CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 04.07.2021
By Quản trị in THANH NIÊN on 29 Tháng Sáu, 2021
Chúa nhật 04.07.2021.
- Đề tài: CÔNG CUỘC CHINH PHỤC ĐẤT HỨA
- Kinh Thánh: Giô-suê 1:1-9; Dân-số Ký 27:12-23.
- Câu gốc: “Chớ sợ, vì Ta đã phó chúng nó vào tay ngươi, chẳng còn một ai đứng trước mặt ngươi được” (Giô-suê 10:8).
- Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ (Mục sư, Truyền đạo) từ 2 tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong xã hội văn minh kỹ thuật, công việc làm của con người nương tựa vào máy móc. Nhưng trong công việc Chúa, yếu tố “con người” hết sức quan trọng. Khi Đức Chúa Trời dự định thực hiện chương trình nào, thì Ngài cũng đã có dự liệu chuẩn bị người hầu việc.
Qua dòng lịch sử Hội Thánh xưa nay, chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời luôn có dự bị những người sẵn sàng cho công việc Ngài trong mỗi thời điểm có cần.
Sự qua đời của nhà lãnh đạo Môi-se là một mất mát lớn cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho họ một người tiếp nối. Đó là Giô-suê.
- ĐỨC CHÚA TRỜI ỦY NHIỆM GIÔ-SUÊ.
- Chúa chọn Giô-suê.
- Lời cầu xin của Môi-se:
Trong Dân-số Ký 27:12-23 cho chúng ta thấy một bức ảnh của một buổi lễ chọn Giô-suê. Sự kiện này xảy ra vào thời điểm Môi-se sắp qua đời và dân Y-sơ-ra-ên sắp vào xứ Ca-na-an. Một thời điểm mà dân Y-sơ-ra-ên cần một người lãnh đạo mới thay thế Môi-se. Với tâm trạng của người lãnh đạo sắp lìa đời, Môi-se nhìn thấy dân sự của Chúa đang ở trong tình trạng “như con chiên không người chăn”. Cảm nhận được nhu cầu sâu xa ấy, Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời lập trên họ một người chăn (c.16). Trong 40 năm hầu việc Chúa, Môi-se đã có lần cầu nguyện thế mạng vì dân Y-sơ-ra-ên (Xuất 32:30-32). Và bây giờ vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, lời nguyện của Môi-se cũng hướng về tương lai của dân sự Chúa. Một lời khẩn nguyện hoàn toàn vô kỷ, dốc đổ tự đáy lòng tràn đầy tình thương dân tộc, biểu tỏ được tâm tình phục vụ của Môi-se thật là người lãnh đạo vì dân tộc.
Hãy suy nghĩ điều này: Môi-se chuẩn bị cho sự chết mình bằng việc chuẩn bị cho dân Y-sơ-ra-ên một người lãnh đạo. Còn chúng ta chuẩn bị gì cho sự chết của mình? Hãy nhận biết rằng nhu cầu về người lãnh đạo và vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Có thể một thế hệ trở lại cùng Chúa, hay lìa bỏ Chúa là tùy thuộc vào người lãnh đạo tin kính Chúa hay không. Cho nên lời cầu xin của Môi-se cần thiết là dường nào!
- Người Chúa lập:
Đáp lời cầu xin của Môi-se, Đức Chúa Trời tỏ cho ông người Ngài chọn, đó là Giô-suê. Giô-suê là ai? Chúng ta không rõ bối cảnh của Giô-suê trong khoảng thời gian sống tại Ai-cập. Theo sự ghi chép của Kinh Thánh, chúng ta được quen biết với Giô-suê bắt đầu từ cuộc hành trình: Giô-suê, trong tiếng Hy-bá-lai có nghĩa “Giê-hô-va là sự cứu rỗi” là tên do Môi-se đặt cho. Tên thật của Giô-suê là Hô-sê, có nghĩa “sự cứu rỗi”. Sự đặt tên nầy phản ảnh niềm tin của cha mẹ Giô-suê nơi Đức Giê-hô-va, và lòng trông cậy sự giải cứu của Ngài. Điều nầy tỏ rằng Giô-suê được nuôi dưỡng trong gia đình tin kính Đức Chúa Trời. Giô-suê là con trai của Nun, thuộc chi phái Ép-ra-im. Lần đầu tiên, Giô-suê xuất hiện trong dân chúng Y-sơ-ra-ên như một chiến sĩ, đánh trận với dân A-ma-léc theo lệnh Môi-se (Xuất 17:8-16). Và trong cuộc do thám xứ Ca-na-an, Giô-suê được chọn làm người đại diện của chi phái mình đi do thám xứ. Trong 12 thám tử ấy, chỉ Giô-suê và Ca-lép là người trung thành và có lòng tin cậy Đức Chúa Trời, khuyên dân sự nên chiếm xứ, trái lại 10 người kia xúi giục dân sự chống nghịch và bị đoán phạt (Dân-số 13:16-17; 14:6-7). Ngoài hai công tác đặc biệt trên, trong khoảng thời gian gần 40 năm, Giô-suê làm công việc của người đầy tớ trung thành hầu hạ bên cạnh Môi-se.
Đọc qua lý lịch của Giô-suê, chúng ta nhận thấy Giô-suê chỉ là một người trung bình thôi. Tuy nhiên trong con người bình thường này có những ưu điểm là đức tin và trung thành, đặc biệt là “người có thần cảm động”, có nghĩa là người đầy dẫy Đức Thánh Linh. Đây là điểm quan trọng số một đòi hỏi nơi người hầu việc Chúa. Sự chọn các chấp sự hầu việc Chúa trong Hội Thánh đức tin cũng cùng nguyên tắc này (Công vụ 6:3). Tại sao? Vì nếu không bởi Đức Thánh Linh, người hầu việc Chúa không thể hoàn thành công tác Chúa gọi. Ngài là nguồn năng lực của người hầu việc Chúa (Xa-cha-ri 4:6). Vì vậy, người hầu việc Chúa, nếu có tài năng, đức hạnh, chưa đủ, cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
- Sứ mạng cho Giô-suê (Giô-suê 1:1-2).
Trong sách Giô-suê chương 1, chúng ta thấy một trang sử mới mở ra trước mắt Y-sơ-ra-ên, với người lãnh đạo mới, và một bắt đầu mới. Trong câu 1 ghi rằng sau khi Môi-se qua đời, Đức Chúa Trời kêu gọi Giô-suê với một sứ mạng được ủy thác. Trong sứ mạng này có ba công tác là: (1) Dẫn Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh, “bây giờ”, hiện tại (2) vào chiếm đất hứa (3) chia xứ cho dân sự (tương lai). Từ câu 2 và 3 cho thấy một bước chuyển “êm thấm” giữa quá khứ và hiện tại, giữa Môi-se người lãnh đạo đã qua và Giô-suê, người lãnh đạo nối tiếp; và một diễn tiến thông suốt hướng về tương lai trong chương trình của Đức Chúa Trời ban đất hứa cho Y-sơ-ra-ên theo như Lời Ngài đã hứa cùng tổ phụ họ (c.4-6). Sự ghi nhận trên, chúng ta học biết được những điểm sau đây:
– Công việc của Đức Chúa Trời không chấm dứt với sự chấm dứt của người lãnh đạo. Mặc dù Môi-se là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn trên dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, sự qua đời của Môi-se là sự qua đời của cá nhân Môi-se, nhưng chương trình của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục. Điều nầy nhắc nhở người hầu việc Chúa đừng bao giờ nghĩ rằng công việc Chúa chấm dứt nếu không còn có tôi!
– Trong chương trình lớn của Đức Chúa Trời, công việc Chúa là công việc tiếp tục, có sự liên hệ với nhau giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa lớp người trước và lớp người sau. Như với Môi-se, người Chúa dùng để đặt nền tảng cho quốc gia Y-sơ-ra-ên tại đất hứa với sự truyền đạt những điều răn và luật lệ của Chúa cho dân sự noi theo. Với Môi-se, người đã đặt trước Y-sơ-ra-ên một khải tượng về đất hứa. Và đến lượt Giô-suê, là người Chúa dùng thực hiện khải tượng ấy. Vì vậy, chúng ta thấy rõ mối liên hệ rất khắng khít giữa Môi-se, người lãnh đạo qua đi và Giô-suê, người lãnh đạo nối tiếp. Vì vậy dù Môi-se đã lui vào quá khứ, nhưng tên Môi-se vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua sách Giô-suê. Đặc biệt ở chương đầu trong 18 câu, có khoảng 10 lần tên Môi-se được nói đến như là một “điệp khúc” cho Giô-suê khi ông được Đức Chúa Trời ủy nhiệm sứ mạng đem dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa. Qua nhận xét trên, chúng ta học biết được điều này: Trong sự hầu việc Chúa, một thái độ đáng có nơi người nối tiếp là không phải lập lại công việc của người trước, cũng không phải đả phá công việc của người trước, nhưng cần học biết những công việc của người trước, cho dù việc ấy thành công hay thất bại, để từ chỗ đó hướng về tương lai và làm công việc Chúa cách mạnh mẽ hơn và đầy trọn hơn.
Bốn mươi năm về trước, Môi-se được Đức Chúa Trời ủy thác với sứ mạng là dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập. Và sau bốn mươi năm, bây giờ, Giô-suê được Đức Chúa Trời ủy thác với sứ mạng dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa Ca-na-an. Một sứ mạng gồm trong ba công tác lớn lao như đã nói trên. Một sứ mạng khó và đầy thách thức đối với vị tân lãnh đạo
Giô-suê: “Môi-se, tôi tớ đã chết, bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ Ca-na-an” (c.2). Đây là mạng lệnh của Chúa không chỉ riêng cho Giô-suê, nhưng cho cả dân Y-sơ-ra-ên. Điều nầy có nghĩa việc chiếm đất hứa không phải là trách nhiệm riêng của Giô-suê, mà là trách nhiệm chung của toàn dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta chú ý ba động từ trong câu 2.
- a) “Đứng dậy”: Tiếng gọi vào lúc dân sự đến kỳ mãn tang về sự chết của Môi-se (Phục truyền 34:8). Tiếng gọi đánh thức Giô-suê và dân sự hãy trở lại với hiện tại để chuẩn bị bước vào một tương lai tươi sáng đang chờ. Đối với Cơ Đốc nhân, trên đường theo Chúa, có những lúc chúng ta bị vướng vào những đám mây mù của tang tóc, có những lúc chúng ta ngồi để luyến tiếc một quá khứ huy hoàng nào đó. Nhưng tiếng Chúa vẫn gọi chúng ta “hãy đứng dậy” để tiếp tục bước trên linh trình cho đến khi chung kết.
- b) “Đi”: Đứng dậy chưa đủ, nhưng phải “đi qua sông
Giô-đanh”. Núi sông thường là bước trở ngại thiên nhiên, tiêu biểu cho những thách thức khó khăn mà người Cơ Đốc phải vượt qua trên bước linh trình. - c) “Vào” trong câu “…vào xứ Ca-na-an”, đó là mục đích của Đức Chúa Trời trong chương trình giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập.
Ba động từ trên có ý nghĩa liên quan với nhau, diễn tả trọn vẹn hành động tích cực của đức tin. Đức tin của Cơ Đốc nhân không phải là thứ đức tin thụ động “ngồi cự tang”, nhưng là đức tin được bày tỏ trong hành động “đứng dậy” và đi qua những nghịch cảnh để bước vào “Ca-na-an” thuộc linh phước hạnh mà Đức Chúa Trời hứa ban cho kẻ được chuộc trong Đấng Christ.
Tóm lại, với sứ mạng Chúa ủy thác, hai khó khăn lớn trước mắt mà Giô-suê phải đương đầu là dòng sông Giô-đanh cản trở, và sự chống cự của các dân bản xứ hùng mạnh. Những khó khăn này là điều thách thức đức tin Giô-suê để vượt thắng hầu chu toàn sứ mạng Chúa gọi.
- Lời hứa và điều kiện.
- a) Lời hứa cho Giô-suê.
Kèm theo sứ mạng ủy thác, Đức Chúa Trời ban cho
Giô-suê ba lời hứa quan trọng:
(1) Ban xứ Ca-na-an (c.3-4): Đây là giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham hơn 400 trăm năm về trước (Sáng-thế Ký 12:1-3; 13:14-17; 15:18-21). Lời hứa nầy được nhắc lại cho Môi-se trong Phục truyền 11:18-25. Và bây giờ lần thứ ba Đức Chúa Trời xác nhận với Giô-suê, nói lên sự chắc chắn của lời hứa. Căn cứ theo các khúc Kinh Thánh trên, thì biên giới của đất hứa Ca-na-an có thể được phát họa như sau:
Phía Nam: “Từ đồng vắng đến sông Ê-díp-tô”. Tức sông Nin của xứ Ai-cập. Phía Bắc: “Từ Li-ban… tràn cả xứ Hê-tít”, “đất của dân Hê-tít” chỉ về phần đất phía Bắc xứ Sy-ri, có thể giáp với núi Hẹt-môn. Phía Đông, giáp với sông cái, tức là sông
Ơ-phơ-rát, thuộc xứ Irắc ngày nay. Phía Tây, giáp với biển cả, tức biển Địa Trung Hải. Mặc dù trải qua nhiều thời đại cho đến hiện nay, đã và đang có những cuộc tranh chấp dữ dội giữa các quốc gia Ả-rập với các dân tộc Do-thái về biên giới. Nhưng đó là biên giới mà hơn ba ngàn năm về trước Đức Chúa Trời đã xác nhận với các tổ phụ Y-sơ-ra-ên.
Cho dù với biên giới rộng lớn như vậy, nhưng dân Y-sơ-ra-ên từ xưa đến nay chưa bao giờ đạt đến trọn vẹn biên giới của đất hứa! Theo câu 3, biên giới đất hứa Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên là một biên giới vô hạn, “Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì Ta ban cho các ngươi”. Một biên giới có ý nghĩa thuộc linh đối với Cơ Đốc nhân. Họa đồ thuộc linh của Đức Chúa Trời cho đời sống của mỗi con dân Ngài thật là rộng lớn vượt quá điều chúng ta nghĩ. Mỗi Cơ Đốc nhân được thách thức vào một cuộc mạo hiểm bởi đức tin để chiếm hữu các ơn phước trong kho tàng vô hạn mà Đức Chúa Trời dành ban cho chúng ta trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:3,15-19). Biên giới của quốc gia Y-sơ-ra-ên sẽ hẹp hòi hay lớn rộng là tùy thuộc dân sự có đi chiếm hữu đất Chúa hứa ban hay không. Cũng vậy, đời sống của Cơ Đốc nhân nghèo ngặt hay giàu có thuộc linh là tùy thuộc mức độ đức tin của chúng ta để chiếm hữu các ơn phước trong kho tàng vô hạn của Đấng Christ.
(2) Ban sự chiến thắng (c.5a).
“Trót đời ngươi sống, thì chẳng ai chống cự trước mặt ngươi”. Lời hứa có tính cách dài hạn. Đức Chúa Trời không hứa chỉ ban cho Giô-suê vài chiến thắng rực rỡ nhất thời; nhưng suốt đời Giô-suê là một đời sống đắc thắng. Vì một vài chiến thắng không làm nên đời sống đắc thắng, nhưng đời sống đắc thắng làm nên những chiến thắng phi thường. Trong viễn ảnh của Đức Chúa Trời đối với mỗi Cơ Đốc nhân là một đời sống đắc thắng, một sự đắc thắng luôn luôn với quyền lực tội lỗi và Sa-tan. Đó là điều Ngài hứa ban cho chúng ta trong Đấng Christ (2Cô-rinh-tô 2:14).
(3) Sự hiện diện của Đức Chúa Trời (c.5b).
“Ta sẽ ở cùng ngươi như Ta đã ở cùng Môi-se”. Khoảng thời gian 40 năm làm kẻ hầu cận Môi-se, Giô-suê đã mục kích được sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên Môi-se. Chính Ngài đã thể hiện qua Môi-se biết bao việc quyền năng lớn lao, khiến biển Đỏ rẽ nước cho đoàn dân Y-sơ-ra-ên đi qua… cũng như dẫn Môi-se vào những chiến thắng vẻ vang với các vua A-mô-rít nổi danh ở phía Đông sông Giô-đanh. Nhưng bằng chứng cụ thể nầy đã đi vào từng trải bản thân của Giô-suê, vun trồng trong ông một niềm tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời hằng sống. Đấng trong quá khứ đã ở cùng Môi-se thế nào, thì trong hiện tại Ngài cũng ở cùng Giô-suê thể ấy.
Lời Chúa ở cùng được lập lại 3 lần với Giô-suê (c.5,9; 3:7), nói lên sự thành tín chắc chắn của Đức Chúa Trời đối với
Giô-suê. Một lời hứa vô cùng quan trọng có liên quan đến sự chiến thắng. Ý thức được điều nầy, Môi-se đã có lần dốc đổ cả tấm lòng nài xin Đức Chúa Trời đi cùng Y-sơ-ra-ên, khi Ngài từ chối không ở giữa dân sự nữa bởi vì họ cứng cỏi: “Nếu chính Chúa chẳng đi xin đừng đem chúng tôi lên khỏi đây. Lấy cớ chi mà người ta sẽ biết rằng tôi cùng dân sự Ngài được ơn trước mặt Ngài? Có phải khi Ngài đi cùng chúng tôi chăng?” (Xuất
Ê-díp-tô Ký 33:14-16). Thật là liều lĩnh cho dân sự Chúa ra trận mà không có Chúa đi cùng. Và thật là bi thảm cho người tướng lãnh của đạo binh dân sự Chúa mà không có sự hiện diện của Ngài! Cũng vậy, sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống Cơ Đốc nhân là điều cần thiết vô cùng để đối phó với cuộc chiến thuộc linh hằng ngày. Không có gì phước hạnh cho bằng đời sống có Chúa ở cùng. Trái lại không là gì bất hạnh cho bằng đời sống mất sự hiện diện của Chúa.
Tóm lại, ba lời hứa trên rất là thực tiễn và cần thiết cho vị tân lãnh đạo Giô-suê. Ba lời hứa có liên quan với nhau nhằm mục đích làm cho Giô-suê được khuyến khích trong sứ mạng Chúa gọi: Lời hứa thứ nhất, khiến Giô-suê được thúc giục bởi khải tượng về đất hứa. Lời hứa thứ hai, khiến Giô-suê được khích lệ bởi chiến thắng kẻ thù. Lời hứa thứ ba, khiến Giô-suê được vững lòng và can đảm lên, vì có sự hiện diện của Chúa là một ấn chứng bảo đảm chắc chắn cho thành công của ông trong công tác chinh phục xứ. Lời hứa này có thể xem là “mấu chốt” quan trọng nhất trong ba lời hứa: Vì nếu có Chúa ở cùng, thì trái lại! Qua ba lời hứa của Chúa cho Giô-suê, chúng ta học biết được lẽ cần nầy: Người hầu việc cần có khải tượng trong công việc Chúa, cần có sự đắc thắng với “kẻ thù” (thuộc linh) bên ngoài, nhưng điều cần hơn hết là sự hiện diện của Chúa trong đời sống.
- b) Điều kiện của lời hứa (c.6-9).
Song song với ba lời hứa của Chúa là ba điều kiện cho Giô-suê.
(1) Hãy vững lòng bền chí, chữ “vững lòng” có nghĩa là can đảm. Chữ “bền chí”, bao hàm hai ý về mạnh mẽ và kiên cường, hay có thể hiểu trong ý nghĩa của chữ “kiên cường”. Khi còn là kẻ hầu cận Môi-se, Giô-suê đã là người can đảm. Nhưng sự can đảm ấy chỉ là sự can đảm của một chiến sĩ, của một thám viên trung thành theo lệnh Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 13). Bây giờ, Giô-suê cần có sự can đảm và kiên cường của vị tướng chỉ huy.
Trong câu 6-9, từ “vững lòng bền chí” được nhắc lại ba lần, nói lên tầm quan trọng của điều kiện Chúa đòi hỏi nơi
Giô-suê. Vì cớ sự can đảm và kiên cường của người lãnh đạo sẽ kéo được theo mình sự can đảm và mạnh mẽ của binh sĩ trong chiến trận.
(2) Chớ sợ, chớ kinh khủng: Từ người giúp việc Môi-se trở thành người nối tiếp Môi-se, với trách nhiệm lớn lao mà Giô-suê chưa từng trải qua. Chắc hẳn có những lo sợ trong vị tân lãnh đạo nầy! Đe dọa làm cho nhát sợ là một trong những cách ma quỷ thường dùng để làm nản chí người hầu việc Chúa. Tiên tri chạy trốn trong đồng vắng vì sợ lời đe dọa của Giê-sa-bên (2Các vua 19:1-3). Người hầu việc Chúa cần học biết điều nào đáng sợ, và điều nào không đáng sợ. Lời Chúa phán trong câu 9 “chớ sợ”, đòi hỏi nơi Giô-suê một thái độ bình tĩnh, và hành động không chút do dự trong thi hành công tác theo mạng lệnh Chúa. Vì nhút nhát là tinh thần của người chiến bại. Trong cuộc chiến thuộc linh, Phao-lô cũng đã khích lệ
Ti-mô-thê hãy can đảm lên “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ” (2Ti-mô-thê 1:7).
(3) Cẩn thận vâng giữ luật pháp Chúa (c.7-8).
Đây là điều kiện rất quan trọng mà câu 8 có thể xem là chiếc chìa khóa cho sự thành công của Giô-suê trong sứ mạng Chúa gọi. Điều kiện nầy đòi hỏi nơi Giô-suê sự tuyệt đối vâng giữ luật pháp Chúa… “Làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta đã truyền dạy cho người” (c.7). Một sự tuân hành cách nghiêm chỉnh, “không xây bên hữu hoặc bên tả”, nghĩa là không bỏ qua, không tẻ tách khỏi luật pháp Chúa. Và tuân hành cách thận trọng, “làm theo mọi điều đã chép ở trong” (c.8), nghĩa là không bỏ sót một chi tiết nào trong luật pháp Chúa. Trong tinh thần nầy, sự vâng giữ luật pháp Chúa là cả một phương thức hoạt động trong người tuân hành, qua các bước diễn tiến.
(1) Đọc……….(2) Suy gẫm………….(3) Làm theo.
Ba bước trên có nghĩa gì? Đọc và ghi nhớ Lời Chúa, chưa đủ, Lời Chúa cần đi sâu vào tâm trí chúng ta với sự “suy gẫm ngày và đêm”. Hầu cho trí chúng ta có thể hiểu và lòng chúng ta có thể thấm nhuần được Lời của Chúa, để rồi từ đó chúng ta thực hành Lời Ngài trong đời sống của mình. Như vậy, sự vâng giữ Lời Chúa là sự vận dụng cả tâm trí và sức lực của chúng ta trong sự đọc, suy gẫm và cẩn thận làm theo.
Sự vâng giữ luật pháp Môi-se là điều cần thiết cho Giô-suê. Vì qua luật pháp Môi-se ghi chép những mạng lệnh của Đức Chúa Trời phán dạy dân Y-sơ-ra-ên phải làm tại đất hứa. Những mạng lệnh mà Giô-suê phải học biết và tuân hành “để hễ ngươi đi đâu đều thạnh vượng…” và “…như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình và mới được phước”. Chữ “thạnh vượng” có nghĩa là “sức lực căn bản” để có thể làm công việc cách khôn ngoan và có kết quả tốt đẹp.
Quyển sách luật pháp trong thời Giô-suê chỉ về ngũ kinh
Môi-se, đặc biệt là sách Phục truyền luật lệ ký. Ngày nay, chúng ta có cả quyển Kinh Thánh toàn bộ gồm 66 sách. Trong chức vụ lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, quyển sách luật pháp là kim chỉ nam cho Giô-suê. Ngày nay, Kinh Thánh là kim chỉ nam cho mỗi con cái Chúa, đặc biệt cho người hầu việc Chúa. Chúng ta cần đọc, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa cách chăm chỉ để hiểu biết đường lối Chúa, và sống đẹp ý Ngài, hầu cho được thành công, phước hạnh thật sự trong đời sống phục vụ Chúa.
(1) Phần Đức Chúa Trời, Ngài ban lời hứa cho Giô-suê. Nhưng lời hứa ấy có hữu hiệu hay không là tùy thuộc ở
Giô-suê có làm trọn điều kiện của lời hứa hay không. Như lời hứa của Chúa về sự ban đất và chiến thắng là điều chắc chắn, nhưng về phần Giô-suê phải vận dụng đức tin của mình nắm chặt lời hứa ấy, để được lòng mạnh mẽ, chẳng run sợ mà đánh trận cách can đảm.
(2) Những điều kiện cho Giô-suê có tương quan đến lời hứa. Vì vậy những điều Chúa đòi hỏi nơi Giô-suê là hợp lý và cần thiết cho Giô-suê. Như Chúa phán bảo Giô-suê: Chớ sợ, hãy vững lòng bền chí, vì cớ Ngài đã cam kết ở cùng Giô-suê và ban cho Giô-suê chiến thắng. Ngài đòi hỏi Giô-suê vâng giữ hết luật Môi-se, vì đây là lẽ cần cho Giô-suê để được thành công trong sứ mạng Chúa gọi. Vâng giữ luật pháp cách tuyệt đối theo sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời trong c.7-8 không phải là điều dễ làm đối với Giô-suê. Điểm khó nhất của điều kiện nầy là thách thức vị tân lãnh đạo Giô-suê một đời sống từ bỏ ý riêng và hoàn toàn đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời.
BÀI HỌC ÁP DỤNG.
- Trung thành và vâng lời là bài học Giô-suê đã học suốt 40 năm trước khi trở thành vị tướng lãnh đạo Y-sơ-ra-ên.
- Công việc của Đức Chúa Trời không chấm dứt với sự chấm dứt của người lãnh đạo.
- Sự học biết công việc Chúa trong quá khứ là điều cần có nơi người nối tiếp công việc Chúa trong tương lai.
- Đức Chúa Trời không bao giờ ủy thác sứ mạng cho người nào mà không có lời hứa kèm theo để hoàn thành sứ mạng ấy.
- Được Chúa ở cùng là được sự bảo đảm thành công trong công tác Chúa gọi. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ ở cùng người vâng phục và làm theo Lời Ngài.
- Đầy dẫy Đức Thánh Linh, đức tin, can đảm, kiên nhẫn, đầu phục Chúa và vâng giữ Lời Ngài là những yếu tố cần có trong người lãnh đạo dân sự Chúa, hay người hầu việc Chúa, nói chung.
- Người chưa từ bỏ chính mình và chưa học tập đầu phục ý Chúa, chưa phải thực sự là người tôi tớ hầu việc Chúa.