Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 28.02.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 28.02.2021

By Quản trị in NAM GIỚI on 22 Tháng Hai, 2021

Chúa nhật 28.02.2021

  1. Đề tài: TĂNG TRƯỞNG ĐỜI SỐNG THÁNH KHIẾT.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 12:1-2; Hê-bơ-rơ 12:12-28.
  3. Câu gốc: “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đến!” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
  4. Đố Kinh Thánh: Ru-tơ 1-4.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 03.01.2021.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Một số Cơ Đốc nhân tin rằng mức độ thánh khiết họ đạt được liên quan đến thời gian họ cầu nguyện, học Kinh Thánh và tham gia các sinh hoạt tôn giáo khác. Đây cũng là một hình thức của chủ nghĩa luật pháp. Những người này cũng chân thành, thật tâm như những người tìm cách nên thánh bằng những cách riêng của mình. Một số người dành nhiều thì giờ cầu nguyện và suy gẫm. Họ tin rằng đây là cách để đạt đến sự thánh khiết và họ cho rằng đây là phương cách duy nhất đạt đến loại thánh khiết này.

Nghĩ như vậy là sai lầm nghiêm trọng. Nếu có thể đạt được và duy trì sự thánh khiết bằng cách dành nhiều giờ ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời thì những Cơ Đốc nhân bình thường là những người hằng ngày phải làm việc, phải dành thời gian chăm sóc gia đình và đối phó với những nhu cầu khác của cuộc sống không thể nào thánh bằng những người dành nhiều thì giờ cầu nguyện và suy gẫm sao?

  1. ĐỊA VỊ THÁNH KHIẾT.
  2. Trong nhãn quan của Đức Chúa Trời mọi Cơ Đốc nhân có địa vị “nên thánh” trong Đấng Christ.

Trong Tân ước, tất cả những tín hữu được gọi là “những thánh đồ”. Từ Hagios được dịch là “các thánh đồ” khoảng sáu mươi lần. Các tín hữu tại Cô-rinh-tô là những người xác thịt và tội lỗi, cũng được gọi là “các thánh” hoặc những người “đã được thánh hóa trong Đấng Christ” (1Cô 1:2). Theo nguyên văn, Phao-lô gọi những người này là “những người thánh” dù họ sống một cuộc đời trần tục bao gồm ganh tỵ, xung đột và chia rẽ (xem 3:3), khoe khoang (xem câu 21); dâm ô và say sưa (xem 5:1-6; 11:20-21); và không tha thứ cho các Cơ Đốc nhân khác (xem 6:1,6,8).

Phao-lô cũng nhấn mạnh lẽ thật này trong thư gửi cho các tín hữu tại Cô-lô-se khi ông nói với họ “đã là dân được Đức Chúa Trời chọn lựa, thánh hóa và yêu thương” (Cô-lô-se 3:12). Vì thế, Đức Chúa Trời coi như chúng ta đã toàn hảo nhờ Chúa Giê-xu Christ là Con toàn hảo của Ngài. Giả sử sự kiện này không đúng thì nào có ai có thể được cứu đây. Các nhà thần học thường gọi chân lý trọng đại này là “địa vị thánh khiết”. Theo ý Đức Chúa Trời chúng ta đã được biệt riêng ra làm người thánh của Chúa. Trong nhãn quan của Ngài, chúng ta “đã được tôn vinh” (Rô-ma 8:30). Điều này xảy ra ngay lúc chúng ta tin nơi Đấng Christ và được cứu.

  1. Sự thánh khiết tiệm tiến.

Nên thánh và trở nên giống như Đấng Christ khi còn sống trên đất này là một tiến trình tiệm tiến cho đến khi chúng ta ở với Chúa Giê-xu Christ trên Thiên đàng.

Các thư tín trong Tân ước nhấn mạnh đến điều này: Nhiều lần Tân ước dạy chúng ta phải giống như Đấng Christ trong sự thánh khiết Ngài. Khi viết cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô là những người sống theo xác thịt và tội lỗi, Phao-lô vạch tội lỗi của họ ra và thúc giục họ đeo đuổi nếp sống thánh khiết và phản chiếu tình yêu thương của Đấng Christ và trái của Thánh Linh (1Cô 13:1-13).

Lời ông cầu nguyện cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca tóm tắt kế hoạch của Đức Chúa Trời cho tín hữu mọi thời đại. “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đến!” (1Tê 5:23).

Các nhà thần học thường gọi tiến trình này là “thêm lên trong sự thánh khiết tiệm tiến”.

  1. Dấn thân.

Nên thánh theo như Đức Chúa Trời muốn đòi hỏi chúng ta phải có chủ ý hành động sau khi trở lại tin Chúa Giê-xu Christ.

Một lần nữa, nhiều thư tín trong Tân ước nhấn mạnh về vấn đề này, nhất là sau khi Thánh Linh cảm thúc các trước giả viết về địa vị của chúng ta trong Đấng Christ. Hai thư của Phao-lô gửi cho các tín hữu tại Ê-phê-sô và Rô-ma cho thấy rõ ràng hơn hết vấn đề được nhấn mạnh đến thế nào. Thí dụ, trong ba chương đầu thư Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô sơ lược về địa vị của chúng ta trong Đấng Christ. Trong ba chương cuối, ông dạy rằng chúng ta phải trở nên giống như Đấng Christ “hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi của Ngài” (Êph 4:1).

Chúng ta thấy một trật tự tương tự trong thư Rô-ma. Mười một chương đầu trình bày chi tiết về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi chúng ta. Các chương còn lại dạy chúng ta cách sống thánh khiết trong nhãn quan của Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1-2).

  1. Bước đi trong Thánh Linh.

Mức độ sống thánh khiết của chúng ta tùy thuộc vào mức độ chúng ta bước đi với Đức Thánh Linh, và tùy thuộc vào kế hoạch của Ngài cho cuộc đời của chúng ta.

Không phải tình cờ mà từ “hagios” được sử dụng khoảng 90 lần để xác định rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời là “thánh”. Phao-lô viết rất cụ thể về vấn đề này trong thư gửi cho các tín hữu tại Ga-la-ti như sau:

“Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm” (Ga-la-ti 5:16-17).

Mỗi Cơ Đốc nhân được phép lựa chọn, hoặc chúng ta “Bước theo Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:25) và làm những điều Ngài muốn, hoặc chúng ta hành động theo bản chất tội lỗi và làm những điều chúng ta muốn.

Còn đây cũng là một vấn đề được phép lựa chọn, hoặc chúng ta hiến thân thể của chúng ta “làm đồ dùng bất chính cho tội lỗi” hoặc chúng ta hiến thân thể của chúng ta cho Đức Chúa Trời như “như một người từ chết sống lại”, “làm đồ dùng công chính cho Đức Chúa Trời” (Rô-ma 6:13). Khi chúng ta chọn quy phục Đức Chúa Trời, tức là chúng ta chọn “Bước theo Thánh Linh” nhận được năng lực với sức mạnh của Ngài để sống thánh khiết và công chính (Êph 3:16-19).

  1. Bông trái Thánh Linh.

Một Cơ Đốc nhân bước theo Thánh Linh thì sẽ có “Trái của Thánh Linh” thay vì “các hành động theo tính xác thịt”.

Trong Ga-la-ti chương 5, Phao-lô liệt kê “Trái của Thánh Linh” là phản ánh của sự thánh khiết và sau đó so sánh “trái” này với “các hành động theo tính xác thịt”.

“Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).

 “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó” (Ga-la-ti 5:22-23).

Khi chúng ta sống xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài, chúng ta sẽ phản ánh “Trái của Đức Thánh Linh” trong mọi mối quan hệ của chúng ta (Êph 4:1).

  1. Thánh Linh và Ngôi Lời.

Nguồn lực quan trọng nhất giúp chúng ta bước đi trong Thánh Linh tự Ngài làm việc qua Lời của Đức Chúa Trời.

Đức Thánh Linh là tác giả của Tân uớc. Những người như Phao-lô, Phi-e-rơ và Giăng được “Đức Thánh Linh tác động” trong khi họ “nói ra từ Đức Chúa Trời” (2Phi-e-rơ 1:21).

Chúa Giê-xu bảo các sứ đồ rằng việc này sẽ xảy ra. Khi chỉ còn một mình Ngài và 11 người trên phòng cao (Giu-đa đã bỏ đi ra), Chúa Giê-xu phán:

“Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 16:12-13).

Khi Đức Thánh Linh ngự đến, sự việc xảy ra đúng như vậy. Thoạt tiên họ nói lời trực tiếp được mặc khải. Về sau, Đức Thánh Linh dẫn dắt cho họ viết ra, từ đó hình thành bộ sách mà chúng ta gọi là Tân ước. Trong thư gửi cho các tín hữu tại Cô-lô-se, Phao-lô viết:

Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:16).

Vì Đức Thánh Linh là tác giả thần hựu của Thánh Kinh, và vì Ngài ngự trong mỗi tín hữu, Ngài sẽ khiến chúng ta sống thể hiện các lẽ thật này nếu chúng ta dâng cuộc đời của chúng ta cho Ngài (Êph 3:20-21).

  1. Đổi mới tâm trí.

Tiến trình nên thánh được kết hợp một cách độc đáo với cách chúng ta sử dụng tâm trí của chúng ta.

Tiếp theo lời của Phao-lô nài khuyên trong Rô-ma 12:1, ông kêu gọi chúng ta hãy dâng hiến thân thể chúng ta cho Đức Chúa Trời:

“Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Cách thức chúng ta sử dụng tâm trí mình có liên quan trực tiếp đến nếp sống của chúng ta dù thánh khiết hoặc không thánh khiết. Chính vì vậy mà Phao-lô kết luận trong thư ông gửi cho các tín hữu tại Phi-líp rằng:

“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8).

  1. Sự thánh khiết của tập thể.

Dầu rằng nên thánh là kinh nghiệm của từng cá nhân, nhiều chỗ trong Tân ước viết về việc nên thánh là kinh nghiệm của tập thể. Trong tổng số lần Tân ước dùng từ “Hagios”, có đến 48 lần từ Hagios được dùng để nói về sự nên thánh của tập thể, nên từ này được dùng có 6 lần để chỉ về sự nên thánh của cá nhân từng tín hữu. Phao-lô trình bày rất hay về lẽ thật này trong thư gửi cho các tín hữu tại Ê-phê-sô: “Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương” (Êph 4:16).

  1. MỘT GƯƠNG SÁNG TRONG CỰU ƯỚC.

Xét cho cùng, nên thánh vẫn là một vấn đề của từng cá nhân. Không người nào có thể thay chúng ta để quyết định cho chúng ta sống trưởng thành trong Đấng Christ và sống cuộc đời thánh khiết.

  1. Chỗ đứng của Giô-sép vì sự công chính.

Giô-sép là một ví dụ trong Cựu ước về sự thánh khiết. Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông sau khi ông bị các anh nhẫn tâm bán làm nô lệ, ông trở thành nô lệ trong nhà Phô-ti-pha, là quan thị vệ của vua Pha-ra-ôn. Vợ Phô-ti-pha tìm cách quyến rũ ông. Ngày này qua ngày khác, bà cứ cám dỗ Giô-sép, nhưng Giô-sép cự tuyệt không chịu phạm tội với Chúa và với chủ mình.

Tuy nhiên, một ngày kia nhân lúc các nô lệ vắng mặt, thấy cơ hội thuận tiện đã đến “thì người bèn nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta! Nhưng chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy ra ngoài” (Sáng 39:12).

  1. Giô-sép phản ánh sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Trong cuốn sách Synonyms of the New Testament (Những từ đồng nghĩa trong Tân ước), ông Richard C.Trench truy nguyên nguồn gốc của ba từ Hy-lạp: Hagios, Hosios và Hagnos. Rồi ông dùng Giô-sép làm thí dụ điển hình. Ông viết rằng khi Giô-sép “bị bà chủ Ai-cập cám dỗ”, ông “tự bày tỏ mình Hosios bằng cách tôn trọng mối quan hệ vĩnh viễn trong hôn nhân mà Đức Chúa Trời đã thiết lập, và ông không thể nào vi phạm mà không phạm tội với Ngài”. Ngoài ra, ông Trench lưu ý rằng Giô-sép “tự bày tỏ mình Hosios trong việc ông tránh xa mối quan hệ bất khiết với bà chủ”. Cuối cùng, “ông tự bày tỏ mình Hagnos trong việc giữ thân thể trong sạch và không bị ô uế”.

  1. Gương của Giô-sép cho Cơ Đốc nhân ngày nay.

Nếu Giô-sép có thể sống cuộc đời thánh khiết trong ba phương diện trước khi luật pháp được ban hành trên núi Si-nai, trước khi Đức Thánh Linh đến ngự trong con người và giúp con người sống cuộc đời thánh khiết, và trước khi Lời của Đức Chúa Trời được khải thị đầy đủ, thì ngày nay lẽ ra Cơ Đốc nhân chúng ta càng phải sống cuộc đời thánh khiết biết bao nhiêu. Vì tất cả những nguồn lực này sẵn sàng cho chúng ta.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Trong Sáng thế ký 39:7-13, Giô-sép đã gặp phải hoàn cảnh như thế nào? Ông đã giải quyết nó bằng cách nào? Bạn học được điều gì từ cách giải quyết vấn đề của Giô-sép?
  3. Đời sống thánh khiết là quan trọng trong cuộc đời của mỗi Cơ Đốc nhân vì nếu không được thánh khiết thì sẽ không được vào nước Thiên đàng, theo bạn như thế nào là nếp sống thánh khiết?
  4. Lê-vi ký 19:2 là mạng lệnh của Chúa dành cho con cái Ngài, làm sao để chúng ta nên thánh mỗi ngày như Lời Chúa đã dạy?
  5. Chúng ta có thể tự mình gìn giữ nếp sống thánh khiết không? (1Cô 6:11; Hêb 10:10). Chúa Giê-xu Christ có vai trò như thế nào trong sự nên thánh của Cơ Đốc nhân?

Post CommentLeave a reply