Ngày: Tháng Ba 25, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in THANH NIÊN on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31.03.2024 (Lễ Phục Sinh).

  1. Đề tài: CÓ LÚC TIN TƯỞNG.
  2. Kinh Thánh: Mác 15:33-39; 16:1-8.
  3. Câu gốc: “Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (Mác 16:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề Lễ Phục Sinh.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu đã mang tất cả tội lỗi của nhân loại trên thân thể Ngài và lĩnh án phạt của Đức Chúa Trời, chịu chết trên thập tự giá cách đau đớn, nhục nhã. Ngài thực sự đã bước vào sự chết, được chôn trong mồ mả. Thân xác Ngài nằm an nghỉ trong ngày thứ bảy – Sa-bát. Qua ngày thứ nhất trong tuần, Ngài đã đắc thắng sự chết, sống lại cách vinh hiển, bước ra khỏi mộ cách khải hoàn. Kể từ đầu tuần lễ đó, chúng ta có ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày thờ phượng Chúa. Chúa Giê-xu giáng sinh, chịu chết và sống lại là nền tảng đức tin về sự cứu chuộc trong Cơ đốc giáo.

  1. TRONG BÓNG SỰ CHẾT (Mác 15:33-38).

Từ tòa án Phi-lát, Chúa Giê-xu bị dẫn đến đồi Gô-gô-tha, chịu đóng đinh vào thập tự giá với hai tên trộm cướp. “Lúc đóng đinh Ngài là giờ thứ ba” (15:25), tức là chín giờ sáng theo giờ chúng ta ngày nay. “Đến giờ thứ sáu, khắp đất đều tối tăm mù mịt cho tới giờ thứ chín”, tức là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Chúa Giê-xu đã giáng sinh vào giữa đêm khuya tăm tối mù mịt mà “sự vinh hiển của Chúa chói lòa” (Lu-ca 2:9) như giữa ban ngày. Chúa chết giữa ban ngày rực rỡ mà “khắp đất đều tối tăm mù mịt” như giữa đêm khuya. Có người cho rằng cảnh trạng “tối tăm mù mịt” đó bày tỏ cả vũ trụ để tang Con Đức Chúa Trời. Có người lại cho cảnh trạng đó là lúc “chủ quyền… thế lực… vua chúa của thế gian mờ tối này” (Ê-phê-sô 6:12) quyết liệt diệt Chúa Giê-xu. “Đến giờ thứ chín (3 giờ chiều), Đức Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? Nghĩa là Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Đây là phút giây “tối tăm mù mịt” nhất trong tâm hồn Chúa Giê-xu. Trong cả đời Ngài trên đất, Ngài liên kết với Đức Chúa Trời từng giây phút. Thế mà vì mang tội lỗi của cả nhân loại nói chung và của chính tôi nói riêng trên thân thể Ngài, Chúa Giê-xu đã phải xa lìa Đức Chúa Trời chí thánh. Ngài đành chịu Đức Chúa Trời từ bỏ để chúng ta là những tội nhân nhờ Ngài mà được Đức Chúa Trời tiếp nhận. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (2Cô-rinh-tô 5:21). Chúa Giê-xu là “sự sáng của thế gian” (Giăng 8:12), thế mà giây phút này, “tối tăm mù mịt” bao phủ ngoại cảnh và cả trong tâm hồn Ngài. Ôi lạ lùng thay là Cứu Chúa Giê-xu của chúng ta! Nhờ Ngài mà chúng ta “từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời” (Công vụ 26:18).

Trong cảnh “tối tăm mù mịt” ấy, “màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên chí dưới”. Bức màn ngăn giữa nơi thánh và nơi chí thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:31-33). Nơi chí thánh chẳng có người nào được phép vào, ngoại trừ “mỗi năm một lần chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm vào” (Hê-bơ-rơ 9:7) trong ngày đại lễ chuộc tội (Lê-vi ký 16:15-17,34). Ngay khi “Đức Chúa Giê-xu kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” thì bức màn ngăn cách nơi thánh và nơi chí thánh bị “xé ra làm đôi từ trên chí dưới”, bởi Đức Chúa Trời chớ không phải bởi người ta. Ngày nay, “chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài” (Hê-bơ-rơ 10:19). Chúng ta được phép đến thẳng với Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng và cầu nguyện, không cần người trung gian.

  1. TRONG ÁNH SÁNG NIỀM TIN (Mác 15:39).

“Thầy đội đứng đối ngang Ngài, thấy Ngài trút linh hồn như vậy, thì nói rằng: Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời”. “Thầy đội” chỉ huy toán lính lo việc xử tử những tên tội phạm bằng cách đóng đinh vào thập tự giá, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu tử tội quằn quại trong cơn đau đớn khủng khiếp trước khi lìa đời. Thầy đội đã phải nghe bao lời chửi rủa, bao lời rên siết ai oán của tử tội. Nhưng từ phía Chúa Giê-xu thì không. Thầy đã nghe bao lời sỉ vả, chế nhạo Chúa Giê-xu từ đám người Do-thái và thầy nghe lời cầu nguyện yêu thương phát ra từ môi miệng Chúa Giê-xu: “Lạy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”. Lời Ngài ôn tồn phán hứa với tên trộm cướp bị đóng đinh bên hữu Ngài: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Và lời cuối cùng Ngài tuyên bố “Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30). Thầy đội chứng kiến, lắng nghe, nhận định và thốt lên lời: “Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời”. Ngài bày tỏ mình là “Con Đức Chúa Trời” khi dùng quyền năng làm phép lạ, giảng dạy và khi Ngài chết cách nhục nhã, đau đớn, Ngài vẫn bày tỏ ra là “Con Đức Chúa Trời”. Nhìn xem Chúa, lắng nghe Chúa thì đức tin nảy sinh. Dân sự Chúa trong vô tín đã không nhận ra Ngài là “Con Đức Chúa Trời” nên đã loại bỏ Ngài, xin đóng đinh Ngài. Thầy đội La-mã, dù là dân ngoại thi hành phận sự đóng đinh Chúa Giê-xu, trong cảnh “tối tăm mù mịt” đã nhận được ánh sáng đức tin, tuyên xưng Ngài là “Con Đức Chúa Trời”. Chúng ta là con cái Chúa, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải sống, chịu đựng và cả việc chết thế nào để cho mọi người nhận định chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta là sự sáng của thế gian “tăm tối mù mịt” này, mong rằng qua đời sống chúng ta cho nhân thế ánh sáng niềm tin trong Chúa Giê-xu, Cứu Chúa chúng ta.

III. TRONG ÁNH SÁNG HY VỌNG (Mác 16:1-8).

Mặt trời chưa ló dạng, nhưng ánh sáng mặt trời đã xua đuổi màn đêm. Chúa Giê-xu đã từ trong vòng kẻ chết sống lại cách khải hoàn. Tử thần không có quyền trên Ngài. Ngài sống lại như vầng dương xuất hiện nơi chân trời đông đem ánh sáng hy vọng cho nhân thế đang bị sự chết chế ngự.

Sáng sớm tinh sương, “Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức xác Đức Chúa Giê-xu”. Các bà tới mộ trong bóng tối của sự chết, lòng kính mến đối với Chúa giờ còn lại trong nghi thức “xức xác Chúa”. Nhưng mọi lo lắng, toan tính của các bà biến mất khi thấy “hòn đá” lấp cửa mộ “đã lăn ra rồi”. Các bà đã gặp thiên sứ trấn an: “Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài”. Sứ điệp về phục sinh của Chúa Giê-xu rất ngắn, nhưng rất trọng đại, đem ánh sáng hy vọng cho cả nhân loại. Khởi đầu sứ điệp là “đừng sợ chi”. Lời này trấn an các bà vì các bà “thất kinh” về sự chết. Kể từ khi Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại, chúng ta là con dân Chúa không còn “sợ chi” về sự chết cả. Sự chết đối với con dân Chúa chỉ là cái cửa bước qua “đi ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn” (Phi-líp 1:23). “Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi”. Ngài “sống lại” cùng một thể xác “đã chịu đóng đinh”. Ngài đã đắc thắng sự chết trong thân thể Ngài. “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” (1Cô-rinh-tô 15:54). Kết thúc sứ điệp là “hãy đi nói”. Chúng ta cũng hãy rao truyền sự sống lại của Chúa, đem ánh sáng hy vọng đến mọi người. Chúng ta thờ phượng Chúa ngày Chúa Nhật cũng là một cách nói về sự sống lại của Chúa. “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi cũng chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi thiên 23:4). Chúa sống lại là ánh sáng niềm tin và hy vọng cho tôi. Chúng ta hãy đặt niềm tin trọn vẹn vào sự phục sinh của Chúa, và đi ra truyền rao tin mừng này cho thế giới.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in PHỤ NỮ on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31/03/2024 (Lễ Phục Sinh).

  1. Đề tài: NGÔI MỘ TRỐNG.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 28:1-15.
  3. Câu gốc: “….Đừng sợ hãi; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã bị đóng đinh vào thập tự giá. Ngài không ở đây đâu; Ngài đã sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài nằm” (Ma-thi-ơ 28:5-6 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 16-18.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 07-01-2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.

Trong lịch sử nhân loại, chỉ một mình Chúa Giê-xu là Đấng sống lại từ kẻ chết.

– Tin vui nhất về sự mất xác của Chúa Giê-xu: Những người đàn bà đi đến chỗ chôn Chúa, họ chỉ thấy được một thiên sứ và một ngôi mộ trống. Xác Chúa Giê-xu biến mất!

– Hai người có địa vị trong xã hội đã nhận xác Chúa Giê-xu (Mat 25:57-60; Giăng 19:38-42). Giô-sép ở A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem đi đến cùng Phi-lát xin xác Chúa Giê-xu đem chôn.

Hai người này xức xác Chúa Giê-xu bằng thuốc thơm (Giăng 19:39), nhanh chóng vì mặt trời sắp lặn. Họ đã vội vàng đặt Chúa Giê-xu trong ngôi mộ gần đó do Giô-sép làm chủ (Mat 27:60).

  1. NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TẠI NGÔI MỘ TRỐNG (Ma-thi-ơ 28:1).

Theo (Ma-thi-ơ 28:1), hai bà Ma-ri đến phần mộ để xem, truyền thống Do-thái đòi hỏi những người thân của người chết phải thăm viếng phần mộ trong vòng ba ngày sau khi chôn để biết chắc người ấy đã thật sự chết. (Mác 16:1) thuật lại rằng những người đàn bà hy vọng xức dầu cho xác Chúa Giê-xu. Vào lúc đó, một cơn động đất xảy ra. Một thiên sứ của Chúa đã giáng xuống, lăn hòn đá ra khỏi và “ngồi ở trên” (Ma-thi-ơ 28:2-3). Sự hiện diện của thiên sứ khiến cho bọn lính canh run rẩy và sợ hãi.

  1. LỜI CỦA THIÊN SỨ TẠI NGÔI MỘ TRỐNG (28:5-7).

Sự hiện diện của thiên sứ làm cho những người đàn bà hoảng sợ, thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ hãi” (Mat 28:5). Thiên sứ báo tin Chúa Giê-xu đã sống lại từ kẻ chết đúng như Ngài đã phán trước (28:6; 16:21; 17:23; 20:19). Để họ có bằng chứng Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại, thiên sứ yêu cầu những người đàn bà xem xét nơi thi thể của Chúa Giê-xu đã nằm.

Thiên sứ bảo họ loan báo sứ điệp rằng Chúa Giê-xu “đã từ kẻ chết sống lại” (28:7), đã đi trước các môn đệ qua Ga-li-lê. Họ có thể gặp Ngài ở đó, hầu cho ứng nghiệm lời hứa trước (26:32). Lời tuyên bố “ấy là điều ta đã báo cho các ngươi” (28:7).

Thiên sứ ra lệnh cho những người đàn bà nói với các môn đồ rằng họ phải gặp Ngài tại Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 28: 7; Mác 16: 7). Giăng cũng nói đến một lần xuất hiện khác nữa của Chúa Giê-xu tại Ga-li-lê cho bảy môn đồ gần bờ biển (Giăng 21). Ga-li-lê là quê hương của Ngài (Ma-thi-ơ 21:11) Ngài ra lệnh cho hầu hết các môn đồ đến nơi đó.

  1. SỰ XUẤT HIỆN CỦA CHÚA GIÊ-XU (28:8-10).

Khi đối diện với thiên sứ biết tin về sự sống lại của Chúa Giê-xu cả hai bà Ma-ri cảm thấy vừa sợ, vừa vui mừng. Họ sợ hãi, vì họ đứng trước sự hiện diện của Đấng siêu nhiên đến từ thiên đàng; nhưng ngôi mộ trống và những lời thiên sứ khiến họ hết sức vui mừng (28:8). Sự nhận biết Đấng mà họ nghĩ đã ra đi vĩnh viễn nay đã sống lại, khiến họ vội vã loan báo cho các môn đồ.

  1. SỰ LỪA DỐI CỦA THẦY TẾ LỄ CẢ VỀ NGÔI MỘ TRỐNG (28:11-15).

Những người đàn bà đến cùng các môn đồ khác thuật lại rằng họ đã gặp Chúa phục sinh. Trong lúc ấy một vài tên lính canh gác ngôi mộ trở về Giê-ru-sa-lem và thuật lại cho các thầy tế lễ cả “mọi việc đã xảy đến” (Ma-thi-ơ 28:11).

Người lãnh đạo tôn giáo Do-thái lúc bấy giờ mua chuộc những tên lính với một số tiền lớn, bảo họ tuyên bố rằng trong khi ngủ các môn đồ của Chúa Giê-xu lấy trộm xác của Ngài (c.13). Những thầy tế lễ cả và những trưởng lão hứa can thiệp dùm cho họ nếu cần để giúp họ khỏi bị trừng phạt vì sự xao lãng nhiệm vụ. Những tên lính này đã nhận tiền hối lộ và làm như họ đã được chỉ bảo.

  1. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Ngày nay, người ta không dễ tin vào sự sống lại của Chúa Giê-xu khi lần đầu họ được nghe về Tin Lành. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, người đã chết không sống lại được. Vì vậy, con cái Chúa không nên ngạc nhiên khi bạn bè không tin Chúa, xem sứ điệp về sự sống lại là điều thú vị nhưng không có sức thuyết phục họ.

Là Cơ đốc nhân, chúng ta cần nhận ra tầm quan trọng khi xác nhận rằng sự sống lại của Chúa Giê-xu thật sự đã xảy ra; nhưng phải làm điều đó bằng cách nào? Những tín hữu lớn tuổi có thể liên hệ cá nhân với Chúa Phục Sinh trong đời sống hằng ngày của mình. Vì khi theo đuổi mối quan hệ cá nhân với Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy Chúa đang sống và đã sống lại từ kẻ chết. Mặc dù nhiều người không nhìn thấy, nghe, hoặc rờ đụng Chúa Giê-xu về phương diện thể xác, nhưng họ có thể đến gần Chúa về phương diện thuộc linh và thờ phượng Ngài. Những người muốn biết Đấng Christ một cách thân mật, gần gũi; nên biệt riêng một thì giờ nhất định mỗi ngày để gặp Chúa Phục Sinh, lời của Ngài là một quyết định khôn ngoan.

 Khi chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu đã phục sinh về phương diện lịch sử và hằng ngày tương giao của chúng ta với Ngài, thì tự nhiên chúng ta muốn bày tỏ đức tin trong sự phục sinh của Ngài bằng cách chia sẻ với người khác. Tin Lành sẽ nung nóng lòng chúng ta, giúp chúng ta hăng hái chia sẻ tin mừng về sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Đó là một đặc ân đầy vui mừng đối với chúng ta.

 Kinh nghiệm Chúa Phục Sinh sẽ đi vào từng tấm lòng người được giao thác và đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Sứ điệp phục sinh tràn đầy hy vọng sẽ phản ánh nơi người đó.

Chúa Phục Sinh đắc thắng quyền lực của sự chết và ma quỉ, dù cho chúng đã tìm mọi cách để triệt hạ Ngài. Chúng hoàn toàn thất bại trước Đấng Cứu Thế Giê-xu. Tuy vậy, chúng sẽ tìm mọi cách để cám dỗ, bách hại, phá hoại người đặt niềm tin nơi Ngài. Tin quyết, giao thác trọn vẹn, nắm chặt lấy Chúa và lời Ngài từng giây phút là bí quyết đắc thắng.

Tin Chúa Phục Sinh sẽ giúp chúng ta không đầu hàng mọi cám dỗ của gian dối, lường gạt, lạm dụng người khác hoặc vì quyền lợi cá nhân. Vững tin Chúa Phục Sinh giúp chúng ta trung tín với Chúa, với người và với Hội Thánh Ngài.

III. CÂU HỎI SUY GẪM.

  1. Tại sao hai bà Ma-ri đi đến ngôi mộ nơi đặt xác Chúa Giê-xu?
  2. Tại sao thiên sứ lăn hòn đá ra khỏi ngôi mộ?
  3. Bọn lính canh phản ứng như thế nào khi nhìn thấy thiên sứ?
  4. Sứ điệp hy vọng mà thiên sứ đã ban cho những người đàn bà là gì?
  5. Những người đàn bà đã đáp ứng như thế nào với sự hướng dẫn của thiên sứ?
  6. Những người đàn bà phản ứng như thế nào khi họ đối diện với Chúa Phục Sinh?
  7. Những người lãnh đạo tôn giáo phản ứng như thế nào khi họ nghe lời tường thuật của bọn lính gác?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in NAM GIỚI on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31.03.2024

(Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục sinh).

  1. Đề tài: BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG.
  2. Kinh Thánh: Châm 16:25; Công 4:12; Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

 

* CHỈ DẪN:  Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có ba câu hỏi vô cùng quan trọng, mà tất cả chúng ta cả dòng nhân loại, từ thế hệ này qua thế hệ kia luôn luôn thắc mắc, luôn luôn khao khát được trả lời thật rõ ràng và thỏa đáng. Ba câu hỏi này, sở dĩ vô cùng quan trọng là vì nó liên hệ đến nguồn gốc, ý nghĩa cuộc đời và tương lai của chúng ta. Ba câu hỏi đó là:

– “Có Đức Chúa Trời (ông Trời) hay Đấng Tạo Hóa không?”

– “Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không?”

– “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

  1. “Có Đức Chúa Trời hay Đấng Tạo Hóa không?”

Đây là một câu hỏi lớn nhất, mà nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu thời giờ, bút mực, tư duy, trí tuệ, năng lực để cùng chứng minh hai điều trái ngược nhau là Đức Chúa Trời hiện hữu và Đức Chúa Trời không hề hiện hữu. Sau khi trưng dẫn biết bao là bằng chứng, đưa ra biết bao nhiêu là lý luận, thì câu hỏi này vẫn hoài là một câu hỏi không có câu trả lời, bởi vì Đấng Tạo Hóa không phải là một đối tượng vật chất để các nhà khoa học có thể phân tích và chứng minh, và Ngài cũng không phải là một phạm trù tư duy để các triết gia suy diễn và lý luận.

Kinh Thánh là Lời của Đấng Tạo Hóa, không trưng dẫn bằng chứng, cũng không lý luận có hay không, nhưng Kinh Thánh hướng mọi người về một con người có thật trong lịch sử tên là Giê-xu. Là Đấng tự xưng mình đến từ Trời, là Đấng tự thừa nhận mình là Con Đức Chúa Trời trong thân xác con người.

Để biết Đấng Tạo Hóa là Đấng như thế nào, quý vị và tôi chỉ cần nhìn vào đời sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Đấng thánh khiết tuyệt đối, không bao giờ phạm tội. Ngài là Đấng yêu thương vô điều kiện, bằng lòng giáng thế làm người để tìm kiếm và cứu vớt chúng ta, trong khi chúng ta còn ngoảnh mặt lại với Đấng tạo dựng ra mình. Ngài là Đấng công bình tuyệt đối, nên phải nhận lấy cơn thịnh nộ của Cha Ngài thế cho chúng ta. Ngài là Đấng tha thứ trọn vẹn, đến nỗi phải chịu hy sinh tính mạng của Ngài chuộc tội cho muôn người. Và cuối cùng, Ngài là Đấng quyền năng vô song, vì Ngài đã chết nhưng đã đắc thắng tử thần, sống lại hiển vinh. Sự giáng trần, đời sống trọn lành, sự giảng dạy, sự chết thế hy sinh và quan trọng nhất là sự phục sinh vinh hiển của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trả lời cho mọi thắc mắc của con người về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, như chính Ngài có tuyên bố: “Ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ” (Khải Huyền 1:17,18).

  1. Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không? Có phải mọi con đường đều dẫn đến sự cứu rỗi không?

Trong khi mọi tôn giáo là nỗ lực riêng của con người để tìm về lại với Đấng Tạo Hóa, thì chỉ duy Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa đã giã từ thiên đàng để tìm đến với con người.

Trong khi mọi tôn giáo dùng bao mỹ từ cao trọng và đẹp đẽ để diễn tả về Đấng mình tôn thờ, nhưng chỉ duy những người tin nhận Chúa Giê-xu gọi Đấng Tạo Hóa là Cha thân yêu của mình.

Trong khi các giáo chủ tôn giáo giảng thuyết và chỉ cho con đường giải thoát, thì Chúa Giê-xu đã giáng trần, không chỉ giảng dạy, nhưng còn chịu chết thay để giải thoát cho con người khỏi món nợ tội. Trong khi các giáo chủ mọi tôn giáo đã chết và chết luôn, không hề sống lại, nhưng chỉ duy Chúa Giê-xu đã chết và phục sinh.

Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một giáo chủ tôn giáo. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Sự kiện phục sinh bày tỏ Ngài là duy nhất, là Đấng Tạo Hóa trong thân xác con người, là con đường cứu rỗi duy nhất cho chúng ta, có một không hai, như chính Ngài có khẳng định: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

  1. “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

Chết là nỗi sợ hãi to lớn nhất của con người, vì bí mật sâu thẳm và quyền lực to lớn của nó. Có ai mà không chết và có ai chết mà sống lại được, để kể về đằng sau sự chết là gì?

Nhưng sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chết và đã sống lại, Ngài tuyên bố đã đắc thắng quyền lực của sự chết. Âm phủ kể từ đó, không còn quyền giam giữ những ai đã tin vào sự chết thế của Con Trời. Khi chúng ta tin vào sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì cái chết không còn đáng sợ nữa, nhưng chết là cửa ngõ để đi vào sự sống phước hạnh đời đời, như Kinh Thánh có tuyên bố: “Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rô-ma 6:8).

Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là nền tảng của niềm tin, là tất cả hy vọng của những ai tin nhận Ngài, như sứ đồ Phao-lô có đã nói: “Nếu Chúa Cứu Thế không sống lại, lời giảng dạy của chúng tôi hóa ra vô ích, và đức tin anh em cũng mất nền tảng. Nếu Chúa Cứu Thế đã chẳng sống lại, đức tin anh em hóa ra vô ích, anh em vẫn còn bị đày đọa trong tội lỗi, và nếu thế các tín hữu đã chết cũng vĩnh viễn hư vong” (1Cô-rinh-tô 15:14,17,18).

Các môn đệ của Chúa Giê-xu vẫn còn lo âu, sợ hãi cho đến khi họ được gặp lại Ngài sống lại, bằng xương bằng thịt.

Một người thanh niên tên Sau-lơ, học rộng, tài cao, là một người lãnh đạo Do-thái giáo, đã dẫn đầu trong việc bức bách phá hại những người theo Chúa Giê-xu. Cho đến khi người thanh niên này gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh, để rồi trở nên sứ đồ Phao-lô cao trọng, chuyên rao giảng sự chết và sự sống lại của Ngài.

Hàng triệu triệu con người, nếu hỏi điều gì đã thay đổi cuộc đời của họ, thì câu trả lời là họ đã gặp được Chúa Giê-xu phục sinh, Đấng đã sống lại và đang sống trong lòng họ. Cuộc đời của chúng ta sẽ vẫn mãi vô nghĩa, vô mục đích và vô vọng, sẽ mãi lẩn quẩn trói buộc trong ba thắc mắc lớn nhất là “Đấng Tạo Hóa có hiện hữu hay không?”, “Tôn giáo nào cũng tốt”“Đằng sau sự chết là gì?”, cho đến khi nào chúng ta chịu mở cánh cửa lòng để gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh vậy.

                                                                    Theo Internet