CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 19.02.2023
By Quản trị in THANH NIÊN on 13 Tháng Hai, 2023
Chúa nhật 19.02.2023.
- Đề tài: KHÔNG GÂY VẤP PHẠM.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 8:1-13.
- Câu gốc: “…Sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt” (1Cô-rinh-tô 8:1).
- Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 1-5.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
– Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Sau đây là một số câu hỏi tham khảo cho giờ học Kinh Thánh.
(1.1) Phao-lô nêu lên nguyên tắc nào trong việc sử dụng tri thức và tự do của người Cơ đốc?
(1.2) Nguyên tắc này cần thiết thế nào?
(1.3) Bạn sử dụng tri thức và tự do cho điều gì? Theo bạn nên sử dụng thế nào là đúng nhất?
(2.1) Một số tín hữu Cô-rinh-tô hiểu thần tượng là gì? Và họ đã hành động thế nào theo sự hiểu biết đó?
(2.2) Họ hành động như vậy là đúng hay sai? Xin giải thích.
(2.3) Bạn biết gì về thần tượng? Bạn hành động thế nào trong sự hiểu biết đó?
(3.1) Thế nào là phạm tội cùng anh em mình?
(3.2) Sự phạm tội cùng anh em có nghĩa gì? Tại sao người phạm tội cùng anh em là phạm tội cùng Chúa?
(3.3) Theo bạn, làm thế nào để không làm cớ vấp phạm cho anh em mình?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Từ đoạn 8:1-11:1, Phao-lô giải đáp những vấn đề có liên quan đến tri thức và sự tự do của người Cơ đốc trong phương diện cộng đồng Hội Thánh. Trong sự cứu rỗi của Đấng Christ, người dưới ách nô lệ của tội lỗi được kêu gọi đến sự tự do, và được ban ân tứ để hiểu biết điều thuộc linh. Có tự do, có tri thức là điều quí, nhưng điểm quan trọng là tự do và tri thức ấy phải được sử dụng một cách ích lợi cho người khác. Đây là vấn đề được Phao-lô nói đến trong lời giải đáp câu hỏi về sự ăn của cúng hình tượng.
Thế nào một người nếu cậy tri thức vì sự hư không của thần tượng mà tự do ăn đồ cúng trước anh em kém đức tin?
- DẪN GIẢI.
- Vấn đề đồ cúng.
Vấn đề được nêu lên vì thái độ phóng khoáng của một nhóm tín hữu tri thức chịu ảnh hưởng của Trí Huệ phái. Họ cậy sự hiểu biết chỉ có một Đức Chúa Trời và các thần tượng đều là hư không nên họ tự do ăn của cúng, thậm chí ngồi trong các miếu tà thần (c.4,8).
Bên cạnh đó, một số tín hữu từ bối cảnh đa thần, mặc dầu đã tin Chúa nhưng lương tâm họ vẫn còn bao phủ bởi các quyền lực của các tà thần mà họ thờ lạy trước kia. Đối với họ, đồ cúng là vật ô uế cho nên thấy tín hữu tự do ăn uống như vậy là cả một sự thắc mắc, đưa đến câu hỏi: Người tin Chúa có nên ăn đồ cúng hay không?
Trước hết, Phao-lô đồng ý với kẻ tri thức trong sự hiểu biết của họ về thần tượng là hư không, và chỉ có một Đức Chúa Trời (c.4; Thi thiên 135:15-18). Những chữ “chỉ có một Đức Chúa Trời” được
Phao-lô diễn giải trong ý niệm Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thần duy nhất trong sự nhận biết của Phao-lô là Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một. Trong đó, Đức Chúa Cha là nguồn cội, Đấng mà muôn vật đều hướng về Ngài, Chúa Giê-xu và Đức Thánh Linh.
Đấng Christ là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ (c.5-6).
Tuy nhiên, bên cạnh sự hiểu biết thần tượng là hư không, Phao-lô cũng nhìn biết thực hữu của ma quỉ, của “các thần dữ” ở các miền trên trời phía sau thần tượng, mà kẻ tự xưng mình là tri thức không thấy được (10:14-20; Ê-phê-sô 6:12). Sự hiểu biết không trọn vẹn đó chẳng những gây hại cho chính mình mà còn gây vấp phạm cho người khác.
- Tri thức và yêu thương.
Trong câu 1, Phao-lô hướng dẫn kẻ tri thức sử dụng tri thức và tự do của mình trên nguyên tắc căn bản cần thiết là yêu thương. Vì tri thức thiếu yêu thương sẽ sinh lòng kiêu ngạo, gây tổn thương anh em yếu đuối; còn tri thức với yêu thương tốt nâng đỡ anh em. Mục đích Đức Chúa Trời ban cho tri thức để ta gây dựng đức tin kẻ còn non kém, chớ không phải để ta làm cớ khoe mình, làm điều thỏa mãn tư dục.
Đó là lý do Phao-lô quở trách kẻ tri thức lạm dụng tự do của mình trong sự ăn đồ cúng mà không cần biết anh em yếu đuối đang bị vấp ngã vì cớ mình (c.7-10).
“Kẻ lương tâm yếu đuối” trong c.10 có nghĩa gì?
Chữ “lương tâm” chỉ về sự cảm nhận về luân lý đạo đức trong lòng người. Tuy nhiên vì loài người đều phạm tội (Rô-ma 3:23), lương tâm không phải là tiêu chuẩn luân lý để con người nhờ đó phán đoán điều phải trái. Trong Kinh Thánh nói đến lương tâm tốt cũng như lương tâm xấu (Hê-bơ-rơ 13:18; 10:22). Cho nên, muốn có nhận thức đúng, lương tâm cần phải được tập luyện, được trau dồi bởi lời Chúa (Hê-bơ-rơ 5:14).
Kẻ “lương tâm yếu đuối” ở đây chỉ về người tin từ bối cảnh tà thần, nhưng chưa có tri thức một cách rõ ràng về thần tượng, vẫn còn trong cảm nghĩ về sự hiện diện của thần tượng, và đức tin còn non kém trong Đấng Christ. Cho nên, nếu kẻ tri thức vì sự hiểu biết thần tượng hư không và ăn đồ cúng, thì kẻ lương tâm yếu đuối thấy đó bắt chước, nhưng vì không có sự hiểu biết đó nên lương tâm họ bị ô uế, vì cớ lòng còn sợ hãi quyền lực thần tượng mà họ tin tưởng trước kia. Như thế, cảm xúc cũ trong họ về sự ăn của cúng sẽ làm cho họ mất đức tin nơi Chúa, và trở lại con đường thờ lạy tà thần.
Như thế, người tri thức nếu không biết tự chế sự tự do của mình bằng tình yêu thương trong sự làm gương tốt, thì gây vấp phạm cho kẻ yếu. Người gây cho kẻ yếu vấp phạm là người phạm tội cùng anh em mình, mà người phạm tội cùng anh em mình là người phạm tội cùng Chúa. Mối liên hệ này cho thấy trong cộng đồng Hội Thánh, người mạnh tức là người trưởng thành trong đức tin, có trách nhiệm chăm sóc nâng đỡ anh em còn non kém đức tin.
Trách nhiệm này đòi hỏi chúng ta có tấm lòng yêu thương, tinh thần tự nguyện từ bỏ quyền lợi riêng của mình vì lợi ích anh em, đó là tinh thần của người trong chi thể của Đấng Christ. Như Phao-lô đã có sự lựa chọn gương mẫu cho chúng ta “…Nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (c.13).
TÓM LƯỢC.
– Tri thức không chưa đủ, cần phải có tình yêu thương. Nếu thiếu tình yêu thương là thiếu tất cả.
– Ngày xưa, Phao-lô khuyên kẻ tri thức nên kiêng đồ cúng vì cớ anh em yếu đuối. Ngày nay, chúng ta nên kiêng những gì vì cớ anh em mình?
Mục sư Chafin kể lại một câu chuyện như sau: Ngày kia ông đến Las Vegas để hướng dẫn một khóa huấn luyện truyền giảng, và gặp anh T. Anh T là một tín hữu mới của Chúa, rất sốt sắng trong việc học Kinh Thánh. Một ngày kia, anh tham dự trại gia đình do Hội Thánh tổ chức. Trong giờ rảnh rỗi, có một số gia đình ngồi lại chơi bài. Mặc dầu sự chơi đó chỉ là giải trí chứ chẳng có tính cách ăn thua gì, nhưng đã làm cho anh T. cảm thấy khó chịu và thắc mắc. Vì trước kia anh T. vốn là kẻ chơi bài và là người phụ trách sòng bài nên khi thấy người tín hữu chơi bài, anh đã nói lên cảm nghĩ như vầy: “Đời tôi đã lún sâu trong việc bài bạc. Từ ngày tin Chúa, tôi nghĩ tôi không thể trở lại con đường đó, thế mà giờ đây tôi rất ngạc nhiên khi thấy quý vị là người tin Chúa mà còn chơi bài…”.
Chúng ta đang sống trong xã hội đầy các thú vui chơi dường như là hợp pháp cả! Có một số người cho việc uống rượu, hút thuốc là việc bình thường. Tuy nhiên, việc hút thuốc, uống rượu của một số người là lạm dụng sự tự do của mình, đã cố gây vấp phạm cho các anh em yếu đức tin, là những người trước kia đã sống trong ách nô lệ của rượu và thuốc lá!
Vì thế, gương kiêng cử của Phao-lô là một thách thức cho người Cơ đốc chúng ta hôm nay, trong sự tự chế quyền tự do của mình vì tình yêu thương anh em.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Theo sự hiểu biết của một số tín hữu Cô-rinh-tô thì thần tượng là gì? Vì sự hiểu biết này, Phao-lô diễn giảng như thế nào?
- Với tri thức về thần tượng, một số tín hữu Cô-rinh-tô áp dụng thế nào trong sự ăn của cúng thần tuợng? Điều này đúng hay sai? Xin giải thích lý do câu trả lời? (c.7-12).
- Theo 8:1 Phao-lô nêu lên nguyên tắc nào trong việc sử dụng tri thức và tự do của người Cơ đốc? Nguyên tắc này cần thiết thế nào?
- Sự phạm tội cùng anh em (c.12) có nghĩa gì? Tại sao người phạm tội cùng anh em là phạm tội cùng Chúa?
- “Kẻ yếu đuối” hay kẻ “lương tâm yếu đuối” chỉ về người như thế nào?
- Nếu thần tượng là hư không thì tại sao cần kiêng cử đồ cúng? (c.13).
- Qua những lý do kiêng cử đồ cúng, chúng ta học biết người có đời sống trưởng thành thuộc linh có trách nhiệm gì đối với anh em đức tin còn non kém?