CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT. 25.12.2022
By Quản trị in NAM GIỚI on 21 Tháng Mười Hai, 2022
Chúa nhật 25.12.2022 – Kỷ niệm Chúa Giáng sinh.
- Đề tài: VUI MỪNG TRONG CHÚA GIÁNG SINH.
- Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 1:1-25.
- Câu gốc: “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 45-48.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 03.07.2022.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sự ra đời của những nhân vật quan trọng thường được chú ý, chờ đợi và đón mừng nồng nhiệt. Ngày xưa khi hoàng hậu của Napoleon, hoàng đế nước Pháp lâm bồn người ta đã bắn những viên đạn thần công để chào mừng và mở tiệc ăn uống linh đình. Tại các quốc gia theo chế độ quân chủ vẫn còn những tập tục như vậy. Khi các hoàng hậu hoặc công chúa sinh con, người ta đổ ra đường ca hát reo hò bày tỏ lòng vui mừng. Sự ra đời của những vĩ nhân đôi khi cũng nhuốm màu huyền thoại như việc hoàng hậu Ma-gia của Ấn Độ sinh thái tử Tất Đạt Đa người sau này trở thành Thích Ca giáo chủ Phật giáo. Tương truyền khi hoàng hậu đang dạo bước giữa vườn thượng uyển thì sinh thái tử. Khi thái tử vừa sinh thì bước đi trên những hoa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất, nói rằng “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” nghĩa là “trên trời dưới đất chỉ có mình ta”. Trong mùa Giáng sinh năm nay, chúng ta hãy tìm hiểu về sự Giáng sinh của Chúa Giê-xu, Đấng đã mang lại tin mừng vĩ đại cho cả thế giới loài người.
- BẢN GIA PHỔ QUAN TRỌNG (Ma-thi-ơ 1:1-2, 16-17).
Một trong những phân đoạn Kinh Thánh người ta ít đọc nhất có lẽ là phân đoạn Kinh Thánh viết về gia phổ của Chúa Giê-xu. Một phần vì đó là một chuỗi những tên họ khó nhớ, một phần vì người ta nghĩ rằng không có gì quan trọng, và nghĩ rằng cũng không có gì học hỏi được rút ra từ đó. Nhưng không có gì là dư thừa hay là không quan trọng trong Kinh Thánh. Khi Đức Chúa Trời hà hơi trên Ma-thi-ơ để ông viết lại gia phổ này, Ngài cũng có điều muốn bày tỏ cho con người biết.
Trước hết gia phổ này nhằm mục đích nhấn mạnh sự kiện Chúa Giê-xu sinh ra từ dòng dõi vua Đa-vít. Trong Công Vụ 2:29-36, Phi-e-rơ đã nhấn mạnh về sự kiện đó. Rô-ma 1:3 viết “về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Đa-vít sinh ra”. Trong 2Ti-mô-thê 2:8 cũng viết “hãy nhớ rằng Đức Chúa Giê-xu Christ, sinh ra bởi dòng dõi vua Đa-vít…”. Giăng đã nghe chính Chúa Giê-xu phán trong Khải Huyền 22:16 “Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít”. Trong các sách Phúc Âm rất nhiều lần Chúa Giê-xu đã được xưng tụng như vậy bởi nhiều người, nhiều thành phần khác nhau (Mat 12:33; 15:22; 20:30, 31; 21:9, 15).
Đây là một sự kiện quan trọng đối với lịch sử Do Thái vì nó chứng minh được nguồn gốc lịch sử của Chúa Giê-xu đúng như lời Cựu ước tiên báo. Các lời tiên tri Cựu ước cho biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ do một người nữ sinh ra (Sáng 3:15), thuộc dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng 22:18) qua dòng dõi Giu-đa (Sáng 49:10) và thuộc về gia đình Đa-vít (2Sa-mu-ên 7:12-13). Người Do Thái không bao giờ quên điều đó, và họ luôn luôn trông đợi một ngày nào đó một hậu tự từ nhà Đa-vít đến sẽ giải cứu và lãnh đạo họ đi đến chốn vinh quang mà họ sẽ được hưởng. Một cách khác, chính Chúa Giê-xu hậu tự của Đa-vít sẽ đến làm ứng nghiệm các lời tiên tri đã hứa. Nếu bản gia phổ này không xác định được nguồn gốc của Chúa Giê-xu đến từ hậu tự của Đa-vít, chắc sẽ không có đủ bằng chứng để thuyết phục rằng Ngài chính là Đấng Mê-si đã hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên.
Gia phổ này đã dẫn chứng một cách rành mạch và cẩn thận một sợi dây xuyên suốt từ Áp-ra-ham đến Giu-đa, rồi Đa-vít, là một bằng chứng hùng hồn cho độc giả Do Thái biết chắc rằng Đấng Mê-si mà Cựu ước tiên báo đó đã đến, không ai khác hơn chính là Giê-xu, người mà thiên sứ Gáp-ri-ên nhắc đến “…vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:20-21).
- TÌNH HUỐNG XÁO TRỘN (Ma-thi-ơ 1:18-19).
Sự Giáng sinh của Chúa Giê-xu dính liền với đời sống của hai người: Giô-sép và Ma-ri, một đôi nam nữ đã được hứa hôn với nhau nhưng chưa được phép sống chung thì một tình huống bất ngờ xảy ra: Ma-ri có thai. Câu chuyện được kể lại hơi khó hiểu đối với phong tục hôn nhân chúng ta ngày hôm nay. Tại sao Ma-ri chỉ mới được hứa gả cho Giô-sép, rồi sau đó khi khám phá ra Ma-ri có thai, Giô-sép lại định âm thầm ly dị nàng? Tuy nhiên theo phong tục Do Thái thì không có gì khó hiểu, một đôi nam nữ khi đính hôn với nhau được kể như là vợ chồng mặc dù chưa có quyền ăn ở với nhau. Nếu muốn chấm dứt cuộc đính hôn chỉ có cách là ly dị.
Đối với người đời ngày hôm nay thì câu chuyện Ma-ri và Giô-sép giống như một huyền thoại khó tin và hơi khó hiểu. Ngay cả chúng ta là Cơ Đốc nhân cũng phải chấp nhận câu chuyện ấy bằng đức tin mà không giải thích được. Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn một cô gái đã hứa hôn còn trong trắng để mang Chúa Cứu Thế vào đời bằng một chuỗi những tình tiết rắc rối phức tạp, có thể gây ngộ nhận và khá nguy hiểm đối với một cô gái trong thời kỳ đó? Tại sao Ngài không dùng một cách nào đó đơn giản hơn?
Kinh Thánh sách Ê-sai 55:8 viết: “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta”. Chúng ta nhiều khi sắp xếp các chương trình của mình theo cách mà chúng ta cho là phải và đôi khi mong muốn Đức Chúa Trời cũng sẽ làm theo cách ấy. Nhưng đường lối và suy nghĩ của chúng ta chẳng phải là đường lối và suy nghĩ của Ngài. Phải nhớ rằng đường lối và suy nghĩ của chúng ta thì giới hạn, mà đường lối và chương trình của Đức Chúa Trời là vô hạn. Ngài là người thợ gốm mà chúng ta chỉ là đất sét. Ngài có thể dùng nhiều cách khác nhau để bày tỏ ý Ngài muốn và điều Ngài làm để mang lại sự cứu rỗi cho loài người. Việc của chúng ta ngày nay chỉ là sự vâng phục, chấp nhận sự giới hạn của mình và sẵn sàng đáp ứng lại các chương trình Đức Chúa Trời muốn hoạch định trên đời sống chúng ta, cho dù đôi khi trí óc hữu hạn của chúng ta không hiểu được. Khi chúng ta gặp những trường hợp phức tạp không hiểu được, thay vì phê bình hoặc đoán xét vội vàng thì hãy cầu nguyện và tìm hiểu một thời gian. Có thể Đức Chúa Trời đang dùng một cách nào đó khá lạ lùng với suy nghĩ của chúng ta nhưng lại phù hợp với chương trình đời đời của Ngài chăng?
III. SỰ HƯỚNG DẪN THIÊNG LIÊNG (Ma-thi-ơ 1:20-23).
Giô-sép chuẩn bị ly dị Ma-ri một cách âm thầm vì lẽ ông ta không thể chấp nhận một người vợ tương lai như vậy, như bất kỳ một người đàn ông nào khác gặp phải tình huống cay đắng này. Nhưng Kinh Thánh nói thêm rằng Giô-sép là một người có nghĩa, ông ta đã phải trăn trở rất nhiều về ý định nên hay không nên ly dị Ma-ri? Ông ta có lẽ rất thương yêu người vợ hứa này, không muốn nàng phải mang nhục, nhưng cái thai ấy vẫn làm cho ông quá đau lòng khi nghĩ đến? Tại sao Ma-ri phản bội ông?
Kinh Thánh không cho biết là trong suốt thời gian suy nghĩ và đau khổ đó thì Giô-sép có cầu nguyện với Chúa hay không, nhưng chúng ta tin qua những chi tiết về con người Giô-sép được nhấn mạnh “con cháu Đa-vít, là một người có nghĩa…”. Chắc là ông đã âm thầm cầu nguyện, nói với Chúa về nan đề của mình và nài xin Chúa câu trả lời. Đúng vào lúc ấy thì Đức Chúa Trời hành động. Ngài không bao giờ chậm trả lời cho một người hết lòng kêu xin Ngài (Lu-ca 18:7). Thiên sứ một lần nữa hiện ra cùng Giô-sép, nói cho ông biết sự thật về cái thai ấy một cách rõ ràng chi tiết. Đó là chương trình của Chúa. Đứa con mà Ma-ri mang trong bụng đó không phải là kết quả của một cuộc tình tội lỗi, nhưng là Con Đức Chúa Trời bởi sự thai dựng của Thánh Linh. Đứa con đó sẽ được đặt tên là Giê-xu (một tên Hy Lạp xuất xứ từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là Giê-hô-va là sự cứu rỗi). Giê-xu có nghĩa là Đấng Cứu Rỗi. Trọng trách của Ngài là “Cứu dân mình ra khỏi tội”.
Thiên sứ trình bày thêm một chi tiết quan trọng khác: Sự Giáng sinh của Giê-xu là để làm ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai 7:14. Em-ma-nu-ên không phải là một cái tên thường gọi của Chúa Giê-xu, nhưng nó cùng có nghĩa là Đấng Cứu Rỗi. Trong một cách nói khác, Em-ma-nu-ên cũng có nghĩa là Giê-xu, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
Đức Chúa Trời có nhiều cách để hướng dẫn chúng ta đi trong đường lối của Ngài giống như trường hợp Ngài đã hướng dẫn Giô-sép. Có nhiều khi trong cuộc đời chúng ta có nhiều sự nghịch lại suy nghĩ của mình, nhiều điều chúng ta không hiểu được tại sao, nhiều câu hỏi, thắc mắc làm cho chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo, chọn lựa… Nhưng nếu chúng ta hết lòng cầu vấn Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho chúng ta đường lối của Ngài.
- SỰ GIÁNG SINH PHƯỚC HẠNH (Ma-thi-ơ 1:24-25).
Kinh Thánh cho biết Giô-sép là người có nghĩa, nhưng ở đây chúng ta cũng biết thêm một điều nữa ông là một người kính sợ Chúa. Đặt mình vào trường hợp éo le của Giô-sép để thấy hết tình cảm và sự khó khăn của ông trong khi tìm cách giải quyết nan đề, nhưng khi Lời Chúa đến với ông, thì ông sẵn sàng nghe theo và vâng phục tuyệt đối. Ông cưới Ma-ri về làm vợ nhưng không hề ăn ở với nàng cho đến khi Giê-xu được sinh ra. Vào đúng ngày tháng mà Đức Chúa Trời ấn định, Em-ma-nu-ên đã giáng sinh một cách phước hạnh, thiên sứ bay lượn trên bầu trời Bết-lê-hem trong một đêm tối báo tin cho các mục đồng Đấng Cứu Thế đã ra đời. Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được thực hiện một cách hoàn hảo, ứng nghiệm lời tiên tri đã được thông báo hàng ngàn năm trước.
Có thể đặt ngược lại trường hợp này, giả định rằng Giô-sép không làm theo lời Đức Chúa Trời dặn, để mặc Ma-ri với cái thai không tác giả đó, và rồi người ta sẽ ném đá nàng, giống như trường hợp câu chuyện người đàn bà tà dâm trong Giăng 8:1-11. Có thể là Ma-ri sẽ chết và Chúa Cứu Thế sẽ không được sinh ra, chương trình của Đức Chúa Trời sẽ bị ngăn trở. Dĩ nhiên chúng ta biết rằng khi Chúa không cho phép thì không ai làm được điều đó, chương trình của Đức Chúa Trời không thể bị ngăn trở bởi bất kỳ một thế lực con người nào, nhưng Giô-sép rõ ràng cũng đã dự phần một cách tích cực trong chương trình của Đức Chúa Trời đưa Đấng Cứu Thế vào đời bằng sự thuận phục hoàn toàn ý chỉ của Ngài.
Có những chương trình Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong đời sống chúng ta và cho phép chúng ta dự phần trong chương trình đó. Đặc biệt hơn hết là chương trình cứu rỗi tội nhân mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thực hiện và giao phó lại cho chúng ta là những người thừa kế. Chúa muốn chúng ta đem tình yêu và sự cứu chuộc của Ngài đến cho thế gian tội lỗi hư vong này, và chương trình sẽ được thực hiện cách tốt đẹp nếu chúng ta hoàn toàn thuận phục ý chỉ của Chúa, ra đi rao giảng Tin lành. Nếu chúng ta không đi, thì Chúa cũng sẽ dùng những người khác, tuy nhiên chúng ta sẽ mất cơ hội để làm một chứng nhân cho Ngài. Chúa muốn tất cả chúng ta như Giô-sép, một người tin kính Chúa hết lòng tìm cầu Chúa trong những lúc gặp khó khăn và khi nghe được tiếng Chúa hướng dẫn thì vâng phục và làm theo. Chúng ta có muốn dự phần vào công việc của Chúa khi Ngài chọn chúng ta không?
* ÁP DỤNG.
Một phân đoạn Kinh Thánh khác nói chi tiết hơn về việc Chúa Giê-xu Giáng sinh, trong sách Lu-ca 2:1-21. Thiên sứ đã hiện ra cho các mục đồng ở ngoại thành Bết-lê-hem, báo cho họ “Một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân”. Lời thông báo cho thấy rõ là “sự vui mừng lớn” không phải nhỏ, và “cho muôn dân” không phải cho một người. Hàng ngàn năm qua lời thông báo này đã trở thành sự thật trên đời sống của nhiều người. Chúng ta cũng là những người đã nhận được tin lành và vui mừng được cứu rỗi trong tình yêu của Chúa. Nhiều người khác trong muôn dân vẫn chưa được hưởng sự vui mừng đó. Chúa muốn chúng ta sẽ là những người đem tin mừng lớn đó cho muôn dân, chúng ta nghĩ sao về điều đó?