Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 22.11.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 22.11.2020

By Quản trị in PHỤ NỮ on 16 Tháng Mười Một, 2020

Chúa nhật 22.11.2020.

  1. Đề tài: GÂY DỰNG MỘT GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 5:21 – 6:9.
  3. Câu gốc: “Vậy hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan” (Ê-phê-sô 5:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 1-3.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* Chỉ dẫn: Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Lời Chúa dạy chồng là đầu vợ nên người vợ phải vâng lời chồng không cãi lại bất cứ vấn đề gì dầu đúng hay sai.   

Đề tài 2: Lời Chúa dạy chồng là đầu vợ nên phải yêu thương và kính trọng lẫn nhau.   

Có một gia đình kia sống về nghề nông và không ai trong ngôi làng nhỏ bé đó không biết đến gia đình nầy. Hai vợ chồng cứ gặp nhau là cãi vã suốt ngày ít ai chịu nổi. Cuối cùng, người chồng cất cho mình một túp lều nhỏ ở một góc của mảnh vườn. Để ngôi nhà lại cho vợ, ông dọn đến ở trong túp lều mới cất. Một ngày kia có một người láng giềng đến thăm, nhận thấy túp lều được sắp đặt ngăn nắp, lại có một nồi cơm mới nấu và nồi thịt mới kho.

Ông chồng giải thích cho bạn: “Vợ tôi thường xuyên đến đây dọn dẹp và mang cho tôi thức ăn mỗi ngày. Anh có biết không, không ai có thể sống chung được với bà ấy, nhưng bà ấy quả là một láng giềng tốt”.

Có nhiều gia đình ngày nay cũng vậy, làm láng giềng thì được lắm, nhưng sống chung trong một gia đình thì thế nào cũng sinh ra lắm chuyện buồn giận, cãi vã đưa đến đổ vỡ. Vượt qua những trở ngại để xây dựng một gia đình Cơ Đốc tốt đẹp không phải là một mục tiêu dễ đạt. Bài học nầy được trưng dẫn từ Ê-phê-sô 5:21-6:9 sẽ nói lên những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh để giúp bạn khám phá những lẽ thật xây dựng một gia đình Cơ Đốc gương mẫu và phước hạnh.

  1. NGUYÊN TẮC HỖ TƯƠNG VÂNG PHỤC (5:21).

Phao-lô ngụ ý gì khi ông viết rằng người tín hữu cần phải “vâng phục” nhau? Đối với những người đang phục vụ trong quân đội cấp dưới phải tuyệt đối vâng phục cấp trên. Tuân lệnh cấp trên một cách vô điều kiện là việc người quân nhân cần phải học khi họ bước chân vào quân trường. Hình ảnh người quân nhân ở đây nói lên một phần nào đó nhưng chưa hết ý mà Phao-lô muốn diễn đạt. (c.21) không đề nghị việc cưỡng bách phục tùng theo cấp bậc. Thay vào đó, mỗi tín hữu nên tự ý vâng phục nhau vì mỗi người trong họ đã vâng phục Đấng Christ trước. Điểm mà Phao-lô muốn nhấn mạnh: Hội Thánh phải là nơi mà mỗi tín đồ đều kính trọng và cần nhau. Chúng ta nên quan tâm đến nhu cầu khác hơn ước muốn của chúng ta. Từ Hội Thánh đến gia đình cũng vậy, nếu mỗi tín đồ vâng phục nhau, nhường nhịn nhau, kính trọng nhau trong Hội Thánh, họ cũng đối đãi như thế trong gia đình. Ê-phê-sô 5:21 là câu kết luận của các câu 15-20 và cũng là câu mở đầu tự nhiên của các câu kế tiếp. Với Phao-lô, Hội Thánh và gia đình tuy là hai nơi, nhưng không thể chia rẽ nhau được. Vợ chồng cần có sự hỗ tương vâng phục nhau như các anh chị em khác trong Hội Thánh có sự hỗ tương vâng phục nhau vậy.

  1. PHẦN CỦA NGƯỜI LÀM VỢ (5:22-24).

Bắt đầu từ (c.22), chúng ta phải đối diện với những bất đồng ý kiến về sự dạy dỗ của Phao-lô. Một số người trong Hội Thánh ngày nay vẫn áp dụng kỷ luật quân đội giữa vợ và chồng. Một số người khác cho rằng chúng ta không thể khư khư giữ những sự dạy dỗ nầy vì đoạn thư coi rẽ đàn bà mà coi trọng đàn ông. Thật ra, cả hai quan niệm trên đều không phát xuất từ Phao-lô. Đối với Phao-lô, ông không kỳ thị đàn ông hay đàn bà (Ga-la-ti 3:28). Vì thế cho rằng Phao-lô coi rẽ đàn bà hơn đàn ông là không tương xứng với sự dạy dỗ của ông về việc bình đẳng của mọi người trong Chúa. Trong các câu sau nữa, Phao-lô đã dùng sự yêu thương của người chồng và sự vâng lời của con cái đển diễn tả rõ ràng hơn nguyên tắc trên.

Phao-lô dạy rằng người vợ có thể cống hiến cho việc hợp nhất trong hôn nhân bằng cách tự ý vâng phục. Người vợ nên vâng phục chồng cũng quan trọng như việc nàng hoàn toàn vâng phục Chúa (c.22,24). Phao-lô kéo dài ý nghĩa trên trong (c.23) và thêm rằng “Chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh”. Vợ không thể sống thiếu chồng và chồng không thể sống thiếu vợ.

III. PHẦN CỦA NGƯỜI LÀM CHỒNG (5:25-33).

Phao-lô khuyên người chồng nên “yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh” (c.25). Điểm mà Phao-lô muốn đạt đến ở đây là người chồng nên theo gương trong tình yêu vô vị kỷ của Ngài đối với vợ hứa của Ngài là Hội Thánh. Một tình yêu trọn vẹn không vì ích lợi riêng tư nhưng vì ích lợi của người khác, ngay cả hi sinh chính mình như Đấng Christ hi sinh cho Hội Thánh (c.25).

Kết quả trong sự hi sinh của Chúa là Hội Thánh được “nên thánh” (c.26). Nên thánh là làm cho sạch và được để riêng ra. Có nhiều người lầm tưởng “lấy nước rửa” (c.26) hay báp-têm làm cho người ta được nên thánh, nhưng thật ra báp-têm hình bóng về sự chết người cũ và đồng sống lại với Đấng Christ. Chỉ có sự tái sanh chứ không phải nghi thức báp-têm mới dẫn người ta đến sự nên thánh. Mục đích sự nên thánh là để Chúa Giê-xu trình diện Hội Thánh là tân giai nhân của Ngài cho Đức Chúa Cha ‘không vết, không nhăn… không chỗ trách được” (c.27).

Người chồng nên xem vợ là một phần của đời sống mình và khi chăm sóc chính mình thế nào cũng nên chăm lo cho người vợ thể ấy giống Đấng Christ chăm sóc cho Hội Thánh Ngài (c.28-29).

Chồng và vợ có sự hiệp nhất yêu thương, kính trọng nhau như sự mầu nhiệm của mối dây liên lạc giữa Đấng Christ và Hội Thánh Ngài (c.30-33).

  1. PHẦN CỦA CON CÁI (6:1-3).

Lời khuyên của Phao-lô cho con cái thật là cứng rắn: “Hãy vâng phục cha mẹ mình như Chúa” (6:1). Lý do mà Phao-lô đưa ra lời răn dạy như thế vì đó là điều con cái đáng phải làm. Động lực của sự vâng lời nầy là con cái có sự kính mến Chúa và liên hệ cá nhân với Ngài. Phao-lô cũng trưng dẫn điều răn thứ năm mà ông xem như là điều răn đầu tiên để nói lên việc con cái tôn kính cha mẹ sẽ được Chúa ban cho sự sống lâu trên đất (c.2-3).

  1. PHẦN CỦA CHA MẸ (6:4).

Bổn phận của cha mẹ (nhất là người cha) trong gia đình Cơ Đốc là nên gây ảnh hưởng và làm gương tốt cho con cái. Cha mẹ khuyên dạy con cái và giúp chúng trở nên người trưởng thành trong lãnh vực thuộc linh (Châm ngôn 22:6).

  1. PHẦN CỦA CHỦ VÀ TỚ (6:5-9).

Phao-lô kết luận các bổn phận trong gia đình bằng lời kêu gọi chủ và tớ phải có trách nhiệm với nhau. Trong thời Tân ước, nhiều gia đình nuôi nô lệ làm đầy tớ. Vì thế tín đồ của Chúa thời ấy bao gồm chủ và tớ. Phao-lô khuyên những người nô lệ nên vâng phục và trung thành với chủ. Người đầy tớ nên chân thành, yêu mến và vui lòng chủ không phải bằng miệng lưỡi nhưng bằng tấm lòng.

Phao-lô cũng nhắc nhở những người làm chủ phải đối đãi đầy tớ mình cách nhơn từ, đừng hà khắc, ngăm dọa chúng. Vì cả hai đều có một người chủ trên trời và Ngài là Đấng không hề tây vị ai.

Kết: Bổn phận của mọi người trong gia đình và trong xã hội là điều nên giữ. Không nơi nào tốt hơn để người tín đồ thực hành những nguyên tắc Cơ Đốc hơn là gia đình của mình. Gia đình là một xã hội thu hẹp, nếu chúng ta có một gia đình an vui, xã hội cũng được chia phần hưởng phước hạnh. Ước mong mỗi học viên của bài học nầy sẽ biến gia đình mình làm trung tâm ơn phước Chúa, hỗ tương thuận phục, chăm sóc và quyết tâm xây dựng một gia đình Cơ Đốc gương mẫu.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Cách chọn rau không bị xịt thuốc – Rau Muống.

Khi dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá thì thân rau thường to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vân kết tủa đen. Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.

 

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply