Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 22.05.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 22.05.2022

By Quản trị in NAM GIỚI on 30 Tháng Năm, 2022

Chúa nhật 22.05.2022

  1. Đề tài: LỜI KÊU GỌI TỈNH THỨC.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:36-42; 1Tês 5:4-10.
  3. Câu gốc: “Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện” (1Phi 4:7).
  4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 8-10.
  5. Thể loại: Hướng dẫn Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN:  (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 27.02.2022).

Dựa theo Ma-thi-ơ 24:36-42 và 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-10 soạn một số câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh.

(1.1) “Ngày và giờ đó” là ngày và giờ gì?

(1.2) Tại sao ngày và giờ đó “chỉ một mình Cha biết mà thôi”? 

(1.3) Biết rõ điều nầy, bạn sẽ làm gì khi có người nói với bạn là họ biết tính ngày giờ Chúa trở lại?

(2.1) Chúa dùng hình ảnh nào ví sánh với ngày “Con Người đến”?

(2.2) Tại sao Chúa dùng hình ảnh nầy để ví sánh?

(2.3) Biết được điều nầy bạn có sự chuẩn bị gì cho ngày “Con Người đến”?

(3.1) Chúa ví chúng ta là con cái của sự sáng, vậy chúng ta phải làm gì?

(3.2) Tại sao chúng ta phải làm như vậy?

(3.3) Vì sao bạn biết mình đã sống đúng (hay chưa đúng) là “con cái của sự sáng và con của ban ngày”? 

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà Kinh Thánh cảnh cáo “Sự cuối cùng của muôn vật đã gần”. Những biến chuyển của lịch sử thế giới cho chúng ta thấy càng rõ hơn về thời điểm sắp đến của ngày chung kết ấy. Đối với người không tin, họ xem nhẹ lời cảnh cáo của Kinh Thánh, tuy nhiên với chúng ta là người có niềm tin, vấn đề không phải là có sự tận cùng của thế giới hay Chúa có tái lâm không, nhưng điểm quan trọng là chúng ta có tỉnh thức trông đợi ngày Chúa trở lại không? Tại sao? Thế nào để chúng ta chuẩn bị đời sống sẵn sàng đón tiếp Chúa?

  1. DẪN GIẢI.
  2. LÝ DO CỦA SỰ TỈNH THỨC.

Động từ “Tỉnh thức” trong nguyên văn Hy-lạp là một từ đặc biệt ám chỉ về sự đề cao cảnh giác. Nói đến sự tái lâm của Chúa Giê-xu, Kinh Thánh đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo con cái Chúa “Hãy tỉnh thức”. Tại sao?

  1. Vì Sự Hiện Đến Của Ngài Là Chắc Chắn.

Chính Chúa Giê-xu đã dự ngôn về sự tái lâm của Ngài là chắc thật: “Trời đất sẽ qua, nhưng Lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi” (Ma-thi-ơ 24:35). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã xác nhận: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu…” (2Phi 3:9).

  1. Vì Ngày Chúa Tái Lâm Sắp Dến.

Trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:5, Phao-lô nhắc nhở con cái Chúa rằng: “Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày”, nên phải bước đi trong sự sáng của Chúa, tức là luôn tỉnh thức và không thể không cảm nhận được những “báo động” về ngày tái lâm của Chúa. Có những dấu hiệu chúng ta đã và đang thấy trước mắt như điều Kinh Thánh đã nói trước là chiến tranh, đói kém, động đất, tội lỗi gia tăng, sự dấy lên của nhiều tiên tri giả, Christ giả (Ma-thi-ơ 24:6-13).

Khi nói đến sự tái lâm, Chúa Giê-xu dùng thí dụ về cây vả (Ma-thi-ơ 24:32). Cây vả là loài cây ăn trái quan trọng đứng vào hàng thứ ba trong xứ Palestine, sau cây nho và cây ô-li-ve. Theo chu kỳ, cây vả ra lá vào mùa hè. Vì vậy, sự đâm chồi của cây vả là một dấu hiệu cho biết mùa hè sắp tới. Trong Kinh Thánh, cây vả thường dùng chỉ bóng về dân Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Chúa. Vì chối bỏ Đấng Christ, nên họ bị Ngài đoán phạt phải mất xứ sở và tản lạc khắp nơi trên đất kể từ biến cố hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 S.C. Nhưng theo sự bày tỏ của lời tiên tri trong Cựu ước, thì quốc gia Y-sơ-ra-ên sẽ hoàn toàn được hồi phục, dân Y-sơ-ra-ên sẽ được giải cứu khi Đấng Mê-si-a hiện đến lần thứ hai. Nhìn vào sự lập quốc cách lạ lùng của dân Do-thái sau đệ nhị thế chiến, những sự kiện về sự hồi hương của dân Do-thái và những diễn biến đang xảy ra tại quốc gia nầy, trong ánh sáng của lời tiên tri chúng ta thấy dấu hiệu “mùa hè” sắp tới nghĩa là ngày Chúa đã kề bên!

  1. Vì Giờ Chúa Đến Là Điều Kín Nhiệm (Ma-thi-ơ 24:36).

Có những dấu hiệu cho chúng ta biết ngày Chúa tái lâm sắp đến, sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Tuy nhiên, ngày giờ Chúa đến là kín nhiệm “…chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi”. Cho nên ai cố xác định ngày giờ Chúa tái lâm là một nhầm lẫn lớn, như Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm đã có lần tuyên bố Chúa Giê-xu tái lâm vào năm 1844!

  1. Vì Sự Tái Lâm Của Chúa Giê-xu Là Lẽ Trông Cậy Nhất Của Người Tin Chúa.

Vì thì giờ tái lâm của Chúa là điều kín nhiệm và thình lình “như người trộm trong ban đêm”, nhanh chóng “như chớp phát ra từ phương đông” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:2; Ma-thi-ơ 24:27), nên nếu tỉnh thức thì sự ấy không phải là quá bất ngờ cho chúng ta (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-5). Chúng ta cần tỉnh thức để sẵn sàng được tiếp đi với Chúa mà không bị bỏ lại (Ma-thi-ơ 24:40-42).

  1. TỈNH THỨC VỚI SỰ CHUẨN BỊ SẴN SÀNG.

Sự tỉnh thức cần được bày tỏ trong hai phương diện: Tiêu cực với lòng kiên nhẫn chờ đợi, và tích cực với sự chuẩn bị đời sống sẵn sàng đón Chúa. Những điều quan trọng nào cần được chuẩn bị cho mỗi đời sống chúng ta?

  1. Phải được tái sanh.

Để dạy môn đồ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa, Chúa kể một ẩn dụ về mười người nữ đồng trinh (Mat 25:1-13). Trong ẩn dụ nầy mười người nữ đồng trinh chỉ về Hội Thánh, chàng rể chỉ về Chúa Giê-xu là Tân Lang của Hội Thánh và dầu chỉ về Đức Thánh Linh. Trong mười người nữ đồng trinh có năm người dại là người không chuẩn bị dầu đón chàng rể, và năm người khôn là người chuẩn bị dầu đón chàng rể. Năm người dại và năm người khôn tiêu biểu cho hai hạng người trong Hội Thánh hữu hình. Trong Hội Thánh Chúa, có những người tín đồ thật tức là những người được tái sanh bởi Đức Thánh Linh, có sự ngự trị của Ngài trong đời sống. Và cũng có những người mang danh tín đồ nhưng thực sự đời sống không có Đức Thánh Linh, không có sự tái sanh bởi Ngài. Vì lẽ đó chắc họ sẽ không được nhận vào tiệc cưới Chiên Con, vì cớ không thuộc về Ngài “…Song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô-ma 8:9).

Như vậy trong sự chuẩn bị đón Chúa, chúng ta cần kiểm điểm lại đời sống mình thật có Đức Thánh Linh hay chỉ như đèn mà không có dầu? Chúng ta có biết chắc mình đã được tái sanh và trở nên con cái của Đức Chúa Trời không? Nếu chưa, hãy mở lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu để được nhận lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh trước khi cửa ân điển đóng lại, và không còn có cơ hội nữa. Như năm người nữ dại kia đợi đến lúc chàng rể đến, rồi mới chạy mua dầu thì đã quá trễ.

  1. Phải Giữ Mình Trong Sạch Khỏi Mọi Sự Ô Uế Của Thế Gian.

Hội Thánh được gọi là “Tân nương” của Đấng Christ. “Cô dâu” lý tưởng nầy khi gặp “Tân Lang” phải là cô dâu thánh sạch, không vết, không nhăn, không chỗ trách được trước mặt Ngài (Ê-phê-sô 5:27). Điều nầy có nghĩa trong sự chuẩn bị đón Chúa, mỗi ngày chúng ta nhờ Đức Thánh Linh thánh hóa đời sống và giữ vẹn khỏi mọi ô uế của thế gian (Rô-ma 12:2).

  1. Phải Trung Tín Hầu Việc Chúa.

Trong ẩn dụ về ta-lâng, người chủ chỉ về Đức Chúa Trời, các đầy tớ chỉ về tín đồ, tức chúng ta (Mat 25:14-30). Ta-lâng là một đơn vị tiền tệ. Một ta-lâng có trị giá một ngàn mỹ kim. Chữ ta-lâng được dùng trong ẩn dụ nầy có thể làm biểu tượng chỉ về tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để được sử dụng cho Danh Ngài. Thật ra tất cả mọi điều chúng ta có đều đến từ Đức Chúa Trời. Như vậy các ta-lâng chủ giao cho đầy tớ trong ẩn dụ có thể bao gồm tài năng, ân tứ, thì giờ, sự hiểu biết, kinh nghiệm, của cải v.v..

Tóm lược qua ẩn dụ nầy bày tỏ hai ý chính sau đây:

(1) Đức Chúa Trời giao cho mỗi chúng ta một số ta-lâng khác nhau. Nhận được nhiều hay ít ta-lâng không quan trọng. Điểm quan trọng là trung tín sử dụng ta-lâng ấy cách có ích lợi theo ý muốn và mục đích của Chúa.

(2) Mỗi người có trách nhiệm với ta-lâng mình nhận trong ngày Chúa trở lại. Sự ban thưởng sẽ dành cho người trung tín, tức là người vâng lời Chúa sử dụng ta-lâng theo ý chỉ của Ngài ban cho. Trái lại người không trung tín sẽ bị đoán phạt.

Những sự chuẩn bị trên có ý nghĩa gì cho đời sống của chúng ta?

  • Cần được tái sanh bởi Đức Thánh Linh để chúng ta được nhận vào trong Nước Chúa.
  • Với đời sống thánh sạch, chúng ta được gặp Chúa trong sự vinh hiển và vui mừng.
  • Với đời sống trung tín hầu việc, chúng ta gặp Chúa trong sự ban thưởng.
  1. LỜI CẢNH CÁO.

Trong lời khuyên tỉnh thức trước sự tái lâm của Chúa, Kinh Thánh cũng có lời cảnh cáo chúng ta:

  1. Coi Chừng Sự Nguội Lạnh (Mat 24:12).

“Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội dần”.

Với sự cảnh cáo nầy, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta giữ lòng kính mến Chúa như lúc ban đầu, và đầy dẫy trong chúng ta tình yêu thương của Chúa để sốt sắng hầu việc Ngài cách trung thành (1Phi-e-rơ 4:8-9).

  1. Coi Chừng Sự Lôi Cuốn, Ru Ngủ Của Vật Chất (Lu-ca 17:26-29,32; 21:34).

Loài người bị hủy diệt trong thời Nô-ê, sự sụp đổ của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, sự trở thành tượng muối của vợ Lót là những tấm gương cảnh cáo chúng ta về cuộc sống đam mê các thú vui, vật chất của trần gian!

Với sự cảnh cáo nầy, hãy nhờ Đức Thánh Linh giúp chúng ta bước theo sự dẫn dắt của Chúa trước hết và thỏa lòng với đời sống “đủ ăn đủ mặc” (Ga-la-ti 5:16; Mat 6:33; 1Ti-mô-thê 6:6-8).

  1. Coi Chừng Sự Quyến Dụ Của Các Tiên Tri Giả (Mat 24:11).

Hãy nhờ Đức Thánh Linh soi sáng chúng ta học biết Lẽ thật Kinh Thánh, hầu giữ vững đức tin về sự cứu rỗi của chúng ta (Công 17:10-11).

Tóm lược với những điều cảnh cáo trên, chúng ta “…hãy dè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:8).

Tóm lược.

  1. Những lý do cần tỉnh thức đối với sự tái lâm của Chúa:
  2. Vì Chúa chắc sẽ trở lại.
  3. Vì ngày tái lâm của Chúa sắp gần.
  4. Vì thì giờ Chúa đến là điều kín nhiệm.
  5. Vì sự tái lâm của Chúa là lẽ trông cậy lớn của chúng ta.
  6. Trong sự tỉnh thức, đời sống cần được chuẩn bị sẵn sàng với sự tái sanh, nên thánh, và sự trung tín hầu việc Chúa.
  7. Trong sự tỉnh thức chúng ta cũng hãy coi chừng sự cám dỗ của tội lỗi, sự lôi cuốn của thế giới vật chất, và sự quyến dụ của tà thuyết giả dối.

Vậy chúng ta hãy nhờ Đức Thánh Linh chuẩn bị cho mình đời sống sẵn sàng đón tiếp Chúa bằng sự yêu thương, đức tin, thánh sạch, và tấm lòng trung thành, sốt sắng phục vụ Chúa với tinh thần tỉnh thức theo như lời khuyên dạy của Kinh Thánh: “Sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện” (1Phi 4:7).

Xin mỗi người trong chúng ta đặt câu hỏi nầy cho chính mình: Nếu Chúa đến hôm nay, tôi có sẵn sàng đón tiếp Chúa không?

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. a. Ma-thi-ơ 24:35; 2Cô-rinh-tô 3:9: Chúa Giê-xu xác nhận thế nào đối với lời tiên tri về sự tái lâm của Ngài?
  3. Trong Ma-thi-ơ 24:6-14,32, Chúa Giê-xu nói đến những dấu hiệu nào? Những dấu hiệu nầy ám chỉ về ai? Và bày tỏ điều gì?
  4. Ma-thi-ơ 24:36: Có thể xác định được thì giờ tái lâm của Chúa không? Tại sao?
  5. 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:2; Ma-thi-ơ 24:27,40-42: Sự hiện đến của Chúa Giê-xu được Kinh Thánh diễn tả như thế nào? Và khi Chúa đến có phải tất cả người mang danh “tín đồ” được tiếp đi với Chúa không?
  6. Xin tóm tắt những điểm cần thiết phải tỉnh thức trông đợi Chúa.
  7. Ma-thi-ơ 25:1-3: Xin tìm hiểu những biểu tượng sau đây chỉ điều gì? Mười người nữ đồng trinh, chàng rể, năm người dại và năm người khôn, dầu, đèn.
  8. a. Tại sao năm người dại không được tiếp nhận vào tiệc cưới?
  9. Tại sao họ không có dầu?
  10. Ý nghĩa của ẩn dụ nầy là gì? Theo ý nghĩa nầy chúng ta cần chuẩn bị gì cho đời sống mình? (Giăng 3:1-5; Rô-ma 8:9).
  11. Êph 5:25-27; Rô-ma 12:2; 13;11-14: Đời sống chúng ta cần phải được chuẩn bị thế nào khi gặp Chúa? Tại sao?
  12. Xin đọc Ma-thi-ơ 25:14-30 và tìm hiểu những biểu tượng sau đây ám chỉ về ai và cho điều gì?

– Người chủ, đầy tớ, ta-lâng.

  1. Trong ẩn dụ về ta-lâng xin tìm hiểu:
  2. Trên tiêu chuẩn nào người chủ ban thưởng và quở phạt đầy tớ?
  3. Ý nghĩa chính của ẩn dụ nầy là gì?
  4. Theo ý nghĩa nầy, đời sống chúng ta cần được chuẩn bị thế nào? (1Phi 4:9-10).
  5. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây: Ma-thi-ơ 24:11-12; Lu-ca 17:26-32; 21:34-36, 1Phi-e-rơ 4:7-10 và ghi nhận:
  6. Những điều nào chúng ta nên coi chừng và không nên làm?
  7. Những điều nào chúng ta nên làm?
  8. Trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:8; 1Phi-e-rơ 4:7: Làm sao chúng ta giữ vững trước những điều Kinh Thánh cảnh cáo? Xin giải thích tại sao đó là cách hữu hiệu nhất.
  9. Xin tóm lược những điểm quan trọng về:
  10. Lẽ cần của sự tỉnh thức.
  11. Những điều cần chuẩn bị cho đời sống.
  12. Những điều nên đề phòng và những điều nên làm trong sự tỉnh thức.
  13. Đời sống bạn đang có Đức Thánh Linh ngự trị không? Làm sao bạn biết?

Post CommentLeave a reply