Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 19.04.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 19.04.2020

By Quản trị in PHỤ NỮ on 13 Tháng Tư, 2020

Chúa nhật 19.04.2020.

  1. Đề tài: TỪ ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG.
  2. Kinh Thánh: 2Cô-rinh-tô 4:1-18.
  3. Câu gốc: “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng, bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không chết mất” (2Côr 4:8-9).
  4. Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 16-18.
  5. Thể loại: Giải Đáp Thắc Mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 09.02.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có nhiều người hầu việc Chúa mà gánh chịu mọi điều đau đớn. Họ gieo hạt giống Tin Lành với hai dòng nước mắt mà vẫn không chịu từ bỏ chức vụ. Bài học hôm nay là một câu trả lời xác thực nhất về lý do tại sao có nhiều người liều mình vác thập tự bước vào nơi chông gai đầy thử thách mà lòng vẫn vui vẻ để bằng lòng đón nhận mọi ngược đãi hàm oan với một tấm lòng đầy yêu thương, tha thứ.

  1. CHIẾC NEO CỦA CHỨC VỤ.

Neo là vật duy nhất để giữ con thuyền đứng yên trên biển cả trước mọi cơn sóng hung tàn. Không có neo, tàu không thể đậu một chỗ được. Người hầu việc Chúa cũng cần chiếc neo thật chắc để giữ mình trong chức vụ trước cơn sóng dữ của quyền lực tối tăm. Chiếc neo đó đã được Phao-lô giao tiếp: Đó là tình yêu của Chúa Cứu Thế. Tình yêu của Ngài là chiếc neo bền chặt nhất nhờ đó không có chiếc thuyền nào có thể chòng chành, trôi giạt được. Điều bí mật gì đã khiến người phục vụ Chúa không rời bỏ chức vụ đầy gian khổ? Phao-lô khẳng định động lực đã cột ông chức vụ chính là, “Vì tình yêu mến Đức Chúa Giê-xu Christ” (4:5). Ông bằng lòng làm đầy tớ cho mọi người.

  1. GIAN KHỔ CỦA CHỨC VỤ.

Câu 4 cho chúng ta thấy rõ tình trạng đau thương của người không biết Chúa, “Chúa đời này (Sa-tan) đã làm mù lòng họ”. Mục đích chính của Sa-tan là làm cho “họ không thể trông thấy sự vinh hiển chói lọi của Tin Lành Đấng Christ” và đó là lý do tại sao người hầu việc Chúa bị bắt bớ, ép đủ cách, đánh đập…

Thực sự mà nói, chức vụ hầu việc Chúa là một chức vụ gian khổ. Phải nói là quá khổ thì mới đúng. Qua phần tự thuật của Phao-lô trong câu 8-9 về sự đau đớn của người sứ đồ trung kiên này đã đi đến mức tột cùng. Dầu vậy, ông tự coi mình như chiếc tàu lênh đênh giữa cơn ba đào, đã được dính chặt vào chiếc neo, không có cách nào thoát ra được. Tại sao? Có bao giờ bạn đứng nhìn một đoàn người mù đông đảo, đang dắt nhau tiến về một phía mà bạn biết rõ là một vực thẳm vô cùng kinh khiếp mà bạn không la lên để báo động cho họ không? Phao-lô, một con người đã được cảm hóa bằng tình yêu sâu đậm của Chúa Cứu Thế, làm sao ông lặng yên trước những linh hồn mù lòa mà không rao báo cho họ biết về “Tin Lành của Đấng Christ” được?

2Cô-rinh-tô 4:10 là một câu Kinh Thánh hết sức kỳ diệu, Phao-lô viết: “Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Giê-xu trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Đức Chúa Giê-xu cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Điều lợi ích của người hầu việc Chúa là “mang sự chết của Chúa Giê-xu trong thân thể mình” để “sự sống của Chúa được tỏ ra”. Nói một cách khác, người chấp nhận vác thập tự là người sẵn lòng đi vào cõi chết để được sống trường tồn.

Với cái nhìn của Phao-lô, thì đời sống con người (thân thể) được ví như chậu đất. Cái quí của con người là vật đựng bên trong. Vật đó là gì? Vật đó chính là linh hồn, một tặng phẩm quí báu mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người. Đức Chúa Trời đã chọn ông làm công cụ cho Tin Lành (Công-vụ 9:15) điều cần nói là chiếc bình dù bằng đất phải hội đủ ba yếu tố. Một là phải sạch, hai là trống và cuối cùng là sẵn sàng để phục vụ.

III. SỰ ĐẢM BẢO CỦA CHỨC VỤ.

Sự bảo đảm của người phục vụ Chúa được Phao-lô diễn tả qua yếu tố quan trọng. Chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về Chúa (c.14).

Chúa Giê-xu đã chiến thắng tử thần thì chúng ta còn điều gì để sợ? Người con Chúa chuẩn bị lìa đời cũng có nghĩa là chuẩn bị vào sự sống mới, sự sống đời đời và đó mới là sự sống thật.

  1. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được vinh hiển (c.15).

Cùng một ý với câu này là (Rô-ma 8:28). Phao-lô nhấn mạnh là sự đau đớn của người phục vụ chẳng bao giờ hoang phí vì Đức Chúa Trời dùng sự đau đớn của chức vụ để làm ích lợi cho người yêu mến Chúa và ích lợi cho danh Ngài. Làm sao chúng ta chịu khổ lại được ích lợi. Vì trong sự chịu khổ, ơn Đức Chúa Trời lại càng gia tăng, dư dật. Vì vậy, người phục vụ Chúa trong hoàn cảnh khổ chừng nào thì sức mạnh càng tăng, niềm vui càng thêm trọn vẹn.

  1. Sự hoạn nạn chỉ nhẹ và tạm (c.17).

Đây là một câu nói vô cùng thâm thúy vì chữ nhẹ và tạm đã được Phao-lô dùng như đơn vị đo lường và cây thước đo thời gian. Tại sao nhẹ? Nhẹ vì ông so sánh với ơn nặng của sự cứu rỗi Chúa ban cho ông. Tạm vì chỉ xảy ra trong thế gian, so với cõi đời đời trong miền vinh hiển. Do đó, dù tình huống thế nào, dù bắt bớ, tù đày thế nào, Phao-lô vẫn thấy rằng những sự mình chịu không đáng gì nếu so với những điều mình sẽ hưởng, sẽ nhận được trong cõi vĩnh sanh.

* ÁP DỤNG.

Chúa là chiếc neo cho đời sống Phao-lô và cho mỗi chúng ta. Trong cơn sóng cuồng nộ của thế gian, chúng ta nắm chắc chiếc neo nầy để đời sống đức tin của chúng ta không bị trôi giạt theo chiều gió của đạo lạc (Ê-phê-sô 4:14).

Học hỏi tấm gương chịu khổ của Phao-lô, giúp chúng ta thêm tiến mạnh trên bước đường phục vụ Ngài. Chúa đã chia sẻ nỗi khổ của Ngài với chúng ta hầu cho chúng ta cũng sẵn sàng chia sớt sự khổ của Ngài hầu cho bởi sự sống của Ngài, chúng ta được sống (4:7-12).

Đức tin bền đỗ của Phao-lô là tấm gương sáng cho chúng ta càng thêm can đảm để đối diện với gian lao, thử thách (4:13-18).

Đau khổ và vinh hiển, là hai mặt của một đồng bạc. Càng chịu nhiều đau khổ thì vinh quang càng nhiều, phần thưởng càng lớn. Tạ ơn Chúa, bài học hôm nay đã giải bày những chân lý đầy phước hạnh, đầy vui mừng, đầy vinh quang cho người hầu việc Chúa và đó là tại sao tác giả Thi thiên đã viết là gieo trong giọt lệ, thì sẽ gặt trong vui mừng.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Cách làm sạch vết dầu máy. Bạn hãy dùng bông gòn lót dưới vết dơ, đoạn lấy miếng bông khác thấm xăng thơm chà lên vết bẩn cho thấm xuống miếng bông gòn lót sẵn phía dưới vết bẩn cho đến khi vết bẩn biến mất. Sau đó, giặt lại bằng xà bông rồi xả sạch.

– Cách làm sạch vết thâm kim, mốc trên quấn áo. Bạn hãy thấm ướt những vết thâm kim, mốc trên vải bằng nước cốt trái chanh rồi đem phơi ngoài nắng vài giờ. Sau đó giặt lại bằng xà phòng, xả sạch.

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply