Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 24.07.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 24.07.2022

By Quản trị in PHỤ NỮ on 20 Tháng Bảy, 2022

Chúa nhật 24/7/2022

  1. Đề tài: ĐẤNG CĂN NGUYÊN CỦA SỰ CỨU RỖI.
  2. Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 2:1-18.
  3. Câu gốc: Vì muôn vật hiện hữu là do Đức Chúa Trời và vì Đức Chúa Trời, nên khi muốn đem nhiều con cái đến vinh quang, Ngài đã khiến Đấng làm cội nguồn ơn cứu rỗi của họ phải trải qua đau khổ để được toàn hảo là điều thích hợp (Hê-bơ-rơ 2:10 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: E-xơ-ra 1-3.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Chúa Giê-xu Ngài đã đến thế gian giải cứu con người bằng thần tánh của Ngài.

Đề tài 2: Chúa Giê-xu Ngài đã đến thế gian qua thân xác loài người để cảm thông với con người và giải cứu con người qua sự chết của Ngài.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ đã bày tỏ cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời luôn mong muốn có một sự thông đạt giữa Ngài với con cái loài người. Ngài đã phán bảo với chúng ta qua những sứ giả của trời và đất qua thiên sứ và các Đấng tiên tri. Nhưng sự bày tỏ trọn vẹn nhất của Ngài đến với chúng ta là qua Con Ngài, Đức Chúa Giê-xu Christ. Các Đấng tiên tri và thiên sứ có thể bày tỏ cho chúng ta về Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Giê-xu là một hình ảnh trọn vẹn về Đức Chúa Trời, một sứ giả hoàn toàn. Ngài là thầy thượng tế dâng sinh tế chỉ một lần qua chính mạng sống Ngài để ban cho chúng ta đặc quyền đến gần ngôi thiên ân của Ngài. Chúa Giê-xu đã đến trần gian trong một địa vị thấp hèn, để đưa chúng ta đến một sự vinh hiển toàn vẹn. Bài học tuần nầy sẽ giúp chúng ta thấy được Đấng cứu chuộc trọn vẹn qua các phần sau đây:

  1. Địa vị của loài người (Hê 2:5-8).
  2. Đấng căn nguyên của sự cứu rỗi (Hê 2:9-13).
  3. Thầy tế lễ cứu giúp (Hê 2:14-18).
  4. ĐỊA VỊ CỦA LOÀI NGƯỜI (Hê 2:5-8).

Tác giả Hê-bơ-rơ bắt đầu bằng sự trích dẫn trong (Thi Thiên 8:4-6) đây là phân đoạn Thi Thiên ca ngợi mà Đức Chúa Trời cho con người. Theo nghĩa thông thường trong tiếng Hê-bơ-rơ con của loài người là con người. Phần Thi Thiên được trích dẫn gồm 2 nhóm:

– Loài người là gì mà Chúa nhớ đến?

– Con loài người là ai mà Chúa chăm sóc?

Đây là những vần thơ ca ngợi con người trong ý nghĩa của Chúa. Đó là thực tế bày tỏ lời hứa lớn lao của Chúa trong sự sáng tạo (Sáng Thế Ký 1:28) Chúa cho con người có quyền tể trị, nhưng A-đam đã thất bại. Trong Thi Thiên 8 đã nhắc đến sự tể trị nầy và tác giả sách Hê-bơ-rơ dùng ở đây để nói một A-đam cuối cùng sẽ tể trị trên toàn thể thế gian, giải phóng muôn vật khỏi sự hư hoại và nô lệ tội lỗi. Người được đặt thấp hơn thiên sứ một chút bằng cách trở thành con người. Dầu vậy khi sứ mạng cứu chuộc của Ngài hoàn thành để chúng ta trở thành con của Đức Chúa Trời, có một địa vị cao hơn thiên sứ là địa vị cao trọng với mão triều thiên vinh hiển trọn vẹn của Đấng sáng tạo. Ngài đã được đăng quang cách vinh hiển, tôn trọng tại bên hữu Thượng Đế. Bởi đời sống trọn vẹn của Ngài, sự chết trên thập tự giá, Ngài đã hoàn thành việc cứu chuộc loài người, là phần ứng nghiệm tối hậu trong vương quốc tương lai, khi loài người lại nắm được quyền cai trị trên cõi thọ tạo. Đức Chúa Trời đã chứng nhận cho con người thừa hưởng tất cả và tể trị muôn vật.

Ngày hôm nay luật pháp Nước Trời đang bị khinh lờn, Lời Ngài bị từ chối. Nhưng bởi con mắt đức tin qua Lời Chúa chúng ta thấy được Chúa Giê-xu đã một lần trở nên thấp hơn thiên sứ trong thân xác con người đã trải qua sự thương khó và sự chết, nhưng đáng được vinh hiển tôn trọng, Ngài đang ngồi trên ngôi cao đời đời. Đức Chúa Trời đặt Ngài trên hết thảy muôn vật. Điều đó minh chứng cho chúng ta thấy đến ngày cuối cùng tất cả đều phục dưới bệ chân Ngài.

  1. ĐẤNG CĂN NGUYÊN CỦA SỰ CỨU RỖI (Hê 2:9-11).

Chúa Giê-xu chết không phải do chính mình, nhưng nhằm ban ân điển cho tất cả mọi người tin Ngài được đến một sự vinh hiển toàn vẹn. Sự chết của Ngài là bông trái cho sự sống đời đời của mọi người.

Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và Ngài bảo tồn muôn loài vạn vật và Ngài cũng đã vạch ra một chương trình cứu rỗi duy nhất cho tất cả mọi người bằng con đường thập tự giá qua sứ mạng của Con Một là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đã đồng công trong sự sáng tạo với Chúa Cha và giáng trần vì mọi người và cho muôn vật. Trong Đức Chúa Giê-xu và qua Ngài con người được vinh hiển tôn trọng.

Bởi sự thương khó Chúa Giê-xu chịu đựng để minh chứng Ngài là Đức Chúa Trời trong hình hài, thể xác con người hoàn toàn. Ngài mang hai bản tánh toàn vẹn của Trời và người. Tác giả Hê-bơ-rơ đã trưng dẫn ba điểm trong Cựu Ước để xác định (Thi Thiên 22:22; Ê-sai 3:18; 8:17). Nếu Chúa đến thế gian nầy trong một hình thể không giống con người, và Ngài không mang một nhân tính con người, thì không thể cứu rỗi con người được. Nhưng qua sự hi sinh, chịu chết của Chúa, Ngài là con người thật và đó là của lễ hi sinh dâng lên một lần đủ cả cho sự cứu chuộc con người. Con người được Đức Chúa Trời đưa lên địa vị lãnh đạo công cuộc sáng tạo, nhưng đã thất bại qua hành động của thủy tổ loài người là A-đam và Ê-va. Dầu vậy Chúa vẫn có hai mục đích: thứ nhất, Ngài vẫn có ý định để con người tể trị muôn vật và thứ hai, đưa con người đến sự vinh hiển. Điều nầy chỉ được thực hiện qua sự hi sinh của Chúa Giê-xu; Ngài là Đấng vô tội, hi sinh vì kẻ có tội (2Cô-rinh-tô 5:21). Tất cả con cái Chúa đều trở nên một, được thánh hóa trong sự cứu chuộc bằng giá cao bởi dòng huyết vô tội của Ngài và Chúa Giê-xu Christ không hổ thẹn mà gọi chúng ta là anh em cùng một Cha với Ngài.

III. THẦY TẾ LỄ CỨU GIÚP (Hê 2:14-18).

Mục đích chính của sự nhập thế của Chúa Giê-xu là cứu rỗi con người. Nhưng điều đó chỉ được thành toàn qua sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Ngài đã dâng chính mình Ngài làm giá chuộc tội trọn vẹn và để diệt kẻ cầm quyền sự chết là Sa-tan. Sự chết xác thịt vẫn còn tồn tại, nhưng cái nọc sự chết bị diệt mất, nơi người Cơ đốc như lời Phao-lô nói trong 1Cô-rinh-tô 15:55 – BHĐ “Hỡi sự chết, sự đắc thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?và ông tiếp tục cái nọc của sự chết là tội lỗi, qua sự chết của Chúa Giê-xu, quyền năng của sự chết không thống trị trên tâm linh của những người đặt niềm tin nơi Đấng Cứu Thế Giê-xu Christ. Con dân Chúa sẽ vượt thắng sự chết lần thứ hai để bước vào vinh hiển đời đời.

Công việc lớn lao của Chúa Giê-xu không phải là cứu giúp thiên sứ, nhưng cứu chuộc con người. Ngài vùa giúp dòng dõi Áp-ra-ham trong sự giải cứu và thiết lập nước Do-thái. Trong Tân Ước ai tin nhận Chúa Giê-xu được kể là con cháu thuộc linh của Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:7, 9, 29).

Một người không có sự lo sợ thì sẽ không hiểu được trạng thái lo sợ. Một người có thân thể khỏe mạnh sẽ không có trải nghiệm của một tấm thân mệt mỏi và đớn đau. Một con người không từng trải đau thương sẽ không bao giờ cảm thông nỗi lòng của người gánh đau thương. Một người chưa bao giờ biết yêu sẽ không thể nào hiểu tình yêu và sự trống vắng của con tim. Trước khi muốn an ủi khích lệ kẻ khác thì chúng ta phải từng trải kinh nghiệm những điều đó. Và đó là tất cả những gì Chúa Giê-xu đã từng trải để cảm thông nhân loại.

Chúa Giê-xu cảm thông được những điều đó nên Ngài có thể thật sự giúp đỡ loài người. Ngài biết nhu cầu, thấy sự đau đớn buồn phiền và Ngài cũng đối diện với sự cám dỗ. Cho nên Ngài thông hiểu và sẵn sàng cứu giúp cho mỗi đời sống của chúng ta.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Phòng sâu mọt cho gạo.

Rải một lớp tro ở bếp dày độ 3-4 cm xuống dưới đáy thùng gạo, dùng tờ giấy trắng hay vải phin đậy lên, rồi rải thêm một lớp tro. Sau đó cho gạo khô vào thùng, dùng tờ giấy trắng hay vải phin đậy lên, rồi rải thêm một lớp tro nữa, đậy nắp cho chặt lại, đậy nắp cho thật kín thì hiệu quả cao hơn. Vùi vào thùng gạo một cái cốc đựng rượu, miệng cốc phải cao hơn mặt gạo, đổ vào cốc 50g rượu trắng không đậy cốc. Sau đó đậy nắp thùng gạo lại. Cốc rượu sẽ có tác dụng diệt khuẩn, mối mọt. Tách một số nhánh tỏi khô hoặc cắt đôi quả ớt (bỏ hạt) cho vào thùng gạo. Có thể sử dụng các phương pháp này cho những sản phẩm chế biến từ bột mì và các loại ngũ cốc khác.

Post CommentLeave a reply