CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.11.2021
By Quản trị in THANH NIÊN on 22 Tháng Mười Một, 2021
Chúa nhật 28.11.2021.
- Đề tài: LỄ TẠ ƠN (Sinh nhật Quí 4).
- Kinh Thánh: Thi thiên 92.
- Câu gốc: “Hãy thường thường nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời là Cha chúng ta” (Ê-phê-sô 5:20).
- Đố Kinh Thánh: Dân số ký 21-25.
5.Thể loại: Sinh nhật.
Ghi chú: Sinh nhật Quý 4 đúng vào dịp Lễ Tạ ơn, vì vậy trước khi tổ chức Sinh nhật, Trưởng Ban Thanh Niên sẽ có lời giới thiệu về ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
MÙA TẠ ƠN
Chúng ta đã bước vào tháng mười một – tháng của Mùa Cảm Tạ. Cảm tạ hay Tạ ơn là ngày lễ của người Hoa Kỳ, đánh dấu một năm sau ngày những người di dân đầu tiên đặt chân đến bến bờ tự do. Về sau, vào năm 1863, đang lúc cuộc nội chiến vẫn còn tiếp diễn, Tổng Thống Abraham Lincoln đã công bố ngày Cảm tạ hằng năm để “Tạ ơn và ca ngợi Người Cha Thiêng Liêng ngự trên các tầng trời đã ban ơn cho chúng ta”. Đó là nguyên văn lời công bố của Tổng Thống Lincoln khi thiết lập ngày Lễ Cảm Tạ hằng năm. Dù không phải là con cháu của những người di dân đầu tiên nhưng bất cứ ai cư ngụ trên phần đất đầy phước hạnh nầy không thể không dâng lời cảm tạ và sống với lòng biết ơn Thiên Chúa là người Cha nhân từ đã ban mọi phước hạnh cho chúng ta.
Thật ra, cũng không nhất thiết phải sống tại Hoa Kỳ chúng ta mới biết ơn Thiên Chúa và ca ngợi Ngài. Nhưng dù là ai, sống ở đâu, là con người, mỗi chúng ta đều phải sống với lòng biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do cho chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, nhưng Kinh Thánh là Lời của Ngài chỉ cho chúng ta thấy những lý do sau:
- Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài tạo dựng chúng ta.
Ngài là Đấng Tạo Hóa và chúng ta là tạo vật của Ngài. Làm con phải biết ơn cha mẹ thể nào thì làm người, chúng ta cũng phải biết ơn Thiên Chúa như vậy. Chúng ta thường nhắc đến ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, nhưng chính Đức Chúa Trời Toàn Năng mới là Đấng tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, hơi thở, sức khỏe, khả năng, dịp tiện để sống trên đời. Cha mẹ sinh hạ chúng ta, nuôi nấng chúng ta nhưng Đức Chúa Trời là Đấng sinh hạ cha mẹ, ông bà, tổ tiên chúng ta. Tất cả mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Kinh Thánh dạy:
“Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó… Chính Ngài là Đấng ban sự sống, hơi thở và mọi thứ khác cho mọi người. Từ một người, Ngài đã làm nên mọi dân tộc và khiến họ sống trên khắp mặt đất. Ngài ấn định thời kỳ và ranh giới cho họ cư trú” (Công vụ 17:24-26).
Lỗi lầm của con người là dù trong thâm tâm, mỗi người đều biết như vậy nhưng chúng ta đã không làm theo điều mình biết. Con người đã phản loạn, chống đối Thiên Chúa và khước từ Ngài. Sứ đồ Phao-lô trong lá thư gửi cho các tín hữu trong thế kỷ thứ nhất tại Rô-ma đã viết những lời như sau, chẳng những đúng 2.000 năm trước nhưng con người ngày hôm nay cũng giống hệt như vậy. Sứ đồ Phao-lô viết:
“Những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được… thì ngay từ buổi sáng thế, người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài… Mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài!”
(Rô-ma 1:19-21).
Đó là vấn đề của con người: biết Đức Chúa Trời là ai mà không tạ ơn Ngài. Từ chỗ phủ nhận và lòng vô ơn đó đã sinh ra mọi tội lỗi và gian ác. Đọc phần tiếp theo của thư Rô-ma chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Vì con người khước từ Thiên Chúa nên Ngài đã phó mặc cho con người phạm tội, từ tội thờ hình tượng, đến tội đồng tính, từ bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc đến ganh tị, sát nhân, gây gổ, dối trá, nham hiểm, nói hành, vu khống, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, không vâng lời cha mẹ, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót… Đó là bảng liệt kê tội lỗi được ghi trong thư Rô-ma chương 1. Khi một vị giáo sĩ đến truyền giáo cho một bộ tộc ở một vùng hẻo lánh nọ và đọc cho họ nghe bảng liệt kê nầy, họ đã hỏi vị giáo sĩ: “Ai đã nói những chuyện xấu của chúng tôi cho ông biết hết vậy?” Thưa quý vị, Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta thấy rõ con người thật của mình, cho chúng ta thấy vấn đề tội lỗi của chúng ta. Là người biết ơn Chúa, chúng ta không thể dửng dưng trước những lời cảnh cáo nầy. Chúng ta phải bình tâm suy nghĩ, ăn năn tội và quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng chúng ta. Đó là cách bày tỏ lòng biết ơn đầy đủ nhất của chúng ta.
- Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài cứu rỗi chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô trong lá thư gởi cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô đã viết: “Cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không tả xiết” (2Cô-rinh-tô 9:15).
Hai chữ chúng ta cần biết trong câu nầy là “sự ban cho” và “không tả xiết”. Sự ban cho có nghĩa là món quà. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì món quà của Ngài. Và “không tả xiết” nghĩa là không bút mực nào, không một cách gì có thể mô tả cho hết về món quà của Thiên Chúa. Món quà đó chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã giáng trần hơn 2.000 năm trước để cứu nhân loại. Vấn đề của con người chính là tội lỗi, và chỉ có một cách để giải quyết là tội lỗi phải bị hình phạt. Tất cả con người chúng ta đều là tội nhân nên phải chịu hình phạt. Chúa Giê-xu đã đến để chịu tội thế cho con người, nên chúng ta không còn phải chịu án nữa. Đó là ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta với một điều kiện. Điều kiện đó là đức tin của chúng ta. Một món quà khi được trao tặng phải có người nhận. Thiên Chúa tặng quà mà không nhận thì dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có quà cả! Nhận quà và cảm ơn người cho quà, đó là điều Thiên Chúa vui lòng hơn cả. Mỗi năm đến tháng Mười Một, chúng ta lại mừng Ngày Tạ Ơn nhưng chúng ta có biết mình Tạ Ơn ai không? Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa chẳng những vì Ngài đã đưa chúng ta đến một đất nước tự do, sung sướng, chúng ta được hưởng mọi điều tốt lành về vật chất cũng như tinh thần. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa trên phương diện tâm linh, trên phương diện đức tin. Sâu kín trong tâm hồn chúng ta biết có một Đức Chúa Trời toàn năng, yêu thương đã tạo dựng và ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Biết như vậy nhưng chúng ta có nhận Ngài là Cha và tôn Chúa làm Chủ của đời sống mình không? Ăn năn tội, quay trở lại với Thiên Chúa và tôn thờ Ngài là cách bày tỏ lòng biết ơn tốt nhất và đầy đủ nhất của chúng ta. Ước mong quý vị sẽ làm điều đó trong Mùa Tạ Ơn năm nay!
Phát Thanh Tin Lành
* TRÒ CHƠI SINH HOẠT SINH NHẬT.
BẠN THẤY GÌ?
Æ Chuẩn bị: Một số vật dụng: Dao, ly, viết, kéo, chai… Cho những vật dụng trên vào một cái bao.
Æ Cách chơi:
– Chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm cử đại diện để tham gia trò chơi.
– Đại diện của mỗi nhóm sẽ lên nhìn vào cái bao trong vòng 2 phút. Sau đó, ghi lên giấy những gì mình thấy được.
– NHD sẽ kiểm tra bản liệt kê vật dụng của mỗi nhóm và quyết định phần thắng cho nhóm nào liệt kê đầy đủ nhất.
CHUYỀN MIỆNG THI
Æ Chuẩn bị: Số lượng tăm xỉa răng và dây thun = số người hiện diện.
Æ Cách chơi:
– Chia 4 nhóm có số người bằng nhau, ngồi hoặc đứng theo hàng.
– NHD phát cho mỗi người 1 cây tăm và 1 dây thun, tăm sẽ ngậm vào miệng và dây thun sẽ treo vào cây tăm.
– NHD ra lệnh “bắt đầu”, người ở đầu hàng chuyền sợi thun của mình sang cho người bên cạnh. Người bên cạnh nhận sợi thun bằng cây tăm và tiếp tục chuyền số thun mình có cho người kế bên. Nhóm nào chuyền mau và đủ số thun của mình sẽ thắng.