CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 06.09.2020
By Quản trị in PHỤ NỮ on 1 Tháng Chín, 2020
Chúa nhật 06.09.2020.
- Đề tài: QUYỀN LỢI CỦA TÍN ĐỒ.
- Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:15-23.
- Câu gốc: “Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó” (Ê-phê-sô 1:11).
- Đố Kinh Thánh: Phục Truyền 7-9.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết Trình (Xin xem chỉ dẫn Chúa nhật 02.08.2020).
Hội Thánh mà chúng tôi phục vụ cứ hằng năm lại làm một dự trù tài chính cho năm sau. Trong phần chi tiêu về phụ cấp, khoảng nầy được chia ra nhiều mục khác nhau. Ngoài số tiền phụ cấp hằng tháng, có những mục bao gồm các quyền lợi mà người nhân viên được hưởng như vấn đề nhà cửa, di chuyển, bảo hiểm, hưu trí, huấn luyện, các hội họp của giáo hội v.v….
Chẳng những Hội Thánh chúng tôi làm điều nầy, nhiều Hội Thánh và các công sở khác cũng phân biệt tiền lương với những quyền lợi mà người nhân viên được hưởng. Có nhiều người trước khi nhận việc cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề lương hướng và các quyền lợi. Cũng có nhiều người khác không hề biết hay quan tâm đến những quyền lợi mà họ có thể được hưởng. Nhiều lúc chúng ta không chú ý đến những quyền lợi mà mình được hưởng cho đến khi có những nhu cầu xảy đến. Dĩ nhiên thí dụ trên không phải là một thí dụ hoàn mỹ, những câu chuyện nầy giúp liên hệ với vấn đề mà tôi muốn trình bày cùng bạn. Mọi người trên thế gian đều có quyền được hưởng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho qua Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ, nhưng nhiều khi chúng ta không quan tâm hay chú ý đến khi bạn học về (Ê-phê-sô 1:15-23), mong rằng bạn sẽ cầu xin Đức Chúa Trời chỉ cho bạn những quyền lợi mà Ngài dành sẵn cho bạn và cách nào giúp bạn đón nhận những quyền lợi ấy cho cá nhân bạn.
- LIÊN HỆ VỚI CHÚA VÀ LIÊN HỆ VỚI NHAU (c.15-16).
Một người nên tìm kiếm những quyền lợi mà Đức Chúa Trời muốn ban cho con cái Ngài ở đâu? Phao-lô trong Ê-phê-sô 1:15-16 bày tỏ cho chúng ta điểm bắt đầu của một sự hiểu biết sâu nhiệm và ý thức hoàn hảo về những quyền lợi của chúng ta là sự biết ơn đối với Đức Chúa Trời và chương trình cứu rỗi của Ngài. Sự cứu chuộc trong Đức Chúa Giê-xu, là một việc cao quý mà chúng ta nhận được, và chúng ta cần đáp ứng với lòng biết ơn chân thành.
Điểm này nhắc nhở bạn bài học tuần trước về Sự cứu rỗi diệu kỳ mà bạn đã nhận được trong Đấng Christ. Làm thế nào một người khi suy gẫm đến những diệu kỳ của cuộc đời chúng ta mà không dâng lên Chúa lòng biết ơn. Chúa đã cứu chuộc chúng ta để chúng ta “khen ngợi sự vinh hiển Ngài” (c.14). Vì lý do đó, Phao-lô tiếp tục câu 15 như sau: “Vậy nên, sau khi tôi có nghe đức tin anh em hướng về Đức Chúa Giê-xu…” như là một lời khen ngợi và cảm tạ Chúa cho Hội Thánh vì cớ đức tin và tình yêu thương của họ. Khi chúng ta nói về đức tin, có người cho rằng đây là giá trị trừu tượng mà một người có hơn là một thực chất cụ thể trong nếp sống hằng ngày. Thật ra, một người có đức tin là một người hết lòng nhờ cậy Đức Chúa Trời từng giây phút của cuộc sống. Vả lại đức tin ấy cần phải được phản chiếu qua đời sống của tín đồ bằng tình yêu dành cho Chúa và người khác. Một tín đồ không chỉ yêu Chúa là đủ mà người ấy còn phải yêu mến các anh chị em trong Chúa và những người lân cận nữa.
Một khi chúng ta nhớ lại những ơn phước mà Chúa ban cho chúng ta qua sự cứu rỗi, kết quả tự nhiên sẽ là việc bày tỏ mối liên hệ và lòng biết ơn của chúng ta đối với Ngài.
- CÁC QUYỀN LỢI MÀ CHÚA BAN (c.17-18).
Trong hai câu này dường như Phao-lô vừa cầu nguyện vừa khuyên dạy Hội Thánh Ê-phê-sô. Nhiều nhà giải kinh cố gắng tìm xem lúc nào Phao-lô chấm dứt lời cầu nguyện và khi nào ông bắt đầu các lời khuyên. Riêng tôi, lời cầu nguyện và lời khuyên dạy của ông từ câu 15 đến 23 đan lại với nhau hơn là hai ý tách rời.
Nguyên ngữ hỗ trợ cho nhận xét này vì các câu trên được gom lại chỉ câu duy nhất trong tiếng Hy-lạp. Cả câu này là một lời cầu nguyện cho Hội Thánh Ê-phê-sô để họ nhận được sự “khôn ngoan” và sự “tỏ ra”. Kinh Thánh dạy rằng khi chúng ta cầu xin Đức Chúa Cha sự khôn ngoan thì nên biết rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin (Gia-cơ 1:5). Sự “tỏ bày” hay bày tỏ là việc Đức Chúa Trời thực hiện để thể hiện Ngài cho loài người (Lu-ca 10:21). Vì thế, cả sự khôn ngoan và sự “tỏ ra” này dầu chúng ta cố gắng cách nào cũng không đạt được. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng ban những sự này cho chúng ta mà thôi, và Ngài dành sẵn cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Đây là những quyền lợi diệu kỳ, nhưng có nhiều người trong chúng ta bỏ qua. Mỗi ngày chúng ta phải đối diện với nhiều nan đề và với những quyết định. Nếu có sự khôn ngoan mà Chúa ban để hướng dẫn chúng ta trong những quyết định mà mình thực hiện chắc chắn chúng ta sẽ được lợi ích càng hơn. Phao-lô tiếp tục trong câu 18 với lời cầu xin Đức Chúa Cha “soi sáng con mắt lòng” của tín hữu Ê-phê-sô. Ông vẽ bức tranh lòng của tín đồ là bức tranh của những người chăm xem Đấng Christ. Ông nói về đời sống bên trong của chúng ta: Tình cảm, xúc động, cảm xúc của chúng ta. Ông cũng nói về sự hiểu biết của chúng ta: Tư tưởng, luân lý, cách cư xử. Vì thế ông cầu xin Chúa cho con mắt lòng của tín đồ mở ra, nhạy bén hơn, sâu nhiệm hơn trong sự nhận thức thuộc linh.
Khi mắt lòng chúng ta mở ra, chúng ta sẽ nhận thấy được giá trị của sự “trông cậy về sự kêu gọi” và “cơ nghiệp vinh hiển” mà Ngài dành cho chúng ta. Những quyền lợi này không thể tìm được một nơi nào khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ.
III. SỰ VĨ ĐẠI CỦA QUYỀN NĂNG CHÚA (c.19-23).
Tác giả Thi thiên đã ghi rằng: “Đức Chúa Trời có phán một lần, tôi có nghe sự này hai lần, rằng sự quyền năng thuộc về Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 62:11). Lẽ thật này dẫn chúng ta đến một quyền lợi khác mà Phao-lô nói đến trong câu 19 đó là quyền năng vô hạn mà Đức Chúa Trời dành cho đời sống chúng ta. “Quyền Năng”, “Năng Lực”, “Sức Mạnh” là những từ mà Phao-lô dùng để truyền đạt chân lý này.
Có khi nào bạn tự xét quyền năng của Chúa dành cho bạn bao nhiêu trong cuộc sống mỗi ngày? Nên nhớ rằng quyền năng của Ngài vô hạn và sẵn dành cho chúng ta để chúng ta đối phó với những nghịch cảnh, với những khổ đau, chán nản và thất vọng của cuộc đời.
Phao-lô không thể kèm giữ được sự ngạc nhiên của ông vì những công việc diệu kỳ mà Đức Chúa Trời đã làm qua Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ. Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã chết trên thập tự giá, chịu chôn trong mồ mả, sống lại và thăng thiên để ngồi bên hữu Đức Chúa Trời quyền năng (c.20).
Phao-lô mô tả sự vinh hiển của Ngài bằng sự “cao hơn hết” của mọi “quyền”, “phép”, “thế lực”, “quân chủ”, “danh”. Ông muốn nhấn mạnh đến uy quyền tối thượng của Đấng Christ vì “muôn vật” đều ở dưới sự cai trị của Ngài.
Uy quyền của Đấng Christ trong cả “đời này” và “đời hầu đến”. Ngài là Chúa của hiện tại và cũng là Chúa của cõi đời đời. Điều này giúp chúng ta tiếp tục tư tưởng của Phao-lô cho Hội Thánh của Chúa nói riêng. Quyền năng của Chúa trên vũ trụ cũng là quyền năng mà Ngài dùng để hướng dẫn và ban cho Hội Thánh là “thân thể” Ngài (c.23), để sinh động trong thế gian.
Ngài là Đấng đã xây dựng Hội Thánh và chỉ mình Ngài là nguồn sống và nguồn năng lực của Hội Thánh. Phao-lô khuyến khích chúng ta nên nắm lấy cơ hội để nhận quyền lợi mà tự chúng ta không thể đạt tới nhưng Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta qua Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Cắt hành tây không bị chảy nước mắt
Chắc bạn cũng biết tuyến lệ trong đôi mắt bạn rất nhạy cảm với hơi hành. Nếu bạn cầm củ hành và cắt một cách bình thường thì hầu như chắc chắn rằng bạn sẽ chảy nước mắt ngay. Thường người ta dùng nước để khử hơi hành.
Bạn có thể để củ hành ngập vào trong bồn nước và cắt hành từ trong đó. Trường hợp bạn không có bồn nước, có thể dùng một cái tô hay thau nhỏ. Nói chung có càng có nhiều hơi nước xung quanh củ hành càng tốt. Ví dụ bạn có thể làm ướt củ hành, hoặc nhúng dao vào nước trước khi cắt…