Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 25.07.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 25.07.2021

By Quản trị in NAM GIỚI on 20 Tháng Bảy, 2021

Chúa nhật 25.07.2021

  1. Đề tài: DO THÁM XỨ CA-NA-AN.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 2:1-24.
  3. Câu gốc: “Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám”
    (Hê-bơ-rơ 11:31).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Các vua 7-9.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Hai thám tử đi do thám xứ và được Chúa dùng kỵ nữ Ra-háp bảo vệ khi gặp khó khăn.

Đề tài 2: Sự giúp đỡ của kỵ nữ Ra-háp là một sự giúp đỡ xuất phát từ lòng tốt của Ra-háp đối với hai thám tử vâng theo sự hướng dẫn của Giô-suê đi do thám xứ Ca-na-an.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Do thám luôn là một việc nguy hiểm, và đôi lúc nguy hiểm đến tính mạng! Nhưng đây là việc cần! Trong khía cạnh thực tiễn, về mặt quân sự, một trong những yếu tố quan trọng của sự thắng trận là tin tức chính xác về quân địch. Vì vậy, trước khi tiến vào xứ Ca-na-an, ngoài việc chuẩn bị lương thực, quân sự, Giô-suê cũng nghĩ đến vấn đề do thám xứ.

Trong bài học nầy, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu: Các thám tử được sai đi với sứ mạng gì? Có gì xảy đến cho họ trong công tác? Và cuộc do thám có kết quả thế nào?

  1. A. SỨ MẠNG CHO HAI THÁM TỬ.
  2. Sự mật sai hai thám tử (c.1a).

Sự sai hai thám tử có thể nói là một “bí mật quân sự” của Giô-suê. Tuy nhiên chắc đây là việc cho phép của Chúa. Cũng như trong lần do thám 38 năm về trước tại Ca-đe, dân chúng xin Môi-se đi do thám xứ, và điều nầy được Đức Chúa Trời cho phép (Phục truyền 1:22; Dân số ký 13:1-2). Bây giờ, dân sự đang đóng trại ở Si-tim trong đồng bằng Mô-áp, nơi cách sông Giô-đanh chừng 7 dặm và cách thành Giê-ri-cô 14 dặm. Tại đây Giô-suê mật sai hai thám tử, với sứ mạng do thám xứ đặc biệt là thành Giê-ri-cô. Vì Giê-ri-cô là một thành cổ kính và kiên cố nằm trong thung lũng sông Giô-đanh, được cung cấp nguồn nước dồi dào từ con sông đó và là ngõ chính vào xứ Ca-na-an. Nếu quân Y-sơ-ra-ên triệt hạ được Giê-ri-cô, thì có thể “cắt đôi” xứ Ca-na-an, cô lập cả hai miền Nam Bắc, mở đường thuận lợi cho cuộc chinh phục toàn xứ. Vì địa điểm chiến lược quan trọng nầy, nên có thể nói trọng tâm của cuộc do thám ngắn ngủi nầy là nhắm vào Giê-ri-cô. Hai thám tử không được tiết lộ tên, vì sự sai đi có tính cách kín mật. Sự giữ kín có thể được hiểu một trong hai lý do như sau: (1) Giô-suê lo ngại nếu cuộc do thám có tính cách công khai và rộng rãi như lần trước mà ông đã kinh nghiệm, e rằng những ý kiến khác nhau trong vòng các thám tử sẽ khơi dậy sự bất tín trong lòng dân chúng Y-sơ-ra-ên, làm cản trở cho việc tiến vào đất hứa chăng! Vì vậy trong sự sai đi do thám, Giô-suê rất cẩn thận chọn 2 thám tử mà thôi. (2) Hoặc vì trong thời gian quá cận, sự thực hiện một cuộc do thám có tính cách công khai, lớn rộng không thích hợp. Hơn nữa vì quân địch trong tình trạng đề cao cảnh giác, nên sự sai đi cả một đoàn thám hiểm đông đảo là cả một việc liều lĩnh nguy hiểm.

Vào thời điểm nào? Chúng ta không rõ các thám tử được sai đi vào giờ nào. Theo sự ghi chép trong Giô-suê 1:11; 2:22; 3:2; 4:19, có thể giải thích như sau:

Các thám tử được sai đi trước mạng lệnh chuẩn bị lương thực, thì cuộc đi qua sông Giô-đanh của dân Y-sơ-ra-ên có sự đình hoãn không như đã dự tính (1:11), vì chờ kết quả của cuộc do thám.

  1. Cuộc do thám bị phát giác (c.1b-7).

Chúng ta không rõ cuộc do thám diễn tiến như thế nào? Câu 1b ghi rằng: “…hai người ấy đi đến nhà của một kỵ nữ tên là Ra-háp và ngụ tại đó”. Và cũng nơi đây, họ bị dân chúng phát giác và bị những người của vua Giê-ri-cô lùng bắt. Việc hai thám tử đến nhà nàng kỵ nữ Ra-háp có thể vì những lý do như sau:

(1) Để tránh sự nghi ngờ của quân địch.

(2) Nhà Ra-háp xây trên tường thành Giê-ri-cô, thuộc vùng ngoại ô là nơi dễ thoát, nếu phải lâm nạn.

(3) Đây không phải là việc ngẫu nhiên, nhưng là sự dẫn dắt bởi ơn thần hựu của Đức Chúa Trời. Sự đến nhà kỵ nữ Ra-háp của hai thám tử Y-sơ-ra-ên có thể xem như một hành động “thăm viếng” của ân điển Đức Chúa Trời đối với tội nhân đang mong đợi ơn cứu rỗi của Ngài.

Từ câu 3, Ra-háp bỗng trở thành một nhân vật nổi bật trong câu chuyện do thám Giê-ri-cô. Trong c.3-7, chúng ta thấy Ra-háp có lời nói và hành động rất là khôn khéo. Một mặt nàng đóng vai như một công dân trung thành với vua Giê-ri-cô. Khi được báo cáo về hai kẻ tình nghi, vua Giê-ri-cô lập tức sai toán người đến hạch hỏi Ra-háp và truyền lệnh hãy đuổi họ đi. Đáp lại, Ra-háp đánh lừa họ bằng cách nửa thật nửa giả, nói rằng: hai kẻ lạ mặt ấy có đến nhà… nhưng đã đi trước khi cửa thành sắp đóng và chẳng biết đi đâu! Cách nói nửa thật nửa giả nghe như rất hữu lý, đáng tin, và Ra-háp thành công trong việc xua đuổi những người của vua ra khỏi nhà nàng. Nhưng mặt khác, Ra-háp đã giấu các thám tử dưới những cọng gai phơi trên nóc nhà của mình. Theo lối kiến trúc của người đông phương lúc bấy giờ, nhà xây nóc bằng. Trên nóc người ta thường làm sân để phơi ngũ cốc, đó là nơi Ra-háp phơi cọng gai, thứ gai có chiều cao khoảng một thước, dùng kéo chỉ để dệt vải gai. Một cách giấu khéo, khó có thể bị kẻ lục soát nghi ngờ!

Một câu hỏi nêu lên ở đây là: Có phải nhờ sự nói dối của Ra-háp mà các thám tử được cứu nguy không? Câu hỏi này có thể đưa đến câu hỏi khác: Trong vài trường hợp người Cơ Đốc có phép nói dối không?

Xét về bối cảnh sống của Ra-háp, bà vốn là kỵ nữ trong một xứ đa thần làm đạo đức bị băng hoại đến mức sắp bị hủy diệt! Vì vậy, nói dối dĩ nhiên là chuyện hết sức thông thường trong xã hội nhất là nói dối để bảo vệ an toàn tính mạng cho khách trọ nơi nhà mình còn được xem như là một đức tính cao quý đối với nền luân lý thấp kém lúc bấy giờ! Cho nên dù Ra-háp là người nhìn biết Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, chúng ta không thể mong mỏi nơi người “tân tín hữu” nầy, một đời sống hoàn hảo theo đúng tiêu chuẩn đạo đức của Chúa. Sự đòi hỏi như thế hẳn là quá đáng! Tuy nhiên, trường hợp nói dối của Ra-háp không phải là nơi “nương tựa” để chúng ta bào chữa cho sự nói dối của mình. Nếu sự nói dối được chấp nhận trong trường hợp nầy, thì tiêu chuẩn đạo đức của Cơ Đốc nhân được xây trên nền tảng nào?

Mặc dầu nói dối là điều rất khó tránh, nhất là trong trường hợp bị đe dọa giữa sự chết và sự sống, trường hợp liên quan đến việc nhân đạo. Trong cuộc thế giới đại chiến với Hitler, có người từng dối kẻ địch để bảo vệ những nạn nhân vô tội và được tuyên dương công trạng anh hùng! Chính Áp-ra-ham, người được gọi là “ông tổ của đức tin” cũng không khỏi vấp phạm lỗi lầm nầy. Những điều nêu trên không phải để bào chữa hay đoán xét, vì sự đoán xét thuộc về Chúa. Nhưng có những điểm quan trọng mà người Cơ Đốc cần phải biết sau đây:

– Cả Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước đều xác nhận rằng nói dối, dù là nói dối với mục đích nào nói chung đều là tội (Xuất 20:16; 23:1; Châm ngôn 11:22; Mat 5:36-37; Êph 4:25).

– Vì Đức Chúa Trời là Đấng chân thật, và tiêu chuẩn bất di bất dịch của Chúa đối với nếp sống đạo của con cái Ngài là “chừa sự nói dối, và hãy nói thật với mọi người”.

– Trong nếp sống đạo của Cơ Đốc nhân, người gương mẫu duy nhất cho chúng ta nhìn vào đó là Chúa Giê-xu, Đấng đã bị đặt trước sự chết, nhưng Kinh Thánh làm chứng về Ngài rằng “trong miệng Ngài chẳng thấy chút chi dối trá” (1Phi-e-rơ 2:22). Cho nên nếu phải ở trong trường hợp khó xử, chúng ta hãy cầu nguyện xin Đức Thánh Linh chỉ dẫn, ban cho lời nói thích hợp mà không trái phạm luật Chúa.

Tóm lại, không phải nhờ sự nói dối của Ra-háp mà hai thám tử được cứu thoát. Nhưng thật ra trên hết Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ họ, và Ra-háp là công cụ trong tay Ngài. Chúa có toàn quyền giải cứu người hầu việc Ngài bằng mọi cách. Kinh Thánh không “khen” sự nói dối của Ra-háp, nhưng sự tiếp rước hai thám tử bởi cớ tích tốt từ tấm lòng của Ra-háp được Đức Chúa Trời chấp nhận.

  1. HAI THÁM TỬ VÀ RA-HÁP (2:8-21).
  2. Sự xưng nhận niềm tin của Ra-háp (c.8-13).

Trong Giô-suê chương 2, sự ghi chép câu chuyện Ra-háp không có mục đích để chúng ta bàn cãi về vấn đề nói dối! Nhưng điểm chính trong câu chuyện nầy là đức tin của Ra-háp.

Từ câu 8-11 có thể xem là lời xưng nhận đức tin của Ra-háp nơi Đức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên. Chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:

(1) Ra-háp thừa nhận quyền chủ sở hữu xứ Ca-na-an là của dân Y-sơ-ra-ên. Vì cớ Đức Chúa Trời ban xứ nầy cho họ. Có thể nói dân ngoại đầu tiên thừa nhận xứ Ca-na-an thuộc chủ quyền của quốc gia Y-sơ-ra-ên là Ra-háp. Bất cứ quốc gia nào phủ nhận chủ quyền nầy đi ngược lại lại ý chỉ của Đức Chúa Trời, và chuốc lấy sựa rủa sả cho mình (Sáng 12:1-3).

(2) Ra-háp nhận biết Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là “Đấng ở trên trời cao và dưới đất thấp” (c.11). Ra-háp có sự nhận biết nầy, vì nghe đến quyền năng lớn lạ của Đức Chúa Trời đã thể hiện trên dân Y-sơ-ra-ên, qua phép lạ Biển Đỏ rẽ nước, và đánh bại hai vua A-mô-rít hùng mạnh nhất bấy giờ. Hai biến cố lạ lùng nầy đã gây chấn động lớn trong các dân Ca-na-an, khiến họ sợ hãi, sờn lòng rủn chí trước dân Y-sơ-ra-ên (c.9-10). Sự kiện nầy ứng nghiệm lời tiên tri của Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô ký 15:15-16. Qua những phép lạ kể trên, Ra-háp nhìn biết Đức Chúa Trời trong ý nghĩa cá biệt “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”, tức Đức Chúa Trời của giao ước (Xuất 3:14,15), là Đấng chủ tể siêu việt, vượt trên các thần, các vua chúa của thế gian và cai trị trên muôn loài vạn vật. Vì thế, Ra-háp ý thức rằng không có quyền lực nào có thể đương đầu với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Sự chống cự lại với dân Chúa là chuốc lấy sự hủy diệt cho mình mà thôi. Ra-háp là người rất tầm thường, nhưng khôn ngoan hơn các vua chúa Ca-na-an, vì cớ nhìn biết Đức Chúa Trời và đầu phục Ngài.

  1. a) Đức tin chân thật: Đức tin của Ra-háp là một tiến trình từ chỗ: (1) Tai nghe về Đức Chúa Trời……… (2) Trí nhận biết Đức Chúa Trời………(3) Lòng tin nhận Đức Chúa Trời. Đức tin của Cơ Đốc nhân không phải là sự mê tín mù quáng, nhưng chúng ta tin vì cớ chúng ta nghe, hiểu biết rõ Đấng chúng ta tin.
  2. b) Đức tin quả quyết: Trong sự tin quyết nầy, Ra-háp đã ở vào một tư thế khó xử. Đứng về phía dân tộc mình hay chọn Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên? Nếu việc che giấu hai thám tử bị bại lộ, Ra-háp chắc sẽ bị kết án vào tội phản quốc và bị giết chết! Nhưng vì có niềm tin nơi Đức Chúa Trời, nên Ra-háp đã có hành động can đảm và sẵn sàng trả giá, can đảm trong việc giúp đỡ hai thám tử cho dù phải mất mạng sống mình; can đảm trong sự xưng nhận niềm tin của nàng nơi Đức Chúa Trời với hai thám tử Y-sơ-ra-ên, cũng như với người trong gia đình thân thuộc mình!

Nếu sống trong bối cảnh của xã hội bị ràng buộc bởi các tập tục lề lối thế gian, khi chúng ta quyết định chọn Đức Chúa Trời và sống theo đường lối thánh thiện của Ngài, niềm tin chúng ta chắc sẽ bị bắt bớ. Chúng ta bị luân lý đạo đức của đời kết án cho là kẻ “bất hiếu” với gia đình, “bất trung” với dân tộc… Chúng ta có đủ can đảm và sẵn sàng trả giá cho niềm tin của mình không? Chúa Giê-xu phán rằng: “… Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha Ta ở trên trời; còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 10:32-33).

Trong sự xưng nhận niềm tin nơi Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Ra-háp cũng có lời yêu cầu hai thám tử ba điều như sau (c.12-13):

(1) Cứu sống cả gia đình gồm cha mẹ, anh em, chị em và bà con của Ra-háp. (2) Lời thề hứa nhân Danh Đức Giê-hô-va. (3) Một dấu hiệu xác chứng cho lời hứa. Những điều Ra-háp xin bày tỏ lòng nàng thực sự muốn được một bảo đảm chắc chắn về sự cứu sống cho toàn cả gia đình. Trở lại trong lời yêu cầu của Ra-háp, theo câu 12, Ra-háp nghĩ rằng sự cứu thoát hai thám tử là một việc nhân đức của nàng vì vậy căn cứ trên nguyên lý “Làm ơn trả ơn” hay “người thương xót sẽ được thương xót”, Ra-háp yêu cầu hai thám tử làm ơn lại cho gia đình nàng: “…Vì tôi đã làm nhân cho hai ông, thì hai ông cũng phải làm nhân cho nhà cha tôi…”. Như vậy, câu hỏi là có phải nhờ việc nhân đức mà người ta được cứu không? Chắc chắn là không. Kinh Thánh bày tỏ cách rõ ràng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là hoàn toàn nhờ ân điển bởi đức tin mà thôi (Ê-phê-sô 2:8-9). Đây là lẽ đạo rất quan trọng chúng ta cần hiểu rõ. Trong thơ Hê-bơ-rơ 11:31, đã xác định rằng bởi đức tin Ra-háp được cứu sống, chớ không phải nhờ việc làm nhân đức của nàng. Và việc Ra-háp cho là “làm ơn”, thực ra đó là việc làm của đức tin, hay là kết quả của đức tin nàng nơi Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:25).

  1. Lời hứa của hai thám tử và điều kiện của lời hứa (c.14-21).

Lời yêu cầu của Ra-háp được hai thám tử nghiêm trọng hứa “mạng chúng ta sẽ đền cho mạng nàng!”. Và với những điều kiện và dấu hiệu:

(1) Ra-háp phải giữ kín việc do thám của hai người. Điều nầy đòi hỏi nơi Ra-háp sự trung thành.

(2) Nhóm họp tất cả người trong gia đình cùng bà con họ hàng tại nhà Ra-háp. Điều này đòi hỏi đức tin cá nhân nơi người nhà Ra-háp. Nghĩa là nếu được cứu sống mỗi người phải nhóm họp lại tại nhà Ra-háp. Người vâng theo điều kiện được xem là một hành động của đức tin. Đức tin của Ra-háp có ảnh hưởng đến người trong gia đình, tuy nhiên điều nầy chưa đủ cho họ được cứu, mỗi cá nhân cần có đức tin của mình để nhận được sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời. Đây cũng là ý nghĩa của câu “một người tin cả nhà được cứu” (Công vụ 16:31).

(3) Ra-háp phải buộc sợi chỉ màu đỏ điều nơi cửa sổ mà bà đã giòng hai thám tử ra ngoài thành. Sợi chỉ nầy sẽ làm dấu hiệu cho dân Y-sơ-ra-ên khi vào hủy diệt thành Giê-ri-cô thì sẽ để gia đình Ra-háp sống theo như lời cam kết của hai thám tử với Ra-háp.

Trong đêm Đức Chúa Trời đoán phạt giết con trai đầu lòng của người Ai-cập, các gia đình dân Y-sơ-ra-ên được bình an nhờ sự bôi huyết của chiên con trên cửa nhà làm dấu hiệu để thiên sứ Chúa vượt qua. Gia đình của Ra-háp được cứu sống, nhờ dấu hiệu của sợi chỉ màu đỏ điều. Màu đỏ chỉ bóng về huyết của Đấng Christ. Bởi đức tin đến sự đổ huyết của Ngài mà chúng ta nhận được tha tội và được sự sống đời đời (1Giăng 1:7; Rô-ma 3:24-25; 6:23).

Câu chuyện Ra-háp được lồng trong câu chuyện do thám của hai thám tử Y-sơ-ra-ên, là một bức ảnh thật đẹp và linh động diễn tả sự cứu rỗi bởi ân điển của Đức Chúa Trời ban cho người có lòng tin. Đức tin của Ra-háp làm điểm son sáng chói trong cuộc đời được biến đổi của nàng. Với đức tin nầy, Ra-háp từ một kỵ nữ xấu xa trở thành người nữ có vinh dự được liệt tên vào bảng gia phổ của Đấng Cứu Thế Mê-si-a thuộc dòng vua Đa-vít, cũng như được nhắc đến trong bảng danh sách các anh hùng đức tin của thời Cựu ước. Đây là công việc kỳ diệu của ân điển Đức Chúa Trời chớ không phải bởi việc nhân đức của Ra-háp (Mat 1:1-5; Hêb 11:31).

Tóm lại, qua câu chuyện Ra-háp, hai điểm tốt chúng ta tìm thấy trong người đàn bà nầy: (1) Đức tin của Ra-háp: Bởi đức tin Ra-háp quyết định từ bỏ nếp sống cũ băng hoại trong tội lỗi xấu xa để chọn Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, và tìm ơn cứu rỗi trong Danh Ngài. (2) Chẳng những lo cứu thân mình, Ra-háp còn nghĩ đến mạng sống của gia đình và bà con thân thuộc của nàng. Chúng ta có ý thức rằng trách nhiệm trước tiên khi được Chúa cứu là làm chứng lại cho người thân, bạn hữu, tức những người gần gũi chúng ta nhất không? (Mác 5:19).

  1. KẾT QUẢ CỦA CUỘC DO THÁM (2:22-24).
  2. Sự trở về của hai thám tử.

Khi được Ra-háp giòng dây từ nơi cửa sổ, hai thám tử liền lên núi ẩn mình theo sự chỉ dẫn của nàng. Có thể đây là dãy núi nằm về phía Bắc Giê-ri-cô, nơi Chúa Giê-xu chịu cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:1-11). Sau ba ngày, là lúc toán người đuổi theo họ bỏ cuộc, hai thám tử xuống núi, rồi qua sông Giô-đanh, và trở về Si-tim cách an toàn. Chúng ta không rõ cuộc do thám kéo dài bao lâu. Căn cứ c.22, thời gian có thể từ 4-5 ngày, nếu là cuộc do thám ngắn nhất. Dù là một cuộc do thám ngắn ngủi, nguy hiểm và cam go, nhưng so với 40 ngày lần trước, cuối cùng kết quả rất là lạc quan.

  1. Lời tường trình của hai thám tử.

Hai thám tử đến tường trình cùng Giô-suê với lời kết luận đầy tin quyết và vô cùng phấn khởi: “Quả thật Đức Giê-hô-va đã phó cả xứ vào tay chúng ta; và lại hết thảy dân của xứ đều sờn lòng trước mặt chúng ta” (c.24). Trong cuộc do thám lần trước, 10 thám tử chẳng tin với lời tường trình cùng dân sự là “chớ vào đó!”. Đức tin luôn nói với chúng ta “hãy vào đó”, những sự bất tín luôn làm cho chúng ta lùi bước! Lớp người chẳng tin kia 40 năm trước đã ngã chết trong đồng vắng. Bây giờ với hai thám tử này đại diện cho thế hệ mới, với lòng tin quyết, nói với Giô-suê rằng họ sẵn sàng bước vào xứ đượm sữa và mật như Lời Đức Chúa Trời đã hứa. Mặc dù chúng ta không biết rõ hai thám tử nầy là ai nhưng có hai điểm rất đáng cho chúng ta chú ý trong hai người đặc biệt nầy là sự can đảm và đức tin trong sự thi hành sứ mạng. Đây là hai điều người hầu việc Chúa cần có nhất là công tác thách thức khó khăn.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Những ai đã thực sự vâng lời và làm theo mạng lệnh của Chúa, và làm mọi việc với sự cho phép của Chúa mà bạn nhìn thấy trong phân đoạn Kinh Thánh này?
  2. Bạn sẽ học theo gương mẫu của nhân vật nào trong bài học hôm nay, tại sao?
  3. Đức tin và lòng can đảm là hai điều không thể thiếu trong người hầu việc Chúa, nhất là trong công tác nguy hiểm khó khăn, bạn đã từng có kinh nghiệm nào trong điều này chưa, xin chia sẻ?
  4. Bạn học được điều gì từ sự vâng phục của hai thám tử vâng theo sự sắp xếp và hướng dẫn của Giô-suê đi do thám xứ Ca-na-an?
  5. Bạn đã từng sợ hãi trước một sự xếp đặt nào của người lãnh đạo mà bạn nghĩ rằng mình không thể thực hiện và muốn bỏ cuộc không?
  6. Từ đức tin của hai thám tử trong bài học hôm nay, bạn sẽ áp dụng cho đời sống đức tin của mình như thế nào?

Post CommentLeave a reply