CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.02.2023
By Quản trị in NAM GIỚI on 4 Tháng Hai, 2023
Chúa nhật 05.02.2023
- Đề tài: SỰ TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH.
- Kinh Thánh: 1Tê 4:13-17; Phi-líp 3:20-21; 1Cô 15:55-57.
- Câu gốc: “Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn” (Khải 19:7).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 65-68.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Sự Tiếp Rước Hội Thánh”.
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Khi về trời, Chúa Giê-xu để môn đồ lại thế gian với lời hứa sẽ trở lại. Trong thế gian, Hội Thánh được ví sánh như vị hôn thê của Đấng Christ, chịu nhiều khổ nạn, bị bách hại của người đời vì cớ Danh Ngài. Cho nên trong trần gian, điều mong đợi lớn nhất của Hội Thánh là ngày Đấng Christ, vị hôn phu đến tiếp rước về trời.
Sự đón tiếp này sẽ xảy ra như thế nào? Có ý nghĩa gì đối với chương trình của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh?
- DẪN GIẢI.
- NGÀY TIẾP ĐÓN HỘI THÁNH.
- Hai ngày quan trọng.
- “Ngày Đức Giê-hô-va” hay “Ngày của Chúa”.
Trong Cựu uớc, từ “Ngày Đức Giê-hô-va” hay “Ngày của Chúa” được các tiên tri dùng để chỉ về ngày đoán xét của Đức Chúa Trời, ngày Chúa đổ thạnh nộ lớn trên tuyển dân
Y-sơ-ra-ên và dân ngoại (Giô-ên 1:15; 3:1-2; A-mốt 5:18;
Áp-đia 15; Sô-phô-ni 1:7-8; Xa-cha-ri 14:1; Ma-la-chi 4:5; Ê-sai 13:6; 34:2).
Trong Tân ước, từ “Ngày của Chúa” được Phao-lô dùng nói đến sự hiện ra của Chúa Giê-xu (1Tê 5:2). Các nhà giải kinh cho rằng từ này đồng nghĩa với “Ngày Đức Giê-hô-va” trong Cựu ước, tức chỉ về ngày Chúa giáng tai vạ trên thế gian (2Tê 2:1-4; Khải 3:10). Đó là ngày mà trong sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy bảy bát thạnh nộ đổ xuống đất (Khải 16).
- Ngày của Đức Chúa Giê-xuChrist (Phi-líp 1:6).
Chỉ về ngày Đấng Christ hiện đến giải cứu và tiếp đón Hội Thánh về nơi vinh hiển Ngài (1Tê 1:7-10; 4:16-17). Sự khác nhau giữa ngày của Đức Giê-hô-va và ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ có thể được thấy trong những điểm sau đây:
– Cả hai “Ngày của Đức Giê-hô-va” và “Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ” đều thuộc về tương lai.
– Ngày của Đức Giê-hô-va có liên quan đặc biệt với quốc gia Y-sơ-ra-ên và người chẳng tin trên đất. Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ có liên quan đặc biệt với người tin, tức là Hội Thánh Ngài trong thế gian.
– Ngày của Đức Giê-hô-va có tính cách khủng khiếp, run sợ. Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ có tính cách hân hoan, mừng rỡ.
Nói đến hai ngày quan trọng này, một vấn đề có thể nêu lên là: Hội Thánh sẽ được cất lên trời khi nào? Trước hay sau ngày của Đức Giê-hô-va?
Có ba quan điểm khác nhau về thời điểm của biến động Hội Thánh được cất lên trời.
(1) Quan điểm cuối cơn đại nạn: Cho rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trời sau thời gian đại nạn (Khải 3:10). Nghĩa là ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ sẽ đến sau ngày của Đức Giê-hô-va.
(2) Quan điểm giữa cơn đại nạn: Cho rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trời vào gần cuối của cơn đại nạn, là thời gian Antichrist hành quyền trên thế gian, và Hội Thánh sẽ phải trải qua một phần của sự bách hại như được nói đến trong Khải 7:9-17; 11:3-13. Điều đó có nghĩa là ngày của Đức Chúa
Giê-xu sẽ xảy ra giữa hoặc gần cuối ngày của Đức Giê-hô-va.
(3) Quan điểm trước cơn đại nạn: Cho rằng ngày Đức Giê-hô-va có liên quan với dân Do Thái mà thôi (Giê-rê-mi 30:7), còn Hội Thánh là những người được cứu chuộc trong Đấng Christ, nên cũng được giải cứu khỏi cơn đoán xét của Đức Chúa Trời (1Tê 5:9).
Sự khác nhau của ba quan điểm trên là do cách giải nghĩa khác nhau của các nhà giải kinh về tuần lễ thứ 70 trong sự hiện thấy của tiên tri Đa-ni-ên (9:24-27). Các nhà giải kinh theo văn tự cho rằng tuần lễ thứ 70 tức là thời dấy lên của Antichrist chỉ có liên quan đến tuyển dân Y-sơ-ra-ên mà thôi, nên tin rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trước ngày của Đức Giê-hô-va, tức trước kỳ đại nạn. Nhưng trong các nhà giải kinh Tin Lành cũng có một số tin rằng Hội Thánh sẽ trải qua một phần khổ nạn trong thế gian trước khi được tiếp về trời như lời Chúa Giê-xu đã nói trước về sự chịu khổ của Hội Thánh trong thế gian. Tuy nhiên Ngài cũng có lời hứa về sự giải cứu (Giăng 16:33; Khải 3:10).
Tóm lại, không thể xác định cách rõ ràng về thời điểm của ngày Đức Giê-hô-va, và ngày của Đấng Christ. Vì cả hai ngày này còn trong dự ngôn, chưa được ứng nghiệm. Tuy nhiên có nhiều dẫn chứng Kinh Thánh bày tỏ về ngày Đấng Christ sẽ đến trước khi Antichrist hành quyền trên đất, và Đức Thánh Linh dừng công việc của Ngài trong sự ngăn chận kẻ đại ác. Trong lời giải đáp của sứ đồ Phao-lô cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca khi họ nghĩ rằng ngày tai họa của Chúa đã đến, và lo sợ bị bỏ lại, cho chúng ta thấy Đấng Christ sẽ đến trước khi Antichrist cai trị thế gian (2Tê 1:5-7; 2:1-8). Vì vậy với niềm tin trong Lời Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Hội Thánh Chúa chắc sẽ được cứu trong ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời, và được tiếp đi với Đấng Christ trong sự vui mừng.
- CÁC BIẾN ĐỘNG TRONG SỰ TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH.
- Diễn biến về sự hiện đến của Chúa.
Sự hiện đến của Chúa để tiếp đón Hội Thánh sẽ xảy ra cách thình lình và nhanh chóng, với tiếng kêu lớn, tiếng của thiên sứ và tiếng kèn của Đức Chúa Trời (1Tê 4:16; Ma-thi-ơ 24:27). Tại sao xảy ra cách thình lình và nhanh chóng? Vì thì giờ Chúa đến là kín nhiệm, cho nên sự hiện đến của Chúa là điều không ai có thể biết trước. Sự thình lình và nhanh chóng này để cảnh tỉnh con cái Chúa chuẩn bị sẵn sàng đi với Chúa bất cứ lúc nào.
Ba tiếng kêu lớn mở đầu cho biến động hiện đến của Chúa có nghĩa gì?
– Tiếng kêu lớn, chỉ về tiếng gọi của mạng lệnh. Như tiếng kêu lớn của Chúa Giê-xu truyền lệnh cho La-xa-rơ ra khỏi mồ mả. Ngài là Đấng truyền lệnh người chết sống lại và làm nên sự đoán xét mọi người trong ngày sau rốt (Giăng 5:28-29).
– Tiếng của thiên sứ lớn: Thiên sứ lớn có thể ám chỉ thiên sứ trưởng Mi-chen (Giu-đe 9; Khải 12:7). Tiếng kêu của thiên sứ trưởng là tiếng gọi tập họp các thiên sứ để sẵn sàng thi hành mạng lệnh của Chúa. Điều này cho thấy thiên sứ đóng vai trò quan trọng trong sự nhóm họp người được chọn khắp mọi nơi trên đất khi Chúa hiện ra (Ma-thi-ơ 24:31).
– Tiếng kèn của Đức Chúa Trời: Đối với người Do Thái, tiếng kèn của Đức Chúa Trời được hiểu theo hai nghĩa: Chỉ về ngày đoán xét của Chúa, và cũng chỉ về ngày giải cứu của Chúa.
Tóm lại ba tiếng kêu nói trên đã diễn tả biến động diệu kỳ về sự đến của Chúa, với lời tuyên bố của Đức Chúa Trời, sự thể hiện của Đấng Christ và sự thừa hành của các thiên sứ thánh trong sự tiếp đón Hội Thánh về trời.
Về sự hiện đến của Chúa Giê-xu, một câu hỏi có thể nêu lên là: Ngài có ngự xuống mặt đất hay chỉ hiện ra trên không trung?
Trong 1Tê 4:16-17: “…Thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống… tại nơi không trung mà gặp Chúa”. Hai câu Kinh Thánh này ám chỉ trong sự tái lâm, Chúa Giê-xu từ trời (thiên đàng) hiện xuống nơi không trung và tại đó Hội Thánh được cất lên để gặp Chúa.
- Các biến động xảy ra khi Hội Thánh được cất lên.
Trong ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là sự hiện ra của Ngài, có năm biến động liên quan đến Hội Thánh:
- Người tin đã chết được sống lại.
Luật sự sống được nghiệm đúng cho người tin: Vì Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại (1Cô 15:20-23; 1Tê 4:16).
- Người tin còn sống được biến hóa.
Đây là lẽ mầu nhiệm được Phao-lô bày tỏ trong 1Cô-rinh-tô 15:51-52. Sự kiện xảy ra cách kỳ diệu chỉ “trong nháy mắt”. Chữ “nháy mắt” trong nguyên văn Hy Lạp là “atomos”, nghĩa đen là nguyên tử, chỉ về một thời gian thật nhỏ không thể phân chia. Người chết sống lại được mặc lấy thân thể vinh hiển thể nào thì người còn sống, thân thể cũng được biến hóa vinh hiển thể ấy. Đây là giờ phút vinh diệu nhất của người tin về sự giải cứu khỏi sự hư mất của thân thể để bước vào sự sống vĩnh viễn với Chúa. Đây là giờ phút ứng nghiệm hoàn toàn Lời Kinh Thánh: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” và sự đắc thắng này là do chính Chúa Giê-xu chúng ta (1Cô 15:55-57).
Trong sự sống lại của người tin, các thánh trong thời Cựu ước có được sống lại và cùng Hội Thánh được tiếp rước lên trời không?
Có hai quan điểm trả lời cho câu hỏi trên. Một số các nhà giải kinh cho rằng những người chết trong Chúa, hoặc là các thánh đồ trong thời Cựu ước hay người tin trong thời Tân ước đều được sống lại và được tiếp lên trời. Đó là “sự sống lại tốt hơn”, sự sống lại của người công nghĩa mà các thánh xưa hằng mong đợi bởi đức tin trong Đấng Christ (Hê 11:15-16, 35; Lu-ca14:14; Ê-phê-sô 4:8). Và Hội Thánh Đấng Christ gồm có những người tin, cả dân Do Thái lẫn người ngoại bang. Cho nên các thánh thời Cựu ước cũng được dự phần vào Hội Thánh Ngài.
Tuy nhiên, một số nhà giải kinh khác cho rằng, chỉ những người tin Chúa trong thời Tân ước được sống lại và được tiếp lên trời, còn các thánh trong thời Cựu ước sẽ sống lại vào thời điểm Đấng Christ tái lâm lập nước ngàn năm bình an (Đa-ni-ên 12:2-3; Ê-sai 26:19; Khải 20:3-5).
- Hội Thánh được cất lên trời để gặp Chúa (1Tê 4:17).
Động từ “cất lên” trong nguyên văn Hy Lạp là “harpazò”. Chữ này có nghĩa đen chỉ về sự cuốn đi của một cơn bão. Nghĩa bóng chỉ về sự tiếp lên trời để gặp Chúa và được Ngài đón tiếp. Đó là một đại gia đình sum họp, vui mừng và được sống bên Chúa mãi mãi. Điều này cho thấy Chúa Giê-xu thành tín với lời hứa của Ngài (Giăng 14:3).
- Chúa xét đoán công việc của tín đồ (2Cô 5:10).
Sự xét đoán không phải để hình phạt, nhưng để quở trách người bê trễ, và ban thưởng cho người trung tín hầu việc Chúa (1Cô 3:11-15).
- Lễ cưới Chiên Con (Khải 19:7-9).
Đây là cao điểm trong sự hiện ra của Đấng Christ. Trong trần gian, Hội Thánh là “Cô dâu”, được Đức Thánh Linh sửa soạn với những nét đẹp của sự tinh sạch tuyệt vời, và được trang điểm bởi chiếc áo công nghĩa sáng láng, để sẵn sàng ra mắt Tân lang trong lễ cưới Chiên Con. Đó là giờ phút Đấng Christ tiếp nhận Hội Thánh như món quà quí giá từ Chúa Cha, để Hội Thánh được trở nên “Vợ” yêu dấu của Ngài, được hưởng sự vinh hiển của Ngài mãi mãi, và cùng được trị vì với Ngài trong nước ngàn năm bình an (Khải 20:6).
- MỤC ĐÍCH CỦA SỰ TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH LÊN TRỜI.
- Để làm trọn sự cứu rỗi toàn diện của Ngài, gồm có sự cứu chuộc linh hồn khỏi quyền lực của tội lỗi trong hiện tại, và sự giải cứu thân thể khỏi sự chết trong tương lai (Rô-ma 8:23; Hê 9:28). Điều này thấy rõ trong sự khiến người tin đã chết sống lại, và biến hóa thân thể người tin còn sống.
- Để làm thành lời hứa về sự trở lại tiếp rước người tin vào trong Nước Ngài; và ban thưởng cho người trung tín hầu việc Ngài (Giăng 14:3; Khải 2:10; 22:12).
- Để làm vinh hiển Hội Thánh, như trong lễ cưới Chiên Con (Rô-ma 8:30).
Những điểm trên có liên quan đến chương trình Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh. Sự kiện tiếp rước Hội Thánh về trời để trở nên Tân phụ của Đấng Christ đánh dấu việc hoàn tất mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh, để bày tỏ sự giàu có của ân điển vô hạn Ngài trong Chúa Giê-xu, để Danh Ngài mãi mãi được tôn vinh, chúc tụng (Ê-phê-sô 2:6-7; Khải 5:13).`
Tóm lược
- Ngày Chúa hiện ra tiếp đón Hội Thánh cũng được gọi là ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ. Khác với ngày của Chúa hay là ngày Đức Giê-hô-va là ngày giáng thạnh nộ trên thế gian.
- Trong sự hiện đến của Chúa, trước hết Ngài hiện ra ở không trung để tiếp đón Hội Thánh.
- Có 5 biến cố xảy ra trong sự tiếp đón Hội Thánh. Người tin đã chết được sống lại trong thân thể được biến hóa, thân thể của người tin hiện sống sẽ được biến hóa, Hội Thánh được cất lên trời gặp Chúa, sự xét đoán và ban thưởng; và lễ cưới Chiên Con.
- Mục đích tiếp đón Hội Thánh là để giải cứu người tin khỏi sự chết của thân thể và bước vào sự sống vĩnh viễn.Để làm thành lời hứa về sự sắm sẵn chỗ ở cho người tin, và về sự ban thưởng cho người trung tín. Để làm cho Hội Thánh được vinh hiển trong quyền năng vô hạn của Đấng Christ.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- Giô-ên 1:15;3:1-2; A-mốt 5:18; Áp-đia 15; Sô-phô-ni 1:7-8; Xa-cha-ri 14:1; Ma-la-chi 4:5; Ê-sai 12:6; 34:2; 1Tê 5:1-2; 2Tê 2:1-4: “Ngày của Chúa” hay “Ngày của Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì?
- Phi-líp 1:6; 1Tê 1:7-10; 4:17: “Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ” có nghĩa gì?
- Qua ý nghĩa tìm thấy trên, chúng ta nghĩ Hội Thánh được tiếp lên trời trước ngày của Chúa hay sau ngày của Chúa?
- a. 1Tê 4:16; 5:2: Sự hiện đến của Chúa được xảy ra như thế nào? Tại sao?
- Thiên sứ đóng vai trò gì trong sự hiện đến của Ngài? (Ma-thi-ơ 24:31).
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau và ghi nhận những sự kiện xảy ra trong sự hiện đến của Chúa Giê-xu: 2Tê 4:16c, 1Cô 15:51-52, 1Tê 4:17, 2Cô 5:10, Khải 19:7-9.
- Xin tìm hiểu ý nghĩa của mỗi sự kiện xảy ra trong sự hiện đến của Chúa (Xem thêm Rô-ma 8:23; 1Cô 15:53-57; 1Tê 1:8-10; Khải Huyền 20:6).
- Cho biết mục đích của sự tiếp đón Hội Thánh (Hê 9:28; Rô-ma 8:30).
- Những mục đích trên cho thấy sự tương quan thế nào với mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh?
- Cho biết những điểm quan trọng về sự tiếp rước Hội Thánh về trời.
- Nếu Chúa đến hôm nay, bạn có được tiếp đi để gặp Chúa hay bị để lại? Vì sao bạn biết?