CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 26.04.2020
By Quản trị in PHỤ NỮ on 20 Tháng Tư, 2020
Chúa nhật 26.04.2020.
- Đề tài: TỪ MIỄN CƯỠNG ĐẾN VUI MỪNG DÂNG HIẾN.
- Kinh Thánh: 2Cô-rinh-tô 9:1-15.
- Câu gốc: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (2Cô-rinh-tô 9:7).
- Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 19-21.
- Thể loại: Trò chơi lớn.
* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.
Chủ đề: TỪ MIỄN CƯỠNG ĐẾN VUI MỪNG DÂNG HIẾN.
Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).
Thời gian: 90 phút.
- CHUẨN BỊ.
– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…
– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.
Ôn chữ. Các dấu.
 = AA Ê = EE – Sắc = S
Ă = AW Ư = UW = W – Huyền = F
Ô = OO Đ = DD – Hỏi = R
Ơ = OW ƯƠ = UOW – Ngã = X
– Nặng = J
– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.
– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.
– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.
– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên đọc trước 2Cô-rinh-tô 9:1-15.
- Diễn tiến trò chơi.
- Mở đầu.
Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc. Cử nhóm trưởng và thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: TỪ MIỄN CƯỠNG ĐẾN VUI MỪNG DÂNG HIẾN.
– Thưa quý chị em, dâng hiến là một đặc ân của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài. Qua đặc ân nầy, Chúa làm cho đời sống tín đồ trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn. Hy vọng xuyên suốt qua từng trạm của trò chơi hôm nay, sẽ đưa chúng ta tới một chân lý rạng ngời, một ý thức cần có để nhận phước hạnh qua cánh cửa dâng hiến.
- Xuất phát.
Các nhóm tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và phát cho mỗi nhóm một câu đố Kinh Thánh. Nhóm nào giải trước sẽ được nhận mật thư trước và được số điểm cao nhất.
* Câu Đố Kinh Thánh: Xin cho biết qui luật gieo gặt? (Đáp án: 2Cô-rinh-tô 9:6).
Mật thư 1: CHUAS CUAR YEEU TINHF VEEF OWN BIEETS LONGF TOR BAYF DEER HIEENS DAANG.
Chìa khóa: Cá lội nguợc dòng.
Nhóm nào giải mật thư trước được hướng dẫn đến trạm 1.
Ö Trạm 1.
Yêu cầu 1: Dựa vào phần Kinh Thánh cho biết:
- Phao-lô hãnh diện với người Ma-xê-đoan về điều gì?
- Những việc của người A-chai đã làm là gì?
- Qua cách làm của những người nầy, bạn học được điều gì qua sự dâng hiến?
Thực hiện xong yêu cầu của trạm 1, nhóm sẽ được nhận mật thư 2 để giải mã.
Mật thư 2: 8 1 25 24 3 8 15 2 9 5 5 20 19 20 8 1 9 19
4 4 15 15 10 14 5 5 14 3 15 19 11 8 9 4 1 1 14 7
8 9 5 5 14 19
Ñ: A! Cô ấy luôn đứng đầu.
(Bật mí: Dùng mã chữ số thế mật thư trên theo thứ tự bảng chữ cái: A=1, B=2, C=3, D=4, E=5, F=6, G=7, H=8, I=9, J=10, K=11, L=12, M=13, N=14, O=15, P=16, Q=17, R=18, S=19, T=20, U=21, V=22, W=23, X=24, Y=25).
Nhóm nào giải xong mật thư trước được hướng dẫn đến trạm 2.
Ö Trạm 2.
Yêu cầu: Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
Phát câu hỏi viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp:
- Xin cho biết Chúa có cần sự dâng hiến của chúng ta không?
- Ai là Đấng ban cho chúng ta có mọi sự?
Nhóm nào trả lời xong câu hỏi ở trạm 2, thì sẽ được nhận mật thư 3.
Mật thư 3:
DAANG TIEENF HIEENS DDI LAF PHUOWNG CANHS GIF CUWAR LAMF CUAR VIEECJ SUWJ MAF PHUOWCS CHI HANHJ.
Ñ: Cóc nhảy.
Nhóm nào giải mật thư trước, được hướng dẫn đến trạm 3.
Ö Trạm 3.
– Tập trung nhóm thành một hàng dọc và báo cáo số nhóm viên, trình bản giải mật thư.
- Theo lời Phao-lô thì người dâng hiến phải thế nào?
- Dâng hiến với thái độ nào thì đẹp lòng Chúa?
- Theo 2Cô-rinh-tô 9:6-7 bạn nhận thấy muốn nhận được nhiều phước hạnh từ Chúa chúng ta phải làm gì?
– Phát lệnh: Trở về điểm xuất phát (Trở về phòng nhóm và nghỉ giải lao 10 phút).
- Kết thúc.
– NHD cùng ban Phụ nữ tóm lược lại nội dung bài học TỪ MIỄN CƯỠNG ĐẾN VUI MỪNG DÂNG HIẾN.
– Kêu gọi các ban viên hãy dùng điều Chúa ban cho mình để hầu việc Chúa. Tôn vinh Chúa bằng lời ngợi khen, bằng tài vật và bằng cả đời sống thánh sạch của chúng ta.
– Công bố kết quả và phát thưởng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Ít có người biết rằng dâng hiến là một đặc ân của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài. Qua đặc ân nầy, Chúa làm cho đời sống tín đồ trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn. Vì quan niệm sai lầm, hoặc vì không hiểu rõ giá trị của sự dâng hiến, một số người xem sự dâng hiến như là một trách nhiệm, một gánh nặng mà nếu có thể được thì né tránh hoặc nếu phải dâng thì dâng chiếu lệ mà thôi.
Bài học hôm nay sẽ đưa chúng ta tới một chân lý rạng ngời, một ý thức cần có để nhận phước hạnh, qua cánh cửa dâng hiến, và những điều Phao-lô muốn chia sẻ với chúng ta.
- DÂNG HIẾN CÓ CHỦ ĐÍCH.
Không có gì khổ cho bằng làm việc mà không có mục đích. Làm việc cho qua giờ, làm việc cho có… Dâng hiến cũng vậy. Bỏ một số tiền dù thật nhỏ là một hành động khó làm đối với một số người. Ngược lại, cũng có nhiều người dâng hiến rời rộng, rất vui để có tiền dâng lên cho Chúa. Tại sao có những sự khác biệt như vậy? Xin thưa là một người dâng mà không có chủ đích và người kia có chủ đích đặc biệt khi dâng hiến. Chủ đích gì?
Sống là ảnh hưởng lẫn nhau, đó là điều ai cũng biết. Ngoài lòng biết ơn Chúa và tình yêu của mình dành cho Chúa, người có lòng dâng hiến rời rộng có mục đích rõ ràng khi người đó mạnh mẽ trong sự dâng hiến:
– Người đó biết dâng hiến là một hành động thiết thực để xây dựng Hội Thánh, yêu Chúa, yêu Hội Thánh cũng phải yêu tội nhân hư mất. Làm sao để cứu tội nhân khi Hội Thánh không đủ ngân sách để điều hành, để nuôi dưỡng tôi tớ Chúa?
– Người đó biết dâng hiến là động lực mạnh thúc đẩy người khác dâng hiến. Đức tin là hành động chuyển tiếp. Trong cái máy, khi động cơ nổ là thì tất cả các bộ phận khác cũng hoạt động theo. Đặc biệt là thành phần lãnh đạo. Tôi chưa thấy Hội Thánh nào dâng yếu dù Mục sư và ban chấp hành dâng hiến mạnh mẽ cả. Ngược lại, tôi cũng thấy không Hội Thánh nào có tinh thần dâng hiến mạnh mẽ khi Mục sư, hoặc ban chấp hành và các người lãnh đạo khác tránh né sự dâng phần mười.
– Dâng hiến là lời chứng sống động nhất để nói lên mức độ mình yêu Chúa.
- DÂNG HIẾN BẰNG LÒNG THÀNH.
Có người nói câu này: “Dâng hiến không phải chứng tỏ điều chúng ta làm mà chứng tỏ điều chúng ta là ai”. Rất hay, dâng hiến là thái độ sống của người con Chúa. Rõ ràng lắm, không có người nào có đời sống tâm linh phong phú mà lại yếu đuối trong sự dâng hiến. Sách Châm ngôn viết “Có người rải của mình ra, lại càng thêm nhiều lên, cũng có người chắt lót quá bực nhưng chỉ được sự thiếu thốn” (Châm-ngôn 11:24).
Vì vậy, ngoài ba mục đích vừa nêu trên, người dâng hiến rời rộng là người biết rằng, đây chính là phương tiện để nhận ơn phước Đức Chúa Trời. Càng mạnh mẽ dâng hiến thì phước hạnh lại tràn dư. Càng keo kiệt với Chúa thì chỉ gặt hái sự đau khổ từ thể xác đến tinh thần.
Sự dâng hiến miễn cưỡng, chiếu lệ còn đem đến cho người dâng sự nhận thức nghèo nàn vì người nầy nghĩ rằng dâng hiến là một áp đặt, một áp lực mà người tín hữu không dâng được. Bởi đó Phao-lô khuyên “mỗi người nên dâng tùy theo lòng”, khi dâng thì “đừng phàn nàn” hoặc là nghĩ mình “bị ép uổng”. Nếu nghĩ vậy thì đừng dâng vì “Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (c.7).
III. DÂNG HIẾN VÌ NHẬN THỨC ÂN ĐIỂN CHÚA.
Hãy nhìn người đàn bà góa tại Sa-rép-ta, xứ Si-đôn (1Các 17:8-13) với phần bánh cuối cùng bà dành miếng bánh nhỏ ưu tiên cho tiên tri của Đức Chúa Trời. Kết quả là gì? “Bột chẳng hết trong vò, dầu chẳng hết trong bình” (1Các 17:16). Bạn có tin điều đó không?
Bạn dâng cho Chúa theo cấp số cộng, Chúa sẽ ban ơn phước lại cho bạn theo cấp số nhân. Đây là một sự thật, và là một kinh nghiệm mà rất nhiều con dân Chúa đã kinh nghiệm. Quan niệm cho rằng, nếu mình dâng hiến cho Chúa nhiều thì mình sẽ bị nghèo túng là quan niệm hết sức sai lầm. Ước mong bài học này thay đổi quan niệm của mỗi chúng ta trong sự dâng hiến.
* ÁP DỤNG.
Phao-lô kêu gọi mạnh mẽ rằng: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (Rô-ma 8:32). Đức Chúa Trời không tiếc chính Con Một Ngài. Chúng ta há có điều gì quý hơn Con Một của Ngài sao?
Để Hội Thánh phục hưng và mạnh mẽ trong công tác rao truyền Tin Lành, tôi khuyến khích anh chị em thể hiện tình yêu mình đối với Chúa bằng sự dâng hiến mạnh mẽ, rời rộng. Hãy cầu nguyện và thiết lập chương trình dâng hiến rõ ràng trong ngân sách của gia đình mình (9:1-5).
Hãy xem xét lại đời sống chúng ta, xem thử mức độ dâng hiến chúng ta như thế nào? Đừng nhìn vào số tiền đã dâng, nhưng hãy nhìn vào số tiền còn lại. Hãy ghi nhớ rằng “Hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Định luật căn bản này không chỉ áp dụng trên đồng tiền, mà còn áp dụng trên đồng ruộng tâm linh. Thật thế, anh chị em nhìn chung quanh mà xem. Những người làm ra tiền mà tránh né dâng hiến, hoặc dâng hiến một cách nguội lạnh, họ có được ơn phước không? Họ có đời sống vui mừng không? aChắc chắn là không (9:6-7).
Học biết về ân điển của Chúa, giúp chúng ta vui mừng khi dâng hiến với ý thức là dâng hiến một đặc ân, vì đó là cánh cửa mà Chúa muốn đổ ân phước Ngài tràn dư trên cá nhân và gia đình tín hữu (9:8-13).
Cầu xin lời Chúa đầy dẫy trong tấm lòng anh chị em. Cầu xin Chúa thay đổi quan niệm sai lầm của anh chị em để Hội Thánh được phước và chính anh chị em được phước. Hãy nhớ thiếu phụ Sa-rép-ta, hãy nhớ Áp-ra-ham, Đa-vít, Sa-lô-môn, hãy nhớ Ma-ri người xức dầu cho Chúa, họ dâng hiến thế nào và đời sống họ ra sao? Hãy nhớ Chúa Giê-xu là Đấng rất giàu đã vì anh em mà trở nên nghèo.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
– Cách khử mùi hôi trong nhà vệ sinh. Bạn hãy dùng lọ giấm, đặt vào nhà vệ sinh, mùi hôi sẽ biến mất. Mỗi lọ giấm có thể dùng trong một tuần.
– Cách khử mùi hôi ở miệng cống thoát nước. Cống thoát nước trên bếp, đôi khi bốc mùi hôi thật khó chịu. Chỉ cần bạn pha một ca nước muối đặc đổ vào miệng cống, mùi hôi sẽ không còn.