Ngày: Tháng Tư 9, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in THANH NIÊN on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14.04.2024.

  1. Đề tài: TRƯỞNG THÀNH TRONG THỬ THÁCH.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 32:3; 33:17.
  3. Câu gốc: “Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài” (Sáng thế Ký 32:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 1-5.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.01.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trưởng thành là điều ai cũng mong muốn; nhất là được trưởng thành về phần tâm linh. Ai làm việc với những người “Nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ” (1Cô-rinh-tô 13:11a) thì mệt lắm. Nhưng ai làm việc với kẻ thành nhân thì sướng lắm vì họ đã “bỏ những điều thuộc về con trẻ” (1Cô-rinh-tô 13:11b). Để đạt đến mức trưởng thành không phải là chuyện dễ, bệnh còi cọc tâm linh là thứ bệnh mà nhiều tín hữu vẫn thường mắc phải. Bệnh này thuộc loại bất trị, vô phương cứu chữa. Chỉ có Đức Thánh Linh là vị Thầy thuốc duy nhất chữa được bệnh này thôi. Gia-cốp đã bắt đầu đời sống mình như một con trẻ. Háu ăn, háu đá (tâm linh) muốn thì tìm cách thỏa mãn mà không biết nghĩ gì đến hậu quả. Chính vì vậy, Gia-cốp đã phải chạy trốn, lìa bỏ cả cha già, mẹ yếu để tìm đường sống.

Bài học hôm nay chúng ta không học về đời sống Gia-cốp nữa. Ông đã được Chúa gọi bằng tên mới Y-sơ-ra-ên (có nghĩa là chiến đấu với Chúa) Gia-cốp là con ngựa chứng, Y-sơ-ra-ên là con ngựa đã thuần chịu dây cương, giúp ích cho người cưởi nó.

  1. SỰ KHIÊM NHƯỜNG THÀNH THẬT (Sáng thế Ký 32:9-11).

Khiêm nhường là một đức tính cao trọng nhưng ít người có được. Chúa đã từng dạy “phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy… phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất” (Ma-thi-ơ 5). Đầu mối của sự thành công, của hạnh phúc phải được bắt đầu bằng hai chữ “nhu mì”. Gia-cốp trên đường chạy trốn đã mất đi tất cả, tối ngủ gối đầu trên hòn đá, khi trở về ông đã tự thuật rằng “khi qua sông Giô-đanh, tôi chỉ có cây gậy” (Sáng thế Ký 32:10b). Đây là lần đầu tiên Gia-cốp biết hạ mình, cầu nguyện. (Các nhà giải kinh cho rằng Sáng thế Ký 28:20-21 chỉ là lời hứa). Trong lời cầu nguyện Gia-cốp gọi Đức Chúa Trời là Ê-lô-him, ám chỉ đến giao ước mà Chúa lập với Áp-ra-ham, ông nội mình; danh xưng thứ hai, Đức Giê-hô-va để nói đến mối quan hệ và ơn cứu chuộc mà Chúa dành cho ông. Một nhà văn có tiếng, Simone Weil đã nói câu này: “Khiêm nhường là sự khước từ sống ngoài Chúa”. Rất hay! Người khiêm nhường là người thật sự biết sống nép mình trong ánh sáng và vinh quang của Chúa.

  1. GIA-CỐP KHẮC PHỤC NỘI TÂM (Sáng thế Ký 32:24-30).

Đoạn Kinh Thánh chúng ta học là đoạn Kinh Thánh hết sức cảm động. Gia-cốp sắp đối diện với Ê-sau, chưa biết lành dữ thế nào. Gia-cốp cần người hỗ trợ tinh thần ông. Nhưng sự thật khác hẳn. Câu 24 là câu rất có ý nghĩa “Một mình Gia-cốp ở lại”. Một mình, không còn ai hết đã nói lên trọn vẹn cảm giác cô độc của Gia-cốp. Tạ ơn Chúa cho giờ phút cô độc tuyệt vời này. Đức Chúa Trời thường hay tiếp xúc với con người khi họ cô đơn nhất. Muốn tương giao với Chúa, chúng ta cần có thì giờ thanh vắng, yên tĩnh. Chỉ một mình với Chúa và không có ai khác. Sau đêm gặp Chúa tại Phê-ni-ên, Gia-cốp kể lại như sau: “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (Sáng 32:30). Cuộc vật lộn đó nói lên điều gì? Theo tôi, cuộc vật lộn đó có một ý nghĩa sâu nhiệm. Đức Chúa Trời muốn làm chủ cuộc đời Gia-cốp và bằng chứng hiển nhiên là sự đổi tên Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên (chiến đấu với Chúa). Mỗi người trong chúng ta cần có những kinh nghiệm như vậy. Cô độc chưa hẳn là điều xấu mà nhiều khi là cơ hội để đến được lắng nghe tiếng Chúa, tiếp xúc với Chúa để Chúa thay đổi nội tâm để cho đời sống tâm linh tăng trưởng.

III. GIA-CỐP LÀM HOÀ VỚI ANH (Sáng thế Ký 33:1-4).

Chúng ta thường hay tha thứ những người lầm lỗi. Lỗi lầm là bản chất cố hữu của con người. Ai là người mà không từng lầm lỗi? Thấy người khác lầm lỗi rồi nhục mạ, xỉ vả, có thái độ khinh khi thì thật là hẹp hòi, không tự xét mình. Chúa dạy xét mình rồi mới xét người vì “chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” là hành động hết sức kỳ cục. Bài học hôm nay đáng cho chúng ta học hỏi về lòng ăn năn và đức tính tha thứ. Hình ảnh thật tuyệt vời, hai anh em mười mấy năm xa cách, bây giờ gặp lại nhau, nước mắt tuôn tràn, tay bắt mặt mừng, còn hình ảnh nào đẹp hơn? Bởi đâu có được sự đó? Về phía Gia-cốp chúng ta ghi nhận được bốn điều sau:

(1) Gia-cốp biết lỗi mình.

(2) Gia-cốp tin lời Chúa hứa.

(3) Gia-cốp khiêm nhường (thấy mình không xứng đáng).

(4) Gia-cốp chân thật (không lừa phỉnh nữa).

Tội không thể “rửa” mà sạch. Tội cần được tha. Và sự tha tội chỉ có khi người phạm lỗi biết ăn năn. Tin vào lời Chúa hứa là yếu tố thứ hai. Một học giả Thánh Kinh đã nói câu này: “Quên lời Chúa hứa sẽ mất niềm vui… Nhớ lời Chúa hứa có được mọi sự”. Yếu tố thành công của Gia-cốp là ông nhớ lời Chúa hứa. Chính điều này tạo nên quyết tâm làm hòa với anh. Khiêm nhường cũng góp phần rất quan trọng. Kẻ không khiêm nhường sẽ sống cô độc suốt đời, chẳng có ai làm bạn. Người khiêm nhường biết nép mình trong Chúa. Mọi việc người làm chỉ vì vinh quang của Chúa và cho tình thương với tha nhân. Yếu tố cuối cùng là sự chân thật. Tạ ơn Chúa, một người có tên là Gia-cốp (kẻ chiếm quyền) bây giờ là người biết sống lương thiện, chân thật, cuộc đời trắc trở của Gia-cốp vẫn được Chúa dìu dắt uốn nắn để thành người có ích.

Điều đáng học hỏi khác là tinh thần tha thứ của Ê-sau. Đem 400 người đi đón em, nhìn thấy em mình thân tàn ma dại, những bước đi chao đảo, lòng hận thù như tan biến để nhường lại một xúc động chân thật yêu thương. Quá khứ hận thù qua đi, một chiếc cầu thân thương đã được bắt lại. Đoạn 33 câu 4 là câu Kinh Thánh tuyệt vời, chúng ta cần học hỏi. Hai anh em gặp nhau, ôm nhau cùng khóc vì nỗi vui mừng dâng trào.

* Bài học áp dụng:

  1. Chúng ta học điều gì từ sự khiêm nhường của Gia-cốp? Chúng ta nên áp dụng vào đời sống thế nào? (Sáng thế Ký 32:9-11).
  2. Thay đổi là bằng chứng. Gia-cốp chiến đấu với Chúa, với nội tâm, với niềm tin để rồi thay đổi, lớn lên, làm con ngựa có dây cương thay vì là con ngựa hoang chạy nơi rừng núi. Chúng ta học được điều gì nơi Gia-cốp? Nơi sự trưởng thành thuộc linh của ông? (Sáng thế Ký 32:24-30).
  3. Yếu tố của sự hòa thuận là gì? Yếu tố nào giúp Gia-cốp thành công? Yếu tố nào giúp Ê-sau quên đi thù hận cũ? (Sáng thế Ký 33:1-4).
  4. Cả Gia-cốp và Ê-sau là những người đã trưởng thành đáng cho chúng ta học hỏi. Thời gian vẫn là liều thuốc bổ mà Đức Chúa Trời thường dùng để chữa lành vết thương lòng tưởng chừng như không bao giờ hàn gắn được. Xin Chúa giúp chúng ta học được các đức tính cao quí của Gia-cốp và Ê-sau.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in PHỤ NỮ on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14/03/2024

  1. Đề tài: GIÔ-SUÊ – NGƯỜI CHIA ĐẤT CHO DÂN SỰ.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 1:1-9; 11:21-23.
  3. Câu gốc: “Nhưng tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15c BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 22-24.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21-01-2024.

Sau đây là một số câu hỏi gợi ý được soạn theo Giô-suê 1:1-9; 11:21-23, bạn có thể tham khảo hoặc dùng cho giờ học Kinh Thánh của Ban phụ nữ.

(1.1) Câu hỏi quan sát: Sau khi Môi-se chết, Đức Chúa Trời phán bảo Giô-suê điều gì?

(1.2) Câu hỏi giải nghĩa: Vì sao Đức Chúa Trời giao sứ mạng lớn lao cho Giô-suê?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Bạn được Đức Chúa Trời giao cho công việc gì? Bạn cảm thấy thế nào?

(2.1) Đức Chúa Trời hứa điều gì với Giô-suê?

(2.2) Lời hứa ấy có ý nghĩa gì?

(2.3) Trong đời sống hầu việc Chúa, điều nào thêm cho bạn sức mạnh?

(3.1) Đọc (Giô-suê 11:21-23) cho biết Giô-suê làm được việc gì?

(3.2) Vì sao Giô-suê làm được những việc lớn dường ấy?

(3.3) Bạn đạt được kết quả nào trong sự hầu việc Chúa? Xin cho biết điều gì giúp bạn đạt được hoặc ngăn trở bạn chưa đạt được?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Nhân vật quan trọng thứ nhì sau Môi-se là Giô-suê.

Giô-suê một tướng lãnh thắng trận trong cuộc chiến với dân A-ma-léc đến quấy phá Y-sơ-ra-ên trên hành trình về đất hứa. Bốn mươi năm trong đồng vắng, Giô-suê trung thành luôn ở bên cạnh Môi-se, Môi-se qua đời. Đức Chúa Trời giao cho Giô-suê ông ba công tác quan trọng: (1) Dẫn dân sự vào đất hứa. (2) Chiếm xứ. (3) Chia đất cho dân sự.

Trở ngại đầu tiên họ gặp là phải vượt qua sông Giô-đanh. Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ, khi các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi trước vừa đạp chân trên mé nước thì dòng sông rẽ đôi làm thành con đường (Giô-suê 3).

Kế tiếp là chiếm xứ. Giê-ri-cô là một thành lũy kiên cố nhất cần phải triệt hạ. Giô-suê đã dẫn đạo binh Y-sơ-ra-ên vào chiến thắng đầu tiên không bằng sức mạnh quân sự, nhưng bằng sự vâng lịnh Chúa đi vòng quanh thành trong bảy ngày. Thành Giê-ri-cô sụp đổ, Giô-suê dẫn quân tiến đánh A-hi. Từ đó, Giô-suê chinh phục các vua miền nam, rồi đến các vua miền bắc. Kết cuộc Giô-suê đánh bại ba mươi mốt vua, và chiếm cả Ca-na-an (Giô-suê 11:6-12).

Giô-suê chia đất cho dân sự. Dân Y-sơ-ra-ên vâng lịnh Đức Chúa Trời cấp cho Giô-suê một phần đất ở giữa mình. Giô-suê qua đời khoảng năm 1365 T.C, vào lúc 110 tuổi và được chôn trong thành.

  1. SUY GẪM.
  2. Đời sống tin kính Chúa của Giô-suê.
  3. Tin cậy Chúa: Giô-suê mạnh mẽ bày tỏ đức tin của mình, và khuyên dân sự chớ sợ hãi nhưng hãy tiến lên chiếm xứ (Dân 13,14).
  4. Vâng lời Chúa: Giô-suê kính sợ Chúa, vâng giữ các mạng lịnh và điều răn của Ngài.
  5. Trung thành phục vụ Chúa: Giô-suê đã dâng cho Chúa suốt cả cuộc đời và hầu việc Ngài với cả tấm lòng yêu mến, tận tụy (Giô-suê 24).
  6. Giô-suê với sứ mạng Chúa gọi.

– Cầm quân đánh trận với A-ma-léc.

– Làm thám tử do thám Ca-na-an (Xuất 17:8-12; Dân 13:8, 16, 17).

– Làm hầu cận của Môi-se.

Đức Chúa Trời gọi Giô-suê vào sứ mạng tướng lãnh Y-sơ-ra-ên, ủy thác cho Giô-suê ba công tác quan trọng: (1) Dẫn đưa dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa. (2) Chiếm xứ. (3) Chia xứ cho dân sự.

Đức Chúa Trời hứa ở cùng Giô-suê, ban cho mọi sự hanh thông nếu Giô-suê hết lòng vâng giữ điều răn và mạng lịnh Chúa đã truyền cho Môi-se.

III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.

– Đời sống tận tụy phục vụ Chúa của Giô-suê nhắc nhở đức tính người hầu việc Chúa là trung tín. Chẳng những trung tín trong việc lớn, nhưng cũng phải trung tín trong công việc nhỏ.

– Trong sứ mạng của người tướng lãnh chinh phục xứ và chia đất cho dân sự, nếu chưa có đời sống đắc thắng trong Đấng Christ, không thể trở thành nguồn phước cho người khác.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in NAM GIỚI on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14.04.2024

  1. Đề tài: MỐI QUAN HỆ THỰC HỮU, CÁ NHÂN, THỰC TIỄN.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 31:3; Sáng 16:1-13; Giăng 15:16,19; Mác 6:7-13; Công 12:1-17.
  3. Câu Gốc: “Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó” (Ô-sê 11:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 43-45.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 17.03.2024.

Đề tài 1: Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là không thực hữu.

Đề tài 2: Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là thực tế và cá nhân.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Diễn giải.

Đức Chúa Trời luôn luôn khởi xướng trước trong mối quan hệ yêu thương này. Chúa phải khởi xướng và đến với chúng ta, thì chúng ta mới kinh nghiệm được Ngài. Đây là lời chứng của toàn Kinh Thánh. Chúa đã đến với A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen. Ngài đã thông công với họ và họ với Chúa trong tình yêu thương. Chúa đến với Nô-ê, Áp-ra-ham, Môi-se, và các tiên tri. Điều này cũng đúng trong Tân ước nữa. Chúa Giê-xu đã đến với các môn đồ, chọn họ ở với Ngài và kinh nghiệm tình yêu của Ngài. Ngài đến với Phao-lô trên con đường Đa-mách. Trong tình trạng con người tự nhiên của chúng ta, chúng ta không tự mình chủ động tìm kiếm Ngài trước.

  1. ĐỨC CHÚA TRỜI KHỞI XƯỚNG.

Tội lỗi ảnh hưởng trên chúng ta đến nỗi không ai tự chủ động tìm kiếm Chúa (Rô-ma 3:10-12). Do đó, Chúa đã khởi xướng mối quan hệ yêu thương của Ngài với chúng ta trước. Đây chính là điều Ngài đã làm: “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến” (Giê-rê-mi 31:3; Ô-sê 11:4).

Tình yêu mà Chúa tập trung vào đời sống bạn là tình yêu đời đời. Bởi tình yêu đó mà Chúa đã kéo bạn đến với chính Ngài, dù bạn vẫn chưa tiếp nhận tình yêu đó. Khi bạn vẫn còn thù nghịch với Chúa, thì Đức Chúa Trời đã ban Con Ngài chết thay bạn. Muốn neo chắc kinh nghiệm và biết ý muốn Chúa, bạn phải tin tuyệt đối nơi tình yêu Chúa dành cho bạn.

Chúa đã đến với Sau-lơ, về sau gọi là Phao-lô (Công vụ 9:1-19). Trong lúc Sau-lơ đang thực sự chống Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, nhưng Ngàiđã đến với Sau-lơ (Phao-lô) và bày tỏ những ý định đầy tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho ông. Chúa Giê-xu phán với những môn đồ Ngài: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi…. các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian” (Giăng 15:16,19). Điều này cũng đúng trong đời sống chúng ta. Chúng ta không chọn Chúa. Chúa chọn chúng ta, yêu chúng ta, và bày tỏ những ý định đời đời của Ngài cho đời sống chúng ta.

Nếu Đức Chúa Trời không chủ động trước, chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được tình yêu của Ngài, ở trong Ngài và biết Ngài.

  1. MỐI QUAN HỆ THỰC HỮU, CÁ NHÂN, THỰC TIỄN.
  2. Mối quan hệ Chúa muốn có với bạn sẽ là mối quan hệ thực tế và cá nhân.

Có người hỏi: “Liệu người ta có thể thực sự có một mối quan hệ thực tế, cá nhân và thực tiễn với Đức Chúa Trời không?” Họ dường như nghĩ Chúa ở rất xa và không quan tâm đến nếp sống hằng ngày của họ. Đó không phải là Đức Chúa Trời chúng ta thấy trong Kinh Thánh đâu.

Từ Sáng Thế ký đến Khải Huyền, chúng ta thấy Đức Chúa Trời quan hệ với dân sự bằng những cách cá nhân, mật thiết và thực tế. Chúa đã tương giao mật thiết với A-đam và Ê-va, đồng đi với họ trong vườn vào buổi xế chiều. Đức Chúa Trời đã đi theo họ để khôi phục mối quan hệ yêu thương. Ngài đã đáp ứng nhu cầu rất thực tiễn bằng cách ban áo che phủ sự lõa lồ của họ (Sáng 3:10-11, 21).

A-ga đã bị Sa-rai lợi dụng, ngược đãi, và xử tệ. A-ga chạy trốn để cứu mạng. Khi cạn kiệt mọi nguồn cung ứngkhông còn biết trông mong vào đâu, khi mọi hy vọng đã tàn thì Đức Chúa Trời đến với nàng. Trong mối quan hệ với Chúa, nàng biết Ngài nhìn thấy mình, biết nhu cầu và trìu mến chu cấp cho nàng (Sáng 16:1-13). Chúa quan tâm đến mỗi cá nhân.

Các môn đồ cũng có mối quan hệ thực tế, cá nhân, và thực tiễn với Chúa Giê-xu – tức Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã chọn họ để họ được ở với Ngài. Có được mối quan hệ mật thiết như thế với Chúa Giê-xu quả sung sướng biết bao! Khi họ được giao một công tác rất khó khăn, Ngài không sai họ mà không giúp đỡ. Chúa đã ban cho họ uy quyền trên các tà linh mà trước đó họ chưa hề biết (Mác 6:7-13).

Tình yêu thương phải thực tế và cá nhân. Người ta không thể yêu nếu không có “ai đó” để yêu. Mối quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời xảy ra giữa hai hữu thể thực tế. Đấy luôn luôn là khao khát của Ngài. Ngài là Thân Vị tuôn đổ sự sống Ngài vào đời sống bạn. Nếu vì lý do nào đó không nhận ra mối quan hệ giữa bạn với Chúa cách thực tế, cá nhân, và thực tiễn, bạn cần dành thì giờ đánh giá lại mối quan hệ giữa mình với Ngài. Hãy ra mắt Chúa trong sự cầu nguyện xin Ngài bày tỏ bản chất thật của mối quan hệ giữa bạn với Ngài. Hãy cầu xin Ngài đưa bạn vào mối quan hệ ấy.

  1. Sự hiện diện và công việc của Chúa trong đời sống bạn rất thực tiễn.

Đức Chúa Trời chúng ta là một Đức Chúa Trời rất thực tiễn. Ngài đã thực hữu trong Kinh Thánh. Hôm nay Ngài vẫn thực hữu y nguyên như vậy. Lúc ban ma-na, chim cút và nước cho con cái Y-sơ-ra-ên, cũng như khi Chúa Giê-xu hóa bánh nuôi 5000 người, Ngài đã rất thực tiễn với con người chúng ta.

Sự hiện diện liên tục của Chúa là phần thực tiễn nhất trong đời sống và chức vụ của bạn. Buồn thay, chúng ta thường giao cho Chúa một chỗ rất hạn hẹp trong đời sống mình. Sau đó chúng ta kêu cầu Ngài mỗi khi cần được giúp. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta tìm được trong Lời Chúa. Ngài chính là Đấng đang hành động trong thế giới chúng ta. Toàn bộ kế hoạch để Ngài mở mang Nước Trời tùy thuộc vào việc Ngài hành động bằng những cách thực tế và thực tiễn qua mối quan hệ với dân sự Ngài.

Đức Chúa Trời có thể tạo ra sự khác biệt thực tiễn trong những mối quan hệ của bạn giữa gia đình, Hội Thánh, và với người khác. Bạn có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời cách thực tiễn đến nỗi bạn biết mình đang kinh nghiệm Ngài.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Đọc Rô-ma 3:10-12 rồi trả lời các câu hỏi sau:
  2. Có bao nhiêu người tự có sự công nghĩa?
  3. Có bao nhiêu người tự hiểu được những vấn đề thuộc linh?
  4. Có bao nhiêu người tự tìm kiếm Đức Chúa Trời?
  5. Có bao nhiêu người tự làm lành?
  6. 2. Bạn có hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời rất thực tế, cá nhân và thực tiễn trong thời nay không? Vì sao bạn tin như thế?
  7. 3. Khi nói Đức Chúa Trời rất thực tế và cá nhân, bạn đã trải nghiệm điều này như thế nào trong mối quan hệ của bạn với Ngài?