CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.08.2019
By Quản trị in NAM GIỚI on 2 Tháng Mười Hai, 2019
Chúa nhật 08.12.2019.
- Đề tài: KHUYÊN BẢO VÀ CHÀO THĂM.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 16:10-24.
- Câu gốc: “Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm” (1Cô-rinh-tô 16:14).
- Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 17-20.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21/07/2019).
Sau đây là một số câu hỏi học Kinh Thánh để bạn tham khảo.
(1.1) Phao-lô cho biết ai sẽ đến thăm Hội Thánh? Phao-lô dặn Hội Thánh những điều gì khi tiếp rước người nầy? (c.10-11).
(1.2) Tại sao Phao-lô khuyên các tín hữu chớ khinh dể Ti-mô-thê? (1 Ti-mô-thê 4:12).
(1.3) Bạn học được điều gì qua lời khuyên của Phao-lô?
(2.1) Phao-lô tiếp tục khuyên bảo các tín hữu những điều gì? (c.13-14).
(2.2) Lời khuyên nầy mang ý nghĩa gì và quan trọng thế nào?
(2.3) Theo bạn, tại sao Phao-lô khuyên “mọi việc anh em làm hãy lấy lòng yêu thương mà làm?”
(3.1) Từ câu 10-12, 15-18, Phao-lô nhắc đến những người nào?
(3.2) Tại sao Phao-lô khuyên tín hữu Cô-rinh-tô quý trọng những người hầu việc Chúa?
(3.3) Bạn cư xử thế nào đối với người hầu việc Chúa và với anh em trong Chúa?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Lời khuyên bảo và chào thăm cuối thư là một đặc điểm trong các thư tín của Phao-lô. Trong phần kết thúc này, Phao-lô đã có lời khuyên bảo gì? Và chào thăm những ai? Cũng như bày tỏ tâm tình của Phao-lô thể nào đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô?
- DẪN GIẢI.
- Đối với người hầu việc Chúa.
Từ câu 10-12, 15-18, Phao-lô nói đến một số người và nhắc nhở các tín hữu Cô-rinh-tô hãy có thái độ đúng đắn với những người ấy:
– Ti-mô-thê là một người cộng sự trung tín hết lòng giúp đỡ Phao-lô trong công việc chăm sóc Hội Thánh. Phao-lô khuyên các tín hữu chớ khinh dể Ti-mô-thê, có lẽ vì sự trẻ tuổi của thanh niên nầy (1Tim 4:12).
– Sê-pha-na là người tin Chúa đầu tiên xứ A-chai. Cả nhà Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ là những người tận tâm, tận lực giúp đỡ các thánh đồ. Phao-lô khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô hãy kính phục và biết quý trọng những người thể ấy.
Cách cư xử của người đời thường bị chi phối bởi thành kiến tuổi tác, dáng dấp bên ngoài. Nhưng cách đối xử mà Phao-lô dạy các tín hữu là chú trọng nhân cách và phẩm hạnh tin kính Chúa của người ấy và trong tinh thần của chi thể, tôn trọng nhau. Chúng ta đang ở trong cách đối xử nào đối với người hầu việc Chúa và anh em trong Chúa?
- Lời khuyên bảo cuối thư.
Trong c.13-14, Phao-lô khuyên dạy các tín hữu:
– Tỉnh thức trong ý nghĩa hy vọng chờ đợi ngày Chúa trở lại (Mác 13:34; 1Tê 5:6).
– Vững vàng trong đức tin. Ở đây là đức tin về sự sống lại mà Phao-lô nói đến trong đoạn 15. Hy vọng và đức tin này là yếu tố thúc đẩy người tín hữu mạnh mẽ, hăng hái hầu việc Chúa cách dư dật (15:58).
– Làm việc Chúa với lòng yêu thương. Lời khuyên này có thể nói là sự diễn ý câu 13 của đoạn 13. Một sự nhắc nhở người tín hữu nhớ rằng chỉ có công việc được đóng ấn bởi tình yêu thương mới còn lại giá trị trong cõi đời đời.
- Lời chào thăm.
Lời chào thăm của Phao-lô từ c.19-20 có những đặc điểm sau đây:
(1) Cá nhân: Dầu là bức thư chung, nhưng Phao-lô không quên nhắc đến từng cá nhân.
(2) Thân mật: “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau” (c.20).
Đây là cách chào hỏi theo phong tục của người Đông Phương bày tỏ tình thân, hay sự thân thiết của tình bạn hữu.
(3) Đích thân Phao-lô “chính tay tôi viết chào thăm anh em”.
Với phương tiện truyền thông tinh vi ngày nay, chúng ta thường nhận những bức thư thăm hỏi từ máy móc, dưới hình thức trang trọng. Tuy nhiên, với bức thư viết tay từ người thân, từ bạn bè vẫn cho ta có cảm giác gần gũi và thân mật hơn.
Tóm lại, ba yếu tố trên đã làm cho lời chào thăm của Phao-lô trở nên hữu hiệu trong mối thông công khắng khít giữa ông và độc giả.
- Tâm tình phục vụ của Phao-lô.
Từ c.12-24, cho chúng ta thấy những điểm đặc biệt trong tâm tình phục vụ của Phao-lô:
- Nâng đỡ người trẻ tuổi (c.10-11): Với Ti-mô-thê, người thanh niên trẻ tuổi, kinh nghiệm non nớt, nhưng Phao-lô tin cậy, tạo cho cơ hội, giao thác trách nhiệm trong công tác thăm viếng Hội Thánh. Ông cũng kêu gọi các tín hữu có thái độ tôn trọng Ti-mô-thê.
- Đồng công: Với A-bô-lô, A-qui-la và Bê-rít-sin, Phao-lô đối đãi họ trong tinh thần của người bạn đồng công (c.12,19).
- Ngay thẳng: Với những kẻ bất bình không yêu Chúa, Phao-lô có thái độ phân rẽ, đặt họ dưới sự rủa sả. Chữ A-na-them là một lời rủa sả có nghĩa là dứt phép thông công. Chữ Ma-ra-na-tha nghĩa là Đức Chúa Trời đến! Hay Đức Chúa Trời hãy đến! (c.22).
- Khích lệ: Với những tín hữu sốt sắng hầu việc Chúa như nhà Sê-pha-na, Phốt-tu-na, A-chai-cơ thì Phao-lô nhắc đến họ và kêu gọi các tín hữu nhìn biết công khó của họ (c.15-18).
- Yêu thương (c.24): Dầu trong thư Phao-lô có lời quở trách sửa dạy các tín hữu, nhưng cuối thư là tấm lòng yêu thương tràn đầy của Phao-lô đối với họ như người cha đối với con cái yêu dấu của mình.
Tâm tình hầu việc Chúa của chúng ta thế nào?
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Từ câu 10-11, Ti-mô-thê là ai? Tại sao Phao-lô khuyên tín hữu Cô-rinh-tô chớ khinh dể Ti-mô-thê? Lời khuyên này nhắc chúng ta điều gì?
- Trong câu 13-14, Phao-lô khuyên bảo các tín hữu những điều gì? Những điều này quan trọng thế nào?
- Từ câu 10-12, 15-18, Phao-lô nhắc đến những người nào? Tại sao Phao-lô khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô hãy có lòng kính phục và quý trọng những người ấy?
- Trong lời chào thăm, Phao-lô nói đến những ai, và trong tinh thần nào?
- Từ câu 10-24, tìm hiểu tâm tình phục vụ Chúa của Phao-lô trong những khía cạnh: với người trẻ tuổi, với bạn đồng lao, với người cộng sự yêu mến Chúa, với kẻ bất kính, với tín hữu trong Hội Thánh.