Ngày: Tháng Năm 16, 2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in THIẾU NHI on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. VUI MỪNG

 

I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23, ( tham khảo Rô-ma14:17-18; 1Tê-sa-lô-ni-ca5:16).

II. CÂU GỐC: “Đừng buồn thảm vì sự vui vẻ về Đức Giê-hô-va là sức mạnh của anh em.” (Nê-hê-mi 8:10b).

III. BÀI TẬP.

  1. Kinh Thánh chép rằng.

   Đố em những câu Kinh Thánh sau đây nói gì? Em thử chọn 1 câu rồi dùng hình vẽ để diễn đạt ý của câu Kinh Thánh đó.

   Gia-cơ 1:2. Rô-ma 14:17-18. Phi-líp 4:4. 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16.

  1. Trở ngại, phương cách, kết quả.

   Em phân biệt các hạng được liệt kê ra dưới đây, điều nào ngăn cản không thể nhận được sự vui mừng, phương cách nào để nhận được sự vui mừng, kết quả của sự vui mừng là gì? Em sắp xếp sao cho phù hợp.

 

Phương pháp có sự vui mừng

 

Kết quả của sự vui mừng

 

Ngắn cảnsự vui mừng

 

    3. Hình thế chữ.

Em vẽ hình vào chỗ trống trong câu gốc sao cho phù hợp.

   “Đừng buồn thảm ……………… Đức Giê-hô-va ………………..của anh em.” (Nê-hê-mi 8:10).

   Cha trên trời yêu dấu!

   Hôm nay, con mới hiểu một đời sống không có sự vui mừng là không đẹp lòng Ngài. Ngài muốn đời sống của con đầy sự vui mừng, nhưng vì tội lỗi khiến con không nhận được điều đó. Cầu xin Ngài tha thứ cho con, và giúp con vâng lời Chúa, để đời sống con tràn ngập niềm vui. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus, A-men!

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in THIẾU NHI on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. VUI MỪNG

I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23, ( tham khảo Rô-ma14:17-18; 1Tê-sa-lô-ni-ca5:16).

II. CÂU GỐC: “Đừng buồn thảm vì sự vui vẻ về Đức Giê-hô-va là sức mạnh của anh em.” (Nê-hê-mi 8:10b).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

  – Biết: Một số trở ngại khiến em không nhận được sự vui mừng, và phương cách để nhận được sự vui mừng.

  – Cảm nhận: Sự vui mừng giúp vượt qua mọi khó khăn.

  – Hành động: Học và thực hành phương cách giúp em nhận được sự vui mừng.

IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.

   Chúa Jêsus đến thế gian để ban cho con người sự sống dư dật và sự vui mừng. Phao-lô đã từng khuyên các tín hữu phải vui mừng (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16). (Rô-ma 14:17-18) cho chúng ta biết, một đời sống có sự vui mừng là đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu Cơ đốc nhân lúc nào cũng than vãn, mặt mày luôn “ủ dột”, thì làm sao có thể thuyết phục người chưa tin Chúa? Cho nên sự vui mừng là một phẩm chất của Cơ đốc nhân.

   Tuy nhiên trong thực tế, đời sống của Cơ đốc nhân không phải lúc nào cũng bằng phẳng, tràn đầy sự vui mừng, phước hạnh. Nhưng có được sự vui mừng trong hoạn nạn, trong thử thách, trong nghịch cảnh là đỉnh cao của đời sống đức tin.

   Tại sao có những Cơ đốc nhân không nhận được sự vui mừng? Có những lý do sau:

   – Thứ nhất: Tội lỗi. Tội lỗi phá vỡ mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với con người. Nếu chúng ta còn giữ tội lỗi trong lòng, thì sẽ không nhận được sự vui mừng.

   – Thứ hai: Không tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa. Hê-bơ-rơ 12:11 chép: “Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy.” Chúng ta cần phải nhận biết sự yếu đuối và tội lỗi của mình, thì mới sẵn sàng tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa, vì “Chúa sửa phạt người Ngài yêu” (Hê-bơ-rơ12:6).

   – Thứ ba: Không chịu trải qua thử thách. Chúa dùng thử thách

để rèn luyện đức tin chúng ta trưởng thành trong đời sống theo Chúa. Người trưởng thành trong đời sống theo Chúa sẽ tràn ngập vui mừng. Chúng ta không chịu trải qua thử thách thì chúng ta cũng không thể đạt đến sự vui mừng trọn vẹn.

   – Thứ tư: Đặt đức tin không đúng chỗ. Chỉ có Đức Chúa Trời

mới ban cho chúng ta sự vui mừng thật sự, còn sự vui mừng mà con người đem lại sẽ không bền lâu, thuận cảnh cũng không luôn tồn tại. Đối với thiếu nhi, các em chưa kinh nghiệm hoặc chưa thể hiểu rõ điều nầy, nên khi giảng dạy, bạn chỉ đề cập đến 3 lý do trên mà thôi.

   Làm thế nào để có thể nhận được sự vui mừng? Có những phương cách sau đây: Ăn năn tội, tin cậy Đức Chúa Trời, cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh.

   Sự vui mừng là một trong những “hương vị”của trái Thánh Linh. Bài học nầy khích lệ các em nhờ cậy Đức Thánh Linh để đời sống luôn có sự vui mừng.

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

   *Ngôn ngữ bằng tay.

  1. Chuẩn bị: Kinh Thánh (1Tê-sa-lô-ni-ca5:16 hoặc vài câu khác nói về sự vui mừng).
  2. Thực hiện: Chia các em làm hai nhóm. Mỗi nhóm cử một em lên xem câu Kinh Thánh rồi trở về nhóm mình diễn tả bằng động tác để nhóm mình đoán. Nhóm nào đoán đúng trước thì nhóm đó thắng.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Điều gì khiến các em có thể vui mừng? (Cho các em chia sẻ). Sự vui mừng là một trong những “hương vị” của trái Thánh Linh. Dầu vậy, đời sống của chúng ta không phải lúc nào cũng có sự vui mừng. Bây giờ, chúng ta cùng nghe trường hợp của bạn Minh, và tìm hiểu xem một số trở ngại khiến Minh không nhận được sự vui mừng, và phương cách để Minh nhận được sự vui mừng (Sử dụng trang tài liệu 6-8 sách giáo viên) xem lại.

  1. Bài học.

     a. Lý do không nhận được sự vui mừng.

   Ba của Minh dặn Minh sau khi tan học phải nhanh chóng trở về nhà làm bài tập, cho đến chiều ba đi làm về sẽ dẫn em đến nhà bà nội ăn cơm. Nhưng sau khi trở về nhà, Minh mở ti-vi xem phim hoạt hình rồi sau đó chơi trò chơi điện tử. Chơi chán chê, Minh mới mở bài tập ra làm, nhưng lúc nầy ba sắp về.

   Các em đoán xem tâm trạng của bạn Minh lúc nầy như thế nào? Có vui vẻ không? Tại sao? (Cho các em trả lời). Bạn ấy đã không làm theo lời ba dặn, nên trong lòng cảm thấy lo lắng. (Giáo viên ghi chữ TỘI LỖI lên bảng). Các em thân mến! Khi các em làm những điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì trong lòng sẽ không thấy vui vẻ. Tội lỗi ngăn trở chúng ta nhận sự vui mừng từ Đức Chúa Trời.

   Khi ba của Minh trở về nhà thì Minh vẫn chưa làm bài xong. Ba của Minh rất giận, la rầy Minh và buộc Minh phải làm bài tập xong rồi mới được đi đến nhà bà nội. Minh không những không biết lỗi mà còn lằm bằm, phụng phịu.

   Các em suy nghĩ xem vì sao bạn Minh không vui? (Giáo viên ghi TỪ CHỐI DẠY BẢO lên bảng). Vì bạn ấy không nhìn nhận mình có lỗi, và cũng không tiếp nhận sự dạy bảo của ba. Ba của Minh la mắng Minh là muốn cho bạn ấy tốt hơn. Cha Trên Trời của chúng ta cũng vậy, Ngài muốn các em trở thành người tốt nên đã dùng ba mẹ, thầy cô…để dạy dỗ các em. Đó là vì Ngài yêu thương các em.

   Chúng ta cùng quay trở lại câu chuyện của bạn Minh. Trên đường đi đến nhà của bà nội, Đức Thánh Linh làm việc trong lòng của Minh, khiến Minh nhận biết việc làm sai trái của mình. Minh cúi đầu cầu nguyện xin Chúa tha thứ, và xin lỗi ba. Các em đoán xem sau khi xin lỗi ba, Minh cảm thấy như thế nào? (Cho các em trả lời).

     b. Phương cách để có sự vui mừng.

   Các em thân mến! Qua câu chuyện của bạn Minh, các em đã thấy lý do tại sao bạn Minh không nhận được sự vui mừng rồi phải không? Bây giờ các em suy nghĩ xem, có cách nào để chúng ta nhận được sự vui mừng không? (Cho các em nói ra ý kiến của mình).

   – Ăn năn tội: Nếu tội lỗi vẫn còn ở trong lòng thì không thể nào nhận được sự vui mừng, trừ khi các em xưng nó ra và cầu xin Chúa tha thứ. Các em thấy khi Minh biết lỗi của mình, em xin Chúa tha thứ và xin lỗi ba, thì trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng, và nhận được sự vui mừng.

   – Tin cậy Chúa: Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, thử thách, các em tin cậy Đức Chúa Trời để có sự vui mừng là rất quan trọng. Đức Chúa Trời cho phép những điều không hay xảy đến cho bản thân em (hoặc gia đình) là có ý tốt, và Ngài sẽ đi cùng, chăm sóc các em trong hoàn cảnh khó khăn, miễn các em tin cậy Ngài. Các em còn nhớ Phao-lô và Si-la không? Hai ông vì danh Chúa Jêsus bị bắt bỏ vào tù, có lính canh giữ cẩn thận. Ở trong ngục tối, hai chân bị xiềng xích, nếu các em là Phao-lô và Si-la thì sẽ cảm thấy như thế nào? Các em đọc Công Vụ 16:25 xem hai ông đã làm gì? (Cầu nguyện và hát ca ngợi Chúa). Hai ông tin cậy Chúa nên có sự vui mừng trong khó khăn.

   – Tạ ơn Chúa: Thông thường, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa khi nhận được niềm vui và phước hạnh, nhưng rất khó nói lời tạ ơn khi đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. (Cho các em nêu ví dụ hoặc kinh nghiệm cá nhân của các em). Nhưng Kinh Thánh chép rằng: “Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus.” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Đức Chúa rời muốn các em tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh để có sự vui mừng. Nếu các em tin cậy Chúa thì mới có thể tạ ơn Ngài được.

     c. Kết quả của sự vui mừng.

   Sự vui mừng đem lại kết quả gì cho đời sống của các em? (Cho các em suy nghĩ và trả lời).

   – Đẹp lòng Đức Chúa Trời: (Mời một em đọc Rô-ma 14:17-18).

   Đời sống của các em có sự vui mừng khiến Đức Chúa Trời đẹp lòng. Sự vui mừng bày tỏ các em có lòng tin cậy, có sự phó thác, có lòng yêu mến Chúa. Điều đó khiến Đức Chúa Trời vui lòng. Ngài sẽ chăm sóc, dẫn dắt, bảo vệ, gìn giữ các em dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

   – Thân thể, tâm hồn được sức mạnh: Một người buồn rầu thì cảm thấy tinh thần uể oải, tay chân không muốn nhúc nhích, không muốn làm gì hết, thậm chí không muốn ăn. Nhưng một người có sự vui mừng thì mọi cử động của người ấy nhanh nhẹn hơn, khoẻ mạnh hơn, nhảy cao hơn, yêu đời hơn…Đúng vậy! Sự vui mừng đem lại cho các em sức mạnh trong cuộc sống.

   Các em thân mến! Sự vui mừng là “hương vị” trái Thánh Linh, và rất cần thiết cho các em trong cuộc sống. Vì vậy, các em cần nhờ cậy Đức Thánh Linh dẫn dắt, để đời sống luôn có sự vui mừng.

  1. Ứng dụng.

     a. Mời một em tình nguyện chia sẻ chuyện không vui của mình. Các em khác sẽ tìm nguyên nhân khiến không có sự vui mừng, và đưa ra ý kiến để giúp đỡ. Giáo viên dựa theo ý kiến của các em để chỉ ra mối liên hệ giữa sự trở ngại và phương cách để có sự vui mừng.

     b. Cho các em làm bài tập phần 3 “Hình thế chữ”.

     c. Điện tâm đồ vui mừng (trang tài liệu 9 sách giáo viên): Phát cho mỗi em 1 tờ “Điện tâm đồ vui mừng” trong trang tài liệu. Hướng dẫn các em ghi tâm trạng vui mừng của một ngày trong suốt một tuần. Chỉ số 0: Bày tỏ tâm trạng bình thường. Số +……: Bày tỏ tâm trạng vui mừng. Số -……: Bày tỏ tâm trạng không vui mừng. Đánh dấu x và nối lại sẽ có điện tâm đồ vui mừng của em. Sau đó ghi chuyện gì đã xảy ra lúc có chỉ số cao nhất và thấp nhất, tuần sau sẽ chia sẻ trước lớp. Hoạt động nầy sẽ giúp các em nhận biết tâm trạng của mình, và có cơ hội để bày tỏ. Qua hoạt động này, giáo viên sẽ biết tâm tư tình cảm của các em. Cuối cùng, giáo viên khích lệ các em thực hành sự dạy dỗ của bài này, cầu nguyện xin Đức Thánh Linh giúp đỡ và dẫn dắt thực hành phương cách để có sự vui mừng.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. DỐI GẠT NHAU

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 29:1-13; 30:25-34; 31:1-7, 17-29, 36-55.

II. CÂU GỐC: “Hãy bỏ sự bạo hành và áp bức, hãy làm điều công minh, chính trực. Hãy ngừng cướp bóc tài sản của dân Ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” (Ê-xê-chi-ên 45:9).

III. BÀI TẬP.

  1. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình và trả lời các câu hỏi sau.

  1. La-ban lừa gạt Gia-cốp như thế nào?

……………………………………………………………………………………..

  1. Gia-cốp lừa La-ban ra sao?

……………………………………………………………………………………..

  1. Họ lừa gạt nhau như vậy nên cảm thấy điều gì?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

  1. Trong hình cho thấy việc gì xảy ra?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

  1. Theo em, tình cảm của họ sẽ thế nào?

      ……………………………………………………………………………

 

  1. NẾU LÀ EM, EM SẼ LÀM SAO?

Em đoán thử xem hai bạn này đang chơi trò chơi gì? Theo em, bạn gái ở trong hình nhìn thấy Minh đang làm gì không? Nếu em là bạn gái đó thì em sẽ làm gì?

Nếu Minh tiếp tục lừa gạt bạn?

…………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

Nếu Minh không gạt bạn nữa?

………………………………………………………………………………………………

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. DỐI GẠT NHAU

IKINH THÁNH: Sáng Thế Ký 29:1-13; 30:25-34; 31:1-7, 17-29, 36-55.

II. CÂU GỐC: “Hãy bỏ sự bạo hành và áp bức, hãy làm điều công minh, chính trực. Hãy ngừng cướp bóc tài sản của dân Ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” (Ê-xê-chi-ên 45:9).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp  các em

– Biết: Gia-cốp và La-ban lừa dối nhau gây ra bất hòa.

– Cảm nhận: Dối gạt nhau luôn đem đến những điều xấu.    

– Hành động: Quyết tâm sống chân thật, không dối gạt nhau.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Liên tưởng.

  1. Mục đích: Giúp các em học tập và nhận biết những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa nhau.
  2. Vật liệu: 16 tờ giấy cứng (8x12cm), 8 cây viết màu khác nhau.
  3.    Thực hiện:

Giáo viên viết sẵn các từ vào giấy bìa. Mỗi tấm bìa một từ. Mỗi cặp từ trái nghĩa hoặc đồng nghĩa dùng chung một màu viết: Thành thật / nói dối; công bình / thiên vị; giúp đỡ / hãm hại; cậu / cháu; đúng / sai; thích / ghét; lòng tham / rộng rãi; chiên con / người chăn.

Giáo viên đặt tám từ để ngửa và tám từ lật úp, xếp thành hai hàng trên bàn. Sau đó giải nghĩa tám từ để ngửa cho học sinh, đồng thời giải thích thế nào là từ trái nghĩa (như lạnh khác nóng) và từ có nghĩa liên quan (như bà / cháu).

Cho các em lần lượt lật từng tấm bìa úp, giải nghĩa và xếp với từ để ngửa cho thích hợp.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH,

  1. Vào đề.

Minh hứa cho em gái là Châu mượn chiếc xe đạp nếu Châu cho chó con ăn dùm. Khi Châu làm vừa xong, Cường đến rủ Minh lấy xe đạp đi chơi, Minh nhớ lại lời hứa với Châu. Nếu Minh đi với Cường, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu Minh đưa xe đạp cho Châu thì sẽ thế nào? Minh nên làm gì? Tại sao?

Kinh Thánh có nói đến hai người phải quyết định thực hiện lời hứa. Bây giờ các em cùng lắng nghe quyết định của họ nha!

  1. Bài học.

            Sau một chặng đường dài, Gia-cốp đến nhà La-ban. Cậu cháu rất vui mừng khi gặp nhau. La-ban bảo Gia-cốp ở lại giúp ông, vì ông có rất nhiều chiên và dê mà Gia-cốp lại chăm sóc chiên rất giỏi. Trong thời gian Gia-cốp sống tại nhà La-ban, Gia-cốp làm việc rất siêng năng. Nhờ Gia-cốp chăm sóc nên đàn chiên của La-ban ngày càng béo tốt và đông hơn. La-ban mừng lắm. Vì tham muốn có thêm nhiều chiên nên La-ban tìm cách dối gạt Gia-cốp. Ông hứa trả công cho Gia-cốp, nhưng cuối cùng không giữ lời hứa. Gia-cốp vẫn cần cù làm việc cho La-ban và đã lấy hai người con gái của ông là Lê-a và Ra-chên làm vợ.

            Nhiều năm trôi qua, Gia-cốp đã có một gia đình lớn với nhiều con cái. Ông quyết định lìa khỏi nhà cậu để trở về nhà mình. Khi Gia-cốp nói với La-ban điều đó, La-ban tỏ vẻ buồn. Ông nói với Gia-cốp: “Cháu hãy ở lại. Nếu cháu muốn gì cứ nói, cậu sẽ giúp cho”. Gia-cốp nói: “Cháu muốn có tất cả chiên và dê có đốm; những con không có đốm thuộc về cậu”.

La-ban đồng ý ngay, vì ông biết đàn chiên của ông rất ít con có đốm. Gia-cốp tiếp tục miệt mài chăm sóc đàn chiên. Mấy năm sau, bầy chiên ngày càng nhiều con có đốm, tức là những con thuộc về Gia-cốp, còn chiên không đốm thuộc về La-ban thì ngày càng ít đi.

Các con trai của La-ban bắt đầu phàn nàn, vì Gia-cốp ngày càng giàu có. Gia-cốp không còn thân thiện trong mắt La-ban nữa, vì La-ban và các con ông đều cho rằng Gia-cốp  dối gạt họ.

            Một hôm, Gia-cốp quyết định dắt vợ con và bầy súc vật trốn khỏi nhà La-ban.

            Khi nghe tin Gia-cốp đã trốn đi, La-ban lập tức kéo các đầy tớ đuổi theo Gia-cốp, suốt bảy ngày mới bắt kịp. La-ban  giận dữ hỏi: “Vì sao cháu ra đi mà không cho cậu biết trước?” Gia-cốp nói: “Vì cháu sợ cậu không cho cháu dắt vợ con và gia súc cùng đi”. La-ban càng giận và nói: “Cậu đã làm gì mà cháu nghĩ như vậy?” Gia-cốp nhìn La-ban rồi chậm rãi nói: “Cháu hết lòng làm việc cho cậu trong hai mươi năm nay, nhưng đã mười lần cậu không giữ đúng lời hứa với cháu. Cậu dối gạt cháu làm sao cháu tin cậu được nữa?”

La-ban nhận biết Gia-cốp nói đúng. Vì ông dối gạt nhiều lần nên Gia-cốp không tin ông nữa. Gia-cốp cũng biết mình không nên bỏ trốn như vậy vì người ta có thể hiểu lầm ông đã làm điều xấu. Cuối cùng La-ban và Gia-cốp cùng cầu nguyện, hứa với Đức Chúa Trời là sẽ không bao giờ lừa gạt, làm hại nhau. Sau đó, họ ngồi lại cùng ăn tối với nhau. Hôm sau, họ từ giã nhau, Gia-cốp tiếp tục dắt vợ con trở về quê hương.

  1. Ứng dụng.

Hướng dẫn các em mở sách học viên. Dùng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” giúp các em ôn bài.

            Sau đó giáo viên hỏi: Các bạn nhỏ trong hình đang làm gì? Em biết trò chơi trốn tìm chưa? Thảo luận trong lúc chơi đùa mà dối gạt nhau thì xảy ra chuyện gì? Hướng dẫn các em so sánh hậu quả của việc dối gạt và kết quả của việc làm chân thật.

            Sau đó, mời một em đọc câu gốc. Hỏi các em: Chân thật có ích lợi gì?” Khi các em trả lời xong, giáo viên kết luận: “Kinh Thánh dạy chúng ta làm việc tốt và ích lợi”. Cuối cùng hướng dẫn các em cầu nguyện xin Chúa giúp các em làm việc đúng và tha thứ mọi lỗi lầm.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. THIÊN SỨ BÁO TIN LÀNH

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:8-20.

II. CÂU GỐC: “Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi.” (Lu-ca 2:11).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên biết Chúa Jêsus đã giáng sinh tại thành Bết-lê-hem.

– Cảm nhận: Đây là tin mừng chung cho mọi người trên đất.

– Hành động: Cảm tạ Chúa và nói về sự giáng sinh của Chúa Jêsus cho bạn em.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ: Trò Chơi Xếp Hình.

* Cách thực hiện:

Giáo viên cho các em xem máng cỏ: “Ai nằm trong máng cỏ này? Ngài nằm trên gì?” Đặt rơm vào máng cỏ, mời các em trả lời, giúp các em ôn lại câu chuyện giáng sinh của Chúa Jêsus.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

            * Chuẩn bị:

– Thị trợ: Hình những người chăn chiên, bầy chiên, tia sáng, đoàn thiên sứ, chuồng chiên, Ma-ri, Giô-sép, Jêsus mới sinh.

– Hình người đang gọi điện thoại, người đưa thư.

– Thị cụ: Thiệp giáng sinh (bài thủ công số 3 giáo viên đã làm sẵn).

  1. Vào đề.

(Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị cụ).

Chúng ta làm thế nào để biết tin một em bé của người thân vừa được sinh ra? Có lẽ có người gọi điện thoại đến báo cho biết hoặc chúng ta nhận được thư do người đưa thư đem đến (giáo viên đưa hình người đang gọi điện thoại và người phát thư), cũng có thể là do bạn bè cho chúng ta biết. Tóm lại, chúng ta hay tin được là do nhiều cách khác nhau, nhưng chỉ có cách báo tin em bé Jêsus sinh ra là lạ lùng mà thôi.

  1. Bài học.

Trong một đêm cảnh vật lặng yên, mọi người đều say ngủ, chỉ còn vài người chăn chiên đang thức để chăn giữ bầy chiên của mình ngoài đồng.

Thình lình có ánh sáng rực rỡ từ trên trời chiếu xuống, một vị thiên sứ hiện ra trước mặt những người chăn chiên. Họ sợ hãi lắm.

 Thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ chi! Ta báo cho các anh em một tin mừng: Cứu Chúa Jêsus đã giáng sinh rồi!”

Các người chăn chiên chăm chú lắng nghe. Vị thiên sứ phán tiếp: “Đêm nay Jêsus đã giáng sinh tại thành Bết-lê-hem. Các anh em sẽ trông thấy một em bé bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ”. Thật là một tin lạ lùng cho họ!

Trong khi họ còn đang ngạc nhiên, thì trên trời hiện ra nhiều thiên sứ khác nữa và hát vang cả bầu trời.

Sau đó, các thiên sứ biến mất. Bầu trời trở lại yên lặng và đen tối như lúc ban đầu. Những người chăn chiên liền rủ nhau đi đến thành Bết-lê-hem để nhìn thấy mọi điều thiên sứ đã phán.

Họ đến nơi, nhìn thấy em bé Jêsus nằm trong máng cỏ, bên cạnh là bà Ma-ri và ông Giô-sép. Họ quỳ xuống thờ lạy Ngài và sau đó đi báo tin khắp nơi: “Chúa Cứu Thế đã giáng sinh tại thành Bết-lê-hem rồi!”

Giáo viên cho các em xem bài thủ công số 3 (giáo viên đã làm trước). “Chúng ta hãy mở thiệp giáng sinh này ra xem” Cho các em kể ra những gì các em thấy trong thiệp. Giáo viên cho các em biết tấm thiệp này dùng để gởi cho những người bạn giúp họ biết tin lành của Chúa Jêsus giáng sinh.

  1. Ứng dụng.

Hỏi lại các em: Thiên sứ hiện ra báo tin gì cho các người chăn chiên? Sau khi nghe báo tin, họ làm gì? Khi tìm được Chúa Jêsus sinh ra, họ bày tỏ lòng tôn kính Chúa bằng cách nào? Em làm gì để bày tỏ lòng vui mừng về sự giáng sinh của Chúa?

Cho các em đọc câu gốc nhiều lần. Sau đó, gọi vài em đọc lại câu gốc, nhưng thay chữ “các ngươi” bằng tên của em đó.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập số 3 làm sẵn.

– Cắt hình con bò, con chiên của tập học viên.

– Bút màu, hồ dán.

* Cách thực hiện:

Giáo viên phân phát hình con bò, con chiên đã cắt sẵn cho các em và hướng dẫn các em dán vào vị trí thích hợp ở bài tập số 3, tập học viên. Cắt theo đường thẳng đứt đoạn. Xếp gấp hai bên vào theo đường đứt đoạn của trang sau. Tấm thiệp đã hoàn tất.