CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 16.02.2020
By Quản trị in THANH NIÊN on 10 Tháng Hai, 2020
Chúa nhật 16.02.2020
- Đề tài: VẤN ĐỀ MÊ TÍN, DỊ ĐOAN.
- Kinh Thánh: Phục Truyền 8:9-14; Giê-rê-mi 10:15; Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18.
- Câu gốc: “Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8).
- Đố Kinh Thánh: Mác 12-16.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
– Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.
- Đọc Phục Truyền 18:9-14, xin cho biết:
(1) Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự điều gì? (c.11-12).
(2) Vì sao Đức Chúa Trời nghiêm cấm điều đó?
(3) Bạn làm gì để giúp đỡ người bị bói khoa, tà thuật chi phối?
- Đọc Giê-rê-mi 10:1-5, xin cho biết:
(1) Đức Giê-hô-va phán dặn nhà Y-sơ-ra-ên điều gì?
(2) Vì sao Ngài phán dặn điều đó?
(3) Muốn được Đức Chúa Trời ban phước, bạn phải làm gì?
III. Đọc Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18, xin cho biết:
(1) Phao-lô cảnh tỉnh tín hữu điều gì?
(2) Vì sao Phao-lô cảnh tỉnh điều đó?
(3) Bạn được Chúa cảnh tỉnh điều gì? Xin cho biết.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sống giữa vũ trụ bao la, con người cảm thấy mình bé nhỏ, lạc lõng và run sợ trước những huyền nhiệm bao quanh. Từ sự sợ hãi, con người đã bị rơi vào bóng tối của sự mê tín, dị đoan! Từ thuở xa xưa, sự mê tín, dị đoan cũng đã bắt đầu chi phối trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của con người. Trong các tôn giáo của loài người không thể không có sự pha trộn ít nhiều các thứ mê tín, dị đoan. Vì bị phục dưới quyền lực của tội lỗi, người ta cũng bị dẫn dụ vào những sự tin tưởng nhảm nhí, chuyên chú vào các thứ chuyện huyễn hơn là hướng tìm lẽ thật, miễn là để cầu sự may mắn cho chính mình!
Mặc dầu theo đà tiến bộ của khoa học, có một số mê tín dị đoan bị xóa bỏ. Một số nơi cho rằng mê tín dị đoan là sự phản tiến bộ của nhân loại và chủ trương bài trừ. Tuy nhiên, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trong đời sống con người. Ngay trong thời đại này, tại các xứ văn minh cũng thấy còn lãng vãng bóng của các thứ mê tín dị đoan! Là Cơ đốc nhân, chúng ta có thái độ nào với vấn đề này?
- DẪN GIẢI.
- ĐỨC TIN TRÁI VỚI MÊ TÍN, DỊ ĐOAN.
- Mê tín, dị đoan là gì?
Trong tiếng Anh chỉ có chữ superstition nói về sự tin tưởng nhảm nhí. Trong tiếng Việt có hai chữ: Mê tín có nghĩa là tin một cách mù quáng, mê muội bất cứ một điều gì. Và dị đoan, có nghĩa là tin theo những điều kỳ quặc, những điều không có được!
Theo ý nghĩa trên, cho thấy mê tín và dị đoan đi đôi với nhau, cùng thuộc về một thứ tin tưởng nhảm nhí, vô căn cứ. Sự tin tưởng này đến từ sự sợ hãi, và sự sợ hãi là dấu hiệu của con cái tối tăm bị phục dưới quyền lực của ma quỉ. Từ sự sợ hãi người ta bị dẫn dụ đến sự tin tưởng ở một huyền bí vô hình đang bao bọc xung quanh mình. Cho nên thấy cái gì cũng sợ, cái gì cũng dễ tin, như nghe tiếng mưa bão, sấm sét thì tin đó là thần nổi giận, thấy chim cú mèo đậu bên cạnh nhà sợ là điềm chẳng lành! Thấy núi cao hùng vĩ cũng sợ, thấy hòn đá sần sùi có hình thù lạ thì cũng sợ, tin là thần linh! Vì vậy sự mê tín dị đoan sẽ dẫn con người đi trong bóng tối tăm của sự chết và vô vọng mà thôi! (Giê-rê-mi 10:8).
- Đức tin là gì?
Đức tin của người Cơ đốc trái hẳn với sự mê tín, dị đoan.
- Đức tin có đối tượng bất biến: Đối tượng đó chính là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng Hằng sống, Đấng hôm qua, ngày nay cho đến đời không hề thay đổi (Hê-bơ-rơ 12:2; 13:8).
- Đức tin có nền tảng vững chắc: Vì được lập trên Kinh Thánh là lời khải thị của Đức Chúa Trời bởi Đức Thánh Linh, là Lời sống, bất biến và linh nghiệm vô cùng (Hê-bơ-rơ 4:12; 1Phi-e-rơ 1:25; 2Ti 3:14-16).
- Đức tin đến từ sự nghe, hiểu lẽ thật và tin, có nghĩa không phải tin cách mù quáng (Rô-ma 10:9-17).
- Đức tin là thực thể của hy vọng và là bằng chứng của những điều chưa xem thấy (Hê-bơ-rơ 11:1). Đức tin của người Cơ đốc không phải là một ảo tưởng, nhưng đưa đến hy vọng sống thật sự trong đời sau.
Đó là đức tin vững chắc vì chúng ta biết rõ Đấng chúng ta tin (2Ti-mô-thê 1:12). Đó là đức tin để chúng ta được cứu rỗi, được xưng nghĩa, được hòa thuận với Đức Chúa Trời, được phước hạnh trong ân điển Ngài (Ê-phê-sô 2:8; Rô-ma 5:1-2). Đó là đức tin chúng ta được gọi đến để sống bởi đức tin và bước đi bởi đức tin trong ánh sáng của sự sống (2Côr 5:7; Ê-phê-sô 5:8).
Mê tín dị đoan
– Không có đối tượng. – Không có nền tảng căn cứ. – Tin vì sợ hãi. – Tin vì muốn được may mắn muốn được lợi vật chất. – Tối tăm không có hy vọng. |
Đức tin
– Đối tượng: Đấng Christ. – Nền tảng: Kinh Thánh. – Tin từ sự nhận biết lẽ thật. – Đức tin đem đến sự cứu rỗi, phước hạnh thuộc linh, sự sáng, sự sống và hy vọng. |
- LỜI CẢNH CÁO CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ TIN TƯỞNG THẦN TƯỢNG HƯ KHÔNG.
- Nghiêm cấm về sự bói khoa và tà thuật.
Sự ngăn cấm này vì những lý do sau đây: (1) Đó là điều Đức Chúa Trời gớm ghiếc. (2) Đó là công việc tối tăm của ma quỉ hành động qua những người bói khoa, tà thuật, đồng bóng… để dẫn dụ người ta vào sự mê tín dị đoan. (3) Vì tà thuật là con đường dẫn đến diệt vong. Dân Y-sơ-ra-ên được Chúa lựa chọn từ các dân thờ tà thần để làm tuyển dân Chúa, tôn thờ Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, cho nên sự bắt chước tà thuật của dân ngoại đạo là điều không khôn ngoan (Phục 18:9-14; Ê-sai 8:19-22).
- Chớ sợ thần tượng (Giê-rê-mi 10:1-5).
Vì thần tượng chỉ là vật chất vô tri, vô giác! Người bị bắt phục dưới quyền lực ma quỉ sợ đủ thứ, sợ dấu trên trời, sợ khúc gỗ chạm hình tượng! Nhưng dân sự Chúa là người được kêu gọi ra khỏi tối tăm, được giải cứu khỏi sự sợ hãi để tôn thờ Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng có quyền ban phước giáng họa trên loài người mà thôi!
- Chớ trở lại sự giữ ngày tháng năm: Là dấu hiệu của sự mê tín, dị đoan. Trong thư Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18 sứ đồ Phao-lô cảnh tỉnh người tín hữu coi chừng ý niệm tôn giáo cảm xúc và thần bí xen vào dẫn dụ họ trở lại nếp sống cũ với sự thờ lạy thiên sứ, giữ ngày mặt trăng mới theo thói tục của thế gian. Người tin Chúa là người được giải cứu khỏi những mê tín, dị đoan để đời sống bởi đức tin tự do trong Đấng Christ.
Tóm lại qua lời cảnh cáo trên, chúng ta nhận thấy có mối liên hệ giữa tôn giáo (thờ hình tượng), kẻ đồng bóng và mê tín dị đoan mà trong mối liên hệ đó, kẻ tà thuật, đồng bóng đóng vai trò trung gian hay nói cách khác là môi giới cho ma quỉ để đưa vào sự mê tín, dị đoan. Từ đó quyến dụ người ta trong sự thờ lạy hình tượng không biết chán, để rồi bị bắt phục dưới quyền lực tối tăm của ma quỉ!
Vì vậy trong tôn giáo đa thần có đầy dẫy những thứ mê tín, dị đoan để mê hoặc thiên hạ. Và người ta cũng không tiếc tiền để trả cho việc bói khoa tà thuật, trả cho sự cúng tế chỉ để cầu cho mình được chút may mắn, được che chở của thần tượng hư không!
- CƠ ĐỐC NHÂN VỚI SỰ MÊ TÍN, DỊ ĐOAN.
- Sự mê tín, dị đoan trong xã hội loài người xưa nay.
Mê tín, dị đoan thấy có ở khắp nơi! Mặc dầu có một số mê tín bị xem là “lỗi thời”, vì được khoa học giải thích nguyên do. Tuy nhiên, không có nghĩa là không còn mê tín dị đoan nữa. Trái lại, ngày nay mê tín dị đoan được ẩn núp dưới công việc làm ăn của ông đồng, bà bóng tân thời, ngồi tính toán vận mạng người ta trước màn ảnh điện toán rất là khoa học!
Xưa nay, mỗi dân tộc mỗi địa phương có những mê tín dị đoan khác nhau, như người phương tây kiêng cữ số 13; kiêng ba người hút thuốc lá cùng châm một diêm quẹt; kiêng chú rể không gặp cô dâu trước ngày cưới, vì sợ chẳng may! Người Việt chúng ta ngày nay cũng lần lần mê tín hóa con số 13 của người phương tây, lại thêm kiêng cử những con “số bù” và mua xe lựa con số 9 nút… Còn có nhiều kiêng cử khác vì sợ rủi ro như: Mùng một tết kiêng quét nhà (sợ tiền ra); kiêng mặc màu trắng (sợ tang tóc); kiêng gắt gỏng (sợ mặt nhăn nhó suốt năm), đám cưới kiêng tháng Ngâu (tháng bảy âm lịch) (sợ vợ chồng chia ly)… Ngoài sự kiêng cử, người Việt chúng ta còn có sự mê tín về hiện tượng, chiêm bao, thú vật, tướng số và bói khoa… như bị ong đốt sẽ gặp nguy hiểm trong nghề; chó đến nhà thì giàu; mèo vào nhà thì khó… Hoặc kiêng cử ngày mùng năm, mười bốn, hai mươi ba âm lịch “đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn!”
Sự mê tín, dị đoan được thấy trong nữ trang của người Ai-cập xưa, được xem như lá bùa để được may mắn hay để trừ ma quỉ!
Trong lịch sử đầu tiên của Cơ đốc giáo, Cơ đốc nhân bị những người đa thần bắt bớ tố cáo là người làm đảo lộn lề thói tập tục của dân ngoại. Vì cớ được kêu gọi đến nếp sống mới trong Đấng Christ, Cơ đốc nhân đã từ bỏ nếp sống cũ của mê tín, dị đoan, cúng tế hình tượng. Thế nhưng những thế kỷ sau đó, nhất là trong thời Trung cổ cũng gọi là thời kỳ sa sút của Hội Thánh, mê tín dị đoan cũng len lỏi vào Hội Thánh của Chúa dưới nhiều hình thức, như bán bùa xá tội cho người chết, dựng tượng các thánh để cầu nguyện, dựng tượng thờ bà Ma-ri và thỉnh thoảng tuyên bố sự “xuất hiện của Đức Mẹ” làm phép màu cứu độ con dân Chúa, thu hút và mê hoặc giáo dân. Cũng như trong một số nơi hay nhà riêng của người mang danh tin Chúa, có hình ngôi sao sáu góc trong hình tròn biểu hiện của sự may mắn và thịnh vượng!
- Thái độ của người Cơ đốc đối với sự mê tín dị đoan.
Những mê tín dị đoan nói trên chẳng qua là một hình thức thờ “thần may mắn” và “thần hộ mệnh”, để người ta được yên ổn và thịnh lợi vật chất, mặc dầu phải chịu phục dưới quyền lực ma quỉ!
Vì vậy trong niềm tin thuần túy của người Cơ đốc, chúng ta không chấp nhận mê tín dị đoan dưới bất cứ hình thức nào. Vì chúng ta được kêu gọi đến đời sống bởi đức tin, chớ không phải mê tín. Đối với mê tín dị đoan, người Cơ đốc cần bày tỏ ba điều này trong nếp sống hằng ngày của mình: (1) Trở nên người sáng láng trong Chúa. (2) Bước đi bởi đức tin. (3) Bước đi như các con sáng láng (2Côr 5:7; Ê-phê-sô 5:8).
Với nếp sống tự do trong Đấng Christ:
- Chúng ta không tin bất cứ điều gì mà không có cơ sở của Kinh Thánh, dầu điều đó mang danh “Cơ đốc”, như bùa xá tội, quỳ lạy trước tượng các thánh, phép cứu độ của Đức Mẹ…
- Chúng ta không thờ thần may mắn, thần hộ mệnh từ các đồng bóng. Chỉ có Đức Chúa Trời là cao cả, Đấng duy nhất có quyền ban phước, giáng họa trên loài người.
- Chúng ta không phải kiêng ngày, giờ. Vì các ngày thuộc về Chúa, Ngài là Đấng nắm giữ tương lai của mọi người (Thi 139:13-16).
- Chúng ta nên dẹp bỏ những gì đang giữ, đang treo, đang mang trong người với ngụ ý may mắn, cũng không nên tính tuổi, tính ngày giờ theo con giáp, vì đó chỉ là những hình thức dị đoan, bói khoa mà người sống trong ánh sáng của Chúa không thể nào thỏa hiệp.
Tóm lược.
- Mê tín, dị đoan là hình thức của sự thờ lạy thần may mắn và thần hộ mệnh.
- Đức tin trái hẳn với sự mê tín, dị đoan vì: Đức tin của người Cơ đốc có đối tượng bất biến là Đấng Christ và nền tảng vững chắc là Kinh Thánh, lời khải thị của Đức Chúa Trời.
- Sự cầu hỏi đồng bóng và thờ thần tượng là điều Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự Ngài.
- Đối với mê tín dị đoan, sự đáp ứng của người Cơ đốc trong nếp sống hằng ngày là: Trở nên người sáng láng, bước đi bởi đức tin và bước đi như con cái sáng láng.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Xin tìm hiểu ý nghĩa của những chữ: Mê tín – Dị đoan.
- Theo ý nghĩa trên, mê tín, dị đoan đến từ đâu? Tại sao người ta bị bắt phục dưới sự mê tín, dị đoan?
- Mê tín, dị đoan dẫn người ta đến đâu? (Giê-rê-mi 10:8).
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- Hê-bơ-rơ 11:1: Đức tin có nghĩa gì?
- Rô-ma 10:9,17; Hê-bơ-rơ 12:2; 2Ti-mô-thê 3:14-16a: Đức tin người Cơ đốc đến từ đâu? Được đặt vào đối tượng và nền tảng nào?
- 2Ti-mô-thê 1:12: Tại sao Phao-lô không sợ hãi trước nghịch cảnh của đời sống?
- 2Cô-rinh-tô 5:7; Ê-phê-sô 2:8; Rô-ma 5:12: Tại sao người Cơ đốc được kêu gọi đến đời sống bởi đức tin?
- Xin nêu lên những điểm khác nhau giữa đức tin và sự mê tín dị đoan. Sự so sánh này cho thấy hai kết quả khác nhau như thế nào giữa đức tin và mê tín?
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- Phục Truyền 18:9-14; Ê-sai 8:19-22: Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự Ngài điều gì?
- Giê-rê-mi 10:1-5: Đức Chúa Trời phán dạy dân sự Ngài không nên sợ những điều gì? Tại sao?
- Cô-lô-se 2:16-18; Ga-la-ti 4:8-10: Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo các tín hữu về điều gì? Tại sao?
- Xin tìm hiểu sự tương quan giữa các đồng bóng với sự thờ thần tượng và mê tín, dị đoan. Các đồng bóng đã đóng vai trò gì giữa sự thờ thần tượng và mê tín, dị đoan?
- 2Cô-rinh-tô 5:7; Ê-phê-sô 5:8-11: Người Cơ đốc được kêu gọi đến đời sống nào? Và trong đời sống mới, chúng ta nên có thái độ thế nào đối với sự mê tín, dị đoan?
- a. Xin kể vài thứ mê tín, dị đoan của người Việt mà chúng ta thường nghe đến.
- Xin kể vài thứ mê tín dị đoan của người Tây phương.
- Trong lịch sử Cơ đốc giáo, có những “mê tín dị đoan” nào “tràn vào” Hội Thánh Chúa?
- Trong xã hội ngày nay, mê tín dị đoan có thể thấy trong những hình thức nào?
- Bạn đang sống bởi đức tin trong Đấng Christ, hay có những mê tín dị đoan nào khiến bạn sợ hãi? Bạn đang bước đi với Chúa trong sự tự do của Ngài không?