CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 05.07.2020
By Quản trị in NAM GIỚI on 4 Tháng Bảy, 2020
Chúa nhật 05.07.2020.
- Đề tài: LỜI KÊU GỌI HẦU VIỆC CHÚA.
- Kinh Thánh: Phục truyền 6:13; Giô-suê 24:14-15; Mác 1:17-20; 3:13-19; 5:19-20; 8:34; Công vụ 1:8; 8:4-5.
- Câu gốc: “Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34).
- Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 21-24.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ từ hai tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của bạn. Nếu người ấy cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Phục vụ Chúa là bổn phận tất yếu của con người đối với Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, với uy quyền tối cao Đức Chúa Trời không bắt buộc người ta phải hầu việc Ngài nhưng kêu gọi sự đáp ứng với lòng tự nguyện. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập và kêu gọi họ hầu việc Ngài, nhưng họ lại chạy theo thần tượng. Trong thời Tân ước, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến thế gian và kêu gọi dân chúng vác thập tự giá theo Ngài. Trước lời thách thức của Chúa, đã có số đông người lùi bước, còn chúng ta hôm nay thì sao?
- Ý NGHĨA SỰ HẦU VIỆC CHÚA.
Chữ hầu việc và phục vụ chỉ về sự làm việc dưới quyền của người chủ. Với Cơ Đốc nhân, chủ chúng ta hầu việc là Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập với mục đích để họ hầu việc Ngài (Xuất 3:12; 4:23; 7:16). Trên núi Si-nai, Đức Chúa Trời ban cho dân sự mười điều răn đòi hỏi họ hai bổn phận quan trọng: Tôn thờ Đức Chúa Trời và yêu thương nhau. Đây là hai bổn phận căn bản mà Đức Chúa Trời đặt trong con người từ lúc ban đầu. Trong sách Truyền đạo 12:13, Sa-lô-môn khuyên loài người làm trọn phận sự của mình đối với Đức Chúa Trời là vâng giữ điều răn Ngài. Chúa Giê-xu đã tóm lược điều này trong câu “Kính Chúa yêu người” (Mác 12:30-31).
Như vậy, sự hầu việc Chúa gồm có cả phục vụ, tôn thờ Chúa và phục vụ tha nhân với mục đích tối hậu là làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời. Trong thời Tân ước, cũng trong mục đích ấy, Cơ Đốc nhân được kêu gọi đến cuộc sống phục sự Chúa với những đặc điểm sau:
- Động lực phục vụ là do tình yêu thương thúc đẩy. Một sự hầu việc cao đẹp do lòng tự nguyện vượt hơn sự hầu việc vì sự bắt buộc của bổn phận.
- Trọng tâm của sự hầu việc là Đấng Christ. Điều nầy có nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày, mọi việc chúng ta làm dù lớn hay nhỏ, nếu vì cớ Danh Chúa và do tình yêu thương Ngài thúc đẩy, đó là chúng ta hầu việc Chúa.
- HAI SỰ KÊU GỌI.
- Sự kêu gọi đặc biệt: Khi thi hành chức vụ trên đất, Chúa Giê-xu kêu gọi một số người theo Ngài; trong vòng họ Chúa lựa chọn mười hai người lập làm sứ đồ. Họ là những người gần gũi với Chúa để được dạy dỗ, ban cho quyền năng và giao phó trách nhiệm đem Tin lành cho cả thế giới (Mác 1:17-20; 3:13-19; 16:15; Công vụ 1:8).
- Sự kêu gọi chung: Ngoài sự kêu gọi những người vào chức vụ đặc biệt, sự kêu gọi của Chúa rộng mở cho mọi người tình nguyện trả giá theo Ngài và phục vụ Ngài (Mác 8:34). Môi trường hầu việc Chúa thật rộng lớn, nhưng có thể gồm hai lãnh vực:
- Thế gian: Thách thức con dân Chúa một công tác vô cùng lớn lao, tức là đem Tin lành cho khắp đất.
- Hội Thánh: Thách thức Cơ Đốc nhân trong những công tác chăm sóc, gây dựng thân thể Đấng Christ.
Tất cả những công việc trên không phải chỉ dành cho những người được kêu gọi đặc biệt, nhưng cho tất cả kẻ tin. Không phải chỉ có mục sư, giáo sĩ mới là người rao giảng Tin lành, nhưng Chúa cũng cần những tín hữu trong công tác cá nhân chứng đạo, và cả hai hiệp lại làm thành mục đích của Chúa là Tin lành được rao giảng cho mọi người (Công vụ 1:8; 8:4-5). Không phải chỉ có mục sư mới làm công việc chăm sóc, nhưng Chúa cũng cần những tín hữu với ân tứ Ngài ban cho trong công việc dạy đạo, thăm viếng, khích lệ anh em… và cả hai hiệp lại làm cho Hội Thánh Chúa tăng trưởng, vương quốc Ngài được mở rộng càng thêm. Như vậy, dầu người được sự kêu gọi vào chức vụ đặc biệt, hay được kêu gọi chung, nếu trung thành hầu việc trong chỗ Chúa đặt, thì tất cả đều có giá trị như nhau trước mặt Đức Chúa Trời.
- ĐÁP ỨNG LỜI CHÚA GỌI.
Trong Phục truyền 6:13, Môi-se kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên kính sợ Đức Giê-hô-va và hầu việc Ngài. Trong Giô-suê 24:14-15, Giô-suê kêu gọi dân sự thành tâm phục sự Đức Giê-hô-va. Nhưng thay vì phục sự Chúa họ lại hầu việc thần tượng (Ô-sê 11:1-2). Trong Mác 8:34, Giăng 6:66, Chúa kêu gọi đoàn dân vác thập tự giá mình mà theo Chúa, nhưng họ trở lui và bỏ cuộc.
Sự ghi nhận trên cho thấy, dân Y-sơ-ra-ên thất bại trong sự hầu việc Đức Giê-hô-va vì họ yêu thương Ngài bằng tình yêu cảm xúc, chớ không ý thức được tình yêu thương cao cả của Đức Chúa Trời đối với họ. Vì thế, trước giao ước Đức Chúa Trời lập với dân sự dưới chân núi Si-nai, họ đồng thanh hứa nguyện với Chúa cách quả quyết rằng: “Chúng tôi xin làm theo mọi việc Đức Giê-hô-va phán dặn” (Xuất 19:8); nhưng không lâu sau đó, Môi-se lên núi nhận bảng điều răn từ Đức Chúa Trời, dân sự họp nhau để thờ lạy tượng bò vàng (Xuất 32:1-8). Khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ, đoàn dân đông theo Ngài, nhưng họ cũng không nhận thức được Ngài là Đấng ban bánh của sự sống vĩnh cửu, mà tìm Ngài chỉ vì đồ ăn hay hư nát. Họ không có sự nhận biết Chúa như Phi-e-rơ. Khi Ngài hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa có những Lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:67-68). Qua đó, chúng ta có thể nói dân sự thất bại trong sự hầu việc Chúa vì không nhận thức được Đấng mình đang hầu việc. Chúa phán: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết” (Ô-sê 4:6). Bởi lẽ đó, sự đáp ứng tiếng Chúa gọi phải bắt đầu từ chỗ hiểu biết Ngài là Đấng cao cả và tình yêu thương sâu nhiệm của Ngài. Từ sự hiểu biết nầy, chúng ta mới cảm nhận được ân điển Chúa thật lớn lao và chúng ta không thể nào không đáp ứng lại tình yêu thương của Ngài.
Tóm lại, trong sự đáp ứng tiếng Chúa gọi, chúng ta ghi nhận điểm quan trọng nầy: Sự yêu thương Chúa bằng cảm xúc sẽ chấm dứt với giọt nước mắt nhất thời. Người yêu Chúa với sự cảm nhận sâu xa về Đấng yêu mình sẽ đáp lại bằng đời sống hầu việc Ngài mãi mãi.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Hầu việc Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì đối với dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu ước, và đối với Cơ Đốc nhân ngày nay? (Xuất 3:12; 4:23; 7:16; 8:1,20; 9:1-13).
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu ý nghĩa hai sự kêu gọi của Chúa:
- Mác 1:17-20; 3:13-19; 16:15; Công vụ 1:8.
- Mác 5:19-20; 8:34; Công vụ 1:8; 8:4-5.
- Cơ Đốc nhân có thể hầu việc Chúa trong những môi trường nào? (1Cô 12:12-30; Giăng 4:34-38; Công vụ 1:8).
- a. Môi-se có lời kêu gọi gì đối với dân Y-sơ-ra-ên? (Phục truyền 6:13; 10:12; 13:14).
- Giô-suê có lời kêu gọi gì với dân Y-sơ-ra-ên? Và họ đáp ứng thế nào? (Ô-sê 11:1-2; Giô-suê 24:14-15).
- Chúa Giê-xu kêu gọi gì với dân chúng và họ đáp ứng thế nào? (Mác 8:34; Giăng 6:66).
- Dựa vào câu hỏi 4, xin tìm hiểu:
- Những nguyên nhân nào khiến dân sự Chúa thất bại trong sự đáp ứng tiếng gọi của Chúa?
- Qua những nguyên nhân trên, chúng ta học được những điểm quan trọng nào giúp Cơ Đốc nhân có thể đáp ứng tiếng Chúa gọi?
- Những nguyên tắc quan trọng nào giúp Cơ Đốc nhân chuẩn bị chính mình sẵn sàng trong sự hầu việc Chúa?
- Trước tiếng Chúa gọi hầu việc Ngài, bạn có thái độ nào? Lùi bước hay thành khẩn thưa với Ngài: “Có con đây, xin hãy sai con”?