Ngày: Tháng Bảy 5, 2024
THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN
in THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN on 5 Tháng Bảy, 2024
THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN
04/07/2024
Chủ đề: Chẳng Ai Lạc Quá Xa
Kinh Thánh: Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-31
Thông điệp:
? Hãy tưởng tượng sứ đồ Phao-lô đã cảm thấy thế nào sau khi tin nhận Chúa. Trước kia, ông được biết với tên gọi Sau-lơ, một người khét tiếng bắt bớ hội thánh của Chúa. Sau-lơ thậm chí còn đi xa đến mức truy đuổi các tín đồ của Chúa để hành quyết họ!
? Bạn có nghĩ rằng dân chúng sẽ tin ông ngay sau khi ông kinh nghiệm Chúa Giê-xu? Những tín đồ vốn biết ông là một tên giết người tàn bạo sẽ phản ứng như thế nào khi nghe tin ấy? Chắc chắn rằng sứ đồ Phao-lô buộc phải hứng chịu những ánh nhìn phán xét và những câu hỏi gay gắt từ công chúng. Đức Chúa Trời đã hành động một cách lạ lùng qua con người đã từng bắt bớ Hội Thánh này. Dù cho quá khứ của ông ra sao, Chúa có một kế hoạch đặc biệt dành cho ông. Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, sứ đồ Phao-lô được kêu gọi một cách diệu kỳ để rao giảng Phúc Âm.
? Vậy bạn có đang biết ai chống nghịch với đức tin vào Chúa Giê-xu Christ? Liệu bạn có thể làm chứng cho người ấy thông qua hành động của tình yêu thương và sự nhân từ? Có thể Chúa sẽ dùng bạn như môn đồ A-na-nia, người đã đặt tay giúp Phao-lô sáng mắt lại.
? Nếu như bạn đang chần chừ, hoặc cho rằng bạn đã “lạc bầy” quá xa để quay về với Chúa, hãy nhớ rằng không có ai vượt ra khỏi tình yêu thương của Chúa. Hãy cầu xin Chúa phán với lòng bạn và tìm kiếm Ngài. Chắc chắn bạn sẽ vui mừng với điều đó.
Nguồn: In Touch Ministries
_______________________________________
HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM
Kính CHÚA – Yêu Người – Truyền Giảng Phúc Âm – Xây Dựng Hội Thánh
Địa chỉ: 68 Nguyễn Công Hoan, P7, Phú Nhuận, TP.HCM
Email: hoithanhphucam2007@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/httgpa2007
Youtube: www.youtube.com/@HoiThanhTruyenGiangPhucAm
Web: http://maiamviet.org
Web: http://hoithanhphucam.org
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.07.2024
in THANH NIÊN on 5 Tháng Bảy, 2024
Chúa nhật 07.07.2024.
- Đề tài: CHÚA GÌN GIỮ.
- Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 1-2.
- Câu gốc: “Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp” (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:24).
- Đố Kinh Thánh: Gióp 11-20.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người có kinh nghiệm thuộc linh hoặc Mục sư, Truyền đạo để chia sẻ từ 2 tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Bài học hôm nay cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng, Ngài luôn quan tâm đến những ai đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, Ngài có một chương trình lạ lùng để giải cứu họ.
- HOẠN NẠN BẤT NGỜ (1:8-11a).
“Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép” (c.8).
Vua Ê-díp-tô mới lên ngôi cai trị, không am tường lịch sử quốc gia, không biết nguồn gốc của dân Do-thái trên đất mình, cho nên vua Ê-díp-tô có ý muốn kiềm chế người.
Sự thịnh vượng và gia tăng dân số của họ khiến vua cùng dân Ê-díp-tô lo ngại, ganh tị mà tìm cách sát hại họ. Có lẽ người Do-thái ngay trước đó không bao giờ nghĩ đến tai họa sẽ xảy đến cho họ. Trong cơn hoạn nạn, Đức Chúa Trời vẫn có sẵn kế hoạch để giải quyết nan đề cho dân sự Ngài.
- CHÚA DÙNG NGƯỜI CÓ SÁNG KIẾN (2:1-4).
Để giải cứu dân Ngài ra khỏi ách nô lệ và đem họ về miền đất Ngài đã hứa. Đức Chúa Trời chọn sẵn một người lãnh đạo trong tương lai để dẫn dân Ngài về đất hứa, người đó là Môi-se. Môi-se là người thuộc chi phái Lê-vi, tức chi phái sau này được Chúa chọn họ làm chức tế lễ trước mặt Ngài. Ông có một người mẹ yêu thương, can đảm phi thường khi giấu con trai mới sinh của mình trong nhà suốt ba tháng trước mệnh lệnh tàn tạo của vua Ê-díp tô, bà tìm đủ mọi cách để cứu con mình:
– “Bà làm một cái rương mây, trét chai và nhựa thông để thả con mình vào đó”.
– “Bà thả rương trong đám sậy bên bờ sông. Ở gần nơi công chúa Ê-díp-tô thường đến tắm. Có lẽ bà nghĩ đây là một nơi an toàn khỏi nanh vuốt của cá sấu và thú dữ”.
– “Bà lại sắp xếp người chị ruột của Môi-se đứng xa xa theo dõi tình thế để báo cáo lại, hoặc để đưa đề nghị cứu giúp em mình khi có chuyện chi xảy đến”.
Những sáng kiến đó được Chúa dùng làm ích lợi cho con bà. Ngoài yếu tố sáng kiến còn có một thứ tình cảm khác nữa khiến người ta hành động cho tha nhân.
III. CHÚA CẦN NGƯỜI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT (2:5-9a).
Hy vọng của mẹ Môi-se khi thả rương trong đám sậy được Chúa làm cho thành công. Công chúa Ai-cập thấy cái rương mây và vớt lên. Khi bà mở ra và thấy đứa trẻ đang khóc bà động lòng thương xót. Trong khi công chúa chưa biết phải tính sao thì chị của Môi-se đi tới với đề nghị tìm một người vú để nuôi dưỡng em bé. Công chúa đồng ý và người vú nuôi không ai khác hơn là mẹ ruột của em bé Môi-se. Bà được lại con mình và nuôi cho đến lớn khôn mới trao lại cho công chúa Ê-díp-tô.
Lòng thương xót là động lực đưa con người đến hành động cụ thể chứ không phải “tội nghiệp” suông. Người có lòng thương xót không đợi nạn nhân chạy đến với mình để yêu cầu được cứu giúp, nhưng lúc nào cũng nhìn xem quanh mình để thấy đâu là nhu cầu mà đáp ứng kịp thời. Công chúa Ê-díp-tô là một người đầy lòng thương xót như thế! Còn chúng ta thì sao?
- ĐỨC CHÚA TRỜI NGHE VÀ ĐOÁI ĐẾN (2:23-25).
Đời sống nô lệ của người Do-thái cứ nặng nề hơn, hầu như không chịu nổi nữa. Họ đã kêu la cùng Đức Chúa Trời. Lời than vãn của họ đã thấu đến tai Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nghe tiếng than của họ, Ngài nhớ đến giao ước Ngài đã thiết lập với tổ phụ họ và ra tay hành động.
Để cứu dân Do-thái, Chúa đã chọn Môi-se từ trước khi ông ra đời. Ngài còn huấn luyện ông Môi-se chu đáo để sau này lãnh đạo dân Ngài. Môi-se đã trải qua thời thanh xuân trong cung điện vua Ê-díp-tô để học tập nền văn hóa cũng như việc lãnh đạo dân sự. Nhưng sợ bị kết án trong vụ giết người Ê-díp-tô, nên ông đã trốn vào đồng vắng. Ở đó, ông làm quen với nếp sống du mục để sau này ông có đủ kinh nghiệm dẫn dắt dân Do-thái vượt sa mạc, đi vào vùng đất hứa. Như vậy, Chúa đã chuẩn bị Môi-se trong tám mươi năm. Để bây giờ, Đức Chúa Trời sai ông đi gặp vua Ê-díp-tô xin cho dân Ngài ra khỏi xứ đó để lập thành một dân biết thờ phượng Ngài.
Những hành động này của Chúa bảo đảm cho chúng ta rằng: Ngày nay, Ngài vẫn còn quan tâm đến nhu cầu của mọi người trong mọi hoàn cảnh. Ngài có chương trình chu đáo để giúp đỡ những ai đặt niềm tin vào Ngài.
Có lần nào bạn gặp khó khăn, cô đơn trong cuộc sống? Đó là những giờ phút bạn tưởng như không còn ai có thể thấu hiểu nỗi đau thương của mình. Đức Chúa Giê-xu thấu cảm nỗi đau thương đó của mỗi chúng ta. Ngài đã phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Mời bạn đến với Chúa giờ này để được Ngài xoa dịu những đau thương.
* KẾT LUẬN.
Người mẹ, người chị của Môi-se, công chúa Ai-cập đều đã góp phần đắc lực vào chương trình của Đức Chúa Trời. Những đoạn Kinh Thánh trong bài học hôm nay không kể tên những người này, nhưng công việc âm thầm của họ đã khuynh đảo một chính quyền bạo ngược ở Ê-díp-tô. Chúng ta cũng vậy! Sự quan tâm của chúng ta đối với tha nhân không đòi hỏi mọi người phải biết đến hay ca tụng, nhưng chắc chắn được Chúa biết và Ngài sẽ thưởng cho.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 07.07.2024
in PHỤ NỮ on 5 Tháng Bảy, 2024
Chúa nhật 07.07.2024.
- Đề tài: ĐA-VÍT, NGƯỜI CHĂN DÂN SỰ CHÚA.
- Kinh Thánh: 1Sa 16; 2Sa 2:1-4; 5:1-5; 8:1-15.
- Câu gốc: “Đa-vít trị vì trên toàn cõi Y-sơ-ra-ên, thực thi công lý và bình đẳng cho toàn dân” (2Sa 8:15 BTTHĐ).
- Đố Kinh Thánh: Ê-sai 7-9.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời Mục sư hay Truyền đạo chia sẻ từ 2 tuần trước.
- Ghi đề tài, Kinh Thánh nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao diễn giả để chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, cho mượn phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- GIỚI THIỆU.
Đa-vít ra đời khoảng năm 1035 T.C tại Bết-lê-hem, dòng dõi Giu-đa, chắt của Bô-ô và Ru-tơ, cháu nội của Ô-bết, con trai út của Y-sai. Cuộc đời Đa-vít có bốn giai đoạn:
- Đa-vít là người chăn chiên (1Sa-mu-ên 16).
Đa-vít lớn lên làm người chăn chăm sóc bầy chiên cho cha. Tiên tri Sa-mu-ên lập Đa-vít làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên.
- Đa-vít là phò mã của vua Sau-lơ.
Nhờ đánh đàn giỏi, từ người chăn chiên, Đa-vít được giới thiệu vào cung, khi Sau-lơ tâm thần bất an, nhờ tiếng đàn của Đa-vít được khuây khỏa. Vương quốc Y-sơ-ra-ên lâm nguy trước sự tấn công của Phi-li-tin. Với sự thách đố kiêu ngạo của Gô-li-át, Đa-vít xin đi diệt địch, ông hạ Gô-li-át dễ dàng bằng cái trành ném đá. Sau-lơ trọng thưởng bằng cách gã công chúa Mi-canh. Khi dân chúng hát khen Đa-vít, Sau-lơ ganh ghét, tìm cách giết hại Đa-vít.
- Đa-vít là người phiêu bạt (1Sa-mu-ên 19-31).
Đa-vít trốn thoát khỏi hoàng cung, lẩn tránh trong đồng vắng, trên núi, trong hang đá, nhiều nguy hiểm, suýt sa lưới Sau-lơ. Cuối cùng Đa-vít lánh nạn qua đất Phi-li-tin.
- Đa-vít là vua Y-sơ-ra-ên (2Sam 1-24).
Sau-lơ chết, Đa-vít về Hếp-rôn, dân chúng tôn vương Đa-vít vào khoảng năm 1005 T.C, khi 30 tuổi. Dưới triều Đa-vít, bờ cõi mở rộng, vua đánh chiếm các nước lân bang. Ngoài việc trị quốc, Đa-vít quan tâm đến thờ phượng, tôn vinh Chúa. Trong vinh hoa, Đa-vít phạm tội tà dâm và giết người! ông ăn năn, được Đức Chúa Trời tha thứ, không cất ngôi vua. Đa-vít trị vì 40 năm, qua đời lúc 70 tuổi.
- SUY GẪM.
- Đa-vít là người chăn chiên.
Điểm nổi bật của Đa-vít là chiến thắng Gô-li-át. Trong chiến đấu, Đa-vít nhìn biết quyền năng của Đức Chúa Trời.
Trước thách đố kiêu ngạo của Gô-li-át, quân tướng Y-sơ-ra-ên hoảng sợ. Đối với vua Sau-lơ, Đa-vít chỉ là một gã chăn chiên tầm thường, đối với Gô-li-át, Đa-vít quá nhỏ bé. Đa-vít nhờ cậy Đức Chúa Trời, Ngài đã dùng thứ khí giới đơn sơ là trành ném đá, khiến viên đá từ tay Đa-vít bắn trúng ngay trán Gô-li-át (1Sa 17:45-51). Gô-li-át chết, dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi tay Phi-li-tin. Đa-vít bày tỏ cho dân ngoại biết Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên giải cứu dân sự Ngài bằng quyền năng, không phải bằng gươm.
- Đa-vít là người chăn Y-sơ-ra-ên.
Đa-vít đáp ứng sứ mạng Chúa gọi:
(1) Về an ninh: Giê-ru-sa-lem trở thành kinh đô. Đa-vít đã bắt phục các nước lân bang, đời sống kinh tế được sung túc, thịnh vượng (2Sa 5:6-16; 8:1-14).
(2) Về cai trị: Đa-vít trị vì công bình và ngay thẳng (Thi 119:105-106; 2Sa 8:15), nhắc nhở dân chúng vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời (1Sử 28:8; Thi 51:13).
(3) Về nhà Chúa: Đa-vít có kế hoạch xây dựng một đền thờ cho Chúa. Mặc dầu ông không được xây cất, nhưng đã làm những việc quan trọng:
– Rước hòm giao ước từ nhà A-bi-na-đáp về Giê-ru-sa-lem.
– Phân chia các ban thứ của người Lê-vi để tổ chức thờ phượng trong đền thờ (1Sử 3:1-4, 16:37-42; 23:2-26).
– Dâng hiến phần lớn của cải mình cho công việc này (1Sử 22:1-6, 29:1-5; Thi 69:9).
- Đời sống tin kính Chúa của Đa-vít.
(1) Tin cậy Chúa (Thi 18:1-3).
(2) Tôn vinh, cảm tạ Chúa (Thi 103:1-3).
(3) Yêu mến, vâng giữ luật pháp Chúa (Thi 119).
III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Đa-vít trong sự đối phó với Gô-li-át:
– Gô-li-át có ý nghĩa gì về phương diện thuộc linh? Sự đối phó với Gô-li-át của Đa-vít thách thức chúng ta trong sứ mạng gì? Và bí quyết nào để đắc thắng? (2Côr 10:4-6; Êph 6:10-17).
- Đa-vít trong sự cai trị Y-sơ-ra-ên:
- Những công việc Đa-vít làm trong thời trị vì:
– Đối với nền an ninh quốc gia (2Sa 8:1-14).
– Đối với dân sự (2Sa 8:15; 23:3-4; Thi 51:13; 1Sử 28:8).
– Đối với công việc nhà Chúa (1Sử 13:1-4; 16:37-42; 22:1-6; 29:1-5; Thi 69:9).
- Nhắc nhở chúng ta trách nhiệm gì đối với những anh em Chúa gọi chúng ta chăm sóc? (Giăng 21:16; Côl 3:16; Rô 15:1-7).
- Đa-vít trong đời sống tin kính Chúa:
– Qua những ưu khuyết điểm của Đa-vít. Những gương sáng nào nên theo và lỗi lầm nào nên tránh?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 07.07.2024
in NAM GIỚI on 5 Tháng Bảy, 2024
Chúa nhật 07.07.2024
- Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VÀ SỰ TĂNG TRƯỞNG TÂM LINH.
- Kinh Thánh: 1Phi-e-rơ 1Pr 2:2; Phi 3:12; GiăngGa 3:3; Giăng 1:12; Ê-phê-sô Ep 1:14, 2:19; 1Cô 12:21-25.
- Câu Gốc: “Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13).
- Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 7-9.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Thảo luận.
Đề tài 1: Cơ Đốc nhân chỉ cần tin nhận Chúa là được cứu rỗi.
Đề tài 2: Cơ Đốc nhân cần phải tăng trưởng tâm linh.
- Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao hai đề tài cho hai nhóm.
- Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
- Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
- Giờ thảo luận.
- Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
- Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
- Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Người Cơ Đốc khỏe mạnh là người Cơ Đốc tăng trưởng (lớn lên) tâm linh. Tăng trưởng là điều phải có và cần thiết cho đời sống tâm linh, cũng như cho thể xác vậy. Khi được sinh lại vào “Gia đình của Đức Chúa Trời”, người tin Chúa là “Con đỏ trong Chúa Cứu Thế” (1Cô1Cr 3:1). Dù mới 15 tuổi hay đã 50 tuổi, người mới tin Chúa bắt đầu là trẻ con tâm linh và cần phải “Tăng trưởng trong sự cứu rỗi” (1Phi-e-rơ 1Pr 2:2 – Bản Diễn Ý), Đức Chúa Trời muốn và mong mỏi những người này lớn hơn. Để giúp đỡ họ trong quá trình tăng trưởng, Chúa chuẩn bị những người lãnh đạo có ân tứ của Chúa, như được nói đến trong Ê-phê-sô Ep 4:1-11, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ chính của ông là “khuyên bảo và cố gắng huấn luyện mọi người để họ đạt đến mức toàn hảo (trưởng thành) trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Cô-lô-se 1:28 – BDY).
Vì vậy, để giúp cho sự tăng trưởng, cần có các yếu tố sau:
- Được tái sinh và là thành viên trong gia đình mới của Chúa.
Khi nói chuyện với một lãnh tụ Do-thái giáo tên là Ni-cô-đem: “Đức Chúa Giê-xu cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Đức Chúa Giê-xu quả quyết rằng tất cả mọi người phải kinh nghiệm một điểm bắt đầu mới, là tái sinh. Cũng như một người bắt đầu cuộc sống thể xác vào lúc được sinh ra đời, người được tiếp nhận vào gia đình Đức Chúa Trời cũng phải có điểm bắt đầu tâm linh là tái sinh. Đức Chúa Trời ban một sự sống mới, là sự sống vĩnh cửu cho người nào tin nhận Đức Chúa Giê-xu, (Giăng 3:16), tâm linh của người này được Đức Thánh Linh sinh lại (Giăng 3:5-6) và là một công cuộc sáng tạo mới của Đấng Christ (2Cô 2Cr 5:17). Từ đó người này hưởng được một sự sống có phẩm chất mới, trong “trật tự mới” của chính Đức Chúa Giê-xu ban cho. Sự sống mới này chẳng những bảo đảm cho người vô Thiên đàng, mà còn nhận lấy sự sống dư dật ngay trong đời này, như Chúa đã hứa trong GiăngGa 10:10. Sự tái sinh mang đến những thay đổi làm cho chúng ta tăng trưởng.
Người được tái sinh sẽ có các mối liên hệ với gia đình mới, vì người tin Chúa “là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô Ep 2:19). Khi viết khúc Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô nhắc cho các độc giả thuộc dân ngoại (ngoài Do Thái) nhớ rằng, các mối liên hệ gia đình mới là đặc quyền Chúa ban cho. Khi trước, các dân ngoại không thuộc thành phần tuyển dân của Đức Chúa Trời – dân Do Thái, không nhận được sứ điệp cứu rỗi cách trực tiếp và nhất là “không hy vọng, không Đức Chúa Trời”
(Ê-phê-sô 2:11,12). Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà phá đổ bức tường ngăn cách giữa người này với người khác, và giữa người với chính Đức Chúa Trời. Khi đã biết rõ địa vị mới của mình trong gia đình của Chúa, chúng ta mới ý thức người được Chúa cứu chuộc là người có giá trị và quan trọng dưới mắt của Chúa.
- 2. Mối liên hệ anh chị em trong Chúa với nhau.
Khi được sinh lại, người tin Chúa có Cha mới, là Đức Chúa Trời. Trên một khía cạnh, Đức Chúa Trời là Cha của toàn thể nhân loại vì Ngài sáng tạo tất cả, nhưng tội lỗi đã cắt đứt mối liên hệ Cha – Con nguyên thủy đó (GiăngGa 8:44), và người được tái sinh là người được tái lập mối liên hệ Cha – Con với Đức Chúa Trời “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời,là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Ngoài ra, Cơ Đốc nhân cũng được sự hỗ trợ trong gia đình từ các anh chị em trong Chúa Giê-xu. Gia đình tâm linh gồm có tất cả mọi người cũng đặt niềm tin vào Chúa (Ga-la-tiGl 6:10). Anh chị em cùng một niềm tin phải nâng đỡ chăm sóc lẫn nhau, để giúp nhau tăng trưởng (1Cô 12:25; Ê-phê-sô Ep 4:11-16). Vì Đức Chúa Trời không định cho Cơ Đốc nhân sống cô độc, các tín hữu đều cần đến nhau. Ngay từ khi Hội Thánh đầu tiên được thiết lập, các Cơ Đốc nhân đã nhóm họp với nhau để học hỏi, thông công, dự Tiệc Thánh và cầu nguyện (Công Cv 2:42). Ngoài việc học Kinh Thánh riêng tư, tín hữu cũng cần được những người có ân tứ dạy dỗ hướng dẫn việc học Lời Chúa, để tăng trưởng và có sự hiểu biết Lời Chúa sâu nhiệm hơn (Ê-phê-sô Ep 4:14). Việc các tín hữu trong một Hội Thánh làm quen qua mối thông công trong Chúa, sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội để giúp đỡ yêu thương nhau (1Cô1Cr 12:26). Qua sự thờ phượng tập thể, tín hữu sẽ khích lệ đức tin của nhau. Nhưng điều quan trọng hơn hết, là sự liên hệ có tính cách gia đình giữa các con cái của Đức Chúa Trời, phải thể hiện tình yêu huynh đệ và tình hiếu khách (Rô-maRm 12:10-13; HêDt 13:1-2). Tiêu chuẩn của tình yêu bất vụ lợi mà các tín hữu bày tỏ cho nhau, chính là tình yêu hy sinh tuyệt đối của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Người ta chỉ có thể biết chúng ta là môn đệ thật của Chúa khi chúng ta yêu nhau (GiăngGa 13:34, 35).
Sinh hoạt trong gia đình Đức Chúa Trời nuôi dưỡng sự tăng trưởng tâm linh. Tín hữu sẽ có sự khích lệ lớn lao khi biết các anh chị em đều cần đến mình. Lời Chúa trong 1Cô1Cr 12:14-20 dạy rằng, mỗi Cơ Đốc nhân giống như mỗi bộ phận trong cơ thể, đều cần thiết và đều có sự đóng góp quan trọng vào phúc lợi chung của Hội Thánh. Mỗi cá nhân tín hữu đều cần các ân tứ tâm linh của các tín hữu khác cho sự tăng trưởng tâm linh của mình, vì vậy tất cả các tín hữu đều liên hiệp với nhau (1Cô 12:21-25). Cơ Đốc nhân được tăng trưởng là nhờ cả sự chia sẻ lẫn tiếp nhận.
- Đặc Quyền Của Công Dân Nước Trời.
Là công dân Nước Trời, Cơ Đốc nhân phải có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng luật pháp của nơi họ đang cư ngụ trên đất, nhưng đồng thời phải giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời (Rô-maRm 13:1-7). Người được sinh lại có hy vọng về Nước Trời (2Phi 2Pr 1:3,4). Sự sốt sắng trông chờ ngày về Nhà Cha sẽ giúp tín hữu biết sắp đặt thứ tự ưu tiên cho cuộc sống trên trần gian (Phi-líp Pl 3:17-21).
Quan điểm về quyền công dân Nước Trời giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng tâm linh của người Cơ Đốc. Cuộc sống tha hương, xa nước Trời không phải lúc nào cũng dễ dàng cả. Làm cách nào dân Chúa không chán nản khi đương đầu với các áp lực của đời? 2Cô 2Cr 4:14-16 dạy rằng “Mặc dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ ngày càng đổi mới”. Nhìn mọi vật với quan điểm của công dân nước Trời, người Cơ Đốc ý thức được các hoạn nạn ở đời chỉ là tạm bợ, còn phước hạnh họ sẽ hưởng trong nước Đức Chúa Trời là vĩnh cửu, bất tận. Một sự sống hướng về nước Trời, giúp cho người Cơ Đốc có đời sống trưởng thành tâm linh.
- 4. Cơ nghiệp mới.
Người được sinh lại vào gia đình Đức Chúa Trời, được tận hưởng một gia tài (cơ nghiệp) vô cùng phong phú. Việc thừa kế gia tài này được chính Đức Chúa Trời bảo đảm và Ngài là Đấng bảo vệ cả cơ nghiệp lẫn người thừa kế. Khi Chúa Cứu Thế trở lại lần thứ hai, Cơ Đốc nhân sẽ nhận lấy những tài sản tâm linh hiện đang được tồn trữ trong kho trên trời (2Phi 2Pr 1:3-5).
Cơ Đốc nhân cũng được nếm trước phước hạnh của Nước Trời khi được Thánh Linh ban cho những kết quả “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-tiGl 5:22, 23), trong cuộc sống của mình. Các đức tính này đến với người tin Chúa khi họ “Đầy dẫy Thánh Linh”, tức là khi họ để cho Thánh Linh hướng dẫn mọi sinh hoạt và không để cho các dục vọng của xác thịt điều khiển mình. Một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh được bày tỏ qua sự tôn vinh ca ngợi Chúa, sự vui mừng nội tâm, sự tạ ơn Chúa liên tục và qua các mối liên hệ hòa hợp với các anh chị em trong Chúa bằng sự thuận phục lẫn nhau (Ê-phê-sô Ep 5:18-21). Người tăng trưởng tâm linh chính là người biết áp dụng nguồn năng lực của Thánh Linh vào cuộc sống hằng ngày của mình.
* Tóm lược:
Một mục đích quan trọng cho tất cả Cơ Đốc nhân là trưởng thành tâm linh. Nhưng đạt đến địa vị trưởng thành đó, người Cơ Đốc phải trải qua một quá trình lâu dài và tăng tiến, để lớn lên trong sự hiểu biết nếp sống Cơ Đốc và sự hiểu biết chính Chúa Cứu Thế. Bước đầu tiên trong quá trình tăng trưởng tâm linh là sự tái sinh, vì phải có điểm bắt đầu này mới có đời sống mới trong Chúa Cứu Thế. Cơ Đốc nhân cũng phải ý thức được rằng, bây giờ họ thuộc về một gia đình mới và có mối liên hệ với gia đình đó, họ cũng có một quyền công dân mới là quyền phải được tôn trọng, và có một cơ nghiệp mới để vui hưởng.
CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Sự tăng trưởng của Cơ Đốc nhân là gì, và tại sao sự tăng trưởng nầy rất quan trọng?
- Xin cho biết hai lý do chính ngăn chặn sự tăng trưởng tâm linh.
- 3. Đời sống tâm linh bạn đã tăng trưởng như thế nào? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm.