Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 27.02.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 27.02.2022

By Quản trị in THANH NIÊN on 21 Tháng Hai, 2022

Chúa nhật 27.02.2022.

  1. Đề tài: SỰ CÔNG NGHĨA ĐÍCH THỰC.
  2. Kinh Thánh: Mác 2:1-28; 3:1-6.
  3. Câu gốc: “Ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội” (Mác 2:17b).
  4. Đố Kinh Thánh: Phục Truyền Luật Lệ Ký 6-10.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “SỰ CÔNG NGHĨA ĐÍCH THỰC” đến tất cả ban viên và ghi nhận những thắc mắc gởi cho Ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh để giải đáp.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khi Chúa Giê-xu nhóm họp với dân chúng, Ngài đã phán dạy họ rất nhiều lần. Chúng ta phải nhớ các ý nghĩ và sự tin tưởng của số người đó khi chúng ta cố gắng lãnh hội lời giáo huấn của Chúa Giê-xu vào từng trường hợp.

Qua những lời dự ngôn trong Cựu ước, dân Do-thái được dạy bảo là phải chờ đợi nước Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-xu vẫn phải giải thích nhiều điều liên quan đến nước Trời và công dân của nước ấy.

  1. Những điều Chúa Giê-xu giải thích là gì?
  2. Có phải đó cũng chính là điều mà thiên hạ ngày nay cần được giải thích không?
  3. Chúng ta có thể giải thích những điều đó không?
  4. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
  5. Những Giải Thích Về Sứ Điệp Tin Lành.
  6. “Con Người ở thế gian có quyền tha tội” (câu 10).
  7. “Ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội” (câu 17).
  8. “Hễ chàng rể còn ở với họ (khách dự tiệc cưới) đến chừng nào, thì họ không thể kiêng ăn được đến chừng nấy” (câu 19).
  9. “Con người cũng làm chủ ngày Sa-bát” (câu 28).
  10. “Trong ngày Sa-bát thì nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người?” (Mác 3:4).

Lúc Chúa Giê-xu nói mấy câu trên đây, thì (1) Ngài đang ở đâu? (2) Ngài đang làm gì? (3) Sẽ có gì xảy đến cho Ngài? Nghiên cứu các đoạn Kinh Thánh trong Mác 2, chúng ta thấy:

Chúa Giê-xu đã có phản ứng gì khi thấy người bại? Các thầy thông giáo đã có phản ứng gì khi nghe lời Chúa Giê-xu phán với người bại? Có phần nào trong câu hỏi của họ là đúng? (Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội mà thôi). Còn phần nào là sai? Thắc mắc của họ là gì? Chúa Giê-xu đã giải thích cho họ thế nào?

Chúa Giê-xu vạch rõ cho họ thấy rằng Ngài có quyền phán: “Tội lỗi ngươi đã được tha” vì Ngài vốn là Đức Chúa Trời, do đó Ngài có quyền năng của Đức Chúa Trời. Ngài vạch rõ cho họ thấy đáng ra họ phải biết như thế. Hai điều ấy, điều nào dễ (nói) hơn? Có bạn nào chứng minh được là tội lỗi ấy đã được tha, sau khi Chúa Giê-xu tuyên bố là tha tội. Các bạn có trông thấy tội lỗi và thấy Đức Chúa Trời đến để cất tội lỗi đi hay không? Cho nên, nói như Chúa Giê-xu quả là dễ hơn, phải không? Sau câu nói: “Hãy đứng dậy, vác giường mà đi” thì có bằng chứng hiển nhiên hay tức khắc, cho nên không thể nào tố cáo Ngài là phạm thượng được nữa. Hành động của Ngài đã ứng nghiệm lời phán của Ngài là đúng. Ngài quả là Đức Chúa Trời.

Bây giờ, nhân cơ hội nào mà Chúa Giê-xu đã nói ra câu thứ hai trong bản liệt kê của chúng ta? (Mác 2:13-17).

Các thầy thông giáo tố cáo Chúa Giê-xu tội gì khi họ đề cập việc Ngài ngồi ăn chung với những kẻ tội lỗi?

Trong phần trả lời, Chúa Giê-xu giải thích rằng những ai biết mình khiếm khuyết, thì sẽ được Đức Chúa Trời giúp cho. Thầy thuốc đem thuốc đến cho con bệnh. Ông ta không hề ép buộc kẻ không nhận là mình đau ốm phải uống thuốc. Cũng vậy, Đức Chúa Trời chỉ ban sự cứu rỗi cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài. Chúa Giê-xu không hề ngồi bàn với những người xấu xa để rồi sẽ trở thành xấu xa giống như họ, nhưng là để đưa họ đến với Đức Chúa Trời, để họ trở nên giống như Ngài.

Khi Chúa Giê-xu đáp lại lời công kích của thầy thông giáo về người Pha-ri-si, Ngài giải thích phần chân lý nào của Tin Lành? Loài người không thể nào tự xưng họ là công nghĩa, công chính như người Pha-ri-si. Đấng Christ có thể và sẽ tuyên bố tất cả những ai nhìn nhận họ là bất nghĩa, bất chính và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa, là những người công nghĩa, công chính.

Người Pha-ri-si vẫn nghĩ rằng họ có thể đặt ra những luật lệ để tự định xem một người nào đó là công nghĩa hay không (Nghĩa là có hòa thuận với Đức Chúa Trời, có được Ngài xem là ngay thẳng hay không). Cho nên, ngày nọ, một nhóm người trong bọn họ đã tố cáo Chúa Giê-xu là không chịu giữ luật pháp, không chịu răn dạy các môn đệ Ngài phải kiêng ăn cho đúng kỳ. Luật pháp của Đức Chúa Trời chỉ đòi hỏi người ta kiêng ăn vào ngày đại lễ chuộc tội mà thôi. Nhưng người Pha-ri-si thì kiêng ăn một tuần lễ hai lần để chứng tỏ họ là những người rất mực đạo đức.

Chúa Giê-xu đã trả lời như thế nào? (Xem câu số 3 trong bản liệt kê ở trên). Chúa Giê-xu Christ muốn cho họ nhận thức rằng không hề có một việc hành đạo nào (như đi nhóm cầu nguyện, cầu nguyện trước khi dùng bữa, cầu nguyện riêng) mà người ta có quyền làm để phô trương. Ngoan đạo đích thực là một vấn đề nội tâm chớ không phải chỉ là việc giữ gìn các nghi thức bề ngoài.

Trong thời của Chúa Giê-xu (xem câu số 4 trong bản liệt kê ở trên) người Pha-ri-si có một bản liệt kê dài những việc không nên làm trong ngày Sa-bát, như đi đường, nhúm lửa, gánh vác vật nặng… Thế thì, đi bao xa được kể là đi làm việc? Vượt quá khoảng một cây số là đi làm việc. Vác gánh nặng bao nhiêu thì kể là làm việc? Có người bảo là gánh vác vật gì nặng hơn một trái vả khô là kể như đã làm việc. Một truyền khẩu khác của các trưởng lão rằng hễ lặt bất cứ vật gì ra khỏi thân cây, thì bị kể là gặt hái, nghĩa là làm việc (Mác 2:23-28). Các môn đồ của Chúa Giê-xu đã bị kể là phạm luật khi họ bứt vài bông lúa mì lúc băng qua một cánh đồng nhằm ngày Sa-bát. Họ ngụ ý bảo rằng các môn đồ ấy sống như bọn người tội lỗi, chớ không giống như người Pha-ri-si vốn tự xem là công chính, công nghĩa.

Tại sao Chúa Giê-xu đã dùng một thí dụ rút ra từ cuộc đời của vua Đa-vít? (Vì người Do-thái bị bắt buộc phải nhìn nhận thí dụ ấy). Chúa Giê-xu đã vạch rõ cho họ thấy rằng đã có trường hợp đặc biệt (1Sa-mu-ên 21:1-6 và Lê-vi ký 24:5-9) mà có người lấy riêng ra một phần lễ vật theo nghi thức luật pháp truyền dạy nhưng không hề bị kết án.

Sau thí dụ đó, Chúa Giê-xu đã đưa ra một nguyên tắc liên quan đến ngày Sa-bát, nguyên tắc đó là gì? (Xem câu số 5 trong bảng liệt kê ở trên). Ấy là ngày Sa-bát vốn được đặt ra vì lợi ích của con người. Đức Chúa Trời đã bày tỏ ân huệ Ngài bằng cách ban cho chúng ta ngày ấy để giúp chúng ta làm trọn điều răn là phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Rồi Chúa Giê-xu vạch rõ rằng Ngài chính là Chúa của ngày Sa-bát, chớ không phải là các thầy thông giáo.

Ngày Sa-bát dùng để làm ích lợi cho người ta, chớ không phải để gây tai hại cho họ.

Mác 3:6 làm sáng tỏ phần nguyên tắc ấy. Người Pha-ri-si muốn tiếp tục duy trì sự tàn tật của người teo tay nọ để tránh điều mà họ định nghĩa là “làm việc”. Thế họ đã chú trọng vào việc gì nhiều hơn? Phải, họ chỉ chú trọng một cách ích kỷ vào việc muốn chứng tỏ cho Đức Chúa Trời thấy họ là người tốt lành như thế nào. Chúa Giê-xu vạch rõ rằng luật pháp của Đức Chúa Trời chú trọng vào mục đích cảm động lòng người ta để họ biết thương yêu, thương xót.

  1. Những Giải Thích Cần Thiết Ngày Nay.
  2. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, do đó Ngài làm những việc mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới làm được mà thôi (Mác 2:1-12).
  3. Con người không thể tự xưng là công nghĩa mà chẳng màng gì đến những người mà mình cho là bất nghĩa (câu 13-17).
  4. Các nghi thức, hành vi tôn giáo không hề khiến chúng ta trở thành công nghĩa (hòa thuận, ngay thẳng) trước mặt Đức Chúa Trời (câu 16-22).
  5. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời tuyên phán, các mạng lịnh ấy cũng nhằm làm lợi ích cho con người, chớ không nhằm trói buộc họ bằng luật lệ (câu 23-28).
  6. Không nên giải nghĩa điều răn của Đức Chúa Trời để bạn khỏi phải làm điều thiện đối với bất cứ ai (Mác 3:1-6).
  7. BÀI HỌC ÁP DỤNG.
  8. Bạn sẽ đưa ra cho một người bạn thân không tin Chúa bằng cớ gì để chứng minh Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời?
  9. Nếu người ấy biết bạn thật rõ, thì theo ý bạn, người ấy sẽ trông đợi gì như là bằng chứng quan trọng nhất? Lời nói với việc làm hằng ngày của bạn có đi đôi với nhau không? Người ấy có thấy Đấng Christ ở trong bạn không?
  10. Việc dành thì giờ nghiên cứu Kinh Thánh và đi nhóm lại đều đặn có thể củng cố lời bạn tôn xưng Đấng Christ như thế nào?
  11. Vì Chúa Giê-xu là “Chúa của ngày Sa-bát” cho nên với tư cách Cơ Đốc nhân, bạn phải có điều gì khác với người thế gian?

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.

  1. Kể ra vài cách thức Chúa Giê-xu đã giải thích về Tin Lành.
  2. Làm sao tôi là một Cơ Đốc nhân chân thật lại có thể hợp tác với những người không thừa nhận các tiêu chuẩn của Chúa Giê-xu Christ cho đời sống họ?
  3. Tôi có thể làm Cơ Đốc nhân mà khỏi phải noi theo các hình thức cầu nguyện hằng ngày, nhóm lại, học Trường Chúa nhật… không?

Post CommentLeave a reply