cùng một lúc, Áp-ra-ham cũng tin là Y-sác không thể chết được). Đúng! Áp-ra-ham đã tin là “Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại” (Hê-bơ-rơ 11:19). Như vậy, Áp-ra-ham vâng phục mệnh lệnh Đức Chúa Trời, chấp nhận sự thử thách cực độ. Nhưng trong niềm tin, ông không phải là kẻ mù quáng. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng Đức Chúa Trời chắc chắn giữ được lời hứa dù Y-sác có hy sinh hay không!

III. MỘT CUNG ỨNG ĐẦY VUI MỪNG (Sáng thế Ký 22:11-14).

Thì ra, đây chỉ là một cuộc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm sau cùng nhưng là cuộc thí nghiệm cực độ về niềm tin. Còn vui mừng nào hơn cho Áp-ra-ham. Ông không những không mất con mà còn được Đức Chúa Trời nhiệt liệt khen ngợi “Bấy giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời bởi cớ không tiếc với Ta…” (Sáng thế Ký 21:12). Sự kính sợ được chứng minh bằng sự không tiếc. Nói đến hai chữ “không tiếc” lòng tôi quặn đau khi nghĩ đến sự dâng hiến của một số người không thực sự dâng hiến hết lòng, cách “không tiếc” như Chúa đã dùng để nói cho Áp-ra-ham. Ngay sau khi Chúa nhận diện được lòng của Áp-ra-ham đối với Ngài, Ngài đã dành một con chiên sinh tế chết thế cho Y-sác. Đây chính là niềm vui mừng đầy tràn cho Áp-ra-ham và là hình ảnh cho chúng ta ngày nay. Đức Chúa Trời đã dành, sửa soạn một Con Sinh Tế cho tất cả những ai tin vào Ngài.

  1. MỘT PHẦN THƯỞNG VINH QUANG (Sáng thế Ký 22:15-18).

Giao ước đã được Đức Chúa Trời lập lại một lần nữa với những đảm bảo chắc chắn về phần thưởng lớn lao sau khi đức tin và lòng vâng phục của Áp-ra-ham được kiểm chứng rõ ràng.

Sau những thử thách, thường thì phước hạnh dư dật từ Chúa sẽ đổ đầy dẫy trên cuộc đời của chúng ta. Đời sống của Áp-ra-ham, của Giô-sép, và Gióp là những minh chứng hùng hồn nhất cho niềm tin của con dân Chúa. Điều mà chúng ta cần tự hỏi chính mình, ấy là thái độ, tấm lòng, niềm tin của chúng ta như thế nào khi thử thách ập đến. Bất cứ một thử thách hay thách thức nào đến cho chúng ta đều có mục đích tốt lành cho kẻ yêu mến Chúa và phần thưởng vinh quang của Chúa đổ đầy trên cuộc đời chúng ta. Hãy nghe lời của thánh Phao-lô, Gia-cơ và Phi-e-rơ nói: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28). “Hãy coi mọi sự thử thách trăm bề như là điều vui mừng trọn vẹn…” (Gia-cơ 11:3). “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường; …vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em” (1Phi-e-rơ 4:12,14b). Tóm lại “Hãy vững lòng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa một cách dư dật hơn vì công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1Cô-rinh-tô 15:58). Hãy sống đặt niềm tin trọn vẹn như Áp-ra-ham thì anh em hẳn sẽ được phước lớn từ nơi Chúa.

* Bài học áp dụng.

  1. Việc Đức Chúa Trời đòi hỏi Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ thiêu cũng là một thách thức trong đời sống đức tin và hầu việc Chúa của chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì khi đối diện với những vấn đề khó khăn? Xin Chúa giúp mỗi chúng ta nhìn lại chính đời sống mình để có một đức tin mạnh mẽ, sẵn sàng vâng phục như Áp-ra-ham (Sáng thế Ký 22:1-2).
  2. Học hỏi sự hy sinh vâng phục của Áp-ra-ham giúp chúng ta mạnh mẽ trong sự hiến dâng. Hãy dâng cho Chúa những điều chúng ta cho là quí báu nhất (Sáng thế Ký 22:4-10).
  3. Học hỏi sự cung ứng của lễ thiêu bằng con chiên đực khiến chúng ta thêm sự vui mừng vì biết rằng Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng luôn nhớ đến nhu cầu của con cái Ngài và ban cho chúng ta kịp lúc và đúng chỗ (Sáng thế Ký 22:11-14).
  4. Học hỏi nơi gương hi sinh của Áp-ra-ham khiến lòng chúng ta vô cùng khâm phục. Ông được thế hệ sau này coi như tổ phụ của đức tin quả là xứng đáng. Ước mong mỗi chúng ta cố gắng học hỏi để đời sống chúng ta thêm phần phước hạnh.