CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 10.10.2021
By Quản trị in PHỤ NỮ on 4 Tháng Mười, 2021
Chúa nhật 10.10.2021 (CN Thiếu Niên Tin Lành).
- Đề tài: TÌM HIỂU TUỔI THIẾU NIÊN.
- Kinh Thánh: Truyền đạo 11:9-10.
- Câu gốc: “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong tuổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét” (Truyền đạo 11:9).
- Đố Kinh Thánh: 1Các vua 10-12.
- Thể loại: Tìm hiểu.
* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.
– Mời hai hoặc ba người trong BHD nghiên cứu đề tài “Tìm Hiểu Tuổi Thiếu Niên” và trình bày cho ban phụ nữ. Có thể chia ra hai hoặc ba phần để mỗi người trình bày.
– Mời một người lên đúc kết và cầu nguyện.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
TÌM HIỂU TUỔI THIẾU NIÊN.
TUỔI THIẾU NIÊN LÀ TUỔI THAY ĐỔI.
Tuổi thanh thiếu niên là khoảng thời gian những đứa nhỏ chuyển mình để trở thành người lớn. Trong tiến trình này, các em thay đổi trong nhiều phương diện. Có thể nói đây là khoảng thời gian có nhiều thay đổi nhất trong đời sống con người: Thay đổi về thể xác, tâm lý, tình cảm cũng như thay đổi trong cách suy nghĩ, làm việc và cách xử sự với người chung quanh.
- THAY ĐỔI VỀ THỂ XÁC.
Thay đổi rõ ràng nhất mà chúng ta nhìn thấy nơi tuổi thiếu niên là thay đổi về thể xác. Các em không những lớn vụt lên nhưng thân hình cũng bắt đầu thay đổi, phát triển và có những đường nét đặc biệt, thuộc phái tính của mình. Các em trai thì bể tiếng, giọng nói trầm hẳn xuống, bắp thịt rắn chắc, dáng điệu cứng cáp, mạnh mẽ như một chàng thanh niên. Các em gái thay đổi vóc dáng, thân thể phát triển, mang vẻ dịu dàng, yểu điệu của một thiếu nữ. Không ai có thể nói đích xác đến mấy tuổi thì các em bắt đầu thay đổi. Có em bước vào tuổi dậy thì rất sớm và lớn mau, những em khác thì lại bắt đầu tuổi dậy thì trễ và lớn chậm hơn.
Cùng với sự thay đổi về thể xác, các em mất đi sự hồn nhiên vô tư của trẻ thơ. Thay vào đó các em chú ý nhiều đến con người của mình, nhất là chú ý đến nét mặt và vóc dáng của mình. Đó là lý do tại sao các em thường hay soi gương, chải chuốt, để ý đến áo quần hơn trước. Khi thấy các em thay đổi như thế, người lớn cũng nên tránh chế giễu, phê bình hay la mắng con. Những lời chế giễu hay trêu chọc của người lớn làm các em sợ và khiến các em rất là khổ sở. Đó cũng là một trong những lý do khiến các em không muốn ở gần cha mẹ và người lớn.
Trong thời gian thay đổi về thể xác, các em còn có những thay đổi sau: Mặc cảm tự ti, mệt mỏi và lười biếng, tay chân các em vụng về.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các em cũng lừ đừ, mệt mỏi. Có lúc các em lại có quá nhiều sinh lực. Những lúc đó các em không thể ngồi yên một chỗ nhưng cần phải chạy nhảy, la hét hoặc chơi những trò chơi mạnh bạo. Hiểu đặc tính này của các em, chúng ta nên cho các em ăn ngủ đầy đủ và giao công việc cho các em làm. Mặt khác, cho các em có cơ hội chơi thể thao, tham gia những sinh hoạt ở trường và tham dự các sinh hoạt của thanh thiếu niên trong Hội Thánh. Khi người lớn hiểu và thông cảm với các em, sẽ giúp các em đi qua tuổi thiếu niên dễ dàng hơn.
- THAY ĐỔI VỀ TÂM LÝ.
Về mặt tâm lý và tình cảm, các em thiếu niên cũng có những thay đổi mà cha mẹ thấy khó chấp nhận như:
- Các em muốn được tự do và tự lập.
Khi bước vào tuổi thiếu niên, các em muốn được tự do, tự lập và không muốn ở dưới quyền kiểm soát của cha mẹ nữa. Ở tuổi nầy, hầu hết các em còn đi học, chưa thể tự nuôi sống. Tuy nhiên, vì cảm thấy mình đã lớn, các em không muốn tuân theo kỷ luật của cha mẹ, nhưng muốn cha mẹ và người chung quanh cho các em được tự do làm điều các em muốn.
Để giúp các em lớn lên có thể tự lo, tự lập, cha mẹ cần giao công việc và trách nhiệm cho các em khi còn nhỏ. Nếu cha mẹ không giao công việc khi các em còn nhỏ, đến tuổi thiếu niên các em sẽ quen tính lười biếng, không giúp đỡ cha mẹ. Lúc đó nếu cha mẹ tức giận, la mắng cũng không có lợi gì. Không những thế, nếu cha mẹ áp dụng kỷ luật quá gắt gao, các em có thể trở thành phản loạn.
- Các em muốn được tôn trọng.
Trong thực tế có những bậc cha mẹ dù con bao nhiêu tuổi cũng vẫn xem là con nít và luôn luôn sai bảo, la mắng, lúc nào cũng bắt con làm theo ý mình. Đây là điều sai lầm, cũng là lý do khiến các em bực bội và không muốn ở gần bên cha mẹ. Tuy các em còn xử sự như trẻ con, nhưng các em đã bắt đầu thay đổi và các em muốn được đối xử như người lớn.
- Các em bắt đầu thách thức thẩm quyền của cha mẹ.
Khi còn nhỏ, các em rất nể uy quyền của cha mẹ. Cha mẹ bảo gì các em đều vâng theo. Lúc đến tuổi thiếu niên, các em bắt đầu hiểu biết, bắt đầu phân tích vấn đề và biết lý luận để bênh vực mình. Khi bị cha mẹ la mắng, các em thường trả lời lại hoặc nói lên điều các em suy nghĩ để bào chữa cho chính mình. Những lúc đó cha mẹ thường phản ứng lại bằng sự tức giận và càng sửa dạy các em gắt gao hơn vì cho rằng các em ngang bướng, hỗn hào, dám cãi lại cha mẹ. Đây là một trong những lý do khiến giữa phụ huynh và con em trong tuổi thiếu niên thường hay có sự căng thẳng hoặc một khoảng cách nào đó chứ không gần gũi và thân mật như khi các em còn nhỏ.
Để tránh sự căng thẳng giữa cha mẹ và con em trong tuổi thiếu niên, chúng ta cần hiểu con và thông cảm với con, nhất là đừng xem con là con nít, bảo gì cũng phải vâng theo. Khi con bày tỏ ý kiến hay nói lên những lời như có ý phê bình cha mẹ, chúng ta không nên giận dữ, cho là hỗn hào hay là làm khôn. Trái lại cần bình tĩnh suy nghĩ lại lời con nói đúng hay sai. Có thể những khuyết điểm của chúng ta mà con cái nhìn thấy là đúng. Nếu thật như thế, chúng ta cần nhìn nhận lỗi lầm và sửa đổi để không mất lòng kính trọng và tin cậy của con. Hơn nữa, chúng ta cũng nên tôn trọng con, đừng đánh đập con hay mắng con bằng những lời thô tục khiến con xấu hổ và mất lòng tin nơi chính mình (Êph 6:4; Côl 3:21).
- Các em bắt đầu nhìn thấy khuyết điểm của cha mẹ.
Ở tuổi nầy các em bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng, cũng biết tất cả mọi chuyện và làm được tất cả mọi việc. Hơn nữa, với những kiến thức thu thập ở trường và sự phát triển của trí khôn, các em dần dần hiểu biết nhiều hơn, lắm khi các em biết những điều cha mẹ không biết. Thêm vào đó, các em lại có tính đoán xét và phê bình người lớn, các em cũng muốn làm người lớn vì nghĩ rằng mình đã lớn và đã hiểu biết nhiều.
Tất cả những điều đó cộng lại khiến các em thiếu niên có ý xem thường cha mẹ hoặc xem cha mẹ cũng không có gì hơn các em. Vì suy nghĩ như thế, các em hay cãi lời cha mẹ, lý luận với cha mẹ và không vâng lời cha mẹ cách tuyệt đối như khi còn nhỏ. Trong lúc này, nếu cha mẹ không tin Chúa thật lòng nhưng tin Chúa cách hời hợt bề ngoài, các em sẽ biết ngay. Nếu cha mẹ làm những điều không ngay thẳng hoặc sống giả dối với người chung quanh, các em cũng sẽ nhìn thấy ngay.
Trong trách nhiệm dạy con, nếu muốn con nên người, chúng ta phải nêu gương tốt cho con noi theo. Chúng ta không chỉ dạy con bằng lời nói nhưng dạy con bằng hành động, nhất là trong cách cư xử hằng ngày với người chung quanh. Khi con đã hiểu biết, chúng ta nên trò chuyện với con cách thân mật như bạn. Đừng ngại cho con biết những khuyết điểm hay lỗi lầm của chúng ta. Khi làm như thế cha mẹ không mất lòng tôn kính của con nhưng con sẽ thấy gần với cha mẹ hơn. Khi con nói lên nhận xét của mình về cha mẹ, chúng ta không nên giận dữ hay phủ nhận điều con nói, cũng đừng tự ái nhưng hãy để ý, suy nghĩ điều con nói và sửa đổi nếu cần. Nếu con nhận xét chúng ta cách sai lầm, đừng bực bội nhưng bình tĩnh giải thích cho con. Nếu con đúng, cha mẹ nên khiêm nhường công nhận con nói đúng và cho con biết, cha mẹ cũng đang cố gắng để ngày càng trở nên người tốt hơn. Cách cư xử chân thật, bình đẳng và tốt đẹp đó sẽ đem con cái đến gần với cha mẹ.
III. THAY ĐỔI VỀ TÌNH CẢM.
Trong tất cả những thay đổi của con cái trong tuổi thiếu niên, thay đổi tình cảm là điều các bậc phụ huynh khó chấp nhận hơn cả. Đến tuổi này, tự nhiên các em không muốn ở gần cha mẹ nữa. Các em cũng có vẻ như không cần đến sự chăm sóc và hướng dẫn của cha mẹ nữa. Cả cha mẹ lẫn con cái đều thấy có cái gì bực bội hay ngại ngùng khi phải đối diện với nhau. Vì thái độ của con, cha mẹ không còn nói với con những lời ngọt ngào, âu yếm. Vì cách đối xử của cha mẹ, các em cũng không muốn ở gần hay trò chuyện với cha mẹ.
Sự thay đổi này không ai giải thích được, cũng không ai hiểu để giải thích cho ai. Và cứ thế, giữa cha mẹ và con cái có một sự cách biệt hầu như không sao nối liền được. Cha mẹ không hiểu tại sao mình vẫn thương con như trước mà tình thương đó con không chấp nhận. Các em không hiểu tại sao tình thương của cha mẹ, tình thương mà trước kia các em vui thỏa bây giờ không đáp ứng được sự mong chờ khao khát trong lòng các em.
Mục sư Eugene Peterson là người có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn các em trong tuổi thiếu niên. Ông cho biết tình cảm giữa cha mẹ và con em trong tuổi thiếu niên có nhiều thay đổi. Theo lời Kinh Thánh dạy cũng như theo kinh nghiệm trong đời sống, chúng ta có bốn loại tình cảm khác nhau giữa người này với người kia. Phân tích các tình cảm này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thay đổi tình cảm của con cái đối với cha mẹ.
Trong đời sống, con người cần bốn loại tình cảm khác nhau đó là tình yêu thương, tình bạn, tình yêu lãng mạn và tình yêu vị tha.
- Tình yêu thương.
Đây là loại tình cảm đơn giản nhất, phát xuất cách tự nhiên giữa hai cá nhân. Đây là tình cảm tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã đặt để trong cha mẹ và con cái, đặc biệt là khi con còn nhỏ. Tuy nhiên, đến tuổi thiếu niên, tình thương đơn sơ này chấm dứt. Sự hòa hợp trong việc trao và nhận tình thương giữa cha mẹ và con cái hình như bị gián đoạn. Dầu vậy, các em vẫn cần tình thương của cha mẹ, nhưng tình thương đó phải được bày tỏ theo một cách khác, thích hợp hơn.
Để những đứa con trong lứa tuổi thiếu niên không khước từ tình thương và sự âu yếm của cha mẹ, cha mẹ cần tế nhị trong cách bày tỏ tình yêu thương đối với con. Chẳng hạn như tránh ôm hôn con chỗ đông người hay trước mặt bạn bè của con. Tránh xoa đầu, ôm cổ hay mắng yêu con trước mặt người khác. Có một điều khác chúng ta cũng cần để ý là tránh gọi tên con bằng những tên cha mẹ đặt cho con khi con còn là em bé sẽ làm cho các em xấu hổ.
- Tình bạn.
Tình bạn thường phát sinh và nẩy nở giữa những người làm việc chung với nhau. Những người cùng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh, trình độ, cùng giai cấp và cùng đeo đuổi một mục tiêu cũng dễ trở thành bạn của nhau. Riêng cha mẹ và con cái, tình bạn ít khi có, nhất là trong những năm con còn sống với cha mẹ. Cha mẹ và con cái khác nhau về tuổi tác, kinh nghiệm, thẩm quyền, trình độ… vì thế khó trở thành bạn của nhau.
Hơn nữa, khi con em chúng ta đã lớn, nhất là đến tuổi thiếu niên, các em bận rộn nên ít khi có mặt bên cha mẹ. Riêng cha mẹ thấy con lớn rồi nên để nhiều thì giờ hơn để đi làm, buôn bán hoặc lo những công việc riêng của mình chứ không để ý đến con nhiều như trước. Từ đó, những giây phút đẹp đẽ giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng hiếm hoi và cuối cùng chấm dứt hẳn.
Như vậy, khi con đến tuổi thiếu niên, tình yêu thương tự nhiên cũng như tình bạn giữa cha mẹ và con cái đều không còn.
- Tình yêu lãng mạn.
Khi tạo dựng nên con người, Chúa ban cho con người nhu cầu về tình yêu lãng mạn. Đây là tình yêu liên quan đến tính dục và tạo ra trong ta sự khao khát nơi người mình yêu. Chính trong tình yêu nầy, chúng ta thấy được hạnh phúc toàn vẹn và thỏa lòng. Dù tình yêu này thường chỉ thấy nơi vợ chồng và những người yêu nhau, nhưng theo các nhà tâm lý học, những người thân trong gia đình cũng có tình yêu này, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái.
Nhưng khi con đến tuổi thiếu niên, tình yêu này giữa các em và cha mẹ cũng chấm dứt. Các em thiếu niên không muốn cha mẹ ôm ấp vỗ về nữa, các em không muốn làm người đáp lại sự khao khát tình yêu của cha mẹ nữa. Trong các em bây giờ cũng có sự khao khát một tình yêu lãng mạn, nhưng cha mẹ không phải là người các em tìm đến để sự khao khát đó được đáp ứng.
- Tình yêu vị tha.
Ngoài ba loại tình cảm là tình thương, tình bạn và tình yêu, giữa cha mẹ và con cái còn một tình cảm khác, gọi là tình yêu vị tha. Đây là tình yêu mà Chúa dùng để yêu chúng ta, cũng là loại tình yêu Kinh Thánh nói đến rất nhiều. Khi con cái đến tuổi thiếu niên, cha mẹ cần thương con bằng tình yêu này, vì lúc đó các em có nhiều điều khó thương, làm những điều khiến cha mẹ xấu hổ hay buồn phiền. Nếu không sống với con bằng tình yêu thương nầy, lúc đó cha mẹ và con cái sẽ trở thành ấu trĩ, khô khan và ích kỷ.
Chỉ có tình yêu thương hi sinh vô điều kiện mới có thể đem cha mẹ và con cái đến gần với nhau. Nếu không, con em có thể tìm cách lìa xa cha mẹ và cha mẹ cũng không muốn giữ con trong gia đình nữa. Nếu trường hợp đó xảy ra thì thật là đáng tiếc. Ước mong quý vị vẫn còn có thể lấy tình yêu thương của Chúa để giữ con trong vòng tay của mình và hướng dẫn con đi qua giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn nầy.
- THAY ĐỔI TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI NGƯỜI CHUNG QUANH.
Đặc điểm trong thay đổi về tâm lý nơi các em thiếu niên mà phụ huynh thấy rõ nhất là các em có vẻ muốn tách rời khỏi cha mẹ hay muốn vượt ra ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ. Thật ra đây là một thay đổi bình thường và cần thiết, nằm trong chương trình tăng trưởng mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Các em cần trải qua những thay đổi này để trở nên người trưởng thành, tự lập và có tinh thần trách nhiệm.
Trong 1Cô-rinh-tô 13:11, sứ đồ Phao-lô viết: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những sự thuộc về con trẻ”. Câu Kinh Thánh này nói về sự tăng trưởng tâm linh nhưng cũng áp dụng về sự tăng trưởng về thể xác, tâm lý và tình cảm. Khi một người đã trưởng thành, người đó phải bỏ đi những điều trẻ con.
Theo ông G. Keith Olson, một bác sĩ tâm lý Cơ đốc, chuyên về ngành khải đạo gia đình cho biết, các em trong tuổi thiếu niên thường có những đặc điểm sau trong mối quan hệ với người chung quanh:
- Các em thích có nhiều thì giờ ở riêng một mình và thích gặp bạn bè cùng lứa tuổi.
- Các em thường không thích tham gia các sinh hoạt tôn giáo.
- Các em hay có những điều giấu cha mẹ.
- Các em không muốn tiếp nhận lời khuyên dạy hay phê bình của cha mẹ.
- Các em không chấp nhận kỷ luật của cha mẹ.
- Tính phản loạn của tuổi thiếu niên là điều bình thường, không có gì đáng lo ngại.
- THAY ĐỔI VỀ CẢM XÚC.
Có thể nói, tuổi thiếu niên là tuổi có những cảm xúc lên xuống và thay đổi đột ngột nhất. Những cảm xúc vui buồn xảy đến cách bất ngờ khiến cha mẹ không hiểu và không biết phản ứng như thế nào. Chính vì vậy cha mẹ cần ghi nhớ những điều sau đây để chúng ta hiểu con và thông cảm với con hơn.
– Cảm xúc của con người tự nó không có gì là sai quấy hay tội lỗi.
– Tuổi thiếu niên là tuổi có cảm xúc rất mạnh.
– Các em thiếu niên thường dùng cảm xúc để đạt được điều mình muốn.
Hơn thế nữa, cha mẹ cần biết một số cảm xúc thường có trong các em như sau: Giận dữ, thờ ơ, lãnh đạm, dễ chán, hay buồn, hay mang mặc cảm (Mặc cảm tội lỗi – tội thật, hay tội tưởng tượng hay không chính đáng – mặc cảm về chính mình). Sợ hãi và lo lắng, tinh thần căng thẳng, vui vẻ thái quá, tình yêu.
Những thay đổi đột ngột, lắm khi kỳ cục nơi con em chúng ta trong tuổi thiếu niên là điều tự nhiên và bình thường. Những thay đổi này có thể khiến cha mẹ cũng như chính các em thấy bực bội, nhưng đó là những thay đổi cần thiết. Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên con người, Ngài ban cho đời sống những giai đoạn khác nhau. Không ai tránh được những thay đổi của chính mình trong từng giai đoạn.
Nếu hiểu được những thay đổi trong tiến trình trẻ thơ trở thành người lớn và biết những nguyên nhân đằng sau sự thay đổi đó, chúng ta có thể đối ứng với con em của mình cách dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ biết phải làm gì để giúp đỡ các em và đáp ứng nhu cầu của các em để các em vượt qua tuổi thiếu niên một cách tốt nhất, êm đẹp nhất.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Cách lau kính.
Dùng giấy báo nhúng sơ qua nước lau chùi kính.
Dùng bông gòn hoặc vải mịn nhúng xăng, chùi qua một lượt trên mặt kính. Lau khô, lấy bột phấn (poudre de tale) chà đều lên mặt kính và dùng khăn lau kính cho bóng sạch lại.
Trường hợp của kính bị nước mưa bắn vào làm dơ ố, nên lấy vải bọc muối, chà mạnh lên kính.